CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 116/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày
04 tháng 9 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẤY TỜ CÔNG DÂN LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ DÂN
CƯ THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ NGOẠI GIAO
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Phương án đơn
giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc
phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Giao Bộ Ngoại giao căn
cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua tại Điều 1 Nghị quyết
này, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có
liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành
chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm
hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 3. Giao Văn phòng Chính phủ
theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Bộ Ngoại giao, các
bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong
quá trình thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân
đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thủ trưởng các cơ quan
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của TTg;
- Ban Chỉ đạo Đề án 896;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2).XH
|
TM.CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHƯƠNG ÁN
ĐƠN
GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẤY TỜ CÔNG DÂN LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ DÂN CƯ THUỘC
PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ NGOẠI GIAO
(Kèm theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ)
A. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN
HÓA
Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm
vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao chỉ áp dụng đối với đối tượng
là công dân Việt Nam và có số định danh cá nhân. Đối với công dân Việt Nam
không có số định danh cá nhân hoặc người nước ngoài thì áp dụng trình tự, thủ tục
như quy định hiện nay.
I. LĨNH VỰC HỢP PHÁP HÓA, CHỨNG NHẬN LÃNH SỰ
1. Thủ tục chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu
tại các cơ quan trong nước và tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài - 02 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ quy định yêu cầu: (i) Xuất
trình bản chính giấy tờ tùy thân (Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy
tờ có giá trị thay thế hộ chiếu) đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp; (ii)
01 bản chụp giấy tờ tùy thân (Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ
có giá trị thay thế hộ chiếu) đối với trường hợp nộp qua đường bưu điện. Thay
vào đó, người nộp hồ sơ xuất trình bản chính giấy tờ có số định danh cá nhân (nếu
nộp trực tiếp) hoặc nộp bản chụp giấy tờ này (nếu nộp qua đường bưu điện).
- Về mẫu Tờ khai chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự (Mẫu
LS/HPH- 2012/TK quy định tại Điều 13 Khoản 1 Thông tư số 01/2012/TT-BNG
ngày 20/3/2012 của Bộ Ngoại giao
hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính
phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự): Thay trường thông tin “Số
CMND/Hộ chiếu/Giấy tờ thay thế hộ chiếu” bằng “giấy tờ có số định danh cá
nhân”.
2. Thủ tục chứng nhận xuất trình giấy tờ, tài liệu
tại Bộ Ngoại giao - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ quy định yêu cầu: (i) Xuất
trình bản chính giấy tờ tùy thân (Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy
tờ có giá trị thay thế hộ chiếu) đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp; (ii)
01 bản chụp giấy tờ tùy thân (Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ
có giá trị thay thế hộ chiếu) đối với trường hợp nộp qua đường bưu điện. Thay vào
đó, người nộp hồ sơ xuất trình bản chính giấy tờ có số định danh cá nhân (nếu nộp
trực tiếp) hoặc nộp bản chụp giấy tờ này (nếu nộp qua đường bưu điện).
- Về mẫu Tờ khai chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự (Mẫu
LS/HPH-2012/TK quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 01/2012/TT-BNG
ngày 20/3/2012 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định
số 111/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính
phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự): Thay trường thông tin “Số
CMND/Hộ chiếu/Giấy tờ thay thế hộ chiếu” bằng “giấy tờ có số định danh cá nhân”
và không yêu cầu phải cung cấp thông tin về ngày cấp giấy tờ có số định danh cá
nhân.
