CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 95/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 8 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN
HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 7 NĂM 2022
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP
ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ
và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật,
tổ chức ngày 26 tháng 7 năm 2022,
QUYẾT NGHỊ:
Chính phủ tiếp tục coi trọng công tác hoàn thiện thể
chế, pháp luật là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo các chủ trương, nghị
quyết của Đảng. Yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung
nguồn lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, phối hợp chặt chẽ với các
bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, hiệp hội, chuyên
gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung các dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao,
nâng cao chất lượng dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10 năm
2022. Đồng thời với việc xây dựng các dự án Luật trong Chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ động rà soát các quy
định pháp luật hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, xử
lý các mâu thuẫn, chồng chéo và không để khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề
thực tiễn mới phát sinh; sửa đổi, bổ sung các Thông tư thuộc thẩm quyền; tổng hợp
kiến nghị của các địa phương về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để kịp
thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật,
kỷ cương, chấp hành nghiêm quy trình xây dựng, trình văn bản quy phạm pháp luật
quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật,
Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6
năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về công tác xây dựng thể chế, pháp luật
tại Công văn số 301/TTg-PL ngày 6 tháng 4 năm
2022 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ
tướng Chính phủ về các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền. Đồng thời, các bộ, cơ
quan, địa phương tập trung các nguồn lực tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả
và tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật. Trong quá
trình thực thi pháp luật, nếu có vướng mắc, bất cập cần kịp thời báo cáo các cấp
có thẩm quyền xử lý.
Nội dung các dự án Luật, Đề nghị xây dựng luật được
trình tại Phiên họp Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng,
Hiến pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cam kết quốc tế nhằm
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thực tiễn; tăng cường
phân cấp, phân quyền gắn với phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong quản
lý nhà nước.
Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
1. Dự án Luật Phòng, chống rửa
tiền (sửa đổi):
Chính phủ thống nhất với sự cần thiết ban hành dự
án Luật này. Nội dung của dự án Luật đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
và các cam kết quốc tế về công tác phòng, chống rửa tiền. Chính phủ thống nhất
thông qua nội dung dự án Luật; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp
với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục
nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện
hồ sơ dự án Luật theo hướng:
- Việc xây dựng dự án Luật phải phù hợp với hệ thống
chính trị, điều kiện, bối cảnh của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc,
quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; khắc phục các vướng mắc, bất
cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012;
phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án
Luật phải bao quát các lĩnh vực mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành
vi “rửa tiền”, bao gồm cả các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức
tài chính, tổ chức khác và cá nhân có liên quan.
- Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan: tiếp
tục thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ quản
lý nhà nước của các bộ, cơ quan; việc xây dựng dự án Luật này không làm thay đổi
thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, nhưng cần quy định cụ thể
chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền của các bộ, cơ quan phù hợp với chức
năng quản lý nhà nước được giao; quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của
các bộ, cơ quan trong công tác phòng, chống rửa tiền.
- Không quy định vấn đề tổ chức, bộ máy trong dự án
Luật theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thống
nhất việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam tại dự thảo Luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng Đề án về cơ
quan có chức năng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo
cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Về mở rộng đối tượng báo cáo đối với các hoạt động
mới phát sinh nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh: quy định nguyên tắc trong
luật và giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về
rửa tiền. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư
pháp và các cơ quan liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành theo thẩm
quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để
điều chỉnh các đối tượng mới (nêu trên) đã có hoạt động trong thực tiễn nhưng
chưa có khung pháp lý để điều chỉnh.
- Về vấn đề cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP):
thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy
quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật
Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp
thứ 4.
Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc hoàn
thiện dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
2. Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng (sửa đổi):
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành dự án
Luật này. Nội dung của dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bám sát các chính sách đã được Chính phủ
thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chính phủ thống nhất với các nội dung dự án Luật;
giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và
các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành
viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng:
- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2022,
dự thảo Luật cần khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng. Việc xây dựng dự án Luật phải bảo vệ, bảo đảm thực thi
các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời với việc
quy định quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm của
các cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền và chủ
trương cải cách hành chính của Chính phủ trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng.
- Bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của
dự án Luật này với pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý
hành chính, hình sự, dân sự. Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh
công tác tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm
tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi
người tiêu dùng.
Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng,
thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.
Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo việc hoàn
thiện dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
3. Dự án Luật phòng thủ dân sự:
Chính phủ thống nhất về mục tiêu, quan điểm xây dựng
và nội dung cơ bản của dự án Luật. Về một số nội dung quan trọng của dự án Luật,
Bộ Quốc phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý theo hướng:
- Về quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân
sự: Nội dung này có 2 loại ý kiến khác nhau nên Chính phủ thống nhất trình xin
ý kiến Quốc hội 2 phương án. Đa số Thành viên Chính phủ lựa chọn phương án quy
định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật để có đầy đủ cơ
sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh của thực tiễn. Ý kiến khác của Thành viên
Chính phủ đề nghị không quy định về tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự
trong dự thảo Luật và khẩn trương xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp theo nhiệm
vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày
05 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Bộ
Quốc phòng hoàn thiện Tờ trình có lập luận cụ thể ưu điểm, nhược điểm của từng
phương án để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp
tục nghiên cứu, rà soát các luật liên quan để bảo đảm phù hợp, thống nhất,
tránh xung đột; bổ sung các biện pháp cần thiết chưa được quy định ở các luật
hiện hành để có cơ sở áp dụng, đồng thời tránh khoảng trống pháp lý.
- Về quy định mức hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro do thảm
họa, sự cố tại Luật Phòng thủ dân sự: Chính phủ thống nhất không quy định cụ thể
mức hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố trong dự thảo Luật; Luật chỉ quy
định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính
khả thi, phù hợp với khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn
và đồng bộ với pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
- Về quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ
dân sự: Chính phủ thống nhất cần có cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự để
chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu cho các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng
thủ dân sự, nhưng không quy định cụ thể trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy
định. Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ
quan liên quan xác định hình thức của cơ quan này theo hướng giảm đầu mối,
không phát sinh tổ chức, bộ máy, bảo đảm công tác chỉ đạo hiệu quả thực chất,
tránh hình thức.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư
pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các
Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Luật; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa
ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ
trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Giao Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ đạo
việc hoàn thiện dự án Luật phòng thủ dân sự.
4. Dự án Luật giao dịch điện tử
(sửa đổi):
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây
dựng và các nội dung cơ bản của dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), phù hợp
với chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính
phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập
của Luật giao dịch điện tử hiện hành, hoàn
thiện khung pháp lý để phát triển giao dịch điện tử toàn diện; ưu tiên đầu tư
phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới; đào tạo
nguồn nhân lực trong giao dịch điện tử; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến
khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy việc sử dụng và phát triển giao dịch điện
tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
bộ, cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể của dự
thảo Luật theo hướng:
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh đến tất cả các loại
giao dịch điện tử của các chủ thể là Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân; bảo
đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; bảo đảm giao dịch điện tử an toàn,
tin cậy, chính xác, thuận tiện, phòng ngừa việc lợi dụng, lừa đảo; phát triển
các dịch vụ tin cậy và hỗ trợ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin, nền tảng số
phục vụ giao dịch điện tử;
- Đẩy mạnh giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà
nước với nhau và giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ
quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, người dân; tăng cường giao dịch điện tử
trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy giao dịch trực tuyến các hoạt động
giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại của các tổ chức, cá nhân trên môi trường
mạng; tạo điều kiện việc khai thác, quản lý, sử dụng dữ liệu của các cơ quan
nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử; làm rõ trách
nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương trong hoạt động giao dịch
điện tử, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam
kết quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp
với các Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý
kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; giao Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính
phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ
họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện
dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).
5. Đề nghị xây dựng Luật dân số:
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây
dựng Luật dân số nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các quy định
hiện hành; thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị
quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số
trong tình hình mới.
Việc kế thừa và nâng quy định hiện hành lên thành Luật
nhằm bảo đảm hiệu lực pháp lý của các quy phạm liên quan đến quyền con người,
trách nhiệm của công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước là cần
thiết. Các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật cần thể hiện tư duy phù hợp với
bối cảnh, điều kiện mới ở trong nước và quốc tế, có các biện pháp hiệu quả giải
quyết xu hướng già hóa dân số, tận dụng lợi thế của cơ cấu dân số vàng phục vụ
sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan
liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan, lấy ý kiến
cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, bổ sung các chính sách, giải pháp bảo
đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi, không chồng chéo, tránh khoảng trống
pháp lý; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số bảo đảm tiến độ
và chất lượng, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa Đề nghị xây dựng Luật này vào
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV (trình cho
ý kiến vào kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 Quốc hội
khóa XV).
Giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện
Đề nghị xây dựng Luật dân số./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg;
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, PL (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Bình Minh
|