ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1187/NQ-UBTVQH14
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 01 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG
DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH DỰ KIẾN CƠ CẤU, THÀNH PHẦN VÀ PHÂN BỔ SỐ LƯỢNG NGƯỜI ĐƯỢC GIỚI
THIỆU ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14;
Căn cứ Luật Bầu cử
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc
hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách
đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc
hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc
hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các
cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 613/TTr-CP
ngày 05 tháng 12 năm 2020 và Báo cáo số 01/BC-CP ngày 05 tháng 01 năm 2021; Báo
cáo thẩm tra số 3711/BC-UBPL14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 và Báo cáo số 3776/BC-UBPL14
ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Pháp luật về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo
Nghị quyết,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Số lượng đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
1. Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân
dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các cơ
sở sau đây;
a) Dân số của từng đơn vị hành chính để làm căn cứ
xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu được xác định theo số liệu
thống kê dân số do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố tại thời điểm gần nhất
tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020;
b) Việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng
cao, hải đảo để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu
căn cứ vào văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và
các cơ quan có liên quan rà soát, tập hợp các văn bản, quyết định còn hiệu lực
pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định đơn vị
hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo và công bố trên Trang thông tin điện tử
của Hội đồng bầu cử quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn)
chậm nhất là ngày 01 tháng 02 năm 2021.
2. Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân
dân hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết
số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của
Quốc hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính
sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc
hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Đối với cấp tỉnh, số lượng đại biểu Hội đồng
nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng
nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động
chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân
dân tối đa là 02 người, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng đại biểu
Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội
đồng nhân dân thành phố tối đa là 03 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân
hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên ở mỗi
Ban của Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 04 người.
Đối với thành phố Đà Nẵng, số lượng đại biểu Hội đồng
nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng
nhân dân thành phố tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt
động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng
nhân dân thành phố tối đa là 03 người;
c) Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu Hội đồng
nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng
nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động
chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân
dân tối đa là 02 người;
d) Đối với cấp xã, số lượng đại biểu Hội đồng nhân
dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 01 người.
Điều 2. Cơ cấu, thành phần và
phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2021 - 2026
1. Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng
nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng
cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu,
thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình
và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa
bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp
mình.
2. Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng
nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng
cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng
nhân dân cấp xã, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần,
phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các thôn, tổ
dân phố, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng
cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp mình.
3. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ
số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị
hành chính phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất
lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy
tín, trí tuệ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà
nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện),
các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa
bàn; có đại diện của các thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi và
đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong
danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ;
phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân
dân;
b) Bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính
thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân
tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm
đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động
của Hội đồng nhân dân;
c) Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử
đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không thấp hơn 10% tổng số người
được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử
đại biểu Hội đồng nhân dân là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn
15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu Hội đồng
nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 -
2026 ở từng cấp;
c) Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu
Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016
- 2021;
g) Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu
Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các đơn vị bầu cử phải bảo đảm công
bằng, bình đẳng; bảo đảm tương quan hợp lý với tỷ lệ dân số giữa các đơn vị
hành chính trực thuộc, giữa các thôn, tổ dân phố.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký
ban hành.
2. Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ
chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
3. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Trung ương đoàn thể chính trị - xã hội;
- Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Văn phòng Kiểm tra Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Cơ quan thuộc UBTVQH;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh;
- Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Lưu HC, PL.
epas: 2678
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG
VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Kim Ngân
|