Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 172/2007/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 16/11/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 172/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 05 năm 1998;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 20 tháng 03 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 08 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Công tác phòng, chống thiên tai bao gồm: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển bền vững, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân, các tổ chức, cá nhân nước ngoài sống trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện việc phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

3. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải được lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực, quốc gia.

5. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai lấy phòng ngừa là chính, không ngừng nghiên cứu tác động của biến đổi của khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu để phòng, tránh.

6. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải phát huy và kế thừa kinh nghiệm truyền thống, đúc rút các bài học kinh nghiêm, kết hợp với kiến thức, công nghệ hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế.

II. NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên phạm vi cả nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

2. Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Từng bước hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai, nhất là ở cấp cơ sở thôn, bản, làng, xã.

3. Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải được thực hiện đồng bộ, theo giai đoạn và có trọng điểm, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Công tác khắc phục hậu quả phải kết hợp với khôi phục và nâng cấp, bảo đảm sự phát triển bền vững của từng vùng và từng lĩnh vực.

4. Đầu tư cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững. Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết; đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và toàn xã hội để đầu tư cho phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, thực hiện lợi dụng tổng hợp, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan môi trường.

5. Đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai từ nay đến năm 2020 nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn  hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Một số mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và các hiện tượng khí tượng, thuỷ văn nguy hiểm. Trọng tâm là nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới trước 72 giờ.

b) Bảo đảm các quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và khu dân cư trong vùng thường xuyên bị thiên tai phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống bão, lũ, thiên tai của từng vùng; gắn kết quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai để  phát triển bền vững.

c) Đảm bảo 100% cán bộ chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trên 70% số dân các xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

d) Hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước mắt từ nay đến năm 2010, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

đ) Chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn để chủ động ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra; bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn theo nội dung Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006.

e) Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra; nâng cao mức chống lũ của hệ thống đê các vùng duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; hoàn thành củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển trong cả nước để bảo vệ dân cư, phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển.

g) Bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, các hồ chứa có khu dân cư đông đúc hoặc cơ sở chính trị, kinh tế, văn  hóa, công trình quốc phòng, an ninh quan trọng ở hạ du.

h) Hoàn thành 100% việc xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

i) Hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc nghề cá; 100% tầu, thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc; ký hiệp ước cứu hộ, cứu nạn trên biển với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung

a) Xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách

- Nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống thiên tai trên cơ sở Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của đất nước. Ban hành các chính sách cứu trợ thiên tai cho từng vùng: sống chung với lũ, phân lũ, chậm lũ, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất,...

- Bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Có chính sách khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực.cho lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Lập quy hoạch, kế hoạch, phân vùng, đánh giá nguy cơ rủi ro thiên tai để từ đó có chính sách phù hợp cho những vùng, địa phương, các khu vực trọng điểm, làm cơ sở cho việc chủ động phòng tránh; ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình trong các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy chuẩn về dự báo thiên tai.

b) Hoàn thiện tổ chức

- Tiếp tục kiện toàn bộ máy chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương.

- Rà soát, bổ sung hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp của các Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương và các Bộ, ngành liên quan.

- Chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cấp các trụ sở làm việc đồng thời đầu tư trang thiết bị và công nghệ bảo đảm điều kiện làm việc cho các cơ quan chỉ đạo phòng, chống giảm nhẹ thiên tai ở các cấp.

- Khuyến khích thành lập các tổ chức hỗ trợ quản lý thiên tai, các cơ sở đào tạo, huấn luyện, các đơn vị dịch vụ công phục vụ cho phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

c) Xã hội  hóa và phát triển nguồn nhân lực

- Thực hiện chính sách xã hội  hóa đối với công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó: tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Xây dựng năng lực tự phòng ngừa thiên tai, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cứu trợ thiên tai. Tổ chức lực lượng tự ứng phó tự nguyện của cộng đồng để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong các hoạt động chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả. Phát triển lực lượng tình nguyện viên trong công tác tuyên truyền, vận động, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất... Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có các hình thức hỗ trợ đa dạng, hiệu quả cho người dân và địa phương bị thiên tai.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt nguồn nhân lực cho bộ máy tổ chức quản lý, tham mưu, điều hành công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

d) Nguồn tài chính

- Ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc đầu tư các dự án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và dự phòng để xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai. Dự trữ quốc gia được sử dụng cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong trường hợp cần thiết. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA cho các dự án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA không hoàn lại trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

- Nhà nước giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong việc đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp vào lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Nâng dần nguồn vốn ngân sách hàng năm cho việc tăng cường năng lực quản lý, thực hiện các dự án xây dựng mới, nâng cấp, tu bổ các công trình, các dự án quy hoạch, các dự án tăng cường trang thiết bị dự báo, cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất.

- Nhà nước có chính sách ưu tiên và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến kết hợp với các biện pháp truyền thống.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào việc cung cấp tài chính cho sự nghiệp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tiến hành các hoạt động nhân đạo và từ thiện đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai. Nghiên cứu xây dựng quỹ tự lực tài chính, quỹ bảo hiểm về thiên tai.

đ) Nâng cao nhận thức của cộng đồng

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đưa những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào chương trình giáo dục trong nhà trường, nhằm giáo dục cho học sinh hiểu và biết cách đối phó với các tình huống thiên tai; đồng thời hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng.

- Phát triển các chương trình tập huấn cho các đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, chú trọng tới cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch, cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở.

e) Phát triển khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

- Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Hiện đại hóa hệ thống thông tin cảnh báo sớm từ trung ương đến các vùng, miền và địa phương. Chú trọng các hình thức thông tin liên lạc có hiệu quả, nhất là ở vùng núi, vùng biển, vùng sâu, vùng xa.

- Nhà nước khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc; nâng cao năng lực nghiên cứu theo dõi các biến đổi của trái đất, các biến động của tự nhiên trong khu vực và lãnh thổ; khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Từng bước phát triển các chuyên ngành khoa học về thiên tai: tình trạng khẩn cấp, quản lý thiên tai, phát triển bền vững, y tế thảm họa, phục hồi sản xuất và môi trường sau thiên tai.

g) Củng cố hệ thống đê điều, hồ đập

- Xây dựng, củng cố và nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển ở mức thiết kế phù hợp, kết hợp sử dụng đa mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Chú trọng nâng cao chất lượng thân đê, chống xuống cấp, xoá dần các vị trí xung yếu ở nền đê, cống dưới đê; hoàn thiện mặt cắt đê theo thiết kế, cứng  hóa mặt đê kết hợp với giao thông nông thôn.

Tăng cường đầu tư cho trồng cây phòng hộ đê điều, việc chăm sóc bảo vệ cây phòng hộ là nhiệm vụ thường xuyên của bảo vệ đê điều.

- Rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng nâng cao khả năng thoát lũ của các công trình phân lũ, chậm lũ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình hồ chứa nước, sửa chữa và nâng cấp, bổ sung, các công trình tràn sự cố để đảm bảo an toàn cho đập; hoàn thiện các quy trình vận hành để công trình sử dụng đa mục tiêu, đặc biệt là các hồ chứa lớn tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ lưu và cấp nước trong mùa kiệt.

h) Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn

Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng nhân dân địa phương; tổ chức thường xuyên diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đối với các ngành, các địa phương. Chú trọng bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; nâng cao khả năng ứng cứu tại chỗ cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển.

i)  Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế

Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế trong công tác cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các bài học thực tiễn, tiến tới xây dựng các thỏa thuận, các hiệp định hợp tác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn; hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Chương trình hành động Hyogo và các chương trình khác; hợp tác với các nước trong khu vực về quản lý khai thác bảo vệ tài nguyên nước.

2. Nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho từng vùng

a) Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thực hiện phòng, chống lũ triệt để; đồng thời chủ động phòng, chống bão, hạn hán, nước biển dâng... tập trung tiến hành đồng thời các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Tăng cường khả năng chống lũ cho hệ thống đê sông, thực hiện đồng bộ các nội dung: lập quy hoạch phòng, chống lũ cho các hệ thống sông, rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống đê, làm cơ sở cho công tác xây dựng, tu bổ, quản lý, bảo vệ đê điều, cải tạo và nâng cấp công trình dưới đê, xử lý những khu vực nền đê yếu, cứng  hóa mặt đê kết hợp giao thông nông thôn.

- Tiếp tục xây dựng mới các hồ chứa nước, lập quy trình vận hành các hồ chứa lớn đã xây dựng tham gia điều tiết cắt giảm lũ, điều tiết dòng chảy mùa kiệt để chống hạn và chống xâm nhập mặn; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.

- Tăng cường khả năng thoát lũ của lòng sông bao gồm: giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; nạo vét lòng dẫn và hoàn thiện các phương án phân lũ.

- Đối với các tỉnh ven biển, thực hiện chương trình khôi phục và nâng cấp đê biển, trồng cây chắn sóng và trồng rừng phòng hộ ven biển. Trồng cỏ chống xói mòn thân đê, xây dựng công trình phòng, chống xói lở.

b) Vùng duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và hải đảo

Phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng ven biển miền Trung và miền Đông Nam Bộ là "Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển", tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch; quy hoạch, xây dựng công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, công trình hạ tầng giao thông bảo đảm chống ngập và tiêu thoát lũ.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù thiên tai của vùng và tận dụng được điều kiện tự nhiên thuận lợi trên đất liền, trên biển để phát triển; chống sự xâm lấn của các cồn cát vào vùng đồng bằng, chống hoang mạc hóa.

- Thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đê điều, tận dụng và bảo tồn các cồn cát tự nhiên để ngăn sóng thần, ngăn nước biển, ngăn mặn; xây dựng các hồ chứa, tăng cường trồng rừng, triển khai các giải pháp tăng cường dòng chảy mùa kiệt và nước ngầm, tăng cường các công trình thủy lợi để chống hạn, chống úng; xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nạo vét luồng lạch; xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền, nâng cấp và phát triển các trạm thông tin ven biển phục vụ cảnh báo bão, nước biển dâng và sóng thần.

- Tăng cường nghiên cứu đề xuất các giải pháp chống bồi lấp cửa sông, nạo vét lòng dẫn tăng cường khả năng thoát lũ, kết hợp giao thông thuỷ.

c) Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là “Sống chung với lũ” đảm bảo an toàn để phát triển bền vững; đồng thời, chủ động phòng tránh bão, giông, lốc, chống xâm nhậm mặn, hạn hán, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Lập quy hoạch kiểm soát lũ, chủ động phòng tránh lũ, sử dụng hợp lý tài nguyên đất, rừng và các điều kiện tự nhiên thuận lợi trong vùng.

- Giải pháp cụ thể về kiểm soát lũ và ngăn mặn bao gồm: xây dựng cụm tuyến dân cư, cơ sở hạ tầng vượt lũ, tăng cường khả năng thoát lũ của hệ thống kênh rạch, thực hiện các chương trình xây dựng đê biển, đê cửa sông, đê bao, bờ bao, các hồ điều hòa, các công trình ngăn mặn giữ ngọt.

- Chủ động khai thác mặt lợi của lũ, nghiên cứu đầu tư khai thác tài nguyên môi trường nước nổi, tận dụng phù sa, thau chua, rửa mặn, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, du lịch sinh thái, các hoạt động văn hóa thể thao đặc thù của vùng thường xuyên ngập lũ.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong lưu vực sông Mê Kông khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước. Tiếp tục phối hợp với các nước vùng thượng lưu nghiên cứu các giải pháp phòng, chống lũ, duy trì dòng chẩy mùa kiệt để ngăn mặn, giữ ngọt, các giải pháp đối phó với yếu tố nước biển dâng.

d) Khu vực miền núi và Tây Nguyên

Phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực miền núi và Tây Nguyên là "Chủ động phòng tránh", tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Lập bản đồ vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, tai biến địa chất; lập quy hoạch dân cư, chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý việc khai thác khoáng sản tránh gây tác động xấu đến môi trường và tăng nguy cơ về sạt lở đất; trồng và khai thác rừng hợp lý.

- Lắp đặt hệ thống cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc tới cấp thôn, bản; xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, lũ quét; mở rộng khẩu độ các  cầu, cống trên các tuyến đường giao thông đảm bảo thoát lũ, xây dựng hệ thống hồ kết hợp chống lũ, chống hạn.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về cảnh báo, dự báo thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với các nước có chung đường biên giới.

đ) Trên biển

Phương châm phòng, chống thiên tai trên biển là “Chủ động phòng, tránh” đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền, khai thác các nguồn lợi phát triển kinh tế biển, tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Xây dựng hệ thống quản lý các phương tiện, tầu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là quản lý tầu thuyền đánh bắt hải sản và ngư dân trên biển trước và trong khi thiên tai đang xảy ra.

- Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc kết hợp truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai tới tàu thuyền và công trình trên biển. Xây dựng lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng bán chuyên trách của ngư dân trên các tầu, thuyền.

- Tăng cường hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực về dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc, tìm kiếm, cứu nạn, tạo điều kiện cho tầu, thuyền tránh trú bão, khai thác hợp lý, an toàn các nguồn lợi trên biển.

V. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu từ nay đến năm 2020 như sau:

1. Đối với biện pháp phi công trình

a) Chương trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:

- Xây dựng Luật Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.

- Ban hành các chính sách cứu trợ, chống đầu cơ tăng giá, phục hồi sản xuất và môi trường sau thiên tai.

- Ban hành các chính sách hỗ trợ những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai.

- Thành lập Quỹ tự lực tài chính về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong một số lĩnh vực.

b) Chương trình kiện toàn tổ chức bộ máy:

- Hàng năm kiện toàn bộ máy chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các cấp.

- Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Thành lập các tổ chức hỗ trợ quản lý thiên tai.

c) Chương trình lập và rà soát quy hoạch

- Lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, bão, nước biển dâng, động đất, sóng thần, phân vùng ngập lụt, đánh giá rủi ro do lũ, hạn hán.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch phòng, chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, đồng bằng sông Cửu Long, các sông thuộc khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

- Rà soát bổ sung quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ lũ quét và trượt lở đất cho các địa phương miền núi, vùng có nguy cơ sạt lở vùng bờ sông, cửa sông, ven biển.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đê biển và ven biển.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch quản lý, khai thác tổng hợp các lưu vực sông.

d) Chương trình nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ cho đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, các sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, động đất, cảnh báo sóng thần.

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét cho các tỉnh miền núi.

đ) Chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng

- Đưa kiến thức về thiên tai vào chương trình cho học sinh phổ thông.

- Đào tạo và tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho cộng đồng trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

- Tổ chức thông tin và tuyên truyền về các hình thái thiên tai và biện pháp phòng, chống trên các hệ thống thông tin đại chúng.

e) Chương trình trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn

- Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020.

- Chú trọng phát triển, khai thác lâm sản (ngoài gỗ) có giá trị kinh tế trong khu rừng phòng hộ để người dân được hưởng lợi trong việc bảo vệ rừng phòng hộ.

- Trồng cây chắn sóng cho hệ thống đê điều.

g) Chương trình tăng cường năng lực quản lý thiên tai và ứng dụng khoa học công nghệ

- Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thiên tai từ trung ương đến địa phương và lực lượng tìm kiếm, cứu nạn.

- Rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn xây dựng công trình phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật và sử dụng vật liệu mới vào phục vụ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

- Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc và tổ chức quản lý đối với các tầu, thuyền hoạt động trên biển.

- Xây dựng chương trình đảm bảo an toàn cho trẻ em, người già yếu và tàn tật tại những vùng thường xảy ra thiên tai.

- Tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

2. Đối với biện pháp công trình

- Chương trình rà soát, nâng cấp, xây dựng công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương.

- Chương trình xây dựng các hồ chứa nước, xây dựng quy trình điều hành các hồ chứa để khai thác hiệu quả nguồn nước và tham gia cắt lũ.

- Chương trình mở rộng khẩu độ cầu, cống trên hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt bảo đảm thoát lũ.

- Chương trình xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở.

- Chương trình nâng cấp hệ thống đê điều, cải tạo, nâng cấp các cống dưới đê, cứng  hóa mặt đê từ cấp 3 trở lên.

- Chương trình xây dựng các khu neo đậu cho tầu, thuyền tránh, trú bão.

- Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và tránh bão.

Danh mục các chương trình, đề án, dự án, đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp, thời gian thực hiện, được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

VI. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

Các nội dung đánh giá việc thực hiện chiến lược, bao gồm:

- Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

- Cơ cấu tổ chức phòng, chống thiên tai các cấp (4 cấp).

- Năng lực tìm kiếm, cứu nạn của các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách.

- Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch tổng thể, từng dự án cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương.

- Công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Về sự tham gia của cộng đồng đối với việc xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương.

- Khả năng tự phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

- Hiệu quả của các công trình phòng, chống thiên tai.

- Phát triển bền vững của từng vùng, địa phương trước tác động của thiên tai.

- Hiệu quả đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai.

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai.

- Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành, địa phương; làm đầu mối quốc gia liên hệ với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này.

- Trên cơ sở các danh mục đề án, dự án tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết đinh này, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, xác định rõ những nội dung cần ưu tiên, phân định nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng năm, 5 năm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh nội dung, giải pháp trong Chiến lược cho phù hợp.

2. Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược liên quan đến Bộ, ngành, địa phương mình có hiệu quả.

 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và các Bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn tài trợ khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược.

4. Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện các nội dung của Chiến lược, trong đó chú trọng hoàn thành kế hoạch tu bổ và xây dựng các công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của địa phương, tổ chức các lực lượng tham gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, có kế hoạch, phương án bảo vệ dân; đồng thời, lồng ghép các nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:  
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- H
ĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- V
ăn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- V
ăn phòng Chủ tịch nước;
- Hội
đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- V
ăn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;  
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục,
đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b). A.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 


PHỤ LỤC 1:

DANH MỤC DỰ ÁN BAN HÀNH KÈM THEO CHIẾN LƯỢC PHÒNG, CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 19  tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Nội dung đề tài, dự án

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Ghi chú

I.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1.

Luật Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2010 - 2012

 

2.

Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật liên quan

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

3.

Ban hành các chính sách cứu trợ, phục hồi sau thiên tai

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

4.

Ban hành các chính sách hỗ trợ vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

5.

Thành lập Quỹ tự lực tài chính về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

Bộ Tài chính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan

2007 - 2020

 

6.

Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong một số lĩnh vực

Bộ Tài chính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan

2007 - 2020

 

II.

KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY

1.

Kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo, chỉ huy phòng chống và giảm nhẹ thiên tai các cấp

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

2.

Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

3.

Nghiên cứu thành lập các tổ chức hỗ trợ quản lý thiên tai

Bộ Nội vụ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

III.

BIỆN PHÁP PHI CÔNG TRÌNH

 

Chương trình lập và rà soát quy hoạch

1.

Lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2010

 

2.

Lập bản đồ phân vùng ngập lụt đánh giá rủi ro do lũ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2010

 

3.

Lập bản đồ phân vùng đánh giá rủi ro do hạn hán

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2012

 

4.

Lập bản đồ xác định nguy cơ động đất và sóng thần

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2015

 

5.

Lập bản đồ xác định nguy cơ bão và nước dâng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2010

 

6.

Lập bản đồ xác định nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2010

 

7.

Rà soát, bổ sung quy hoạch phòng, chống lũ đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

8.

Rà soát, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ cho các sông thuộc khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

9.

soát, bổ sung quy hoạch phòng, chống lũ cho các sông thuộc khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

10.

Rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

11.

Rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bờ biển và ven biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

12.

Rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ lũ quét và trượt lở đất cho các địa phương miền núi

Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

5 năm/1 lần

 

13.

Rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ sạt lở vùng bờ sông, cửa sông, ven biển

Ủy ban nhân dân các tỉnh

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ

5 năm/1 lần

 

14.

Rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

15.

Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai

Bộ Xây dựng

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

16.

Rà soát, bổ sung quy hoạch quản lý, khai thác tổng hợp lưu vực sông

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

5 năm/1 lần

 

 

Chương trình nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo

17.

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo bão

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

18.

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ cho đồng bằng sông Hồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

19.

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ cho đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

20.

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ các sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

21.

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét cho các tỉnh miền núi

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

22.

Tăng cường năng lực báo tin động đất, cảnh báo sóng thần

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

 

Chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng

23.

Đưa kiến thức về thiên tai vào chương trình cho học sinh phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

24.

Đào tạo và tập huấn về thiên tai cho một số cộng đồng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Ban Chỉ huy PCLB các cấp, Ban Chỉ đạo PCLBTW

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

thường xuyên hàng năm

 

25.

Tổ chức thông tin và tuyên truyền về thiên tai thông qua hệ thống thông tin đại chúng

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

 

Chương trình trồng và bảo vệ rừng phòng hộ

26.

Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

27.

Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê điều

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

 

Chương trình tăng cường năng lực quản lý thiên tai và ứng dụng khoa học công nghệ

28.

Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thiên tai từ Trung ương đến địa phương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

29.

Tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn

Bộ Quốc phòng

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

30.

Rà soát, bổ sung các quy chuẩn xây dựng công trình phù hợp với thiên tai của từng vùng

Bộ Xây dựng

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2010

 

31.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật và sử dụng vật liệu mới vào phục vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

32.

Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc và tổ chức quản lý đối với các tầu, thuyền hoạt động trên biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2010

 

33.

Xây dựng chương trình đảm bảo an toàn cho trẻ em, người già yếu và tàn tật tại những vùng có thiên tai

Các địa phương

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

thường xuyên hàng năm

 

34.

Tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

thường xuyên hàng năm

 

 

 

IV.

BIỆN PHÁP CÔNG TRÌNH

1.

Chương trình rà soát, nâng cấp, xây dựng công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với quy chuẩn thiết kế và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

thường xuyên hàng năm

 

2.

Chương trình xây dựng các công trình phòng chống sạt lở

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

Các Bộ, ngành liên quan

thường xuyên hàng năm

 

3.

Chương trình hoàn thiện và nâng cấp đê biển

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2015

 

4.

Chương trình xây dựng hệ thống công trình ngăn mặn, giữ ngọt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

5.

Chương trình xây dựng hệ thống các khu neo đậu cho tầu, thuyền tránh trú bão

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2015

 

6.

Chương trình nâng cấp đê hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2015

 

7.

Chương trình mở rộng khẩu độ cầu, cống trên hệ thống đường bộ, đường sắt bảo đảm thoát lũ

Bộ Giao thông vận tải

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

8.

Tiếp tục xây dựng các hồ chứa nước điều tiết dòng chẩy và tham gia cắt lũ

Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan

2007 - 2020

 

 


PHỤ LỤC 2 :

THIÊN TAI VÀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG GIẢM NHẸ THIÊN TAI Ở VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 19  tháng 11  năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

I. THIÊN TAI Ở VIỆT NAM

1. Bối cảnh chung

Trên phạm vi toàn cầu, trong vài thập kỷ gần đây, thiên tai xảy ra với mức độ ngày càng trầm trọng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động của con người như phát triển công nghệ, đô thị  hóa, bùng nổ dân số, suy thoái tài nguyên môi trường đã làm gia tăng mức độ, hậu quả do thiên tai gây ra. Trong hai thập kỷ qua, trên thế giới, trung bình mỗi năm có hơn 200 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những thảm họa do thiên tai gây ra.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai. Trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn  hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 10 năm gần đây (1997 - 2006), các loại thiên tai như: bão, lũ, hạn hán và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích gần 7.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP. Mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường.

2. Đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội Việt Nam

a) Vị trí địa lý và điều kiện địa hình

Lãnh thổ Việt Nam trải dài trên 15 độ vĩ Bắc (từ 8 độ 30 phút đến 23 độ 20 phút) và 7 độ kinh đông (từ 102 độ 10 phút đến 109 độ 20 phút), phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia, phía Đông và Nam giáp với biển Đông.

Việt Nam có tổng diện tích đất liền là 329.241 km2, bờ biển dài 3.260 km, trung bình cứ 100 km2 có 1 km bờ biển, nơi có chiều rộng lớn nhất khoảng 600 km, nơi có chiều rộng hẹp nhất khoảng 50 km.

Địa hình Việt Nam tương đối đa dạng: núi, sông, cao nguyên, đồng bằng, bờ biển, bán đảo, đảo. Đồi núi và cao nguyên chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ. Các dãy núi thường có hướng Tây Bắc - Đông Nam gần vuông góc với hướng gió mùa Đông Bắc - Tây Nam. Nhiều dãy núi song song chia cắt lãnh thổ tạo thành những sông có hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phần lớn các sông đều đổ ra biển Đông. Địa hình núi cao, sườn dốc lớn, độ chia cắt mạnh, phân bố rải rác khắp lãnh thổ với mạng lưới sông dày đặc.

Đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ, bao gồm các khu vực như: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Trung Bộ, đồng bằng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam được phân chia thành 7 vùng kinh tế và tiểu khí hậu, gồm: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Với đặc điểm như trên, Việt Nam thường xuyên chịu tác động của bão, lũ và các loại thiên tai khác.   

b) Địa chất thổ nhưỡng và lớp phủ thực vật

Bắc Bộ là vùng có cấu tạo địa chất phức tạp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Miền núi phía Bắc có 1/3 diện tích là đá với tầng phong  hóa mỏng, nghèo dinh dưỡng, ít hấp thụ nước. Loại đất đen thường phân bổ ở các vùng đá vôi nhiều can xi và magiê. Đồi núi chiếm 80% diện tích Bắc Bộ. Tỷ lệ rừng bao phủ ở khu vực này thấp nhất trong toàn quốc. Riêng vùng núi và trung du Bắc Bộ hiện còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc. Diện tích đất phù sa của đồng bằng sông Hồng chỉ chiếm 14% tổng diện tích toàn vùng Bắc Bộ. Loại đất phù sa cổ ở khu vực này thường có màu vàng nâu, ít sét, trữ nước kém, dễ bị hạn và xói mòn.

Bắc Trung Bộ có diện tích đồi núi chiếm tỷ lệ lớn, đồng bằng nhỏ hẹp, chỉ có rất ít đất phù sa. Các loại đất thường gặp ở khu vực này là: đất màu vàng nhạt trên núi cao, đất đỏ, đất nâu đỏ, đất đỏ vàng, đất xám bạc màu, đất dễ bị xói mòn. Tỷ lệ rừng bao phủ của Bắc Trung Bộ đạt 28%. Diện tích đất trống, đồi núi trọc trong vùng chiếm 3,4% diện tích đất tự nhiên.

Nam Trung Bộ có cấu tạo địa chất phức tạp và đa dạng với nhiều loại đất như: đất phù sa, đất cát ven biển, đất bạc màu... Tỷ lệ bao phủ rừng ở khu vực này tương đối cao (34,5%).

Tây Nguyên cấu tạo địa chất gồm hai loại tầng phủ: tầng phủ mềm và tầng phủ phong  hóa. Đất phù sa ở khu vực này chỉ chiếm 2,8% diện tích đất tự nhiên, đất đen chiếm 1,86%, đất xám bạc màu chiếm 10%. Riêng đất đỏ vàng chiếm tỷ lệ lớn: 68,2%. Tỷ lệ rừng bao phủ ở Tây Nguyên đạt gần 60%.

