BỘ
NỘI VỤ
******
Số:
01/2007/QĐ-BNV
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc - Tự do - Hạnh phúc
******
Hà
Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Nghị định số
45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về
tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ
quan quản lý thi hành án dân sự; cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức
làm công tác thi hành án dân sự;
Sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này tiêu chuẩn ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên
chính và thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự.
Điều 2. Tiêu
chuẩn nghiệp vụ của các ngạch thẩm tra viên quy định tại Điều 1 của Quyết định
này là căn cứ để thực hiện việc tuyển chọn, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức
theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tư
pháp căn cứ tiêu chuẩn nghiệp vụ của thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm
tra viên cao cấp thi hành án dân sự quy định tại Quyết định này để xem xét, bổ
nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh thẩm tra viên thuộc cơ quan quản lý thi
hành án, cơ quan thi hành án dân sự trong quân đội.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
TIÊU CHUẨN
NGẠCH
THẨM TRA VIÊN, THẨM TRA VIÊN CHÍNH, THẨM TRA VIÊN CAO CẤP THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
(ban hành kèm theo quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17
tháng 01 năm 2007 của bộ trưởng bộ nội vụ)
I. TIÊU CHUẨN NGẠCH THẨM TRA VIÊN
1. Chức trách
Thẩm tra viên
là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi hành án
dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan, trực tiếp thực hiện việc thẩm tra những vụ việc
đã và đang thi hành án, thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố
cáo theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ
quan thi hành án dân sự.
2. Nhiệm vụ cụ
thể
a) Thực hiện
thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành theo kế hoạch được duyệt hoặc
theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan
thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề
xuất của mình;
b) Lập kế hoạch
và tổ chức thực hiện công tác thẩm tra theo sự phân công của Thủ trưởng cơ
quan;
c) Phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác thẩm tra các vụ việc được
phân công theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện
nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
3. Hiểu biết
a) Nắm được
quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
có liên quan đến lĩnh vực công tác thi hành án dân sự;
b) Nắm vững
các kiến thức cơ bản về pháp lý và nghiệp vụ thi hành án dân sự;
c) Có khả
năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất giải quyết các vấn đề về nghiệp vụ thi hành
án dân sự;
d) Có khả
năng soạn thảo văn bản;
đ) Nắm vững về
tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
4. Yêu cầu về
trình độ
a) Tốt nghiệp
đại học luật trở lên;
b) Có thời
gian làm công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước từ hai năm trở lên
(không kể thời gian tập sự hoặc dự bị);
c) Có chứng
chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên
viên theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia;
d) Có chứng
chỉ tin học văn phòng trình độ A;
đ) Có chứng
chỉ ngoại ngữ trình độ A.
II. TIÊU CHUẨN NGẠCH THẨM
TRA VIÊN CHÍNH
1. Chức trách
Thẩm tra viên
chính là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi
hành án dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp hoặc tham gia thực hiện nhiệm
vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra, xác minh các vụ việc
có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và thực hiện một số nhiệm vụ
khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ
quan thi hành án dân sự.
2. Nhiệm vụ cụ
thể
a) Thực hiện
thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành theo kế hoạch được duyệt hoặc
theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan
thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề
xuất của mình. Trong trường hợp kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải tham
mưu cho cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thực hiện quyết định sai sót đó để
khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình.
