ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 140/KH-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
31 tháng 12 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN
2021-2025
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức
ngày 13/11/2008, Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số
101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, viên chức;
Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg
ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Chỉ thị số 28/CT-TTg
ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm
chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Quyết định số
1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương
trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn
2019 - 2030”;
Căn cứ Văn bản số 4209/BNV-ĐT
ngày 15/8/2020 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2021;
Căn cứ Quyết định số
18/2017/QĐ-UBND , ngày 13/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của lãnh đạo,
quản lý tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên
chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại
Tờ trình số 544/TTr-SNV ngày 30/12/2020,
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025, gồm
các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng,
hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, viên chức phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đối tượng theo quy định; phải
gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp hoặc chức danh quy hoạch. Thực
hiện có hiệu quả việc phân công, phân cấp, phối hợp, quản lý, giám sát và đánh
giá chặt chẽ nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên
chức.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gắn với chức danh, vị trí việc làm và
chức danh nghề nghiệp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Tạo sự chuyển biến mạnh
mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức của tỉnh chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và
năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đào tạo sau đại học:
Cử 496 cán bộ, công chức, viên
chức, trong đó nữ 304 người (chiếm 61,13%) đi đào tạo sau đại học, góp
phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển
trong tình hình mới.
Khuyến khích cán bộ, công chức,
viên chức tự đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
2.2. Bồi dưỡng:
a) Bồi dưỡng kiến thức quản lý
nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức (ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch
chuyên viên chính và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương); bồi dưỡng
theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Phấn đấu đến năm 2025: 100%
công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công
chức hiện giữ và tiêu chuẩn ngạch công chức của chức danh, vị trí được quy hoạch;
100% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định.
b) Bồi dưỡng kiến thức quản lý
nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ gồm: Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp
sở và tương đương; bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện; bồi dưỡng lãnh đạo,
quản lý cấp phòng và tương đương.
Phấn đấu hằng năm 100% cán bộ,
công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm
chức vụ lãnh đạo, quản lý; 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng
năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm.
c) Bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học,
tiếng dân tộc thiểu số
- Bồi dưỡng ngoại ngữ theo
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg
ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia
về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030”;
- Bồi dưỡng tin học theo chuẩn
kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin ban hành kèm theo Thông tư số
03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bồi
dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng xây dựng, vận hành chính quyền điện
tử.
- Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu
số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định
771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức
dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”.
d) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng
chuyên ngành bắt buộc hằng năm; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm (kiến
thức về hội nhập quốc tế; kỹ năng, năng lực tổ chức thi hành pháp luật, theo
dõi thi hành pháp luật; đạo đức, văn hóa công vụ; quản lý nhà nước về đầu tư nước
ngoài, thương mại điện tử, ...; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính
quyền điện tử và các nội dung khác theo chỉ đạo của Chính phủ).
Phấn đấu bảo đảm hằng năm ít nhất
80% công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng về đạo đức công vụ,
70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; hằng
năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng
cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
đ) Bồi dưỡng kiến thức quốc
phòng và an ninh theo tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức.
e) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng
theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán
bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức
danh, chức vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã. Hằng năm, ít nhất 60% cán bộ,
công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng, phương
pháp, đạo đức công vụ.
Đến năm 2025, 100% cán bộ, công
chức và 80% viên chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc
thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công
tác.
Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động
ít nhất 01 lần trong thời gian 02 năm.
2.3. Bồi dưỡng đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp
- 100% đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ
năng và phương pháp hoạt động.
- Đại biểu được bồi dưỡng cập nhật
kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong nhiệm kỳ.
III. ĐỐI TƯỢNG,
ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, SỐ LƯỢNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Đối tượng đào tạo sau đại
học
- Cán bộ, công chức: Đang công
tác tại các cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức
chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.
