CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 4 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thủy sản
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật tiêu
chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật chất
lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật đầu tư
ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật doanh
nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật thú y
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh
giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý thức ăn
chăn nuôi, thủy sản.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh, sử
dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi,
thủy sản thương mại.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi, thủy sản
trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là những sản phẩm mà
vật nuôi ăn, uống (hoặc bổ sung vào môi trường nuôi đối với thức ăn thủy sản) ở
dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản, bao gồm thức ăn dinh dưỡng và
thức ăn chức năng ở các dạng: Nguyên liệu, thức ăn đơn; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh;
thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn và các sản phẩm bổ sung vào
môi trường nuôi (đối với thức ăn thủy sản) nhằm tạo thức ăn tự nhiên, ổn định
môi trường nuôi, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.
a) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại là các sản
phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán
trên thị trường.
b) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất để tiêu thụ
nội bộ là các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản do các cơ sở hoặc cá nhân tự
phối trộn dùng cho nhu cầu chăn nuôi của nội bộ cơ sở, không trao đổi và mua
bán trên thị trường.
c) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán là các
sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến đã được người chăn nuôi sử
dụng từ trước đến nay như: Thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã
sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và các loại khác.
d) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới là thức ăn lần đầu
tiên được nhập khẩu, sản xuất tại Việt Nam có chứa hoạt chất mới chưa qua khảo
nghiệm ở Việt Nam.
đ) Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của nhiều
nguyên liệu thức ăn được phối chế theo công thức nhằm đảm bảo có đủ các chất
dinh dưỡng để duy trì sự sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai
đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất.
e) Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp các nguyên liệu thức
ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu vật
nuôi và dùng để pha trộn với các nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn
chỉnh.
g) Thức ăn bổ sung là thức ăn đơn hoặc hỗn hợp của
nhiều nguyên liệu cho thêm vào khẩu phần ăn hoặc bổ sung vào môi trường nuôi (đối
với thức ăn thủy sản) để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vật
nuôi.
h) Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc thức
ăn đơn là thức ăn dùng để cung cấp một hoặc nhiều chất dinh dưỡng trong khẩu phần
ăn cho vật nuôi.
i) Phụ gia thức ăn chăn nuôi, thủy sản là chất có
hoặc không có giá trị dinh dưỡng được bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản
trong quá trình chế biến, xử lý hoặc bổ sung vào môi trường trong quá trình
nuôi (đối với thức ăn thủy sản) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hoặc duy trì, cải
thiện đặc tính nào đó của thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
k) Chất mang là chất vật nuôi ăn được dùng để trộn
với hoạt chất trong premix nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.
l) Premix kháng sinh là hỗn hợp gồm không quá 02 loại
kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm mục
đích kích thích sinh trưởng với tổng hàm lượng kháng sinh không lớn hơn 20%.
2. Chất chính trong thức ăn
chăn nuôi, thủy sản là chất quyết định công dụng và bản chất của sản phẩm do Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phù hợp với từng loại sản phẩm.
3. Chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản
là chỉ tiêu có ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản
được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc các văn bản tương
đương của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Vật nuôi là các loại gia súc, gia cầm, ong, tằm,
động vật thủy sản được con người nuôi giữ.
5. Gia súc, gia cầm non bao gồm các đối tượng sau
đây:
a) Lợn: Từ 01 đến 60 ngày tuổi hoặc từ sơ sinh đến
25 kg.
b) Gà, vịt, ngan, chim cút, thỏ: Từ 01 đến 21 ngày
tuổi.
c) Bê, nghé, dê, cừu: Dưới 06 tháng tuổi.
6. An toàn thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi, thủy
sản là các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm thức ăn chăn nuôi, thủy
sản không gây hại cho sức khỏe của vật nuôi, con người sử dụng sản phẩm chăn
nuôi và môi trường.
7. Kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản bao gồm
các hoạt động sản xuất, gia công, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
a) Sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản là việc thực
hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động sản xuất, chế biến, san chia, bao gói,
bảo quản, vận chuyển thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
b) Gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản là quá
trình thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công đoạn sản xuất thức ăn chăn nuôi,
thủy sản để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng.
8. Tên thương mại của sản phẩm thức ăn chăn nuôi,
thủy sản là tên thương phẩm của sản phẩm để phân biệt các sản phẩm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản trên thị trường.
Điều 4. Nội dung quản lý Nhà nước
về thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thức
ăn chăn nuôi, thủy sản.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật về quản lý, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế, chính
sách khuyến khích phát triển thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
3. Quản lý khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn
nuôi, thủy sản mới.
4. Thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về thức
ăn chăn nuôi, thủy sản.
5. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
tiên tiến vào các hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
6. Đầu tư, phát triển hệ thống khảo nghiệm, kiểm
nghiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về chất lượng
thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
7. Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tạo nguồn
nhân lực phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
8. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về
sản xuất, quản lý và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
9. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của
Nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
10. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước
về thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế, xã
hội đầu tư nghiên cứu, đào tạo, khuyến công, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ
khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
2. Ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư phát triển, sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước và các chính sách khác,
trong đó có việc dành thêm quỹ đất và tín dụng ưu đãi cho việc trồng, thu hoạch,
bảo quản, sản xuất, gia công, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy
sản trong nước.
3. Đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt
động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra,
giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích phát triển mạnh
hình thức xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Điều 6. Nguyên tắc quản lý thức
ăn chăn nuôi chứa kháng sinh
1. Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản.
2. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm
mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục
kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
3. Kháng sinh sử dụng trong thức
ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia
súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo
đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo
quy định của pháp luật về thú y.
4. Sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng
sinh phải phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng
đảm bảo không gây tồn dư kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép trong sản phẩm
chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh của
con người và vật nuôi.
5. Chỉ được phép sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh
trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
6. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh
nhằm mục đích phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có bác sỹ thú y có chứng
chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú
y.
7. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ
tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên
bao bì hoặc tài liệu kèm theo.
Chương II
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THỨC
ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
Điều 7. Điều kiện đối với cơ sở
sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản
Tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công thức ăn chăn
nuôi, thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Địa điểm sản xuất, gia công
phải nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi những yếu tố như chất thải, hóa chất
độc hại, chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
2. Khu sản xuất có tường, rào
ngăn cách với bên ngoài.
3. Có báo cáo đánh giá tác động
môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi
trường.
4. Yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị:
a) Khu vực sản xuất được thiết
kế và bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều, có sự cách biệt giữa nguyên liệu
đầu vào và sản phẩm đầu ra để tránh lây nhiễm chéo.
b) Có dây chuyền sản xuất phù hợp với từng loại sản
phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; có kệ (pallet) để nguyên liệu và sản phẩm
thành phẩm (trừ trường hợp nền kho, xưởng đã có giải pháp kỹ thuật đảm bảo
thông thoáng, chống ẩm).
c) Có kho bảo quản các loại
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản cần chế độ bảo quản riêng theo khuyến
cáo của nhà sản xuất.
d) Đối với cơ sở sản xuất, gia
công thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải có nơi pha trộn riêng, đảm bảo
không phát tán nhiễm chéo ra bên ngoài.
