THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------
|
Số:
108/2008/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
ỦY BAN BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRỰC THUỘC BỘ NGOẠI GIAO
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí và chức năng
1. Ủy ban Biên giới quốc gia là
cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
2. Ủy ban Biên giới quốc gia có
tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà
nước theo quy định của pháp luật, trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định,
chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn,
năm năm, hàng năm và các dự án quan trọng khác về biên giới, lãnh thổ quốc gia
để Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới, lãnh thổ quốc gia thuộc
thẩm quyền.
3. Giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ
đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn
bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch
về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được phê duyệt.
4. Nghiên cứu, tổng hợp, đánh
giá, kiểm tra tình hình quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia, vùng trời, các
vùng biển, các hải đảo và thềm lục địa của Việt Nam; dự báo và đề xuất chủ
trương, chính sách và các biện pháp quản lý thích hợp.
5. Nghiên cứu, đề xuất để Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định biên giới quốc gia,
các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với vùng trời, các vùng biển,
các hải đảo, thềm lục địa và đáy đại dương.
6. Nghiên cứu, đề xuất chủ
trương ký kết, phê chuẩn và tham gia tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế
liên quan đến biên giới, lãnh thổ.
7. Chủ trì đàm phán giải quyết
các vấn đề biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan theo sự ủy quyền của Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao.
8. Chủ trì soạn thảo các phương
án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời, các vùng biển
và thềm lục địa của Việt Nam với các nước láng giềng liên quan để trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
9. Giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc phân giới cắm mốc quốc giới
trên cơ sở các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia được ký kết giữa nước cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng.
10. Chủ trì soạn thảo quy chế
biên giới với các nước láng giềng và tổ chức hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện
quy chế biên giới đã được ký kết.
11. Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành, địa phương) liên quan thực hiện
kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình và xử lý tranh chấp ở các khu vực biên
giới trên đất liền, vùng trời, trên các vùng biển, các hải đảo và thềm lục địa
của Việt Nam.
12. Phối hợp với các Bộ, ngành,
địa phương tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng, thực hiện các đề án, dự
án về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến biên giới,
lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
13. Thanh tra, kiểm tra, giải
quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý các vi phạm
về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật.
14. Xử lý hoặc hướng dẫn xử lý
theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đối với các vấn đề phát sinh trong
các hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến chủ quyền, quyền chủ
quyền và lợi ích quốc gia trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, các hải đảo,
thềm lục địa và đáy đại dương.
15. Thực hiện hợp tác quốc tế
liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật.
16. Thẩm định các bản đồ và ấn
phẩm có liên quan đến đường biên giới quốc gia, các vùng biển, các hải đảo và
thềm lục địa của Việt Nam trước khi xuất bản, phát hành.
17. Được yêu cầu các Bộ, ngành,
địa phương có liên quan đến biên giới, biển, đảo báo cáo định kỳ hoặc đột xuất
về tình hình quản lý biên giới, vùng trời, các vùng biển, các hải đảo và thềm lục
địa; cung cấp những tài liệu cần thiết để tổng hợp, báo cáo hoặc giải quyết
theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
18. Tổ chức tuyên truyền, hướng
dẫn pháp luật về quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia; hướng dẫn chuyên môn
nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công tác biên giới tại các Bộ, ngành, địa phương.
19. Quản lý tổ chức bộ máy, biên
chế, tài chính và tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của
Bộ Ngoại giao.
20. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và các hải đảo,
Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và thực hiện
các nhiệm vụ khác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Điều 3. Cơ cấu
tổ chức và biên chế
1. Vụ Biên giới Việt – Trung.
2. Vụ Biên giới phía Tây.
3. Vụ Biển.
4. Vụ Tuyên truyền, Thông tin và
Tư liệu
5. Văn phòng.
Các tổ chức trên là các tổ chức
hành chính giúp Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia thực hiện chức năng quản lý
nhà nước.
Việc ban hành quy chế làm việc,
quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bổ nhiệm, miễn
nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc Ủy ban thực
hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Biên chế của Ủy ban Biên giới quốc
gia do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trong tổng số biên chế của Bộ Ngoại
giao.
Điều 4. Lãnh
đạo của Ủy ban
1. Ủy ban Biên giới quốc gia có
Chủ nhiệm và không quá 03 Phó Chủ nhiệm.
2. Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao về toàn bộ hoạt động của Ủy ban.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử một
Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia.
3. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban và
chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Ủy ban về lĩnh vực công tác được phân công.
Điều 5. Hiệu
lực thi hành và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Quyết định số
126/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực
thuộc Bộ Ngoại giao.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia và các cơ
quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban nhân dân của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Biên giới quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, TCCV (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|