Đông Nam Bộ có cấu tạo địa chất tương tự như Tây Nguyên với hai loại thổ nhưỡng chính là đất xám và đất đỏ. Tỷ lệ bao phủ của rừng ở khu vực này khoảng 19,5%. 

Đồng bằng sông Cửu Long có cấu tạo địa chất tương đối thuần nhất, đất phù sa chiếm 31,4% diện tích đất tự nhiên, đất phèn chiếm 41,1%, đất mặn chiếm 19,1% và đất xám chiếm 3,5%...

Nhìn chung cấu tạo địa chất trên toàn lãnh thổ Việt Nam tương đối ổn định, với nhiều dãy núi cao phân bố rải rác ở các vùng, chia cắt lãnh thổ bằng những hệ thống sông dày đặc. Khu vực Tây Bắc còn có động đất với cấp độ thấp và không thường xuyên. Địa hình núi cao, dốc lớn dễ gây nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

c) Khí hậu

Nhiệt độ có sự chênh lệch cao giữa các vùng, các mùa trong từng vùng cũng như giữa các thời điểm trong ngày của mỗi vùng... ở miền Bắc, khí hậu phân làm 4 mùa rõ rệt, phía Nam chỉ có mùa khô và mùa mưa, ở Trung bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam.

Lượng bốc hơi lớn, không đều giữa các vùng của Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có lượng bốc hơi cao nhất.

Độ ẩm cao và có sự chênh lệch giữa các vùng, các mùa. Vùng Nam Bộ thường có độ ẩm thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước.

Mưa: Việt Nam nằm ở rìa Đông Nam Á, tiếp cận với hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chịu sự chi phối của các khối không khí lục địa và đại dương. Lượng mưa hàng năm lớn, phân bố không đều. Lượng mưa trung bình năm khoảng 2.000 mm. Trung Trung Bộ là nơi có lượng mưa bình quân/năm lớn nhất, thấp nhất là vùng Nam Trung Bộ.

d) Thuỷ văn

Do địa hình đồi núi chia cắt nên lãnh thổ Việt Nam có mạng lưới sông dày đặc. Có 2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên, có 13 hệ thống sông có diện tích lưu vực từ 3.000 km2 trở lên, trong đó 9 hệ thống sông có diện tích lưu vực trên 10.000 km2 là các sông: Mê Kông, sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Ba, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và sông Thu Bồn.

Mạng lưới sông Việt Nam có tổng diện tích lưu vực hứng nước là 1,167 triệu km2, trong đó có 835.000 km2 nằm ngoài lãnh thổ (71,5%), có tổng lượng nước trung bình nhiều năm 835 tỷ m3, trong đó lượng nước phát sinh trên lãnh thổ là 313 tỷ m3 chiếm 37,5%.

đ) Điều kiện kinh tế, xã hội

Sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị  hóa nhanh chóng đã gây sức ép nặng nề, làm suy thoái tài nguyên và môi trường. Dân số cả nước hiện có hơn 85 triệu người, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có 100 triệu dân (báo cáo tại APEC 2006). Sự gia tăng nhanh dân số tại những vùng có tiềm năng phát triển sản xuất đã dẫn tới tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác; xuất hiện hiện tượng lấn chiếm dòng chảy, chiếm dụng các khu vực cửa sông, ven biển, ven suối; khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi; chặt phá rừng, đốt rừng, gia tăng rác thải... Đây chính là những tác nhân gây hạn chế dòng chảy, nghèo nàn đất, ô nhiễm môi trường, làm cho các hồ chứa bị bồi lấp, gây trượt lở đồi núi và lũ bùn đá... tăng nguy cơ xuất hiện các loại hình thiên tai.

Sự tăng trưởng về kinh tế bình quân hơn 7%/năm trong suốt thập kỷ 90 và sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh hơn nữa trong 2 thập kỷ tiếp theo. Trong quá trình phát triển, nếu không có sự lồng ghép với chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thì có thể dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái dẫn đến gia tăng các rủi ro thiên tai và phát triển không bền vững.

3. Các loại thiên tai chủ yếu ở Việt Nam

a) Bão

Việt Nam nằm ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là một trong những vùng bão với số lượng lớn và cường độ mạnh với xu thế ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong 3 thập kỷ gần đây. Bão là một trong những loại hình thiên tai chủ yếu và nguy hiểm ở Việt Nam, trong vòng hơn 50 năm (1954 - 2006) đã có 380 trận bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó 31% đổ bộ vào Bắc Bộ, 36% đổ bộ vào Bắc và Trung Trung Bộ, 33% đổ bộ vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Bão vào thường gặp lúc triều cường nước biển dâng cao, kèm theo mưa lớn kéo dài, gây lũ lụt. Có tới 80 - 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. 

b) Lũ lụt

Lũ các sông Bắc Bộ

Sông Hồng và sông Thái Bình có diện tích lưu vực 164.300 km2 trong đó phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam là 87.400 km2 bao gồm 23 tỉnh, thành phố, chiếm 75,7% diện tích tự nhiên của toàn Bắc Bộ.

Mùa lũ trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thường xuất hiện sớm so với các vùng khác, từ tháng 5 đến tháng 9. Trung bình mỗi năm có từ 3 đến 5 trận lũ xuất hiện trên lưu vực này. Tùy theo quy mô của trận lũ mà có thời gian kéo dài từ 8 - 15 ngày. Những trận lũ lớn trên sông Hồng do 3 sông là sông Đà, sông Thao, sông Lô tạo thành. Trong đó sông Đà có vai trò quyết định và thường chiếm tỷ lệ 37% - 69% lượng lũ ở Sơn Tây (bình quân 49,2%), sông Lô chiếm tỷ lệ lượng lũ 17- 41,5% (bình quân là 28%), sông Thao chiếm tỷ lệ ít nhất 13 - 30% (trung bình 19%). Lũ sông Thái Bình do 3 sông Cầu, Thương, Lục Nam và một phần nước từ sông Hồng qua sông Đuống.

Biên độ mực nước lũ trên hệ thống sông Hồng dao động mạnh, tại Hà Nội dao động ở mức trên 10 m. Dao động mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức trên 6 m.

Lũ các sông miền Trung

Các sông từ Thanh  hóa đến Hà Tĩnh, mùa lũ xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Các sông này lũ tập trung chủ yếu trong dòng chính vì có hệ thống đê ngăn lũ, biên độ dao động trên 7 m với hệ thống sông Mã, trên 9 m với hệ thống sông Cả.

Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, mùa lũ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 12. Đây là khu vực có hệ thống sông ngắn, dốc, lũ lên nhanh, xuống nhanh. Các sông ở khu vực này có hệ thống đê ngăn lũ thấp hoặc chưa có đê. Nước lũ không chỉ chảy trong dòng chính mà còn chảy tràn qua đồng bằng, biên độ dao động trên 8 m.

Lũ các sông khu vực Tây Nguyên

Khu vực này không có các hệ thống sông lớn, lượng mưa trung bình năm nhỏ, phạm vi ảnh hưởng hẹp, thường mang đặc điểm lũ núi, lũ quét, biên độ lũ tại cầu Đabla trên sông Đabla ở mức 10m.

Lũ các sông miền Đông Nam Bộ

Do cường độ mưa không lớn, có lớp phủ thực vật và rừng nguyên sinh phong phú nên lũ trên sông Đồng Nai thường không lớn nhưng thời gian ngập lũ kéo dài. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng đã có những trận lũ đột biến với cường độ mạnh khác thường như đã xảy ra vào tháng 10 năm 1952, lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất tại Biên Hòa là 12.500 m3/s.

Lũ các sông đồng bằng sông Cửu Long

Lũ chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều kết hợp với khả năng điều tiết của Biển Hồ. Lũ diễn biến chậm, kéo dài trong suốt khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng trong năm, làm ngập hầu hết toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Lũ quét, lũ bùn đá

Lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng đồi núi, nơi có độ dốc lớn, cường độ mưa lớn mà đường thoát nước bất lợi. Lũ quét cũng có thể xảy ra do vỡ hồ chứa nhỏ, sạt lở đất lấp dòng chảy... Lũ quét đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra hầu khắp tại 33 tỉnh miền núi trong cả nước thuộc 4 vùng: vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Do sự biến đổi của khí hậu trong những năm gần đây, lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta, bình quân có từ 2 đến 4 trận lũ quét xảy ra trong mùa lũ hàng năm. Có những nơi lũ quét xảy ra nhiều lần ở cùng một địa điểm. Lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng rất khốc liệt và thường gây những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Các trận lũ quét điển hình như: trận lũ quét ngày 27 tháng 7 năm 1991 tại thị xã Sơn La; trận năm 1994 tại Mường Lay, Lai Châu; trận lũ quét tại Hà Tĩnh ngày 20 tháng 9 năm 2002; trận lũ quét năm 2005 tại Yên Bái... Lũ quét hiện chưa dự báo được nhưng có thể chủ động phòng tránh bằng cách khoanh vùng nhưng nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, xây dựng hệ thống cảnh báo.

d) Ngập úng

 Ngập úng thường do mưa lớn gây ra, ở một số vùng thời gian ngập úng kéo dài. Ngập úng tuy ít gây tổn thất về người nhưng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái.

đ) Hạn hán và sa mạc  hóa

Hạn hán là loại hình thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam và đứng thứ 3 về mức độ thiệt hại sau bão và lũ. Trong những năm gần đây, hạn hán liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước. Hạn hán có năm làm giảm từ 20 - 30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Việc chống hạn thường gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước, các hồ chứa nước thượng nguồn cũng bị cạn kiệt. Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc  hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi.

e) Xâm nhập mặn 

Bờ biển Việt Nam dài 3.260 km với nhiều cửa sông do vậy xâm nhập mặn xảy ra suốt dọc bờ biển với mức độ khác nhau. Có 3 vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao, đó là: các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ, các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực hạ lưu sông Đồng Nai. Các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ là khu vực chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất với 1,77 triệu ha đất bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích. Chi phí xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt rất tốn kém.

g) Tố, lốc

Tố là hiện tượng gió mạnh đột ngột, phạm vi hẹp, do đám mây dông phát triển đặc biệt mạnh tạo ra. Tố có hướng gió thay đổi đột ngột, tốc độ gió từ cấp 8 trở lên. Kèm theo tố thường là mưa rào, cá biệt còn có cả mưa đá.

Lốc là vùng gió xoáy phạm vi rất hẹp nhưng cường độ gió lại rất mạnh (tương đương gió bão mạnh), do đám mây dông mạnh và có cấu trúc đặc biệt tạo nên. Hiện tượng này còn được gọi là vòi rồng. Trong một đám mây dông có thể tạo ra hai hoặc ba vòi rồng cùng lúc và hợp thành cơn lốc. Lốc thường kéo theo mưa rào, mưa dông và có thể có cả mưa đá kèm theo cát, bụi...

Tố và lốc đều là những loại thiên tai nguy hiểm, thường xảy ra bất ngờ, chưa thể dự báo được nên hậu quả rất khó lường gây tác hại lớn, song tác hại của lốc thường nghiêm trọng hơn. Tố thường kèm theo gió mạnh gây đổ cây cối, nhà cửa, phá huỷ đường dây thông tin, đường dây tải điện, làm đắm tàu thuyền cỡ nhỏ... Lốc do có gió mạnh hơn, tốc độ lớn lại liên tục chuyển hướng nên thường gây sự tàn phá rất khốc liệt. Tố, lốc thường xuyên xảy ra hàng năm ở Việt Nam. Những năm gần đây số lượng tố, lốc ngày càng gia tăng.

h) Sạt lở

Sạt lở là loại hình thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam, bao gồm: sạt lở bờ sông, bờ biển, các sườn núi dốc và lún, nứt đất. Sạt lở thường do các nguyên nhân: ngoại sinh (do nước), nội sinh (do biến động địa chất) và dân sinh (do khai thác khoáng sản bừa bãi hoặc thi công các công trình)... 

Sạt lở bờ sông là hiện tượng phổ biến xảy ra hàng năm ở nước ta tại các sông, suối trong cả nước, làm mất đi số lượng đáng kể diện tích đất ở, đất canh tác; phá huỷ nhiều làng mạc ven sông.

Sạt lở bờ biển do sóng, thuỷ triều, nước biển dâng và dòng hải lưu gây ra. Sạt lở bờ biển dẫn đến hậu quả biển xâm thực vào đất liền, mất nhà ở, phá huỷ môi trường...

Trượt lở đồi núi, sườn dốc thường do mưa lớn tập trung, kết hợp với nơi có cấu tạo địa chất yếu, tác động của con người như: bạt núi mở đường, chặt phá rừng... Trượt lở đồi núi thường kèm theo lũ bùn đá, gây tổn thất nghiêm trọng đối với tính mạng và tài sản của người dân trong vùng. 

i) Động đất và sóng thần

Động đất là sự rung động mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động. Động đất đã xảy ra ở Việt Nam song mới chỉ với cấp độ thấp.

Sóng thần là sóng biển có chu kỳ dài, lan truyền với tốc độ lớn. Khi tới gần bờ, tùy theo độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt độ cao lớn tới hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền, gây ra thảm họa lớn. Sóng thần sinh ra do hậu quả của động đất ở vùng đáy đại dương. Sóng thần tuy chưa xuất hiện ở Việt Nam song nhiều vùng bờ biển của Việt Nam vẫn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sóng thần do tiềm ẩn nguy cơ động đất ở một số nước trong khu vực.

k) Nước biển dâng

Nước biển dâng là hiện tượng mực nước biển trung bình hàng năm trong những năm gần đây cao hơn mức mực nước biển trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của biến đối khí hậu toàn cầu.

