ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1082/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
15 tháng 4 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28
tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng
3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà
nước; Thông tư số 12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Bộ Công an
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Công
văn số 06/CATH(PA83) ngày 04 tháng 3 năm 2014,
QUYẾT ÐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Bảo vệ bí mật nhà
nước tỉnh Thanh Hóa”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công
an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Xứng
|
QUY CHẾ
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1082/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm
2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về các nội
dung, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước (gọi tắt là BMNN) và trách nhiệm của các
cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo vệ BMNN trong phạm vi tỉnh Thanh
Hóa.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
kinh tế, tổ chức khác, các đơn vị lực lượng vũ trang (gọi chung là cơ quan, tổ
chức) và mọi cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 3. Những
hành vi nghiêm cấm
1. Mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm
đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật
nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật.
2. Sử dụng máy tính nối mạng
Internet hoặc mạng nội bộ (LAN) chưa được bảo mật để soạn thảo văn bản, lưu trữ
thông tin có nội dung BMNN; trao đổi thông tin thuộc BMNN qua điện thoại và các
thiết bị liên lạc khác chưa được bảo mật thiết bị, đường truyền; kết nối các
thiết bị lưu giữ thông tin như USB, ổ cứng di động, thẻ nhớ... có chứa
tài liệu mật vào máy tính nối mạng Internet.
3. Sử dụng hộp thư điện tử để
lưu trữ, truyền đưa các tin, tài liệu có nội dung BMNN khi chưa được cấp có thẩm
quyền cho phép; Sử dụng micro vô tuyến, điện thoại di động, thiết bị có tính
năng ghi âm, thu phát tín hiệu trong các cuộc họp có nội dung BMNN.
4. Cung cấp tin, tài liệu và
đưa tài liệu thuộc danh mục BMNN đăng tải trên báo chí, ấn phẩm xuất bản, trên
các Website, blog, trang mạng xã hội, diễn đàn và các hình thức tương tự khác.
Điều 4. Bí mật
nhà nước trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa
1. Những tin, tài liệu, vật,
địa điểm, khu vực có nội dung quan trọng thuộc danh mục BMNN do Thủ tướng Chính
phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
2. Những tin, tài liệu thuộc
danh mục BMNN của các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương khác gửi đến cơ quan, tổ chức thuộc tỉnh Thanh Hóa.
3. Tin, tài liệu do các cơ quan, tổ chức của tỉnh
xác lập, phát hành trên cơ sở danh mục bí mật nhà nước đã được cấp có thẩm quyền
duyệt.
Chương 2
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, BẢO VỆ
BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THANH HÓA
Điều 5. Xác định và đóng dấu độ
mật đối với tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Tài liệu, vật mang BMNN
tùy theo mức độ mật phải đóng dấu: “Tuyệt mật”, “Tối mật”, “Mật”.
2. Khi soạn thảo văn bản có nội
dung BMNN, người soạn thảo căn cứ quy định độ mật của tài liệu để đề xuất mức độ
mật. Người có thẩm quyền ký duyệt văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu
độ mật và phạm vi ban hành tài liệu; bộ phận văn thư đóng dấu độ mật vào tài liệu
trước khi phát hành. Đối với vật mang bí mật nhà nước phải có văn bản ghi rõ
tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu độ mật vào văn bản.
3. Mẫu các con dấu để quản lý
tài liệu mật:
- Mẫu con dấu “Mật”: Hình chữ nhật,
kích thước 20mm x 8mm, có đường viền xung quanh, bên trong là chữ “MẬT”
in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2mm.
- Mẫu con dấu “Tối mật”: Hình chữ
nhật, kích thước 30mm x 8mm, có đường viền xung quanh, bên trong là chữ “TỐI
MẬT” in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2mm.
- Mẫu con dấu “Tuyệt mật”: Hình chữ
nhật, kích thước 40mm x 8mm, có đường viền xung quanh, bên trong là chữ “TUYỆT
MẬT” in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2mm.