II. LĨNH VỰC XUẤT NHẬP CẢNH
1. Thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu
công vụ tại các cơ quan trong nước và tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài - 02 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ yêu cầu nộp các thành phần
hồ sơ gồm: Bản chụp Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc giấy
chứng minh của các lực lượng vũ trang (đối với lực lượng vũ trang); bản chụp Giấy
khai sinh hoặc bản chụp Bản sao trích lục khai sinh (đối với con dưới 18 tuổi
đi thăm, đi theo cán bộ đi công tác nước ngoài tại các cơ quan đại diện Việt
Nam). Thay vào đó, người đề nghị cấp hộ chiếu nộp bản chụp giấy tờ có số định
danh cá nhân (xuất trình bản chính để đối chiếu);
- Về mẫu Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ
chiếu công vụ, công hàm xin thị thực (Mẫu 01/2016/XNC quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BNG ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại giao
hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu
công vụ và cấp công hàm đề nghị cấp thị thực): Không yêu cầu cung cấp thông tin
về ngày tháng năm sinh (Mục 2), giới tính (Mục 3), nơi sinh (Mục 4), hộ khẩu
thường trú (Mục 5), thông tin về bố, mẹ, vợ/chồng (Mục 10); tuy nhiên vẫn đề
nghị cung cấp thông tin về con vì không có thông tin này trên Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư.
2. Thủ tục sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao,
hộ chiếu công vụ tại các cơ quan trong nước và tại các cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài - 02 thủ tục
Về mẫu Tờ khai đề nghị sửa đổi, bổ sung hộ chiếu
ngoại giao, hộ chiếu công vụ (Mẫu 02/2016/XNC quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BNG ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại
giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu
công vụ và cấp công hàm đề nghị cấp thị thực): Không yêu cầu cung cấp thông tin
ngày tháng năm sinh (Mục 2), giới tính (Mục 3), nơi sinh (Mục 4), (Mục 5): Thay
trường thông tin “Số CMND/Thẻ căn cước công dân” bằng “giấy tờ có số định danh
cá nhân”, tuy nhiên không yêu cầu cung cấp thông tin về ngày cấp và nơi cấp.
3. Thủ tục cấp công hàm đề nghị cấp thị thực tại
các cơ quan trong nước - 01 thủ tục
Về mẫu Tờ khai đề nghị cấp công hàm (Mẫu 01/2016/XNC
quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BNG ngày
30/6/2016 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ
chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị cấp thị thực): Không
yêu cầu cung cấp thông tin về ngày tháng năm sinh (Mục 2), giới tính (Mục 3),
nơi sinh (Mục 4), hộ khẩu thường trú (Mục 5), thông tin về bố, mẹ, vợ/chồng (Mục
10); tuy nhiên vẫn đề nghị cung cấp thông tin về con vì không có thông tin này
trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu; cấp lại hộ
chiếu phổ thông; bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phổ thông tại các cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài - 03 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ gồm Giấy
xác nhận nhân sự của công dân Việt Nam hiện ở nước ngoài do Cục Quản lý xuất nhập
cảnh cấp còn giá trị, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (loại có ảnh), giấy
tờ do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho công dân còn giá trị, có ghi đầy đủ yếu
tố nhân thân và ảnh (có thông tin về quốc tịch quy định tại Thông tư liên tịch
số 08/2009/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an và Bộ
Ngoại giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành ở nước
ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của
Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG)); giấy khai sinh đối với
trẻ em dưới 14 tuổi đề nghị cấp riêng hộ chiếu. Thay vào đó, người đề nghị nộp
bản sao giấy tờ có số định danh cá nhân loại có ảnh (nếu nộp bản chụp thì xuất
trình bản chính để đối chiếu);
- Về mẫu Tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung hộ
chiếu phổ thông/giấy thông hành (Mẫu X02 quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an và Bộ Ngoại
giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành ở nước ngoài theo
Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ
(sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-
BCA-BNG)): Không yêu cầu cung cấp thông tin về giới tính (Mục 2), ngày
tháng năm sinh (Mục 3), nơi sinh (Mục 4), thông tin về người thân bao gồm cha đẻ,
mẹ đẻ, vợ/chồng (Mục 10), (Mục 5): Thay trường thông tin “Giấy CMND” bằng “giấy
tờ có số định danh cá nhân (loại có ảnh)”.