4. Hậu quả của thiên tai đối với phát triển kinh tế xã hội

a) Hậu quả về kinh tế - xã hội

Thiên tai ở Việt Nam là tác nhân gây cản trở trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, phát triển bền vững, gia tăng đói nghèo; là trở lực lớn trong quá trình phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ... Việt Nam có tới hơn 80% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

Thiên tai xảy ra và đã làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2002 - 2006) thiên tai đã làm khoảng 1.700 người thiệt mạng, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 75.000 tỷ đồng.

Thiên tai làm gia tăng sự phân  hóa mức sống dân cư, làm cản trở và làm chậm quá trình xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở những vùng thường xuyên phải đối mặt với thiên tai. Trung bình mỗi năm có hàng triệu lượt người cần cứu trợ do bị thiên tai. Nhiều người trong số họ vừa mới thoát khỏi nghèo đói thì lại bị tái nghèo bởi thiên tai.

Thiên tai ảnh hưởng đến phát triển giáo dục, phá hoại cơ sở hạ tầng giáo dục, gián đoạn thời gian đến trường của học sinh, đặc biệt là ở những khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long.

Thiên tai còn gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như: người già, yếu, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em.

b) Hậu quả về môi trường

- Thiên tai tàn phá, làm suy thoái, gây ô nhiễm môi trường sống, tác động xấu đến sản xuất và đời sống của cộng đồng.

- Hậu quả của thiên tai làm ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh.

c) Hậu quả về quốc phòng, an ninh

- Phá huỷ các công trình quốc phòng, an ninh.

- Suy giảm nguồn dự trữ của quốc gia.

- Mất ổn định đời sống xã hội.

- Gây xáo trộn trật tự an toàn xã hội.

II. PHÒNG, CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI Ở VIỆT  NAM

Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam luôn được coi là cuộc đấu tranh sinh tồn, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc theo tiến trình lịch sử.

1. Quá trình phát triển

Hàng nghìn năm trước, ông cha ta đã xác định thiên tai là một trong 4 hiểm họa lớn nhất đối với con người “Thuỷ, Hỏa, Đạo, Tặc”.

Việc đắp đê, ngăn lũ đã được tiến hành từ nhiều thế kỷ trước, đến  năm 1248, tuyến đê sông Hồng đã được hình thành. Hiện nay, hệ thống đê sông, đê biển của cả nước đã có chiều dài tới hàng ngàn kilômét.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 22 tháng 05 năm 1946; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 70/SL thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê tiền thân của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương hiện nay.

Trong giai đoạn 1945 - 1954, nhân dân Việt Nam vừa phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm vừa phải phòng, chống thiên tai. Các tỉnh miền Bắc đã đắp gần 7 triệu mét khối củng cố các đoạn đê xung yếu.

Thời kỳ từ 1955 - 1975, công tác phòng, chống bão, lụt đã có bước phát triển mới với sự thành lập của Bộ Thuỷ lợi và ban hành Điều lệ bảo vệ đê điều, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường khả năng phòng chống bão, lũ… Thời kỳ này ở miền Bắc đã đắp được hàng chục triệu mét khối đê, hàng chục vạn mét khối kè đá, xây dựng các khu chậm lũ, cải tạo hệ thống phân lũ, trồng cây chắn sóng... Trong giai đoạn này miền Bắc phải gánh chịu nhiều đợt lũ lớn, gây ra vỡ đê tại một số vùng, song do công tác khắc phục hậu quả được tiến hành khẩn trương nên đã sớm khôi phục lại sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Thời kỳ từ 1976 đến nay, phòng, chống bão, lũ đã được coi là một trong các biện pháp đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về đê điều (1989), Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão (1993), cả hai pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung năm 2000, chiến lược phòng chống thủy tai (1994) và ban hành Luật Đê điều năm 2006, các nghị định hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh. Ban hành chính sách về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai như: chính sách cho vùng sống chung với lũ (đồng bằng sông Cửu Long), các vùng phân lũ, chậm lũ (Bắc Bộ), các vùng né tránh và thích nghi (miền Trung). Triển khai nhiều giải pháp công trình như: xây dựng hồ chứa, nâng cấp đê điều, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền...; phi công trình như: trồng rừng, nâng cấp hệ thống thông tin, công tác dự báo, cảnh báo, hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức cộng đồng, kiện toàn từng bước tổ chức bộ máy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn...

2. Những thành tựu và tồn tại

a) Một số thành tựu nổi bật

- Từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã  xây dựng và ban hành được một số văn bản pháp luật liên quan như: Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên khoáng sản, Luật Thuỷ sản..., Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi, Pháp lệnh Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn... Ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

- Từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến các địa phương.

- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai như: Chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, Chương trình hồ chứa cắt giảm lũ, chống hạn, Chương trình sống chung với lũ, Chương trình an toàn cho tàu đánh bắt thuỷ sản, Chương trình củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều,...

- Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống bão, lụt, giảm nhẹ thiên tai như:

+ Nghiên cứu về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

+ Nghiên cứu về phòng, chống lũ cực hạn cho đồng bằng sông Hồng;

+ Nghiên cứu về 12 loại hình thiên tai;

+ Nghiên cứu về xây dựng Quỹ tự lực tài chính;

+ Mô hình xây dựng nhà an toàn trong thiên tai;

+ Các phương pháp đánh giá thiệt hại và cứu trợ thiên tai;

+ Nghiên cứu phân vùng ngập lụt ở các tỉnh miền Trung;

+ Nghiên cứu quy hoạch phòng tránh lũ quét;

+ Ứng dụng công nghệ mới trong công tác dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai;

+ Ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng một số công trình phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. 

- Hợp tác quốc tế:

+ Tham gia các tổ chức giảm nhẹ thiên tai quốc tế trong khu vực và trên thế giới, như Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai châu Á (ADRC); Trung tâm Phòng ngừa thiên tai châu Á (ADPC); Ủy ban Quản lý thiên tai ASEAN (ACDM); Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); Ủy ban bão (TC); đối tác Giảm nhẹ thiên tai (NDM-P), ISDR...;

+ Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước và các tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai như UNDP, UNESCAP, WB, ADB, NGOs…. 

- Công tác cứu hộ cứu nạn: thành lập Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, kiện toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương, tăng cường trang thiết bị và phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn, xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đến năm 2015. 

- Công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả: hàng năm Nhà nước đều dành một tỷ lệ ngân sách nhất định và dự trữ một số vật tư thiết yếu để cứu trợ khẩn cấp, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Khi thiên tai xảy ra, các tổ chức chính trị, xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ... đã chủ động tổ chức quyên góp ủng hộ cho vùng bị thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Việc cứu trợ và khắc phục hậu quả cũng được huy động tại chỗ, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng.

- Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng: thông qua hệ thống truyền thông công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng đã được nâng lên một bước. Tổ chức đào tạo cộng đồng đến tận cơ sở, tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nhẹ thiên tai của các Bộ, ngành và các địa phương. Nhờ vậy mà nhận thức của các cấp, các ngành cũng như người dân về tầm quan trọng của công tác này ngày càng được nâng lên. Cung cấp trang thiết bị cho một số hộ dân nghèo ven biển để có điều kiện nắm bắt thông tin và chủ động phòng tránh.

- Nguồn lực cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai:

+ Hàng năm nhà nước đều ưu tiên và tăng dần nguồn ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ưu tiên đầu tư cho các chương trình mục tiêu cụ thể: chương trình trồng rừng, chương trình nâng cấp hệ thống đê điều, chương trình hồ chứa nước, chương trình phòng, chống sạt lở, chương trình chung sống với lũ, chương trình an toàn cho tàu thuyền;

+ Các địa phương cũng đã huy động nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;

+ Các nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA hàng năm đã được bổ sung.

b) Một số tồn tại

Trong những năm qua chúng ta đã có những cố gắng đáng kể, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho phòng, chống thiên tai được tăng cường, công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều hành trong ứng phó với thiên tai từ trung ương đến địa phương có bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn nhận về thiệt hại do thiên tai gây ra và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới vẫn còn một số nhược điểm, tồn tại cần tiếp tục khắc phục, cụ thể như sau:

- Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai còn bị động, nặng về giải quyết các tình huống;

- Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nên khi có thiên tai, năng lực phản ứng còn chậm;

- Hệ thống sản xuất kém bền vững, cơ cấu sản xuất chưa phù hợp;

- Cơ sở hạ tầng còn thấp kém, dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra;

- Hệ thống dự báo, cảnh báo ý còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở, dông, lốc...;

- Công tác cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả và tái thiết còn hạn chế, có nơi còn lúng túng, thiếu sự phối hợp thống nhất;

- Công tác tìm kiếm, cứu nạn còn hạn chế do thiếu trang thiết bị, chưa chuyên nghiệp, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp từ các lực lượng và cộng đồng tham gia vào công tác này.

c) Nguyên nhân dẫn đến tồn tại

- Do nhận thức

+ Nhận thức về thiên tai với sự phát triển bền vững chưa đầy đủ, nhất là phương châm sống hài hòa với thiên nhiên chưa được thực hiện đúng mức;

+ Còn có tư tưởng ỷ lại, chưa chủ động, tình trạng chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai vẫn xảy ra;

+ Việc tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai chưa thường xuyên, thiếu hệ thống, chủ yếu mới được tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chưa đưa chương trình giáo dục kiến thức phòng chống thiên tai vào trường học.

- Do công tác quy hoạch

+ Quy hoạch còn chưa đồng bộ và thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, chưa coi trọng việc lồng ghép chương trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương;

+ Việc quy hoạch xây dựng chưa chú trọng đến đảm bảo an toàn và né tránh bão, lũ đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu du lịch, các khu đô thị vùng ven biển, đồi núi, khu dân cư, đường giao thông;

+ Việc lấn sông, lấn biển để xây dựng hoặc xây dựng ở nơi có nguy cơ cao về lũ, lũ quét, bão, nước biển dâng và sạt lở làm cho công trình luôn bị đe doạ, tốn nhiều tiền của, công sức để duy trì và bảo vệ;

+ Quy hoạch phát triển chưa gắn với bảo vệ, bảo tồn cảnh quan môi trường thiên nhiên như phá vỡ cồn cát tự nhiên ven biển, phá rừng phòng hộ đầu nguồn, phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.

- Do cơ chế, chính sách

+ Thiếu chế tài xử lý trong việc không thực hiện các quy định của pháp luật, các mệnh lệnh của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy;

+ Còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhưng lại không rõ về trách nhiệm;

+ Chưa có chính sách để khuyến khích tham gia bảo hiểm về thiên tai;

+ Chưa có chính sách động viên, khuyến khích những tổ chức, cá nhân tự nguyện, có thành tích tham gia trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và ứng phó với thiên tai;

- Thiếu quy chế quy định đối với các tổ chức, đoàn thể trong việc kêu gọi, quyên góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ;

- Chưa điều chỉnh kịp thời các chính sách về huy động nguồn lực để đầu tư cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Do đầu tư

+ Việc đầu tư cho lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, diễn biến thực tế của thiên tai;

+ Việc đầu tư cho công tác bảo trì, quản lý, khai thác đối với các công trình hiện có chưa tương xứng với đầu tư, xây dựng mới;

+ Một số dự án trọng điểm đã được phê duyệt như hồ chứa, khu neo đậu tầu thuyền, đê điều... bố trí vốn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

- Do chỉ đạo thực hiện và tổ chức quản lý

+ Việc chấp hành các mệnh lệnh trong chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với thiên tai còn chưa nghiêm túc, triển khai còn chậm, còn tư tưởng ỷ lại vào cấp trên;

+ Việc kiểm tra, chỉ đạo thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ chưa kiên quyết;

+ Còn có những chỉ đạo sai lệch trong việc phát triển kinh tế không gắn với nhiệm vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai như phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi trồng thủy sản, phá rừng phòng hộ đầu nguồn để sản xuất;

+ Việc quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông chưa chặt chẽ nên diện tích thảm phủ tại một số nơi bị suy giảm, hạn chế hiệu quả phòng chống lụt bão, hạn hán tạo ra hiểm họa khó lường;

+ Việc quản lý khai thác cát trên sông, quản lý các hoạt động ở bãi sông vẫn chưa được chặt chẽ làm ảnh hưởng đến thoát lũ và gây sạt lở;

+ Quản lý tàu, thuyền hoạt động trên sông, biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ còn nhiều bất cập nên còn bị thiệt hại mỗi khi thiên tai xảy ra;

+ Quản lý chất lượng một số công trình chưa đảm bảo nên khi gặp thiên tai không lớn đã bị hư hỏng; có công trình xây dựng cản trở thoát lũ hoặc làm nghiêm trọng thêm lũ, lụt;

+ Quản lý tiến độ thi công và thực hiện các thủ tục giải ngân còn chậm, đặc biệt là vốn ODA;

+ Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, thiếu minh bạch hoặc sử dụng sai mục đích.

3. Xu thế biến đổi thiên tai và những thách thức

Trên phạm vi toàn cầu, thiên tai được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn về loại hình và tần suất xuất hiện, phức tạp hơn về diễn biến và nghiêm trọng hơn về hậu quả. Sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, các hiện tượng El Nino, La Nina và sự gia tăng các cơn bão nhiệt đới, hạn hán v.v… gần đây trên thế giới và trong khu vực đã có tác động trực tiếp đến tình hình thời tiết và thiên tai ở nước ta.