- Mẫu con dấu thu hồi tài liệu
mang BMNN: Hình chữ nhật, kích thước 80mm x 15mm, có đường viền xung quanh, bên
trong có hai hàng chữ, hàng trên là chữ in hoa nét đậm “TÀI LIỆU THU HỒI”,
hàng dưới là chữ “Thời hạn…” in thường ở đầu hàng và các dấu chấm cho đến
hết, chữ ở các hàng cách đều đường viền 2mm. (Khi đóng dấu thu hồi tài liệu
vào tài liệu phát ra, ở dòng thời hạn phải ghi rõ thời gian thu hồi tài liệu
trước ngày, tháng, năm, giờ cụ thể).
- Mẫu con dấu “Chỉ người có tên mới
được bóc bì”: Hình chữ nhật, kích thước 100mm x 10mm, có đường viền xung quanh,
bên trong là hàng chữ “Chỉ người có tên mới được bóc bì” in hoa nét đậm,
cách đều đường viền 2mm.
Mực dùng để đóng các loại con dấu
trên là mực màu đỏ tươi.
Điều 6. In,
sao chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Việc in, sao, chụp tài liệu, vật mang BMNN
phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Phải tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật, an
toàn và do lãnh đạo của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tài liệu, vật mang
BMNN đó quy định.
b) Đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật xong
phải đóng dấu độ mật, dấu thu hồi (nếu cần), đánh số trang, số bản, số lượng
in, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in, soát, sao chụp tài liệu.
c) Tài liệu, vật in, sao, chụp phải được bảo mật
như tài liệu, vật gốc; phải được đóng dấu độ mật, dấu thu hồi (nếu cần) theo
văn bản gốc và ghi rõ số lượng bản sao, in, nơi nhận, tên cơ quan sao, in; tên
người sao, in và họ tên, chữ ký, chức vụ của thủ trưởng cơ quan cho phép sao,
in. Chỉ in, sao, chụp đúng số bản quy định. Sau khi in, sao, chụp xong phải kiểm
tra lại và hủy ngay bản dư thừa và những bản in, sao, chụp hỏng.
2. BMNN sao, chụp ở dạng băng, đĩa, USB… phải
được niêm phong và đóng dấu độ mật, ghi rõ tên người sao, chụp ở bì niêm phong
và phải được bảo quản như tài liệu gốc.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền
việc in, sao, chụp tin, tài liệu, vật mang BMNN của tỉnh cho các Sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, tổ chức,
đoàn thể cùng cấp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có thẩm
quyền và chịu trách nhiệm khi cho phép in, sao, chụp tin, tài liệu, vật mang
BMNN thuộc độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật.
b) Chánh Văn phòng các Sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có thẩm quyền và chịu trách nhiệm khi
cho in, sao, chụp tin, tài liệu, vật mang BMNN thuộc độ Mật.
c) Thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản có nội
dung BMNN được quyền cho in, sao, chụp những văn bản do đơn vị mình phát hành.
Điều 7. Phổ biến, nghiên cứu
tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước của tỉnh
Việc phổ biến, nghiên cứu tin, tài liệu thuộc phạm
vi BMNN phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Đúng đối tượng, phạm vi cần được phổ biến
hoặc nghiên cứu.
2. Tổ chức ở nơi đảm bảo bí mật, an toàn.
3. Chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi được
phép của thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật đó. Các băng ghi
âm, ghi hình phải được quản lý, bảo vệ như tài liệu gốc.
Điều 8. Vận chuyển, giao nhận
tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Vận chuyển, giao nhận tài
liệu, vật mang BMNN do cán bộ làm công tác bảo mật hoặc bộ phận giao liên, văn
thư cơ quan thực hiện. Nếu vận chuyển, giao nhận theo đường bưu điện phải thực
hiện theo quy định riêng của ngành Bưu điện.
Tài liệu, vật mang BMNN khi vận
chuyển phải được đựng trong bao bì chắc chắn bằng loại vật liệu phù hợp; khi cần
thiết phải được niêm phong theo quy định; có phương tiện vận chuyển đảm bảo an
toàn trong mọi tình huống, trường hợp xét thấy cần thiết thì phải bố trí người
bảo vệ việc vận chuyển các tài liệu, vật đó.
Mọi trường hợp giao, nhận tài liệu,
vật mang BMNN phải kiểm tra, đối chiếu và đều phải vào sổ đầy đủ, có ký nhận giữa
bên giao và bên nhận.