5. Cấp giấy thông hành tại cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ đối với trường hợp ra nước
ngoài công tác có thời hạn để công tác, học tập, du lịch hoặc giải quyết việc
riêng khác và mà hộ chiếu bị mất hoặc hết hạn; không được nước ngoài cho cư
trú, bị buộc xuất cảnh hoặc tự nguyện xin về nước nhưng không có hộ chiếu còn
giá trị: Bỏ thành phần hồ sơ gồm Bản sao hoặc bản chụp giấy tờ dùng làm căn cứ
để cấp Giấy thông hành (Giấy xác nhận nhân sự của công dân Việt Nam hiện ở nước
ngoài do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp còn giá trị, giấy tờ chứng minh quốc tịch
Việt Nam (loại có ảnh), giấy tờ do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho công dân
còn giá trị, có ghi đầy đủ yếu tố nhân thân và ảnh (có thông tin về quốc tịch
quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG
của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy
thông hành ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP
của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG)). Thay vào đó, người đề
nghị nộp bản sao hoặc bản chụp giấy tờ có ảnh và có số định danh cá nhân.
- Về mẫu Tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung hộ
chiếu phổ thông/giấy thông hành (Mẫu X02 quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an và Bộ Ngoại
giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành ở nước ngoài theo
Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ
(sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-
BCA-BNG)): Không yêu cầu cung cấp thông tin về giới tính (Mục 2), ngày
tháng năm sinh (Mục 3), nơi sinh (Mục 4), thông tin về người thân bao gồm cha đẻ,
mẹ đẻ, vợ/chồng (Mục 10), (Mục 5): Thay trường thông tin “Giấy CMND” bằng “giấy
tờ có số định danh cá nhân (loại có ảnh)”.
III. LĨNH VỰC QUỐC TỊCH
1. Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam tại cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ gồm: Bản
sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác quy định
tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Thay vào đó,
người nộp hồ sơ nộp bản sao giấy tờ có ảnh và có số định danh cá nhân;
- Về Mẫu Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam (Mẫu TP/QT-2010-ĐXTQT.1
quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BTP hướng
dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch): Không
yêu cầu cung cấp thông tin về giới tính, ngày tháng năm sinh (Mục 1); nơi sinh
(Mục 2), (Mục 5): Thay trường thông tin về “hộ chiếu/giấy tờ hợp lệ thay thế” bằng
“giấy tờ có số định danh cá nhân”.
2. Thủ tục cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt
Nam - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Chỉ yêu cầu nộp Tờ khai (Mẫu
TP/QT-2013-TKXNCQTVIỆT NAM) và bản sao giấy tờ có số định danh cá nhân.
- Về Mẫu Tờ khai (Mẫu TP/QT-2013 -TKXNCQTVIỆT NAM
quy định tại Thông tư 05/2013/TTLT-BTP-BNG-BCA
ngày 31/01/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA): Không yêu cầu cung cấp
thông tin về giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi thường trú tại Việt
Nam trước khi xuất cảnh, giấy tờ chứng minh hiện nay đang có quốc tịch Việt Nam;
thay trường thông tin “giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu/giấy tờ có giá trị
thay thế” bằng “giấy tờ có số định danh cá nhân”.
IV. LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ CÔNG DÂN
Thủ tục đăng ký công dân Việt Nam tại cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ phải nộp
gồm: Bản chụp giấy tờ tùy thân và bản chụp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt
Nam quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008
(Đối với người nộp là người có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay
thế hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng). Thay vào đó, người nộp hồ sơ nộp bản
chụp giấy tờ tùy thân có số định danh cá nhân;
- Về Phiếu đăng ký công dân (Mẫu 01/NG-ĐKCD quy định
tại Thông tư 02/2011/TT-BNG ngày 27/06/2011
Hướng dẫn thủ tục đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài): Không yêu cầu cung cấp
thông tin về giới tính, ngày sinh, nơi sinh (Mục 1), giấy tờ chứng minh quốc tịch
Việt Nam (Mục 3), địa chỉ thường trú tại Việt Nam (Mục 5).
