Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 153/2004/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 17/08/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 153/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 153/2004/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 8 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM (CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 CỦA VIỆT NAM)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường (văn bản kèm theo).

Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện, đồng thời thể hiện sự cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào Định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam, xây dựng và thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Bộ, ngành và địa phương mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

ĐỊNH HƯỚNG

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM (CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 CỦA VIỆT NAM)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

LỜI MỞ ĐẦU

Khái niệm "phát triển bền vững" xuất hiện trong phong trào bảo vệ môi trường từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ 20. Năm 1987, trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc, "phát triển bền vững" được định nghĩa "là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau".

Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định "phát triển bền vững" là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống.

Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vì vậy đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận xây dựng thành Chương trình nghị sự cho từng thời kỳ phát triển của lịch sử. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển được tổ chức năm 1992 ở Rio de Janeiro (Braxin), 179 nước tham gia Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Rio de Janeiro về môi trường và phát triển bao gồm 27 nguyên tắc cơ bản và Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) về các giải pháp phát triển bền vững chung cho toàn thế giới trong thế kỷ 21. Hội nghị khuyến nghị từng nước căn cứ vào điều kiện và đặc điểm cụ thể để xây dựng Chương trình nghị sự 21 ở cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương. Mười năm sau, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức năm 2002 ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi), 166 nước tham gia Hội nghị đã thông qua Bản Tuyên bố Johannesburg và Bản Kế hoạch thực hiện về phát triển bền vững. Hội nghị đã khẳng định lại các nguyên tắc đã đề ra trước đây và tiếp tục cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững.

Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 đến nay đã có 113 nước trên thế giới xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững cấp quốc gia và 6.416 Chương trình nghị sự 21 cấp địa phương, đồng thời tại các nước này đều đã thành lập các cơ quan độc lập để triển khai thực hiện chương trình này. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia...đều đã xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã cử các đoàn cấp cao tham gia các Hội nghị nói trên và cam kết thực hiện phát triển bền vững; đã ban hành và tích cực thực hiện "Kế hoạch quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững giai đoạn 1991-2000" (Quyết định số 187-CT ngày 12 tháng 6 năm 1991), tạo tiền đề cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Quan điểm phát triển bền vững đã được tái khẳng định trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 là: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường" và "Phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học". Phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhiều chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã được ban hành và triển khai thực hiện; nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này đã được tiến hành và thu được những kết quả bước đầu; nhiều nội dung cơ bản về phát triển bền vững đã đi vào cuộc sống và dần dần trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.

Trong những năm qua, phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Dân số tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; các dịch vụ cơ bản về giáo dục và y tế hiện còn bất cập, các loại tệ nạn xã hội chưa được ngăn chăn triệt để...đang là những vấn đề bức xúc. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị phá hoại nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động. Hệ thống chính sách và công cụ pháp luật chưa đồng bộ để có thể kết hợp một cách có hiệu quả giữa 3 mặt của sự phát triển: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong các chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của các ngành và địa phương, 3 mặt quan trọng trên đây của sự phát triển cũng chưa thực sự được kết hợp và lồng ghép chặt chẽ với nhau.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra và thực hiện cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam ban hành "Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam" (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).

Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21. Định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam nêu lên những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đề ra những chủ trương, chính sách, công cụ pháp luật và những lĩnh vực hoạt động ưu tiên cần được thực hiện để phát triển bền vững trong thế kỷ 21. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam không thay thế các chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch hiện có, mà là căn cứ để cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010, cũng như xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Trong quá trình triển khai, thực hiện, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ thường xuyên được xem xét để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển, cập nhật những kiến thức và nhận thức mới nhằm hoàn thiện hơn nữa về con đường phát triển bền vững ở Việt Nam. Trên cơ sở hệ thống kế hoạch hóa hiện hành, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam tập trung vào những hoạt động ưu tiên cần được chọn lựa và triển khai thực hiện trong 10 năm trước mắt.

Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam gồm 5 phần sau đây:

Phần 1: Phát triển bền vững-con đường tất yếu của Việt Nam.

Phần 2: Những lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững.

Phần 3: Những lĩnh vực xã hội cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững.

Phần 4: Những lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững.

Phần 5: Tổ chức thực hiện phát triển bền vững.

Phần 1:

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG-CON ĐƯỜNG TẤT YẾU CỦA VIỆT NAM

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM NHỮNG NĂM VỪA QUA:

1. Thành tựu:

Qua mười tám năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

a. Về kinh tế:

Nền kinh tế Việt Nam đã từng bước chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và tương đối ổn định. Trong những năm của thập kỷ 90 (thế kỷ 20), tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 7,5%/ năm, GDP năm 2000 đã gấp hơn 2 lần so với năm 1990. Năm 2003 GDP tăng 7,24%, bình quân 3 năm 2001-2003, tốc độ phát triển nền kinh tế tăng trên 7,1%/năm.

Trong ngành nông nghiệp, sản xuất lương thực từ mức 19,9 triệu tấn (quy thóc) năm 1990 đã tăng lên tới trên 37 triệu tấn năm 2003; lương thực có hạt bình quân đầu người tăng từ 303 kg năm 1990 lên 462 kg năm 2003, không những bảo đảm an ninh lương thực vững chắc cho đất nước mà còn đưa Việt Nam vào danh sách những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới. Nhờ bảo đảm an ninh lương thực, các cây nông nghiệp hàng hoá và chăn nuôi có điều kiện phát triển. Gạo, cà phê, cao su, hạt điều, chè, lạc, rau quả, thịt lợn, thuỷ hải sản đã trở thành những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Công nghiệp đã được cơ cấu lại và dần dần tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng bình quân hàng năm trong mười năm qua đạt mức 13,6%; trong đó khu vực quốc doanh tăng 11,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 11,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,5%. Tính theo giá trị sản xuất, quy mô sản xuất công nghiệp năm 2000 đã gấp 3,6 lần năm 1990. Trong 3 năm 2001-2003 công nghiệp tiếp tục phát triển khá, giá trị sản xuất tăng 15%, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 12,1%/năm, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 19,8%/năm và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,6%.

Các ngành dịch vụ đã được mở rộng và chất lượng phục vụ đã được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống dân cư. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân 10 năm (1990-2000) tăng 8,2%, bình quân 3 năm (2001-2003) tăng trên 7%. Thị trường trong nước đã thông thoáng hơn với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Giá trị hàng hoá bán ra trên thị trường trong nước năm 2000 đạt gấp 12,3 lần so với năm 1990. Trong 3 năm (2001-2003) thị trường trong nước càng trở nên sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hoá trên thị trường tăng bình quân hàng năm trên 12%.

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải phát triển nhanh, đáp ứng khá tốt cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Giá trị dịch vụ vận tải, kho tàng, thông tin liên lạc tăng 1,8 lần.

Du lịch đã có bước phát triển khá, nhiều trung tâm du lịch được nâng cấp, trùng tu, cải tạo, các loại hình du lịch phát triển đa dạng, đặc biệt trong những năm gần đây đã tập trung khai thác nâng cao giá trị nhân văn và bản sắc văn hoá dân tộc trong các tuyến du lịch, làm cho du lịch càng thêm phong phú, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh, mạng lưới viễn thông trong nước đã được hiện đại hoá về cơ bản. Nhiều phương tiện thông tin hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được phát triển, bước đầu đáp ứng nhu cầu thông tin, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đã hình thành thị trường dịch vụ bảo hiểm với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Dịch vụ tài chính, ngân hàng có những đổi mới quan trọng. Các dịch vụ khác như tư vấn pháp luật, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế...đã bắt đầu phát triển.

Do sản xuất phát triển và thực hiện các chính sách điều tiết tài chính, tiền tệ có hiệu quả, môi trường kinh tế vĩ mô đã ổn định, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư và nâng cao mức sống nhân dân.

b. Về xã hội:

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển xã hội. Đầu tư của Nhà nước cho các lĩnh vực xã hội ngày càng tăng, hiện chiếm trên 25% vốn ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư cho xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống các tệ nạn xã hội, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Một hệ thống luật pháp đã được ban hành đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới của đất nước trong tình hình mới như Bộ Luật dân sự; Bộ Luật lao động; Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật bảo vệ môi trường; Luật giáo dục; Luật khoa học và công nghệ; Pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh người tàn tật, Luật bảo hiểm...

Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển xã hội đã, đang được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả xã hội cao. Bảy chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 1998 - 2000 về: xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; dân số và kế hoạch hoá gia đình; phòng chống HIV/AIDS; thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng lực lượng vận động viên tài năng và các trung tâm thể thao trọng điểm; phòng, chống tội phạm cũng như một số chương trình mục tiêu khác về: phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tiêm chủng mở rộng cho trẻ em; xóa mù chữ và phổ cập tiểu học; phòng chống các tệ nạn xã hội...đã được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả tốt về mặt xã hội. Các quỹ quốc gia về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ tình thương, quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó...đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Giai đoạn 2001 - 2005 có 6 chương trình mục tiêu quốc gia về: xoá đói giảm nghèo và việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; dân số và kế hoạch hoá gia đình; phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS; văn hoá; giáo dục và đào tạo đã được phê duyệt, đang tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết qủa ban đầu về mặt xã hội đáng khích lệ.

Đời sống nhân dân ở cả thành thị và nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu được dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo đói trong cả nước tính theo chuẩn nghèo quốc gia giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 10% năm 2000 (theo chuẩn cũ), bình quân mỗi năm giảm được gần 300 nghìn hộ. Tính theo chuẩn mới thì đến năm 2003 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11%. Tính theo chuẩn nghèo có thể so sánh quốc tế của Điều tra mức sống dân cư 1993 và 1998, thì tỷ lệ nghèo chung đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 37% năm 1998 và tỷ lệ nghèo lương thực giảm từ 25% xuống còn 15%. Từ năm 1991 đến năm 2000, số người có việc làm tăng từ 30,9 triệu lên 40,6 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 2,9%. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu chỗ làm việc mới được tạo ra.

Đến năm 2000, cả nước đạt tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trên 90% dân cư được tiếp cận với dịch vụ y tế, 60% số hộ gia đình có nước sạch, sóng truyền hình đã phủ 85%, sóng phát thanh phủ 95% diện tích cả nước.

Các chỉ tiêu xã hội được cải thiện hơn rất nhiều. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng từ 0,611 năm 1992 lên 0,682 năm 1999. Xếp hạng HDI trong số 162 nước, Việt Nam đứng thứ 120 năm 1992; thứ 101 năm 1999 và thứ 109 trên 175 nước vào năm 2003. So với một số nước có tổng sản phẩm trong nước-GDP trên đầu người tương đương, thì HDI của Việt Nam cao hơn đáng kể. Về chỉ số phát triển giới (GDI), năm 2003 Việt Nam được xếp thứ 89 trong trong tổng số 144 nước. Phụ nữ chiếm 26% tổng số đại biểu Quốc hội, là một trong 15 nước có tỷ lệ nữ cao nhất trong cơ quan quyền lực của Nhà nước.

c. Về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường:

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục những hậu quả môi trường do chiến tranh để lại. Nhiều chính sách quan trọng về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã được xây dựng và thực hiện trong những năm gần đây. Hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được hình thành ở cấp Trung ương và địa phương. Công tác quản lý môi trường, giáo dục ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho mọi tổ chức, cá nhân ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Công tác giáo dục và truyền thông về môi trường đang được đẩy mạnh. Nội dung bảo vệ môi trường đã được đưa vào giảng dạy ở tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Việc thực hiện những chính sách trên đã góp phần tăng cường quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; phục hồi và cải thiện một cách rõ rệt chất lượng môi trường sinh thái ở một số vùng.

2. Những tồn tại chủ yếu:

Bên cạnh những thành tựu nói trên, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngành và địa phương, tính bền vững của sự phát triển vẫn chưa được quan tâm đúng mức và vẫn còn một số tồn tại chủ yếu sau đây:

a. Về nhận thức:

Quan điểm phát triển bền vững chưa được thể hiện một cách rõ rệt và nhất quán qua hệ thống chính sách và các công cụ điều tiết của Nhà nước. Các chính sách kinh tế-xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Mặt khác, các chính sách bảo vệ môi trường lại chú trọng việc giải quyết các sự cố môi trường, phục hồi suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường, mà chưa định hướng phát triển lâu dài nhằm đáp ứng những nhu cầu tương lai của xã hội. Quá trình lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quá trình xây dựng chính sách bảo vệ môi trường còn chưa được kết hợp chặt chẽ, lồng ghép hợp lý với nhau. Cơ chế quản lý và giám sát sự phát triển bền vững chưa được thiết lập rõ ràng và có hiệu lực.

b. Về kinh tế:

Nguồn lực phát triển còn thấp nên những yêu cầu về phát triển bền vững ít có đủ điều kiện vật chất để thực hiện. Đầu tư được tập trung chủ yếu cho những công trình mang lại lợi ích trực tiếp, còn rất ít đầu tư cho tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Số nợ hiện nay của Việt Nam so với các nước khác chưa thuộc loại cao và chưa tới giới hạn nguy hiểm, song nó đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe doạ tính bền vững của sự phát triển trong tương lai, nhất là khi vốn vay chưa được sử dụng có hiệu quả. Mức độ chế biến, chế tác nguyên vật liệu trong nền kinh tế Việt Nam còn rất thấp và mức độ chi phí nguyên, nhiên, vật liệu cho một đơn vị giá trị sản phẩm còn cao; sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu phần lớn là sản phẩm thô; sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu là theo chiều rộng...trong khi đó những nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ có hạn và đã bị khai thác đến mức tới hạn.

Xu hướng giảm giá các sản phẩm thô trên thị trường thế giới gây ra nhiều khó khăn cho tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam. Với cơ cấu sản xuất như hiện nay, để đạt được một giá trị thu nhập như cũ từ thị trường thế giới, Việt Nam đã phải bán đi một số lượng hàng hoá hiện vật nhiều hơn trước.

Các mục tiêu phát triển của các ngành có sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn mâu thuẫn nhau và chưa được kết hợp một cách thoả đáng. Các cấp chính quyền ở cả Trung ương và địa phương chưa quản lý có hiệu quả việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

c. Về xã hội:

Sức ép về dân số tiếp tục gia tăng, tình trạng thiếu việc làm ngày một bức xúc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao vẫn là những trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Số lượng và chất lượng lao động kỹ thuật (về cơ cấu ngành nghề, kỹ năng, trình độ) chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Khoảng cách giàu nghèo và phân tầng xã hội có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong nền kinh tế thị trường. Mô hình tiêu dùng của dân cư đang diễn biến theo truyền thống của các quốc gia phát triển, tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, năng lượng và thải ra nhiều chất thải và chất độc hại. Mô hình tiêu dùng này đã, đang và sẽ tiếp tục làm cho môi trường tự nhiên bị quá tải bởi lượng chất thải và sự khai thác quá mức.

Một số tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, tham nhũng còn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, gây thất thoát và tốn kém các nguồn của cải, tạo ra nguy cơ mất ổn định xã hội và phá hoại sự cân đối sinh thái.

d. Về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường:

Do chú trọng vào phát triển kinh tế, nhất là tăng trưởng GDP, ít chú ý tới hệ thống thiên nhiên, nên hiện tượng khai thác bừa bãi và sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây nên suy thoái môi trường và làm mất cân đối các hệ sinh thái đang diễn ra phổ biến. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện…gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá trình đô thị hoá tăng lên nhanh chóng kéo theo sự khai thác quá mức nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước mặt, không khí và ứ đọng chất thải rắn. Đặc biệt, các khu vực giàu đa dạng sinh học, rừng, môi trường biển và ven biển chưa được chú ý bảo vệ, đang bị khai thác quá mức.

Tuy các hoạt động bảo vệ môi trường đã có những bước tiến bộ đáng kể, nhưng mức độ ô nhiễm, sự suy thoái và suy giảm chất lượng môi trường vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này chứng tỏ năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy làm công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển bền vững.

Công tác bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng, liên quốc gia và toàn cầu, cần phải được tiến hành từ cấp cơ sở phường xã, quận huyện. Chúng ta còn thiếu phương thức quản lý tổng hợp môi trường ở cấp vùng, liên vùng và liên ngành, trong khi đó lại có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường. Quản lý nhà nước về môi trường mới được thực hiện ở cấp Trung ương, ngành, tỉnh, chưa hoặc có rất ít ở cấp quận huyện và chưa có ở cấp phường xã. Một số quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đã được xây dựng, song chưa có cơ chế bắt buộc các địa phương và các ngành tham gia khi xây dựng và thực hiện quy hoạch này.

II. NHỮNG MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC CHÍNH VÀ HOẠT ĐỘNG ƯU TIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM:

1. Mục tiêu:

Mục tiêu tổng quát trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX là: "Đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao". Quan điểm phát triển trong Chiến lược trên được khẳng định : "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường"; "Phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học".

Mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, tránh được sự suy thoái hoặc đình trệ trong tương lai, tránh để lại gánh nặng nợ nần lớn cho các thế hệ mai sau.

Mục tiêu phát triển bền vững về xã hội là đạt được kết quả cao trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được nâng cao, mọi người đều có cơ hội được học hành và có việc làm, giảm tình trạng đói nghèo và hạn chế khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội, giảm các tệ nạn xã hội, nâng cao mức độ công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên và giữa các thế hệ trong một xã hội, duy trì và phát huy được tính đa dạng và bản sắc văn hoá dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ văn minh về đời sống vật chất và tinh thần.

Mục tiêu của phát triển bền vững về môi trường là khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường, bảo vệ tốt môi trường sống; bảo vệ được các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn sự đa dạng sinh học; khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

2. Những nguyên tắc chính:

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong quá trình phát triển chúng ta cần thực hiện những nguyên tắc chính sau đây:

Thứ nhất, con người là trung tâm của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc quán triệt nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.

Thứ hai, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn phát triển sắp tới, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng để phát triển bền vững, bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm cho nhân dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn cho phép về mặt sinh thái và bảo vệ môi trường lâu bền. Từng bước thực hiện nguyên tắc "mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng có lợi".

Thứ ba, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường phải được coi là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Tích cực và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu đối với môi trường do hoạt động của con người gây ra. Cần áp dụng rộng rãi nguyên tắc "người gây thiệt hại đối với tài nguyên và môi trường thì phải bồi hoàn". Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và có hiệu lực về công tác bảo vệ môi trường; chủ động gắn kết và có chế tài bắt buộc lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, chưương trình và dự án phát triển kinh tế-xã hội, coi yêu cầu về bảo vệ môi trường là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá phát triển bền vững.

Thứ tư, quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai. Tạo lập điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận tới những nguồn lực chung và được phân phối công bằng những lợi ích công cộng, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hoá tốt đẹp cho những thế hệ mai sau, sử dụng tiết kiệm những tài nguyên không thể tái tạo lại được, gìn giữ và cải thiện môi trường sống, phát triển hệ thống sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; xây dựng lối sống lành mạnh, hài hoà, gần gũi và yêu quý thiên nhiên.

Thứ năm, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất, trước mắt cần được đẩy mạnh sử dụng ở những ngành và lĩnh vực sản xuất có tác dụng lan truyền mạnh, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất khác.

Thứ sáu, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân. Phải huy động tối đa sự tham gia của mọi người có liên quan trong việc lựa chọn các quyết định về phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương và trên quy mô cả nước. Bảo đảm cho nhân dân có khả năng tiếp cận thông tin và nâng cao vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt của phụ nữ, thanh niên, đồng bào các dân tộc ít người trong việc đóng góp vào quá trình ra quyết định về các dự án đầu tư phát triển lớn, lâu dài của đất nước.

Thứ bảy, gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững đất nước. Phát triển các quan hệ song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực; tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển bền vững. Chú trọng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu đối với môi trường do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra.

Thứ tám, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

3. Những lĩnh vực hoạt động cần ưu tiên:

a. Về lĩnh vực kinh tế:

- Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trên cơ sở nâng cao không ngừng tính hiệu quả, hàm lượng khoa học-công nghệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường.

- Thay đổi mô hình và công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng theo hướng sạch hơn và thân thiện với môi trường, dựa trên cơ sở sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên không tái tạo lại được, giảm tối đa chất thải độc hại và khó phân huỷ, duy trì lối sống của cá nhân và xã hội hài hòa và gần gũi với thiên nhiên.

- Thực hiện quá trình "công nghiệp hóa sạch", nghĩa là ngay từ ban đầu phải quy hoạch sự phát triển công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền "công nghiệp xanh".

- Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Trong khi phát triển sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo tồn và phát triển được các nguồn tài nguyên: đất, nước, không khí, rừng và đa dạng sinh học.

- Phát triển bền vững vùng và xây dựng các cộng đồng địa phương phát triển bền vững.

b. Về lĩnh vực xã hội:

- Tập trung nỗ lực để xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm; tạo lập cơ hội bình đẳng để mọi người được tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá, chính trị, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục hạ thấp tỷ lệ gia tăng dân số, giảm bớt sức ép của sự gia tăng dân số đối với các lĩnh vực tạo việc làm, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Định hướng quá trình đô thị hóa và di dân nhằm phát triển bền vững các đô thị; phân bố hợp lý dân cư và lực lượng lao động theo vùng, bảo đảm sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường bền vững ở các địa phương.

- Nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước.

- Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, cải thiện các điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống.

c. Về lĩnh vực tài nguyên-môi trường:

- Chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất.

- Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước.

- Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản.

- Bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển.

- Bảo vệ và phát triển rừng.

- Giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị và khu công nghiệp.

- Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại.

- Bảo tồn đa dạng sinh học.

- Giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hạn chế những ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu góp phần phòng, chống thiên tai.

PHẦN 2

NHỮNG LĨNH VỰC KINH TẾ CẦN ƯU TIÊN NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

I. DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHANH VÀ BỀN VỮNG:

Trong 10 năm đầu của thế kỷ 21, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 đã nêu quan điểm là phải phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững, GDP năm 2010 phải tăng gấp đôi năm 2000.

Để có thể duy trì lâu dài một tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, ổn định và bền vững, chúng ta cần thực hiện một số định hướng chính sau đây:

1. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kinh tế nhằm hình thành và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm:

- Tiếp tục hoàn thiện một số chính sách vĩ mô nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, có hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh và tạo lòng tin để các doanh nghiệp và nhân dân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Khuyến khích kinh tế tập thể và tư nhân phát triển lâu dài. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp nhà nước. Tích cực thu hút đầu tư nước ngoài.

- Duy trì sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô bằng cách hoàn thiện các chính sách tài chính, cân đối ngân sách, ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

- Đẩy mạnh quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm từng bước hình thành nền hành chính có hiệu lực, trong sạch, có đầy đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của phát triển bền vững. Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và đạo đức tốt.

2. Chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển chủ yếu theo chiều sâu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của vốn đầu tư nói riêng.

3. Chuyển nền kinh tế từ khai thác và sử dụng tài nguyên dưới dạng thô sang chế biến tinh xảo hơn, nâng cao giá trị gia tăng từ mỗi một đơn vị tài nguyên được khai thác. Chuyển dần sự tham gia thị trường quốc tế bằng những sản phẩm thô sang dạng các sản phẩm chế biến tinh và dịch vụ. Chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.

4. Triệt để tiết kiệm các nguồn lực trong phát triển, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khan hiếm và hạn chế tiêu dùng lấn vào phần của các thế hệ mai sau.

5. Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường. Nghiên cứu để đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA). Hệ thống hạch toán kinh tế, xã hội và môi trường hợp nhất sẽ bao gồm ít nhất một hệ thống hạch toán phụ về tài nguyên thiên nhiên.

II. THAY ĐỔI MÔ HÌNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG THEO HƯỚNG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG:

Trong thời gian qua, nhờ tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và do chính sách mở cửa nền kinh tế, lĩnh vực tiêu dùng của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, trong lĩnh vực tiêu dùng, còn một số xu hướng ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng phát triển bền vững:

1. Mô hình tiêu dùng của một bộ phận dân cư, trước hết ở các đô thị vẫn còn nặng về tiêu dùng truyền thống, sử dụng nguyên liệu thô chưa qua chế biến, trong đó có nhiều điều không có lợi cho việc tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững. Tiêu dùng phô trương, lãng phí ngày càng phổ biến trong một số tầng lớp dân cư đang đối đầu với lối sống tiết kiệm, gần gũi và hài hoà với thiên nhiên của hệ giá trị đạo đức xã hội truyền thống.

Tình trạng khai thác cạn kiệt các loài động, thực vật quý hiếm và tài nguyên thiên nhiên không tái tạo lại còn khá phổ biến. Hoá chất, thực phẩm, các chất kích thích tăng trọng, các sản phẩm biến đổi gen được sử dụng ngày càng nhiều.

Tiêu dùng năng lượng cho sinh hoạt và giao thông vận tải tăng lên dẫn đến việc tiêu thụ nhiều than và xăng dầu hơn so với trước đây làm tăng mức ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các dạng năng lượng sạch có tiềm năng lớn ở Việt Nam và có thể sử dụng phổ biến ở quy mô gia đình như năng lượng mặt trời, gió, thuỷ điện nhỏ, biogas còn ít được nghiên cứu, ứng dụng và phổ cập. Còn thiếu những chính sách khuyến khích việc phát triển các loại hình giao thông vận tải tiết kiệm, phương tiện vận tải công suất nhỏ và sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

2. Trong việc sản xuất và tiêu dùng hàng hoá, tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên cho một số nhu cầu không hợp lý đã bắt đầu phổ biến. Số lượng rượu, bia, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng tăng lên với tốc độ không tương xứng với mức sống còn thấp và khả năng thu nhập của dân cư. Tình trạng nghiện rượu, nghiện ma tuý không giảm đi. Các loại nguyên vật liệu không tái chế và khó phân huỷ (như kim loại, PVC) thải ra ngày càng nhiều.

3. Chưa có chính sách và biện pháp cụ thể hướng dẫn phương thức tiêu dùng hợp lý, nhất là các chính sách, biện pháp tài chính để khuyến khích tiêu dùng thân thiện với môi trường.

4. Một bộ phận dân cư còn đang sống dưới ngưỡng nghèo, chưa đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản của mình về ăn, mặc, ở, học hành, về những hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu. Nghèo đói là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khai thác bừa bãi, sử dụng lãng phí và không hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Nó cũng cản trở việc thực hiện những cách thức tiêu dùng có hiệu quả nhằm góp phần phát triển bền vững hơn.

Những hoạt động ưu tiên nhằm thay đổi mô hình tiêu dùng gồm:

a. Cơ cấu lại hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Để làm thay đổi mô hình tiêu dùng, trước hết cần tác động tới phương thức và kỹ thuật sản xuất theo hướng hình thành một hệ thống sản xuất các sản phẩm với dây chuyền công nghệ tiêu thụ ít năng lượng và nguyên vật liệu, đồng thời thải ra ít chất thải, đặc biệt là chất thải độc hại.

- Đối với hệ thống sản xuất đang tồn tại, cần rà soát và điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật và nâng cấp công nghệ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả môi trường của sản phẩm, khuyến khích sáng chế các loại sản phẩm mới có tính năng tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu, đồng thời tạo ra ít chất thải.

- Khuyến khích áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và thân thiện với môi trường, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải, phế liệu.

- Hình thành cơ cấu sản phẩm tiêu dùng hợp lý nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, giải trí của các tầng lớp nhân dân. Chú trọng đổi mới sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, chú trọng tiêu chuẩn thân thiện với môi trường để nâng cao chất lượng tiêu dùng và hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Phát triển và nâng cao mức độ thâm canh của các ngành sản xuất và dịch vụ tổng hợp có tính năng bảo vệ và cải thiện môi trường như trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch. Hạn chế sự phát triển sản xuất rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm và hàng tiêu dùng có chứa các chất có hại cho sức khỏe con người.

b. Thực hiện các biện pháp cần thiết để định hướng tiêu dùng hợp lý:

- Tuyên truyền, giáo dục để hình thành lối sống lành mạnh và phương thức tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong thanh thiếu niên. Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.

- Phát động phong trào tiêu dùng tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy vai trò tích cực của các đoàn thể quần chúng và của mọi tầng lớp nhân dân trong việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện và giám sát thực hiện phong trào toàn dân tiết kiệm tiêu dùng.

- Áp dụng một số công cụ kinh tế, như thuế tiêu dùng để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.

- Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ đồng bào đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

III. THỰC HIỆN QUÁ TRÌNH "CÔNG NGHIỆP HÓA SẠCH":

Đẩy mạnh công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của Việt Nam trong thời gian 10 năm tới. Thực hiện một chiến lược "công nghiệp hóa sạch" là ngay từ ban đầu phải quy hoạch sự phát triển công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền "công nghiệp xanh". Những tiêu chuẩn môi trường cần được đưa vào danh mục tiêu chuẩn thiết yếu nhất để lựa chọn các ngành nghề khuyến khích đầu tư, công nghệ sản xuất và sản phẩm, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất và xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát ô nhiễm.

Những hoạt động ưu tiên nhằm thực hiện quá trình "công nghiệp hóa sạch" bao gồm:

1. Về pháp luật:

- Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các vùng trọng điểm, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành tác động mạnh mẽ tới môi trường, nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách có hiệu quả.

- Thể chế hóa việc đưa yếu tố môi trường vào quy trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn của cả nước, các bộ, ngành và địa phương, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Hoàn thiện quy trình đánh giá tác động môi trường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung đánh giá tác động môi trường; thực hiện nghiêm ngặt quy định phải đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp.

- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu, tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiên với môi trường.

- Khuyến khích sản xuất sạch; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng và lợi ích của sản xuất sạch trong quá trình phát triển bền vững.

- Xây dựng các tiêu chuẩn và nguyên tắc đối với sản xuất sạch phù hợp với trình độ phát triển kinh tế. Nghiên cứu và phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất sạch, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở sản xuất và các nhà nghiên cứu công nghệ sản xuất sạch, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất.

- Nghiên cứu, ban hành một số chế tài buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn và vừa phải thiết lập các hệ thống tự quan trắc, giám sát về môi trường để cung cấp thông tin về chất thải và mức độ ô nhiễm do các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gây nên. Nghiên cứu, ban hành các chỉ tiêu về mức ô nhiễm tối đa cho phép ở các khu công nghiệp. Nhanh chóng hình thành một lực lượng cán bộ được đào tạo về quản lý môi trường trong các khu công nghiệp.

2. Về kinh tế:

- Trong quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp, phải ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường thích hợp và tiên tiến; lập các dự án với luận chứng đầy đủ, chi tiết về các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

- Thành lập mới và phát triển khu công nghệ cao. Ban hành các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ, công nghiệp điện, điện tử và công nghiệp sản xuất ô tô, mô tô, xe máy.

- Từng bước nâng dần tỷ lệ đầu tư phát triển công nghệ sạch.

- Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm tỷ trọng công nghệ sạch ngày càng tăng.

3. Về kỹ thuật và công nghệ:

- Phòng ngừa ô nhiễm do các cơ sở công nghiệp mới tạo ra, bao gồm việc hoàn thiện quy trình thẩm định đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là đưa ra yêu cầu về việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trước khi cấp giấy phép đầu tư.

- Giảm thiểu ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở hiện có gây ra. Tiến hành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc các cơ sở này phải lắp đặt các thiết bị kiểm soát và xử lý ô nhiễm, nâng cấp hoặc đổi mới công nghệ sản xuất, di dời toàn bộ hoặc từng bộ phận ra khỏi khu vực dân cư đông đúc và ở mức cao nhất là đình chỉ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở này. Hàng năm, tiến hành thống kê, đánh giá lại những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong phạm vi cả nước, tiến tới kiểm soát được ô nhiễm.