Việt Nam có vị trí địa lý trải dài trên hơn 15 vĩ độ, có bờ biển dài 3.200 km, nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, địa hình phức tạp cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo ra nhiều khác biệt về các tiểu vùng khí hậu, sinh thái và sự đa dạng về các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, sạt trượt đất v.v.. Chịu ảnh hưởng trực tiếp của trung tâm bão Thái Bình Dương, hàng năm nước ta thường chịu ảnh hưởng của trung bình từ 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

Bên cạnh đó, về mặt chủ quan, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra nhanh chóng trên mọi miền đất nước, tạo ra sự phát triển toàn diện, nhưng đồng thời cũng làm tăng các nguy cơ hiểm hoạ trước thiên tai. Những tác động của con người trong phát triển kinh tế - xã hội không tuân theo các quy luật tự nhiên hoặc do buông lỏng quản lý, kiểm soát về tài nguyên môi trường cộng với sức ép về dân số, chúng ta đã có những hành động thiếu phù hợp, như đào núi mở đường, lấn sông, lấn biển, san đồi, núi để xây dựng; chặt phá rừng... đã làm tăng nguy cơ mất an toàn khi có thiên tai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và phá huỷ môi trường.

Rõ ràng, thiên tai đã, đang là yếu tố tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững của đất nước./.

 

THE PRIME MINISTER
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No: 172/2007/QD-TTg

Hanoi, November 16th, 2007

 

DECISION

TO APPROVE THE NATIONAL STRATEGY FOR NATURAL DISASTER PREVENTION, RESPONSE AND MITIGATION TO 2020

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Organization of Government dated 25th December 2001;
Pursuant to the Law on Water Resource dated 20th May 1998; Pursuant to the Law on Dyke dated 29th November 2006;
Pursuant to Ordinance on Flood and Storm Control dated 20th March 1993 and the amended and revised Ordinance on Flood and Storm Control dated 24th August 2000;
Pursuant to Decree 86/2003/NĐ-CP dated 18th July 2003 of the Government stipulating functions, duties, authority and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural Development;
Considering the request of Minister of Ministry of Agriculture and Rural Development cum Chairman of Central Committee for Flood and Storm Control
,

DECIDES

Article 1. To approve the National Strategy for natural disaster prevention, response and mitigation to 2020 with the main contents as follow:

I. GENERAL PERSPECTIVE

1. Disaster management includes preparedness, response to and recovery of consequences caused by disasters in order to ensure the sustainable socio-economic development and national security and defense.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Disaster prevention, response and mitigation are joint actions of Government and citizens that effectively utilize state resources as well as take advantage of all possible resources of the community, national and international organizations and individuals.

4. Disaster prevention, response and mitigation shall be integrated into socio- economic development master planning and plans of every region, sector, and nation-wide.

5. Disaster prevention, response and mitigation shall be giving priority to disaster preparedness, keeping studying on impacts of the global climate change, storm surge and other extreme climate phenomena for appropriate response actions.

II. GUIDING PRINCIPLES

1. Government consolidates the State management on disaster prevention, response and mitigation nationwide; Ministry of Agriculture and Rural Development is the standing agency and to cooperate with relevant agencies to support Government in executing the state management in the field of DM.

2. Ensure to follow the directions of the ruling Party and the policies, and legislation of the State. Improve the effectiveness and efficiency of the state management and increase the responsibility of every organization and individual for disaster prevention, response and mitigation. Step by step complete institutions and organizational mechanisms from central to local levels Raise awareness and disseminate experience on disaster prevention, response and mitigation, especially at commune, village, and hamlet level.

3. The National Strategy for disaster prevention, response and mitigation must be implemented in synchronous, period-based and priorities-based manners, responsive to both intermediate and long-term purposes. The principles used for disaster prevention, response and mitigation in Vietnam is the “four-on-the-spot” (command on the spot, man-power on the spot, materials on the spot and logistics on the spot) and proactive prevention, timely response, quick and effective recovery. Disaster recovery should be combined with reconstruction and upgrading to ensure sustainable development of each area and sector.

4. Investment for disaster prevention, response and mitigation is critical to ensure a sustainable development. Government shall ensure the availability of necessary resources and mobilize the contribution of community and the whole society for disaster prevention, response and mitigation. Investment for disaster prevention, response and mitigation must combine both structural and non- structural measures, for multipurpose, and be harmonized with the nature, and environment.

5. Ensure the implementation of international commitments in the field of disaster prevention, response and mitigation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. General goal:

Mobilize all resources to effectively implement disaster prevention, response and mitigation from now up to 2020 in order to minimize the losses of human life and properties, the damage of natural resources and cultural heritages, and the degradation of environment, contributing significantly to ensure the country sustainable development, national defense and security.

2. Specific objectives:

a) Enhance the capacities of forecasting flood, storm, drought, seawater intrusion, of informing earthquake, of warning tsunami and extreme hydro- meteorology phenomena, of which the focus is given to increase the early warning of storm and tropical depression to 72 hours in advance.

b) Ensure that the development planning and building codes of socio- economic structures and residential areas in places frequently affected by disaster suit to regional standards for flood and storm control; and socio-economic development plans and sectoral plans are integrated with the strategy and plans of disaster prevention, response and mitigation for a sustainable development.

c) Ensure 100% of local staffs who directly work in the field of disaster prevention, response and mitigation at all levels to be trained and strengthened of capacities for disaster prevention, response and mitigation; ensure more than 70% of population living in disaster prone areas to be disseminated of knowledge on disaster mitigation.

d) Complete the relocation, arrangement and stabilization of the life for people in disaster prone areas according to the planning approved by authorized government agencies. Up to 2010, manage to relocate all population from flash flood and land slide high-risk areas and dangerous areas to safety places.

đ) Direct the collaboration and cooperation among forces of search and rescue to take initiative in responding to emergency situations; ensure adequate investment for construction of          technical infrastructure and facilities, for procurement of equipment and for human resource development to deal with disaster search and rescue in line with the Master Planning for Search and Rescue to 2015, with vision up to 2020 approved by Prime Minister on Decision 46/2006/QĐ- TTg on 28th February 2006.

e) Ensure safety for the dyke systems at provinces from Ha Tinh province up to the North of the country; improve the flood-resistant capacity of embankment systems in the Coastal Central region, Central Highlands and the Eastern South; complete the consolidation and upgrading of seadyke systems all over the country to protect population, develop the sea economy, and ensure national security and defense in coastal areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h) Complete 100% of construction of storm shelters for boats and ships according to the planning approved by authorized agencies.

i) Complete the fishery communication system; ensure that 100% of offshore fishing boats and ships have sufficient communication equipment; sign treaties on sea rescue with other nations and territories in the region.

IV. RESPONSIBILITIES AND SOLUTIONS

1. General responsibilities and solutions

a) Consolidate the system of laws, policies and mechanisms

- Go forward to formulate the Law on natural disaster prevention and response based on the existing Ordinance on Flood and Storm Control, suiting the national socio-economic development. Promulgate policies on disaster relief and recovery for each region: living with flood, flood diversion and retention, flash- flood and landslide vulnerable areas etc.

- Integrate natural disaster prevention, response and mitigation into social- economic development planning and plans

- Stipulate policies encouraging research activities, investment attraction, international cooperation, and resources mobilization … for disaster management.

- Produce plannings, plans, zonings and conduct disaster risks assessments to formulate suitable policies for each region, locality, and critical zone, and to found bases for a proactive disaster preparedness; stipulate criteria and technical instructions of construction in disaster prone areas; revise and supplement standards and regulations on disaster forecast and warning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Continue to strengthen the leading bodies of disaster management at ministries and sectors, and at both central and local levels.

- Review and complement to improve the functions, duties of and cooperation mechanisms among the Committees for Flood and Storm Control, Committees for Search and Rescue at central, ministerial and local levels.

- Professionalize the staffing for disaster prevention, response and mitigation. Upgrade working places for steering agencies/bodies in the field of disaster prevention, response and mitigation at all levels with appropriate equipments and technologies.

- Encourage the establishment of organizations supporting disaster management, of coaching and training centers, and public service organizations for disaster prevention, response and mitigation.

c) Human resources development and social mobilization

- Adopt socialization policies in disaster prevention, response and mitigation in which favorable conditions are created for the participation of local residents in formulating legislation, plans and programs, in managing and monitoring the implementation of local programmes and projects.

- Promote community awareness raising and information dissemination. Build the resilience to disaster and promote the tradition of mutual support in disaster situation. Organize self-response forces in communities for active emergency search and rescue. Promote the role of social organizations and associations in disaster response and recovery. Develop volunteer networks for disaster propaganda, advocacy, recovery and production rehabilitation… Encourage national and international organizations and individuals to develop diverse and efficient ways of support for disaster affected people and areas.

- Increase the training of the human resource to meet requirements for disaster prevention, response and mitigation, especially human resources for relevant advisory and administration agencies.

d) Financial resources

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The State decentralizes to People’s Committees of provinces and districts in investment and mobilization of legitimate resources for disaster prevention, response and mitigation.

- Gradually increase the annual budget for strengthening the management capacities, implementing new construction projects, upgrading and maintaining structures; and for projects of planning, of improving equipment and facilities for disaster forecast, warning, rescue, relief, recovery and production rehabilitation.

- The State has policies to provide preferences and to protect legitimate interests of organizations and individuals investing in disaster prevention, response and mitigation, to encourage national and international organizations and individuals to invest in researching and applying science and modern technologies in the combination with traditional methods.

- Encourage national and international organizations and individuals to finance activities of disaster prevention, response and mitigation and conduct humanitarian and charity activities for disaster affected localities. Conduct studies to establish disaster insurance regimes and disaster self-financing funds.

đ) Community awareness raising

- Promote activities for information dissemination, education, awareness and disaster response capacity raising for communities. Include basic knowledge about natural disaster prevention, response and mitigation into school curriculum to help children know how to respond to and support their family and community in disaster situations;

- Provide training for those who are directly involved in disaster prevention and mitigation, especially for decision-makers, managers, planners, practitioners, and local officers;

e) Develop science and technologies related to natural disaster prevention, response and mitigation.

- Promote basic investigation and investment for scientific research and new technology application in disaster prevention, response and mitigation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The State encourages the application of advanced scientific and technological achievements to improve capacities of disaster forecast, prediction, warning, and communication; to improve research capacities to observe the Earth’s variability and natural changes in the region and territory; encourages the application of advanced technology and new materials for disaster prevention, response and mitigation

- Step by step develop scientific sectors related to disaster: emergencies, disaster management, sustainable development, health   care, post-disaster environmental and production recovery.

g) Ensure safety for dyke, reservoir and dam systems

- Build, strengthen and upgrade river and sea dyke systems to meet the design standards, and to be suitably used for multi-purposes of social-economic development.

Focus on enhancing quality of dykes, preventing dyke degradation, and reducing the number of weak sections on dyke foundation and sluices underneath the dykes; Complete designed dyke cross-sections, and harden of dyke surface to serve for rural traffic.

Increase investment for dyke protection replantation; consider the tending and protection of dyke protection trees as permanent duties in the dyke protection

- Review plannings, and invest to increase flood drainability of flood retention and divergence structures approved by authorized state agencies.

- Regularly inspect and evaluate the situation of the existing reservoirs, repair, upgrade and newly build emergency spillways to ensure safety for reservoirs; complete the reservoirs’ operation procedures for multi-usability, particularly in cases of large reservoirs involving to regulate water levels in flood and dry seasons for downstream areas.

h) Enhance the search and rescue capacities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i) Promote international cooperation and integration

Boost regional and international cooperation in disaster warning, forecast, in education, training and technology transfer, in sharing of information, experience and practical lessons to build up agreements, and conventions for disaster prevention, response and mitigation, especially for emergency search and rescue; Cooperate with international organizations to implement the UN Convention for Climate Change, the Kyoto Protocol, Hyogo Framework for Action and other programmes; Work in collaboration with countries in the region on water resources exploitation, protection and management.

2. Natural disaster prevention, response and mitigation responsibilities and solutions for each region

a) The Red River Delta and the North Central

The approach applied for the areas is to radically prevent floods, and to take initiatives in prevent and respond to storm, drought and storm surge, for which the following solutions must be taken in places in the same time:

- Enhance flood-prevention capacity for river dyke systems, conduct in a synchronous manner solutions including making flood control plannings for river systems, reviewing and adjusting dyke system plannings as bases for activities of dyke construction, upgrading, protection, and management; strengthening of under- dyke structures; treatment of weak dyke foundation; and hardening of dyke surface for rural traffic.

- Continue constructing new reservoirs and establish operation procedures of the existing large reservoirs to regulate water levels for the downstream areas, preventing flood, drought and salt intrusion; reforest to protect upstream watersheds.

- Improve the flood discharge capacity for river channels through removal of obstructions on the river plain and river bed; dredging channels and completing flood divergence projects.

- Implement programs to restore and upgrading sea dykes, to plant mangrove and protection forests, to plant grass to prevent dyke erosion, and to build bank protection structures in coastal provinces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The approach applied for the areas is "Proactiveness in disaster prevention, and adaptation for development", for which following solutions are considered as priorities:

- Establish plannings of residential, industrial and tourism areas; plan and construct disaster prevention and mitigation structures, and transportation infrastructures ensuring a flood resilience and flood drainability.

- Transform crops and animal husbandry structures to suit the regional disaster characteristics and make full use of favorable natural conditions for development; prevent the invasion of sand dunes to plain areas and the desertification.

- Strengthen dykes, take advantage of and preserve natural sand dunes for prevention of tsunami, sea water rise, and salinity intrusion; build reservoirs, increase forestation, conduct solutions to increase run-off and underground water in dry season, build structures to control drought and inundation; build bank protection structures, dredge river channels; build storm shelters for boats and ships; establish and upgrade coastal communication stations for typhoon, sea rise and tsunami warning.

- Promote research to find out solutions to prevent river mouth deposition, to dredge river channels for enhancing flood discharge and waterway transportation.

c) The Mekong River Delta

The approach of natural disaster prevention, response and mitigation applied for the Mekong river delta is "living with flood", ensuring safety for a sustainable development; and taking initiatives to prevent storm, thunderstorm, whirlwind, salinity intrusion, drought at the same time, for which the following solutions are to be focused:

- Establish plannings of flood control, to be proactive in flood prevention, reasonably use land and forest resources and favorable natural conditions of the region.

- Specific measures for flood and salitation control include: Construction of residential clusters and infrastructure above flood level, improvement of flood discharge for rivers and canals, construction of sea dykes, estuary dykes, embankments, reservoirs, and other structures for salinity prevention and fresh water preservation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Enhance international cooperation with countries in the Mekong river basin to reasonably use and protect water resources. Continue researching, coordinating with upstream countries to find out solutions for flood control in rainy season, run- off maintaining in dry season to prevent saline intrusion; and for response to the sea level rise.

d) Mountainous areas and Central Highlands

The approach applied for the areas is to "proactively prevent natural disasters", for which following solutions are focused:

- Define and map areas highly prone to flash floods, landslides, geological hazards; make residential planning, evacuate population in dangerous areas, make land use planning, restructure crops, manage mineral exploitation to prevent harmful impacts on the environment and landslide risks, properly plant and exploit forests.

- Establish warning and communication systems down to commune and village levels; build structures to prevent landslides and flash floods; expand flood discharge openings of sluices and bridges on traffic roads to ensure flood drainability; build reservoir system for both flood and drought control.

- Strengthen the cooperation with bordering countries in disaster forecasting, warning, search and rescue.

đ. Sea areas

The approach applied for disaster prevention, response and mitigation in sea areas is “proactive prevention and response,” to ensure the safety for human life and activities, and take advantages of resources to develop the sea economy, for which the following solutions are focused:

- Establish a management system of vehicles and boats operating at sea, giving priorities for management of fisherfolk before and during disaster.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Strengthen the cooperation with other countries and territories in disaster forecasting, warning, communication, search and rescue, storm shelter provision and reasonable exploitation of natural resources at sea.

V. ACTION PLAN

Focus to implement the following target programs up to 2020:

1. Non-structural measures

a) The program on improvement of legislation and policies

- Promulgate the Law on disaster prevention, response and mitigation.

- Review, amend, supplement related legal documents.

- Promulgate disaster relief and recover policies, preventing speculation and price increase, and supporting the environment and production rehabilitation after disaster.

- Promulgate assistance policies for disaster prone areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Implement disaster risk insurance in some sectors

b) The program on consolidation of organizational structures

- Annually, consolidate the steering mechanism for disaster prevention, response and mitigation at all levels.

- Provide training courses to enhance capacities for staff working in the field of disaster prevention, response and mitigation.

- Establish organizations supporting disaster management.

c) The programme to make and review plannings

- Define and map areas highly prone to flash floods, river and sea erosion, storm, earthquake, sea level rise, tsunami. Map out the flood areas to assess risks of flood and drought.

- Review and amend the flood prevention and control plannings of the Red River and Thai Binh River systems, of the Mekong River Delta, of rivers in the Central region, from Khanh Hoa to Thanh Hoa provinces, rivers in the South Central and the Eastern South of Viet Nam.

- Review and amend river and sea dyke system plannings

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Review and amend the land use plannings to link with disaster prevention and control.

- Review and amend plannings to protect and develop mangrove forests for sea dyke systems and in coastal areas.

- Review and amend the construction plannings in disaster prone areas.

- Review and amend the integrated exploitation and management plannings of river basins.

d) The programs on strengthening of disaster warning and forecast capacities

- Strengthen flood warning and forecast capacities for the Red River Delta, Mekong River Delta, rivers in the Central region, Central Highlands and the Eastern South of Viet Nam.

- Strengthen capacities to forecast and warn storm, flood, earthquake, drought, salty intrusion, and to warn tsunami.

- Strengthening flash flood warning and forecast capacities for mountainous provinces

e) The programs on community awareness raising

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Conduct trainings for and disseminate information/knowledge/experience on disaster prevention, response and mitigation to communities living in disaster prone areas.

- Disseminate information and propagandize on natural disaster issues via mass media.

f) The programs on forestation and protection of upstream forests:

- Establish, manage, protect, develop and sustainably use 16.24 million ha of forestry land; increase the area of forest coverage to 42-43% by 2010 and to 47% by 2020.

- Pay attention to develop and explore non-wood forestry products in the areas of protection forests to make forests protection beneficial to local people.

- Plant trees to protect dyke systems.

g) The program on strengthening of disaster management capacities and science and technology application

- Strengthen capacities for disaster management agencies from the central to

local level, and for search and rescue forces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Apply scientific and technological advances as well as new techniques and materials for natural disaster prevention, response and mitigation.

- Improve information and communication systems and management of boats and ships at sea

- Establish procedures to ensure safety for children, old and disabled people in disaster prone areas:

- Establish volunteer networks for natural disaster prevention, response and mitigation

2. Structural measures

- The programme to review, upgrade and newly build natural disaster prevention, response and mitigation structures matching the designed standards and each region’s disaster characteristics.

- The programme to construct reservoirs and establish operation procedures of reservoirs to effectively explore water resources and regulate water levels for downstream areas to respond to flood and drought.

- The programme to expand flood discharge openings of bridges and sluices along road and railroad systems.

- The programme to construct erosion prevention structures

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The programme to construct storm shelters for boats and ships.

- The programme to construct residential clusters for flood and storm avoidance.

The list of programs and            projects, of implementing organizations, collaborating organizations and durations are stipulated in Annex I attached to this Decision.

VI. EVALUATION OF THE STRATEGY IMPLEMENTATION

Criteria to evaluate the strategy implementation include:

- The legal documents, mechanism, policies related to disaster prevention, response and mitigation.

- The disaster forecast and warning capacities.

- The organizational mechanism for disaster prevention, response and mitigation at all levels (4 levels).

- The search and rescue capacities of specialized and community forces

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Activities for education, information dissemination, community awareness raising on disaster prevention, response and mitigation.

- The community participation in formulating legal documents, in planning, managing and monitoring the implementation of programs, projects at local level.

- The self-preparedness, and response to disaster.

- The efficiency of contructed disaster prevention and control structures.

- The sustainable development of each region, locality under disaster impacts.

- The efficiency of investments for disaster prevention and response.

- The science and technology application in disaster prevention and response.

- International cooperations in the field of disaster prevention, response and mitigation.

Article 2. Organization for the strategy implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Guide, inspect and urge the implementation of the Strategy in ministries, sectors, localities; and act as the national focal point with international communities in the field.

- Base on the attached annex of the list of programs and projects, establish specific programs and action plans, identify priorities, and assign the implementation responsibilities for ministries, sectors, and localities.

- Inspect, examine and assess the Strategy implementation of ministries, sectors, and localities. Conduct review of the Strategy implementation every year and every five years to draw out experience, and recommend to Prime Minister suitable adjustments to the contents, and solutions of the Strategy.

2. According to their own functions and duties, ministries, sectors and localities are responsible for effectively implementing relevant contents, objectives, duties and solutions stated in the Strategy.

3. Ministry of Planing and Investment takes lead and works in collaboration with Ministry of Finance, Ministry of Agriculture and Rural Development, Central Committee for Flood and Storm Control, National Committee for Search and Rescue and other revelant ministries and sectors to balance and arrange annual investment resources in accordance with the Law on State Budget and other funding resources to effectively implement the Strategy.

4. People’s Committees, Committees for Flood&Storm Control and Search&Rescue at provincial and city levels steer its departments to implement the National Strategy, in which prioties are given to strengthen and newly build disaster mitigation, prevention and response structures, to organize disaster prevention, response and mitigation forces, to set plans protecting human life; at the same time, disaster prevention, response and mitigation is integrated into local socio-economic development planning; and report the implementation results to Ministry of Agriculture and Rural Development and Central Committee for Flood and Storm Control on annual basis.

Article 3. This Decision takes effect 15 days after its publication on the Official Gazette.

Article 4. Ministers, heads of ministry-level agencies, directors of Government departments, and chairmen of People’s Committees of provinces and central cities are responsible for executing this decision./.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



THE PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

ANNEX I

LIST OF PROGRAMS PROMULGATED AS ATTACHMENT TO THE NATIONAL STRATEGY FOR NATURAL DISASTER PREVENTION, RESPONSE AND MITIGATION TO 2020

(Promulgated as attachment to the DECISION No. 172/2007/QD-TTg on 16 November 2007 of Prime Minister)

Order

Content of program/project

Leading organisation

Cooperated organisation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Remarks

I.

COMPLETE THE SYSTEM OF LEGAL DOCUMENTS

1.

Natural Disaster Prevention, Response and Mitigation Law

Ministry of Agriculture and Rural Development (MARD)

Relevant ministries, industries and locals

2010-2012

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Review, amend and supplement relevant legal documents

MARD

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

3

Promulgate polices on disaster relief and recovery after the disaster

Ministry of Labour, Invalids and Social Affairs (MOLISA)

MARD and relevant Ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

4

Promulgate assistance policies for disaster prone areas

MOLISA

MARD and relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

5

Establish Financial self-reliant

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Ministry of Finance (MOF)

MARD and relevant ministries, industries and locals

2007-2020

 

6

Implement disaster risk insurance in some sectors

MOF

MARD and relevant ministries, industries and locals

2007-2020

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II

STRENGTHEN ORGANISATIONAL MECHANISM

1

Strengthen the steering mechanism for natural disaster prevention, response and mitigation at all levels

Central Committee for

Flood and Storm Control (CCFSC)

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Provide training courses to improve the capacity of staff in charge of natural disaster prevention, response and mitigation

MARD

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

3

Establish organisations supporting natural disater management

Ministry of Home Affairs (MOHA)

MARD and relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

III.

NON-STRUCTURAL MEASURES

 

Program of establishing and reviewing plans

1

Create a zoning map of flash-flood risk

Ministry of Natural Resources and Environment (MONRE)

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

2

Create a flood zoning map to assess risks caused by flood

MARD

Relevant ministries, industries and locals

2007-2010

 

3

Create a zoning map of evaluating risks caused by drought

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Relevant ministries, industries and locals

2007-2012

 

4

Create a map of identifying risks of earthquake and tsunami

Vietnamese Academy of Science and Technology

Relevant ministries, industries and locals

2007-2015

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Create a map of identifying risks of storm and storm surge

MONRE

Relevant ministries, industries and locals

2007-2010

 

6

Create a map of identifying risks of erosion in river bank or seaside

MARD

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

7

Review, complement plans of flood preparedness in Mekong River Delta

MARD, locals

Relevant ministries, industries and locals

once every 5 years

 

8

Review, complement plans of flood preparedness in rivers of Central regions, from Thanh Hoa to Khanh Hoa provinces

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Relevant ministries, industries and locals

once every 5 years

 

9

Review, complement plans of flood preparedness in rivers of South Central and East South regions

MARD, locals

Relevant ministries, industries and locals

once every 5 years

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Review, complement plans of river and sea dyke systems

MARD, locals

Relevant ministries, industries and locals

once every 5 years

 

11

Review, complement plans of protecting and maintaining protective forests on the sea-shore and the coastal areas

MARD, locals

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

12

Review, complement residential plans of flash-flood and landslide- prone mountainous areas

People’s Committee of mountainous provinces

MONRE, MARD, Vietnamese Academy of Science and Technology

once every 5 years

 

13

Review, complement residential plans of erosion-prone areas on rivers bank, river mouths and coastal region

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



MONRE, MARD, Ministry of Science and Technology (MOST)

once every 5 years

 

14

Review, complement plans of land use, linking with disaster preparedness

MONRE, locals

Relevant ministries, industries and locals

once every 5 years

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Review, complement construction plans in disaster-prone areas

Ministry of Construction (MOC)

Relevant ministries, industries and locals

once every 5 years

 

16

Review, complement plans of integrated management and exploitation river basins

MONRE

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

Program of enhancing forecast and warning capacity

17

Strengthen capacity of storm forecast and warning

MONRE

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Strengthen capacity of flood forecast and warning in Red River Delta

MONRE

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

19

Strengthen capacity of flood forecast and warning in Mekong River Delta

MONRE

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

20

Strengthen capacity of flood forecast and warning in rivers of Central and Central Highlands, East South regions

MONRE

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

21

Strengthen capacity of flash-flood forecast and warning in mountainous provinces

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

22

Strengthen capacity of earthquake, tsunami informing

MONRE, Vietnamese Academy of Science and Technology

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Program of improving the community awareness

23

Include knowledge related to natural disasters into curriculums of secondary schools

Ministry of Education and Training (MOET)

Relevant ministries, industries and locals

2007 - 2020

 

24

Conduct training on natural disasters for communities living in disaster-prone areas

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



National and international organizations and individuals

frequent, annual

 

25

Propagandize and disseminate information on natural disaster via mass media

Ministry of Information and Communications (MIC), Radio, Television

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Program of planting and preserving protective forest

26

Plant and preserve upstream forests

MARD, locals

Relevant ministries, industries and locals

2007-2020

 

27

Plant trees against sea waves to protect dyke systems

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Relevant Ministries, industries and locals

2007-2020

 

 

Program of enhancing disaster management and science and technology application capacity

28

Strengthen capacities of disaster management agencies from central to local levels

MARD

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

29

Strengthen capacities of the rescue and search forces

Ministry of Defense

Relevant ministries, industries and locals

2007-2020

 

30

Review, complement building codes in line with natural disasters characteristics in each region

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Relevant ministries, industries and locals

2007-2010

 

31

Apply advanced technology, science and technique as well as use new materials for natural disaster prevention, response and mitigation

MOST

Relevant ministries, industries and locals

2007-2020

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Complete communication system and manage ships/boats operating on the sea

MARD

Relevant ministries, industries and locals

2007-2010

 

33

Establish programs to ensure safety for children, the old and the disabled in disaster-prone areas

Locals

National and international organizations and individuals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

34

Establish volunteer networks for natural disaster prevention, response and mitigation

Ho Chi Minh Communist Youth Union

National and international organizations and individuals

frequent, annual

 

IV

STRUCTURAL MEASURES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The program to review, upgrade and build structures for natural disaster prevention, response and mitigation in line with designed standards and natural disaster characteristics of each region, each local

MARD

Relevant ministries, industries and locals

frequent, annual

 

2

The program to build erosion prevention structures

People’s Committee of provinces

Relevant ministries, industries

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

3

The program to strengthen and upgrade sea dyke systems

People’s Committee of coastal provinces and cities

Relevant ministries, industries

2007-2015

 

4

The program to establish systems of structures prevent salt but preserve fresh water

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Relevant ministries, industries and locals

2007-2020

 

5

The program to build systems of storm shelters for boats, ships

MARD

Relevant ministries, industries and locals

2007-2015

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The program to upgrade dyke systems of Red river and Thai Binh river

MARD

Relevant ministries, industries and locals

2007-2015

 

7

The program expand flood discharge openings of bridges and sluices along road and railroad systems

Ministry of Transportation

Relevant ministries, industries and locals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

8.