V. LĨNH VỰC HỘ TỊCH
1. Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch tại cơ
quan trong nước và tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - 02 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Ngoài Tờ khai, chỉ yêu cầu
người nộp hồ sơ xuất trình bản chính giấy tờ có số định danh cá nhân (nếu nộp
trực tiếp) hoặc nộp bản sao của giấy tờ này (nếu nộp qua đường bưu điện);
- Về Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch quy định
tại Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ
tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch: Phần thông tin về người được đề
nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch: Không yêu cầu cung cấp thông tin về giới
tính, dân tộc, giấy tờ tùy thân, quốc tịch.
2.Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở
nước ngoài và có quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- 01 thủ tục:
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ phải xuất
trình gồm: Hộ chiếu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận kết hôn của
cha, mẹ trẻ em (trường hợp cả cha, mẹ trẻ em đều là công dân Việt Nam, có số định
danh cá nhân và đã đăng ký kết hôn hoặc ghi vào sổ việc đăng ký kết hôn tại cơ
quan có thẩm quyền Việt Nam). Thay vào đó, người nộp hồ sơ xuất trình bản chính
giấy tờ có ảnh và số định danh cá nhân (nếu nộp trực tiếp) của cha, mẹ trẻ em
hoặc nộp bản sao giấy tờ này (nếu nộp qua đường bưu điện);
- Về Tờ khai đăng ký khai sinh quy định tại Thông
tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch
và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch: (i) Phần thông tin về người được
đăng ký khai sinh: Không yêu cầu cung cấp thông tin về quốc tịch; (ii) Phần
thông tin về cha, mẹ: Không yêu cầu cung cấp thông tin về năm sinh, dân tộc, quốc
tịch; thay vào đó đề nghị cung cấp thông tin về số định danh cá nhân (trường hợp
cả cha, mẹ trẻ em đều là công dân Việt Nam, có số định danh cá nhân).
3. Thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt
Nam tạm trú ở nước ngoài với nhau hoặc giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước
ngoài với người nước ngoài tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - 01 thủ
tục:
- Về thành phần hồ sơ: (i) Giấy tờ phải xuất trình:
Bỏ yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, thay vào đó yêu cầu
xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh và số định danh cá nhân; (ii) Giấy tờ phải nộp:
Bỏ yêu cầu phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân đối với bên kết hôn
là công dân Việt Nam (không đồng thời có quốc tịch nước ngoài) và có số định
danh cá nhân;
- Về Tờ khai đăng ký kết hôn quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị
định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
hộ tịch: Không yêu cầu cung cấp thông tin về ngày, tháng, năm sinh, dân tộc,
quốc tịch (trường hợp cả bên nam và bên nữ là công dân Việt Nam và có số định
danh cá nhân); đề nghị thay trường thông tin “Giấy tờ tùy thân” bằng “giấy tờ
có số định danh cá nhân”.
4.Thủ tục đăng ký lại việc kết hôn tại cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ: Không yêu cầu phải xuất
trình: Hộ chiếu hoặc Giấy chứng minh nhân dân; không yêu cầu phải nộp bản sao giấy
Chứng nhận kết hôn được cấp trước đây (đối với cá nhân là công dân Việt Nam và
có số định danh cá nhân); thay vào đó yêu cầu xuất trình giấy tờ có ảnh và số định
danh cá nhân;
- Về Tờ khai đăng ký lại kết hôn quy định tại Thông
tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch
và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch: Phần thông tin về người được
đăng ký lại kết hôn: Bỏ yêu cầu cung cấp thông tin ngày, tháng, năm sinh, dân tộc,
quốc tịch (trường hợp cả bên nam và bên nữ là công dân Việt Nam và có số định
danh cá nhân); thay trường thông tin “Giấy tờ tùy thân” bằng “giấy tờ có số định
danh cá nhân”.
