ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/CT-UBND
|
Quảng
Ngãi, ngày 19 tháng 12 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
VÀ BẢO ĐẢM TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Qua 09 năm thực hiện Luật Thi hành án
hình sự số 53/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII và 08 năm thực hiện Nghị định số
80/2011/NĐ-CP , ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái
hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có thể thấy rằng
công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và bảo đảm các biện pháp
tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, kiểm sát của
các cơ quan chức năng, công tác thi hành án hình sự tại cấp xã vẫn còn một số tồn
tại thiếu sót, nhiều UBND cấp xã chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn
trong công tác này như: Chưa có kế hoạch tổ chức quản lý, giám sát người chấp
hành án theo đúng quy định của pháp luật; vẫn còn tình trạng khoán trắng công
tác này cho lực lượng Công an cấp xã; việc bố trí thời gian để theo dõi, giáo dục,
giúp đỡ người chấp hành án còn ít, chưa thường xuyên; còn biểu hiện hợp thức
hóa hồ sơ thi hành án, dẫn đến tình trạng người chấp hành án coi thường pháp luật,
không chấp hành nghĩa vụ thi hành án; việc theo dõi, đề nghị xét giảm thời hạn
chấp hành án phạt tại cấp xã còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp
giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan Công an và chính quyền cơ sở ở
nhiều địa phương trong việc theo dõi, quản lý các đối tượng tại ngoại, hoãn, tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù còn thiếu chặt chẽ...
Để chấn chỉnh những hạn chế, thiếu
sót nêu trên; đồng thời, để tăng cường công tác thi hành án hình sự tại xã, phường,
thị trấn và bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch
UBND tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan trung
ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan
báo chí, đài phát thanh, truyền hình phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ,
công chức, viên chức và Nhân dân nắm vững các nội dung của Luật Thi hành án
hình sự năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) và thực hiện đúng theo
chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Công an tỉnh
- Tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố
hệ thống tổ chức và hoạt động của cơ quan Thi hành án hình sự các cấp; bố trí
cán bộ, ưu tiên phương tiện, kinh phí để duy trì hoạt động theo đúng quy định;
chú trọng việc bố trí cán bộ Công an xã chính quy đảm nhiệm về công tác thi
hành án hình sự đối với người chấp hành án phạt tại cấp xã.
- Thực hiện tốt các hoạt động tập huấn
nghiệp vụ, pháp luật về thi hành án hình sự tại cấp xã và các văn bản hướng dẫn
thi hành cho lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ trực tiếp làm công tác này trong lực
lượng Công an các cấp và UBND cấp xã. Tổ chức rà soát, thống kê, lên danh sách,
lập hồ sơ quản lý toàn bộ số người chấp hành án hình sự ngoài xã hội.
- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với
cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát từ tỉnh đến huyện, UBND huyện, thành phố để tổ chức
thực hiện nghiêm chỉnh việc thi hành các bản án, quyết định thi hành án hình sự.
Tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận các bản án, quyết định thi hành án hình sự
tại cấp xã và các tài liệu có liên quan từ cơ quan Tòa án; rà soát, thống kê
toàn bộ những người bị kết án tù ngoài xã hội để theo dõi, quản lý và tổ chức
áp giải, truy bắt khi có quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan Tòa án. Phối hợp
làm tốt công tác xét giảm án phạt tại cấp xã đối với những người chấp hành án
đã đủ điều kiện theo quy định.
- Tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo,
chỉ đạo có hiệu quả 03 Đề án: “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp
hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” giai đoạn 2015 - 2020; “Tha
tù trước thời hạn có điều kiện trên địa bàn tỉnh”; “Tăng cường phổ biến, giáo dục
pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp
tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng
đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 -
2021”.
3. Sở Tư pháp
- Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan
liên quan triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án hình sự
năm 2019 và tuyên truyền pháp luật về công tác thi hành án hình sự tại cấp xã.
- Cập nhật thông tin về xóa án tích
và thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tạo điều kiện cho người chấp hành xong
án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị
định số 80/2011/NĐ-CP , ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo
đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
4. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
Tham mưu việc ban hành, xây dựng cơ
chế, chính sách xã hội hợp lý để khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, cơ sở
đào tạo, xã hội nghề nghiệp tích cực tham gia công tác thi hành án hình sự tại
cấp xã; vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng.
5. Sở Thông tin
và Truyền thông, Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi
Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ
quan chức năng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thi hành án hình
sự năm 2019, công tác thi hành án hình sự tại cấp xã nhằm tạo sự chuyển biến về
nhận thức và hành động đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan
và Nhân dân trong công tác thi hành án hình sự tại cơ sở.
6. Sở Tài chính,
Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND
tỉnh xem xét, hỗ trợ cấp kinh phí, bảo đảm phục vụ triển khai tốt công tác thi
hành án hình sự tại cấp xã và công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh)
Phối hợp với Công an tỉnh kịp thời đề
xuất UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn
và bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
8. UBND các huyện,
thành phố
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các
ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng có liên quan phát huy vai trò, trách
nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện công tác thi hành án hình sự tại
cấp xã và công tác tái hòa nhập cộng đồng. Chú trọng nâng cao nhận thức cho đội
ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chủ chốt để chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức
thực hiện tốt công tác này.
- Hằng năm, có phương án, kế hoạch chỉ
đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục các
đối tượng chấp hành hình phạt tại cấp xã như án treo, cải tạo không giam giữ, cấm
cư trú, trục xuất, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất
định, các đối tượng có án phạt tù ngoài xã hội theo quy định của Luật Thi hành
án hình sự.
- Tổ chức lồng ghép các chương trình
phát triển kinh tế, xã hội với chương trình chung tay góp sức cùng cộng đồng,
tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý thi
hành án hình sự tại cấp xã. Đồng thời, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, xã hội hóa công tác
thi hành án hình sự tại cấp xã một cách tích cực, hiệu quả.
- Cân đối ngân sách, bố trí một phần
kinh phí phục vụ công tác thi hành án hình sự tại cấp xã cũng như công tác tái
hòa nhập cộng đồng, trong đó, chú trọng đến công tác xây dựng, nhân rộng các mô
hình, điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; tranh thủ các
nguồn lực xã hội để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng.
- Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm
tra việc chấp hành pháp luật của những người chấp hành án tại cấp xã; kịp thời
chấn chỉnh và yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân
và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm khắc những
trường hợp cố tình vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Kịp thời biểu
dương, động viên và xem xét, đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, giảm thời hạn
chấp hành án theo quy định cho những người chấp hành án tích cực, tiến bộ, lao
động học tập tốt, lập công để khuyến khích họ phấn đấu, cải tạo thành người có
ích cho xã hội.
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện có hiệu quả 03 Đề án: Quyết định số 1603/QĐ-UBND , ngày 22/9/2015 của
UBND tỉnh về ban hành Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp
hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2015 - 2020; Kế hoạch
2814/KH-UBND , ngày 15/5/2017 về triển khai Đề án “Tha tù trước thời hạn có điều
kiện trên địa bàn tỉnh” và Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 14/5/2018 của Chủ tịch
UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người
đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện
pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên
vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021”.
9. Đề nghị Tòa án
nhân dân tỉnh
- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng
dẫn Tòa án nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác thi hành án
hình sự tại cấp xã. Phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp tiến hành chỉ đạo việc
rà soát, thống kê những người bị kết án là đối tượng chấp hành hình phạt tại cấp
xã trước đây mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa lập hồ
sơ quản lý hoặc đã có hồ sơ nhưng bị thất lạc, mất mát, hư hỏng... kịp thời bổ
sung đầy đủ theo quy định, chuyển giao cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an
cấp huyện có thẩm quyền để lập hồ sơ đưa vào diện quản lý.
- Chỉ đạo Tòa án nhân dân huyện, thành
phố tiến hành rà soát các đối tượng bị kết án phạt tù đang tại ngoại, bản án đã
có hiệu lực pháp luật, có quyết định thi hành án nhưng trốn tránh việc thi hành
án để đề nghị cơ quan Công an tổ chức truy bắt, áp giải thi hành án. Tổ chức tốt
việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tại cấp xã cho người chấp hành án có
đủ điều kiện theo quy định.
10. Đề nghị cơ
quan Viện Kiểm sát nhân dân các cấp
- Chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp
giữa Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an trong chỉ đạo và triển khai thực hiện
công tác thi hành án hình sự tại cấp xã.
- Phối hợp tăng cường kiểm tra, giám
sát công tác thi hành án hình sự tại cấp xã. Phát hiện và xử lý nghiêm những
trường hợp vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự tại cấp xã theo thẩm quyền.
11. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Phát huy vai trò, trách nhiệm trong
công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn. Chủ trì, phối hợp thực
hiện có hiệu quả các đề án, chương trình về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, đồng thời kết hợp lồng ghép công tác vận
động quần chúng tích cực tham gia quản lý, giáo dục người chấp hành án hình sự
tại cấp xã và công tác tái hòa nhập cộng đồng góp phần bảo đảm an ninh, trật tự
ở địa phương.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và yêu cầu Thủ trưởng các sở,
ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả. Định kỳ hằng năm (trước ngày 18/11) sơ kết và báo
cáo kết quả cho UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- V01, V03, C11 - Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các cơ quan: Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Thi hành án, Viện kiểm
sát, Tòa án nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và hội, đoàn thể tỉnh;
- Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Quảng Ngãi; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP; các phòng nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc,
CBTH;
- Lưu: VT, NCbdv410.
|
CHỦ
TỊCH
Trần Ngọc Căng
|