- Thực hiện việc đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ quy mô vừa và lớn trong toàn quốc và báo cáo về tình trạng quản lý môi trường trong ngành khai khoáng và các ngành công nghiệp chế biến có liên quan. Những mỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất sẽ bị buộc phải đầu tư để giảm thiểu mức độ ô nhiễm xuống mức cho phép hoặc bị đóng cửa. Các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động khai khoáng quy mô nhỏ và các hoạt động chế biến trong phạm vi tỉnh. Tất cả các dự án khai khoáng mới phải được xem xét, sàng lọc cẩn thận và phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chi tiết, đặc biệt là xem xét, đánh giá các công nghệ khai khoáng và chế biến, việc sử dụng và thải bỏ hóa chất, công tác duy tu các bãi phế thải và việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

4. Phát triển bền vững một số ngành có tác động đặc biệt đối tới môi trường:

Một số ngành kinh tế có tác động mạnh mẽ tới môi trường như năng lượng, khai thác mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, du lịch phải sớm xây dựng những chương trình hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc ứng dụng những công nghệ khai thác và chế biến tiên tiến cho phép tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng phát thải và ô nhiễm, khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng tái tạo được, cải thiện môi trường sinh thái ở những khu vực khai thác tài nguyên.

a. Ngành năng lượng:

Năng lượng là ngành then chốt của nền kinh tế, cũng là một trong những ngành có tác động mạnh nhất tới môi trường do hoạt động khai thác than ở các mỏ, khai thác dầu khí trên thềm lục địa, sản xuất và sử dụng nhiên liệu, năng lượng gây ra nhiều chất thải.

Để phát triển bền vững, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:

- Tăng cường cơ sở pháp luật cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ năng lượng và bảo vệ môi trường. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý ngành năng lượng, tăng cường năng lực xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển năng lượng.

- Lựa chọn công nghệ sản xuất và sử dụng tối ưu các loại hình năng lượng; lựa chọn các công cụ chính sách, xây dựng các chương trình phát triển nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững.

- Hỗ trợ công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các hệ thống năng lượng không gây hại cho môi trường, bao gồm các nguồn năng lượng mới và nguồn năng lượng có khả năng tái sinh. Khuyến khích sử dụng các công nghệ tiêu tốn ít năng lượng và tích cực thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng. Ưu tiên cho việc phát triển nguồn năng lượng có khả năng tái sinh thông qua việc khuyến khích tài chính và các cơ chế chính sách khác trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

- Cần có các giải pháp cụ thể về công nghệ và tổ chức quản lý cho từng phân ngành năng lượng nhằm thực hiện các chương trình, dự án làm giảm tác động tiêu cực đối với môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng năng lượng.

- Tham gia tích cực các hoạt động hợp tác và trao đổi quốc tế liên quan đến Công ưước khung về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 1992 mà Việt Nam đã ký kết tham gia ngày 16 tháng 11 năm 1994 và hiện là Thành viên của Công ước này. Nhập khẩu và ứng dụng những công nghệ tiên tiến của nước ngoài trong lĩnh vực khai thác, rửa và chế biến than. Đưa vốn và áp dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài để cải tạo và nâng cấp công nghệ cho ngành công nghiệp than.

b. Ngành khai thác khoáng sản:

Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được. Cả nước hiện có tổng cộng trên 1.000 mỏ đang hoạt động và khai thác trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Hiện tại, do còn quản lý lỏng lẻo, tình trạng khai thác bừa bãi tương đối phổ biến, nhất là ở các mỏ nhỏ nằm phân tán, rải rác ở các địa phương. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.

Để phát triển bền vững, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:

- Đưa vào sử dụng các công cụ kinh tế, hành chính và chế tài pháp luật nhằm thực hiện kiên quyết và có hiệu quả hơn Luật Khoáng sản.

- Kiện toàn hệ thống quản lý tài nguyên khoáng sản ở Trung ương và các địa phương. Xây dựng quy hoạch thống nhất sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Đổi mới công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến nhằm tận dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu công nghệ sử dụng các loại quặng có hàm lượng thấp nhằm triệt để sử dụng khoáng chất trong các mỏ, đồng thời giảm khối lượng đất đá thải, thu hẹp diện tích bãi thải. Tìm giải pháp thu hồi các chất hữu ích từ các bãi thải quặng để làm sạch môi trường và tránh lãng phí tài nguyên.

- Tổ chức trình tự khai thác mỏ một cách hợp lý, tránh tình trạng mỏ dễ thì làm trước, mỏ khó thì bỏ lại, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, đánh giá và quy hoạch khai thác khoáng sản. Hạn chế và sớm tiến tới nghiêm cấm tình trạng khai thác mỏ một cách tự phát, bừa bãi.

- Đối với tài nguyên khoáng sản ở dưới lòng sông, cần khoanh khu vực khai thác, tránh làm sạt lở bờ và thay đổi dòng chảy.

- Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở các địa bàn khai thác mỏ.

c. Ngành giao thông vận tải:

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường không đều đã và đang được mở rộng và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để dịch vụ vận tải nhanh chóng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và lưu thông của xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hoá và đời sống của nhân dân. Việc tập trung xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian tới sẽ làm cho môi trường, cảnh quan tốt đẹp hơn, điều kiện giao thông tốt hơn, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Song mặt khác, lĩnh vực giao thông vận tải cũng đặt ra một số thách thức đối với phát triển bền vững:

- Một bộ phận dân cư sẽ phải di dời do giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án và tái định cư làm đời sống xáo trộn; một bộ phận đất đai đang canh tác sẽ bị mất.

- Nguy cơ ô nhiễm khí thải, bụi, tiếng ồn, ô nhiễm sông biển sẽ tăng lên.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải sẽ thu hút một số lớn vốn đầu tư, trong đó phần lớn là vốn vay bên ngoài dẫn đến gánh nặng nợ nần của thế hệ mai sau sẽ tăng lên.

Để phát triển bền vững, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:

- Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ nhằm phát triển bền vững lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm các chính sách sử dụng đất đai, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông vận tải công cộng, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển giao thông vận tải, sử dụng phương tiện giao thông vận tải có mức tiêu hao năng lượng thấp và giảm phát thải gây ô nhiễm.

- Quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đồng bộ với quy hoạch các vùng sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, nhằm bảo đảm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tăng dịch vụ trong mối quan hệ hài hoà với phát triển kinh tế vùng và bảo vệ môi trường tự nhiên.

- Tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng ở các đô thị lớn. Sử dụng các công cụ kinh tế và hành chính trong việc khuyến khích thói quen sử dụng dịch vụ giao thông công cộng. Hạn chế phát triển các loại phương tiện giao thông cá nhân tiêu tốn nhiên liệu, sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích sáng chế và phổ biến các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

- Phát triển nhanh chóng mạng lưới giao thông nông thôn để phục vụ tốt việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến luật pháp về giao thông và an toàn giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông.

d. Thương mại:

Trong quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, thương mại là lĩnh vực có mức gia tăng nhanh chóng nhất. Bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại, thương mại cũng làm gia tăng nguy cơ phá vỡ tính bền vững của sự phát triển:

- Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thô và sơ chế, mặc dù đã bước đầu có những chuyển biến tích cực hơn trong cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng sản phẩm chế biến. Đẩy mạnh xuất khẩu đồng nghĩa với gia tăng khai thác tài nguyên. Nếu không bảo vệ, tái tạo, đồng thời từng bước chuyển sang chế biến sâu hơn, tinh hơn các nguồn nguyên vật liệu, thì nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, môi trường bị quá tải và suy thoái.

- Việc nhập khẩu hàng hoá chứa những chất độc hại, khó phân huỷ cũng làm tăng khối lượng chất thải.

- Việc nhập khẩu vật tư, thiết bị cũ và lạc hậu không những là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường mà còn cản trở việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, gây tác hại tới sức khoẻ cộng đồng.

Để phát triển bền vững, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:

- Xây dựng chiến lược thị trường, nhằm bảo đảm những nhu cầu của thị trường trong nước, thúc đẩy việc tạo lập mô hình tiêu dùng hợp lý.

- Kiện toàn cơ sở pháp lý và bộ máy quản nhà nước về thương mại và thị trường nhằm phát triển thị trường trong nước và mở rộng quan hệ thương mại với nước ngoài.

- Xây dựng kế hoạch dài hạn và cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng mức độ chế biến và giá trị gia tăng trong hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô và sơ chế.

- Giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hoá, dây chuyền công nghệ và thiết bị nhằm bảo đảm giảm thiểu phát sinh chất thải, đồng thời khuyến khích nhập khẩu các dây chuyền công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường.

e. Du lịch:

Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất phong phú. Phát triển du lịch đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập, khôi phục nhiều truyền thống văn hoá, tôn tạo một số cảnh quan và di tích lịch sử, văn hoá. Song mặt khác, nó cũng làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

- Các khách sạn, công trình phục vụ du lịch và giải trí "bung ra" thiếu sự quy hoạch thận trọng, nhiều trường hợp phá hoại các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.

- Một số hệ sinh thái nhạy cảm, có đa dạng sinh học cao như các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng ven biển...bị xâm phạm và gây biến đổi mạnh.

- Lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường ở các khu du lịch lớn, tập trung, đặc biệt ở một số khu du lịch ven biển ngày càng gia tăng.

- Môi trường văn hoá-xã hội chịu tác động của lối sống ngoại lai cũng có những biến đổi xấu đi. Tệ nạn mại dâm, nghiện hút, bệnh xã hội, HIV/AIDS là những hậu quả trực tiếp của sự phát triển du lịch.

Để phát triển bền vững, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:

- Lồng ghép quy hoạch phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường với quy hoạch phát triển và kinh doanh du lịch. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, trong đó lồng ghép những yêu cầu phát triển bền vững vào công tác quản lý nhà nước về du lịch.

- Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án phát triển và kinh doanh du lịch.

- Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái. Hỗ trợ các cộng đồng dân cư tham gia quản lý công tác du lịch trên địa bàn của địa phương nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế, đồng thời tham gia giám sát, bảo đảm giảm tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực và rủi ro của du lịch đối với môi trường, truyền thống văn hóa và điều kiện sống của nhân dân địa phương.

- Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người để bảo tồn những di sản tự nhiên, lịch sử và văn hóa dân tộc. Huy động sự tham gia rộng rãi của các cấp chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, bảo vệ di sản và môi trường.

IV. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG:

Nông, lâm, ngư nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, hiện sản xuất ra gần 1/4 GDP. Trong những năm 1990, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã có những bước phát triển, tiến bộ đáng kể. Sản xuất lương thực, đặc biệt là lúa, tăng lên liên tục cả về diện tích gieo trồng và năng suất, đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thâm canh trở thành xu hướng chủ đạo trong nền nông nghiệp với việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới về giống, quy trình canh tác và chế biến sản phẩm. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có những chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá và định hướng theo thị trường. Tuy nhiên, còn không ít thách thức đối với sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đó là:

- Ruộng đất ở nông thôn bị chia nhỏ, manh mún, không phù hợp với yêu cầu của việc sản xuất hàng hoá lớn, tập trung.

- Quá trình cơ giới hoá nông nghiệp và việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến còn diễn ra chậm chạp. Hầu hết các khâu sản xuất ở những vùng nông nghiệp đều làm thủ công, dẫn đến năng suất lao động nông nghiệp rất thấp.

- Công nghiệp tác động còn yếu vào nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản.

- Thị trường nông sản không ổn định, giá cả thay đổi theo chiều hướng bất lợi đối với nông dân.

- Tình trạng giảm sút đa dạng gen ở giống cây trồng, vật nuôi do trào lưu thay thế giống truyền thống bằng giống mới đang làm cho việc phòng chống sâu bệnh khó khăn hơn. Việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng một cách tuỳ tiện đã có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép của môi trường sinh thái, dẫn đến thoái hoá đất, ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho sức khoẻ con người.

- Công nghiệp nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển mạnh ở nhiều vùng nông thôn, thu hút khoảng 2 triệu lao động đã tạo thêm công ăn việc làm và làm tăng thu nhập của dân cư. Song công nghệ sản xuất còn lạc hậu, sức cạnh tranh kém, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm là những nguyên nhân cản trở sự phát triển ổn định của khu vực này. Bên cạnh việc có những mặt tác động tích cực, tuy nhiên do phát triển thiếu quy hoạch và thiếu đầu tư thoả đáng cho bảo vệ tài nguyên và môi trường, khu vực sản xuất nhỏ này đang gây ô nhiễm môi trường sinh sống của các cộng đồng nông thôn, đặc biệt ở một số làng nghề, nơi sản xuất và sinh hoạt đan xen trong cùng một khu dân cư đông đúc.

- Tình trạng bóc lột tài nguyên đất đai và trong lòng đất, rừng, động thực vật ở các vùng nông thôn cũng đang làm lãng phí nhiều nguồn tài nguyên quý không thể tái tạo được.

Những hoạt động ưu tiên để phát triển nông nghiệp bền vững:

1. Về luật pháp:

- Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đồng bộ về phát triển nông nghiệp; hệ thống quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, các giống cây trồng, vật nuôi, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp; các phương pháp canh tác tiên tiến và vấn đề bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường sự phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường và các cơ quan quản lý khác. Tiếp tục bồi dưỡng cán bộ quản lý ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý cho phát triển nông nghiệp bền vững.

- Quy hoạch phát triển nông thôn, khuyến khích đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý thông qua các chính sách tài chính, phát triển công nghệ và chính sách dân số, nhằm tạo sự phát triển bền vững ở cả nông thôn và đô thị, tạo lập mối quan hệ hợp lý về phân công lao động, trao đổi và thúc đẩy lẫn nhau giữa nông thôn và đô thị, làm cho đời sống vật chất ở nông thôn ngày càng đầy đủ tiện nghi và đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng văn minh, tiến bộ.

2. Về kinh tế:

- Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ruộng đất ở những vùng ruộng đất manh mún, phân tán, dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thích hợp cho canh tác theo những phương thức lớn, hiện đại.

- Xây dựng và thực hiện những chương trình nâng cao năng suất đất đai, sử dụng hợp lý nguồn nước ở các địa phương. áp dụng những hệ thống sản xuất kết hợp nông-lâm, nông-lâm-ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu.

- Mở rộng sản xuất và thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch, chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm nhằm tạo cho người tiêu dùng niềm tin vào mức độ vệ sinh, an toàn của nông sản, thực phẩm.

- Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, dầu ăn, đường, rau, hoa quả để tăng chủng loại, quy mô và hiệu quả sản xuất lương thực, thực phẩm. Cải thiện chất lượng môi trường công nghiệp chế biến. Hoàn thiện các hệ thống kho lưu giữ, bảo quản, hệ thống chế biến và phân phối lương thực ở mọi cấp, đặc biệt đối với việc dự trữ lương thực quốc gia.

- Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại kinh tế, giống cây trồng vật nuôi và sử dụng nguồn lao động nông thôn. Đa dạng hóa cơ cấu sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, phân công lại lao động nông thôn, tạo điều kiện cho việc định cư ổn định, giảm bớt sức ép di dân từ nông thôn ra thành thị.

- Củng cố và hoàn thiện hơn nữa hệ thống dịch vụ kỹ thuật hiện có đối với các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thuỷ sản. Thiết lập một hệ thống hướng dẫn sản xuất và tiêu thụ nông sản.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển các công trình thuỷ lợi nhằm tăng diện tích được tưới tiêu chủ động. Giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân và vật nuôi ở những vùng dân cư nghèo.

- Phát triển các ngành nghề và doanh nghiệp phi nông nghiệp ở nông thôn phải đi đôi với việc xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp tập trung, có đủ kết cấu hạ tầng bảo đảm hạn chế khả năng gây ô nhiễm. Nghiên cứu để hình thành mạng lưới các tổ chức làm công tác tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống. Chủ động quy hoạch và xây dựng các cụm làng nghề, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung ở vùng nông thôn để phát triển kinh tế, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường do các ngành nghề này gây ra.

3. Về kỹ thuật và công nghệ:

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển những giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao, không thoái hoá, không làm tổn hại tới đa dạng sinh học. Thành lập các trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, nhập khẩu có chọn lọc và thẩm định kỹ những giống cây trồng, vật nuôi của nước ngoài.

- Phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, phân bón phân giải chậm phục vụ cho việc phát triển nền nông nghiệp sinh thái.

- Mở rộng việc áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện phổ cập quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM).

- Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi của địa phương.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

V. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC VÙNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG:

Việt Nam có 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân ra thành 8 vùng địa lý kinh tế. Các tỉnh trong cả nước đã xây dựng quy hoạch phát triển dài hạn đến năm 2010. Quy hoạch lãnh thổ vùng cũng đã được xây dựng. Tuy nhiên, giữa các quy hoạch tỉnh và vùng chưa có sự kết hợp. Vùng không phải là cấp quản lý nhà nước, vì vậy chưa có việc lập kế hoạch phát triển, giám sát và đánh giá tác động phát triển ở cấp vùng lãnh thổ. Trong khi đó, các vấn đề phát triển bền vững thường bao trùm quy mô lãnh thổ rộng lớn và đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều tỉnh, thành phố với nhau.

Chiến lược phát triển vùng một mặt phải ưu tiên phát triển trước các vùng kinh tế trọng điểm, có khả năng bứt phá lên trước, nhưng mặt khác phải chú ý tới việc hỗ trợ các vùng kém phát triển và có điều kiện khó khăn hơn, nhằm tạo ra một sự cân đối nhất định trong phát triển không gian, từng bước thu hẹp khoảng cách về xã hội và tiến tới giảm bớt sự chênh lệch về kinh tế trong những năm sau này. Các vùng phát triển kinh tế trọng điểm sẽ đóng vai trò là đầu tàu, là động cơ lôi kéo các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn hơn.

Nhằm bảo đảm cho quá trình quy hoạch, kế hoạch hóa và chỉ đạo thực hiện phát triển vùng mang tính bền vững, cần đổi mới hệ thống quản lý theo hướng:

1. Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phát triển bền vững cho các cấp chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo phương án phát triển kinh tế-xã hội và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích của địa phương, hiểu rõ tác động về mặt môi trường của các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và vì vậy là cấp thích hợp nhất để quy hoạch và kế hoạch hóa sự phát triển bền vững ở địa phương mình.

2. Các vùng, khu vực đều phát huy lợi thế để phát triển, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho các vùng còn nhiều khó khăn. Thống nhất quy hoạch phát triển trong cả nước, giữa các vùng, tỉnh, thành phố, tạo sự liên kết trực tiếp về sản xuất, thương mại, đầu tư, giúp đỡ kỹ thuật và nguồn nhân lực. Nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng và khu vực.

3. Thu hút rộng rãi các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân vào quá trình lựa chọn và thực hiện các phương án phát triển tại địa phương theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

4. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm tính liên ngành và liên vùng, liên lãnh thổ.

5. Để bảo đảm phát triển bền vững vùng và các địa phương, cần xây dựng các chương trình phát triển bền vững của vùng và địa phương. Trên cơ sở phân tích các tiềm năng tự nhiên, nguồn nhân lực, các lợi thế so sánh và những khó khăn đối với sự phát triển, phân tích thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, chương trình phát triển bền vững địa phương sẽ xác định mục tiêu, phương hướng, nội dung phát triển các ngành, vùng lãnh thổ theo quan điểm phát triển bền vững; đề ra hệ thống các biện pháp để thực hiện các mục tiêu, nội dung và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các giải pháp chính sách liên quan tới việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

PHẦN 3

NHỮNG LĨNH VỰC XÃ HỘI CẦN ƯU TIÊN NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

I. TẬP TRUNG NỖ LỰC ĐỂ XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO, ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI:

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Bước vào thiên niên kỷ mới, Việt Nam vẫn còn một tỷ lệ đáng kể người nghèo. Theo chuẩn nghèo quốc gia hiện nay, thì tỷ lệ nghèo vào đầu năm 2001 khoảng trên 17%, với 2,8 triệu hộ nghèo trên cả nước (nếu theo chuẩn quốc tế tỷ lệ hộ nghèo là 32%). Bên cạnh đó, một phần đông dân số còn có mức sống xấp xỉ chuẩn nghèo. Người nghèo còn ít khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản và dễ bị tổn thương trước những rủi ro trong cuộc sống như thiên tai, mất mùa, ốm đau...Khả năng tái nghèo cao, làm cho những thành tựu xoá đói giảm nghèo thiếu tính bền vững. Hiện còn trên 2300 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, chiếm tỷ lệ khoảng 22% tổng số xã trong cả nước. Chênh lệch về mức sống của các vùng, các nhóm xã hội tuy chưa cao, nhưng có xu hướng tăng. Nguồn lực có thể huy động cho xoá đói giảm nghèo so với nhu cầu còn quá hạn hẹp.

Trong những thập kỷ tới, việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam cần tập trung vào mấy trọng điểm sau đây:

- Xoá đói giảm nghèo.

- Rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa nông thôn và đô thị, giữa miền núi và miền xuôi.

- Hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

- Nâng cao địa vị của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

- Tạo điều kiện để những nhóm xã hội dễ bị tổn thương hoà nhập với cộng đồng.

Những hoạt động ưu tiên cần được thực hiện để đạt những mục tiêu nêu trên là:

1. Đưa công tác xoá đói giảm nghèo là công tác trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có tư liệu và phương tiện để sản xuất, dịch vụ, bảo đảm an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình, nâng cao thu nhập để tự vượt qua nghèo đói; tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, nước sạch; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bão lụt và tác động tiêu cực của quá trình cải cách kinh tế, bảo đảm xoá đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời hỗ trợ các xã nghèo phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, dịch vụ, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư.

2. Tập trung giúp cho các địa phương nghèo phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hoá, cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dich vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp.

3. Kết hợp chặt chẽ chương trình xoá đói giảm nghèo với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; xây dựng và quy hoạch lại các cụm dân cư; khuyến khích làm giàu chính đáng và hợp pháp, đi đôi với đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, nâng nhanh mức sống nhân dân ở các xã nghèo, vùng nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống.

4. Trong thời gian tới, công tác xoá đói giảm nghèo tập trung vào các địa bàn khó khăn nhất (các xã đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, vùng cao biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc) và ưu tiên đối tượng là phụ nữ và trẻ em nghèo.

5. Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, phòng chống thiên tai, giảm rủi ro cho nhóm yếu thế, thông qua cơ chế xã hội hoá, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tập trung hoàn thiện mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đáp ứng nhu cầu bức xúc và khẩn cấp của các nhóm dễ bị tổn thương, những người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân của chiến tranh và thiên tai, giúp họ hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa và hạn chế tình trạng tái đói kinh niên và tái nghèo. Đây cũng là điều kiện quan trọng bảo đảm sự tiến bộ, công bằng, ổn định và phát triển bền vững về mặt xã hội.

6. Động viên cộng đồng người nghèo hãy phát huy nội lực, tự vươn lên thoát khỏi nghèo đói, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các cộng đồng khác thực hiện xoá đói giảm nghèo bền vững. Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực để xóa đói giảm nghèo, phát huy nội lực là chính, kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế để đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo.

7. Có chính sách, cơ chế khuyến khích việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thích hợp đến các xã nghèo, người nghèo để phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo.

II. TIẾP TỤC GIẢM MỨC TĂNG DÂN SỐ VÀ TẠO THÊM VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG:

Việt Nam có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động dồi dào, trẻ, có tính năng động cao trong hoạt động kinh tế. Trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam đã thực hiện chiến lược dân số, kế hoạch hoá gia đình với nội dung chủ yếu là hạn chế mức tăng dân số tự nhiên và đạt được những thành tựu khả quan. Về cơ bản Việt Nam đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số, vì vậy áp lực của quy mô dân số đối với sự phát triển đã bắt đầu được giảm nhẹ hơn.

Mặc dù có những thành công trong việc hạn chế tốc độ tăng dân số, những vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư vẫn còn là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam trong nhiều năm nữa:

- Gia tăng dân số là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng rừng bị thu hẹp, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị suy thoái.

- Người lao động còn thiếu việc làm; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

- Việc dân số tăng nhanh dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu trong chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, làm nảy sinh hàng loạt vấn đề như: tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn cao; chiều cao, cân nặng không bảo đảm dẫn đến suy thoái giống nòi; tỷ lệ học sinh bỏ học tăng; tình trạng mất công bằng trong giáo dục sẽ gia tăng giữa các vùng, các nhóm dân tộc; chất lượng giáo dục khó bề được cải thiện.

Cần thực hiện những hoạt động ưu tiên dưới đây để vượt qua những thách thức từ các vấn đề dân số nêu trên:

1. Duy trì xu thế giảm sinh một cách vững chắc và nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần:

Kết quả giảm sinh từ nay đến năm 2010 có ý nghĩa quyết định đến việc ổn định quy mô dân số ở mức cao hay thấp. Quy mô dân số Việt Nam sẽ ổn định vào giữa thế kỷ 21, nếu ở mức cao, có thể đạt trên 122 triệu người, còn ở mức thấp dân số sẽ dưới 113 triệu người. Để đạt mục tiêu này, cần thực hiện những công việc sau:

- Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở để đảm nhiệm chức năng tổ chức, quản lý và triển khai chương trình dân số và phát triển. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền các cấp đối với công tác dân số.

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Tập trung vào những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn và những đối tượng còn nhiều hạn chế về nhận thức. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hình thức truyền thông, giáo dục dân số trong và ngoài nhà trường.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và công tác kế hoạch hóa gia đình bằng các nội dung thiết yếu, phù hợp với khuôn khổ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, hạn chế đến mức thấp nhất việc có thai ngoài ý muốn, giảm nhanh nạo thai, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

- Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin, dữ liệu về dân cư để đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện chiến lược và các chương trình dân số; bảo đảm việc lồng ghép các dữ liệu về dân cư vào việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch nhằm điều chỉnh sự phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ dân cư phù hợp với sự thay đổi của dân số.

- Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình và thực hiện bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác dân số, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tự nguyện và chủ động tham gia công tác dân số. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách dân số và phát triển, tạo cơ sở pháp lý và động lực nhằm thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện.

- Bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho công tác dân số. Phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác dân số.

2. Giải quyết việc làm:

Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy yếu tố con người, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế, làm ổn định và lành mạnh hoá xã hội, đáp ứng nhu cầu bức xúc của nhân dân.

Dân số trong độ tuổi lao động ước tính sẽ tăng từ 45,4 triệu hiện nay lên xấp xỉ 60 triệu người vào năm 2010. Mục tiêu đặt ra cho lĩnh vực giải quyết việc làm là phải tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm, tận dụng tốt lực lượng lao động chưa sử dụng hết, nhất là vào dịp nông nhàn ở nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động cho phù hợp với cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đạt mục tiêu này, cần thực hiện những công việc sau:

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp nhằm tạo ra một nền kinh tế với cơ cấu có khả năng thu hút nhiều lao động và tạo thêm nhiều việc làm mới.

- Cải tiến và đổi mới cơ chế huy động, sử dụng và quản lý vốn đầu tư theo hướng đa dạng hoá hình thức huy động vốn, thường xuyên điều chỉnh lãi suất và đơn giản hoá những thủ tục gửi tiền, rút tiền tiết kiệm nhằm huy động ngày càng nhiều vốn nhàn rỗi trong dân. Đẩy nhanh việc cổ phần hoá, hình thành thị trường vốn và vận hành tốt loại thị trường này nhằm huy động và di chuyển vốn được nhanh chóng, dễ dàng giữa các khu vực và các ngành kinh tế. Cải tiến cơ cấu sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tăng nguồn vốn trung hạn và dài hạn, hỗ trợ vốn cho nhân dân, đặc biệt cho nông dân trong quá trình tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

- Nâng cao mức độ chế biến sản phẩm để tạo thêm việc làm và mở rộng thị trường lao động. Tập trung vào đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng lao động, hình thành và phát triển năng lực các ngành chế biến nhằm tăng quy mô và tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Tìm kiếm và mở rộng thị trường, đặc biệt coi việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia là khâu mũi nhọn. Cần làm tốt công tác đào tạo nghề để đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Hình thành, phát triển và điều tiết có hiệu quả thị trường lao động trong nước. Xây dựng và tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động. Khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ việc làm hoạt động minh bạch và hữu hiệu trong cơ chế thị trường.

- Từng bước hoàn chỉnh hành lang pháp lý về lao động và việc làm nhằm phát triển quan hệ lao động lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.

- Phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo nghề, tăng cường mối liên kết giữa hệ thống giáo dục và đào tạo nghề với thị trường lao động, với hệ thống dịch vụ và xúc tiến việc làm.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA VÀ DI DÂN NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC ĐÔ THỊ, PHÂN BỐ HỢP LÝ DÂN CƯ VÀ LAO ĐỘNG THEO VÙNG:

Kể từ đầu những năm 1990, quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Đến năm 1999, Tổng điều tra dân số cho thấy hiện có 17,9 triệu người là dân cư đô thị, chiếm 23,45% dân số. Cả nước hiện có 623 đô thị (trong đó 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 82 thành phố, thị xã thuộc tỉnh và 537 thị trấn).

Quá trình đô thị hóa hiện đang gặp những thách thức như sau:

- Quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị ở hầu hết các đô thị Việt Nam đều chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội đô thị và chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, hệ thống giao thông.

- Mặc dù hạ tầng kỹ thuật đô thị ở các thành phố lớn đã được quan tâm đầu tư cải tạo và nâng cấp, nhưng nhìn chung vẫn còn rất yếu kém, chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn của đô thị hiện đại. Tình trạng ô nhiễm môi trường và phá vỡ cân bằng sinh thái đô thị, cảnh quan thiên nhiên đang là mối lo ngại chung.

- Chưa có sự lồng ghép quy hoạch bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị nên vừa làm tăng các vấn đề môi trường đô thị vừa gây khó khăn trong việc khắc phục các hậu quả. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng xây dựng xen kẽ các nhà máy gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư đông đúc, thiếu các cơ sở hạ tầng và dịch vụ xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Đô thị hoá với tốc độ nhanh và sự gia tăng dân di cư từ nông thôn ra thành thị gây nên sức ép ngày càng lớn về nhà ở và vệ sinh môi trường đô thị.

Những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành để phát triển đô thị bền vững bao gồm:

1. Rà soát lại quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm phát triển các đô thị bền vững.

Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các đô thị giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển đô thị là xây dựng tương đối hoàn chỉnh hệ thống đô thị cả nước, có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật hiện đại, môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên địa bàn cả nước, bảo đảm cho mỗi đô thị theo vị trí và chức năng của mình phát huy được đầy đủ các thế mạnh để phát triển ổn định, bền vững và trường tồn.

Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị phải được rà soát lại, đặc biệt dưới góc độ các nguyên tắc phát triển bền vững, để bảo đảm cho toàn bộ hệ thống đô thị của cả nước nói chung và mỗi đô thị nói riêng đều phải phát triển bền vững.

Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam thời kỳ 1997-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 1998, theo đó việc hình thành và phát triển các đô thị ở nước ta trong thời gian tới phải tuân theo những quan điểm chính sau đây:

- Phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất;

- Phân bố hợp lý các đô thị lớn, trung bình và nhỏ trên các vùng lãnh thổ, kết hợp đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tạo ra sự phát triển cân bằng giữa ba khu vực Bắc-Trung-Nam, từng bước giảm dần sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng;

- Có cơ sở hạ tầng đồng bộ với trình độ thích hợp hoặc hiện đại, tuỳ thuộc vào yêu cầu khai thác và sử dụng các khu vực trong đô thị;

- Phát triển ổn định, bền vững và trường tồn trên cơ sở tổ chức hợp lý môi sinh và bảo vệ môi trường;

- Kết hợp cải tạo với xây dựng mới; coi trọng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc với việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong việc cải tạo, xây dựng và hiện đại hóa đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam;

- Kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

- Huy động mọi nguồn vốn để cải tạo, xây dựng đô thị, bảo đảm cho các đô thị phát triển có trật tự, kỷ cương theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và những quy định của pháp luật.

2. Giảm đến mức thấp nhất tác động của đô thị hoá tới môi trường thông qua những hoạt động sau:

- Từng bước nâng cấp hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh môi trường xây dựng trong thiết kế, quy hoạch thành phố và nhà ở. Thành lập và phát triển hệ thống giám sát để bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường phòng bệnh trong xây dựng đô thị.

- Đẩy mạnh công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp tại các đô thị và khu công nghiệp, tìm nơi chôn lấp xa khu dân cư hoặc sử dụng công nghệ tái chế để tái sử dụng hoặc chế biến làm phân bón.

- Củng cố và tăng cường năng lực cho các cơ quan có nhiệm vụ quản lý và bảo đảm vệ sinh môi trường đô thị.