2. Gửi tài liệu, vật mang
BMNN:
Việc gửi tài liệu, vật mang BMNN
phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Vào sổ: Trước khi gửi tài
liệu, vật mang BMNN phải vào sổ “Tài liệu mật đi” để theo dõi. Sổ
“Tài liệu mật đi” phải ghi đầy đủ các mục: số thứ tự, số tài liệu gửi đi, ngày,
tháng, năm, nơi nhận, trích yếu nội dung, độ mật, độ khẩn, người ký, ghi chú.
(Đối với tài liệu độ “Tuyệt mật” thì cột trích yếu nội dung chỉ được ghi khi
người ký văn bản đồng ý). Tài liệu gửi đi phải cho vào bì dán kín chuyển đến
văn thư và được giao nhận theo quy định.
b) Làm bì: Tài liệu mang
BMNN gửi đi phải làm bì riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, khó thấm
nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc.
- Tài liệu, vật mang BMNN
mang độ “Mật” ngoài bì đóng dấu chữ “C” (con dấu chữ “C” in hoa nét đậm,
nằm trong đường viền tròn, đường kính 1.5cm).
- Tài liệu, vật mang BMNN
mang độ “Tối mật” ngoài bì đóng dấu chữ “B” (con dấu chữ “B ” in hoa
nét đậm, nằm trong đường viền tròn, đường kính 1.5cm).
- Tài liệu, vật mang BMNN độ
“Tuyệt mật” gửi bằng hai bì:
+ Bì trong: Ghi rõ số, ký
hiệu của tài liệu, tên người nhận, đóng dấu “Tuyệt mật”. Nếu là tài liệu, vật gửi
đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có
tên mới được bóc bì”.
+ Bì ngoài: Ghi như gửi tài
liệu thường, đóng dấu ký hiệu chữ “A” (con dấu chữ “A” in hoa
nét đậm, nằm trong đường viền tròn, đường kính 1.5cm).
3. Nhận tài liệu, vật mang
BMNN:
a) Mọi tài liệu, vật mang
BMNN gửi đến từ các nguồn đều phải qua văn thư vào sổ “Tài liệu mật đến”
để theo dõi và chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết.
b) Trường hợp tài liệu, vật mang
BMNN đến mà bì trong có dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì” thì
văn thư vào sổ số tài liệu ghi ngoài bì và chuyển ngay đến người có tên trên
bì. Nếu người có tên trên bì đi vắng thì chuyển đến người có trách nhiệm giải
quyết. Văn thư không được bóc bì.
c) Trường hợp phát hiện tài
liệu, vật mang BMNN gửi đến mà nơi gửi không thực hiện đúng thủ tục bảo mật thì
chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết, đồng thời thông tin lại nơi gửi để
rút kinh nghiệm. Nếu phát hiện tài liệu, vật mang BMNN gửi đến có dấu hiệu bị
bóc, mở bao bì, lộ lọt BMNN hoặc tài liệu, vật bị trao đổi, mất, hư hỏng... thì
người nhận phải báo cáo ngay thủ trưởng cơ quan, tổ chức để có biện
pháp xử lý kịp thời.
4. Thu hồi tài liệu mang
BMNN:
Những tài liệu có đóng dấu “Tài
liệu thu hồi”, văn thư phải theo dõi, thu hồi hoặc trả lại nơi gửi đúng thời
hạn. Khi nhận cũng như khi trả phải kiểm tra, đối chiếu bảo đảm tài liệu
không bị thất lạc.
5. Cán bộ đi công tác chỉ được
mang những tài liệu, vật thuộc phạm vi BMNN có liên quan đến nhiệm vụ được
giao; phải được lãnh đạo trực tiếp duyệt và đăng ký với bộ phận bảo mật; phải
có kế hoạch bảo vệ tài liệu, vật mang BMNN trong thời gian mang đi công tác;
khi hoàn thành nhiệm vụ phải cùng bộ phận bảo mật kiểm tra và nộp lại
cơ quan, tổ chức.