5. Thủ tục Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
trong thời gian cư trú ở nước ngoài tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài - 01 thủ tục
- Về thành phần hồ sơ đối với trường hợp có số định
danh cá nhân: (i) Bỏ yêu cầu phải xuất trình hộ chiếu hoặc Giấy chứng minh nhân
dân; bỏ yêu cầu nộp bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, bản sao Giấy
chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh chồng/vợ đã chết, Giấy xác nhận tình trạng hôn
nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đề nghị thường trú trước khi xuất cảnh,
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi
công dân Việt Nam đã cư trú trước đây cấp. Thay vào đó yêu cầu công dân Việt
Nam nộp bản sao giấy tờ có ảnh và số định danh cá nhân;
- Về Tờ khai cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày
16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch:
Phần thông tin về người được đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Không
yêu cầu cung cấp thông tin về giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, dân tộc,
quốc tịch, tình trạng hôn nhân; thay trường thông tin “Giấy tờ tùy thân” bằng
“giấy tờ có số định danh cá nhân”.
6. Nhóm các thủ tục khác được thực hiện tại cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm: Đăng ký lại việc khai sinh cho trẻ
em sinh ra ở nước ngoài và có quốc tịch Việt Nam; đăng ký khai tử cho công dân
Việt Nam chết ở nước ngoài; đăng ký lại việc khai tử; đăng ký việc nhận cha, mẹ,
con giữa các công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài với nhau; đăng ký việc giám
hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc giữa công dân Việt
Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài; đăng ký việc thay đổi, cải chính,
bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, điều chỉnh hộ tịch;
cấp trích lục bản sao các giấy tờ hộ tịch; ghi vào sổ việc kết hôn của công dân
Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài ở nước ngoài;
ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được
giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ
tịch khác của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền
nước ngoài (giám hộ, nhận cha/mẹ, con, nuôi con nuôi, khai tử) tại cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài -10 thủ tục:
- Về Tờ khai liên quan quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị
định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
hộ tịch: Chỉ yêu cầu 03 trường thông tin nhân thân cơ bản về họ tên, số định
danh cá nhân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với
các trường thông tin nhân thân còn lại của công dân, cơ quan nhà nước tự khai
thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vì đã có sẵn trên Cơ sở dữ liệu.
B. TRÁCH NHIỆM THỰC THI
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA
I. ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT, NGHỊ ĐỊNH
1. Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ,
cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, trình Chính phủ ban hành: Nghị
định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của
Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
2. Giao các bộ, cơ quan liên quan chủ trì, phối hợp
với Bộ Ngoại giao hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật
sau đây, trình Chính phủ ban hành:
- Nghị định 97/2014/NĐ-CP
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch
Việt Nam;
- Nghị định số 78/2009/NĐ-CP
ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Quốc tịch Việt Nam;
- Nghị định số 136/2007/NĐ-CP
ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
- Nghị định số 94/2015/NĐ-CP
ngày 16/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về
xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP
ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành luật hộ tịch.
II. ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ HOẶC
BÃI BỎ CÁC THÔNG TƯ, THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
1. Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ,
cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc
bãi bỏ các thông tư, thông tư liên tịch dưới đây:
- Thông tư 02/2011/TT-BNG
ngày 27/6/2011 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục đăng ký công dân Việt Nam ở
nước ngoài;
- Thông tư số 01/2012/TT-BNG
ngày 20/3/2012 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định
số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính
phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự;
- Thông tư số 03/2016/TT-BNG
ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung
hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị cấp thị thực;
- Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại
giao và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện
ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
2. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ
quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc
bãi bỏ các thông tư, thông tư liên tịch dưới đây:
- Thông tư số 15/2015/TT-BTP
ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
- Thông tư số 08/2010/TT-BTP
của Bộ Tư pháp hướng dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc
về quốc tịch;
- Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 của Bộ
Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;
- Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA của Bộ Tư pháp, Bộ
Ngoại giao và Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số
05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 của
Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
3. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ
quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc
bãi bỏ các thông tư liên tịch dưới đây:
- Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 06/10/2009 của Bộ
Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông
hành ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP
của Chính phủ;
- Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20 tháng 8 năm 2013
của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên
tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG./