ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 31/2014/CT-UBND
|
Thành phố Hồ
Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH VIỆC
THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện
Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính, sự nghiệp đã được
các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ
đạo triển khai thực hiện, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt được nhiều
kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức về quyền làm chủ của nhân dân,
thu hút mọi người tham gia quản lý Nhà nước, giám sát hoạt động của chính quyền,
từng bước khắc phục tình trạng sách nhiễu, quan liêu, mất dân chủ.
Nhìn chung, nhận thức cán bộ, công chức, Ban
điều hành khu phố, ấp, tổ nhân dân và nhân dân về thực hiện Quy chế dân chủ ở
xã, phường, thị trấn từng bước được nâng lên; phần lớn chính quyền xã, phường,
thị trấn đã thực hiện nghiêm túc các nội dung công khai, thông báo để nhân dân
biết, tham gia ý kiến, giám sát… theo quy định. Nhờ đó, nhân dân đã phát huy
quyền làm chủ, tích cực tham gia bàn bạc thảo luận và quyết định những vấn đề
quan trọng, thiết thực, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân; tự
nguyện, tự giác tham gia các phong trào của địa phương, hiến kế xây dựng chính
quyền ngày càng vững mạnh.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động
cơ quan được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo thực hiện; thường
xuyên rà soát, bổ sung nội dung thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; các chế độ
chính sách được cụ thể hóa bằng các quy định, quy chế, quy trình và công khai
cho cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức phù hợp; tiếp tục tăng
cường cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân,
doanh nghiệp.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tác động
tích cực đến việc sửa đổi lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ làm việc của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự
nghiệp theo hướng dân chủ, công khai hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn; góp phần
mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo
đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nông
thôn, chỉnh trang đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở công sở, khu dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc
triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn và trong
hoạt động cơ quan vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, như: công tác triển
khai, tuyên truyền các văn bản về quy chế dân chủ chưa được quan tâm đúng mức,
hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; một số cấp ủy, chính quyền xã,
phường,
thị trấn chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm
trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là lĩnh vực quản lý đất
đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình
thức vẫn còn xảy ra; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công
chức, viên chức chưa cao, vẫn còn phản ánh của nhân dân về tình trạng nhũng
nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và
thực hiện nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát ở một số đơn vị chưa được quan
tâm thực hiện đúng mức và chưa thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh các
quy chế, quy định cho phù hợp.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục
những hạn chế; tiếp tục thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn
Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo:
1. Các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện
thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau:
a) Tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác quán
triệt, phổ biến, tuyên truyền các quan điểm của Đảng, Pháp lệnh số 34/2007/UBTVQH
ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở
xã, phường, thị trấn; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của
Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; chỉ
đạo của Thành ủy về Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ,
công chức, viên chức, ý thức chính trị, quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự
chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội, trong đó cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu.
b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số
71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ, gắn thực hiện dân chủ ở
cơ sở với cải cách thủ tục hành chính nhất là thường xuyên rà soát, loại bỏ
hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù
hợp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho
người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt việc công khai minh bạch về tài chính,
chế độ chính sách, công tác cán bộ. Hình thức công khai phong phú, đa dạng và
linh hoạt phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị đảm bảo tất cả các thông
tin đều đến được với cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên rà soát quy chế
tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc, các quy chế, quy định khác có liên quan
để ban hành, sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện
tốt các nội dung, hình thức công khai theo đúng quy định tại Quyết định số
05/2014/QĐ- TTg ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về công khai
chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi
ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân tham
gia đóng góp ý kiến và giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân
hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
c) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy
chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước
gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với công tác dân vận của chính quyền
và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng
hiện nay, phối hợp thực hiện tốt Chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới.
Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng những cơ
quan, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
2. Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo Ủy
ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện Pháp lệnh số
34/2007/PL-UBTVQH ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tập trung giám sát thực hiện dân chủ ở cơ
sở, các nội dung chính quyền phải công khai cho dân biết theo quy định như: chủ
trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng cơ
sở hạ tầng, phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư, các quỹ vận động nhân
dân đóng góp; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, hiệu
quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực
tiếp với nhân dân tổ dân phố, ấp. Hình thức công khai phải phong phú, đa dạng
và địa điểm công khai phải thuận tiện cho người dân theo dõi, tránh tình trạng
niêm yết công khai các văn bản đã hết hiệu lực, cũ, rách.
3. Sở Tài chính rà soát những bất cập, vướng mắc
trong các quy định về công khai dân chủ trong lĩnh vực tài chính ở các cơ quan,
đơn vị và có văn bản hướng dẫn; phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện
hướng dẫn nội dung công khai việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu
tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với xã, phường, thị trấn; các khoản
huy động nhân dân đóng góp.
4. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các
cơ quan liên quan chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hướng dẫn
các khu phố, ấp tổ chức rà soát điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các hương ước, quy
ước cho phù hợp với thực tế và đúng quy định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Thành phố hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cụ thể nội dung
thực hiện chức năng giám sát đầu tư cộng đồng đối với các dự án, công trình
đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn thực hiện theo Quyết định số
80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành
Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-
UBTƯMTTTQVN-TC ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg
ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các
sở - ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện hướng dẫn nội dung
công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, phương án điều chỉnh quy
hoạch khu dân cư trên địa bàn xã, phường, thị trấn, phương án đền bù, hỗ trợ
giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến các dự án, công trình trên địa
bàn xã, phường, thị trấn.
7. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, tham mưu
Ủy ban nhân dân Thành phố định kỳ sơ kết, tổng kết Pháp lệnh số
34/2007/PL-UBTVQH ngày 06 tháng
4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9
năm 1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của
cơ quan và báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 06 tháng, hàng
năm.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các
sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các cơ quan, đơn vị có
liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp,
trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày,
kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Các Đoàn thể Thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Các Sở - ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Trung tâm Công báo;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT (VX-Nh) D.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tất Thành Cang
|