Continue to build reservoirs for water flow adjustment and flood drainage

MOC, MARD

Relevant ministries, industries and locals

2007-2020

 

 

ANNEX II

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(Promulgated as attachment to the DECISION No. 172/2007/QD-TTg on 16 November 2007 of he Prime Minister)

I. NATURAL DISASTER IN VIETNAM

1. General context

In recent decades, natural disasters have increasingly happened in term of severity over the world, causing serious consequences to human life, especially to the poor. Disasters are natural phenomena, however their magnitude and consequences have been exacerbated due to human activities during the process of socio-economic development, with technologies, urbanization, population boom, and natural resources and environmental degradation. In the past 2 decades, more than 200 million people on average directly suffered from the consequences of natural disasters every year.

Vietnam is located in the tropical monsoon area, one of the five storm-prone areas of the Asia Pacific region. Therefore the country often faces natural disasters of various types. In recent years, disasters have continually occurred all over the country, causing vast losses in human life, property, socio-economic and cultural infrastructure as well as environmental degradation. In the recent decade (1997-2006), natural disasters such as typhoons, floods and droughts have caused significant losses, including 7500 missing and dead people, and asset damage equivalent to 1.5% of GDP. Natural disasters in Vietnam have been increasingly severe in terms of magnitude, frequency and volatility.

2. Geographical and socio-economic background of Vietnam

a. Geographical location and topography

The territory of Vietnam stretches across 15 north latitude degrees (from 8o30’ to 23o20’) and 7 east longitude degrees (from 102 o 10’ to 109 o 20’), bordering China in the North, Laos and Cambodia in the West, and facing the East Sea in the East and the South.

With the total territory area of 329,241 km2 and a coastal line of 3,260 km, every 100 km2 of land has 1 km of coastline averagely. Its width is about 600 km at the widest part and 50 km at the narrowest point.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Plains account for ¼ of the territorial area, consisting of the Red River delta, the central coastal plains, the Southeast plains and the Mekong River delta.

The territory is divided into seven economic and sub-climate zones, namely the Northern Mountains, the Red River Delta, the North Central Coast, the South Central Coast, the Central Highlands, the Eastern South and the Mekong River delta.

With the above mentioned features, Vietnam frequently suffers from storms, floods, and other types of natural disasters.

b. Soil conditions and vegetation cover

The North region has the most complicated geological structure compared with other regions in the country. One third of the northern mountains consist of rock with a thin weathered layer, which is infertile and poorly water-absorption. Black soil is often distributed in calcareous areas which are rich in calcium and magnesium. Mountains and hills occupy 80% of the regional land area. The forest coverage in this region is lowest in the country. The northern mountains and highlands still have much bare land and hills. Alluvial land area in the Red River delta only accounts for 14% of the total area of the North. The ancient alluvial soil in this region is often characterized by the yellow and brown color, small amount of clay, poor in water absorption, and prone to drought and erosion.

The North Central Coast has a large proportion of mountains and hills, small and narrow plains with unfertile soil and limited alluvial land area. The most common types of soil in this region are light yellow soil in high mountains, red soil, brown-red soil, yellow-red soil, depleted grey soil, erosion prone soil. The forest coverage in the region is 28%. Bare land and hills account for 3.4% of the natural land area.

The South Central Coast has a complex and diverse geological structure with various types of soil including alluvial soil, coastal sandy soil, and exhausted soil, etc. The forest coverage is relatively high (34.5%).

The geological structure in the Central Highlands is made of 2 covering layers: a soft covering layer and a weathered layer. Alluvial soil in the region only accounts for 2.8% of the natural land area, black soil accounts for 1.86%, and depleted grey soil 10%. The yellow red soil accounts for a large proportion of 68.2%. The forest coverage in the region is considerably high at about 60%.

The Eastern South has a relatively similar geological structure as the Central Highlands with two major types of soil, namely grey soil and red soil. The forest coverage is about 19.5%.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In general, the geological structure in Vietnam is relatively stable with many high mountain ranges scattered in every regions; the territory is separated by dense river systems. Earthquake occurs in the Western North region though it is at low frequency and magnitude. Additionally, high and steep mountain ranges make the region very vulnerable to landslides and flash floods.

c). Climate

There is a great difference in temperatures amongst regions, seasons and between day and night in each region. The North has 4 distinct seasons, whereas the South has only the dry season and rainy season, and the Central is affected by the South West monsoon.

Evaporation is relatively high and different amongst the regions, of those the South East and the Mekong River Delta have the highest evaporating level.

Humidity is also high and fluctuated between the regions and seasons. The South is often less humid than other regions in the country.

Rainfall: Vietnam is located at the edge of South East Asia where is bordered by the Pacific and the Indian Oceans. It is also influenced by various continental and ocean air blocks. Therefore, the rainfall is high but fluctuated and varied throughout the country. The average annual rainfall is approximately 2,000 mm. The Middle Central Part of VN is often observing the highest average annual rainfall, while the South Central Part has the lowest rainfall.

1.2.4. Hydrology

As its territory is separated by mountain ranges, Vietnam has dense river networks. There are 2,360 rivers of 10 km and above length. 13 river systems have the basin area of 3000 km2 and above, in which 9 river systems have the basin area of more than 10,000 km2, namely Mekong river, Red river, Ca river, Ma river, Thai Binh river, Dong Nai river, Ba river, Bang Giang – Ky Cung river and Thu Bon river.

The catchments area of Vietnam river systems is 1.167 million km2, of which 835,000 km2 outside its territory (71.5%). The average flow is 835 billion m3 for years, of which 313 billion m3 (37.5%) is originated in Vietnam territory

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Rapid population growth and urbanization have caused serious pressure, causing the natural resources and environment degraded. The total population in the country has reached more than 85 million people now. In the near future, the population of Vietnam will be about 100 million people (as reported at APEC 2006). The rapid population growth in the areas of potential productiveness has led to land shortages, for both residential and cultivation purposes. The human being has encroached the river channels, river estuaries, coastline, river and stream sides; exploited natural resources and minerals in an uncontrollable manner, as well as cut down and burnt forests, and increased the amount of wastes.… These are the factors that constraint the water flow, impoverish the land, silt reservoirs, cause landslides in the mountainous and hilly areas, as well as mud and rock floods. As a result, natural disaster risks have risen.

The average economic growth was beyond 7%/year in the 1990s and will be even higher in the next 2 decades. If there is no integration of natural disaster prevention, response and mitigation in the development process, this growth may cause more environmental pollution and break the ecological balance, resulting in increased disaster risks and an unsustainable development.

3. Typical natural disasters in Vietnam

a. Typhoon

Vietnam is located in the northwest of the Pacific Ocean, one of the storm-prone areas with a vast and violent number typhoons and an increasing trend especially in the recent 3 decades. Typhoon is one of the major and dangerous types of natural disasters in Vietnam. In more than 50 years (1954-2006), there were totally 380 typhoons and tropical depressions in Vietnam, of which 31% hit the North, 36% to the Northern Central and Middle Central Part and 33% to the South Central and the South. Typhoon’s landfalls usually accompany with high tide and heavy rain, thus resulting in heavy and long rains and floods. It is estimated that up to 80-90% of the Vietnam’s population are affected by typhoons.

b. Floods

Floods in Northern river systems

The basin areas of the Red River-Thai Binh River are 164,300 km2, in which 87,400 km2 are on the territory of Vietnam, crossing 23 provinces and cities and accounting for 75.7% of the natural land area of the North.

Flood season in the Red river and Thai Binh river system normally occurs from May to September, earlier than that in other regions. On average, there are about 3 to 5 floods within the region annually, each of them may last from 8 to 15 days, depending on its scale and strength. Major floods in the Red river are often generated from 3 rivers of Da, Thao and Lo, of which the Da River plays a decisive role contributing 37%-69% of the flood flow in Son Tay (49.2% on average), while the Lo river contributes 17%-41.5% (28% on average) and the Thao river contributes the lowest proportion – 13%-30% (19% on average). Floods in the Thai Binh River are often generated from 3 rivers of Cau, Thuong and Luc Nam and partly from the Red river through the Duong river.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Floods on rivers in the Central

The flood season on the rivers from Thanh Hoa to Ha Tinh is from June to October every year. Floods on these rivers generally occur on main streams thanks to the dyke systems preventing the overflow. Flood amplitude is above 7m on the Ma river system and above 9m on the Ca river system.

On the rivers from Quang Binh to Binh Thuan, the flood season is from September to December. This region is characterized by short and steep river systems with rapid flows. Dyke systems in this region are relatively low or uncompleted. Therefore, floods not only occur on the mainstreams but also spread across the floodplains with the amplitude of above 8m.

Floods on rivers in the Central Highlands

There is no major river system in the region, and annual precipitation is low. The influenced area of floods in this region is narrow and characterized by mountainous and flash floods. Flood amplitude at Dabla bridge on the Dabla river is 10m.

Floods in the Eastern South rivers

Since rainfall is not very high plus a thick and diverse vegetation cover forests, floods in the Dong Nai river are not strong but long-lasting. Nevertheless, historical floods were seen such as in October 1952, the flood discharge crest in Bien Hoa was 12,500 m3/s.

Floods in the Mekong River Delta

The flooding level in the Mekong river delta is generated from upstream floods and also directly influenced by tides and water reserving capacity of Tonle Sap. The progress of floods in the Mekong river delta is slow and floods last for a long period of 4 to 5 months annually, causing inundation in almost areas of the Mekong river delta.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Flash and mud floods are often found in mountainous and hilly areas where are characterized by steep slopes, heavy rains and disadvantaged drainage conditions. Flash floods also may occur due to the failures of small reservoirs or landslides blocking up flows, etc. Flash floods have occurred and threatened in all 33 mountainous provinces of the 4 regions, namely the Northern Mountains, the Central, the Central Highlands and the Eastern South of VN. Due to climate changes in recent years, flash floods have become more frequent in Vietnam with 2 to 4 flash floods on average happen every year during the flood season. In many cases, flash floods happen frequently at a same location. The occurrence of flash floods is usually sudden and within a small area, but very severe and often causes tremendous human and asset losses. Some typical flash floods are the one happened in Son La town on 27 July 1991, in Muong Lay and Lai Chau in 1994, in Ha Tinh on 20 September 2002, in Yen Bai in 2005, etc. Currently flash floods are unpredictable but can be proactively prevented by zoning high risk areas and establishing warning systems.

d) Inundation

Inundation in Vietnam is usually caused by heavy rains and it last for long time in some areas. Although resulting in limited human loss, it causes remarkably negative impacts on agricultural production and the ecological environment.

dd) Droughts and desertification

Drought is a common type of disaster in Vietnam, which causes the 3rd greatest losses, following typhoons and floods. In recent years, drought continuously happens throughout the country. In some particular years, droughts reduced 20-30% of the food productivity, thus severely threatening people’s livelihoods and daily life. Drought control is difficult due to water shortage and depleted upstream reservoirs. Prolonged droughts result in desertification risks in several regions, especially the South Central, sandy coastal areas and slope lands in the highlands and mountain areas.

e) Salinity intrusion

The coastline of Vietnam is 3,260 km long with many river estuaries, therefore salinity intrusion is found along the entire coastline at different rates. Three zones at higher risks of salinity intrusion are the South West coastal provinces, Central coastal provinces and the downstream part of the Dong Nai River. The South West coastal region is the most severely affected by salinity intrusion with 1.77 million ha of salinity land, accounting for 45% of the total area. Salinity intrusion prevention and fresh water reservation in this area are usually very costly.

g) Whirlwind and cyclone

Whirlwind is a phenomenon of accidental strong wind within a narrow extent generated by extremely strong developing thunderclouds. A whirlwind may have sudden change of direction, and the wind velocity is from Grade 8 or more. Accompanying whirlwinds are usually showers, or even hails in some cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Both whirlwind and cyclone are violent types of natural disaster. They happen suddenly and are not yet forecasted, therefore they cause vast and unpredictable consequences but that of cyclone is considerably more serious. Whirlwinds are often accompanied by strong winds that pull down trees and houses, destroy communication and power systems, as well as sink small boats and ships … Cyclones, due to stronger winds, high velocity and frequent directional changes, often cause violent damages. Whirlwinds and cyclones are common phenomena in Vietnam, and their frequency has increased in recent years.

h). Landslide and erosion

Landslide is a common type of disasters in Vietnam, consisting of river bank erosion, coastline erosion, and landslides on mountain slopes, land subsidence, etc. Landslides are usually caused by external factors (water), internal factors (geological changes) and human activities (unplanned mineral exploitation or construction), etc.

