VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 127/KH-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẶC BIỆT “CẢ NƯỚC ĐOÀN KẾT, CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG THI
ĐUA PHÒNG, CHỐNG VÀ CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID-19”
Căn cứ Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc
biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng
đại dịch COVID-19” ban hành kèm theo Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của
Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao xây dựng kế hoạch
thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Phát huy sức mạnh của toàn ngành Kiểm sát nhân
dân (KSND), tập trung cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 với phương
châm "phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường
xuyên", góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa hoàn thành tốt
nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, bảo đảm đời sống, bảo
vệ sức khỏe công chức, viên chức và người lao động ngành KSND.
- Tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm
sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh
COVID-19 góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật
tự, an toàn xã hội.
- Tổ chức phong trào thi đua với nội dung và hình
thức phù hợp, thiết thực nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân
tương ái, động viên, lôi cuốn toàn ngành KSND tích cực, chủ động tham gia
phòng, chống đại dịch COVID-19.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng
bộ toàn ngành KSND.
- Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân
rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các mô hình tiêu biểu,
những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống đại dịch
COVID-19.
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về thi đua,
khen thưởng.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHONG
TRÀO THI ĐUA
1. Đối tượng
Tập thể, cá nhân trong ngành KSND có thành tích xuất
sắc tham gia phong trào thi đua phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tập trung phát hiện và đề nghị khen thưởng:
- Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong
công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội
phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 03/CT-VKSTC
ngày 03/4/2020;
- Tập thể, cá nhân tham gia trực tiếp; hỗ trợ, giúp
đỡ công tác phòng, chống đại dịch;
- Tập thể, cá nhân có ý tưởng mới, sáng tạo tham
gia tuyên truyền, cổ vũ, động viên, trợ giúp hiệu quả công tác phòng, chống đại
dịch.
2. Nội dung phong trào thi đua
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các đơn
vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao và VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương tổ chức hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề,
nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực
tham gia thi đua đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh; tiến tới “thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP
ngày 11/10/2021 của Chính phủ; chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động trong Ngành, tập trung thi đua thực hiện các nội
dung chủ yếu sau:
2.1. Thi đua thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết,
Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc
hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VKSND tối cao về công tác phòng, chống đại
dịch COVID-19. Tham gia triển khai quyết liệt, mạnh mẽ việc tiêm phòng vắc xin
COVID-19. Thực hiện các giải pháp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động trong Ngành. Đề cao vai trò, trách nhiệm của
người đứng đầu các đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện
các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống đại dịch.
2.2. Thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp trong
công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tăng cường hiệu quả công tác góp phần hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, huy động các nguồn lực phục vụ công tác
phòng, chống đại dịch trong hoàn cảnh vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện nhiệm
vụ chuyên môn.
2.3. Thi đua bảo đảm chăm lo đời sống, bảo vệ sức
khỏe cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành KSND; tiếp tục có
biện pháp thiết thực, cụ thể hỗ trợ cho công chức, viên chức, người lao động
trong Ngành nhất là ở vùng có dịch vượt qua khó khăn trong đại dịch.
2.4. Thi đua phối hợp cùng các cơ quan chức năng giữ
vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,
không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động đấu tranh với các thế
lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đại dịch để gây
rối, chống phá.
2.5. Thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
trong công tác chuyên môn nghiệp vụ cũng như công tác phòng, chống đại dịch
COVID-19; tham gia tuyên truyền để người dân nói chung và cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động trong ngành KSND nói riêng hiểu, tin tưởng, thực hiện
các biện pháp phòng, chống đại dịch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính
quyền các cấp triển khai.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Nhằm tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ,
với tinh thần “triệu trái tim, một ý chí”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động trong ngành KSND phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết,
năng động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng,
sinh động phù hợp với các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 và những yêu
cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống đại dịch để nâng cao nhận thức, ý thức cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động; cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động thi đua chấp hành tốt các quy định của chính quyền các cấp; phát huy
truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng hỗ trợ,
giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
2. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng
VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ
đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể phát huy cao độ tinh
thần trách nhiệm, tính sáng tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ưu tiên các nguồn
lực và khả năng cho công tác phòng, chống dịch. Phát động, triển khai phong
trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực, phát
huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị trong triển khai, tổ chức thực hiện
có hiệu quả phong trào thi đua.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công
tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường làm việc trực tuyến, làm việc từ xa
góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh
COVID-19; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; mở các chuyên trang,
chuyên mục biểu dương gương người tốt, việc tốt và các mô hình tiêu biểu vừa
hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa chống dịch hiệu quả, những cách làm hay
trong công tác phòng, chống dịch để nhân rộng điển hình tiên tiến. Phối hợp với
các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống
dịch.
4. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các
tập thể làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống đại dịch. Tập trung
phát hiện, khen thưởng tập thể, cá nhân trong ngành KSND có thành tích xuất sắc
trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử
lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các tập thể, cá nhân
trực tiếp tham gia, hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ công tác phòng, chống dịch và các tập
thể, cá nhân có ý tưởng mới, sáng tạo tham gia tuyên truyền cổ vũ, động viên,
trợ giúp hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch.
5. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng
VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân
công rõ trách nhiệm cho các thành viên trong quá trình chỉ đạo, theo dõi, hướng
dẫn, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở các lĩnh
vực, địa bàn cụ thể.
IV. TIÊU CHÍ THI ĐUA, HÌNH THỨC,
TIÊU CHUẨN VÀ THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chí thi đua
Các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao và
VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các quy định về
phòng, chống đại dịch COVID-19, thực hiện tốt biện pháp 5K và các tiêu chí thi
đua cụ thể sau:
- Thi đua thực hiện tốt, hoàn thành xuất sắc các
nhiệm vụ phòng, chống đại dịch COVID-19 được Trung ương và Viện trưởng VKSND tối
cao giao. Theo dõi sát diễn biến tại địa phương, khu vực, chủ động phân tích,
đánh giá, dự báo, đề xuất các phương án, kịch bản ứng phó, các giải pháp tổng
thể, đồng bộ; chủ động chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để
phòng, chống đại dịch hiệu quả.
- Thi đua phối hợp tốt với Cơ quan điều tra, Tòa án
cùng cấp để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên
quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đáp ứng yêu cầu chính trị của địa
phương. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền thông qua việc thực hiện
chức năng, nhiệm vụ.
- Thi đua tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giam,
giữ bị can, bị cáo, phạm nhân tại các cơ sở giam giữ trên cả nước để phòng, chống
dịch bệnh.
- Thi đua tuân thủ tuyệt đối việc áp dụng các quy định
về phòng, chống dịch bệnh trong quá trình tiến hành các hoạt động nghiệp vụ;
trong việc áp dụng phương thức kiểm sát; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng
các trang thiết bị điện tử hiện có trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng.
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng
VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động
nắm bắt thông tin, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ
quan, đơn vị để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Công chức, viên chức, người lao động trong ngành
KSND thi đua chấp hành tốt các quy định của chính quyền nơi cư trú về phòng, chống
dịch, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua
khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 góp phần
sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.
2. Hình thức và tiêu chuẩn khen
thưởng
2.1. Hình thức khen thưởng:
- Huân chương Lao động;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao;
- Giấy khen.
2.2. Tiêu chuẩn khen thưởng:
Căn cứ thành tích trong công tác phòng, chống dịch
COVID-19, việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được
thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng, cụ thể như sau:
- Huân chương Lao động
Để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể
có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch, có phạm
vi ảnh hưởng và nêu gương, lan tỏa trong toàn quốc hoặc có đóng góp lớn về vật
chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết góp phần tích cực vào công tác
phòng, chống dịch bệnh, được cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Để tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành
tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch hoặc có nhiều đóng
góp về vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết; có ý tưởng sáng tạo;
tham gia tuyên truyền, cổ vũ, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch
bệnh, được nêu gương trong ngành KSND hoặc ở địa phương.
- Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao
Để tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều
thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, được Ngành
và địa phương ghi nhận.
- Giấy khen
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng
VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tặng
Giấy khen theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân thực sự có thành tích xuất sắc
trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
3. Thủ tục, hồ sơ đề nghị khen
thưởng
3.1. Thủ tục
Việc đề nghị khen thưởng thực hiện theo trình tự thủ
tục đơn giản quy định tại Điều 48 Thông tư 01/2019/TT-VKSTC
ngày 14/5/2019 quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành KSND được
sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 01/2020/TT-VKSTC ngày 15/12/2020 của Viện trưởng
VKSND tối cao
3.2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục
đơn giản
- Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị khen thưởng (kèm theo
danh sách các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng); Bản tóm tắt thành tích do
cơ quan, đơn vị trình đề nghị khen thưởng lập, trong đó ghi rõ thành tích, cấp
độ và phạm vi ảnh hưởng của thành tích đối với công tác phòng, chống đại dịch
COVID-19.
- Đối với Huân chương Lao động hồ sơ gồm 04 bộ (bản
chính).
- Đối với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hồ sơ gồm
03 bộ (bản chính).
- Đối với Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao hồ
sơ gồm 01 bộ (bản chính).
- Đối với Giấy khen:
+ Các đơn vị: Cơ quan điều tra, Trường Đại học kiểm
sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí
Minh, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương: Hồ sơ lưu tại đơn vị.
+ Các đơn vị thuộc VKSND tối cao (trừ các đơn vị
nêu trên) gửi quyết định và báo cáo tóm tắt thành tích về Vụ Thi đua - Khen thưởng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng
VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ
vào nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức Phong trào thi đua thực
hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa
phòng, chống đại dịch COVID-19, bảo đảm đời sống, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động.
2. Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và các
trang thông tin điện tử trong ngành KSND phối hợp với các đơn vị có liên quan
thuộc Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương điển
hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong Phong trào thi đua.
3. Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao giúp Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng ngành KSND hướng dẫn thủ tục, thẩm định hồ sơ, tổng
hợp danh sách đề nghị khen thưởng.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị
trao đổi với Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao để được giải đáp./.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSND tối cao (để
b/c);
- Lãnh đạo VKSND tối cao;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19
VKSND tối cao;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao (để đăng tải);
- Lưu: VT, V16.
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Hải Trâm
|