đ) Có thiết bị, dụng cụ đo lường
để giám sát chất lượng, đảm bảo độ chính xác theo quy định của pháp luật về đo
lường.
e) Có giải pháp về thiết bị, dụng
cụ (quạt, sàng, nam châm...) để kiểm soát các tạp chất (cát sạn, kim loại) ảnh
hưởng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào.
g) Có giải pháp phòng, chống
cháy nổ theo quy định của pháp luật và phòng, chống chuột, chim, động vật gây hại
khác.
h) Có thiết bị hút bụi, xử lý
chất thải phù hợp để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường
theo quy định.
5. Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học
trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, chăn nuôi - thú y, thú y, công
nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học (đối với thức ăn chăn nuôi) hoặc chuyên
ngành nuôi trồng thủy sản, sinh học, công nghệ thực phẩm (đối với thức ăn thủy
sản).
6. Có hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân tích chất
lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong quá trình sản xuất, gia công.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy
chuẩn kỹ thuật chi tiết và cụ thể các quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với
các tiêu chí nêu tại Điều này.
Điều 8. Điều kiện đối với cơ sở
mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản
Tổ chức, cá nhân mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản
phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản
tại nơi bày bán, kho chứa phải cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,
hóa chất độc hại khác.
2. Có thiết bị, dụng cụ để bảo
quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.
3. Có giải pháp phòng chống chuột, chim và động vật
gây hại khác.
Điều 9. Điều kiện với cơ sở nhập
khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy
sản phải có hoặc thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu
cầu về điều kiện bảo quản đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường và
theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Chương III
KHẢO NGHIỆM THỨC ĂN CHĂN
NUÔI, THỦY SẢN MỚI
Điều 10. Điều kiện và nội dung
khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Nội dung khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản
a) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải khảo nghiệm là
các loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới.
b) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới không phải khảo
nghiệm nếu là kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật hoặc đã được khảo nghiệm
và được lưu hành ở các nước đã thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam về quy trình khảo
nghiệm công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới.
c) Giao Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản
mới và thực hiện việc thừa nhận lẫn nhau về quy trình khảo nghiệm công nhận thức
ăn chăn nuôi, thủy sản với các nước có hoạt động trao đổi thương mại thức ăn
chăn nuôi, thủy sản với Việt Nam.
2. Điều kiện cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi,
thủy sản
Cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải
đáp ứng đủ điều kiện sau:
a) Có hoặc thuê địa điểm, cơ
sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành đáp ứng yêu cầu khảo nghiệm từng loại
thức ăn trên từng đối tượng vật nuôi: chuồng trại, ao, lồng, bè, bể phù hợp với
việc bố trí khảo nghiệm.
Đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản phải có
đủ nguồn nước đạt yêu cầu chất lượng; có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có
ao chứa nước thải đảm bảo việc kiểm tra chỉ tiêu môi trường và các chỉ tiêu về
bệnh thủy sản.
b) Người phụ trách kỹ thuật phải có bằng tốt nghiệp
từ đại học trở lên về chuyên ngành chăn nuôi, chăn nuôi - thú y, công nghệ sinh
học (đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi) hoặc chuyên ngành nuôi trồng
thủy sản, sinh học (đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản).
Điều 11. Trình tự, thủ tục
đăng ký khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới
1. Tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm thức ăn
chăn nuôi, thủy sản mới lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
2. Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy
sản mới gồm:
a) Đơn đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy
sản mới theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị
định này.
b) Đề cương khảo nghiệm.
c) Bản thuyết minh điều kiện của cơ sở thực hiện khảo
nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo các tiêu chí quy định tại khoản
2 Điều 10 Nghị định này.
3. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm kiểm tra thành phần hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân
đăng ký những thành phần hồ sơ chưa đạt yêu cầu để bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
thành lập hội đồng hoặc tiến hành soát xét, phê duyệt nội dung đề cương khảo
nghiệm, kiểm tra điều kiện cơ sở khảo nghiệm và ban hành quyết định phê duyệt nội
dung đề cương khảo nghiệm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục
ban hành kèm theo Nghị định này). Trường hợp không ban hành quyết định phê duyệt
nội dung đề cương khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trả
lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Sau khi kết thúc khảo nghiệm, tổ chức, cá nhân
có thức ăn chăn nuôi, thủy sản khảo nghiệm báo cáo kết quả khảo nghiệm về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được
báo cáo kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội
đồng khoa học chuyên ngành để đánh giá kết quả khảo nghiệm và ban hành quyết định
công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới (theo Mẫu số 03
tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này). Trường hợp không ban hành quyết định
công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Kiểm tra hoạt động khảo nghiệm
a) Hình thức và mức độ kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phải thành lập đoàn công tác gồm đại diện các cơ quan quản
lý liên quan và các nhà khoa học tổ chức kiểm tra tại hiện trường ít nhất 01 lần
trong quá trình khảo nghiệm đối với một loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới.
b) Nội dung kiểm tra: Điều kiện cơ sở khảo nghiệm;
nội dung khảo nghiệm theo đề cương đã được phê duyệt.
Chương IV
THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY
SẢN ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM
Điều 12. Thức ăn chăn nuôi, thủy
sản được phép lưu hành tại Việt Nam
1. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản
được phép lưu hành tại Việt Nam là thức ăn chăn nuôi, thủy sản được Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng
và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có), được đăng tải trên Cổng
thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thời gian lưu hành của các sản phẩm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản tại Việt Nam là 05 năm kể từ ngày được xác nhận. Trước khi hết
thời gian lưu hành 06 tháng tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện đăng ký lại tại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại
Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của
pháp luật về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và có chất lượng phù hợp với tiêu
chuẩn công bố áp dụng. Phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia tương ứng (nếu có).
b) Mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có một
tiêu chuẩn chất lượng được công bố chỉ được đặt 01 tên thương mại tương ứng.
c) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới: Sau khi có quyết
định công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, nếu tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi mới có nhu cầu lưu hành tại
Việt Nam thì phải tiến hành thực hiện các quy định tại điểm a khoản 2 Điều này
và được phép sử dụng các kết quả thử nghiệm trong hồ sơ công nhận thức ăn chăn
nuôi mới cho hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc công bố hợp quy.
3. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản
sản xuất để tiêu thụ nội bộ hoặc theo tập quán không phải thực hiện đăng ký lưu
hành tại Việt Nam, nhưng phải đáp ứng các quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia tương ứng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán được phép lưu
hành tại Việt Nam, trong đó đưa ra những quy định về mức chất lượng tối thiểu
và các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có) để áp dụng
trong sản xuất.
4. Hồ sơ đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
a) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất
trong nước
Đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép
lưu hành tại Việt Nam (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định này);
Bản sao thông báo tiếp nhận công bố hợp quy về điều
kiện cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Bản chính hoặc bản sao chứng thực hợp đồng gia công
thức ăn chăn nuôi, thủy sản (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký thức
ăn chăn nuôi, thủy sản gia công tại cơ sở đã công bố hợp quy về điều kiện sản
xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản);
Bản chính hoặc bản sao các giấy tờ sau: Tiêu chuẩn
công bố áp dụng, bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy, quyết định công nhận
thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới (nếu có);
Bản chính hoặc bản sao phiếu kết quả thử nghiệm các
chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và
trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng được cấp bởi các phòng thử nghiệm
do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận. Trong trường
hợp chỉ tiêu chất lượng, an toàn của sản phẩm chưa có phòng thử nghiệm được chỉ
định, thừa nhận, thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định
tạm thời đơn vị thực hiện thử nghiệm phù hợp;
Mẫu nhãn của sản phẩm (có đóng dấu xác nhận của nhà
sản xuất).
b) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu:
Đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
được phép lưu hành tại Việt Nam (theo Mẫu số 05 tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of free
sale) hoặc văn bản có giá trị tương đương của thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập
khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp theo quy định;
Bản sao một trong các giấy chứng nhận ISO, GMP,
HACCP hoặc tương đương của cơ sở sản xuất;
Bản thông tin sản phẩm do nhà sản xuất cung cấp bao
gồm: Tên các loại nguyên liệu, chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn, công dụng,
hướng dẫn sử dụng;
Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân
đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam;
nhãn phụ sản phẩm thể hiện bằng tiếng Việt theo quy định;
Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và
an toàn sản phẩm được cấp bởi phòng thử nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của nước
xuất xứ chỉ định hoặc được công nhận bởi tổ chức công nhận quốc tế, tổ chức
công nhận khu vực hoặc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định, thừa
nhận;
Mẫu nhãn của sản phẩm (có xác nhận của nhà cung cấp
hoặc nhà nhập khẩu);
Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao chứng thực kèm theo
bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của tổ chức, cá nhân đăng ký nhập khẩu. Nếu
bản chính không phải là tiếng Anh thì bản dịch tiếng Việt phải có dịch thuật và
chứng thực.
Đối với các loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải
khảo nghiệm được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định
này.
5. Hồ sơ đăng ký lại thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
a) Đơn đăng ký lại thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam (theo Mẫu số 06 tại Phụ lục
ban hành kèm theo Nghị định này).
b) Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng và bản thông báo
tiếp nhận công bố hợp quy (nếu có) là bản chính hoặc bản sao chụp có xác nhận của
nhà sản xuất.
c) Mẫu nhãn của sản phẩm (có
đóng dấu xác nhận của nhà sản xuất, nhà cung cấp hoặc nhà nhập khẩu).
6. Trình tự giải quyết hồ sơ đăng ký thức ăn chăn nuôi,
thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam (bao gồm cả đăng ký lại):
a) Tổ chức, cá nhân đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy
sản được phép lưu hành tại Việt Nam lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm kiểm tra thành phần hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân
đăng ký những thành phần hồ sơ chưa đạt yêu cầu để bổ sung, hoàn thiện.
c) Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc (đối với
trường hợp đăng ký mới) hoặc không quá 10 ngày làm việc (đối với trường hợp
đăng ký lại) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn có trách nhiệm thẩm định nội dung hồ sơ và ban hành văn bản xác nhận thức
ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam (theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) và
đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn. Trường hợp không ban hành văn bản xác nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
7. Thay đổi thông tin của sản phẩm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản đã được phép lưu hành tại Việt Nam:
Tổ chức, cá nhân chỉ được thay đổi các thông tin của
thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được phép lưu hành tại Việt Nam nếu không làm
thay đổi chất lượng của sản phẩm, bao gồm:
a) Những thay đổi thông tin của
sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được phép lưu hành tại Việt Nam do tổ
chức, cá nhân có sản phẩm được phép tự thay đổi, bao gồm: Địa chỉ, số điện thoại,
số fax của tổ chức, cá nhân đăng ký; tên nhà nhập khẩu; màu sắc, kích cỡ, dạng
của sản phẩm; quy cách bao gói.
Tổ chức, cá nhân khi thay đổi những thông tin nêu
trên phải thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng văn bản kèm
theo thư điện tử (nếu có) để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật và
đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
b) Những thay đổi thông tin của sản
phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, bao gồm: Tên nhà sản xuất, địa chỉ cơ
sở sản xuất; tên, số tiêu chuẩn công bố áp dụng, ký hiệu (tên thương mại) của sản
phẩm.
Tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận thay đổi thông
tin của thức ăn chăn nuôi, thủy sản lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị xác nhận thay đổi thông tin của thức ăn
chăn nuôi, thủy sản (theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định này).
Bản sao chụp tiêu chuẩn công bố áp dụng và bản tiếp
nhận công bố hợp quy (nếu có); mẫu nhãn sản phẩm có xác nhận của nhà sản xuất,
nhà nhập khẩu.
Bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy xác nhận nội
dung thay đổi của nhà sản xuất (đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu).
Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp
đổi tên cơ sở sản xuất, tên thương mại thức ăn chăn nuôi nhập khẩu).
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận thay đổi thông tin của thức ăn chăn nuôi,
thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra thành
phần hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký những thành
phần hồ sơ chưa đạt yêu cầu để bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
văn bản xác nhận thay đổi thông tin của thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép
lưu hành tại Việt Nam (theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định này) và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp không ban hành văn bản xác nhận
thay đổi thông tin của thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt
Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ
lý do.
c) Những thay đổi thông tin của
thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
thay đổi căn cứ vào những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và yêu cầu của
thị trường.
8. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản dùng chung cho nuôi
trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm:
a) Tổ chức, cá nhân khi đăng ký thức ăn chăn nuôi,
thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc thay đổi các thông tin có liên
quan gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trình tự thủ tục và nội dung đăng ký thức ăn
chăn nuôi, thủy sản dùng chung trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc,
gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam áp dụng tương tự như quy định đối với
thức ăn chăn nuôi, thủy sản khác trong Nghị định này.
9. Ngừng lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy
sản thương mại trong các trường hợp sau:
a) Sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chứa chất cấm
sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản.
b) Sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị phát hiện
vi phạm liên tục sau 03 lần kiểm tra về một chỉ tiêu chất lượng hoặc sau 02 lần
kiểm tra về một chỉ tiêu an toàn.
c) Khi có thông báo ngừng lưu hành sản phẩm của cơ
sở đăng ký lưu hành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra thông báo
bằng văn bản và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản ngừng lưu hành.
Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị ngừng
lưu hành tại điểm a, điểm b khoản 9 Điều này. Nếu cơ sở đăng ký có nhu cầu lưu
hành trở lại, thì phải làm các thủ tục như đăng ký lần đầu.
Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản ngừng lưu
hành tại điểm c khoản 9 Điều này đang trong thời gian còn hạn lưu hành. Nếu cơ
sở đăng ký có nhu cầu lưu hành trở lại, thì chỉ cần có văn bản thông báo cho Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ra thông báo và đăng tải trở lại.
Điều 13. Nhập khẩu thức ăn
chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam
1. Để giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm hoặc
nghiên cứu, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu thức ăn
chăn nuôi, thủy sản để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu, làm mẫu
phân tích tại các phòng thử nghiệm lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
b) Hồ sơ đối với trường hợp nhập khẩu để giới thiệu
tại hội chợ, triển lãm gồm:
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để
giới thiệu tại hội chợ, triển lãm (theo Mẫu số 10 tại
Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Giấy xác nhận về việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ,
triển lãm tại Việt Nam.
c) Hồ sơ đối với trường hợp nhập khẩu để làm mẫu
phân tích tại phòng thử nghiệm gồm:
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để
làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm (theo Mẫu số 11
tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Văn bản thỏa thuận sử dụng dịch vụ phân tích giữa một
bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp trong nước với một bên là phòng thử
nghiệm hoặc doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý về thức ăn chăn nuôi, thủy sản của
nước xuất xứ, trong đó có cam kết sản phẩm nhập khẩu là phi thương mại.
d) Hồ sơ đối với trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn
nuôi, thủy sản để nghiên cứu:
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để
nghiên cứu (theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm
theo Nghị định này);
Đề cương nghiên cứu kèm theo.
đ) Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản
trả lời về việc chấp thuận cho nhập khẩu (theo Mẫu số 12
tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này). Trường hợp không chấp thuận cho
nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trả lời bằng văn bản và
nêu rõ lý do.
2. Để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu:
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy
sản để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước
ngoài phải nộp 01 bộ hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ sơ bao
gồm:
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để
sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu (theo Mẫu số 13
tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Hợp đồng sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy
sản nhằm mục đích xuất khẩu phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về
việc nhập hàng hóa để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu;
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
hồ sơ đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để sản xuất, gia công nhằm
mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận cho
phép nhập khẩu. Trong trường hợp không chấp thuận cần nêu rõ lý do.
Điều 14. Xuất khẩu thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
1. Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản vừa nhằm mục
đích xuất khẩu và sử dụng trong nước: Đáp ứng các yêu cầu về chất lượng như các
sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam và yêu cầu
của nước nhập khẩu hoặc của nhà nhập khẩu.
2. Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất chỉ
nhằm mục đích xuất khẩu: Đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, trừ các hành vi bị
cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại Việt
Nam.
Chương V
KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THỨC
ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
Điều 15. Kiểm tra thức ăn chăn
nuôi, thủy sản trong nước
1. Đối tượng và nội dung kiểm tra
a) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại:
Việc thực hiện các quy định về điều kiện đối với cơ
sở sản xuất, gia công, mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố
hợp quy (nếu có);
Việc thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng thức
ăn chăn nuôi, thủy sản;
Việc thực hiện các quy định về ghi nhãn sản phẩm
hàng hóa;
Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để kiểm tra sự
phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương
ứng. Trong đó tập trung đánh giá các chỉ tiêu an toàn và những chỉ tiêu chất lượng
chính của sản phẩm.
b) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản tự phối trộn
và thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán:
Kiểm tra các chỉ tiêu an toàn về thức ăn chăn nuôi,
thủy sản theo quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.
2. Cơ quan kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương.
3. Chế độ kiểm tra: Việc kiểm tra thường xuyên của
các cơ quan nhà nước phải được thông báo trước bằng văn bản, mỗi năm chỉ được
tiến hành kiểm tra chất lượng không quá 01 lần, trừ việc kiểm tra đột xuất khi
có dấu hiệu vi phạm. Việc kiểm tra đột xuất chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy
sản tại cơ sở sản xuất, gia công, cơ sở mua bán, cơ sở sử dụng thức ăn chăn
nuôi, thủy sản chỉ được tiến hành khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan có
thẩm quyền, không cần thông báo trước.
Điều 16. Kiểm tra thức ăn chăn
nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
Việc đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn
chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu, bị triệu hồi hoặc trả về là yêu cầu bắt buộc.
Riêng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu thực hiện theo yêu cầu của
nước nhập khẩu.
1. Đối tượng và nội dung kiểm tra
a) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này;
Kiểm tra thực tế số lượng, khối lượng, quy cách bao
gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, xuất xứ và các chỉ tiêu ngoại quan khác của sản phẩm;
Lấy mẫu thử nghiệm đánh giá sự phù hợp về chất lượng
và an toàn thực phẩm của sản phẩm.
b) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị triệu hồi
hoặc trả về
Kiểm tra về nguyên nhân thức ăn chăn nuôi, thủy sản
triệu hồi hoặc bị trả về;
Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng,
ngoại quan về sản phẩm;
Lấy mẫu để kiểm tra chất lượng sản phẩm.
c) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu
Kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng, công bố hợp quy
(nếu có);
Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng,
ngoại quan về sản phẩm;
Phân tích chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp
hoặc nước nhập khẩu và yêu cầu khác (nếu có).
2. Cơ quan kiểm tra
Là cơ quan chức năng nhà nước và tổ chức được Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp
chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt
là tổ chức được chỉ định) thực hiện một số công đoạn trong hoạt động kiểm tra
theo phạm vi quy định tại quyết định chỉ định. Yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định
thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.
Căn cứ thẩm định năng lực của tổ
chức được chỉ định dựa theo các quy định đối với các tổ chức chứng nhận sự phù
hợp sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận áp dụng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình thẩm định và hướng dẫn
công khai bằng văn bản và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
3. Chế độ kiểm tra: Theo quy định tại Điều
20 Nghị định này.
Điều 17. Yêu cầu, trình tự, thủ
tục chỉ định
1. Tổ chức được chỉ định phải đáp ứng các yêu cầu
sau:
a) Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ
định là tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
b) Có quy trình kiểm tra, xác nhận sự phù hợp chất
lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với từng loại thức
ăn chăn nuôi, thủy sản tương ứng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm
định.
2. Trình tự và thủ tục chỉ định
Tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn
nuôi, thủy sản có nhu cầu tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng thức
ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận
chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
b) Bản sao chứng thực quyết định chỉ định là tổ chức
chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
c) Quy trình kiểm tra, xác nhận sự phù hợp chất lượng
thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với từng loại thức ăn
chăn nuôi, thủy sản tương ứng do tổ chức đăng ký tham gia hoạt động kiểm tra,
xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu ban hành.
Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ
khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm
định hồ sơ, thực hiện đánh giá năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần) và ban hành
quyết định chỉ định (theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
Trong trường hợp từ chối việc chỉ định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Hiệu lực của quyết định chỉ định
a) Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định tổ chức
chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
là 03 năm.
b) Trong vòng 03 tháng trước khi quyết định chỉ định
hết hiệu lực, nếu có nhu cầu, tổ chức được chỉ định gửi hồ sơ đăng ký về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được chỉ định lại, hồ sơ gồm:
Đơn đề nghị tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận
chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, xác nhận chất
lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức được chỉ định
trong thời gian trước đó (theo Mẫu số 16 tại Phụ lục
ban hành kèm theo Nghị định này).
Trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ
khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ
sơ, thực hiện đánh giá lại năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần) và ban hành quyết
định chỉ định lại (theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành
kèm theo Nghị định này). Trong trường hợp từ chối chỉ định lại, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 18. Lấy mẫu và thử nghiệm
thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn
nuôi, thủy sản được thực hiện theo quy định tại các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)
hoặc các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người lấy mẫu thức
ăn chăn nuôi, thủy sản phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo
và cấp chứng chỉ lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
2. Việc thử nghiệm chất lượng
thức ăn chăn nuôi, thủy sản phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thức ăn chăn
nuôi, thủy sản chỉ được thừa nhận theo các phương pháp thử tại các phòng thử
nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định. Trường hợp các
phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa được thống nhất, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp dụng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy
trình chỉ định phòng thử nghiệm lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản; hướng dẫn
công khai bằng văn bản và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
3. Căn cứ thử nghiệm là các chỉ tiêu chất lượng, chỉ
tiêu an toàn thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định trong các quy chuẩn kỹ
thuật tương ứng do nhà nước ban hành và trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của sản
phẩm do nhà sản xuất, cung cấp công bố hoặc những yêu cầu cụ thể bằng văn bản của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 19. Trình tự, thủ tục kiểm
tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng đối với
thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu:
a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Bản sao chụp có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập
khẩu các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, phiếu đóng gói (Packing list), hóa đơn mua
bán (Invoice), phiếu kết quả phân tích chất lượng của nước xuất xứ cấp cho lô
hàng (Certificate of Analysis), nhãn sản phẩm của nhà sản xuất; bản tiêu chuẩn
công bố áp dụng của đơn vị nhập khẩu.
c) Báo cáo tình hình nhập khẩu và tiêu thụ lô hàng
thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhập khẩu trước đó và kế hoạch tiêu thụ số lượng
thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh đăng ký nhập khẩu theo Mẫu
số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng đối với
thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu:
a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản)
theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này; bản yêu cầu các chỉ tiêu cần kiểm tra, xác nhận chất lượng.
b) Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua
bán, hồ sơ công bố chất lượng.
3. Hồ sơ đăng ký kiểm tra xác
nhận chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị triệu hồi, trả về:
a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản)
theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này.
b) Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua
bán, giấy xác nhận chất lượng của lô hàng trước khi xuất khẩu (nếu có), văn bản
triệu hồi hoặc thông báo trả về trong đó nêu rõ nguyên nhân triệu hồi hoặc trả
về.
4. Trình tự xử lý hồ sơ đăng
ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
a) Doanh nghiệp lập 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra gửi
về cơ quan kiểm tra.
b) Khi nhận được hồ sơ đăng
ký kiểm tra, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra xem xét và hướng
dẫn doanh nghiệp bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;
Trường hợp đầy đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm
việc, cơ quan kiểm tra xác nhận vào giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng,
trong đó có thông báo cho doanh nghiệp về nội dung kiểm tra, thống nhất thời
gian và địa điểm sẽ thực hiện kiểm tra.
Điều 20. Chế độ kiểm tra chất
lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
1. Miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy
sản nhập khẩu trong các trường hợp sau:
a) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản tạm nhập tái xuất.
b) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản quá cảnh, chuyển khẩu.
c) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản gửi kho ngoại quan.
d) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là hàng mẫu tham gia
các hội chợ, triển lãm.
đ) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là mẫu phân tích tại
các phòng thử nghiệm.
e) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là mẫu để thử nghiệm,
kiểm nghiệm, khảo nghiệm.
2. Miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn (không áp dụng
chế độ này với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh)
a) Thực hiện kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra cảm
quan và không lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp trong thời hạn 06 tháng.
b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với lô hàng nhập
khẩu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
cùng loại do cùng cơ sở sản xuất, của cùng đơn vị nhập khẩu đã có giấy xác nhận
chất lượng (theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm
theo Nghị định này) của 05 lô hàng nhập khẩu liên tiếp theo chế độ kiểm tra
thông thường hoặc 03 lô hàng nhập khẩu liên tiếp theo chế độ kiểm tra giảm có
thời hạn trong thời gian không quá 12 tháng trước đó.
c) Trong thời hạn được miễn
kiểm tra chất lượng có thời hạn, cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc tổ chức chỉ định
được giao nhiệm vụ giám sát hàng hóa theo chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời
hạn có thể tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa nhập khẩu theo chế độ kiểm
tra thông thường hoặc kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về chất
lượng sản phẩm. Nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tiến hành
các biện pháp xử lý như đối với những lô hàng vi phạm chất lượng và kiến nghị
cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt ngay việc miễn kiểm tra chất lượng
có thời hạn tại thời điểm đó và chuyển sang chế độ kiểm tra chặt.
d) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có thức ăn chăn nuôi,
thủy sản đáp ứng các yêu cầu trên gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn
nuôi, thủy sản có thời hạn (theo Mẫu số 20 tại Phụ lục
ban hành kèm theo Nghị định này);
Giấy xác nhận chất lượng của 05 lô hàng liên tiếp đạt
yêu cầu theo chế độ kiểm tra thông thường hoặc giấy xác nhận chất lượng của 03
lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu theo chế độ kiểm tra giảm có thời hạn (bản sao chụp
có xác nhận của đơn vị nhập khẩu).
Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản
trả lời tổ chức, cá nhân nhập khẩu về việc được miễn kiểm tra chất lượng có thời
hạn (theo Mẫu số 21 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị
định này) và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; trong trường hợp không được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất
lượng có thời hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời và
nêu rõ lý do.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm gửi bản
sao chứng thực văn bản áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn đến
tổ chức được chỉ định để xác nhận việc miễn kiểm tra vào giấy đăng ký kiểm tra
xác nhận chất lượng cho từng lô hàng nhập khẩu (theo Mẫu
số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) làm điều kiện để thông
quan hàng hóa.
3. Kiểm tra giảm có thời hạn (không áp dụng chế độ này
với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh)
a) Hình thức kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cảm
quan để đánh giá sự phù hợp của hàng hóa về các thông tin trong hồ sơ so với
ghi trên nhãn hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo; độ nguyên vẹn, dạng, màu sắc của
hàng hóa. Thời hạn áp dụng kiểm tra giảm là 12 tháng. Chỉ lấy mẫu kiểm tra chất
lượng hàng hóa đối với chế độ kiểm tra này trong trường hợp phát hiện thấy hàng
hóa không phù hợp với hồ sơ, có dấu hiệu mất an toàn và không đảm bảo chất lượng
như mốc ẩm ướt, bao bì không còn nguyên vẹn, dạng, màu sắc khác với mô tả, có
thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng, an toàn của sản phẩm hoặc là lấy mẫu kiểm tra
ngẫu nhiên theo yêu cầu của quy trình giám sát chất lượng hàng hóa. Nếu phát hiện
sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tiến hành các biện pháp xử lý như đối với
những lô hàng vi phạm chất lượng và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền chấm dứt ngay việc kiểm tra giảm có thời hạn tại thời điểm đó và chuyển
sang chế độ kiểm tra chặt.
b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với lô hàng nhập
khẩu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Là thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu cùng loại
do cùng cơ sở sản xuất, của cùng đơn vị nhập khẩu đã có giấy xác nhận chất lượng
(theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này) của 03 lô hàng nhập khẩu liên tiếp theo chế độ kiểm tra thông thường trong
thời gian không quá 12 tháng trước đó;
Đã được xác nhận đạt yêu cầu chất lượng và an toàn
của tổ chức có thẩm quyền của nước đã thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam trong hoạt
động kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản; hoặc của phòng thử nghiệm
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và thừa nhận.
c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có thức ăn chăn nuôi,
thủy sản đáp ứng các yêu cầu kiểm tra giảm có thời hạn lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc, hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị được áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời
hạn (theo Mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị
định này);
Giấy xác nhận chất lượng của 03 lô hàng liên tiếp đạt
yêu cầu theo chế độ kiểm tra thông thường (bản sao chụp có xác nhận của tổ chức,
cá nhân nhập khẩu) hoặc giấy xác nhận đạt yêu cầu chất lượng và an toàn của tổ
chức có thẩm quyền của nước đã thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam trong hoạt động
kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc của phòng thử nghiệm nước
ngoài được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận (bản chính hoặc bản
sao chứng thực);
Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản
trả lời tổ chức, cá nhân nhập khẩu về việc được áp dụng chế độ kiểm tra giảm có
thời hạn (theo Mẫu số 21 tại Phụ lục ban hành kèm
theo Nghị định này) và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; trong trường hợp không được áp dụng chế độ kiểm tra giảm
có thời hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời và nêu
rõ lý do.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm gửi bản
sao chứng thực văn bản áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời hạn đến tổ chức được
chỉ định để tiến hành kiểm tra theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.
4. Kiểm tra thông thường
a) Hình thức kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cảm
quan và lấy mẫu đại diện để phân tích tối thiểu 01 chỉ tiêu an toàn và 01 chỉ
tiêu chất lượng trong tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc trong quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia tương ứng, đảm bảo cho việc đánh giá được độ an toàn và chất lượng của
sản phẩm kiểm tra. Riêng đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng
sinh bắt buộc phải kiểm tra tất cả các loại kháng sinh có trong sản phẩm.
Cơ quan kiểm tra, tổ chức được chỉ định xác định chỉ
tiêu cụ thể và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng, an
toàn của thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với các lô hàng
thức ăn chăn nuôi nhập khẩu không thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 Điều này.
5. Kiểm tra chặt
a) Hình thức kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cảm
quan và lấy mẫu tất cả các lô sản xuất để phân tích tối thiểu 50% các chỉ tiêu
an toàn được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và tối thiểu
50% các chỉ tiêu chất lượng trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và các chỉ tiêu
khác (nếu có) theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn. Chế độ kiểm tra chặt được áp dụng liên tục trong 03 lần nhập khẩu.
b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với các lô hàng
nhập khẩu thuộc các trường hợp sau:
Lần nhập khẩu trước đó không đạt yêu cầu về chất lượng
và an toàn theo quy định;
Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục thức ăn chăn
nuôi, thủy sản có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ban hành hoặc có xuất xứ từ những nơi đang có những nguy cơ cao
gây mất an toàn đối với con người, vật nuôi và môi trường do Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn cảnh báo;
Có văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn yêu cầu kiểm tra chặt khi phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường có
kết quả kiểm tra không đạt chất lượng theo yêu cầu hoặc có văn bản cảnh báo về
các yếu tố không an toàn đối với con người, vật nuôi, môi trường của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước có liên quan.
Điều 21. Thu hồi và xử lý thức
ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm chất lượng
1. Khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền về việc
buộc thu hồi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thì người kinh doanh sản phẩm
thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị buộc thu hồi phải tiến hành thông báo ngay cho
các đối tượng khách hàng dừng việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản buộc thu hồi và tiến hành thu hồi toàn bộ về nơi xử lý theo yêu
cầu của cơ quan quản lý. Số lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản không thể thu hồi
được phải có lí do, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đồng ý và người
kinh doanh phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải
thành lập Hội đồng giám sát quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm thức ăn chăn
nuôi thủy sản vi phạm chất lượng bị buộc thu hồi và xử lý theo quy định của
pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và môi trường; phải gửi đăng tải ngay
trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi xử lý vi phạm về sản phẩm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản vi phạm bị buộc thu hồi.
Điều 22. Nguồn kinh phí cho hoạt
động quản lý về thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo và bố trí dự
toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định hiện hành về phân cấp quản
lý ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí huy động từ sự tham gia, đóng góp của
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí thu hợp pháp
khác.
Việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thực
hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
Điều 23. Trách nhiệm quản lý
nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thức ăn
chăn nuôi, thủy sản.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan
xây dựng chiến lược, định hướng, chính sách phát triển và sử dụng thức ăn chăn
nuôi, thủy sản trên phạm vi cả nước.
b) Soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền
ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
c) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
d) Quy định số lượng tối thiểu các chỉ tiêu phải
công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng.
đ) Quản lý công tác khảo nghiệm và công nhận thức
ăn chăn nuôi, thủy sản mới.
e) Thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về thức
ăn chăn nuôi, thủy sản.
g) Ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thức
ăn chăn nuôi, thủy sản và công bố các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam.
h) Ban hành danh mục kháng sinh được phép sử dụng
trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm.
Hướng dẫn việc sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh nhằm mục
đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm.
i) Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, thanh
tra, xử lý vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
k) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp
luật về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
l) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
m) Quản lý về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản
theo quy định.
n) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
tiên tiến vào các hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
o) Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ trong lĩnh vực
thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch phát triển và sử dụng thức ăn
chăn nuôi, thủy sản tại địa phương.
b) Chỉ đạo hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy
sản có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.
c) Ban hành các chính sách khuyến khích và chỉ đạo
các cơ quan chức năng của địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa
bàn nâng cao chất lượng và an toàn thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
d) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp
luật, cung cấp thông tin về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản cho tổ chức,
cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
đ) Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh
tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn.
Điều 24. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Công bố hợp quy về điều kiện cơ sở sản xuất, gia
công thức ăn chăn nuôi, thủy sản và lưu 01 bộ hồ sơ tại cơ sở.
2. Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy (nếu
có) đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định và lưu 01 bộ hồ
sơ tại cơ sở.
3. Có quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản
phẩm phù hợp. Ghi và lưu nhật ký quá trình sản xuất ít nhất là 02 năm sau khi sản
phẩm hết hạn sử dụng.
4. Kiểm nghiệm, lưu kết quả kiểm nghiệm đối với
nguyên liệu và thức ăn thành phẩm đáp ứng được yêu cầu kiểm soát chất lượng sản
phẩm trong quá trình sản xuất và truy xuất xử lý các vi phạm sau này. Lưu kết
quả kiểm nghiệm 02 năm và lưu, bảo quản mẫu thử nghiệm đến sau khi sản phẩm hết
hạn sử dụng 30 ngày.
5. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn
hàng hóa, bao bì hoặc tài liệu kèm theo, trong đó phải ghi rõ các chất chính,
kháng sinh (nếu có) theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra về điều kiện sản
xuất và chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định của pháp luật.
7. Chỉ được sản xuất sau khi đã công bố hợp quy về điều
kiện cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
8. Chỉ được sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
lưu hành tại Việt Nam theo quy định tại Chương IV Nghị định này.
9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng
thức ăn chăn nuôi, thủy sản do cơ sở sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy
hàng hóa thức ăn chăn nuôi, thủy sản không đảm bảo chất lượng, an toàn và đền
bù thiệt hại gây ra cho người chăn nuôi.
10. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng báo cáo tình
hình sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền về các hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Điều 25. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Chỉ được mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi,
thủy sản được lưu hành tại Việt Nam theo quy định tại Chương IV Nghị định này.
2. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, độ
nguyên vẹn của hàng hóa thức ăn chăn nuôi, thủy sản; chú ý dấu hợp chuẩn, dấu hợp
quy (nếu có).
3. Áp dụng các biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm
theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhằm duy trì chất lượng hàng hóa thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
4. Niêm yết giá và chấp hành sự kiểm tra về giá thức
ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định của pháp luật.
5. Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra về điều kiện
kinh doanh và chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định của pháp luật.
Xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm chất lượng, an
toàn theo quy định của pháp luật và đền bù thiệt hại gây ra cho người chăn
nuôi.
6. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm premix kháng
sinh phải báo cáo tình hình nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho cơ quan quản lý
chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giám sát việc kinh
doanh, sử dụng sản phẩm đúng mục đích và quy trình.
Điều 26. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Tuân thủ các quy định của Nhà nước và hướng dẫn
của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, thủy sản về việc vận chuyển, lưu giữ, bảo
quản, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Không sử dụng các chất cấm trong
chăn nuôi.
2. Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra về chất lượng
thức ăn chăn nuôi, thủy sản của các cơ quan quản lý.
3. Phối hợp xử lý tiêu hủy các sản phẩm thức ăn
chăn nuôi, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi vi phạm về chất lượng và an toàn theo
quy định của pháp luật.
4. Ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng
sinh nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh theo quy định.
Điều 27. Trách nhiệm của tổ chức
chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chỉ
định về kết quả chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
2. Báo cáo kết quả chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực
thức ăn chăn nuôi, thủy sản cho cơ quan chỉ định theo định kỳ hàng tháng hoặc
khi có yêu cầu.
3. Lưu mẫu và bảo quản mẫu trong thời gian ít nhất
90 ngày kể từ ngày thông báo kết quả chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực thức ăn
chăn nuôi, thủy sản cho tổ chức, cá nhân.
4. Lưu hồ sơ chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực thức ăn
chăn nuôi, thủy sản trong thời gian ít nhất 05 năm.
5. Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra về hoạt động chứng
nhận sự phù hợp lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản của các cơ quan quản lý.
Điều 28. Trách nhiệm của tổ chức
khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo
nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
2. Lưu hồ sơ khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản
trong thời gian ít nhất 03 năm.
3. Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra về hoạt động khảo
nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản của các cơ quan quản lý.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Điều khoản chuyển tiếp
1. Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này
có hiệu lực thi hành, cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản
thương mại có trách nhiệm thực hiện việc công bố hợp quy về điều kiện cơ sở sản
xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định của Nghị định này.
2. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích
kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm được phép lưu hành đến hết ngày 31
tháng 12 năm 2017. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích phòng bệnh
cho gia súc, gia cầm non được phép lưu hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
3. Hồ sơ đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam, hồ sơ đăng ký lại và hồ sơ đăng ký xác nhận thay đổi
thông tin thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam được Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận trước thời điểm Nghị định này có
hiệu lực thì giải quyết theo quy định tại Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05
tháng 02 năm 2010 về quản lý thức ăn chăn nuôi. Trừ quy định về tên thương mại
của sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được áp dụng ngay cho tất cả các sản
phẩm đăng ký mới và đăng ký lại kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi
hành.
4. Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này
có hiệu lực thi hành, cơ sở sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản
thương mại có trách nhiệm thực hiện việc công bố lại tên thương mại của các sản
phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản trái với quy định tại điểm b
khoản 2 Điều 12 Nghị định này.
5. Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận được phép lưu hành tại Việt
Nam trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được phép lưu hành 05 năm kể từ
ngày được công nhận.
6. Các tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức
ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chỉ định trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được giữ nguyên
giá trị hiệu lực ghi tại quyết định chỉ định.
Điều 30. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20
tháng 5 năm 2017.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 08/2010/NĐ-CP
ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.
3. Bãi bỏ các Điều 12, 13, 14 Nghị định
số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện
đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật
rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.