River bank erosion is very common throughout the country. It causes remarkable losses of residential and cultivated land area and destroys many villages along riverbanks.

Coastline erosion happens due to waves, tides, seawater rise and sea currents. Coastline erosion has led to sea intrusion, causing lost land and destroyed environment, etc.

Landslides in hill and mountain slopes are usually caused by heavily concentrated rains combining with weak geological structure and human impacts like mountain destruction for roads, forest destruction, etc. Landslides often come with mud floods and cause serious damage to the human life and assets.

i). Earthquake and tsunami

Earthquake is the phenomenon of ground surface vibration, caused by the sudden movements of geological blocks in the earth’s womb, volcanic eruptions, landslides, cave collapses, etc. Earthquakes have happened in Vietnam though in a limited strength.

Tsunami is the phenomenon of long circle ocean waves at a high-propagated speed. When reaching the coastline, depending on the depth of the sea and the topography of the coastal area, these waves can be tens of meters high and travel deeply into the land, causing vast catastrophes. Tsunami is the result of earthquakes in the ocean bed. Though tsunami has not yet happened in Vietnam, many coastal areas of Vietnam may be affected by tsunami due to earthquake potentials in some neighboring countries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Sea surge is the phenomenon of annual average of sea level in recent years higher than the multi-year average of sea level, resulted from the effects of global climate change.

4. Consequences of natural disasters to socio-economic development

a) Socio-economic consequences

Natural disaster in Vietnam is the direct impediment to the economic development, sustainable development and poverty reduction; the huge obstacle to the process of striving for the Millennium Development Goals.. Vietnam has more than 80% of its population living at risk of direct impacts of natural disasters.

Natural disaster has taken away many achievements of the national socio- economic development. In the last 5 years (2002-2006), natural disaster has killed 1,700 people and caused losses of estimated VND75,000 billion of assess.

Natural disaster intensifies the division in residents’ living standard; hinders and lowers the hunger eradication and poverty alleviation, especially in areas frequently at risk of disaster. On average, millions of people are in need of assistance due to natural disasters every year. Many of them, who have just escaped from poverty, are re- impoverished due to the disasters.

Natural disaster affects educational development, destroys educational infrastructure and interrupts school time, especially in mountainous areas and the Mekong River Delta.

Natural disaster also causes negative impacts on vulnerable groups such as the old, the disabled, women, and children.

b) Environmental consequences

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Consequences of natural disaster result in water pollution, disease generation.

c) Consequences of natural disasters to national defence and public security

- Destroy constructions for defence and security

- Reduce the national reserve

- Cause social instability

- Cause chaotic in social security and order

II. NATURAL DISASTER PREVENTION, RESPONSE AND MITIGATION IN VIETNAM

Throughout the course of development, natural disaster prevention, response and mitigation in Vietnam have always been considered as a struggle for life and closely linked with the founding and defence of the country. Disaster prevention, respond and mitigation in Vietnam have made great progress throughout the history.

1. Course of development

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Dyke constructions for flood prevention were implemented many centuries ago.

By 1248, the Red river dyke system had formed. At present, the system of river and sea dykes of the nation is thousands of kilometres long.

No sooner had the Democratic Republic of Vietnam been established than President Ho Chi Minh signed Order No. 70/SL on 22 May 1946 to establish a Central Committee for Dyke Maintenance, the predecessor of the current Central Committee for Flood and Storm Control.

During the period of 1945-1954, Vietnamese people had both to fight against invaders and to prepare for and respond to natural disasters. Northern provinces built nearly 7 million m3 of dykes to strengthen critical dyke sections.

During the period of 1955-1975, flood and storm control got new further development step with the establishment of the Ministry of Water Resources, the promulgation of the Regulation on Dyke Protection and many other directives and resolutions in order to improve the capacity of flood and storm control... In this period, Northern provinces built millions of cubic meters of dykes, hundred thousands of cubic meters of stone embankments; built flood retarding zones, renovated flood diversion systems, and planted trees for wave resistance.... During this period, the North suffered many heavy floods that broke dykes in some areas. However, production and social stability were soon restored thanks to prompt recovery activities.

During the period of 1976-present, flood and storm prevention and response have been regarded as one of the particular important measures for socio-economic development. The State has promulgated these following legal documents: the Ordinance on Dykes (1989) and Ordinance on Flood and Storm Control (1993), amendments to these two ordinances (2000), the Strategy for Water Disasters (1994), the Law on Dykes (2006) and decrees to guide the implementation of these laws and ordinances. Policies on natural disaster prevention, response and mitigation have been promulgated such as policies for the ‘living with floods’ areas (Mekong River Delta), flood diversion and retarding areas (Northern region) and “avoidance and adaptation” areas (Central region). Many structural solutions have been carried out such as reservoir building, dyke upgrading, boat and ship shelter building, etc. Non-structural solutions have included forest rehabilitation, communication systems renovation, forecast, warning, international cooperation, community awareness raising, step-by- step consolidation of organizational mechanism for flood, storm control and search and rescue...

2. Achievements and limitations

a) Remarkable achievements

- Step-by-step accomplish legal documents; create a legal corridor for natural disaster prevention, response and mitigation. In recent years, Vietnam has developed and promulgated relevant legal documents, such as Law on Dyke, Water Resources Law, Law on Forest Protection and Development, Law on Environment Protection, Land Law, Law on Natural Resources and Minerals, Law on Fisheries, etc., Ordinance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Step-by-step strengthen the organizational mechanism; enhance the capacities, equipment and physical infrastructures for the direction of flood and storm control, natural disaster mitigation as well as search and rescue activities from the central to local levels.

- Develop and implement socio-economic development programs related to flood and storm control and natural disaster mitigation such as Plantation of upstream forests, protective forests, mangrove forests program; reservoirs for flood drainage and drought resistance program; “living with floods” program, safety for fishing boats and ships program, dyke reinforcement and renovation program, etc.

- Research and apply science and technology for flood and storm control as well as natural disaster prevention, response and mitigation, such as:

+ Research on prevention and control of river bank and coastline erosion;

+ Research on extreme flood preparedness for the Red River Delta;

+ Research on 12 types of natural disasters;

+ Research on the establishment of self-help financial funds;

+ Models of safe-in-disaster houses;

+ Methodology for damage and disaster relief assessment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Research on flash flood prevention planning;

+ Apply new technologies to disaster forecast, warning and management;

+ Apply new materials and technologies to construction of several disaster prevention and mitigation structures.

- International cooperation

+ Participate in international and regional organizations for natural disaster mitigation, for example Asian Disaster Reduction Center (ADRC), Asian Disaster Preparedness Center (ADPC), ASEAN Committee on Disaster Management (ACDM), World Meteorological Organization (WMO), Typhoon Committee (TC), Natural Disaster Mitigation Partnership (NDM-P), International Strategy for Disaster Reduction (ISDR), etc.

+Cooperate with international organizations, nations and non-government organizations in disaster mitigation such as UNDP, UNESCAP, WB, ADB, etc.,

- Search and Rescue: Establish the National Committee for Search and Rescue, strengthen the organization mechanism from central to local levels; enhance facilities and equipment for search and rescue activities; develop a master plan for search and rescue up to 2015.

- Relief and recovery activities: The State annually allocates a certain proportion of budget and reserves some essential commodities for emergency relief and prompt damage recovery. When disasters occur, political and social organizations such as the Vietnam Fatherland Front, Trade Union, Youth and Women Associations, etc. have taken the initiative to organize donation activities, supporting affected areas for quick stability. Relief and recovery efforts have also come from on-site sources, taking advantage of the mutual support tradition.

- Training, propagandizing and awareness raising: Thanks to the mass media, activities of training, propagandizing and awareness raising have been improved. Training in communities have been provided at grass-root level as well as to officers related to disaster mitigation in ministries, sectors and localities. As a result, the awareness of authorities and the residents have increased. Poor families in coastal areas have been supplied with equipment to be able to obtain information and prepare for natural disasters proactively.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Every year, the government has given preference and gradually increased budget for natural disaster prevention, response and mitigation; given prior investment in specific programs and projects: The forest plantation programs, dyke upgrade programs, reservoir programs, landslide prevention programs, “living with floods” program, safety for boats and ships program.

+ Provinces have mobilized the on-site resources, taken advantage of the contributions of the people, social and political organizations, and international organizations in natural disaster prevention and damage recovery.

+ Annual Official Development Assistance (ODA) has been supplemented

b) Limitations

In recent years, we have made considerable efforts; physical and technical infrastructures for disaster preparedness have been improved; the leadership and coordination in response to natural disasters from central to local levels have made substantial progress. However, with regards to the consequences of natural disasters and the socio-economic development goals in the near future, the following shortcomings and limitations need to be addressed:

- Disaster prevention, response and mitigation activities are passive and mainly focus on addressing specific problems;

- The response to disasters is slow due to objective and subjective reasons;

- Unstable production system, inappropriate production structure;

- Infrastructure is poor and vulnerable to disaster;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Emergency relief, damage recovery and rehabilitation are limited, sometimes disconcerted and lack of cooperation;

- Search and rescue activities are limited due to lack of equipments and facilities, unprofessional operations and not bringing the combined strengths of all forces and communities into full play.

c) Reasons

- Awareness

+ Inadequate awareness of natural disasters and sustainable development, especially the approach of living in harmony with the nature is insufficiently implemented;

+ Dependent and inactive attitude; disregard of and inexperience in natural disasters preparedness;

+ Disseminating, training and raising community awareness of disaster prevention, response and mitigation are infrequent and unsystematic, mostly implemented throughout the mass media and training programs of natural disaster preparedness have not been included in school curriculum.

- Planning

+ Lack of synchronous planning and short of coordination among ministries, sectors and localities. Lack of due attention to the integration of natural disaster prevention, response and mitigation into local and sector’s socio-economic development programs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The encroachment on sea and rivers for construction or setting construction projects in areas highly prone to floods, flash floods, storms, sea surge and landslides make structures always at risks, resulting in costly for protection and maintenance;

+ Development planning has not been linked with environment and landscape protection and preservation. For example, natural sand dunes on the sea shore, upstream protective forests and mangrove forests have been destroyed for aquaculture.

- Policy and mechanism

+ Lack of penalties for failure to obey legal regulations, and the orders of relevant authorities;

+ Overlaps of functions and duties and lack of clear responsibilities;

+ Lack of policies to encourage disaster-related insurance purchases;

+ Lack of policies to encourage individuals and organizations volunteering and participating in search, rescue and response activities to natural disasters.

- Lack of regulations for organizations on the appeal, collection, receipt and distribution of disaster relief in good and cash.

- Lack of timely adjustment in policies on the mobilization of resources for disaster prevention and mitigation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Investment in natural disaster prevention, response and mitigation has been non- synchronous and not met the requirements and the given situation of disaster;

+ Investment in the maintenance, management and utilization of existing structures is not correspondent to the new construction investment;

+ Financial allocation to some critical, approved projects such as reservoirs, shelters of boats and ships, dyke system, etc. is slow and does not meet current requirements.

- Direction and management

+The directions and orders in response to natural disasters have not yet been seriously executed; the implementation is slow; dependence on leaders still exists;

+The inspectation and direction of four “on-the-spot” principles are not determinedly;

+There have been wrong directions of economic development without linking with natural disaster prevention, response and mitigation. For instance, coastal protective forests were destroyed for aquaculture while watershed protective forests were cleared for crop productions.

+ The lax management and protection of watershed forests, coastal and riverside protective forests have led to the degradation of forest coverage in some areas, restraining the effectiveness of flood, storm and drought control and causing unexpected dangers;

+ The lax management of sand exploitation on rives and other activities on river banks have resulted in harmful impacts on flood discharge and caused erosion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The quality control in some particular structures was insufficient, hence, damaged structures even in case of low intensity disaster. Some structures have even hindered flood discharge or made flood more serious.

+ Management of implementing progress and operation of disbursement’s procedures are still slow, especially ODA;

+ The management and utilization of resources for disaster recovery are sometimes lax, lack of transparency or for inappropriate purposes.

3. Tendency of natural disaster changes and challenges

All over the world, natural disasters are forecasted to happen more regularly in terms of types and frequency, more complex in terms of developments and more serious in terms of consequences. Global warming, climate changes, El Nino, La Nina phenomena and increase of typhoon and drought, etc., occurring recently in the world and in the region, have caused direct impacts on the climate and natural disasters in Vietnam.

The territory of Vietnam extends over 15 latitudes with 3,200 km coastline and locates in the area of humid tropical monsoon, complex topography and dense river network. These leads to many different sub-climate zones, ecologies and various types of natural disasters including typhoons, floods, flash floods, droughts, landslides, etc. Affected directly by the Pacific Ocean typhoon centre, Vietnam is hit by about 6-7 typhoons and tropical depressions every year.

Moreover, on the subjective side, the rapid industrialization and modernization in the country have resulted in comprehensive development, but at the same time, led to the increase of disaster risks. Because of human’s activities with an aim at socio- economic development such as not disobeying natural norms or loosing environmental and natural resource management in combination with population pressure, it is recognized that there were inappropriate behaviors such as mountain destruction for roads, encroachment on sea and rivers, leveling hills and mountains for construction, forest destruction, etc. These resulted in increased unsafe in case of disaster and negative impact on the economic development and destroyed environment.

Obviously, natural disasters have been making vast effects on the human’s life and the sustainable development of the country.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.387

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.79.64
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!