Điều 9. Thống
kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Các cơ quan, tổ chức, địa
phương lưu giữ BMNN phải thống kê tài liệu, vật mang BMNN theo trình tự thời
gian và từng độ mật, sử dụng đúng mục đích.
2. Tài liệu, vật mang BMNN
sau khi xử lý xong phải được phân loại, bảo quản chặt chẽ. Thủ trưởng cơ
quan, tổ chức trực tiếp quản lý BMNN phải thường xuyên kiểm tra, chỉ
đạo việc thống kê, cất giữ, bảo quản bí mật nhà nước trong phạm vi quyền hạn của
mình.
3. Nơi lưu giữ tài liệu, vật
thuộc phạm vi BMNN phải được xây dựng chắc chắn, đầu tư trang bị đầy đủ phương
tiện phòng chống cháy, nổ, đột nhập lấy cắp tài liệu, vật mang BMNN.
Mọi trường hợp khi phát hiện tài
liệu, vật mang BMNN bị hư hỏng, mất, lộ lọt phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ
quan để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Điều 10. Tiêu
hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Việc tiêu hủy tài liệu, vật
mang BMNN thuộc độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật” ở các cơ quan, tổ chức trong
tỉnh do Giám đốc sở (hoặc tương đương) quyết định (đối với mật mã thực hiện
theo quy định của Ban cơ yếu Chính phủ).
2. Tiêu hủy tin, tài liệu, vật
mang BMNN trong các trường hợp:
a) Theo đề nghị của cơ quan
ban hành tài liệu gốc,
b) Tài liệu có quyết định
thanh lý, tiêu hủy của người có thẩm quyền.
3. Trình tự tiêu hủy tin, tài
liệu, vật mang BMNN:
a) Giám đốc sở (hoặc tương
đương) thành lập Hội đồng tiêu hủy gồm: Giám đốc sở (hoặc tương đương) là chủ tịch;
đại diện đơn vị trực tiếp quản lý tài liệu, vật mang BMNN gồm: bộ phận văn
phòng; bộ phận trực tiếp lưu giữ tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; cán bộ
trực tiếp lưu giữ tin, tài liệu, vật mang BMNN và những người khác do Chủ tịch
hội đồng quyết định.
b) Nhiệm vụ của Hội đồng:
Lập biên bản thống kê đầy đủ danh
mục từng loại tin, tài liệu, vật mang BMNN cần tiêu hủy, trong đó ghi rõ số của
văn bản, cơ quan ban hành, số bản, trích yếu tin, tài liệu, phương thức, trình
tự tiến hành và người thực hiện tiêu hủy tin, tài liệu, vật mang BMNN. Biên bản
phải có chữ ký của tất cả các thành viên trong Hội đồng.
Tổ chức tiêu hủy tin, tài liệu, vật
mang BMNN ở nơi an toàn, bảo đảm yêu cầu không để lộ, lọt BMNN.
Đối với tin, tài liệu BMNN là văn
bản in trên giấy phải đốt, xé, nghiền nhỏ tới mức không thể ghép lại được. Đối
với vật mang BMNN là băng, đĩa và các thiết bị lưu trữ khác phải làm thay đổi
toàn bộ hình dạng, tính năng, tác dụng để không khai thác, phục hồi, sử dụng được.
4. Trong trường hợp đặc biệt
không có điều kiện tổ chức tiêu hủy tài liệu, vật mang BMNN theo các
quy định trên, nếu tài liệu, vật mang BMNN không được tiêu hủy ngay sẽ gây hậu
quả nghiêm trọng cho an ninh, quốc phòng hoặc các lợi ích khác của nhà nước thì
người đang quản lý tài liệu, vật mang BMNN đó phải báo cáo với người đúng đầu
cơ quan, tổ chức để tiêu hủy nhưng ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản với
người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ quan Công an cùng cấp. Nếu việc tự tiêu hủy
tài liệu, vật mang BMNN không có lý do chính đáng thì người tự tiêu hủy phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 11. Bảo
vệ bí mật nhà nước trong thông tin liên lạc
Tin, tài liệu có nội dung BMNN khi
được truyền tải bằng các phương tiện thông tin liên lạc, vô tuyến, hữu tuyến hoặc
các phương tiện thông tin liên lạc khác… phải được mã hóa theo quy định của
pháp luật về cơ yếu.
