ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2144/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 05
tháng 9 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA THANH TRA SỞ XÂY DỰNG, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP
HUYỆN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRONG VIỆC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày
20/6/2012;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013
của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi
phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày
19/7/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày
27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu
tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng,
sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật;
kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp phép xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Nghị định số
139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ
trình số: 142/TTr-SXD ngày 02/8/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động
giữa Thanh tra Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã
trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, Ban, Ngành có liên quan tổ chức thực
hiện, kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị
trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- UBND xã, phường, thị trấn do UBND cấp huyện sao gửi;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN (VT- 75).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Hà
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA THANH TRA SỞ XÂY DỰNG, UBND CẤP HUYỆN VÀ UBND CẤP XÃ TRONG
VIỆC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2144/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2018 của
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm cụ thể và nội dung
phối hợp của Thanh tra Sở Xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây
gọi là UBND cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp
xã) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý trật tự xây dựng
trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã
và các tổ chức, cá nhân có liên quan có nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên
địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Quan hệ phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo quy định của pháp luật, nhằm đảm
bảo sự thống nhất và tránh chồng chéo trong việc quản lý trật tự xây dựng trên
địa bàn tỉnh.
2. Quy chế này xác định rõ trách nhiệm của cơ quan
chủ trì; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia, phối hợp với cơ quan chủ
trì theo chức năng nhiệm vụ được giao.
3. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm
quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ
lý đầu tiên thực hiện.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC KIỂM
TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ XÂY DỰNG
Điều 4. Trách nhiệm của Thanh
tra Sở Xây dựng
1. Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điểm b, Khoản
3, Điều 165 Luật Xây dựng ngày 18/6/2014: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng.
2. Thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo
giấy phép quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ
Xây dựng hướng dẫn về cấp phép xây dựng và Khoản 2, Điều 6 Quy định về cấp giấy
phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số
44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk: Lập kế hoạch thanh tra,
kiểm tra việc thực hiện trật tự xây dựng trên địa bàn và xử lý vi phạm hoặc đề
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan thanh tra, kiểm tra việc xây dựng trên cơ sở các quy định hiện
hành.
3. Chánh Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ xử lý, xử
phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 69, Điều 73 Nghị định số
139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản
làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động
sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở: Lập biên bản, xử phạt vi
phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
4. Thanh tra viên có trách nhiệm xử lý vi phạm trật
tự xây dựng đô thị theo quy định tại Điều 71 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày
27/11/2017 của Chính phủ.
Điều 5. Trách nhiệm của UBND cấp
huyện
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng
liên quan đến công tác kiểm tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 Luật Xây dựng
ngày 18/6/2014; Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng
dẫn về cấp phép xây dựng và Khoản 5, Khoản 6, Điều 15 Quy định về cấp giấy phép
xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số
44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ theo quy
định tại Điều 69, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ: Lập
biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện trách nhiệm quản
lý trật tự xây dựng đô thị, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn; xử lý,
xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 77 Nghị định số
139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, đồng thời:
a) Đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra Chủ tịch UBND cấp xã
trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng thuộc địa bàn; chịu trách nhiệm
trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa
bàn; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế,
nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.
b) Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc
phục hậu quả đối với công trình vi phạm do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng
hoặc tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm do UBND tỉnh và
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả.
c) Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện
cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng vi phạm theo quyết định của Chủ tịch
UBND cấp huyện và của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng.
d) Xử lý Chủ tịch UBND cấp xã và những cán bộ công
chức, viên chức dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy
ra vi phạm mà không xử lý kịp thời hoặc dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.
Điều 6. Trách nhiệm của UBND cấp
xã
1. Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 16
Quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo
Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
2. Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản
lý trật tự xây dựng, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định
tại Khoản 3 Điều 16 Quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
ban hành kèm theo Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh
và Điều 76 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ như sau:
a) Đôn đốc, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, xử
lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý cán bộ, công chức, nhân viên dưới quyền được
giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.
b) Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc
phục hậu quả đối với công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm
quyền xử lý (trừ những công trình thuộc thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng
của Chủ tịch UBND cấp huyện).
c) Tổ chức thực hiện cưỡng chế tất cả các công
trình xây dựng vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ
tịch UBND cấp huyện và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng;
d) Kiến nghị Chủ tịch UBND cấp huyện: Xử lý các trường
hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã; xử
lý cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị vi
phạm thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND cấp huyện.
3. Cán bộ, công chức, nhân viên quản lý xây dựng cấp
xã có trách nhiệm xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định tại Điều
69 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ: Lập biên bản, xử
phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; kiến nghị Chủ tịch
UBND cấp xã quyết định đình chỉ thi công xây dựng hoặc quyết định cưỡng chế phá
dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền.