b) Lập kế hoạch,
tổ chức thực hiện, hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác
minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết nhiệm vụ được phân công;
c) Tham mưu
cho Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự
để trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền; để
giải quyết khiếu nại, tố cáo về những vụ việc đã được chấp hành viên giải quyết;
d) Tham gia
xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án
dân sự;
đ) Tham gia
hướng dẫn nghiệp vụ cho ngạch thẩm tra viên;
e) Thực hiện
các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
3. Hiểu biết
a) Nắm vững
quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
có liên quan đến lĩnh vực công tác thi hành án dân sự;
b) Am hiểu
các quy định của pháp luật Việt Nam về thi hành án dân sự;
c) Có kinh
nghiệm nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất giải quyết các vấn đề về nghiệp vụ thi
hành án dân sự;
d) Có kỹ năng
soạn thảo văn bản;
đ) Am hiểu về
tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
4. Yêu cầu về
trình độ
a) Tốt nghiệp
đại học luật trở lên;
b) Đang là thẩm
tra viên thi hành án và có tổng thời gian giữ các ngạch tương đương với ngạch
chuyên viên từ chín năm trở lên;
c) Có chứng
chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên
viên chính theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia;
d) Có chứng
chỉ tin học văn phòng trình độ B;
đ) Có chứng
chỉ ngoại ngữ trình độ B;
e) Tham gia đề
tài hoặc đề án được công bố và được đưa vào áp dụng trong thực tiễn quản lý.
III. TIÊU CHUẨN NGẠCH THẨM
TRA VIÊN CAO CẤP
1. Chức trách
Thẩm tra viên
cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao về lĩnh vực thẩm tra
thi hành án dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự tổ chức
chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc thi hành án quan trọng,
phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa
phương; thực hiện một số công việc khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ
quan quản lý thi hành án dân sự.
2. Nhiệm vụ cụ
thể
a) Xây dựng kế
hoạch kiểm tra và chủ động thực hiện việc kiểm tra công tác thi hành án dân sự
theo kế hoạch đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự phê duyệt.
Trong trường hợp kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm
quyền tạm đình chỉ việc thực hiện quyết định có sai sót đó để khắc phục, sửa chữa
và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình;
b) Lập kế hoạch,
trình Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự phê duyệt hoặc phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện việc kiểm tra, xác minh và đề xuất
giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản
lý thi hành án dân sự;
c) Tham mưu
giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự hoặc trình cấp có thẩm quyền
để chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thi hành các vụ việc phức tạp;
d) Tham mưu
giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự trả lời kháng nghị, kiến nghị
của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền;
đ) Tham gia
xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác về thẩm
tra, kiểm tra các vụ việc thi hành án dân sự trong phạm vi toàn quốc;
e) Giúp Thủ
trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự trong việc hướng dẫn, chỉ đạo thẩm
tra, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án dân sự trong toàn quốc và đề xuất các biện
pháp điều chỉnh nhằm bảo đảm việc tổ chức thi hành án dân sự đúng pháp luật và
hiệu quả.
g) Tham gia
nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác thi hành án;
h) Tham gia
xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp
vụ cho các ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính;
i) Thực hiện
các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự giao.
3. Hiểu biết
a) Nắm vững
quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước để vận
dụng có hiệu quả vào chuyên môn, nghiệp vụ của minh;
b) Am hiểu
sâu các quy định của pháp luật Việt Nam về thi hành án dân sự;
c) Có kiến thức
rộng và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác thẩm tra thi hành án dân sự;
d) Am hiểu về
kinh tế - xã hội trong nước và ngoài nước;
đ) Có năng lực
nghiên cứu khoa học và hướng dẫn việc nghiên cứu khoa học về công tác thẩm tra,
công tác thi hành án dân sự cho các thẩm tra viên, thẩm tra viên chính.
4. Yêu cầu
trình độ
a) Tốt nghiệp
đại học luật trở lên;
b) Đang là thẩm
tra viên chính thi hành án và có tổng thời gian giữ các ngạch tương đương với
ngạch chuyên viên chính từ sáu năm trở lên;
c) Có chứng
chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên
viên cao cấp theo chương trình của Học viện Hành chính quốc gia;
d) Có chứng
chỉ tin học văn phòng trình độ C;
đ) Có chứng
chỉ ngoại ngữ trình độ C;
e) Có công
trình hoặc đề án đã được công bố và đưa vào áp dụng trong thực tiễn quản lý./.