Các cơ quan, địa phương có trách
nhiệm quản lý chặt chẽ các máy tính có nối mạng Internet của cơ quan, địa
phương mình.
Điều 12. Bảo
vệ bí mật nhà nước trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng
1. Cơ quan, tổ chức và cá
nhân không được cung cấp thông tin thuộc phạm vi BMNN cho cơ quan báo chí.
2. Người đứng đầu cơ quan xuất
bản, báo chí và nhà báo phải chấp hành quy định về bảo vệ BMNN theo Luật Báo
chí và các văn bản pháp luật về bảo vệ BMNN.
Điều 13. Cung
cấp thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt
Nam.
1. Người được giao nhiệm vụ
tìm hiểu, thu thập thông tin thuộc phạm vi BMNN trên địa bàn tỉnh phải có Giấy
chứng minh nhân dân kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức ghi rõ nội
dung, yêu cầu tìm hiểu, thu thập và phải được cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ
chức lưu giữ bí mật đồng ý.
2. Các cơ quan, tổ chức lưu
giữ BMNN khi cung cấp thông tin thuộc phạm vi BMNN cho cơ quan, tổ chức, công
dân Việt Nam phải được cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định sau:
a) BMNN độ “Tuyệt mật” và “Tối
mật” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt.
b) BMNN độ “Mật” do Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành và tương đương duyệt.
Điều 14. Bảo
vệ bí mật nhà nước trong quan hệ tiếp xúc, làm việc với tổ chức, cá nhân nước
ngoài
1. Cơ quan, tổ chức, công dân
Việt Nam quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài không được tiết lộ
BMNN.
2. Khi tiến hành chương trình
hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ nếu có yêu cầu phải cung cấp những tin,
tài liệu thuộc phạm vi BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân theo
nguyên tắc:
a) Bảo vệ lợi ích quốc gia.
b) Chỉ cung cấp những tin,
tài liệu được các cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều
19 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ.
c) Yêu cầu bên nhận tin sử dụng
đúng mục đích thỏa thuận và không được tiết lộ cho bên thứ ba.
Điều 15. Bảo
vệ khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung
thuộc phạm vi bí mật nhà nước
Các khu vực, địa điểm cấm, nơi cất
giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi BMNN đã được xác định
phải được cắm biển cấm. Biển cấm gồm hai loại được quy định tại điểm 7 Thông tư
số 12/2002/TT-BCA ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số
33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh
Bảo vệ bí mật nhà nước.
Các khu vực, địa điểm cấm phải có
nội quy quản lý và tổ chức công tác bảo vệ đảm bảo yêu cầu, có thể bố trí
phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ công tác bảo vệ. Cán bộ đến liên hệ công tác phải
có giấy giới thiệu, trao đổi những nội dung cần thu thập và được bố trí làm việc
ở phòng riêng.
Điều 16.
Trách nhiệm, tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật
nhà nước
1. Cán bộ làm công tác liên
quan trực tiếp đến BMNN (người làm công tác cơ yếu, giao liên, văn thư,… người
được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu giữ BMNN) phải có phẩm chất tốt, có tinh thần
trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn BMNN; có
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Cán bộ làm công tác liên
quan trực tiếp với BMNN phải cam kết bảo vệ BMNN bằng văn bản; văn bản cam kết
nộp cho bộ phận bảo mật của cơ quan, tổ chức lưu giữ. Đồng thời, phải thực hiện
nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.
Chương 3
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN,
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 17.
Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Giúp Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh lập, sửa đổi, bổ sung danh mục BMNN trên cơ sở đề xuất
của Giám đốc Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng
Bộ Công an quyết định.
2. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ
cho cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ BMNN của các cơ quan, tổ chức, địa
phương; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết công tác
bảo vệ BMNN.
Điều 18.
Trách nhiệm của Công an tỉnh
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ BMNN trên địa
bàn tỉnh và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh dự thảo các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ BMNN.
2. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng văn bản quy định cụ thể độ mật
(Tuyệt mật, Tối mật, Mật) của từng loại tài liệu, vật mang BMNN thuộc phạm vi
đơn vị quản lý và thực hiện công tác bảo vệ BMNN theo hướng dẫn của Bộ Công an.