Điều 7. Trách nhiệm của các tổ
chức, cá nhân có liên quan
1. Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế - Hạ tầng
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng
liên quan đến công tác kiểm tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số
07/2015/TTLT-BXD-BNV ngày 16/11/2015 của liên Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ và Điều
6 Quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm
theo Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
b) Tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện việc cấp,
gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng công trình và kiểm tra việc xây
dựng công trình theo giấy phép xây dựng do UBND cấp huyện cấp.
c) Tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức thực hiện việc
lập Quy chế quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các công trình
theo Quy chế quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt; tổ chức công bố công khai các quy chế quản lý quy hoạch xây dựng,
kiến trúc đô thị; cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng và kiến trúc; quản
lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng trên địa bàn;
e) Tham mưu cho UBND cấp huyện xử lý vi phạm trật tự
xây dựng thuộc thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Điều 30 Nghị định số
139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày
24/4/2018 của Bọ Xây dựng;
g) Chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự
xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý các cán bộ, công chức, nhân
viên dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG
LĨNH VỰC TRẬT TỰ XÂY DỰNG
Điều 8. Cơ quan chủ trì, phối hợp
quản lý trật tự xây dựng
1. Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình
trong công tác quản lý trật tự xây dựng, các cơ quan chủ trì phối hợp với các
cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về
trật tự xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trên địa
bàn.
2. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm xây dựng kế hoạch,
phương án và các biện pháp khác nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý trật tự
xây dựng; trường hợp đột xuất phải thông báo nhanh bằng văn bản hoặc bằng điện
thoại đến các cơ quan có liên quan để thực hiện quản lý trật tự xây dựng.
Điều 9. Trách nhiệm của Thanh
tra Sở Xây dựng
1. Thanh tra Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND
cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng để kiểm tra các công trình
xây dựng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án; Sở Xây dựng cấp
Giấy phép xây dựng. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, Thanh tra Sở Xây dựng xử lý
vi phạm hoặc chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
2. Khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin các công
trình vi phạm trật tự xây dựng phải kịp thời lập hồ sơ xử lý vi phạm, chuyển đến
cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định; đồng thời, có trách nhiệm chủ động
phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát
tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.
Điều 10. Trách nhiệm của UBND
cấp huyện
1. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi có công
trình xây dựng để kiểm tra các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền: Chủ tịch
UBND cấp huyện phê duyệt dự án hoặc Báo cáo kinh tế kỹ thuật; UBND cấp huyện cấp
Giấy phép xây dựng. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, UBND cấp huyện xử lý vi phạm
hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
2. Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng,
UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng để kiểm tra: Các công trình xây dựng được
miễn Giấy phép xây dựng theo quy định (trừ công trình do Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư; công
trình bí mật nhà nước). Nếu phát hiện hành vi vi phạm, UBND cấp huyện xử lý vi
phạm hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo,
đôn đốc UBND cấp xã và có kế hoạch phát huy vai trò của hệ thống chính trị tại
địa phương cùng tham gia phát hiện và xử lý các công trình xây dựng không phép
trên địa bàn. Khi phát hiện hoặc có thông tin về công trình vi phạm không phép
thì UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã kiểm tra, xử lý theo quy
định tại Khoản 2 Điều 10 của Quy chế này.
4. Tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm
hành chính trong hoạt động xây dựng trên địa bàn do các cấp có thẩm quyền ban
hành.
5. Chỉ đạo lực lượng phối hợp kịp thời với Thanh
tra Sở Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng trên địa bàn;
phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng
theo thẩm quyền; kịp thời cung cấp thông tin quy hoạch cho Thanh tra Sở Xây dựng
để làm cơ sở xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
6. Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành biện pháp
cần thiết, phù hợp thực tế, nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả; thông
tin về Sở Xây dựng những bất cập cần sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng.
7. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật
liên quan đến hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật đối với các
tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn, phòng ngừa hiệu quả các hành
vi vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Điều 11. Trách nhiệm của UBND
cấp xã
1. UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng chịu
trách nhiệm kiểm tra các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý, phê duyệt
dự án hoặc Báo cáo kinh tế kỹ thuật bằng nguồn vốn cấp xã. Nếu phát hiện hành
vi vi phạm, Chủ tịch UBND cấp xã xử lý vi phạm hoặc báo cáo Chủ tịch UBND cấp
huyện để xử lý vi phạm hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh
xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
2. UBND cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra, hoặc phối
hợp kiểm tra tất cả các trường hợp xây dựng trên địa bàn quản lý, kịp thời phát
hiện các công trình xây dựng không phép trên địa bàn; kịp thời phát hiện các
trường hợp vi phạm, lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho Thanh
tra Sở Xây dựng hoặc UBND cấp huyện kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. Tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm
hành chính trong hoạt động xây dựng trên địa bàn do các cấp có thẩm quyền ban
hành.
4. Chỉ đạo lực lượng phối hợp kịp thời với Thanh
tra Sở Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng
trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật về xây dựng theo thẩm quyền; kịp thời cung cấp thông tin quy hoạch cho
Thanh tra Sở Xây dựng để làm cơ sở xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
5. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật
liên quan đến hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật đối với các
tổ chức cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn, phòng ngừa hiệu quả các hành
vi vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Điều 12. Trách nhiệm của Ban
Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
1. Chủ động trong công tác kiểm tra, nhằm phát hiện
và ngăn chặn kịp thời các hành vi xây dựng trái phép thuộc thẩm quyền quản lý;
thông tin kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng cho Thanh tra Sở Xây dựng;
phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa
bàn thuộc quyền quản lý.
