CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Thực hiện Chỉ thị số
14/2002/CT-UBBT ngày 12 tháng 3 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về
việc tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong
những năm qua, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương trên địa bàn
tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quy
hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; qua đó, các đô thị trong tỉnh từng bước đã được
đầu tư phát triển cơ bản đúng theo quy hoạch được duyệt.
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa diễn
ra khá nhanh và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước mới ban hành, nên
nhiều nội dung của Chỉ thị số 14/2002/CT-UBBT ngày 12 tháng 3 năm 2002 không
còn phù hợp, cụ thể:
Các văn bản quy phạm pháp luật mới
được ban hành hoặc sửa đổi, thay thế như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị,
Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ
bản và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo. Từ đó, nhiều Đồ án quy hoạch
xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh đã hết thời hiệu hoặc không còn phù hợp với
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhưng chậm được điều chỉnh, bổ
sung gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng một số Đồ án quy hoạch xây dựng đô
thị chưa cao, chưa đảm bảo tính dự báo và khả thi; nguồn vốn cho công tác lập
quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu.
Đồng thời, việc phối hợp giữa quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và
quy hoạch xây dựng đô thị có nhiều nội dung thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.
Công tác đầu tư và phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt nhiều nơi chưa
được quan tâm đúng mức; tình trạng đầu tư công trình không đúng theo quy hoạch
được duyệt còn khá phổ biến, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị còn nhiều
yếu kém, tồn tại.
Để khắc phục một số tồn tại, bất
cập nêu trên và nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý quy hoạch đô thị trên
địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã La Gi và UBND thành phố Phan Thiết:
a) Ủy ban nhân dân các huyện tập
trung rà soát và điều chỉnh các Đồ án quy hoạch chung đô thị trên địa bàn đã
hết niên hạn hoặc không còn phù hợp. Ủy ban nhân dân thị xã La Gi khẩn trương
hoàn thành việc lập các Đồ án quy hoạch phân khu các phường nội thị để triển
khai thực hiện quy hoạch chung đã được phê duyệt. Ủy ban nhân dân thành phố
Phan Thiết khẩn trương rà soát và điều chỉnh các Đồ án quy hoạch chi tiết
1/2000 (đã phê duyệt trước đây) đã hết niên hạn và không còn phù hợp thành quy
hoạch phân khu cho phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị; đồng thời phủ kín quy
hoạch phân khu trên địa bàn thành phố Phan Thiết (chậm nhất đến cuối tháng
12/2013 hoàn thành). Khi lập hoặc điều chỉnh các Đồ án quy hoạch phải tuân thủ
đầy đủ các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với yêu
cầu phát triển mới của đô thị.
b) Khẩn trương tổ chức lập quy chế
quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị một số tuyến đường chính trong
đô thị, xác định chỉ giới xây dựng các tuyến đường nội bộ, đường hẻm trong khu
dân cư đô thị để làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng (theo Nghị định
64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng).
c) Sau khi các Đồ án quy hoạch xây
dựng, quy hoạch đô thị được duyệt phải tổ chức công bố, công khai và đưa chỉ giới
quy hoạch ra ngoài thực địa để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện; cung cấp
thông tin quy hoạch, cấp chứng chỉ quy hoạch và cấp giấy phép quy hoạch cho tổ
chức, cá nhân khi có yêu cầu (theo thẩm quyền). Quá trình triển khai đầu tư công
trình trong đô thị hoặc chấp thuận dự án đầu tư (theo thẩm quyền) phải phù hợp
với quy hoạch được duyệt.
d) Thường xuyên chỉ đạo Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn phải tăng cường trách nhiệm trong quản lý xây dựng
trên địa bàn; khi phát hiện công trình xây dựng không phép hoặc sai giấy phép
xây dựng, không phù hợp với quy hoạch được duyệt phải tiến hành xử lý hoặc trình
cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm đối với cán bộ buông
lỏng trách nhiệm quản lý theo quy định.
e) Tăng cường củng cố tổ chức, bộ
máy quản lý nhà nước về xây dựng từ cấp xã đến cấp huyện đảm bảo đủ điều kiện
về năng lực để quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt.
2. Sở Xây dựng:
a) Chủ động tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh triển khai thực hiện các quy định của Trung ương; tham mưu ban hành
các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để triển khai thực hiện.
b) Đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp
với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong việc xem xét điều
chỉnh các Đồ án quy hoạch đã hết thời hiệu hoặc không còn phù hợp với tình hình
phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Khi thẩm định hoặc thoả thuận các
Đồ án quy hoạch đô thị theo đúng các quy định pháp luật để trình cấp thẩm quyền
phê duyệt, phải đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao. Hướng dẫn các địa
phương trong công tác quản lý xây dựng và triển khai các Đồ án quy hoạch được
duyệt ra thực địa.
c) Hướng dẫn và phối hợp với các
địa phương lập và trình duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị;
thiết kế đô thị tại một số tuyến đường chính trong đô thị; xác định chỉ giới
xây dựng các tuyến đường nội bộ, đường hẽm trong khu dân cư đô thị để thực hiện
công tác cấp giấy phép xây dựng (theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012
của Chính phủ).
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và
định kỳ làm việc với các địa phương về công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản
lý đầu tư xây dựng công trình trong đô thị; cung cấp thông tin về quy hoạch cho
tổ chức và công dân có nhu cầu. Chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng phối hợp
với các địa phương xử lý nghiên túc các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng
theo quy định của pháp luật.
e) Tổ chức các lớp đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý đô thị cho đội ngũ cán bộ, công
chức địa phương; bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ
chuyên môn thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng, thanh tra xây dựng và
quản lý hoạt động xây dựng của địa phương.
3. Sở Tài chính: Hàng năm bố
trí nguồn vốn cho công tác lập và điều chỉnh các Đồ án quy hoạch đô thị theo khả
năng cân đối ngân sách.
4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn
vị thuộc Công an tỉnh tham gia phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa
phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp
luật về quản lý đô thị, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương; thực hiện tốt
nội dung Thông tư Liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA ngày 07 tháng 7 năm 2007
của Bộ Xây dựng và Bộ Công an về việc hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp
luật trong hoạt động xây dựng.
5. Các cơ quan, đơn vị cung cấp
các dịch vụ điện, nước trên địa bàn tỉnh: Khi có yêu cầu của cấp thẩm quyền
trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và đô thị phải ngưng
cung cấp các dịch vụ theo quy định của pháp luật.
6. Chủ đầu tư các đồ án quy hoạch
đô thị: Phải lựa chọn các tổ chức tư vấn, có đủ điều kiện năng lực theo quy
định để thực hiện việc lập các Đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị đảm
bảo về thời gian, chất lượng và có tính khả thi cao. Chịu trách nhiệm trước cấp
trên và pháp luật trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn.
7. Tổ chức thực hiện:
Các Sở, ngành liên quan và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết có trách nhiệm triển
khai thực hiện tốt Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị,
nếu có vướng mắc phát sinh phải kịp thời phản ảnh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số
14/2002/CT-UBBT ngày 12 tháng 3 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh và có hiệu
lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.