-
Viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành; đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; đơn vị sự nghiệp
công lập thuộc khối đảng, đoàn thể (đối với viên chức ngành giáo dục thực hiện
theo Luật Giáo dục ngày 14/6/2019; đối với viên chức ngành y tế tuyến xã thực
hiện theo quy định chuẩn của ngành y tế).
2.
Điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo sau đại học
- Đối
với cán bộ, công chức: Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều
6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức.
- Đối
với viên chức: Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức.
3.
Số lượng đào tạo sau đại học
- Đào
tạo tiến sĩ: 11 viên chức.
- Đào
tạo chuyên khoa II: 44 viên chức.
- Đào
tạo chuyên khoa I: 123 công chức, viên chức (trong đó: công chức 01 người,
viên chức 122 người);
- Đào
tạo thạc sĩ: 318 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó: cán bộ, công chức
190 người, viên chức 128 người);
(Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn
vị đăng ký cử đi đào tạo tại biểu kèm theo).
IV. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG BỒI DƯỠNG, SỐ LƯỢNG BỒI DƯỠNG
1.
Đối tượng bồi dưỡng
- Cán
bộ, công chức: Đang công tác tại các cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng Cộng
sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
-
Viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành; đơn vị
sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; đơn vị sự nghiệp
công lập thuộc khối đảng, đoàn thể.
2.
Nội dung bồi dưỡng
2.1.
Đối với cán bộ, công chức
- Bồi
dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức cho cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức
cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
- Bồi
dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương, cấp huyện cho lãnh đạo và cán bộ,
công chức được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo cấp sở và tương đương, cấp
huyện; lãnh đạo cấp phòng và cán bộ, công chức được quy hoạch vào các chức danh
lãnh đạo cấp phòng.
- Bồi
dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên
ngành bắt buộc hằng năm cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp
huyện, cấp xã.
2.2.
Đối với viên chức
- Bồi
dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức; bồi dưỡng kiến thức
quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức cho viên chức giữ chức danh
nghề nghiệp hạng tương đương làm việc ở bộ phận hành chính, tổng hợp, quản trị
văn phòng, kế hoạch, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bồi
dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương cho lãnh đạo và viên chức được
quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bồi
dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương cho viên chức lãnh đạo, quản
lý phòng, khoa, ban hoặc các đơn vị tương đương của đơn vị sự nghiệp công lập;
người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công
lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu
đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh và những người được quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp
phòng và tương đương.
2.3.
Số lượng bồi dưỡng
Hằng
năm, căn cứ nhu cầu bồi dưỡng của các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố, Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch bồi
dưỡng.
V. KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Thực
hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của
Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về vị trí, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên
chức; xác định đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, góp phần
thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa
phương.
2.
Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức,
viên chức về trách nhiệm không ngừng học tập và tự nâng cao trình độ, đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
3.
Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng.
Huy động các nguồn lực để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức.
4.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển
dụng cán bộ, công chức, viên chức. Cải tiến việc đánh giá cán bộ, công chức,
viên chức gắn với chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Sở Nội vụ:
- Hằng năm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng về
chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.
- Thẩm
định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng.
-
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị việc thực hiện Kế hoạch này và
nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo; tổng hợp kết quả
thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
2.
Sở Tài chính: Tham mưu với Ủy ban nhân dân
tỉnh bố trí, bảo đảm kinh phí cho công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức
giai đoạn 2021-2025 và kinh phí bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng
năm.
3.
Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Trình cấp có thẩm quyền hoặc cử cán bộ, công chức, viên chức
đi đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp quản lý và Kế hoạch này.
Trong
quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết
hoặc cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế, các cơ quan, đơn
vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bằng văn bản (gửi Sở Nội vụ tổng hợp,
đề xuất) để xem xét, giải quyết theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ
(Báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (Báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị tại biểu Kế hoạch;
- Chánh VP UBND tỉnh;
- Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- TP Nội chính, HC-TC; TH (Huy);
- Lưu: VT, NC (Thg).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Việt Phương
|