- Thành lập các ban liên ngành để quản lý vệ sinh môi trường đô thị với người đứng đầu là lãnh đạo các cấp chính quyền tương ứng.

3. Định hướng các luồng di dân theo vùng lãnh thổ và nông thôn-đô thị:

Di dân có vai trò tái phân bố dân cư để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực về tài nguyên, vốn, lao động…Tiền đề của di dân là do chênh lệch về cơ hội việc làm, mức sống và điều kiện phát triển giữa các khu vực, các vùng lãnh thổ. Động lực di dân chủ yếu là các lý do kinh tế. Đặc biệt, cũng còn có một số nhóm đồng bào dân tộc ít người di cư do tập quán canh tác kiểu du canh, du cư.

Mục tiêu của việc định hướng các dòng di dân là nhằm phân bố lại dân cư và lao động, sử dụng tốt nhất các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển.

Những hoạt động ưu tiên nhằm đạt được mục đích nêu trên là:

a. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế toàn diện, như là phương tiện bền vững nhất nhằm điều chỉnh thành công các dòng di dân:

- Phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hoá đi đôi với việc bảo vệ và giữ gìn nét đẹp truyền thống nông thôn; đa dạng hoá các ngành nghề có mức sinh lợi cao; ưu tiên cho đầu tư phát triển ở các vùng nghèo khó, nơi có nhiều người ra đi. Thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn làm cơ sở cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phân công lao động ở nông thôn. Khuyến khích dân cư nông thôn tự tạo việc làm ngay tại quê hương. Nhà nước kích thích bằng việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh và hoạt động dịch vụ.

- Phát triển đô thị hợp lý thông qua khuyến khích phát triển các thành phố qui mô trung bình và nhỏ.

- Giảm bớt sự khác biệt giữa các vùng, khu vực nông thôn với thành thị, giữa các cộng đồng dân cư và tạo sự hoà nhập xã hội bền vững.

- Đẩy mạnh việc sử dụng đúng mức, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại chỗ phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng dân cư ở các vùng sâu, vùng xa.

- Có các chính sách và biện pháp quản lý phù hợp với qui luật và trình độ phát triển của đất nước.

b. Đổi mới và tổ chức thực hiện các chính sách di dân: Đối với mỗi loại hình di dân, các cấp chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách và biện pháp về kinh tế, xã hội, kỹ thuật, quản lý để một mặt phát triển được sản xuất, tăng thêm cơ hội việc làm và thu nhập, phát triển cơ sở hạ tầng và không làm trầm trọng thêm những vấn đề xã hội và môi trường tại các địa phương có dân nhập cư; mặt khác cải thiện được điều kiện sống và làm việc của người di cư, tổ chức việc thực hiện nghĩa vụ của người di cư đối với cộng đồng nơi nhập cư, bảo vệ các quyền lợi chính đáng về việc làm, điều kiện sinh sống và các quyền lợi khác của người di cư trong thị trường lao động.

IV. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐỂ NÂNG CAO DÂN TRÍ VÀ TRÌNH ĐỘ NGHỀ NGHIỆP, PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU CỦA SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC:

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Qui mô giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Hiện nay có gần 94% dân cư từ 15 tuổi trở lên biết chữ; tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập tiểu học; số năm đi học trung bình của dân cư đạt 7,3; đã đào tạo được một lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật khoảng 8 triệu người, chiếm 18,3% trong tổng số 43,8 triệu lao động cả nước.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng còn bộc lộ nhiều yếu kém trên các mặt như:

- Chất lượng giáo dục, đào tạo đại trà ở các cấp học, bậc học còn thấp. Còn thiếu các điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng như : đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, cơ cấu không đồng bộ và chất lượng thấp, phương pháp giáo dục lạc hậu, phương tiện giảng dạy còn thiếu thốn.

- Hiệu quả giáo dục, đào tạo còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chưa có các giải pháp hữu hiệu trong đào tạo nhân lực để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, để phát triển nông thôn, phục vụ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân bố lao động. Đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp còn chưa phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội.

- Cơ cấu đào tạo nhân lực về trình độ, ngành nghề và vùng miền chưa hợp lý. Khoảng cách về trình độ phát triển giáo dục, đào tạo giữa các vùng trong nước chưa được thu hẹp.

- Một số hiện tượng tiêu cực, thiếu kỷ cương trong giáo dục, đào tạo chưa được ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả xấu.

Nhiệm vụ của giáo dục, đào tạo trong chiến lược phát triển bền vững là phải phấn đấu không ngừng để nâng cao dân trí, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người tiếp cận giáo dục, không ngừng phát triển năng lực cá nhân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội trong thập kỷ tới.

Những hoạt động ưu tiên nhằm thực hiện nhiệm vụ nêu trên là:

1. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học, coi trọng kiến thức xã hội và nhân văn, bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước trong khu vực và thế giới.

2. Hỗ trợ những tỉnh gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010 bằng cách hỗ trợ đào tạo số giáo viên còn thiếu để bổ sung cho 10 tỉnh khó khăn; bổ sung kinh phí để hỗ trợ xây dựng trường học, xây dựng trường nội trú và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy.

3. Đào tạo nhân lực cho nông thôn nhằm trang bị cho nông dân các kiến thức cơ bản về những ngành nghề ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân đa dạng hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm và tăng thu nhập. Hoạt động này bao gồm việc xây dựng mạng lưới đào tạo nghề tại nông thôn, xây dựng chương trình đào tạo nghề và cung cấp giáo viên dạy nghề cho nông dân.

4. Hình thành và phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho xuất khẩu lao động để thu ngoại tệ và tạo việc làm.

5. Phát triển vững chắc giáo dục các vùng dân tộc ít người và các vùng khó khăn, phấn đấu giảm chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng lãnh thổ thông qua các biện pháp như : xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp thích hợp ở các vùng dân tộc và miền núi; củng cố, đổi mới các trường sư phạm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo giáo viên, đặc biệt giáo viên cho miền núi, vùng dân tộc; thực thi chính sách phân bổ và hỗ trợ tài chính hợp lý từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.

6. Huy động toàn xã hội, toàn dân đóng góp xây dựng nền giáo dục, đa dạng hoá các loại hình giáo dục và đào tạo, mở rộng các nguồn tài chính, khai thác mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục.

7. Thực hiện giáo dục về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong nhà trường phổ thông; tuyên truyền và phổ cập kiến thức về phát triển bền vững nhằm nâng cao dân trí và nâng cao nhận thức cho mọi người dân để trên cơ sở đó, huy động toàn dân tham gia thực hiện phát triển bền vững.

V. PHÁT TRIỂN VỀ SỐ LƯỢNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE, CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG SỐNG:

Trong những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Do đó, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu đã được thực hiện tốt ở nhiều địa phương, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Công tác phòng bệnh và phòng chống dịch chủ động đã được triển khai mạnh mẽ. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi như dịch tả, dịch hạch và bệnh sốt rét. Hệ thống khám chữa bệnh được đầu tư nâng cấp và thực sự có những tiến bộ mới. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị đã được áp dụng thành công và phổ biến rộng rãi. Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống y dược học cổ truyền được củng cố và phát triển, đã phát huy tác dụng tích cực trong việc điều trị các bệnh thông thường và nhiều bệnh mạn tính khác nhau với chi phí thấp, phù hợp với người nghèo và nhân dân vùng nông thôn, miền núi.

Tình hình sức khoẻ nhân dân ngày càng được cải thiện. Việt Nam đã đạt được các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ, tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, góp phần làm tăng đáng kể chỉ số phát triển con người của nước ta.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ còn tồn tại những thách thức sau đây:

- Nền kinh tế thị trường làm cho sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng, trong khi ngân sách nhà nước cho y tế còn hạn hẹp thì việc thực hiện công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ là khó khăn. Các chính sách về bảo hiểm y tế, thu viện phí và khám chữa bệnh cho người nghèo bước đầu đã phát huy tác dụng, nhưng bên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số hạn chế.

- Mức sống của nhân dân ngày càng được cải thiện thì nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng và đa dạng. Việc đầu tư để phát triển kỹ thuật cao dưới hình thức y tế tư nhân, liên doanh hoặc bán công bước đầu đã được triển khai nhưng kết quả còn hạn chế.

- Mô hình bệnh tật hiện nay vừa mang tính chất đặc trưng của nước đang phát triển, vừa mang tính chất của nước công nghiệp hóa. Thiên tai và thảm họa là một nguy cơ khó lường trước và khi xảy ra thường gây nhiều tổn thất về người và của, kể cả cơ sở vật chất của ngành y tế.

- Về mặt chủ quan, ngành y tế còn đứng trước một thực trạng là trình độ cán bộ cả về chuyên môn và quản lý chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong tình hình mới; trang thiết bị trong các cơ sở y tế còn thiếu và lạc hậu; số lượng thuốc do các cơ sở dược phẩm trong nước sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá thuốc cao do thiếu cơ chế quản lý thuốc của Nhà nước dẫn đến chất lượng các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn thấp và hiệu quả chưa cao.

Mục tiêu của chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010 là: phấn đấu để bệnh tật ngày một giảm, sức khoẻ ngày một tăng, mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Mọi người đều được sống trong cộng đồng an toàn, môi trường trong sạch, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi.

Những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành là:

1. Đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khoẻ cho dân cư:

- Củng cố và tăng cường hệ thống y tế theo phương hướng đa dạng hóa các loại hình phục vụ và xã hội hóa lực lượng tham gia, nhưng các cơ sở y tế công phải đóng vai trò chủ đạo. Thiết lập hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nhà nước bảo đảm cung cấp ngân sách ngày càng tăng cho việc phát triển hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu nói trên, đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng chính sách, người nghèo và đối tượng có nguy cơ cao; ưu tiên đầu tư cho các hoạt động sản xuất thuốc chữa bệnh.

- Cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các trạm y tế xã, phường; đào tạo các nhân viên y tế cộng đồng, các kỹ thuật viên y tế để bảo đảm cho họ có khả năng tiến hành tốt các công việc chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và triển khai các hoạt động y tế dự phòng.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện.

- Đa dạng hoá các hoạt động khám chữa bệnh bao gồm các cơ sở của nhà nước, y tế các ngành, cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài, bán công và tư nhân.

- Dần dần phát triển các bệnh viện thành những trung tâm cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng để nâng cao khả năng lồng ghép đạt được lợi ích, hiệu quả cao trong việc sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ y tế.

- Đẩy mạnh việc kết hợp chăm sóc sức khoẻ với các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khoẻ sinh sản.

- Phát triển và phổ cập các công nghệ y tế phù hợp với các vùng nông thôn nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nhân dân nông thôn đối với công tác chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ.

- Cung cấp, đáp ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, lấy đó làm nền tảng quan trọng, dựa trên mạng lưới y tế 3 cấp đối với cả phòng bệnh và chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh, chữa bệnh, giải quyết các vấn đề sức khoẻ nổi cộm và công tác phục hồi chức năng.

- Tăng cường, phát triển hệ thống y tế cơ sở từ các bệnh viện huyện đến trạm y tế xã, y tế thôn bản và đến tận hộ gia đình, phát triển thầy thuốc gia đình; đào tạo nhân lực y tế thích hợp.

- Củng cố và tăng cường công tác kiểm dịch, trong đó có kiểm dịch y tế biên giới. Khuyến khích nhân dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm.

2. Phát triển y tế dự phòng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm:

- Lập kế hoạch giám sát, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải bệnh viện, đặc biệt là chất thải nguy hại. Việc thực hiện kế hoạch phải được các cơ quan bảo vệ môi trường giám sát.

- Củng cố và tăng cường các hoạt động giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Củng cố và phát triển hệ thống các trạm, đơn vị giám sát bệnh truyền nhiễm gây dịch như : sốt xuất huyết, dịch viêm não Nhật Bản, sốt rét, tả,... phát triển các phương pháp giám sát dịch, bảo đảm các biện pháp dự phòng, chống dịch lây lan và công tác dập dịch hoạt động có hiệu quả.

- Tăng cường phòng chống các bệnh không nhiễm trùng.

- Duy trì và tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng.

- Tăng cường các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

- Phòng chống các bệnh truyền nhiễm đường ruột và các lây truyền qua côn trùng, các bệnh ký sinh trùng.

- Kiểm soát nguy cơ từ môi trường liên quan tới các bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ.

3. Làm giảm tác hại do ô nhiễm môi trường đối với sức khoẻ nhân dân:

- Đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn môi trường ngành và quốc gia; củng cố, tăng cường hệ thống giám sát hiện có và quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

- Thiết lập các cơ chế kết hợp chăm sóc sức khoẻ với bảo vệ môi trường.

- Xây dựng định hướng quốc gia về sức khoẻ môi trường.

- Quản lý, giám sát môi trường lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp do ảnh hưởng của các yếu tố độc hại, ô nhiễm trong môi trường lao động.

4. Bảo vệ các nhóm người có nguy cơ cao:

- Đẩy mạnh công tác chăm sóc thai sản, hướng dẫn thực hành ăn uống, bổ sung viên sắt phòng chống thiếu máu ở phụ nữ. Thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phối hợp với giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng.

- Làm tốt công tác giáo dục dinh dưỡng triển khai, thực hiện tại mỗi gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực để triển khai chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Bảo đảm cung cấp đủ Vitamin A cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.

- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em đối với các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin.

PHẦN 4

NHỮNG LĨNH VỰC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM CẦN ƯU TIÊN NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

I. CHỐNG TÌNH TRẠNG THOÁI HÓA ĐẤT, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ EVÀ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN ĐẤT:

Thoái hóa đất đang là xu thế phổ biến đối với nhiều vùng rộng lớn ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồi núi, nơi tập trung hơn 3/4 quỹ đất. Các dạng thoái hoá đất chủ yếu là: xói mòn, rửa trôi, đất có độ phì nhiêu thấp và mất cân bằng dinh dưỡng, đất chua hoá, mặn hoá, phèn hoá, bạc màu, khô hạn và sa mạc hoá, đất ngập úng, lũ quét, đất trượt và sạt lở, đất bị ô nhiễm.

Trên 50% diện tích đất (3,2 triệu ha) ở vùng đồng bằng và trên 60% diện tích đất (13 triệu ha) ở vùng đồi núi có những vấn đề liên quan tới suy thoái đất. ở đồng bằng, thách thức về môi trường đất là nạn ngập úng, lũ, phèn hoá, mặn hoá, xói mòn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ô nhiễm đất, vắt kiệt độ phì của đất để thu lợi ích ngắn hạn. ở vùng miền núi, nguyên nhân suy thoái môi trường đất có nhiều, song chủ yếu do phương thức canh tác nương rẫy còn thô sơ, lạc hậu của các dân tộc miền núi; tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi. Sự suy thoái môi trường đất kéo theo sự suy thoái các quần thể động, thực vật và chiều hướng giảm diện tích đất nông nghiệp trên đầu người đến mức báo động.

Để chống thoái hoá đất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách, chương trình và dự án thích hợp như : giao đất khoán rừng cho hộ gia đình, trồng rừng, nông lâm kết hợp, phát triển cây lâu năm trên đất dốc, bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, quản lý lưu vực sông và đới ven bờ... Một số hành động quốc tế nhằm chống thoái hoá đất cũng đã được thực hiện, song quy mô còn rất nhỏ.

Những hoạt động ưu tiên nhằm chống tình trạng thoái hóa đất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất:

1. Về chính sách, pháp luật:

- Bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn các chính sách và pháp luật về quyền sở hữu, sử dụng và quản lý nhà nước về đất đai. Xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin về tài nguyên đất.

- Quy hoạch và quản lý sử dụng tài nguyên đất đối với tất cả các đối tượng sử dụng đất.

- Tiếp tục xây dựng và ban hành các chính sách, các quy định về quản lý đất dốc, đất lưu vực sông và đất ngập nước.

- Lồng ghép tốt hơn nữa các chính sách quốc gia với các kế hoạch hành động quốc tế về việc chống thoái hoá và sử dụng đất bền vững.

2. Về kinh tế:

- Điều hoà sự phân bố dân số và di dân giữa các vùng, miền nhằm giảm áp lực của dân số đối với tài nguyên đất.

- Có những giải pháp hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực vùng núi, định canh định cư, bảo vệ và phát triển rừng, chống xói mòn đất.

- Xây dựng các chương trình tổng hợp nhằm bồi dưỡng, "trẻ hóa" đất nông nghiệp ở các vùng đồng bằng đông dân.

- Nghiên cứu và áp dụng các hệ thống sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp liên hoàn ở các vùng sinh thái khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

3. Về kỹ thuật:

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp (nông học, sinh học, hóa học, cơ học...) và đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu.

- Thực hiện tuần hoàn hữu cơ trong đất. Trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế, thương mại cao nhưng ít phải xới xáo đất và thực hiện các hệ thống nông-lâm-súc kết hợp ở vùng đất dốc.

- Quản lý lưu vực để bảo vệ đất và nước, phát triển thuỷ lợi, giữ cân bằng sinh thái và điều hoà các tác động lẫn nhau giữa đồng bằng và miền núi.

- Tái tạo lớp phủ thực vật bằng cây rừng hoặc tổ hợp nông-lâm kết hợp để bảo vệ độ phì nhiêu của đất và sử dụng bền vững đất dốc.

4. Về nhận thức:

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất.

- Đào tạo và huấn luyện để nâng cao kiến thức của nhân dân về công nghệ, kỹ thuật sử dụng và quản lý đất.

- Tổ chức tuyên truyền và phát động phong trào quần chúng áp dụng các mô hình tiên tiến về sử dụng bền vững tài nguyên đất.

II. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN NƯỚC:

Việt Nam có nguồn nước mặt và nước ngầm tương đối dồi dào, song lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa trong năm và giữa các vùng trong nước, gây ra lũ lụt về mùa mưa và hạn hán về mùa khô ở nhiều nơi. Địa hình núi non tạo ra tiềm năng đáng kể về thủy điện và dự trữ nước, đồng thời cũng làm tăng khả năng lũ lụt và xói mòn đất. Tài nguyên nước ngầm có thể được khai thác phục vụ yêu cầu sinh hoạt ở quy mô vừa và lớn ở một số vùng. Đối với các nguồn nước quốc tế mà Việt Nam cùng có chung với các nước láng giềng, cần thiết tăng cường sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong việc sử dụng và bảo vệ, nhằm phục vụ lợi ích công bằng và hợp lý giữa các bên.

Việt Nam đã tích cực xây dựng các chính sách, pháp luật, chương trình và dự án bảo vệ và sử dụng nguồn nước. Tuy vậy, công tác quản lý tài nguyên nước còn có những yếu kém sau:

- Chưa có những chiến lược dài hạn về quản lý tài nguyên nước ở quy mô quốc gia và ở từng vùng. Chưa thực sự quản lý nước theo hệ thống lưu vực.

- Các quy định về bảo vệ, sử dụng và quản lý tài nguyên nước còn thiếu hoặc chắp vá. Chưa có đủ các công cụ quản lý phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng nước; hạn mức sử dụng nguồn nước ngầm cho từng khu vực, địa bàn; nghĩa vụ đóng góp tài chính cho việc quản lý tài nguyên nước...

- Vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi còn thấp nên công trình chưa hoàn chỉnh. Nguồn thu phí thủy lợi chưa đủ để quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, nên phần lớn công trình xuống cấp nghiêm trọng. Quản lý nước yếu kém, còn lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên nước. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, việc huy động nhân dân xây dựng thủy lợi không còn được chú ý. Kết quả là hiệu quả xây dựng và sử dụng các công trình thủy lợi thấp, gây lãng phí tài nguyên nước.

- Chưa chú trọng tới việc đầu tư các công nghệ xử lý nước thải.

- Còn thiếu các chương trình giáo dục cộng đồng về sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước.

Việc quản lý, sử dụng và bảo vệ chưa tốt làm cho các nguồn nước đang bị suy thoái, nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Nguy cơ nguồn nước bị cạn kiệt, cộng với tình hình phân bố không đều theo thời gian và không gian, đang đe doạ thiếu nước cho phát triển kinh tế và đời sống ở một số vùng. Nguồn nước mặt ngày càng bị ô nhiễm do lượng lớn chất thải công nghiệp và sinh hoạt gây nên. Nguồn nước ngầm ở một số đô thị có biểu hiện chớm bị ô nhiễm bởi các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ.

Những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành trong lĩnh vực này:

1. Về chính sách, pháp luật:

- Cần tiếp tục xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật, các quy định và quy trình kỹ thuật về sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn nước.

- Nâng cao năng lực cho các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương và cho cộng đồng dân cư trong việc quản lý và giám sát sử dụng nguồn nước.

- Huy động sự tham gia rộng rãi của người thụ hưởng nước vào quá trình lập kế hoạch, vận hành và tài trợ cho các cơ sở hạ tầng về nước.

- Xây dựng chính sách, luật pháp quản lý tổng thể các nguồn nước quốc gia nhằm xem xét các nhu cầu khác nhau về nước như: tiêu thụ sinh hoạt của con người, tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản, thủy điện, du lịch và giải trí để cân đối những nhu cầu này với tính lợi ích của nước tự nhiên và tiêu chí quản lý hệ sinh thái.

- Nghiên cứu nhu cầu và các phương án sử dụng nước lâu dài nhằm cân đối nguồn nước trên quy mô quốc gia và ở từng vùng. Đặc biệt chú ý quy hoạch tổng thể nguồn cung cấp nước cho các đô thị lớn, trung bình và các khu công nghiệp.

- Xây dựng các tiêu chuẩn môi trường quốc gia về: nước ngầm, các nguồn nước mặt như: sông, hồ, hồ chứa lớn và các vùng đất ngập nước khác.

- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Rà soát lại các chức năng quản lý nguồn nước của các cơ quan khác nhau nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, đồng thời nghiên cứu hình thành bộ máy tổ chức quản lý tài nguyên nước nước mang tính thống nhất và liên ngành.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý và bảo vệ tài nguyên nước.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ các nguồn nước dùng chung giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

2. Về kinh tế:

- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án quản lý tổng hợp các lưu vực sông, các vùng đầu nguồn, nước ngầm.

- Mở rộng và nâng cấp hệ thống thủy lợi các cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng và tái sử dụng nước.

- Phải coi nước là một loại hàng hoá. Xây dựng các đơn giá về phí dịch vụ theo nguyên tắc "người sử dụng nước phải trả tiền" và "trả phí gây ô nhiễm".

- Tu bổ các sông ngòi và nâng cấp các hệ thống tưới tiêu bị xuống cấp trầm trọng.

- Khuyến khích công tác bảo vệ rừng tự nhiên và trồng cây gây rừng.

- Lồng ghép việc thực hiện các chương trình phòng chống thiên tai với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội thích hợp với điều kiện cụ thể của các vùng.

3. Về kỹ thuật:

- Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, khuyến khích sử dụng các công nghệ sạch trong sản xuất để giảm lượng chất thải, tái sử dụng nước thải.

4. Về nhận thức:

- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước.

- Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn nước.

III. KHAI THÁC HỢP LÝ VÀ SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN:

Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng là nội dung không thể thiếu trong chương trình phát triển bền vững của quốc gia, là một nội dung cần được đặc biệt ưu tiên, bao gồm các hoạt động về khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, trong đó sử dụng tiết kiệm là chủ đạo.

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Nếu biết bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên này thì chúng sẽ trở thành một lợi thế trong cạnh tranh quốc tế cả trong hiện tại và tương lai lâu dài.

Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được, hiện nay cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác. Do quản lý chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, đã gây ra tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản, huỷ hoại môi trường đất, thảm thực vật và gây nhiều sự cố môi trường như sụt lở, sập hầm lò khai thác...Đặc biệt các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các các địa phương không được tổ chức quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được phân chia thành loại không tái tạo được và loại có thể tái tạo được, trong đó khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được. Việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được chú ý đối với cả 2 loại nói trên với những chính sách và biện pháp quản lý thích hợp đối với mỗi loại, nhưng loại tài nguyên không tái tạo được cần đặc biệt chú ý hơn. Phương thức khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như phương thức tiêu dùng chúng hiện nay còn nhiều bất cập, chưa "thân thiện" với môi trường nên đã có tác động xấu đến môi trường ở nhiều vùng trong cả nước, đe dọa sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống xã hội hiện tại và tương lai. Vì vậy việc bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng phải trở thành một mục tiêu quan trọng trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cũng như các dự án phát triển ở Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:

1. Về chính sách, pháp luật:

- Sử dụng các công cụ kinh tế, hành chính và chế tài pháp luật nhằm thực hiện kiên quyết và có hiệu quả hơn Luật Khoáng sản.

- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý tài nguyên khoáng sản ở Trung ương và các địa phương.

2. Về kinh tế:

- Xây dựng quy hoạch thống nhất sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Tổ chức trình tự khai thác mỏ một cách hợp lý, tránh tình trạng mỏ dễ thì làm trước, mỏ khó thì bỏ lại, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, đánh giá và quy hoạch khai thác khoáng sản. Hạn chế và sớm tiến tới nghiêm cấm tình trạng khai thác mỏ một cách tự phát, bừa bãi.

- Đối với tài nguyên khoáng sản ở dưới lòng sông, cần khoanh khu vực khai thác, tránh làm sạt lở bờ và thay đổi dòng chảy.

- Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở các địa bàn khai thác mỏ.

3. Về kỹ thuật:

- Đổi mới công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến nhằm tận dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- áp dụng các công nghệ tiên tiến để sử dụng các loại quặng có hàm lượng thấp nhằm triệt để sử dụng khoáng chất trong các mỏ, đồng thời giảm khối lượng đất đá thải, thu hẹp diện tích bãi thải.

- Thu hồi các chất hữu ích từ các bãi thải quặng để làm sạch môi trường và tránh lãng phí tài nguyên.

- Thực hiện bồi hoàn các dạng tài nguyên sau khai thác như: hoàn thổ, trồng cây xanh, khôi phục thảm thực vật, hệ sinh thái, tái sử dụng chất thải ở những vùng mỏ đã khai thác...

4. Về nhận thức:

- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

- Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo vệ mỏ khoáng sản, đặc biệt đối với các mỏ nhỏ, phân tán và các loại khoáng sản có độ nhạy cảm cao về kinh tế, dễ gây ô nhiễm môi trường.

IV. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN, VEN BIỂN, HẢI ĐẢO VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN BIỂN:

Việt Nam có hơn 3.300 km bờ biển. Vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần lãnh thổ trên đất liền. Vùng ven biển là nơi tập trung cao các hoạt động kinh tế và xã hội, nơi đây tập trung gần 60% dân số, khoảng 50% đô thị lớn và quan trọng và hầu hết các khu công nghiệp lớn của cả nước.

Việt Nam đã thực hiện một số chính sách và biện pháp nhằm bảo vệ môi trường biển. Các Luật Dầu khí, Luật Hàng hải đã được ban hành và Luật Thủy sản sắp được ban hành đều chú ý tới vấn đề bảo vệ lâu dài nguồn lợi biển, cũng như bảo vệ môi trường biển. Một số thành phố ven biển đang và sẽ thực hiện các công trình xử lý nước thải và rác thải. Một số dự án quản lý tổng hợp vùng biển ven bờ đã được thực thi.

Mặc dù vậy, trở ngại đối với việc bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều:

- Trở ngại lớn nhất là thiếu vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và các hoạt động ngăn chặn tác hại của ô nhiễm môi trường.

- Ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, thu hút gần 9 triệu lao động và là ngành đứng thứ ba về giá trị ngoại tệ xuất khẩu. Tiềm năng phát triển ngành thuỷ sản ở Việt Nam còn rất lớn nếu được quản lý và điều hành theo hướng phát triển bền vững. Phát triển nuôi trồng thủy sản đã chứng tỏ là một hướng quan trọng và hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư. Song hiện tại việc phát triển ngành thủy sản còn nhiều hạn chế về quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi và bảo vệ môi trường, trình độ áp dụng khoa học công nghệ, nguồn vốn đầu tư, tổ chức sản xuất và kinh doanh.

- Vùng bờ biển chịu nhiều tác động xấu của thiên tai như bão, lụt, xói lở.

- Sức ép dân số và tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh ở các vùng ven biển gây ra nhiều hậu quả xấu đối với tài nguyên ven biển và trong lòng biển. Các thành phố, khu công nghiệp vùng ven biển đổ một lượng nước thải không qua xử lý và một phần chất thải rắn vào sông, biển, gây nên ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt, các trung tâm du lịch nằm ven biển cũng là những nguồn xả lớn nước thải và rác thải ra biển. Các cảng sông, cảng biển, công nghiệp khai thác dầu khí; các sự cố môi trường như tràn dầu, đắm tàu…và thiên tai thường xuyên xảy ra đều là những tác nhân gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường biển.

Hậu quả là các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái nghiêm trọng. Đa dạng sinh học bị đe dọa và suy thoái, diện tích rất lớn rừng ngập mặn bị triệt phá để nuôi tôm, các rạn san hô ven bờ bị khai thác một cách hủy diệt, đưa Việt Nam vào danh sách của những vùng có mức độ đe dọa cao nhất thế giới. Nhiều nhóm động vật quý hiếm như thú biển, đồi mồi, chim biển, các thảm thực vật ven biển và dưới nước như san hô, cỏ biển bị thu hẹp dần. Chất lượng môi trường sống trong các hệ sinh thái bị suy giảm, bị thay đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng loài và nguồn gen đặc hữu bị tổn thất hoặc suy thoái, có nơi đến mức nghiêm trọng.

Những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành trong lĩnh vực này là:

1. Về chính sách, pháp luật:

- Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và quản lý tài nguyên, môi trường biển theo quan điểm phát triển bền vững. Chiến lược này bao gồm các nội dung phân vùng chức năng biển và ven biển, quản lý tổng hợp các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển, thành lập hệ thống các khu bảo tồn biển và ven biển, quy hoạch phát triển đô thị và dân cư ven biển, phát triển các ngành nghề đa dạng và cải thiện đời sống cho những cộng đồng dân cư ven biển, phòng ngừa và làm giảm tác hại của thiên tai ven biển, trước hết là bão, lụt, sạt lở, nước dâng, tăng cường năng lực quản lý môi trường biển và ven biển, phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường biển.

- Hình thành một thể chế liên ngành, thống nhất quản lý vùng biển và bờ biển. Cần đổi mới cách lập quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý chủ yếu nhằm đạt được lợi ích kinh tế cục bộ của ngành mà ít chú ý đến vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Cần có chế tài buộc phải lồng ghép các vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường vào trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế của ngành. Trước mắt, các ngành khai thác dầu khí, giao thông vận tải thuỷ, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch cần có chương trình phối hợp để cùng khai thác hợp lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển và ven biển.

- Tiến dần đến khoán, giao quyền sử dụng mặt biển trong phạm vi cho phép cho người sản xuất nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nghề nuôi trồng hải sản.

- Tham gia và lập kế hoạch thực hiện các hiệp định và chương trình hành động quốc tế và khu vực về đánh cá, sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển, bảo vệ đa dạng sinh học biển.

2. Về kinh tế:

- Đẩy mạnh đánh bắt hải sản xa bờ và điều chỉnh nghề cá ven bờ hợp lý.

- Phát triển mạnh ngành nuôi, trồng thuỷ sản trong nước lợ, nước mặn ven biển theo hướng hài hòa với môi trường, đồng thời với việc phát triển và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm sản phẩm của nghề thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và tăng thu nhập ngoại tệ qua xuất khẩu.

- Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá bao gồm các hoạt động cảng cá, sửa chữa và đóng tàu, ngư cụ, lưới, cung cấp các dịch vụ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hết sức chú trọng công tác thông tin liên lạc, cứu nạn, cứu hộ các ngư dân và tàu thuyền đánh cá.

- Phát triển và đa dạng hoá các ngành nghề để tăng khả năng tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển, giúp cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển và ven biển được tốt hơn.

3. Về môi trường:

- Thiết lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển và ven biển.

- Đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn môi trường ngành và quốc gia.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường biển và ven biển, công nghệ ứng cứu sự cố môi trường biển (tràn dầu, đắm tàu, ngập mặn...).

V. BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG:

Rừng ở Việt Nam có đặc trưng cơ bản là rừng nhiệt đới, rất phong phú chủng loài thực vật, động vật, giá trị sinh khối và đa dạng sinh học cao. Trong những năm cuối thế kỷ 20, các chính sách và biện pháp bảo vệ rừng và trồng mới đã đem lại kết quả tích cực. Tỷ lệ che phủ của rừng đã tăng từ 27% năm 1991 lên 33,2% năm 2000.

Tuy nhiên, rừng Việt Nam vẫn đang chịu những áp lực lớn sau đây:

- Chiến tranh lâu dài đã huỷ diệt nhiều hệ sinh thái rừng.

- Nhu cầu gỗ, củi của nền kinh tế và cho sinh hoạt, cùng với lợi nhuận siêu ngạch của việc khai thác trái phép gỗ đang dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, cạn kiệt, không tuân thủ các nguyên tắc lâm sinh, gây thiệt hại tới vốn rừng, nhất là ở các khu vực rừng già, rừng đầu nguồn.

- Tình trạng du canh, phá rừng làm nương rẫy, tính cạnh tranh cao của sản xuất nông nghiệp so với duy trì rừng đang làm cho diện tích rừng thu hẹp lại, chất lượng rừng giảm sút. Tại các vùng ven biển, diện tích rừng ngập mặn bị phá để nuôi tôm ngày càng tăng.

- Nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên, làm mất đi hàng chục nghìn ha mỗi năm.

- Công nghệ khai thác và chế biến gỗ còn lạc hậu, hiệu quả sử dụng gỗ thấp. Mặt khác, công nghệ chế biến các sản phẩm thay thế gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, rừng tiếp tục là đối tượng chặt phá, khai thác.

Do đó, tuy diện tích rừng có tăng lên, nhưng không đạt yêu cầu phòng hộ môi trường.

Mục tiêu chiến lược là phải ổn định quỹ rừng với thành phần như sau: rừng đặc dụng đạt 3 triệu ha, rừng phòng hộ 6 triệu ha và rừng sản xuất 10 triệu ha.

Những hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong lĩnh vực này là:

1. Về thể chế, pháp luật:

- Củng cố hệ thống quản lý nhà nước để hướng dẫn sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng, kết hợp với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất khoán rừng cho các hộ gia đình và tập thể theo Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

- Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật nhằm thu hút đầu tư cho việc phát triển và bảo vệ rừng.

2. Về kinh tế:

- Hỗ trợ nhân dân trồng và bảo vệ rừng, sử dụng có hiệu quả đất rừng được giao khoán. Khuyến khích cải thiện đời sống thông qua sử dụng bền vững rừng và quản lý rừng theo các nhóm cộng đồng dân cư. Trao các hợp đồng bảo vệ rừng cho các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm cộng đồng dân cư để bảo đảm công tác bảo vệ và quản lý phù hợp với các khu rừng phòng hộ.

- Xây dựng, ban hành và hướng dẫn về miễn giảm thuế sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi cho việc đầu tư thành lập trang trại; ban hành các chính sách quản lý vùng đệm và vùng lõi rừng cùng các hướng dẫn thực hiện có liên quan. Triển khai các chính sách chia sẻ lợi nhuận phù hợp trong việc bảo vệ rừng nhằm khuyến khích nhân dân địa phương tham gia vào công tác quản lý và bảo vệ rừng.

- Thúc đẩy phát triển nông-lâm nghiệp sinh thái, các loại hình trang trại nông-lâm nghiệp, đồng thời tăng cường các dịch vụ mở rộng nông nghiệp.

- Khuyến khích sử dụng bền vững các sản phẩm rừng phi gỗ. Phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu thay thế gỗ.

- Triển khai mạnh mẽ các dự án trồng cây thuốc.

3. Về kỹ thuật và công nghệ:

- Nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp.

- Khuyến khích trồng các loài cây bản địa trong tất cả các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng.

- áp dụng công nghệ khai thác và chế biến gỗ hiện đại, có hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng cao.

- Khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu để thay thế gỗ củi như than, khí ga và thủy điện quy mô nhỏ...Nghiên cứu đánh giá để lựa chọn nhiên liệu thay thế gỗ củi và đề xuất việc sử dụng hữu hiệu các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí ga tự nhiên hoặc năng lượng thủy điện.

- Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng và chống cháy rừng và các thảm họa môi trường liên quan tới việc mất rừng.

VI. GIẢM Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở CÁC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP:

Việt Nam là nước kém phát triển về công nghiệp; dân số ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn chưa cao. Môi trường không khí ở các vùng nông thôn về cơ bản là trong lành. Tuy nhiên, hiện tượng ô nhiễm không khí ở các khu công nghiệp tập trung và các đô thị đã xuất hiện với mức độ đáng báo động.

Các yếu tố gây ô nhiễm không khí hiện nay là bụi và khí thải từ sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng và đun nấu phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm không khí nhiều nhất là nhiệt điện, sản xuất xi măng, gạch, ngói, vôi, luyện kim, hóa chất, khai thác khoáng sản. Với việc sản xuất bằng công nghệ còn lạc hậu và thiếu các thiết bị xử lý ô nhiễm bụi và khí thải, các cơ sở sản xuất thuộc các ngành công nghiệp nói trên đang gây ra những tác động xấu tới môi trường xung quanh.

Ô nhiễm bụi trong không khí ở các khu công nghiệp thường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-3 lần. Nồng độ khí độc hại (SO2, NO2, CO) ở phần lớn các đô thị và khu công nghiệp đều nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép, tức là chưa có tình trạng ô nhiễm bởi các loại khí này. Song ở một số nhà máy và ở một số nút giao thông lớn trong đô thị, nồng độ các loại khí độc hại trên vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Trong khi mức độ ô nhiễm môi trường không khí ở các khu vực rộng lớn chưa đáng kể, thì ô nhiễm môi trường không khí trong nội bộ các cơ sở sản xuất (ô nhiễm môi trường lao động) là vấn đề đáng lo ngại. Những quan trắc gần đây cho thấy đã có các dấu hiệu của mưa axít ở một số khu vực thuộc cả miền Bắc và miền Nam.

Những hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong lĩnh vực này là:

1. Về thể chế, pháp luật:

- Thực hiện đánh giá tác động môi trường bắt buộc đối với tất cả các dự án phát triển kinh tế-xã hội để có thể ngăn chặn từ trước những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Công tác lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ, quá thời hạn quy định phải xin gia hạn hoặc cấp phép lại.

- Tiến hành đánh giá kỹ lưỡng và có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, các phương tiện giao thông vận tải và các thiết bị sử dụng nhiên liệu phục vụ sinh hoạt. Buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải tiến hành xử lý triệt để và khắc phục tình trạng ô nhiễm.

2. Về kinh tế:

- Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả phát điện của các nhà máy nhiệt điện và hiệu quả sử dụng điện của các thiết bị điện. Phát triển ngành công nghiệp nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng và dầu nhẹ thay cho nhiên liệu than và dầu nặng có hàm lượng sun-phua lớn.

- Khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Phổ cập việc sử dụng khí sinh học ở nông thôn làm nhiên liệu đun nấu.

- Phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển trồng cây xanh trong đô thị và dọc đường giao thông.

- Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng tại các đô thị lớn và trung bình.

- áp dụng nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí.

3. Về khoa học, công nghệ:

- Khuyến khích sử dụng nguyên liệu và công nghệ sạch tại các cơ sở sản xuất.

- Nghiêm cấm nhập khẩu các công nghệ lạc hậu và nhanh chóng giảm dần quy mô vận hành các thiết bị đã cũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

4. Về nâng cao nhận thức:

Tuyên truyền, giáo dục và đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao trình độ nhận thức cho các chủ doanh nghiệp, công đoàn và công nhân về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường lao động nói riêng.

VII. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ CHẤT THẢI NGUY HẠI:

Tại các vùng nông thôn, các chất phế thải của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống (như thân lá cây, rơm rạ, vỏ hạt, phân gia súc...) hầu hết được sử dụng để đun nấu, làm phân bón hoặc chôn lấp. Những chất phế thải có nguồn gốc công nghiệp, như chất dẻo, nhựa, kim loại, dư lượng hóa chất khó phân hủy, tuy chưa trở thành vấn đề bức xúc, nhưng đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Vấn đề rác thải bắt đầu xuất hiện ở những vùng có mật độ dân số đông đúc.

Tại các đô thị và khu công nghiệp, việc thu gom và xử chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp, chất thải nguy hại đang là vấn đề môi trường cấp bách. Năng lực thu gom chất thải rắn hiện nay ở tất cả các đô thị và khu công nghiệp ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 20-40%, riêng ở các thành phố lớn có thể lên tới 50-80%. Rác thải chưa được phân loại tại nguồn, được thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp. Công việc thu nhặt và phân loại các chất phế thải có thể tái chế hoàn toàn do những người nghèo sinh sống bằng nghề bới rác thực hiện. Việc ứng dụng các công nghệ tái chế chất thải rắn để tái sử dụng còn rất hạn chế, chưa được tổ chức và quy hoạch phát triển. Các cơ sở tái chế rác thải có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Mới chỉ có một phần nhỏ rác thải (khoảng 1,5-5% tổng lượng rác thải) được chế biến thành phân bón vi sinh và chất mùn với công nghệ hợp vệ sinh.

Biện pháp xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp, nhưng chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn nào đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vệ sinh môi trường. Các bãi chôn rác thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí nặng nề.

Chất thải rắn của các khu công nghiệp cũ hiện đang được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt đô thị. Lượng chất thải nguy hại (trong đó có chất thải bệnh viện) chỉ được thu gom với tỷ lệ khoảng 50-60%.

Công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều điểm yếu kém:

- Sự phân công trách nhiệm quản lý chất thải giữa các ngành chưa rõ ràng.

- Cơ chế thực hiện dịch vụ thu gom và quản lý chất thải vẫn còn mang nặng tính bao cấp.

- Việc thu gom chất thải chủ yếu sử dụng lao động thủ công. Sự tham gia của cộng đồng và của khu vực tư nhân vào việc thu gom và quản lý chất thải chưa rộng rãi. Đã có một số mô hình thành công về việc tư nhân và cộng đồng tổ chức thu gom và xử lý rác thải đô thị; nhưng do vốn đầu tư của họ có hạn, nên số lượng và chất lượng của dịch vụ còn xa mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

- Thiếu sự đầu tư thỏa đáng và lâu dài đối với các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, phân loại, xây dựng các bãi chôn lấp đúng quy cách và các công nghệ xử lý chất thải.

- Chưa có các công nghệ và phương tiện hiện đại cũng như vốn đầu tư để tái chế chất thải đã thu gom; còn thiếu kinh phí cũng như công nghệ thích hợp để xử lý chất thải nguy hại.

- Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe liên quan tới việc thu gom, xử lý và quản lý chất thải rắn còn đang ở trình độ thấp.

Những hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong lĩnh vực này là:

1. Về thể chế, pháp luật:

- Xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cấp quốc gia, cấp ngành hoặc địa phương để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, khắc phục và tiến tới kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải nguy hại gây ra.

- Triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và Quy chế quản lý chất thải nguy hại đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

- Tiến hành nghiên cứu để xác định các cơ chế tăng cường hoàn trả chi phí liên quan tới thu gom, xử lý, tiêu huỷ chất thải rắn và chất thải nguy hại.

2. Về kinh tế:

- Xây dựng các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh tại các thành phố lớn và trung bình.

- Đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tái chế chất thải để tái sử dụng. Khuyến khích việc phân loại chất thải từ nguồn để phục vụ công nghệ tái chế, góp phần làm giảm diện tích các bãi chôn lấp rác thải và các hệ thống xử lý tốn kém.

- Khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các công ty cổ phần, công ty tư nhân, hợp tác xã…để tham gia vào việc thu gom và xử lý chất thải rắn.

- Đẩy nhanh tốc độ lắp đặt hệ thống lò đốt rác thải ở các bệnh viện, trước hết tại các bệnh viện điều trị các loại bệnh truyền nhiễm.

3. Về công nghệ:

- Giảm lượng chất thải rắn thải ra ngay từ nguồn bằng cách khuyến khích áp dụng những quy trình công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng các công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít nguyên, nhiên, vật liệu; giảm các vật liệu bao bì đóng gói sản phẩm gây lãng phí tài nguyên; thay đổi thói quen tiêu dùng của nhân dân theo hướng tiết kiệm và thải ít chất thải ra môi trường.

- Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế chất thải để làm phân bón vi sinh, tạo chất mùn phục vụ sản xuất và giảm diện tích chôn lấp chất thải.

4. Về nâng cao nhận thức:

- Triển khai các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng; khuyến khích nhân dân chủ động tham gia các hoạt động thu gom, xử lý và quản lý chất thải trong cộng đồng tại các thành phố lớn, trung bình góp phần ngăn chặn việc đổ rác thải, nhất là các chất thải nguy hại một cách bừa bãi ra đường phố.

- Hình thành các phong trào quần chúng về phân loại rác thải ngay tại nhà; chăm lo vệ sinh môi trường sống; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và các sản phẩm.

VIII. BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC:

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới và được xem là một trong 10 trung tâm có mức đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học Việt Nam được thể hiện ở độ phong phú về thành phần loài sinh vật, số loài đặc hữu cao, nhiều loài mới đối với thế giới, kể cả các loài thú lớn đã được phát hiện trong thời gian gần đây; ở độ đa dạng về các nguồn gen, đồng thời còn được thể hiện ở sự đa dạng các kiểu cảnh quan và các hệ sinh thái tiêu biểu.

Chính phủ Việt Nam đã sớm đề ra các chính sách bảo tồn đa dạng sinh học. Đã có trên 60 văn bản pháp luật được ban hành kể từ 1958 đến nay. Ngày 16 tháng11 năm 1994, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký phê chuẩn tham gia Công ước Đa dạng Sinh học và hiện nay Việt Nam đang là Thành viên của Công ước này. Mặc dù vậy, đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn đang bị mất mát và suy giảm đáng kể bởi 4 nguyên nhân cơ bản sau đây:

- Suy giảm và mất đi nơi sinh sống do các hoạt động chặt phá rừng, chuyển đổi phương thức sử dụng đất, khai thác có tính chất hủy diệt của con người đối với động vật và do các yếu tố khác như cháy rừng, động đất, bão lụt, dịch bệnh...

- Sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật do áp lực tăng dân số và nạn đói nghèo.

- Ô nhiễm môi trường đang phá hoại một số hệ sinh thái trên cạn, dưới nước và trong lòng đất.

- Ô nhiễm sinh học do nhập các loài sinh vật lạ, ngoại lai không kiểm soát được, gây ảnh hưởng xấu tới các loài bản địa.

Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 22 tháng 12 năm 1995 tại Quyết định số 845/TTg. Đây là văn bản có tính pháp lý cao và là kim chỉ nam cho các hành động của Việt Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương và đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở.

Mục tiêu lâu dài của Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam là bảo vệ sự đa dạng, độ phong phú và đặc sắc của sinh giới Việt Nam trong khuôn khổ của sự phát triển bền vững, bao gồm:

- Bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù của Việt Nam, các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị đe doạ thu hẹp hay bị huỷ hoại do các hoạt động phát triển kinh tế của con người gây ra.

- Bảo vệ các thành phần của đa dạng sinh học đang bị đe doạ do khai thác quá mức hay bị bỏ lãng quên.

- Phát huy và phát hiện giá trị sử dụng của các thành phần đa dạng sinh học trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển bền vững các giá trị tài nguyên thiên nhiên, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong lĩnh vực này là:

1. Hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Thường xuyên xem xét, bổ sung và điều chỉnh lại Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia nhằm bảo đảm sự phù hợp của kế hoạch này với các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

3. Xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học cho các vùng.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về việc bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Củng cố và mở rộng hệ thống quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đồng thời phân cấp mạnh về quản lý. Xúc tiến xây dựng hệ thống bảo tàng thiên nhiên, từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức, thăm quan, học tập, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử phát triển tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

6. Đẩy mạnh công tác kiểm kê đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên động, thực vật; xây dựng, ban hành và phổ biến rộng rãi các Sách đỏ Việt Nam về các giống, loài quí hiếm để có chính sách bảo tồn nghiêm ngặt.

7. Đào tạo về bảo tồn đa dạng sinh học cho các cán bộ quản lý rừng và các khu bảo tồn, các nhà khoa học và các đối tượng có liên quan.

8. Tiến hành nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ việc khai thác và sử dụng bền vững các giá trị của đa dạng sinh học, đặc biệt trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và y tế. Khuyến khích việc nghiên cứu và áp dụng các tri thức bản địa trong việc sử dụng và bảo tồn đa dạng sinh học.

9. Xây dựng và thử nghiệm một số đề án du lịch sinh thái.

10. Khuyến khích các cộng đồng xây dựng và thực hiện những quy ước chung nhằm bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương.

11. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học.

IX. THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP LÀM GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ HẠN CHẾ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CÓ HẠI CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, PHÒNG VÀ CHỐNG THIÊN TAI:

Sự thay đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu và ở các khu vực trên thế giới do hoạt động của con người đang và sẽ tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Những hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong lĩnh vực này là:

1. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức của nhân dân nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn và Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước khung cuả Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.

2. Tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động khí tượng thủy văn, đặc biệt trong lĩnh vực điều tra cơ bản, quan trắc và dự báo nhằm bảo đảm đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về tài nguyên khí hậu và các vấn đề môi trường có liên quan.

3. Nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, trước hết phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu để có được những dự báo dài hạn với độ tin cậy cao hơn.

PHẦN 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

I. HOÀN THIỆN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:

1. Phát triển thể chế:

Cho đến nay, Việt Nam đạt được một số kết quả khả quan về xây dựng khuôn khổ thể chế, luật pháp có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, bao gồm:

- Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương được thành lập đồng bộ, có chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức rõ ràng, đang hoạt động có hiệu quả.

- Đã ban hành được hệ thống các chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về công tác kế hoạch hoá và quản lý phát triển trên các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tuy hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến cấp tỉnh đã được thành lập, song năng lực còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vấn đề phát triển bền vững của địa phương. Việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường chưa thật hợp lý, thông tin chậm cập nhật, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các chính sách và kế hoạch của ngành môi trường và các ngành kinh tế, xã hội khác. Còn thiếu nhiều văn bản dưới luật và các hướng dẫn thi hành. Đặc biệt còn thiếu các biện pháp và công cụ kinh tế để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường cũng như xử lý những vi phạm môi trường. Chiến lược và kế hoạch hành động về môi trường được xây dựng còn tương đối độc lập với các ngành kinh tế, xã hội, hoặc thiếu sự tham gia của các đối tác có liên quan cũng như các cộng đồng dân cư nên tính khả thi còn hạn chế.

Để bảo đảm thực hiện thành công Định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam, nhu cầu đặt ra cần giải quyết ba vấn đề chính:

- Hoàn chỉnh hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về phát triển bền vững thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành phục vụ việc hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chú trọng các định chế về lồng ghép vấn đề môi trường vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích việc phối hợp lực lượng xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững trên toàn quốc và các vùng lãnh thổ; khuyến khích nghiên cứu khoa học phục vụ lập kế hoạch phát triển bền vững.

- Cơ chế phát triển bền vững vận hành với chức năng làm cầu nối giữa các bộ, ngành, địa phương, liên kết vấn đề môi trường với các vấn đề kinh tế, xã hội khi ra các quyết định phát triển. Để cơ chế này phát huy hiệu quả cần chú trọng:

+ Phân công, phân cấp triệt để cho cấp dưới trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch phát triển; huy động tối đa sự tham gia của các cộng đồng dân cư có liên quan.

+ Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động môi trường phải gắn kết hữu cơ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngay từ khi hình thành và trong suốt quá trình thực hiện, với sự tham gia của tất cả các cơ quan chức năng thuộc bộ máy nhà nước.

+ Cơ chế phát triển bền vững được thực thi bằng việc áp dụng quy trình bắt buộc về đánh giá tác động môi trường ngay từ giai đoạn thiết kế, quy hoạch và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, ngành và vùng lãnh thổ.

- Thành lập Hội đồng liên ngành chỉ đạo phát triển bền vững do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch (có cơ quan thường trực đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện thống nhất phát triển bền vững trong phạm vi cả nước với những chức năng, nhiệm vụ chính sau đây:

+ Tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo qúa trình thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả triển khai Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ.

+ Phối hợp các hoạt động liên ngành, liên vùng về lập quy hoạch, kế hoạch phát triển; triển khai các chương trình, dự án lớn, mang tính chất liên ngành, liên vùng cao. Hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan xây dựng định hướng chiến lược, chương trình và dự án phát triển bền vững.

+ Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phát triển bền vững. Chỉ đạo việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

+ Hình thành và vận hành hệ thống cung cấp thông tin về các vấn đề phát triển bền vững đất nước.

+ Đề xuất những sáng kiến mới và tìm nguồn lực cho việc thực hiện những sáng kiến đó nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

- Thành lập Hội đồng chỉ đạo phát triển bền vững cấp ngành và địa phương.

2. Tăng cường năng lực quản lý sự phát triển bền vững:

So với hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội, hệ thống quản lý nhà nước về môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung được thành lập chưa lâu và năng lực còn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển bền vững.

Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở tất cả các cấp quản lý là một trong những công tác trọng điểm nhằm thực hiện thắng lợi Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Công tác này bao gồm những nội dung chính sau đây:

- Đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho các tổ chức và đội ngũ cán bộ có liên quan đến công tác quản lý môi trường ở các cấp.

- Thành lập tổ chức quản lý môi trường tại các bộ, ngành để thực hiện chức năng quản lý môi trường của ngành.

- Tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu và quan trắc môi trường.

- Tăng cường hệ thống thông tin môi trường quốc gia, ngành và địa phương.

- Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường; sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường.

3. Sử dụng các công cụ tài chính phục vụ cho phát triển bền vững:

- Ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ môi trường tập trung chủ yếu từ nguồn đầu tư phát triển để xây dựng cơ bản nhằm tăng cường năng lực hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện những dự án điều tra cơ bản cấp bách về môi trường, các dự án quy hoạch tổng thể môi trường; một phần từ nguồn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học để cấp phát cho các hoạt động thường xuyên bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học môi trường, thực hiện các chương trình, dự án về cải tạo, bảo vệ môi trường, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng.

- Khuyến khích các tổ chức tài chính tham gia vào việc cung cấp tài chính cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

- Huy động các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử văn hoá, hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở bên trong và xung quanh địa bàn hoạt động; chi trả các khoản phí nước thải, khí thải, phí thu gom và xử lý chất thải rắn và các loại phí, lệ phí liên quan khác; đóng góp, tài trợ vốn cho các quỹ bảo vệ môi trường các cấp.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn tài chính cho đầu tư thực hiện các quy chế về bảo vệ môi trường, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm, tạo lập môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại nơi làm việc và nơi cư trú.

- Khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp bảo vệ môi trường.

- Chú trọng gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và những vùng đồng bào dân tộc.

4. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững:

Đẩy nhanh việc xây dựng và ứng dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững. Hệ thống này cần được nhanh chóng hình thành, đưa vào vận hành và sẽ được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong quá trình sử dụng.

Hệ thống chỉ tiêu và định mức đánh giá công nghệ và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nguyên vật liệu xuất nhập khẩu phải mang tính nhất quán; cơ chế đánh giá phải phù hợp, tránh gây phiền nhiễu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

5. Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho mọi người dân về phát triển bền vững:

Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho mọi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nhà nước các cấp là một trong những công tác quan trọng hàng đầu. Cần chú trọng bốn loại đối tượng sau đây:

- Những người tham mưu hoạch định chính sách: là những người đóng vai trò quyết định trong việc đề xuất chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển. Sự hiểu biết của họ về các vấn đề phát triển bền vững có tác động trực tiếp và vô cùng mạnh mẽ tới triển vọng phát triển bền vững của cả đất nước và của từng địa phương.

- Những chuyên gia mà công việc có liên quan tới điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin, soạn thảo các phương án và dự án phát triển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Họ cần được đào tạo chuyên sâu và thường xuyên cập nhật kiến thức để có những tác động tích cực cho việc đề xuất các giải pháp phát triển bền vững.

- Giới doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của họ tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất tới phát triển kinh tế, môi trường sống và lao động việc làm.

- Thế hệ trẻ, lực lượng thanh, thiếu niên : là những người chủ nhân của xã hội trong tương lai, họ cần được trang bị sớm và liên tục những kiến thức sâu, rộng về phát triển bền vững.

6. Xây dựng Định hướng chiến lược phát triển bền vững của ngành và địa phương:

Mỗi ngành, địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cần xây dựng Định hướng chiến lược về phát triển bền vững nhằm khẳng định những hoạt động cụ thể của ngành, địa phương mình để tiến tới phát triển bền vững trên cơ sở tham chiếu những định hướng lớn của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

II. HUY ĐỘNG TOÀN DÂN THAM GIA THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:

1. Chủ trương chung:

Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn dân. Quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển phải được toàn dân tham gia theo phương thức "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra".

Các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng ở nước ta được phát triển rộng rãi, có tổ chức chặt chẽ và nhiều kinh nghiệm hoạt động với mục tiêu đoàn kết và huy động sự tham gia của nhân dân. Mỗi một nhóm xã hội đều có tổ chức của mình, mà thông qua đó những hoạt động riêng lẻ của các thành viên được phối hợp và trở thành những phong trào rộng rãi.

Có nhiều hình thức huy động sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc thực hiện phát triển bền vững.

a. Tiếp tục đổi mới pháp luật, thể chế nhằm phát huy hơn nữa sáng kiến và tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc quản lý xã hội và cộng đồng. Nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong việc xem xét đánh giá tác động môi trường bằng cách thể chế hóa vai trò tham gia của quần chúng và có các biện pháp cưỡng chế thực hiện, trước hết đối với các dự án lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới dân cư. Các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn từng địa phương. Cần tăng cường trách nhiệm và năng lực cho các tổ chức, đoàn thể trên để phát huy có hiệu quả vai trò này.

b. Thông qua các đoàn thể quần chúng và hoạt động cộng đồng, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển bền vững. Những hình thức giáo dục cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường thông qua việc xây dựng hương ước, các cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động chung mang tính chất phong trào cần được tiếp tục phát huy.

c. Phát động các phong trào quần chúng trong từng nhóm xã hội, ở từng địa phương và trên quy mô cả nước với các nội dung về phát triển bền vững. Tiếp tục phát triển các phong trào quần chúng và hoạt động cộng đồng nhằm tạo thêm việc làm, giúp nhau kinh nghiệm làm ăn, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên, môi trường tại địa phương và nâng cao ý thức của nhân dân về các vấn đề phát triển bền vững. Thành lập các nhóm bảo vệ môi trường và tự quản lý, giám sát việc sử dụng tài nguyên ở địa phương.

d. Chính quyền các cấp cần phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt để các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, đoàn thể quần chúng và cộng đồng dân cư có thể thực hiện được những mục tiêu của các phong trào vì sự phát triển bền vững.

đ. Xây dựng các điển hình về cộng đồng phát triển bền vững, về hệ thống tự quản tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và nhân rộng các điển hình đó.

2. Hoạt động của các nhóm xã hội chính nhằm thúc đẩy phát triển bền vững:

a. Phụ nữ:

Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, Việt Nam còn phải tiếp tục thực hiện nhiều công việc nhằm đạt được sự bình đẳng về giới, cải thiện điều kiện sống và lao động, nâng cao địa vị chính trị và xã hội của phụ nữ, xóa bỏ triệt để mọi hành động xâm phạm những quyền cơ bản của phụ nữ. Phụ nữ hiện vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới trong việc có cơ hội học tập, đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm, gánh vác các công việc gia đình.

Những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành để giúp phụ nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững bao gồm:

- Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ.

- Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo:

+ Mở rộng huy động vốn và hình thành quỹ tín dụng hỗ trợ phụ nữ nghèo.

+ Khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ.

+ Thành lập các tổ hợp tác nhằm tạo việc làm cho phụ nữ và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh.

+ Hình thành phong trào lựa chọn mô hình tiêu dùng hợp lý, chống lãng phí tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt của địa phương:

+ Thực hiện tốt chương trình kế hoạch hóa gia đình.

+ Xây dựng phong trào chống suy dinh dưỡng trẻ em và nâng cao chế độ ăn uống hợp dinh dưỡng cho gia đình, bảo vệ sức khỏe bà mẹ.

+ Thực hiện phong trào nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

+ Mở rộng phong trào dùng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đẩy mạnh xây dựng các công trình hợp vệ sinh ở hộ gia đình.

+ Thực hiện phong trào vệ sinh làng xóm, đường phố, phân loại rác tại nhà.

+ Đi đầu trong thực hiện phong trào phòng, chống các bệnh dịch và tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy.

- Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

- Tham gia bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương:

+ Phát động phong trào sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và dùng các nguồn năng lượng sạch trong sinh hoạt gia đình.

+ Phát động phong trào phụ nữ đi đầu trong việc thực hiện mô hình tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm và chống lãng phí.

+ Xây dựng các mô hình phụ nữ tự quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở cộng đồng.

b. Thanh, thiếu niên:

Thanh, thiếu niên không những là thế hệ chủ nhân của tương lai, mà còn là lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng đất nước hiện tại, góp phần rất quan trọng vào việc thành công của sự nghiệp phát triển bền vững.

Thanh, thiếu niên hiện còn gặp những thách thức như sau:

- Do dân số tăng nhanh, nền kinh tế còn kém phát triển nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực còn có giới hạn.

- Với mức sống chung còn thấp, các hộ gia đình trẻ có rất ít vốn tích lũy. Vì vậy, khi bắt đầu đời sống tự lập và khởi đầu lập nghiệp, những người thanh niên hầu như không có được những nguồn lực cần thiết để phát triển kinh tế.

- So với các bạn cùng lứa tuổi ở các nơi khác, thanh, thiếu niên thuộc cộng đồng dân cư sống ở những vùng xa xôi, hiểm trở, bị tách biệt về địa lý; ở một số nhóm dân tộc ít người, bị tách biệt bởi rào cản ngôn ngữ và những gia đình nghèo, bị tách biệt bởi khả năng kinh tế và xã hội, có ít hơn cơ hội hơn trong học tập, thu nhận thông tin, giao lưu và phát triển con người toàn diện.

Các trường học, cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương là những lực lượng trực tiếp quản lý, hướng dẫn và tổ chức lực lượng thanh, thiếu niên tham gia các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, các đoàn thể quần chúng đại diện cho lực lượng thanh, thiếu niên đã thu hút được đông đảo thanh, thiếu niên vào sinh hoạt chung, tình nguyện và hướng họ vào những hoạt động công ích như giúp đỡ người nghèo, bảo vệ trật tự trị an khu dân cư, tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, tuyên truyền nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp... Những hoạt động đó có hiệu quả rất lớn đối với xã hội không chỉ về mặt phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, mà quan trọng hơn là về mặt xã hội, văn hóa, tinh thần, nó góp phần giáo dục những giá trị đạo đức, phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

Nhà nước cùng các đoàn thể thanh, thiếu niên cần tăng cường động viên, khuyến khích về tinh thần, hỗ trợ về vật chất và tổ chức tốt các phong trào thanh, thiếu niên tham gia vào sự nghiệp phát triển bền vững như :

- Huy động thanh, thiếu niên tham gia chủ động và tích cực hơn vào quá trình hoạch định những chính sách phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường của đất nước, đặc biệt là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thanh, thiếu niên và liên quan đến tương lai lâu dài của nhiều thế hệ mai sau.

- Xây dựng những chính sách ưu đãi hơn nhằm khuyến khích thanh niên đi làm việc ở những vùng xa xôi đang cần tới kiến thức và sức lao động trẻ của họ.

- Tạo nhiều cơ hội học tập, đào tạo nghề nghiệp, phát triển năng lực toàn diện cho thanh, thiếu niên thông qua những cơ chế hỗ trợ vật chất lớn hơn cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Hỗ trợ thanh niên tự tạo thêm việc làm bằng những chính sách ưu đãi về quyền sử dụng đất đai, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, miễn giảm thuế, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý, tìm thị trường tiêu thụ...

- Đúc rút kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính để nhân rộng hơn phong trào thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đi xây dựng và giúp đỡ những vùng nghèo và đặc biệt khó khăn.

- Nhân rộng những điển hình tiên tiến về doanh nghiệp thanh niên, dự án do thanh niên làm chủ, nhà doanh nghiệp trẻ, đặc biệt đối với những dự án đòi hỏi sự gắn kết lâu dài lợi ích của những người thực hiện đối với kết quả công việc như trồng rừng, khai phá vùng đất mới, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

c. Nông dân:

Nông dân chiếm khoảng trên 70% dân số và lực lượng lao động xã hội. Tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho nông dân là Hội Nông dân Việt Nam. Hội có các tổ chức cơ sở ở mọi địa phương, tiến hành các công tác tuyên truyền vận động nông dân, phát động các phong trào hành động ở nông thôn.

So với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, thì nông dân nước ta còn hạn chế về nhiều mặt.

- Trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp của nông dân so với trước tuy có tiến bộ hơn, nhưng nhìn chung còn thấp. Nhận thức về phát triển bền vững và kiến thức kinh tế, kỹ thuật để thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế.

- Trình độ sản xuất của nông dân nhìn chung còn thấp cả về quy mô, kỹ thuật canh tác, năng suất lao động, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh doanh. Giữa sản xuất, chế biến và lưu thông còn nhiều ách tắc; giá cả bấp bênh, sản xuất không ổn định. Tại nhiều vùng nông thôn, thiên tai thường xuyên xảy ra gây những hậu quả nặng nề đối với kinh tế và đời sống của nhân dân.

- Đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn. Số hộ đói nghèo hiện nay tập trung chủ yếu ở nông thôn.

Nhìn chung, ở hầu hết các cộng đồng dân cư nông thôn, sự phát triển chưa thật bền vững. Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục phát huy vai trò của nông dân trong thời kỳ đổi mới, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, cần thực hiện tốt những hoạt động sau đây:

+ Nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề nghiệp và hướng dẫn kiến thức kỹ thuật, kinh tế và xã hội cho nông dân.

+ Thực hiện tốt các chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội.

+ Phát huy lợi thế tự nhiên, kinh tế và xã hội của từng vùng, giúp đỡ các vùng khó khăn để làm cho trình độ phát triển và mức sống của nhân dân ở các vùng thành thị và vùng nông thôn không chênh lệch quá xa, tiến tới thu hẹp khoảng cách chênh lệch.

+ Phân bổ dân cư theo quy hoạch, đẩy mạnh phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới.

+ Động viên nông dân tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường nông nghiệp thông qua việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học theo đúng qui định; giữ gìn môi trường nuôi trồng thuỷ sản; ứng dụng các kỹ thuật sản xuất nông sản sạch.

+ Xây dựng, phổ biến và ứng dụng rộng rãi các mô hình thành công về kinh tế hộ gia đình theo hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC), vườn-ao-chuồng-rừng (VACR).

+ Phát động phong trào xây dựng các cộng đồng nông thôn bền vững, giúp nhau cùng phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo; phát huy tinh thần dân chủ, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xã hội, phong trào tự quản lý có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên tại địa phương và bảo vệ môi trường.

d. Công nhân và công đoàn:

Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, nền công nghiệp nước ta còn nhỏ bé, giai cấp công nhân còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số và lực lượng lao động xã hội, nhưng lại đang nắm giữ khối lượng lớn cơ sở vật chất và các phương tiện sản xuất hiện đại nhất của xã hội, hàng năm tạo ra khối lượng sản phẩm công nghiệp chiếm 40% tổng sản phẩm xã hội, bảo đảm trên 60% ngân sách nhà nước.

Xét từ góc độ vai trò trong sự phát triển bền vững, một mặt, công nhân là những người chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, buộc họ phải thay đổi chỗ ở, công việc, trình độ để thích ứng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá; hưởng những lợi ích mà công nghiệp hóa mang lại, như việc làm, tiền lương và mức sống tốt hơn. Đồng thời, họ cũng phải hứng chịu những tác động xấu của quá trình đó như bị ô nhiễm môi trường sống, môi trường lao động, chịu những hậu quả của đô thị hóa nhanh như tình trạng khó khăn về nhà ở, về các dịch vụ công ích, về giao thông... Mặt khác, công nhân cũng là những người sản xuất, tức là trực tiếp khai thác tài nguyên thiên nhiên và sản sinh ra ô nhiễm. Họ là những người đóng vai trò trực tiếp trong việc bảo tồn hay phá hoại môi trường. ở vai trò đó, họ là những người liên đới chịu trách nhiệm về tác động của sản xuất đối với môi trường thiên nhiên. Tuy vậy, công nhân không đóng vai trò quyết định, vì chủ doanh nghiệp và những nhà quản lý doanh nghiệp quyết định lựa chọn phương án đầu tư và công nghệ sản xuất.

Người đại diện cho lợi ích của công nhân và cũng là người tổ chức, huy động công nhân tham gia vào các hoạt động vì sự phát triển bền vững là tổ chức công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tiếng nói chính thức trong việc quyết định những chính sách quan trọng về phát triển đất nước. Tổ chức công đoàn các cấp tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định về phát triển, đặc biệt về những vấn đề liên quan tới việc làm, tiền lương, điều kiện lao động của công nhân ở quy mô địa phương và doanh nghiệp.

Với vai trò và chức năng như vậy, công nhân và công đoàn cần có những hoạt động sau đây nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững:

- Đóng góp ý kiến cho những quyết sách nhằm phát triển của đất nước. Tham gia tích cực vào quá trình thảo luận và soạn thảo các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường của Nhà nước

- Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của công nhân về phát triển bền vững. Công nhân cùng tổ chức công đoàn phát huy vai trò đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường lao động.

- Buộc chủ doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh các qui định về vệ sinh môi trường và đấu tranh với những hành động vi phạm.

- Buộc chủ doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh các qui định về hợp đồng lao động, an toàn và vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho cộng đồng doanh nghiệp, giảm tai nạn lao động, tránh các bệnh nghề nghiệp và các sự cố môi trường lao động.

đ. Các nhà doanh nghiệp:

Sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân phụ thuộc rất lớn vào sự lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp. Bằng việc ứng dụng những công nghệ sản xuất sạch, sử dụng ít và tiết kiệm nhiên, nguyên, vật liệu trong quá trình sản xuất, sản xuất ra những loại sản phẩm thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp có thể góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững.

Tổ chức đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp và thu hút sự tham gia của các nhà doanh nghiệp vào hoạt động chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường là Hiệp hội doanh nghiệp. Hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật trong đó có Luật Bảo vệ Môi trường.

Những hoạt động ưu tiên nhằm tiến tới phát triển bền vững mà các nhà doanh nghiệp cần thực hiện bao gồm:

- Áp dụng công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

- Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, chủ động ngăn ngừa, phòng chống và khắc phục ô nhiễm môi trường.

- Đóng góp các nguồn lực vào việc quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội góp phần vào phát triển bền vững trên địa bàn mà doanh nghiệp đóng và ở quy mô toàn xã hội.

e. Đồng bào các dân tộc ít người:

Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Chính sách dân tộc nhất quán của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam là tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tập trung xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu, xóa bỏ sự chênh lệch mọi mặt giữa các vùng, các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Do điều kiện lịch sử để lại, sự phát triển của các dân tộc không đồng đều. Mức sống ở nhiều vùng đồng bào dân tộc rất thấp, đói nghèo và lạc hậu hiện còn là thách thức lớn đối với quá trình phát triển. Mặc dù đất đai miền núi đã được sử dụng nhiều hơn cho các mục đích kinh tế, song hiệu quả chưa cao. Gần một nửa trong số 25 triệu ha đất dốc là đất xấu, có tầng đất mặt mỏng, bị xói mòn mạnh và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Tốc độ tăng dân số ở các vùng miền núi rất cao do việc di dân và tỷ lệ sinh đẻ cao. áp lực tăng dân số đối với môi trường rất mạnh, biểu hiện rõ nhất ở tình trạng phá rừng còn phổ biến và chất lượng rừng ngày một suy thoái. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, mức sống, về khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, nhất là những dịch vụ công như y tế, giáo dục, văn hóa của miền núi so với đồng bằng còn rất xa. ở các vùng miền núi Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ đói nghèo cao nhất, trong khi chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Trong cơ chế thị trường, khoảng cách này đang có xu hướng tăng lên và có nguy cơ gây nên những mâu thuẫn xã hội trong tương lai.

Để tiến tới phát triển bền vững ở vùng miền núi và vùng đồng bào các dân tộc ít người, cần tiến hành các hoạt động ưu tiên sau đây:

- Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi...) phục vụ cho sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc ít người, bảo đảm tính cân đối, hợp lý và thu hẹp khoảng cách trong phát triển giữa các vùng, các dân tộc.

- Gắn đầu tư cho sản xuất với đầu tư cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc mở mang ngành nghề dịch vụ, công nghiệp chế biến, mạng lưới thông tin, thu mua tiêu thụ có định hướng, có tổ chức để khuyến khích sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người sản xuất.

- Coi trọng đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, kết hợp với tuyển dụng, bố trí sử dụng hợp lý sau đào tạo đáp ứng cho nhu cầu nhân lực và đội ngũ cán bộ là con em đồng bào các dân tộc.

- Gắn cải cách hành chính với việc tổ chức lồng ghép và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ miền núi và đồng bào dân tộc ít người.

- Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá mới.

- Chú trọng huy động đồng bào các dân tộc ít người tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; thực hiện các chính sách cung cấp lương thực và trợ cấp cho những người nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

g. Giới trí thức, các nhà khoa học:

Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thế kỷ 21. Cho đến nay, Việt Nam đã có được tiềm lực khoa học và công nghệ đáng kể, có khả năng cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển đất nước; tiếp thu nhanh chóng các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, từng bước vươn lên giải quyết nhiều vấn đề khoa học và công nghệ do nhu cầu của thực tiễn đất nước đặt ra.

Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chưa thực sự đóng vai trò động lực và nền tảng cho phát triển, biểu hiện ở các mặt sau:

- Tiềm lực khoa học và công nghệ vẫn còn ở mức thấp so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nhu cầu phát triển.

- Cơ chế quản lý kinh tế hiện nay chưa thực sự tạo ra sự gắn kết các hoạt động khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thực sự và nguồn lực dồi dào cho hoạt động khoa học và công nghệ phát triển.

- Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ còn chậm đổi mới và hiện vẫn chưa được đổi mới một cách căn bản. Chưa có sự liên thông giữa cơ chế quản lý kinh tế và cơ chế quản lý khoa học và công nghệ. Chưa bảo đảm được đầy đủ quyền lợi vật chất và sự tôn vinh xứng đáng đối với các nhà khoa học và công nghệ có cống hiến lớn.

- Thị trường khoa học và công nghệ còn chưa phát triển.

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững, cần tập trung thực hiện một số hoạt động ưu tiên sau đây:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn dân và các cấp, các ngành về vai trò nền tảng và động lực của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, xây dựng và kiên quyết thực thi chương trình hành động của các cấp, các ngành, các đơn vị về phát triển khoa học và công nghệ.

- Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý kinh tế nhằm tạo lập môi trường kinh tế-xã hội theo hướng vừa tạo điều kiện, khuyến khích, vừa ràng buộc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường, đổi mới và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước.

- Thực hiện nghiêm Luật Khoa học và Công nghệ đã ban hành. Tiến hành tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ những năm qua và kịp thời nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay đã được thực tiễn khẳng định.

- Tháo gỡ các khó khăn và ách tắc để mở rộng, phát triển và khai thông thị trường khoa học và công nghệ, coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, cơ bản và lâu dài để phát huy vai trò nền tảng, động lực của khoa học và công nghệ.

- Chú trọng và dành ưu tiên cao cho nghiên cứu và thực thi các chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài khoa học và công nghệ bên cạnh các biện pháp chăm lo đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ góp phần giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

- Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ để nhanh chóng hội nhập với thế giới và khu vực, nhất là cơ sở hạ tầng về thông tin khoa học và công nghệ, trang thiết bị nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

III. HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:

Chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động quốc tế về phát triển bền vững. Mục tiêu của hợp tác quốc tế về phát triển bền vững là:

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển và bảo vệ môi trường. Thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế về phát triển bền vững mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

- Tăng cường thu hút những hỗ trợ của quốc tế về kỹ thuật, công nghệ và tài chính trong việc xoá đói giảm nghèo nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Những hoạt động ưu tiên trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để phát triển bền vững:

1. Tiếp tục thực hiện các chính sách đổi mới, thu hút sự tham gia của các cá nhân và tổ chức quốc tế trong việc thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

2. Tăng cường hợp tác quốc tế trong các ủy ban của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững.

3. Tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển giao các công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường. Chủ động phổ biến những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến đã được áp dụng thành công ở Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, nhất là tới các nước đang phát triển.

4. Thông qua đối thoại và trao đổi quốc tế, xác định cơ chế hợp tác quốc tế có hiệu quả nhằm bảo đảm duy trì sự hỗ trợ phát triển hiện có, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ mới để Việt Nam tham gia một cách có hiệu quả vào các hoạt động quốc tế nhằm bảo vệ môi trường toàn cầu, bù đắp những thiệt hại về kinh tế mà Việt Nam phải gánh chịu từ việc thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường thế giới.

5. Tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường toàn cầu, mở rộng liên kết, hợp tác với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng các chất thay thế cho những chất có thể gây nguy hại đến tầng ô-zôn, hạn chế sự ô nhiễm do hoá chất và chất thải nguy hại, kiểm soát sự vận chuyển chúng xuyên biên giới, bảo vệ môi trường biển và đa dạng sinh học.

6. Tăng cường trao đổi với cộng đồng quốc tế các thông tin về phát triển bền vững và phổ biến những kinh nghiệm quốc tế tiên tiến trong lĩnh vực này.

7. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Châu á-Thái Bình Dương và Đông Nam á về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chú trọng sự hợp tác nhằm phát triển bền vững lưu vực sông Mê-Công.

8. Chủ động tham gia các hệ thống quan trắc môi trường và nghiên cứu khoa học quốc tế để thu thập các thông tin về môi trường và phát triển bền vững.

9. Tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho công tác nghiên cứu, thu thập và xử lý dữ liệu môi trường, triển khai các dự án phòng chống thiên tai và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

10. Hợp tác chặt chẽ với các nước tài trợ, các tổ chức quốc tế nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ chính thức cho mục đích phát triển bền vững.

11. Chú trọng động viên cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp và giới trí thức tham gia đóng góp vào việc xúc tiến và hỗ trợ sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
--------------

No. 153/2004/QD-TTg

Hanoi, August 17, 2004

 

DECISION

PROMULGATING THE ORIENTED STRATEGY FOR SUSTAINABLE DEVELOP-MENT IN VIETNAM (VIETNAM’S AGENDA 21)

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate the Orientated Strategy for Sustainable Development in Vietnam (Vietnam's Agenda 21) in order to sustainably develop the country on the basis of closely, rationally and harmoniously combining economic development, social development and environmental protection (see the document attached herewith).

The Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam is a framework strategy containing major orientations which serve as legal bases for the ministries, branches, localities, organizations and concerned individuals to organize the implementation thereof, and at the same time reflect Vietnam's international commitments.

Article 2.- The Minister of Planning and Investment shall be responsible for organizing and guiding the implementation of the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3.- This Decision takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette.

The ministers, the heads of ministerial-level agencies, the heads of Government-attached agencies, the presidents of the provincial/municipal People's Committees shall have to implement this Decision.

 

 

FOR THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

ORIENTED

STRATEGY FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT (VIETNAM'S AGENDA 21)

(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 153/2004/QD-TTg of August 17, 2004)

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The concept of "sustainable development" emerged in the environmental protection movement in the 70s of the 20th century. Sustainable development was defined by the World Council on Environment and Development (WCED) of the United Nations in its 1987 report "Our Common Future" as "the development that meets the needs of the present without compromising the ability of future generations to meet their own needs."

At the Earth Summit on Environment and Development held in Rio de Janeiro (Brazil) in 1992 and the World Summit on Sustainable Development held in Johannesburg (the Republic of South Africa) in 2002, "sustainable development" was determined as a development process which closely, rationally and harmoniously combines three development aspects, namely economic development (particularly economic growth), social development (particularly social progress and justice; hunger eradication and poverty reduction and employment), and environmental protection (particularly treatment and remedy of pollution, rehabilitation and improvement of environmental quality; prevention and fight of forest fires and destruction; rational exploitation and thrifty use of natural resources). The criteria for evaluation of sustainable development include stable economic growth; good realization of social progress and justice; rational exploitation and thrifty use of natural resources, protection and improvement of the quality of the living environment.

Sustainable development is an urgent demand and inevitable tendency in the course of development of mankind and, therefore, it has been consented by the countries in the world to turn into the agenda for each development period of history. At the Earth Summit on Environment and Development held in Rio de Janeiro (Brazil) in 1992, 179 participating countries adopted the Rio de Janeiro Declaration on environment and development with its 27 basic principles for sustainable development and the Agenda 21 on solutions to sustainable development for the whole world in the 21st century. The Summit recommended that each country, based on its own conditions and characteristics, formulate its own national, branch and local agendas 21. Ten years later, at the World Summit on Sustainable Development held in Johannesburg (the Republic of South Africa) in 2002, 166 participating countries adopted the Johannesburg Declaration and the implementation plan for sustainable development. The Summit reaffirmed the principles set out previously and continue committing to fully implement the Agenda 21 for sustainable development.

Since the Earth Summit on Environment and Development held in Rio de Janeiro (Brazil) in 1992, 113 countries in the world have so far formulated and implemented their national Agenda 21 for sustainable development and 6,416 local Agendas 21, and at the same time have established independent agencies for implementation of these Agendas. The regional countries such as China, Thailand, Singapore, Malaysia… have all formulated and implemented their Agendas 21 for sustainable development.

The Government of Vietnam sent high-ranking delegations to participate in the above mentioned summits and committed to achieve sustainable development, actively realizing the "National Plan for environmental and sustainable development for the 1991-2000 period" (Decision No. 187-CT of June 12, 1991), creating preconditions for the process of sustainable development in Vietnam. The sustainable development viewpoint has been asserted in the Political Bureau's Directive No. 36-CT/TW of June 25, 1998 on intensifying the environmental protection work in the period of national industrialization and modernization, which stressed: "Environmental protection is an essential content which is inseparable from the socio-economic development line, undertakings and plans of all levels and branches, as an important basis for ensuring sustainable development and successfully realizing the cause of national industrialization and modernization." The sustainable development viewpoint has been re-affirmed in the documents of the IXth National Congress of the Communist Party of Vietnam and in the 2001-2010 socio-economic development strategy that "rapid, efficient and sustainable development and economic growth are combined with social progress and justice as well as and environmental protection" and that "socio-economic development is closely associated with environmental improvement, ensuring harmony between artificial and natural environments, and preserving bio-diversity." Sustainable development has become the line and viewpoint of the Party and the policy of the State. In order to achieve the sustainable development objectives, many other directives and resolutions of the Party, many legal documents of the State have been promulgated and implemented; numerous programs and research subjects in this domain have been carried out and crowned with initial outcomes; many basic contents on sustainable development have been translated into practice and step by step become an inevitable trend of the national development.

Over the past years, Vietnam's socio-economic development has still relied largely on the exploitation of natural resources; productivity remains low; production technologies and consumption patterns have still used a lot of energy and raw materials and discharged a lot of waste. Rapid population growth, high rate of poor households, inadequate basic education and healthcare services and unchecked social evils… remain to be burning issues. Numerous natural resources have been exhaustedly exploited and wastefully as well as inefficiently used. The natural environment in many areas has been destroyed, polluted and degraded to alarming levels. The system of policies and legal instruments remains incomprehensive and fails to effectively combine the three aspects of development, namely economic development, social development and environmental protection. The socio-economic development strategies, overall plannings and plans of the country as well as branches and localities have ignored the true combination and close integration of these three aspects of development.

In order to achieve the country's sustainable development objectives set in the Resolution of the IXth National Party Congress and to fulfill international commitments, the Government of Vietnam has promulgated the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam (Vietnam's Agenda 21).

The Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam is a framework one, containing major orientations serving as legal bases for the ministries, branches, localities and concerned organizations as well as individuals to implement and coordinate actions to ensure Vietnam's sustainable development in the 21st century. The Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam identifies challenges Vietnam is confronting, and lays down undertakings, policies, legal instruments and priority areas of action which need to be realized for sustainable development in the 21st century. The Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam shall not substitute the existing strategies, overall plannings and plans but serve as a basis for concretizing the 2001-2010 ten-year socio-economic development strategy, the national environmental protection strategy till 2010 and orientations up to 2020, formulating the 2006-2010 five-year socio-economic development plan as well as strategies, overall plannings and plans of all branches and localities in order to closely, rationally and harmoniously combine economic development with social progress and justice, and environmental protection, guaranteeing the country's sustainable development. In the course of implementation, the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam shall be regularly reviewed and revised to suit each stage of development, update with new knowledge and awareness with a view to further perfecting Vietnam's path of sustainable development. Based on the current planning system, the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam focuses on priority activities which should be selected and carried out in the coming ten years.

The Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam comprises 5 parts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Part 2: Priority economic areas for sustainable development

Part 3: Priority social areas for sustainable development

Part 4: Priority areas in natural resource utilization, environmental protection and pollution control for sustainable development

Part 5: Sustainable development implementation organization

Part 1

SUSTAINABLE DEVELOPMENT - VIETNAM'S INEVITABLE PATH

I. ACTUAL SITUATION OF SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN VIETNAM IN RECENT YEARS

1. Achievements:

After eighteen years of renewal, Vietnam has recorded enormous achievements in the areas of socio-economic development and environmental protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Vietnam's economy has been step by step transformed from a centrally planned economy to a socialist oriented market economy. The economy has achieved a high and relatively stable growth rate. In the 90s (of the 20th century), the gross domestic product (GDP) grew at an average annual rate of 7.5%. GDP in the year 2000 was over twice that of 1990. In 2003, GDP grew 7.24%, and in the three-year (2001-2003) period, the average annual growth rate was over 7.1%.

In agriculture, food production jumped from 19.9 million tons (paddy equivalent) in 1990 to over 37 million tons in 2003, the per-capita grain food increased from 303 kg in 1990 to 462 kg in 2003, thus having not only ensured stable food security for Vietnam but also put the country on the list of the biggest rice exporters in the world. Thanks to food security, commercial agricultural crop farming and husbandry have favorable conditions for development. Rice, coffee, rubber, cashew nuts, tea, peanuts, vegetables and fruits, pork and aquatic and marine products have become significant agricultural export products of Vietnam.

Industry has been restructured and has gradually recorded stable growth. Over the past 10 years, its average annual growth rate has been 13.6%; of which the State sector, non-State sector and foreign-invested sector recorded a growth rate of 11.4%, 11.4% and 22.5% respectively. In terms of production value, industrial production capacity in 2000 was 3.6 times that of 1990. In three years 2001-2003, industry continued to develop fairly high; production value increased by 15%, of which the State sector, non-State sector and foreign-invested sector grew 12.1%, 19.8% and 15.6% respectively.

Services have been expanded and their quality improved, meeting economic growth requirements and people's living needs. The production value of services increased by an average of 8.2% in ten years (1990-2000) and over 7% in three years (2001-2003). Domestic market has been more open with the participation of various economic sectors. In 2000 the value of goods sold on the domestic market was 12.3 times over 1990. In three years (2001-2003), the domestic market became more vibrant, with the total annual average volume of goods circulated on the market increasing by over 12%.

Transport and communications infrastructure has developed rapidly, better meeting socio-economic development requirements. The value of transport, storage and communication services was up by 1.8 times.

Tourism has recorded a relatively high growth rate; many tourist centers have been upgraded, restored or renovated. Particularly, in recent years efforts have been concentrated on exploiting and raising the humane values and national cultural traits in tourist routes, making tourism more and more diversified and attractive to domestic and foreign tourists.

Post and telecommunications services have rapidly developed with basically modernized domestic telecommunication networks. Many modern communication means of international standards have been developed, initially meeting the country's information, trade and international economic integration demands. The insurance service market has come into existence with the involvement of enterprises of domestic and foreign economic sectors. Important changes have been recorded in financial and banking services. Other services such as legal consultancy, science and technology, education and training, healthcare… started to develop.

As production develops and financial and monetary regulation policies are efficiently implemented, the macro-economic environment has been stabilized, creating favorable conditions for investment attraction and improvement of people's living standards.

b/ Regarding social aspects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A legal system has been introduced, meeting the practical requirements as well as the country's renewal requirements in the new situation, such as the Civil Code, the Labor Code, the Law on Protection of the People's Health, the Law on Child Protection, Care and Education; the Law on Environmental Protection; the Education Law; the Science and Technology Law; the Ordinance on Preferences for People with Meritorious Services; the Ordinance on the Disabled, the Insurance Law...

Many national target programs on social development have been implemented with high social impacts. The seven national target programs in the 1998-2000 period on hunger eradication and poverty reduction; job generation; population and family planning; HIV/AIDS prevention and control; elimination of some social diseases and dangerous epidemics; clean water and environmental sanitation for rural areas, building of the force of talented athletes and key sport centers; crime prevention; as well as other target programs on socio-economic development in mountainous and remote communes meeting with special difficulties; expanded immunization for children; illiteracy eradication and primary education universalization, control and prevention of social evils… have been implemented with good social impacts. National funds for hunger eradication and poverty reduction, assistance in the generation of jobs, gratitude funds, affection funds, funds for poor children overcoming difficulties… have been established and effectively operated. In the 2001-2005 period, six national target programs on hunger eradication, poverty reduction and employment; clean water and environmental sanitation for rural areas; population and family planning; prevention and control of some social diseases, dangerous epidemics and HIV/AIDS; culture, education and training have been approved and actively implemented and have recorded encouraging initial social results.

Living standards of people in both urban and rural areas have been markedly improved. Achievements recorded in hunger eradication and poverty reduction have been highly appreciated domestically and internationally. The percentage of poor households nationwide, based on national poverty standards (old standards), decreased from 30% in 1992 to 10% in 2000 with an annual average drop of nearly 300 thousand households. Based on new standards, by the year 2003 the percentage of poor households was about 11%. Based on the internationally comparable poverty standards of Living Standards Surveys of 1993 and 1998, the overall poverty percentage declined from 58% in 1993 to 37% in 1998 and the food poverty rate decreased from 25% to 15% in the same period. The number of employed people increased from 30.9 million in 1991 to 40.6 million in 2000 with an annual average growth rate of 2.9%. Each year, about 1.2 million new jobs were created.

As of 2000, national standards of illiteracy eradication and primary education universalization were achieved nationwide. Over 90% of the population had access to health services; 60% of households had clean water. TV coverage was 85% and radio coverage was 95% of the whole country's area.

Social indicators have been considerably improved. Vietnam's human development index (HDI) increased from 0.611 in 1992 to 0.682 in 1999, ranking the 120th in 1992 and the 101st in 1999 among 162 countries and the 109th among 175 countries in 2003. Compared to countries which have similar per-capita GDP, Vietnam's HDI is considerably higher. With regard to gender development index (GDI), in 2003 Vietnam ranked the 89th among the total 144 countries. Women account for 26% of the total number of National Assembly deputies, making Vietnam to be one of the 15 countries that have the highest percentage of female members in the State powerful organ.

c/ Regarding the use of natural resources and environmental protection:

Vietnam has made great efforts to overcome the environmental consequences of the wars. Many important policies on natural resource management and use and environmental protection have been formulated and implemented in recent years. The system of State management over environmental protection has taken shape at central and local levels. Environmental management and environmental protection awareness and responsibility education activities have been increasingly expanded to all organizations and individuals and qualitatively improved. The work of education and communication on environmental protection has been stepped up. Environmental protection contents have been included in the teaching programs at all educational levels of the national education system.

The implementation of the above-mentioned policies has contributed to strengthening the management, rational exploitation and thrifty use of natural resources, preventing environmental pollution, degradation and incidents; restoring and clearly improving the quality of the ecological environment in some areas.

2. Major drawbacks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Regarding awareness:

The sustainable development view has not yet been reflected clearly and consistently in the system of the State's regulating policies and instruments. Socio-economic policies are still inclined to rapid economic growth and social stability but fail to pay adequate attention to sustainability in the exploitation and use of natural resources and the environmental protection. On the other hand, the environmental protection policies have focussed on remedying environmental incidents, rehabilitating degradation and improving the environmental quality but lacked long-term development orientations to meet the future needs of society. The process of formulating socio-economic development plannings and plans has yet to be closely combined with, and rationally integrated into, the process of formulating environmental protection policies. An effective sustainable development management and monitoring mechanism has not yet been clearly established.

b/ Regarding economical aspects:

Due to low development resources, there have been insufficient physical conditions for satisfying sustainable development requirements. Investment has been mainly concentrated on projects that bring about direct benefits while very little investment has been made in reproducing natural resources and protecting the environment.

As compared to other countries, Vietnam's debts have not yet reached a dangerous level but are rapidly increasing, and may threaten the sustainability of development in the future, especially when loans have been inefficiently used. The degree of processed materials in Vietnam's economy is still very low but the amount of raw material, fuel and material consumed per product remains high. The majority of domestically consumed and exported products are unprocessed; economic growth relies mainly on extensive development… while natural resources are limited and have been exploited to the permissible limit.

The trend of decline in prices of unprocessed products in the world market has caused many problems for agricultural growth in Vietnam. With its current production structure, in order to maintain the same income levels as previously, Vietnam has to sell more commodities in kind.

Development objectives of industries using natural resources are contradictory and have not yet been appropriately combined. Administrations at both central and local levels have not yet effectively managed the use of natural resources and the environmental protection.

c/ Regarding social aspects:

Pressure of population growth, more and more critical underemployment and high percentage of poor households remain to be big hurdles to sustainable development. The quality of human resources is still low. The quantity and quality of skilled labor force (in occupational structure, skills and qualification) fail to meet the requirements of the labor market.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A number of social evils such as drug addiction, prostitution, HIV/AIDS - the century's plague, and corruption, have not yet been effectively prevented, thus causing loss and waste of wealth, threatening social stability and destroying the ecological balance.

d/ Regarding the natural resource use and environmental protection

Since importance has been attached to economic development, particularly GDP growth while little attention has been paid to natural systems, the wanton exploitation and wasteful use of natural resources leading to environmental degradation and an imbalance in the ecological systems has been very common. Some production, business and service establishments, hospitals… have caused serious environmental pollution. The process of rapid urbanization has resulted in excessive exploitation of underground water, pollution of surface water sources, air and accumulation of solid wastes. Particularly, areas with high bio-diversity, forests, marine and coastal regions have not yet been protected, and are therefore under overexploitation.

Despite remarkable progress has been made in environmental protection activities, the degrees of environmental pollution, degradation and quality reduction continue to increase. This indicates that the operational capability and efficacy of the apparatuses in charge of environmental protection have not yet met the requirements of sustainable development.

Inter-branch, interregional, international and global environmental protection work should be performed from the grassroots levels, namely the ward/ commune and district levels. We still lack integrated environmental management methods at the regional, interregional and inter-branch levels while various levels and branches still have overlapping functions and tasks in the environmental protection work. State management over the environment has been performed only at the central, branch and provincial levels. None or very little of this work has been done at the district level while nothing has been performed at the commune level. Some regional socio-economic development plannings have been formulated, but there have not yet been any mechanisms requiring localities and branches to join in formulating and implementing these plannings.

II. MAIN OBJECTIVES, VIEWPOINTS, PRINCIPLES AND PRIORITY ACTIVITIES FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN VIETNAM

1. Objectives:

The overall objective in the 2001-2010 socio-economic development strategy of the IXth National Congress of the Communist Party of Vietnam is "To bring the country out of underdevelopment, markedly improve the people’s material, cultural and spiritual life; lay foundations for Vietnam to basically become an industrial country by the year 2020; to strengthen human resources, scientific and technological capabilities, infrastructure, economic potential, national defense and security; to basically establish institutions of the socialist-oriented market economy and heighten the country's position in the international arena." The development viewpoint in the above-said strategy is affirmed that "rapid, efficient and sustainable development and economic growth are accompanied with social progress and justice and environmental protection"; "Socio-economic development is closely linked to environmental protection and improvement, securing the harmony of artificial and natural environment, conserving bio-diversity."

The overall objective of sustainable development is to achieve material prosperity, spiritual and cultural wealth, equity of all citizens and consensus of the society, the harmony between humans and nature; development must represents the close, rational and harmonious combination of economic development, social development and environmental protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The socially sustainable development objective is to obtain high results in the realization of social progress and justice, guaranteeing increasingly improved nutrition and healthcare quality for the people, educational and employment opportunities for everyone, reducing poverty and narrowing the rich-poor gap between social strata and groups, reducing social evils, raising equity in the interests and obligations of all members and all generations in a society, maintaining and promoting national cultural diversity and identity, continuously raising the level of civilization in material and spiritual life.

The environmentally sustainable development objective is to rationally exploit, thriftily and efficiently use natural resources; effectively prevent, stop, handle and control environmental pollution, well protect the living environment; protect national parks, nature conservation zones, biosphere reserve zones, and conserve bio-diversity; overcome environmental degradation and improve the environmental quality.

2. Main principles

To attain the above mentioned objectives, in the process of development, we should adhere to the following principles:

First, human beings are the center of sustainable development. The consistent principle at all stages of development is to better meet physical and spiritual demands of people of all strata, to build a rich and strong country, an equitable, democratic and civilized society.

Second, to consider economic development as the central task in the coming stage of development, to ensure food security and energy for sustainable development, ensure food hygiene and safety for people; closely, rationally and harmoniously combine economic development with social development; rationally exploit, thriftily and efficiently use natural resources within the permissible limits in terms of ecology and sustainable environmental protection, to gradually implement the principle of "every aspect (economic, social and environmental) shall be beneficial."

Third, environmental protection and improvement must be considered an indispensable element of the development process. To actively prevent and control negative impacts caused by human beings' activities on the environment. It is necessary to widely apply the principle: "people who cause harms to natural resources and the environment shall have to pay compensation therefor." To build a comprehensive and effective system of legislation on environmental protection. To actively incorporate, and adopt sanctions to force the integration of, environmental protection requirements into every socio-economic development planning, plan, program and project. To consider the environmental protection requirement an important criterion for evaluating sustainable development.

Fourth, the development process must satisfy the needs of the present generation in an equitable manner without causing problems to the life of future generations. Conditions must be created for all people and communities in society to have equal opportunities for development, have access to all common resources and be equally provided with public benefits. It is necessary to create good material, intellectual and cultural foundations for the posterity and economically use non-renewable natural resources, preserve and improve the living environment, develop a clean and environmentally friendly production system; and build up a healthy lifestyle which is harmonious with, close to, and fond of, nature.

Fifth, science and technology constitute the foundation and driving force for industrialization and modernization as well as for rapid, vigorous and sustainable development of the country. Priority must be given to the extensive use of modern, clean and environmentally friendly technology in the manufacturing industries which have spill-over impacts and capacity for promoting the development of many other sectors and industries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Seventh, to closely connect the building of an independent and autonomous economy with active integration into international economy for sustainable development of the country. To develop bilateral and multilateral relations and realize international and regional commitments, selectively absorb scientific and technological advances, promote international cooperation for sustainable development. To attach importance to bringing into full play advantages, improving quality, efficiency and competitiveness. To actively prevent the negative impacts of the globalisation and international economic integration process on the environment.

Eighth, to closely combine economic development, social development and environmental protection with ensuring national defence and security as well as social safety and order.

3. Priority areas of activity:

a/ In the economic area:

- To maintain rapid and stable economic growth on the basis of constantly improving efficiency, scientific and technological content, thrifty use of natural resources and environmental protection.

- To change production and technological patterns and consumption patterns along the direction of being cleaner and environmentally friendly, based on the thrifty use of non-renewable natural resources, the maximum reduction of toxic and difficult-to-decay wastes and the maintenance of individual and social lifestyles in harmony with, and closeness to, nature.

- To implement the process of "clean industrialization", which means that industrial development must be planned right from the outset with occupational structures, technology and equipment ensuring the principle of environmental friendliness. To actively prevent and treat industrial pollution and build up "green industries."

- To develop agriculture and rural areas in a sustainable manner. While stepping up the production of more and more commodities to meet market demands, it is a must to ensure food hygiene and safety, conserve and develop the land, water, air and forest resources as well as bio-diversity.

- To develop regions in a sustainable manner and build up local communities that practice sustainable development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To concentrate efforts on hunger eradication and poverty reduction, generate more jobs; create equal opportunities for all people to participate in social, cultural, political, economic development and environmental protection activities.

- To further lower the population growth rate, reduce the population pressure on job generation, healthcare, education, vocational training and ecological protection.

- To direct the urbanization and migration process to ensure sustainable urban development; to rationally distribute population and labor force throughout all regions, ensuring sustainable socio-economic development and environmental protection in localities.

- To improve the quality of education in order to raise the people's intellectual level and professional qualifications suitable to the country's development requirements.

- To develop quantitatively and improve qualitatively healthcare services, improve working conditions and sanitation of the living environment.

c/ In the natural resource- environment area:

- To fight the degradation of land resources, use them in an efficient and sustainable manner.

- To protect the water environment and use water resources in a sustainable manner.

- To rationally exploit and thriftily and sustainably use mineral resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To protect and develop forests.

- To reduce air pollution in urban centers and industrial parks.

- To effectively manage solid and hazardous wastes.

- To conserve bio-diversity.

- To mitigate climate change and limit harmful impacts of climate change, contributing to preventing and fighting natural disasters.

Part 2

PRIORITY ECONOMIC AREAS FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT

I. MAINTAINING RAPID AND SUSTAINABLE ECONOMIC GROWTH

According to the 2001-2010 socio-economic development strategy, in the first decade of the 21st century, economic development must be rapid, efficient and sustainable and by 2010, GDP must be doubled that in 2000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To further accelerate economic renewal to establish and improve the mechanisms of a socialist oriented market economy, including:

- To further improve a number of macro policies with a view to creating an equal and efficient business environment, step up competition and create confidence of enterprises and people so that they invest capital in production development. To encourage the long-term development of collective and private economies. To further renew, develop and improve production efficiency of, State enterprises. To actively attract foreign investment.

- To maintain stability of the macro economic environment by improving financial policies, balancing budgets, maintaining monetary stability and controlling inflation.

- To strongly accelerate the process of active integration into international economy and trade liberalization.

- To step up administrative reform in order to gradually establish an effective, healthy and competent administration for meeting the requirements of sustainable development. To promote democracy, firmly maintain discipline and order and strengthen legislation. To build up the contingent of capable and virtuous officials and employees.

2. To transform economic development from mainly extensive growth to mainly intensive development on the basis of effectively applying scientific and technological advances for raising labor productivity and competitiveness of products and services as well as raising the efficiency of the economy in general and the efficiency of investment capital in particular.

3. To shift the economy from exploiting and using crude resources to using as processing them in a more sophisticated way, thereby increasing added value in each unit of exploited resource. To gradually shift our participation in the world market with crude products to that with sophisticatedly processed products and services. To attach importance to increasing scientific and technological contents in products and services.

4. To save to the utmost all resources in development, efficiently use scarce resources and restrict consumption so that it will not encroach upon the benefits of future generations.

5. To establish an environmental economic cost-accounting system. To carry out studies so as to additionally incorporate environmental and social aspects in the national accounting system. The integrated socio-economic and environmental accounting system will comprise at least one accounting sub-system of natural resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Over the past time, as a result of high economic growth and open-door economic policies, consumption by people has been markedly improved. However, there still exist some consumption tendencies that exert negative impacts on sustainable development:

1. Consumption patterns by a proportion of population, especially in urban centers, are heavily based on traditional consumption which uses unprocessed raw materials, therefore causing negative impacts on natural resource saving and sustainable development. Lavish and wasteful consumption has become increasingly popular in some strata of the population, which runs counter to the thrifty, nature-close and -harmonious way of living based on the traditional system of social values and ethics.

Exhaustive exploitation of rare and precious animal and plant species and non-renewable natural resources remains rather popular. Food chemicals, growth stimulants and genetically modified products have been used increasingly.

Energy used for daily life and energy used in transportation has increased, leading to consumption of more coal and petrol than previously, thus increasing environmental pollution. Whereas, other types of clean energy which have a great potential in Vietnam and can be widely used on a household scale such as solar, wind power, small-scale hydroelectricity, bio-gas have been studied, applied and used in a very limited way. Policies on encouraging means of transport which are economical and which have small capacity and use environmentally friendly energy are still absent.

2. In goods production and consumption, wasteful use of resources for some irrational demands has become widespread. The volumes of alcohol, beer and cigarettes that have been produced, imported and consumed have increased at a rate unproportional to low living standards and incomes of the population. Alcohol and drug addiction has not yet declined. Non-recyclable and difficult-to-decay raw materials and materials (such as metal and PVC) have been increasingly discharged.

3. Specific policies and guidance on rational consumption, especially financial policies and measures for promoting environmentally friendly consumption, are absent.

4. A proportion of population still live under the poverty line, failing to satisfy their basic demands for food, clothing, housing, education, essential commodities and services. Poverty is one of many reasons for wanton exploitation, wasteful and irrational use of natural resources. It also prevents the practice of more efficient consumption patterns in order to contribute to more sustainable development.

Priority activities for changing consumption pattern are as follows:

a/ Restructuring production activities and services for consumption:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For existing production systems, it is necessary to review and adjust technical standards and upgrade technologies in order to improve the environmental efficiency of products, encourage the invention of new products which economically consume energy, materials and raw materials while discharging less waste.

- To encourage the application of cleaner and more environmentally-friendly production technology, technologies for recycle and reuse of waste and discarded materials.

- To establish a rational product consumption structure for the national economy to meet basic food, clothing, housing, traveling, education, health care and recreation demands of people of all strata. To pay attention to renovating products, continuously improving quality and reducing production and service costs, attach importance to the standard of environmental friendliness in order to improve consumption quality and natural resource use efficiency.

- To develop and raise the intensive degree of integrated production and service industries which can protect and improve the environment such as afforestation, aquaculture and tourism. To restrict the development of the production of alcohol, beer, cigarettes, food and consumer goods which contain agents harmful to people's health.

b/ Taking necessary measures to direct rational consumption:

- To conduct communication and education to form a healthy way of living and rational consumption modes among people of all strata, especially teenagers and youths. To build up a civilized consumption culture which is rich in national identity and harmonious with, and friendly to, nature.

- To launch the movement for thrifty consumption and wastefulness combat. To bring into play the active roles of mass organizations and people of all strata in communicating, educating, implementing and monitoring the movement.

- To employ some economic instruments, such as consumption tax, to adjust irrational consumption behaviors.

- For regions meeting with great difficulties, to further implement policies to assist people in meeting their essential daily-life needs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Strongly accelerating industrialization is a central task of Vietnam in the next decade. Implementing a "clean industrialization" strategy is to plan industrial development with industrial structure, technology and equipment to ensure environmentally friendly principles from the very outset. To actively prevent and tackle industrial pollution and build up the "green industry". Environmental standards must be included in the list of the most essential criteria for selecting industries in which investment is promoted, choosing production technologies and products, zoning industrial parks and export processing zones, and formulating plans for pollution prevention, treatment and control.

Priority activities for implementing the "clean industrialization" process are as follows:

1. Regarding the legislative aspects:

- To review master plans for socio-economic development in key regions and for development of economic branches, particularly those have strong impacts on the environment in order to ensure sustainable industrial development, economical natural resource use and effective pollution control and waste management.

- To institutionalize the incorporation of environmental elements in the process of formulating annual, five-year and long-term socio-economic development plannings and plans of the whole country, ministries, branches and localities from central to local level. To improve the process of environmental impact assessment and closely supervise the implementation of the contents of environmental impact assessment; to strictly enforce regulations on conducting environmental impact assessments before granting investment licenses to enterprises.

- To formulate legal documents, mechanisms and policies, aiming to boost the process of substituting obsolete production technologies that consume a lot of energy and raw materials with advanced, modern and environmentally friendly ones.

- To encourage clean production; propagate and educate on, and raise the awareness of the importance and benefits of clean production in the sustainable development process among the business community.

- To establish standards and principles for clean production, suitable to the economic development level. To research into and develop clean production technology and equipment. To enhance the coordination between production establishments and researchers of clean production technology, and, at the same time, step up the application of these technologies to production.

- To conduct studies and issue some regulations requiring large- and medium-sized business and production enterprises to establish environmental self-observation and self-monitoring systems to provide information on wastes and the degree of pollution caused by their production activities. To conduct studies and issue indicators on the permissible maximum level of pollution in industrial parks. To quickly form a contingent of officials who are trained in managing the environment in industrial parks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- In the process of industrial restructuring, priority must be given to developing clean and environmentally friendly industries. To develop and strongly promote the use of appropriate and advanced environmental protection technology and equipment; to formulate projects with full and detailed justification of measures to control pollution and protect the environment.

- To create and develop high-tech parks. To promulgate environmental safety and protection standards for application to the industries, particularly those of oil and gas exploitation and processing, electricity, electronics, and car and motorcycle manufacture.

- To gradually increase the proportion of investment in developing clean technology.

- To form a rational economic structure, ensuring an ever-increasing ratio of clean technology

3. Regarding the technical and technological aspects:

- To prevent pollution caused by new industrial establishments by improving the environmental impact appraisal and assessment process, particularly laying down the requirement that the environmental impact assessments must be completed before the investment licensing.

- To minimize pollution caused by production, business and service activities of the existing establishments. To strictly handle establish-ments which cause serious environmental pollution, forcing them to install pollution-controlling and -treating equipment, to upgrade or renew production technology, relocate their sections, all at once or one after another, out of densely populated areas and, as the highest penalty, stopping their production, business and service activities. Annually, to inventory and re-assess seriously polluting establishments nationwide, striving to control pollution.

- To conduct an environmental impact assessment of medium- and large-scale mines nationwide and report on the environmental management situation in mining and related processing industries. Those mines causing the most serious pollution shall be compelled to make investment to reduce the degree of pollution to an accepted level or shall be subject to closure. Professional agencies of provincial/municipal People's Committees shall conduct environmental impact assessments of small-scale mining activities as well as processing activities within their respective provinces or cities. All new mining projects shall be screened carefully and obliged to conduct detailed environmental impact assessments. In particular, they shall have to review and evaluate mining and processing technologies, the use and discharge of chemicals, maintenance of refuse-dumping sites and infrastructure construction.

4. Sustainable development of some branches which have special impacts on the environment:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Energy industry:

Energy constitutes a key industry of the economy and also one of those industries which exert the strongest impact on the environment since coal mining, oil and gas exploitation on the continental shelf are activities that produce and use fuel and energy while causing large volumes of waste.

To achieve sustainable development, the following priority activities need to be carried out:

- To strengthen legal bases for energy production, trading and consumption activities and for environmental protection. To consolidate the system of energy management agencies, enhance the capability of formulating energy development plannings and plans.

- To select optimal technologies for producing and using energy of all types, choose policy instruments, formulate development programs in order to implement the Oriented Strategy for Sustainable Development.

- To support the work of research and development, transfer and application of energy systems which do not harm the environment, including sources of new energy and renewable energy. To encourage the application of technology that consumes less energy and actively implement energy saving programs. To give priority to developing renewable energy sources via financial incentives and other mechanisms and policies in the national energy development strategy.

- To devise specific technological and organizational management measures for each energy sub-industry to implement programs and projects on reducing negative environmental impacts caused by energy production, trading and use activities.

- To actively participate in international cooperation and exchange activities under the United Nations' 1992 Framework Convention on Climate Changes which Vietnam signed on November 16, 1994 and is now a member of this Convention. To import and apply advanced foreign technologies to coal mining, washing and processing. To attract foreign capital and apply advanced foreign technologies to renovating and upgrading technologies in the coal industry

b/ Mining industry:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To achieve sustainable development, the following priority activities need to be carried out:

- To introduce economic, administrative instruments and legal sanctions aimed at enforcing the Law on Minerals in a more determined and efficient manner.

- To consolidate the mineral resource management system at the central level and in localities. To formulate a unified planning for using mineral resources and environmental protection.

- To renovate mining, sorting and processing technologies to make full use of mineral resources and protect the environment. To conduct research into technologies using low-content ores in order to thoroughly utilize minerals in mines and at the same time to reduce waste soil and stone, narrowing down waste-dumping sites. To seek measures to recover useful substances from waste ore-dumping sites for cleaning the environment and saving natural resources.

- To organize a rational mining process, end the situation of exploiting easy mines first while skipping difficult ones, which badly affects the mineral-mining monitoring, evaluation and planning. To limit then soon proceed to prohibit spontaneous and unplanned mining activities.

- For mineral resources in river beds, it is necessary to zone off the mining areas, refraining from causing land slides and flow change.

- To increase investment in restoration, rehabilitation and improvement of the ecological environment in mining areas.

c/ Communication and transport industry:

The system of technical infrastructures for road, railway, waterway and air transportation has been expanded and improved, creating favorable conditions for a rapid growth in transportation services, thus meeting the production, business and movement demands of the society, the industrialization cause as well as people's lives. The concentration on the construction of many transport infrastructural works in the coming time will create a better environmental landscape and transportation conditions, thereby actively contributing to the cause of national industrialization and modernization and improving people’s lives. Nevertheless, transportation also poses some challenges to sustainable development:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The danger of air, dust, noise, river and marine pollution will increase.

- Since the construction of transport infrastructure absorbs a large volume of investment capital, of which the majority are foreign loans, the debt burden of the future generations will increase.

To achieve sustainable development, the following priority activities should be carried out:

- To establish a system of synchronous policies for sustainable development in transport, including policies on land use, infrastructure development, construction of the public transportation network and encouragement of the private sector's participation in developing transportation, the use of transport means which consume less energy and discharge less polluting waste.

- To plan the transportation network in line with the planning on ecological areas and nature conservation zones in order to secure the development of the technical infrastructure system and the increased provision of services in harmony with regional economic development and environmental protection.

- To focus on developing the mass transit networks in large urban centers. To use economic and administrative instruments to encourage the habit of using of mass transit services. To limit the development of individuals' means of transport which consume a lot of fuel, wastefully use natural resources and pollute the environment. At the same time, to encourage the invention and widespread introduction of environmentally friendly means of transport.

- To rapidly develop the rural transportation network to well serve socio-economic development and people's daily life, especially in mountainous, deep-lying and remote areas.

- To propagate, educate about, and disseminate traffic and traffic safety legislation to reduce traffic accidents.

d/ Trade:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Presently, Vietnam exports mainly crude and preliminarily processed products, although it has recorded initial positive changes in the commodity structure along the direction of increasing the volume of processed products. Promoting exports means an increase in the exploitation of natural resources. Unless natural resources are protected and renewed and raw materials and materials are gradually processed in a more intensive and refined manner, natural resources will be rapidly exhausted, resulting in environmental overload and degradation.

- The import of commodities containing toxic and hard-to-decay substances also increases the volume of waste.

- The import of second-hand and obsolete supplies and equipment not only constitutes a factor which causes environmental pollution, but also hinders the raising of labor productivity and production and business efficiency and harms the health of the community.

- To achieve sustainable development, the following priority activities need to be carried out:

- To formulate market strategies aiming to satisfy the demands of domestic markets, and stimulate the formation of rational consumption patterns.

- To consolidate the legal bases for, and the apparatus of State management over, trade and markets in order to develop the domestic market and expand external trade relations.

- To formulate long-term plans for and restructure export commodities along the direction of increasing the processed portions and added value in export commodities and services, gradually reducing the export of crude and preliminarily processed natural resources.

- To closely monitor the import of goods, technological chains and equipment to minimize waste and, at the same time, encourage the import of environmentally friendly technological chains and equipment.

e/ Tourism:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Hotels and facilities in service of tourism and entertainment have "boomed" without careful planning, which, in many cases, have destroyed historical relics and natural landscapes.

- Some sensitive bio-diverse ecological systems such as national parks, nature conservation zones and coastal areas have been encroached upon and greatly changed.

- The volume of polluting waste discharged by large concentrated tourist resorts is on the rise, particularly in some coastal tourist resorts.

- The socio-cultural environment has deteriorated due to the impact of imported way of living. The social evils of prostitution, drug addiction, social diseases and HIV/AIDS are the direct consequences of tourism development.

To achieve sustainable development, the following priority activities need to be carried out:

- To integrate cultural and social development and environmental protection into tourism development and business plans. To consolidate the apparatus of State management over tourism and integrate sustainable development requirements into the work of State management over tourism.

- To conduct environmental impact assessment for all tourism development projects.

- To encourage the development of ecological tourism. To support population communities to participate not only in the management of tourism in their respective localities in order to increase economic benefits, but also in monitoring and minimizing negative impacts and risks of tourism on the environment, cultural tradition, and living conditions of local people.

- To increase investment in, and promote communication and education to improve people's awareness about, conserving natural, historical and cultural heritages of the nation. To mobilize wide participation by administrations at all levels, tourism enterprises and population communities in developing ecological and cultural tourism and protecting heritages and the environment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Agriculture, forestry and fishery are the most important economic sectors in Vietnam. At present, they produce nearly a quarter of GDP. In the 1990s, remarkable progress was recorded in Vietnam's agriculture and rural areas. Food production, especially paddy production, has continuously increased both in acreage and yield, ensuring national food security and making Vietnam to become one of the top rice exporters in the world. Intensive farming has become a leading direction in agriculture with the application of new scientific and technological achievements to creation of new varieties, farming processes and product processing. Agricultural structure and rural economy have transitioned towards market-oriented diversification. However, there remain not a few challenges to sustainable agricultural and rural development. They are:

- Land and fields in rural areas have been divided into small, fragmented plots, unsuitable for the requirements of large-scale, concentrated commodity production.

- The process of agricultural mechanization and the application of advanced production processes and techniques has been slow. Production in the main agricultural areas is performed manually in almost all steps, leading to very low labor productivity in agriculture.

- Industrial impacts, especially impacts exerted by the agricultural produce-processing industry, on agriculture, forestry and fishery have still been very weak.

- The agricultural produce market remains unstable with price changes that are unfavorable to farmers.

- The reduction of diverse gene sources of plant and animal varieties due to the tendency of replacing traditional varieties with new ones has caused more difficulties to the pest and disease prevention and control. The casual use of chemical fertilizers, pesticides, herbicides and growth stimulants has showed signs of exceeding the permissible limit for an ecological environment, leading to soil depletion, water source pollution and harmful impacts on human health.

- Cottage and handicraft industries and craft villages have developed strongly in many rural areas, having created around 2 million jobs and increased the population's income. However, obsolete technology, weak competitiveness and the lack of outlets constitute main causes that hinder stable development in this sector. Besides positive impacts, due to unplanned development without sufficient investment in the natural resource and environmental protection, this small production sector has polluted the living environment of rural communities, especially in some craft villages where production sites are intermingled with residential areas in the same populous zone.

- The exploitation of land and underground resources, forests, fauna and flora in rural areas has resulted in the waste of a lot of valuable non-renewable resources.

Priority activities for sustainable agricultural development are as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To improve the legal framework and synchronous policies relating to agricultural development; the system of management and protection of land and water resources, plant and animal varieties, and other natural resources used in agriculture, forestry and fishery; advanced farming methods and the protection of agricultural and rural environment.

- To enhance the coordination between branch, agricultural, rural and environmental management agencies and other management bodies. To provide further training for managers at central and local levels to improve their management capacity in sustainable agricultural development.

- To formulate rural development plannings, encourage rural urbanization in a proper manner via financial, technological development and population policies with a view to creating sustainable development in both urban and rural areas, establishing rational labor distribution, exchange and interaction relationships between urban and rural areas, leading to a more comfortable material as well as civilized and progressive cultural and spiritual life in rural areas.

2. Regarding the economic aspects:

- To speed up the process of field land transformation in the areas where field land is fragmented and scattered; gathering and swapping land lots to facilitate large-scale, modern farming methods.

- To formulate and implement programs for the raising of land productivity and the rational use of water resources in localities. To apply the combined agriculture- forestry and combined agriculture-forestry-fishery production systems suitable to the ecological conditions of each region for integrated and efficient use of water and land resources and climate.

- To expand the production of, and the market for, clean agricultural products, pay attention to product quality control in order to build consumer confidence in agricultural product and food hygiene and safety.

- To develop the industry of processing husbandry and aquaculture products, edible oil, sugar, vegetables and fruits in order to increase food and foodstuff categories, production scale and efficiency. To improve the environmental quality of the processing industry. To improve the systems of preserving warehouses, food processing and distribution at all levels, especially those for national food security.

- To step up the process of restructuring the rural economy, plant and animal varieties and employing rural labor. To diversify the structure of production and business to create more jobs on the spot, increase income and redistribute rural labor, thus facilitating people's stable settlement and reducing the pressure of rural-to-urban migration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To build rural infrastructure, develop irrigation facilities to expand areas under proactive irrigation. To tackle the issue of providing clean water for people and livestock in poor population regions.

- Development of non-agricultural trades and enterprises in rural areas must be combined with the construction and expansion of industrial parks with sufficient infrastructure to mitigate possibilities for causing pollution. To conduct research to establish the networks of organizations which provide consultancy, training and technical support for the development of industries, cottage and handicraft industries, in rural areas and for the development of traditional craft villages. To take initiative in planning and building clusters of craft villages, industrial, handicraft and cottage industrial parks in rural areas for economic development and at the same time abatement of environmental pollution caused by these trades.

3. Regarding the technical and technological aspects:

- To research into and apply biotechnology to developing plant and animal varieties which are of high yield and quality, pest-resistant, non-degraded and harmless to bio-diversity. To establish high-quality seed production centers, and selectively import and carefully evaluate foreign plant and animal varieties.

- To develop the production of organic, biological and slowly dissolved fertilizers for developing ecological agriculture.

- To extend the organic agricultural production, universalize the integrated pest management (IPM) process.

- To preserve local plant and animal variety gene sources.

- To strongly promote research into and development of advanced technology for preserving and processing agricultural, forestry and aquatic products.

V. REGIONAL AND LOCAL SUSTAINABLE DEVELOPMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Regional development strategies must, on the one hand, give priority to key economic regions which are capable of developing by leaps and bounds, and on the other hand, render support for less developed regions with more difficult conditions in order to create a certain balance in spatial development, gradually narrowing the social gaps, then proceeding to reduce economic gap in the coming years. Key economic development regions will play the role of locomotives or engines that pull the more disadvantaged mountainous, deep-lying and remote regions.

To ensure the sustainability of regional planning and regional development guidance process, it is necessary to renovate management systems along the direction of:

1. Enhancing the sustainable development capacity, awareness and responsibility of local administrations at all levels. Local administrations are directly involved in providing guidance on socio-economic development plans and natural resource use in service of the interests of their localities. They fully understand environmental impacts of socio-economic development projects in their localities and, therefore, are the most appropriate level to make plannings and plans for sustainable development in their localities.

2. All regions bring into full play their comparative advantages for development, creating their own strengths by applying an open economic structure in close association with domestic and foreign market demands. The State shall further promote the key economic regions’ role of locomotives for rapid growth and at the same time create conditions for, and make more appropriate investment in, disadvantaged regions. Unifying national, regional, provincial and municipal plannings to create their direct linkages in production, trade, investment, technical assistance and human resources. Raising the population's intellectual level and training human resources to meet the socio-economic development requirements of different regions and areas.

3. Widely involving mass organizations and people of all strata in the process of selecting and implementing local development plans based on the principle of "people know, people discuss, people do, people examine."

4. Enhancing the coordination among State management agencies in order to ensure inter-branch, inter-region and inter-territory development requirements.

5. To ensure regional and local sustainable development, it is necessary to formulate both regional and local sustainable development programs. On the basis of the analyses of natural potentials, human resources, the comparative advantages and disadvantages to development and the analysis of the economic, social development and environmental protection situation, local sustainable development programs will identify branch and regional development objectives and directions according to the sustainable development viewpoints and work out a system of measures to realize socio-economic development objectives, contents and directions, including policy measures related to the sustainable use of natural resources and environmental protection.

Part 3

PRIORITY SOCIAL AREAS FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Over the past 10 years, Vietnam has recorded enormous achievements in hunger eradication and poverty reduction. Entering the new millennium, the poor still account for a considerable proportion of the population in Vietnam. According to the current national poverty standards, the number of poor households in Vietnam in early 2001 was 2.8 million, accounting for over 17% of the population (if international standards are applied, poor household percentage is 32%). In addition, the living standards of a large proportion of the population are barely above the poverty line. The poor have less access to basic social services and are vulnerable to many risks in life, such as natural disasters, crop failure, sickness, etc. The possibility of relapsing into poverty is very high, leading to low sustainability of hunger eradication and poverty reduction achievements. At present, there are still over 2,300 communes meeting with particular difficulties, accounting for about 22% of the total nationwide. The disparity of living standards among regions and social groups is not so big but it is on the increase. Resources mobilized for hunger eradication and poverty reduction are still too limited, compared to the demand.

In the coming decades, Vietnam will achieve social progress and justice by focusing on the following major objectives:

- To eradicate hunger and reduce poverty.

- To narrow the socio-economic development gaps between rural and urban areas, between mountainous and lowland regions.

- To support ethnic minority people in economic development and natural resource and environmental protection activities.

- To heighten women's status in socio-economic development and environmental protection activities;

- To provide conditions for vulnerable social groups to integrate into the community.

To attain the above-mentioned objectives, the following priority activities need to be carried out:

1. To consider hunger eradication and poverty reduction the central task of the socio-economic development strategy, concentrating on supporting and creating conditions for poor people and households to have the means and materials for production and provision of services, ensure food security at household level and raise their income so that they themselves can overcome their poverty; create opportunities for the poor to have access to basic social services, especially education, healthcare, and clean water; minimizing risks of natural disasters, storms and floods as well as negative impacts of the economic reform process, guarantee the sustainability of hunger eradication and poverty reduction. At the same time to support poor communes in developing their infrastructure, production and services in order to gradually narrow the development and living standard gaps between regions and strata of people.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To closely combine the hunger eradication and poverty reduction program with socio-economic development, environmental protection and improvement programs and plans. To build and re-plan population clusters; encourage people to enrich themselves in a lawful and legitimate manner while accelerating hunger eradication and poverty reduction, thus quickly raising the living standards of people in poor communes and regions, gradually narrowing the living standard gaps between regions, ethnic groups, strata of people in order to improve the quality of life.

4. In the coming time, to focus on hunger eradication and poverty reduction in the most disadvantaged areas (communes with exceptional difficulties, former revolutionary bases, border mountainous areas, islands, deep-lying and remote areas and areas inhabited by ethnic minorities); give priority to poor women and children.

5. To well implement social support and natural disaster prevention and combat policies, reduce risks for disadvantaged groups via the mechanism of socialization and joint efforts of both the State and people. To focus on improving an appropriate social security network to satisfy pressing and urgent needs of vulnerable groups, people with economic difficulties, victims of wars and natural disasters, helping them integrate themselves into the community, preventing and restricting the relapse into chronic hunger and poverty. This is also an important condition to ensure social progress, justice, stability and sustainable development.

6. To encourage the poor communities to bring into play their internal strengths so that they themselves can strive to escape their poverty and, with supports from the Government and other communities, ensure the sustainability of hunger eradication and poverty reduction. To intensify and diversify resources for hunger eradication and poverty reduction, promote internal strengths as the major source combined with effective use of external resources from international cooperation in order to accelerate hunger eradication and poverty reduction.

7. To adopt policies and mechanisms to encourage the application of scientific and technological advances and the transfer of appropriate technology to poor communes and people for socio-economic development, job generation and income increase for the poor.

II. FURTHER REDUCING POPULATION GROWTH RATE AND CREATING JOBS FOR LABORERS

Vietnam has a large population, and its labor force is abundant, young and highly dynamic in economic activities. In recent decades, Vietnam has actively implemented population and family planning strategies, aimed mainly at controlling the natural population growth rate, and has recorded good achievements. Basically, Vietnam has brought the population growth rate under control and, therefore, begun to mitigate the population pressure on development.

Despite successes gained in controlling the population growth rate, population issues, including size, structure, quality and distribution, are major challenges to sustainable development in Vietnam in many years ahead:

- Population growth is the prime cause of the reduction of forests, exhaustive extraction of natural resources and environmental degradation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Rapid population growth leads to the situation in which demand for healthcare and education exceeds supply, resulting in a series of problems such as a high rate of child malnutrition; underdeveloped height and weight resulting in degradation of the race, an increasing rate of school dropouts, an increase of inequality in education between regions and ethnic groups, slow improvement of the educational quality.

The following priority activities should be carried out to overcome the above said challenges from population issues:

1. Maintaining a steady reduction in the birth rate and improve population quality in terms of physical, mental and spiritual strengths:

The results of birth reduction between now and 2010 will have a decisive significance in stabilizing the population size at a high or low level. Vietnam's population is expected to stabilize by the middle of the 21st century. The population size can be stable at a high level of over 122 million or a low level of under 113 million. To achieve this objective, the following tasks should be performed:

- Strengthening, consolidating and stabilizing the organizational system and the contingent of population officials at all levels, especially at the grassroots level, so that they can be able to organize, manage and implement population and development programs. Further enhancing the leadership of the Party and administrations at all levels in population work.

- Promoting the work of communication and education for raising awareness and change behaviors related to population, reproductive health and family planning. Concentrating on regions with socio-economic difficulties and groups with limited knowledge. Expanding and improving the quality of population education and communication modes inside and outside the school.

- Improving the quality of reproductive healthcare and family planning services with practical contents suitable to the primary healthcare framework, minimizing unwanted pregnancies, quickly reducing abortions and contributing to improving the population quality.

- Raising the capacity of gathering, processing and supplying population information and data in order to meet the requirements of evaluating the results of implementation of population strategies and programs; ensuring the integration of population data into policy and plan making in order to adjust socio-economic development and population distribution according to population changes.

- Raising people's intellectual level, enhancing the family's role and practicing gender equality to help improve the physical, intellectual and spiritual quality of the population.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Ensuring sufficient funding and operational conditions for the population work. Allocating and efficiently using resources for the population work.

2. Job generation:

Job generation constitutes a decisive factor for bringing into full play the human resources in economic development, stabilizing the society and making it healthy thus meeting the people’s urgent demands.

The population within the working age bracket will increase from 45.4 million now to approximately 60 million by 2010. The objective set for job generation is to create millions of new jobs each year, making good use of the underemployed labor force, especially in the time of slacken agricultural work in rural areas and in agriculture, and, at the same time, restructuring labor to suit the economic structure in the process of national industrialization and modernization. To achieve this objective, the following tasks should be performed:

- Restructuring the economy along the direction of rapidly increasing the proportion of industry, construction and services, reducing that of agriculture in order to establish an economic structure capable of attracting more labor and creating more jobs.

- Improving and renovating mechanisms for investment capital mobilization, use and management along the direction of diversifying capital mobilization forms and regularly adjusting interest rates and simplifying procedures for deposit and withdrawal of savings in order to mobilize more and more idle capital from the population. Accelerating equitization, establishing and well operating the capital market in order to quickly and easily mobilize and circulate capital between economic sectors and branches. Renovating the structure of the use of State investment capital, increasing medium- and long-term capital sources, providing capital supports for people, especially farmers in job creation and economic restructuring.

- Increasing the degree to which products are processed so as to create more jobs and expand the labor market. Concentrating on technological renovation, improving work skills, establishing, and developing the capacity of, processing industries in order to increase the exported volumes and proportions of processed products; reducing the export of crude materials. Seeking and expanding markets, especially considering the promotion of the labor and expert export a spearhead. It is necessary to provide good vocational training so that more laborers can be sent to work overseas.

- Establishing, developing and effectively regulating the domestic labor market. Establishing and well managing the labor market information system. Encouraging the development of an employment service system that operates transparently and effectively under the market mechanism.

- Gradually improving the legal corridor for labor and employment in order to develop healthy labor relations, protecting lawful and legitimate interests of employees and employers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



III. DIRECTING THE URBANIZATION AND MIGRATION PROCESS FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF URBAN CENTERS, RATIONAL REGIONAL POPULATION AND LABOR DISTRIBUTION

Since early 1990s, the urbanization process has taken places at a rapid speed. In 1999, the population census showed the urban population at 17.9 million, accounting for 23.45% of the national population. At present, there are 623 urban centers (including five centrally-run cities, 82 provincial cities and towns, and 537 district towns).

The urbanization process now faces the following challenges:

- Planning of, and investment in, urban technical infrastructure in most Vietnam's urban centers lag behind urban socio-economic growth rates, failing to satisfy environmental protection requirements. Particularly, the water supply and drainage, solid waste collection and treatment systems, and traffic systems are poor and backward.

- Although urban technical infrastructure in big cities has received good investment for renovation and upgrading, generally it is very weak and fails to satisfy the standards of a modern city. Environmental pollution, urban ecological imbalance, and destruction of natural scenery become common concerns.

- There has been no integration of environmental protection planning into urban planning, which increases urban environmental problems, creating difficulties in overcoming their consequences. The clearest evidence is the construction of polluting factories within densely populated areas which lack adequate infrastructure and waste treatment services, thus causing serious environmental pollution.

- The rapid urbanization rate and increasing migration of people from rural to urban areas have increased pressure on housing and urban environmental sanitation.

Priority activities which need be carried out for sustainable urban development are as follows:

1. Reviewing the overall plannings for ensuring sustainable development of urban centers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The objective of the overall planning on urban development is to construct a relatively complete national system of urban centers that have modern economic, social and technical infrastructure and a clean urban environment and are rationally distributed and developed nationwide, ensuring that each urban center can bring into full play its strengths based on its position and functions for stable, sustainable and perpetual development.

The urban development overall planning must be reviewed, with special consideration given to the principles of sustainable development, in order to ensure sustainable development for not only the entire national system of urban centers but also for each urban center.

Vietnam's urban development overall planning for the 1997-2020 period was approved by the Prime Minister in Decision No. 10/1998/QD-TTg of January 23, 1998. Accordingly, the formation and development of urban centers in the country in the coming time must follow the following major viewpoints:

- Formulation and development of urban centers shall be compatible with the production force distribution and development level.

- Big, medium and small urban centers shall be rationally distributed among regions in combination with the accelerated urbanization of rural areas and the building of new-style rural areas, thus creating balanced development among the three regions of northern, central and southern Vietnam, gradually narrowing the too big gap in socio-economic development levels of different areas.

- Urban centers shall have synchronous infrastructure, which may be of appropriate or modern level, depending on the requirements of exploitation and use of different quarters within urban centers.

- Stable, sustainable and perpetual development shall be based on a rational organization of the ecological environment and environmental protection.

- Renovation of old works shall be combined with construction of new ones; preservation of national identity and national traditions must be combined with the application of new scientific and technological advances to the renovation, building and modernization of urban centers in such a way suitable to Vietnam's practical conditions.

- Formulation and development of urban centers shall be closely combined with maintenance of security, defense, social safety and order.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Minimizing environmental impacts of urbanization through the following activities:

- To gradually upgrade the system of construction environmental sanitation standards in city and housing designs and plans. To establish and develop monitoring systems to ensure good environmental sanitation for disease prevention in urban construction.

- To intensify the gathering and treatment of solid wastes discharged from daily life and industry in urban cities and industrial parks, seeking dumping sites far from residential areas or applying recycling or composting technology to waste treatment.

- To strengthen, and enhance the capacity of, agencies in charge of managing and ensuring urban environmental sanitation.

- To set up inter-branch committees for management of urban environmental sanitation, headed by leaders of administrations of corresponding levels.

3. Orientating migration flows by regions and rural-urban areas

Migration plays the role of population redistribution to improve efficiency in using natural resources, capital, labor, etc. The precondition for migration is the differences in employment opportunity, living standards and development conditions across regions and territories. Migration is largely due to economic motivations. Particularly, some ethnic minority groups migrate because of their shifting cultivation practices.

The objective of orienting migration flows is to redistribute the population and labor, use resources in the best way to meet the requirements of the development process.

Priority activities to achieve this objective are as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To develop rural areas along the direction of modernization in parallel with protecting and preserving fine rural traditions; diversify highly profitable trades; give priority to development investment in poverty-stricken areas where many emigrate. To promote the rural urbanization process so as to accelerate economic restructuring and labor division process in rural areas. To encourage rural inhabitants to create jobs in their native places. The State will provide incentives by supporting infrastructure develop-ment and lending capital for production, business and services.

- To develop urban centers rationally by encouraging the development of medium and small cities.

- To reduce disparities between regions, rural and urban areas, and population communities, facilitate sustainable social integration.

- To promote the proper and rational use of natural resources available in deep-lying and remote areas to well serve socio-economic development of population communities there.

- To formulate appropriate management policies and measures in line with development rules and levels of the country.

b/ Renovating and organizing the implemen-tation of migration policies: For each type of migration, local administrations at all levels should synchronously implement various economic, social, technical and managerial policies and measures to develop production, increase employment opportunities and incomes and develop infrastructure without exacerbating social and environmental problems in immigration localities while contributing to the improvement of migrants' working and living conditions. Organizing the fulfillment of migrants' obligations towards the new communities where they migrate to and protecting their legitimate rights concerning employment, living conditions and other interests in the labor market.

IV. IMPROVING THE QUALITY OF EDUCATION TO RAISE THE POPULATION'S INTELLECTUAL LEVEL AND PROFESSIONAL QUALIFICATIONS TO MEET THE COUNTRY'S DEVELOPMENT REQUIREMENTS

Vietnam's education and training have made significant progresses in recent years. Educational and training scopes are being expanded at all educational levels and disciplines to satisfy people's increasing learning demands. At present, nearly 94% of the population aged 15 and above is literate; all provinces and cities across the country have reached national standards of illiteracy elimination and primary education universalization; the population has an average number of schooling years of 7.3; about 8 million technically skilled laborers have been trained, accounting for 18.3% of the total 43.8 million laborers nationwide.

However, training and education in Vietnam still reveal many weaknesses in the following aspects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Efficiency of education and training is low. The percentage of trained laborers is also low, and there have been no effective measures to train manpower in order to increase the competitiveness of the economy, to develop rural areas and to assist the economic restructuring and labor distribution. University and vocational training fails to meet the social demand of labor.

- Manpower training structure is irrational in terms of levels, trades and regions. The education and training development gaps among regions in the country have not been narrowed.

- Some negative phenomena in education and training have not been precluded in a timely manner, resulting in serious consequences.

The task of education and training as included in the sustainable development strategy is to strive to continuously improve people's intellectual level, create equal opportunity for people to access education, continuously develop individuals' capability and improve the quality of human resources - a decisive factor for socio-economic development in the next decade.

Priority activities to perform the above task are as follows:

1. To renovate curriculum, content and methodology in education and training to improve the quality of comprehensive education for the young generation, raising the practicality, skills, self-study capability, attaching importance to social and humanity knowledge, supplementing modern scientific and technological achievements suitable to learners' perceptibility and reaching the general educational level in regional countries and worldwide.

2. To assist provinces meeting with difficulties in attaining the objective of junior-high education universalization by 2010 by supporting teacher training to supplement teachers to 10 most difficult provinces; supplementing funding to construct schools and boarding schools and procure teaching aids.

3. To train manpower for rural areas to provide farmers with basic knowledge about rural trades, creating conditions for farmers to diversify production and business activities so that they can create more jobs and increase their income. This activity comprises the establishment of job training networks in rural areas, design of vocational training curricula and provision of vocational trainers for farmers.

4. To establish and develop systems to train manpower in service of labor export in order to earn foreign currencies and create more jobs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To mobilize contributions from the whole society and all people for education, diversify education and training forms, expand financial sources and tap all social resources for education development.

7. To implement education on environmental protection and sustainable development in schools. To universally disseminate the knowledge on sustainable development in order to improve people’s knowledge and awareness, serving as a basis for mobilizing all people to participate in sustainable development.

V. Quantitatively developing and qualitatively improving healthcare services, improving working conditions and environmental sanitation

In recent years, the work of people's health care and protection has recorded encouraging achievements. Grassroots medical networks have been strengthened and developed. As a result, primary healthcare has been well provided in many localities, including those in mountainous, deep-lying and remote regions and islands. Active disease and epidemic prevention and combat have been carried out vigorously. Many dangerous epidemics have been controlled and checked such as diarrhea, plague and malaria. Medical examination and treatment systems have been invested and upgraded and, as a result, have actually generated new progress. Many high technologies in diagnosis and treatment have been successfully and widely applied. Mother and child health protection and family planning have seen positive changes. Traditional medical and pharmaceutical systems have been consolidated and developed, playing a positive role in the treatment of common diseases and many other chronic ones at low costs suitable for the poor and the people in rural and mountainous regions.

People's health is increasingly improving. Vietnam has achieved overall healthcare targets, which are much better than other countries with the same per capita average income, and contribute to increasing the country's human development index considerably.

Nevertheless, the following challenges still exist in the healthcare domain:

- Equity is difficult to achieve in healthcare since the market economy is widening the gap between the rich and the poor, while State budget allocations to healthcare remain limited. Policies on medical insurance, hospital charges and medical examination and treatment for the poor have made some initial positive impacts, but also revealed a number of limitations.

- As people's living standards ameliorate, demands for healthcare increase and diversify. Initial investment has been made in high-technology development in the form of private, joint-venture or semi-public healthcare services but still recorded limited results.

- The current disease pattern has the specifics of both a developing country and an industrialized country. Natural calamities and catastrophes are unpredictable challenges and, when occurring, they often cause a lot of human and property losses, including the material bases of the medical sector.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The objectives of the strategy for people's health care and protection in the 2001-2010 period are as follows: To continuously reduce diseases and improve health, provide all people with primary healthcare services and conditions to access and use quality healthcare services. To enable the entire population to live in a safe community and in a clean environment in order to develop themselves well, physically and intellectually. To reduce morbidity rates, improve physical strength, raise life expectancy and develop the race.

The following priority activities need to be carried out:

1. Satisfying the people's basic healthcare demands:

- To strengthen and consolidate the medical system along the direction of diversifying medical services and socializing the participation, with public health units playing the leading role. To establish systems for providing comprehensive healthcare services, which concentrate on providing basic medical and primary healthcare services. The State ensures increased budget allocations to develop the medical system so that it can meet the above-mentioned demands, especially giving priority to policy beneficiaries, the poor and high-risk groups, and to investment in medicine-manufacturing activities.

- To improve and upgrade physical facilities and working conditions in communal and ward clinics. To train community health workers and medical technicians so that they can well perform the medical treatment and healthcare work and carry out preventive medicine activities.

- To increase investment in upgrading provincial and district medical examination and treatment systems.

- To diversify medical treatment and examination activities in medical establishments of the State and branches as well as foreign-invested, semi-public and private clinics.

- To gradually develop hospitals into centers that provide disease prevention, healthcare and functional rehabilitation services in order to improve the integrability for higher benefits and efficiency in the use of medical resources and services.

- To intensify the combination of healthcare and family planning services and, at the same time, improve the quality of family planning and reproductive healthcare services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To provide basic healthcare services, regarding them as an important foundation based on the three-tier medical network for both disease prevention and treatment. To intensify disease prevention and treatment, settle outstanding health problems and promote the functional rehabilitation work.

- To intensify and develop the grassroots medical systems from district hospitals to commune and village clinics, even to households, develop family physicians and train appropriate medical manpower.

- To strengthen and improve the quarantine work, including border medical quarantine. To encourage people to actively participate in preventing social evils, drug addiction and prostitution.

2. Developing preventive medicine, preventing and controlling contagious diseases:

- To formulate plans for monitoring, gathering and treating domestic and hospital wastes, especially hazardous wastes. The implementation of such plans must be supervised by environmental protection agencies.

- To strengthen and enhance activities of monitoring, preventing and controlling contagious diseases. To consolidate and develop the system of stations and units monitoring such contagious diseases as dengue fever, Japanese meningitis, malaria, cholera, etc., developing epidemic surveillance, ensuring measures to effectively prevent and restrain epidemic diffusion and stamp out epidemics.

- To strengthen the prevention and control of non-infectious diseases.

- To maintain and intensify the expanded vaccination.

- To intensify HIV/AIDS prevention and control activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To control risk factors in the environment relating to contagious diseases.

- To intensify preventive medicine, improve people's health:

3. Reducing harms caused to people's health by environmental pollution:

- To step up the formulation and promulgation of policies and legal documents on environmental sanitation, food hygiene and safety; build up and promulgate branch and national environmental standards, consolidate and enhance the existing environmental monitoring systems and work out the overall planning on the national network of environmental observatories.

- To establish mechanisms for combining healthcare with environmental protection.

- To formulate national environmental health orientations.

- To manage and monitor the working environ-ment, prevent and control occupational diseases and occupation-related ones caused by toxic factors and pollution of the working environment.

4. Protecting high-risk groups:

- To step up pregnancy care, providing food and diet guidance, and offer a supplement of anti-anemia ferrite pills to women. To provide mothers with good healthcare combined with education on malnutrition prevention.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To maintain high rates of vaccination among children against vaccine-preventable diseases.

Part 4

PRIORITY AREAS IN NATURAL RESOURCE USE, ENVIRONMENTAL PROTECTION AND POLLUTION CONTROL FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT

I. PREVENTION OF SOIL DEGRADATION, EFFICIENT AND SUSTAINABLE USE OF LAND RESOURCES

Soil degradation is a prevalent trend in a large number of areas in Vietnam, especially in hilly and mountainous regions where three-quarters of the land fund is located. The main forms of soil degradation are erosion, wash-out, low fertility, nutritious imbalance, acidification, salinization, alumization, aridity, drainage and desertification, inundation, sweeping floods, land slides and collapse, and contamination.

Over 50% of land (3.2 million hectares) in the deltas and over 60% of land (13 million hectares) in hilly and mountainous regions suffer from problems related to soil degradation. In the delta, challenges to the soil environment are inundation, flooding, acidization, salinization, erosion and collapse of river banks and seashore, soil contamination and exhaustive exploitation of land fertility for short term benefits. In mountainous regions, there are many causes of soil degradation, but the main ones are ethnic people's primitive, backward farming methods, and wanton deforestation and forest burning. Soil degradation entails the degradation of flora and fauna populations, and per- capita agricultural land area tends to decrease at an alarming rate.

To combat soil degradation for efficient and sustainable use of land resources, Vietnam has been implementing proper policies, programs and projects such as signing land and forest assignment contracts with households, afforestation, combined agriculture and forestry, developing perennial trees on slopes, conservation and sustainable use of wetlands, river basin and riverbank belt management, etc. Some international activities to combat soil erosion have been conducted but on a very small scale.

Priority activities to combat soil degradation for efficient and sustainable use of land resources are as follows:

1. Regarding policy and legal aspects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To plan and manage the use of land resources by all land users.

- To continue to formulate and promulgate policies and regulations on management of gradient land, river basin land and wetland.

- To better integrate national policies into international action plans for the prevention of degradation and the sustainable use of land.

2. Regarding economic aspects:

- To regulate population distribution and migration between regions in order to lessen the population pressure on land resources.

- To take suitable measures to ensure food security in mountainous regions, sedentarization, forest protection and development and soil erosion prevention.

- To formulate integrated programs to fertilize or "rejuvenate" agricultural land in populated delta regions.

- To study and apply agricultural, forestry and fishery production chains in different ecological regions with a view to ensuring both socio-economic development and environmental protection benefits.

3. Regarding technical aspects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To facilitate organic circulation in soil. To grow perennial trees of high economic and commercial values while restraining from digging soil, and implement combined agro-forestry-husbandry systems in gradient land.

- To manage watersheds in order to protect soil and water; develop irrigation systems, maintain the ecological balance and regulate reciprocal impacts between deltas and mountainous regions.

- To renew flora coverage with forest trees or agricultural and forestry mix to protect the fertility of soil and sustainable use of hilly land.

4. Regarding awareness:

- To raise community awareness about rational and thrifty use of land resources.

- To conduct training to raise people's knowledge on land use and management technology and techniques.

- To advocate and launch mass movements for application of advanced models of sustainable use of land resources.

II. PROTECTION OF THE WATER ENVIRONMENT AND SUSTAINABLE USE OF WATER RESOURCES

Vietnam has relatively abundant surface and groundwater resources. However, rainfall is distributed unevenly among seasons and regions. This causes floodings in the rainy season and drought in the dry season in many areas. Mountainous terrain creates a great potential for hydro-electric power and water reserves, but also increases possibility of flood and soil erosion. Groundwater resources can be extracted on medium and large scales for domestic use in some regions. For international water resources that Vietnam shares with neighboring countries, it is necessary to strengthen international coordination and cooperation in water use and protection for equal and rational benefits among parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- There have been no long-term strategies for water resource management on the national and regional scales. Water resources have not yet actually been managed according to basin systems.

- Regulations on protection, use and management of water resources are insufficient or fragmented. There have not been enough suitable management instruments regarding water quality standards, limits on the use of groundwater sources for each region or locality; obligations to make financial contributions to water resource management.

- The investment in irrigation projects remains low, leading to incomplete projects. Irrigation charges are not enough to cover operation management and maintenance costs, resulting in serious degradation of most of projects. Water is poorly managed and water resources are wastefully used. Since the transition to market mechanisms, attention has no longer been given to mobilizing people to construct irrigation facilities. Consequently, irrigation facility construction and use efficiency is at a low level, leading to a waste of water resources.

- Investment in wastewater treatment technology has not been paid due attention.

- There is still a lack of community education programs on rational, thrifty use and protection of water resources.

Due to improper management, use and protection water sources have been degraded and, in many places, seriously contaminated. There is a risk of water sources becoming exhausted in combination with uneven water distribution by time and space; water shortage is threatening economic development and life in some regions. Surface water is increasingly polluted by a great deal of industrial and daily-life waste. Groundwater sources in several urban centers start to be contaminated with organic, hard-to-disintegrate pollutants.

Priority activities need to be carried out in this domain:

1. Regarding policy and legal aspects:

- To continue to formulate policies, legal documents, regulations and technical procedures regarding the water source use, protection and management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To mobilize wide participation of water beneficiaries in the process of planning, operating and financing water infrastructure.

- To formulate comprehensive policies and laws on management of national water sources, taking into consideration different water needs such as domestic consumption, agricultural irrigation, aquaculture, hydro power generation, tourism and recreation in order to balance these needs with the benefits of natural water and ecological system management criteria.

- To conduct researches on long-term water use demands and options in order to balance water resources on a national as well as regional scale. To give special attention to master plans on water supply for medium and large urban centers and industrial parks.

- To establish national environmental standards for groundwater, surface water sources like rivers, lakes, reservoirs and other wetland areas.

- To improve the system of water resource State management organizations. To review State management functions of various agencies in order to avoid overlapping and, at the same time, study for establishing a unified and interdisciplinary water resource management apparatus.

- To set up a database in service of water resource management and protection.

- To promote international cooperation in using, managing and protecting water resources shared by Vietnam and its neighboring countries.

2. Economic aspects:

- To formulate and implement programs and projects on integrated management of river basins, upstream areas and groundwater.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Water must be considered a kind of commodity. To formulate service tariffs on the principle that "water users pay" and "polluters pay."

- To repair rivers and canals and upgrade seriously degraded irrigation systems.

- To encourage natural forest protection and afforestation.

- To integrate natural disaster prevention and control programs into socio-economic development programs in a way suitable to specific conditions of different regions.

3. Regarding technical aspects:

- To step up the application of wastewater treatment technology, encourage the use of clean technology in production in order to reduce waste and reuse wastewater.

4. Regarding awareness:

- To raise community awareness about rational and thrifty use of water and the protection of water resources.

- To encourage the population communities to participate in environmental protection activities and economically use water.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Rationally exploiting and economically and sustainably using natural resources in general and minerals in particular constitutes an indispensable content of the national sustainable development program, which needs to be given special priority, covering activities of rationally exploiting and thriftily and efficiently using minerals, with thrifty use playing the key role.

Compared with other countries in the world and the region, Vietnam has many important advantages in minerals. If this natural resource is well protected, rationally exploited and sustainably used, it will become an advantage in international competition both at present and in the long term.

Minerals constitute a kind of non-renewable resource. At present, over 1,000 big and small mines are operating in the whole country. Due to lax management, the exploitation of small mines has been unplanned and disorderly, resulting in losses of minerals, destruction of the soil environment and floral cover and the occurrence of many environmental incidents such as mine collapse, etc. Particularly, small mines lying scattered in different localities have not yet been managed in an uniform and synchronous manner, thus aggravating the loss of resources and environmental pollution. Besides the waste of resources due to failure to fully collect useful mineral contents, the exploitation by obsolete technology has caused forest loss, land erosion and pollution of rivers, streams and onshore sea.

Natural resources are divided into non-renewable and renewable kinds. Minerals are non-renewable resources. Attention should be paid to the protection as well as thrifty and sustainable use of both of these kinds of natural resources. Appropriate management policies and measures should be applied to each kind but non-renewable resources require more special attention. The existing methods of exploiting, processing and using as well as consuming natural resources still have many inadequacies, being unfriendly to the environment. They have caused bad environmental impacts in many areas across the country, threatening sustainable development, directly affecting production and social life at present and in the future. Therefore, the protection and sustainable use of natural resources in general and minerals in particular must become an important objective in all development strategies, plannings, plans as well as projects in Vietnam.

To achieve the objective of sustainable development, economical and efficient use of minerals, the following priority activities need to be carried out:

1. Regarding policy and legal aspects:

- To use economic and administrative instruments as well as legal remedies for a more determined and efficient enforcement of the Law on Minerals.

- To consolidate the mineral management system at the central level and in localities.

2. Regarding economic aspects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To organize a rational mining process, to end the situation of exploiting easy mines first while skipping difficult ones, which badly affects the mineral-mining monitoring, evaluation and planning. To limit then soon proceed to prohibit spontaneous and unplanned mining activities.

- For mineral resources in river beds, it is necessary to zone off the mining areas, refrain from causing land slides and flow change.

- To increase investment in restoration, rehabilitation and improvement of the ecological environment in mining areas.

3. Regarding technical aspects:

- To renovate mining, sorting and processing technologies to make full use of mineral resources and protect the environment.

- To apply technologies using low-content ores in order to thoroughly use minerals in mines and at the same time to reduce waste soil and stone, narrowing down waste dumping sites.

- To recover useful substances from waste ore dumping sites for cleaning the environment and saving natural resources.

- To restore resources after exploitation, such as refilling land, growing green trees, restoring floral cover, ecological system, reusing wastes in exploited mines.

4. Regarding awareness:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To encourage population communities to participate in protecting mineral mines, especially scattered, small ones, and minerals which are economically sensitive and easy to pollute the environment.

IV. PROTECTION OF MARINE, COASTAL AND ISLAND ENVIRONMENTS AND DEVELOPMENT OF MARINE RESOURCES

Vietnam has more than 3,300 km of coastline. Vietnam's exclusive economic zone is about 1 million km2, three times its land territory. Coastal regions are centers of social and economic activity. Here exist nearly 60% of the country's population, about 50% of large and important cities and most of the country's major industrial zones.

Vietnam has implemented a number of policies and measures to protect the marine environment. The promulgated Law on Petroleum, the Maritime Code and the to be-promulgated Law on Fisheries all pay attention to the long-term protection of marine resources as well as the marine environment. A number of coastal cities have built and will build waste and wastewater treatment works. Some integrated coastal management projects have been implemented.

Nevertheless, there remain a lot of obstacles to the protection of the marine environment:

- The biggest of which is the lack of investment capital for technical infrastructure projects and activities of preventing adverse impacts of environmental pollution.

- The fisheries industry is one of the important economic sectors in Vietnam, employing nearly 9 million people and ranking third in export foreign-currency revenues. There is great potential for fishery development in Vietnam if the fishery industry is managed and governed towards sustainable development. Aquaculture development has been proved an important and effective direction for hunger eradication and poverty reduction, job creation and income raising for the population communities. However, at present, the fishery industry's development still faces numerous constraints in management, rational use of resources and environmental protection, level of technology application, investment capital and production and trading organization.

- Coastal areas are badly hit by natural disasters like storms, floods and erosion.

- Population pressure and the high speed of urbanization, industrialization in coastal areas have caused serious consequences to coastal and marine resources. Coastal cities and industrial parks discharge an amount of untreated wastewater and solid waste into rivers and seas, polluting the water environment. Particularly, tourist resorts along the coastline are major sources of wastewater and garbage discharged into the sea. River and sea ports and the oil and gas exploitation industry, environmental incidents such as oil spills, shipwrecks, etc. and natural disasters, which occur frequently, are also factors that cause environmental pollution and degradation of the marine environment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Priority activities which need to be carried out in this domain are as follows:

1. Regarding policy and legal aspects:

- To formulate a strategy for marine economic development, marine resource and environment management according to the principle of sustainable development. This strategy includes functional zoning of the sea and coastal areas; integrated management of coastal fishery exploitation and rearing; establishment of a system of protected coastal and marine areas; planning of coastal population and urban development; diversification of trades and improvement of the life of coastal inhabitants; prevention and reduction of the harms of coastal disasters, primarily storm, flooding, bank erosion, tidal waves; capacity building for coastal and marine environment management; and prevention of, and response to, marine environmental accidents.

- To establish a multi-branch mechanism for the unified management of sea and coastal areas. It is necessary to renovate methods of formulating development and management plannings and plans mainly aiming at obtaining a certain branch's economic interests while paying little attention to the protection of natural resources and the environment. It is necessary to introduce sanctions to force the integration of issues of natural resource and environmental protection into branches' economic development plans and plannings. For the immediate future, the oil and gas exploitation, waterway transport, fishery, forestry and tourism industries need to have coordinative programs for joint rational exploitation and protection of coastal and marine resources and environment.

- To gradually proceed to the contracting and assignment of sea water surface use rights within the permitted scope to producers for facilitating the promotion of marine-culture.

- To join in and formulate plans for implementing international and regional treaties and action programs on fishery, using and protecting fishery resources in a sustainable manner as well as protecting marine bio-diversity.

2. Regarding economic aspects:

- To develop offshore fishing and reasonably adjusting coastal fishing.

- To strongly develop aquaculture in brackish water and onshore salty water along the direction of harmony with the environment and at the same time, develop and apply post-harvest technology to rational and thrifty use of fishery products, secure food safety and increase foreign currencies earned from export.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To develop and diversify trades in order to create more jobs, eradicate hunger and reduce poverty and raise living standards for coastal communities, which help better the coastal and marine natural resource and environment protection.

3. Regarding environmental aspects:

- To establish and efficiently manage marine and coastal conservation zones.

- To strongly promote the application of branch and national environmental standards.

- To strongly promote research and application of marine environmental and onshore protection technology and technology for coping with marine environmental accidents (oil spill, shipwreck, salinity intrusion, etc.).

V. FOREST PROTECTION AND DEVELOPMENT

Forests in Vietnam are typically tropical rainforests, which are abundant in flora and fauna of high biomass and bio-diversity values. In the last years of the 20th century, policies and measures for forest protection and afforestation have brought about positive results. Forest coverage has increased from 27% in 1991 to 33.2% in 2000.

Nevertheless, forests in Vietnam are still under great pressure from the following:

- Protracted wars have destroyed a number of forest ecological systems.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Nomadic lifestyles, slash-and-burn farming practices, and the high competitiveness of agricultural production over forest preservation have caused forest areas to shrink and forest quality degrade. In coastal regions, the destruction of mangrove forests to make way for shrimp farming has also increased.

- Forest fires are frequent, devastating tens of thousands of hectares every year.

- Logging and timber processing technology is backward and timber use is barely efficient. On the other hand, non-timber alternative product-processing technology has not yet satisfied consumers' demands. Therefore, forests continue to be cut down or exploited.

Hence, even though forest area has increased, it fails to meet the requirements of environmental protection.

The strategic objective is to stabilize forest funds, including 3 million hectares of special-use forests, 6 million hectares of protective forests and 10 million hectares of production forests.

Priority activities which need to be carried out in this domain are as follows:

1. Regarding institutional and legal aspects:

- To strengthen State management systems for guiding sustainable use and protection of forest resources, combined with active community participation.

- To further the land assignment and forest contracting to households and collectives pursuant to the Land Law and Law on Forest Protection and Development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Regarding economic aspects:

- To assist people in planting and protecting forests, effectively using the forest land assigned. To encourage life improvement through community-based sustainable use and management of forests. To sign forest protection contracts with each individual, household, community group to ensure that management and protection work is suitable to protective forests.

- To formulate and issue guidelines on land use tax relief, provision of loans with preferential interest rates to assist investment in setting up farms; promulgate policies for management of buffer zones and centers of protected forests together with relevant implementation instructions. To implement appropriate profit-sharing policies in forest protection in order to encourage local people to participate in forest management and protection.

- To promote ecological agricultural-forestry development, agro-forestry farms of different types, and enhance services for agricultural expansion.

- To encourage the sustainable use of non-timber forest products. To develop industries that produce timber substitution materials.

- To strongly implement projects on growing medicinal plants.

3. Regarding technical and technological aspects:

- To study and apply new technical and technological advances in forestry production.