3. Phối hợp với Văn phòng
UBND tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ
BMNN của các cơ quan, tổ chức, địa phương.
4. Thanh tra, kiểm tra, xử lý
vi phạm và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu
nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ BMNN.
5. Giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ BMNN.
Điều 19. Trách
nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố
1. Tổ chức thực hiện công tác bảo
vệ BMNN theo quy định của Quy chế này và các văn bản pháp luật về bảo vệ BMNN của
Chính phủ, Bộ Công an.
2. Căn cứ vào danh mục BMNN
đã được cấp có thẩm quyền quyết định để xây dựng văn bản quy định cụ thể độ mật
(Tuyệt mật, Tối mật, Mật) của từng loại tài liệu, vật mang BMNN thuộc phạm vi
đơn vị quản lý.
3. Bố trí cán bộ làm công tác
bảo vệ BMNN theo quy định của Chính phủ.
4. Tuyên truyền, giáo dục cán
bộ, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của mình nâng cao trách nhiệm, cảnh giác
và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN.
5. Kiểm tra công tác bảo vệ
BMNN trong phạm vi cơ quan, đơn vị địa phương phụ trách.
6. Thực hiện chế độ báo cáo về
công tác bảo vệ BMNN vào quý IV hàng năm theo quy định. Đồng thời xem xét, đề
xuất việc lập, sửa đổi, bổ sung, giải mật danh mục BMNN trong phạm vi mình quản
lý thuộc các độ mật gửi Chủ tịch UBND tỉnh (qua Phòng PA83 - Công an tỉnh) để
trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Điều 20.
Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên các cơ
quan, tổ chức và công dân trong tỉnh
1. Thực hiện nghiêm túc Pháp
lệnh bảo vệ BMNN, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành
và nội dung Quy chế này.
2. Đăng ký các phát minh,
sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi BMNN tại Sở Khoa học Công
nghệ.
3. Phát hiện, cung cấp thông
tin liên quan đến việc lộ lọt, mất, chiếm đoạt, làm hư hỏng tài liệu, vật mang
BMNN để tố giác đến cơ quan có thẩm quyền.
Chương 4
THANH TRA, KIỂM TRA,
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21.
Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước
1. Thanh tra, kiểm tra trong
lĩnh vực bảo vệ BMNN được tiến hành định kỳ (02 năm 01 lần) hoặc đột xuất đối với
từng vụ việc hoặc đối với từng cá nhân, từng khâu công tác, từng cơ quan, tổ chức,
cá nhân trên địa bàn tỉnh.
2. Thanh tra, kiểm tra phải
đánh giá đúng những ưu khuyết điểm; phát hiện những thiếu sót, sơ hở và kiến
nghị các biện pháp khắc phục. Sau mỗi lần thanh tra, kiểm tra phải có văn bản
báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên, đồng thời gửi cơ quan Công an cùng cấp để
theo dõi (đối với các cơ quan cấp tỉnh báo cáo về phòng PA83- Công an tỉnh).
Điều 22. Khen
thưởng, xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có
thành tích trong công tác bảo vệ BMNN được khen thưởng theo quy định của pháp
luật. Cụ thể trong các trường hợp sau:
1. Phát hiện, tố giác kịp thời
hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép BMNN.
2. Khắc phục mọi khó khăn,
nguy hiểm bảo vệ an toàn BMNN.
3. Tìm được tài liệu, vật
mang BMNN bị mất; ngăn chặn hoặc hạn chế được hậu quả do việc làm lộ, làm mất,
chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép BMNN do người khác gây ra.
4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ bảo vệ BMNN theo chức trách được giao.
5. Cơ quan, tổ chức và cá
nhân nào vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật về
bảo vệ BMNN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử lý vi
phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi
thường theo quy định của pháp luật.
Chương 5
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn
thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quy
chế này và chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ BMNN ở
cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Điều 24. Công an tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Quy chế
này.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc, các Sở, ban ngành, cơ quan, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố kịp thời báo cáo bằng văn bản về Công an tỉnh (qua
phòng PA83) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết./.