2. Tổ chức và phối hợp thực hiện các quyết định xử
lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng trên địa bàn do các cấp có thẩm
quyền ban hành.
3. Kịp thời cung cấp thông tin quy hoạch và các hồ
sơ vụ việc có liên quan cho Thanh tra Sở Xây dựng để làm cơ sở xử lý các công
trình vi phạm trật tự xây dựng.
4. Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành biện pháp
cần thiết, phù hợp thực tế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản
lý xây dựng cũng như việc thu hút đầu tư trong địa bàn quản lý.
5. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật
liên quan đến hoạt động xây dựng, để nâng cao nhận thức pháp luật đối với các tổ
chức, cá nhân hoạt động xây dựng trong địa bàn quản lý của các khu công nghiệp,
nhằm phòng ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Điều 13. Trách nhiệm của các Sở,
Ngành có liên quan
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Không giải quyết cấp Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa chỉ có công trình vi phạm trật tự xây dựng
cho các cá nhân, tổ chức theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện
hoặc Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong các trường hợp chưa chấm dứt hành vi vi
phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính và chưa thực hiện
xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây
ra.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Không giải quyết việc
giao đất, cho thuê đất, chứng minh quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đề nghị bằng
văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tại các địa
chỉ có công trình vi phạm trật tự xây dựng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức
trong trường hợp chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử
lý vi phạm hành chính và chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do
hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra.
3. Sở Giao thông và vận tải: Chỉ đạo lực lượng
Thanh tra Sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng công
trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy thuộc thẩm quyền
quản lý.
4. Kho bạc Nhà nước tỉnh và các huyện, thị xã,
thành phố: Có trách nhiệm thông báo kịp thời việc nộp phạt tiền của các cá
nhân, tổ chức vi phạm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gửi cho cơ
quan được giao trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính.
Chương IV
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Điều 14. Phối hợp trao đổi
thông tin
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm thông tin về Giấy phép
xây dựng đã cấp cho các công trình để UBND cấp huyện theo dõi.
2. UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thông tin
cho Thanh tra Sở Xây dựng về các công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây
dựng do Sở Xây dựng đã cấp khi phát hiện vi phạm.
3. UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin cho Thanh
tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện các công trình xây dựng được miễn Giấy phép
trên địa bàn mình quản lý.
4. Công an tỉnh có trách nhiệm thông tin về kết quả
phòng, chống các loại tội phạm về xây dựng về Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu
công nghiệp tỉnh để theo dõi, tổng hợp.
5. Khi nhận được thông tin có hành vi vi phạm hành
chính, đơn vị nhận được thông tin có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ
quan chủ trì xử lý vi phạm hành chính theo quy định đã nêu tại Chương II, Quy
chế này để kiểm tra, xử lý theo quy định. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm thông
báo bằng văn bản hoặc bằng điện thoại đối với các trường hợp khẩn cấp đến các
cơ quan có liên quan để phối hợp kiểm tra, xử lý.
Điều 15. Chế độ báo cáo
Các cơ quan chủ trì thực hiện đối với từng nội dung
theo Quy chế này có trách nhiệm báo cáo định kỳ kết quả thực hiện hàng tháng hoặc
đột xuất kết quả thực hiện theo quy định sau:
1. UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng
tháng cho Phòng Quản lý đô thị (Phòng Kinh tế - Hạ tầng) cấp huyện về công tác
quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Gửi báo cáo trước ngày 05 của tháng liền
kề.
2. UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo định kỳ
năm hoặc đột xuất cho Sở Xây dựng về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa
bàn. Gửi báo cáo trước ngày 10 tháng 12 của năm báo cáo và đột xuất kết quả thực
hiện theo quy định.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo định
kỳ năm hoặc đột xuất cho UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về công tác quản lý trật tự
xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc báo cáo thực hiện trước ngày 10 tháng 01 của
năm tiếp theo (đối với báo cáo năm) và đột xuất kết quả thực hiện theo quy định.
Sở Xây dựng chủ trì tiến hành giao ban, báo cáo và
đánh giá công tác phối hợp hoạt động theo quy định; đồng thời, chủ trì tiến
hành sơ kết, tổng kết công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, báo cáo
Chủ tịch UBND tỉnh.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm thực hiện
1. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp
huyện, Chủ tịch UBND cấp xã và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thực hiện Quy chế này.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và
báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện Quy chế này.
3. Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý
đô thị thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ có trách nhiệm giúp UBND cấp
huyện thực hiện nhiệm vụ chủ trì kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra các công trình
xây dựng được quy định tại Quy chế này và tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND cấp
huyện xử lý vi phạm hành chính hoặc báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện trình Chủ tịch
UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Điều 17. Việc sửa đổi, bổ sung
Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn,
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng
để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.