- To encourage the growing of indigenous plant varieties in all forestation and reforestation activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To encourage the use of firewood substitute fuel such as coal, gas and small-scale hydro power, etc. To study and assess options for firewood substitute fuels and propose effective use of solar energy, wind energy, natural gas or hydro power.

- To conduct research and apply technical measures to preventing and controlling forest fires and environmental disasters related to forest loss.

VI. AIR POLLUTION REDUCTION IN URBAN CENTERS AND INDUSTRIAL PARKS

Vietnam is still a underdeveloped country in terms of industry; and urban populations, especially in big cities, remain not large. Air in rural areas is basically unpolluted. However, there have been alarming signs of air pollution in industrial parks and urban centers.

Current air pollutants include dust and emissions from industrial production, transportation, construction activities, and cooking in people's daily life. The industries that cause the most air-pollution are thermal power generation, cement production, brick, tile and lime manufacturing and the metallurgical, chemical and mining industries. Due to backward production technologies and the absence of dust and emitted gas treating facilities, these industries are exerting adverse impacts on the surrounding environment.

Dust pollutants in the air within industrial parks are often between one and a half to three times higher than the allowed standards. The level of toxic air (SO2, NO2, CO) in most urban centers and industrial parks is still below the allowed standards, i.e. there has not been pollution of these kinds of toxic air. However, in a number of factories, and at the major road junctions of urban centers, the level of toxic air of the above-mentioned kinds is many times higher than the allowed standard. While it is at an insignificant level in a large number of areas, air pollution within production establishments (working environment pollution) is a big concern. Recent observations have shown that there are some signs of acid rain in both the north and the south of the country.

Priority activities which need to be carried out in this domain are as follows:

1. Regarding institutional and legal aspects:

- Environmental impact assessment must be conducted on all socio-economic development projects in order to actively prevent possible causes of air pollution. Formulation and appraisal of environmental impact assessment reports must be examined regularly and strictly by competent agencies. Past the prescribed time limit, applications for extension or re-grant must be made.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Regarding economic aspects:

- To raise the efficiency of energy use, of power generation by thermal power plants and of power consumption by electric equipment. To develop the thermal power industry that use liquefied gas and refined oil in replacement of coal and crude oil, which contains high level of sulfur.

- To encourage the use of clean energy or various sources. To universalize the use of biogas for cooking in rural areas.

- To develop forests to cover barren hills, grow trees within urban centers and along roads.

- To strongly promote development of mass transit in medium and large urban centers.

- To apply the principle "polluters pay" to enterprises which cause air pollution.

3. Regarding scientific and technological aspects:

- To encourage the use of clean materials and technology in production establishments.

- To strictly prohibit import of backward technology and rapidly reduce the use of obsolete equipment which cause serious pollution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To conduct propagation, education and step up training to raise awareness about protection of the environment in general and of the working environment in particular for business owners, trade unions and workers.

VII. MANAGEMENT OF SOLID WASTE AND HAZARDOUS WASTE

In rural areas, waste from agricultural production, forestry activities and traditional fisheries (such as tree bark, leaves, rice straws, seed husks, animal manure, etc.) is mostly used as a source of fuel, fertilizer or is buried. However, the waste of industrial origin such as plastic, metal, surplus long-lasting chemicals is rapidly increasing, though not yet becoming an urgent problem. Garbage problems have started appearing in populated areas.

In urban centers and industrial parks, the collection and treatment of solid wastes discharged from industrial and daily-life activities and hazardous wastes have become urgent environmental problems. The solid waste collection capacity in urban centers and industrial parks in Vietnam can meet only 20-40% of its requirements, this rate can be as much as 50-80% in big cities. Garbage is not classified at its source but mixed garbage is collected and transported to dumping sites. The collection and separation of recyclable waste is done entirely by poor rubbish collectors. The application of technologies of recycling solid wastes for re-use is still very limited, unorganized and unplanned. Garbage-recycling establishments are small in scale and using backward technology which causes pollution. Only a minimal volume of garbage (1.5-5% of total volume) is made by hygienic technology into micro-organic fertilizer and humus.

Currently, burial is the major method of waste treatment. However, none of the solid waste-burying sites meets technical environmental requirements. These sites are seriously contaminating soil, water and air.

Solid wastes from out-of-date industrial parks are currently collected and treated together with urban daily-life garbage. Only 50-60% of total hazardous waste (including hospital waste) is collected.

Solid waste management is still faced with many weaknesses:

- There has not been a clear assignment of responsibilities between different branches.

- Mechanisms for the waste collection service provision and waste management are still heavily subsidized.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- There is a lack of appropriate and long-term investment in facilities for waste collection, transportation and separation, in the construction of burial sites up to standards and in waste treatment technologies.

- There is also a lack of modern technologies and facilities as well as investment capital for recycling collected wastes and there is a lack of funding as well as technologies appropriate for the treatment of hazardous wastes.

- Community awareness about environmental protection and health safety related to waste collection, treatment and management is still low.

Priority activities which need to be carried out in this domain are as follows:

1. Regarding institutional and legal aspects:

- To formulate and promulgate pollution control plans at the national, branch or local levels to actively prevent, preclude, treat, remedy, then control the environmental pollution caused by solid, liquid and gaseous wastes, hazardous wastes.

- To well materialize the contents of Vietnam's strategy on management of solid wastes in urban centers and industrial parks up to 2020 and the Regulation on management of hazardous wastes already signed and promulgated by the Prime Minister.

- To conduct studies to identify mechanisms to increase the recovery of costs for solid waste and hazardous waste collection, treatment and destruction.

2. Regarding economic aspects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To step up the application of technologies to recycling waste for reuse. To encourage the separation of wastes from their sources in service of the recycling technology, contributing to reducing the area of dumping sites and costly treatment systems.

- To encourage the private sector to set up joint-stock, private companies, cooperatives to participate in the collection and treatment of solid wastes.

- To accelerate the installation of incineration facilities in hospitals, first of all in those which cure contagious diseases.

3. Regarding technological aspects:

- To reduce solid wastes from their sources by encouraging the application of cleaner and environmentally friendly technological production processes.

- To encourage production establishments to use advanced technologies which consume less raw materials, fuel and materials; reduce product-packaging materials which cause a waste of resources; change people's consuming habits along the direction of practicing thriftiness and discharging less waste into the environment.

- To encourage the application of technologies of recycling wastes into micro-biological fertilizer, thus creating humus in service of production and reducing waste-burying acreage.

4. Regarding awareness raising:

- To carry out community education and awareness raising campaigns; encourage people to participate in the collection, treatment and management of waste in their communities in big and medium cities, contributing to ending the rash dumping of garbage, especially hazardous waste, in streets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VIII. PROTECTION OF BIO-DIVERSITY

Vietnam is located in the tropical region and is regarded as one of the top ten centers in the world in terms of bio-diversity. Vietnam's bio-diversity is demonstrated in the abundant numbers of plant and animal species with some very special and new ones to the world, including big animals discovered recently; the diversity of gene sources as well as various landscapes and typical ecosystems.

The Government of Vietnam has adopted policies on conservation of bio-diversity. Since 1958 over 60 legal documents have been promulgated. On November 16, 1994, the President of the Socialist Republic of Vietnam ratified the accession to the Bio-diversity Convention and Vietnam now is a member of this Convention. Despite all the above-mentioned efforts, bio-diversity in Vietnam is experiencing reduction and degradation due to the four following major reasons:

- The reduction and disappearance of habitats due to human beings' activities such as deforestation, a shift in the methods of land use, destructive exploitation of animal species, not to mention other factors such as forest fires, earthquakes, storms and floods, epidemics, etc.

- The overexploitation of plant and animal resources due to population pressure and poverty.

- Environmental pollution which is destroying some eco-systems on land, in water and underground.

- Biological contamination due to the uncontrolled import of exotic species which have exerted negative impacts on indigenous species.

Vietnam's action plan for bio-diversity protection was signed and promulgated on December 22, 1995 by the Prime Minister together with Decision No. 845/TTg. This document has a high legal effect and serves as a lodestar for Vietnam's bio-diversity actions at all levels, in all branches, localities and mass organizations from the central to grassroots level.

The long-term objectives of Vietnam's action plan for bio-diversity protection are to protect the diversity, abundance and specialties of Vietnam's living creatures within the framework of sustainable development, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To protect components of bio-diversity, which are being threatened by overexploitation or ignored.

- To promote and discover the use values of all components of bio-diversity based on rational exploitation, thrifty use and sustainable development of the values of natural resources to serve the country's socio-economic development objectives.

Priority activities which need to be carried out in this domain are as follows:

1. To improve policies and laws related to bio-diversity conservation.

2. To regularly review, supplement and readjust the national bio-diversity action plan to align it with socio-economic development strategies and plans.

3. To formulate bio-diversity action plans for all regions.

4. To intensify communication and education activities to raise people's awareness about bio-diversity conservation.

5. To consolidate systems for management of national parks and nature reserves, and at the same time strongly decentralize management. To proceed with the construction of a nature museum system from the central to grassroots level serving scientific research, knowledge popularization, visits, learning, propagation and education on the natural development history and bio-diversity conservation.

6. To strongly promote bio-diversity inventory; establish national animal and plant resource database; formulate, promulgate and widely disseminate Vietnam's red books of precious and rare varieties and species to enforce strict conservation policies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To conduct scientific research and technological applications to sustainable exploitation and use of bio-diversity values, especially in agriculture, forestry, fishery and health. To encourage the studies and application of indigenous knowledge in bio-diversity use and conservation.

9. To develop and experiment some eco-tourism projects.

10. To encourage communities to establish and observe common regulations on bio-diversity protection in local areas.

11. To enhance international and regional cooperation in bio-diversity protection.

IX. IMPLEMENTING MEASURES TO MITIGATE CLIMATE CHANGE, LIMIT NEGATIVE IMPACTS ON CLIMATE CHANGE AND PREVENT AND CONTROL NATURAL DISASTERS

Global and regional climate change is caused by human beings' activities and will have negative impacts on various domains of socio-economic development and environmental protection.

Priority activities which need to be carried out in this domain are as follows:

1. To actively propagate, educate, popularize and improve people's awareness to effectively implement the national program on elimination of agents causing ozone layer degradation and the national action plan in implementation of the United Nations' Framework Treaty on Climate Change.

2. To strengthen and improve the capacity of hydrography, especially in the fields of baseline surveys, observations and forecasts to ensure more complete and accurate assessment of climate resources and related environmental issues.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Part 5

SUSTAINABLE DEVELOPMENT IMPLEMENTATION ORGANIZATION

I. IMPROVING THE LEADING ROLE OF THE STATE IN THE ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION OF SUSTAINABLE DEVELOPMENT

1. Institutional development:

So far, Vietnam has recorded a number of satisfactory achievements in building the legal and institutional frameworks relating to socio-economic development and environmental protection, including:

- A synchronous system of State management agencies in charge of socio-economic development and environmental protection has been established from the central to local level, with clear functions, tasks and organizational structures, which are effectively operating.

Important policies and legal documents related to planning, managing development in the economic, social and environmental protection domains have been issued.

Though the system of State management agencies in charge of environment has been established at the central and provincial levels, these agencies still have limited capability, especially at the provincial level, and have not met the requirements of dealing with sustainable development issues in their localities. The coordination among the agencies involved in environmental protection has not been very proper, and information has not been quickly updated to meet the need for adjustment of policies and plans within the environmental branch itself as well as other economic and social branches. There is still a considerable shortage of sub-law documents and implementation guidance. There have been particularly no economic measures and tools to promote environmental protection efforts and deal with environmental violations. The strategy and action plans on environment were formulated rather separately from those of socio-economic branches or there was a poor participation of concerned parties as well as the population communities, which has led to their limited feasibility.

To ensure the successful materialization of the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam, the following three major issues need to be addressed:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Developing a sustainable development mechanism to operate as a bridge between ministries, branches and localities, linking environmental issues with economic and social issues when making development decisions. For this mechanism to operate effectively, importance should be attached to:

+ Assigning tasks and decentralizing powers as much as possible to lower levels in the process of making, implementing, and monitoring the implementation of, the development plans; mobilizing the maximum participation of related communities.

+ Organically linking strategies, plannings and action plans on environment with socio-economic development strategies, plannings and plans right from the formulation stage and throughout the process of implementation, with the participation of all functional agencies within the State apparatus.

+ Implementing the sustainable development mechanism by applying the compulsory environmental impact assessment procedures right from the stage of designing, planning, and formulating socio-economic development plans of the whole country, branches and regions.

- Establishing the Inter-Branch Steering Council for Sustainable Development, headed by the Planning and Investment Minister (having its standing body placed at the Planning and Investment Ministry), assisting the Prime Minister in directing the uniform sustainable development nationwide. The Council will have the following major functions and tasks:

+ Organizing, guiding and steering the process of realizing the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam. Synthesizing the implementation situation and annually reporting the results of the implementation of the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam to the Prime Minister.

+ Coordinating inter-branch and inter-regional development-planning activities; implementing big programs and projects of highly inter-branch and inter-regional nature. Supporting ministries, branches, localities, enterprises and concerned organizations to formulate sustainable development strategies, programs and projects.

+ Guiding the work of sustainable development propaganda, education and awareness raising for all levels, branches and people of all strata. Directing human resource training in service of realizing the sustainable development +

+ Establishing and operating a system providing information on the country's sustainable development issues.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Setting up the Steering Councils for Sustainable Development at the branch and local levels.

2. Enhancing the capacity for sustainable development management:

Compared with the system of State management over socio-economic issues, the system of State management over environment in particular and sustainable development in general is newly established and its capacity has not yet met the requirements of sustainable development.

Enhancing the capacity of State management agencies in charge of environment at all levels is one of the key tasks aiming to successfully realize the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam. This task includes the following contents:

- To provide training to raise the professional qualifications and skills for organizations and staff involved in environmental management at all levels.

- To establish environmental management units in ministries and branches, which will perform the environmental management function in their respective domains.

- To enhance the capacity of environmental research institutions and observatories.

- To strengthen the environmental information systems at the national, branch and local levels.

- To develop an economic cost-accounting system; using economic tools to promote environmental protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The State budget for environmental protection mainly lies in development investment sources for capital construction to enhance the capacity of environmental protection activities, for conducting urgent baseline environmental surveys and carrying out overall environmental planning schemes; partly lies in non-business economic and scientific sources and the development of master plans. Economic sources will be allocated for regular activities on environmental protection, environmental scientific research, implementing environmental improvement and protection programs and projects, education and propagation to raise community awareness about the environment.

- To encourage financial organizations to provide financial assistance for national sustainable development.

- To mobilize enterprises to invest resources in protecting the environment, landscapes, historical and cultural relics, the eco-system as well as bio-diversity in and around their operation areas; pay different kinds of charges for waste water, emitted gases, solid waste collection and treatment, and other related charges and fees; make contributions to, and provide financial supports for, environmental protection funds at all levels.

- To encourage organizations and individuals to provide financial supports for the implementation of regulations on environmental protection, pollution prevention and remedy, creating a clean and green living environment in the workplace and at home.

- To attract foreign direct investment projects in the environmental protection industry.

- To attach importance to calling official development assistance (ODA) for projects on environmental protection, hunger eradication and poverty reduction, job generation, construction of social infrastructure in rural, mountainous, remote, deep-lying and ethnic minority areas.

4. Formulating systems of sustainable development evaluation indicators:

The formulation and application of the system of sustainable development evaluation indicators shall be accelerated. This system must be formulated and put into operation soon. It will be adjusted, amended and supplemented while in use.

The system of evaluation indicators and norms for technology and quality of goods, import and export materials and raw materials must be consistent; the evaluation mechanism must be suitable so as not to cause troubles to production, business and service establishments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



One of the most important tasks is to enhance education and raise awareness about sustainable development for all people, communities, enterprises, organizations and State agencies at all levels. Attention should be given to four following target groups:

- Policy advisors and makers who play a decisive role in proposing development strategies, programs and projects. Their knowledge on sustainable development issues will have a direct and extremely strong impact on the prospect of sustainable development of the country and each locality.

- Experts whose work is related to survey, assessment, information supply, development option and project formulation, natural resource and environmental protection. They need to be trained intensively and regularly update their knowledge in order to have an active role in recommending sustainable development measures.

- The business circle whose production, business and service activities have direct and significant impacts on economic development, living environment, labor and employment.

- Young generation, youths and teenagers, who are the master of the society in the future. They need to be equipped and continually updated with deep and broad knowledge on sustainable development.

6. Formulating branches' and localities' oriented strategies for sustainable development

Each branch and locality (province or centrally-run city) needs to formulate its own oriented strategy for sustainable development to confirm its specific activities to advance towards sustainable development on the basis of reference to major orientations of the national socio-economic development strategy and the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam.

II. MOBILIZING THE ENTIRE POPULATION TO PARTICIPATE IN SUSTAINABLE DEVELOPMENT

1. Overall undertaking:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Socio-political, socio-professional organiza-tions, mass organizations in our country are widely developed, well organized and experienced in unifying and mobilizing the public. Each social group has its own organization and through such organization separate activities of individual members are coordinated into broad movements.

There are many ways to mobilize wide participation by people in sustainable development.

a/ Further renewing laws and institutions for bringing into fuller play the people's initiatives and mastery in social and community management. Enhancing community participation in environmental impact consideration and assessment by institutionalizing the participatory role of the masses and taking measures to force the performance of this work, primarily by large projects that have deep and wide impacts on population. Socio-political organizations, socio-professional organizations and mass organizations play a very important role in ensuring sustainability in socio-economic development and environmental protection in each locality. It is necessary to enhance the responsibility and capacity of the above-said organizations so that they can effectively bring into play this role.

b/ Organizing propagation, education, and raising of people’s awareness about sustainable development via mass organizations and community activities. Various forms of community education on natural resource and environmental protection via formulation of village codes, knowledge quizzes and movement activities should be further brought into full play.

c/ Launching mass movements in each social group, in each locality and nationwide with the sustainable development contents. Continuing developing mass movements and community activities to create more jobs, to share business and hunger eradication and poverty reduction experiences, keep the living environment sanitary, protect resources and the environment in their localities, and improve people's awareness about sustainable development. Establishing local groups responsible for environmental protection and natural resource use self-management and monitoring.

d/ Administrations at all levels need to coordinate with, provide support and create all conditions for, socio-political organizations, socio-professional organizations and mass organizations as well as population communities to realize the objectives of the movements for sustainable development.

e/ Building up typical models on sustainable development communities, natural resource and environmental protection self-management system and widely spread those models.

2. Activities of main social groups for accelerating sustainable development:

a/ Women:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The following priority activities need to be carried out to help women contribute more to sustainable development:

- To intensify education, training and propagation to raise awareness in all aspects of professional qualifications, economic and social management and environmental protection capacity for women.

- To support women in business activities, employment, hunger eradication and poverty reduction by:

+ Mobilizing capital and establishing credit funds for poor women.

+ Enhancing agricultural, forestry promotion and off-farm job training for women.

+ Setting up cooperation groups for women to create jobs and provide mutual support in business.

+ Initiating movements to select models of appropriate consumption, natural resource wastefulness combat, and environmental pollution reduction.

- To provide healthcare for women and children, improve living conditions in localities by:

+ Well carrying out family planning policies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Launching movements on well rearing kids and building up happy families.

+ Extending movements on supply and use of clean water, rural environmental sanitation and accelerated construction of sanitary works in households.

+ Launching movements on cleaning villages or streets, separating garbage at home.

+ Going ahead in the movements on prevention of, and fight against, diseases, epidemics, and social evils such as prostitution and drug addition.

- To participate in formulating, and monitoring the implementation of, policies and laws on gender equity.

- To participate in the protection and development of local natural resources:

+ Launching movements on saving fuels and energy, and using clean energy in domestic activities.

+ Launching the movement on "women going ahead in practicing the economical and rational consumption and pattern and combating wastefulness."

+ Building up models of natural resource management and environmental protection by women in communities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Vietnam's youths and teenagers are not only generations that are masters of the future, but also the pioneering force in the construction of the present country, making a very important contribution to the successful realization of sustainable development.

However, youths and teenagers are still facing the following challenges:

- Due to a rapid population growth and a less-developed economy, opportunities to seek jobs suitable to their capabilities are quite limited.

- Due to low living standards, young households can hardly save capital. As a result, young people can hardly have the necessary resources for economic development at the start of their independent life and career.

- Compared to their counterparts of the same age group in other areas, youths and teenagers who live in remote, difficult-to-access and geographically isolated areas, who are of some ethnic groups and isolated due to language barriers, and who come from poor families and are isolated due to economic hardship and social status, have less opportunities to learn, access to information, have exchanges and develop themselves in a comprehensive manner.

Schools, State agencies and local administrations are forces that directly manage, guide and organize youths and teenagers to take part in social activities. In addition, the mass organizations that represent youths and teenagers have attracted a majority of youths and teenagers into common, voluntary work, focusing on public-utility activities such as helping the poor, maintaining order and security within population quarters, joining in the shock force to prevent and combat disasters and promote a civilized lifestyle and keep the environment green, clean and beautiful, etc. These activities have had great impacts on the society in terms of not only economic development and environmental protection but, more importantly, social, cultural and spiritual development, contributing to the education of fine moral values, qualities and traditional habits of the Vietnamese people.

The State, together with youth and teenager organizations, should further spiritually encourage and physically support youths and teenagers and well organize their participation in sustainable development movements, such as:

- To mobilize youths and teenagers to participate more actively in the process of making national socio-economic development and environmental protection policies, especially those directly related to their benefits and to the long future of the posterity.

- To develop more preferential policies to encourage youths to go and work in remote areas where their knowledge and labor are needed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To support the young to create more jobs by themselves with preferential policies on land use rights, soft loans, tax reduction and/or exemption, technical and management instructions, seeking of outlets, etc.

- To draw experiences from, and provide financial supports for further spreading, the movement of youths and young intellectuals volunteering to go to build and render help in poor and particularly difficult areas.

- To multiply models of successful youth businesses and projects owned by youths, young entrepreneurs, particularly projects that require a long-term association between the implementers' benefits and work results such as forestation, reclamation of new land, and natural resource and environmental protection.

c/ Farmers:

Farmers account for more than 70% of the whole population and labor force. The socio-political organization representing farmers is Vietnam Peasants' Association. It has its grassroots organizations in all localities, conducting propaganda among farmers and launching action movements in rural areas.

As compared to the requirements of modernization, industrialization and sustainable development, farmers in our country still have weaknesses in many aspects:

- Although farmers' educational and vocational level is better than previously, it is still low in general. Their awareness of sustainable development and economic as well as technical knowledge for implementing sustainable development is still limited.

- Farmers' production level is generally low in terms of scope, farming techniques, productivity, quality of agricultural products and business efficiency. There have been many obstacles between production, processing and trading; prices fluctuate, and production is not stable. Natural disasters frequently hit many rural areas, causing serious consequences to the economy and people's lives.

- Farmers' life still has a lot of difficulties. Poor households are mainly concentrated in rural areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ To improve farmers' intellectual level, providing them with vocational training, and technical, economic and social knowledge.

+ To well implement policies on land, comprehensive agricultural development, agricultural product processing and consumption, production insurance and social insurance.

+ To fully utilize the natural, economic and social advantages of each region, rendering help to disadvantaged regions so that the development levels and people's living standards in urban and rural areas are not too far from each other, proceeding to narrowing this gap.

+ To distribute the population according to planning's, strongly step up the development of vocations, create jobs, eradicate hunger and reduce poverty, improve living standards and build up new-style rural areas.

+ To encourage farmers to actively take part in protecting the agricultural environment by strictly observing regulations on the use of insecticides and fertilizers, preserve the aquaculture environment, and apply new techniques for producing clean agricultural products.

+ To develop, widely popularize and apply successful household economy models after the eco-system of VAC (garden-pond-sty) or VACR (garden-pond-sty-forest).

+ To launch movements for building sustainable rural communities to mutually assist one another in economic development, hunger eradication and poverty reduction, bring into full play the democratic spirit, step up cultural and social activities, and for efficiently self-managing local natural resources and protecting the environment.

d/ Workers and trade unions:

At the current stage when our country's industry is still small, the working class, though accounting for a small proportion in the whole population and labor force, is holding a large quantity of material foundations and the most modern equipment in society, annually producing industrial products which make up 40% of gross social products and ensure over 60% of the State budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Workers are represented by the trade unions which organize and mobilize workers to take part in activities for sustainable development. Vietnam General Confederation of Labor has the official voice in forming important national development policies. Trade unions at various levels directly participate in the process of making development decisions, especially those relating to jobs, wages and the working conditions of workers in localities and enterprises.

With such roles and functions, workers and trade unions should carry out the following activities to enhance sustainable development:

- To give comments and opinions on national development policies. To actively take part in discussing and drafting State strategies, plannings and plans on socio-economic development and environmental protection.

- To organize propagation and education to improve workers' awareness about sustainable development. To play a leading role in the application of clean production technology and sanitation of their working environment.

- To force employers to strictly observe regulations on environmental sanitation and fight against acts of violation.

- To force employers to strictly observe regulations on labor contracts, labor safety and sanitation, ensuring health for laborers as well as the whole business community, reducing labor accidents, preventing occupational diseases and working environment incidents.

e/ Businessmen:

National economic growth and development depend greatly on the development of the system of enterprises. By applying clean production technology, thriftily using fuels, raw materials and materials in the production process, producing environmentally friendly products, enterprises can make very important contributions to sustainable development.

The Association of Businessmen is an organization which represents the interests of businesses and attracts businessmen to participate in political, social and environmental protection activities. It is responsible for instructing businesses to strictly observe law provisions, including the Law on Environmental Protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To apply cleaner production and environmentally friendly technology.

- To raise enterprises' responsibility in the thrifty use of natural resources and environmental protection, taking initiative in preventing, controlling and remedying environmental pollution.

- To contribute resources to natural resource use, management and environmental protection, supporting socio-economic development aimed at sustainable development in the areas where the enterprises are located and in the whole society.

g/ Ethnic minorities:

Vietnam has 54 fraternal nationalities. The Communist Party and the Government of Vietnam consistently pursue policies to consoli-date solidarity and mutual assistance, to focus on hunger eradication and poverty reduction, eliminate backwardness and disparity in all aspects among regions and nationalities, striving for prosperous people, a strong country with an equitable, democratic and civilized society.

Due to historical reasons, the development of all nationalities has not been even. Living standards in many ethnic minority areas are very low and backward and this is a great challenge to development. Although mountainous land has been more actively used for economic purposes, the efficiency of land use is not high. Nearly half of the 25 million ha of gradient land are of poor quality with thin surface soil, which is substantially eroded and is now experiencing serious degradation. The very high population growth rate in mountainous area can be attributed to migration and a high birth rate. Population growth pressure on the environment is very great, clearly reflected in the widespread deforestation and degradation of forest quality. Between mountainous and delta areas, there remains a very big gap in economic development, living standards and capacity for meeting essential needs of human beings, especially public services such as healthcare, education and culture. In the mountains of the north west, north east and the Central Highlands, the hunger and poverty rate is the highest in the country, while human development index (HDI) is the lowest. Under the present market mechanisms, this gap has an upward tendency, threatening to cause social conflicts in the future.

To advance to sustainable development in mountainous and ethnic minority areas, the following priority activities need to be carried out:

- To increase investment in infrastructure (electricity, roads, schools, health stations, irrigation, etc.) in service of production and the improvement of ethnic minority people’s life, ensuring balanced and rational development as well as reducing the development gap between regions and nationalities.

- To link investment in production to investment in product processing and trading through the expansion of services, processing industries, information networks, oriented and organized purchase in order to encourage production, increase incomes and improve living standards for producers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To combine administrative reform with the integration and raising of the effectiveness of national targets programs and projects for supporting mountainous areas and ethnic minority people.

- To preserve and develop cultures of all nationalities, build up a new cultured living style.

- To place emphasis on mobilizing ethnic minorities to take part in planting and protecting forests; realize the policies on supplying food and subsidies to those who have contracts to protect and tend forests.

h/ Intellectuals and scientists:

Scientific and technological development is the top national policy, the cornerstone and driving force for strongly accelerating the country's industrialization and modernization in the 21st century. So far, Vietnam has had considerable scientific and technological potential, capable of providing scientific justifications for the country's development undertaking and policy formulation and quickly absorbing the world's scientific and technological achievements, and gradually striving to resolve many scientific and technological issues posed by the country's practical requirements.

However, scientific and technological activities still have a lot of limitations, failing to meet the requirements of socio-economic development and environmental protection in the country's accelerated industrialization and modernization period. They have not yet truly played the role of driving force and cornerstone for development in the following aspects:

- Scientific and technological potential is still at a low level as compared to the world and region, failing to meet the requirements of development.

- Economic management mechanisms have not yet created a close link between scientific and technological activities and socio-economic ones for creating a real driving force and abundant resources for science and technology development.

- Scientific and technological management mechanisms have been slowly renewed and have not yet substantially renewed. There is not yet the link between economic management mechanisms and scientific and technological management ones. Material interests and worthy respects for scientists and technologists who have great contributions have not yet been ensured.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The following priority activities need to be carried out so that science and technology can become a cornerstone and driving force of sustainable development:

- To further promote propagation and education to raise the awareness of the role of science and technology in the country's industrialization and modernization for all people, administrations at all levels and branches. On this basis, administrations at all levels, branches and units shall formulate and resolutely implement their own action programs on science and technology.

- To more strongly renovate the economic management mechanisms to establish a socio-economic environment along the direction of facilitating, encouraging and binding enterprises of all economic sectors to invest in research to renovate technology, apply clean and environmentally friendly technology, renovate and improve their products' competitiveness in domestic and foreign markets.

- To strictly implement the promulgated Law on Science and Technology. To conduct a review of scientific and technological activities over the past years and multiply in a timely manner good models and good ways of doing things which have been tested and proven in practice.

- To remove problems and obstacles for expanding and developing the scientific and technological market, considering this as the most urgent, basic and long-term task to bring into full play the role of a cornerstone and driving force of science and technology.

- In addition to taking measures to train scientific and technological human resources, to give emphasis and high priority to researches into, and implementation of, policies on use and preferential treatment of talented scientists and technologists, thus contributing to effectively performing socio-economic development tasks.

- To further construct scientific and technological infrastructure for rapidly integrating into the world and region, especially infrastructure for scientific and technological information, research equipment for key national laboratories.

III. INTERNATIONAL COOPERATION FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT

To actively take part in international activities for sustainable development. The objectives of international cooperation for sustainable development are as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To further attract international technical, technological and financial assistance for hunger eradication and poverty reduction to advance towards sustainable development.

Priority activities in the domain of international cooperation for sustainable development:

1. To continue with renewal policies which attract foreign individuals and international organizations in the implementation of the Oriented Strategy for Sustainable Development in Vietnam.

2. To enhance international cooperation within the United Nations' Committees on sustainable development.

3. To intensify international cooperation in international economic integration, education and training, science and technology, especially transfer of clean and environmentally friendly technologies. To take initiative in disseminating experiences and advanced technologies which have been successfully applied in Vietnam to international communities, especially the developing countries.

4. To identify an effective mechanism for international cooperation, through international dialogues and exchanges, in order to maintain the existing development support and seek new assistance for Vietnam to participate efficiently in international activities aimed at protecting the global environment, in order to make up for economic burdens that the country has to bear in fulfilling its obligations to protect the global environment.

5. To participate actively in global environmental protection activities. To expand linkages and cooperation with international communities, particularly on the control of gas emissions which causes greenhouse effect, the use of substances substituting those which may damage the ozone layer, the restriction of the pollution from hazardous chemicals and waste and the control of the border-cross transportation thereof, and in the protection of the marine environment and bio-diversity.

6. To enhance the exchange of information about sustainable development with the international community and disseminate advanced international experiences in the field.

7. To promote cooperation in the areas of sustainable development and environmental protection with countries in the Asia-Pacific region and in Southeast Asia. To attach importance to cooperation for sustainable development of the Mekong river basin.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. To seek international assistance in environmental research, data collection and processing, implementing projects on natural disaster prevention and control, natural resource and environmental protection.

10. To closely cooperate with donor countries and international organizations so that the sources of official development assistance (ODA) can be used efficiently for sustainable development.

11. To place emphasis on encouraging overseas Vietnamese community, especially businessmen and intellectuals, to contribute to promoting and supporting sustainable development in Vietnam.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004 ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


22.341

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.4.249
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!