Điều 31. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (3).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
(Ban hành kèm
theo Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ)
Mẫu số 01
|
Đơn đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản
mới
|
Mẫu số 02
|
Quyết định về việc phê duyệt nội dung đề cương khảo
nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới
|
Mẫu số 03
|
Quyết định về việc công nhận thức ăn chăn nuôi,
thủy sản mới
|
Mẫu số 04
|
Đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất
trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam
|
Mẫu số 05
|
Đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
được phép lưu hành tại Việt Nam
|
Mẫu số 06
|
Đơn đăng ký lại thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam
|
Mẫu số 07
|
Văn bản về việc xác nhận thức ăn chăn nuôi, thủy
sản được phép lưu hành tại Việt Nam
|
Mẫu số 08
|
Đơn đề nghị xác nhận thay đổi thông tin của thức
ăn chăn nuôi, thủy sản
|
Mẫu số 09
|
Văn bản về việc xác nhận thay đổi thông tin của thức
ăn chăn nuôi, thủy sản
|
Mẫu số 10
|
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm
|
Mẫu số 11
|
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
để nghiên cứu/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm
|
Mẫu số 12
|
Văn bản về việc chứng nhận thức ăn chăn nuôi, thủy
sản đủ điều kiện nhập khẩu làm mẫu giới thiệu tại hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/làm
mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm
|
Mẫu số 13
|
Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu
|
Mẫu số 14
|
Đơn đăng ký hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng
thức ăn chăn nuôi thủy sản xuất, nhập khẩu
|
Mẫu số 15
|
Quyết định về việc chỉ định tổ chức chứng nhận sự
phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
|
Mẫu số 16
|
Báo cáo kết quả hoạt động kiểm tra, xác nhận chất
lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
|
Mẫu số 17
|
Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng
|
Mẫu số 18
|
Báo cáo tình hình tiêu thụ lô hàng thức ăn chăn
nuôi nhập khẩu chứa kháng sinh
|
Mẫu số 19
|
Giấy xác nhận chất lượng
|
Mẫu số 20
|
Đơn đề nghị miễn/giảm kiểm tra chất lượng thức ăn
chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu có thời hạn
|
Mẫu số 21
|
Văn bản về việc áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất
lượng/kiểm tra giảm có thời hạn
|
Mẫu số 01
(Tên tổ chức,
cá nhân)……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐĂNG KÝ KHẢO NGHIỆM THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY
SẢN MỚI
Kính gửi:………………………………………..(1)
Tên đơn vị: …………………………………………………………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………
Điện thoại: ……………………………; Fax: ……………………………; Email:
………………
Cơ sở thực hiện khảo nghiệm (tên cơ sở, địa chỉ):
……………………………………………
Doanh nghiệp đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi,
thủy sản sau:
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Khối lượng
|
Thời gian khảo
nghiệm
|
Bản chất, công
dụng
|
Dạng, màu
|
Xuất xứ sản phẩm
|
1
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định
của pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi.
|
Giám đốc
(Họ tên, chữ ký và đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 02
………………………….(1)
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………/………..
|
Hà Nội, ngày ……
tháng …… năm 20 ……..
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt nội dung đề cương khảo
nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới
………………………………………………..(2)
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của …………………….(1);
Căn cứ Nghị định số..../2017/NĐ-CP ngày....
tháng.... năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Xét đề nghị của …………………………………………………………………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung đề cương khảo
nghiệm sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản (chi tiết tại danh sách kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
........................(1), (tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản) đơn vị thực hiện khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản và thủ
trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- …………….
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 03
………………………….(1)
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………/………..
|
Hà Nội, ngày ……
tháng …… năm 20 ……..
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản
mới
……………………………………..(2)
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của ……………………… (1);
Căn cứ Nghị định số..../2017/NĐ-CP ngày....
tháng.... năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Xét đề nghị của………………………………………………………………………………………,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công nhận sản phẩm thức ăn chăn
nuôi, thủy sản có tên tại danh sách kèm theo là thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng ………………… (1), (tổ chức,
cá nhân đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản) và thủ trưởng các đơn
vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- …………
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 04
(Tên tổ chức,
cá nhân):
.............……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐĂNG KÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN SẢN XUẤT
TRONG NƯỚC ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM
Kính gửi:
…………………………… …………(1)
Tên tổ chức, cá nhân: ………………………………………………………………………….
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………….
Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………………………………….
Điện thoại: …………………; Fax: …………………; Email:
……………………………….
Đề nghị đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam như sau:
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Tên thương mại
|
Số tiêu chuẩn
công bố áp dụng
|
Số tiếp nhận
công bố hợp quy
|
Ngày tiếp nhận
công bố hợp quy
|
Cơ quan tiếp nhận
công bố hợp quy
|
1
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của
pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 05
(Tên đơn vị):…………..…
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ……………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐĂNG KÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN NHẬP KHẨU
ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM
Kính gửi:
………………………………………………(1)
Tên đơn vị nhập khẩu: …………………………………………………………………………….
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………
Mã số doanh nghiệp: ……………………………………………………………………………..
Điện thoại: …………………; Fax: ………………………; Email:
……………………………..
Đề nghị đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
được phép lưu hành tại Việt Nam như sau:
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Bản chất, công
dụng
|
Dạng, màu
|
Hãng, nước sản
xuất
|
1
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định
của pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Họ tên, chữ ký và đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 06
(Tên tổ chức,
cá nhân):
...............……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: …………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐĂNG KÝ LẠI THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM
Kính gửi:
………………………………… (1)
Tên tổ chức, cá nhân: ……………………………………………………………………………
Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………….
Mã số doanh nghiệp: …………………………………………………………………………….
Điện thoại: ……………………; Fax: ……………………; Email:
……………………………..
Đề nghị đăng ký lại thức ăn chăn nuôi, thủy sản được
phép lưu hành tại Việt Nam như sau:
1. Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất
trong nước
TT
|
Tên thức ăn chăn
nuôi, thủy sản
|
Tên thương mại
|
Số tiêu chuẩn
công bố áp dụng
|
Số tiếp nhận
công bố hợp quy
|
Ngày tiếp nhận
công bố hợp quy
|
Cơ quan tiếp nhận
công bố hợp quy
|
Mã số sản phẩm
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Bản chất, công
dụng
|
Dạng, màu
|
Hãng, nước sản
xuất
|
Mã số sản phẩm
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của
pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 07
Kính gửi:…………………………………….
(2)
Căn cứ Nghị định số..../2017/NĐ-CP ngày.... tháng....
năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và hồ sơ đăng ký
thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam của …………………… (2),
………………………… (1) có ý kiến như sau:
1. Xác nhận (ghi cụ thể số lượng) sản phẩm thức ăn
chăn nuôi, thủy sản có tên dưới đây được phép lưu hành tại Việt Nam:
a) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất
trong nước:
Tên nhà sản xuất: …………………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở chính:
………………………………………………………………………………
Điện thoại: ………………………………Fax: ……………………………………………………
Địa chỉ sản xuất: ……………………………………………………………………………………
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Tên thương mại
|
Chất lượng sản
phẩm*
|
Công dụng
|
Dạng, màu
|
Số tiêu chuẩn
công bố áp dụng
|
Số tiếp nhận
công bố hợp quy
|
Mã số sản phẩm
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu:
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Chất lượng sản
phẩm *
|
Công dụng
|
Dạng, màu
|
Hãng, nước sản
xuất
|
Mã số sản phẩm
|
1
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
2. Thời hạn lưu hành của sản phẩm là 05 năm, kể từ
ngày ký.
3. Yêu cầu ……………………… (2) thực hiện đúng các quy định
của pháp luật về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- ……………….
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Tên tổ chức, cá nhân.
(*) Các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn của sản
phẩm.
Mẫu số 08
(Tên tổ chức,
cá nhân):
..............……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN THAY ĐỔI THÔNG TIN
CỦA THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
Kính gửi:
……………………………………………………………… (1)
Tên tổ chức, cá nhân: ………………………………………………………………………….
Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………..
Điện thoại: …………………………; Fax: …………………………; Email:
…………………
Đề nghị được xác nhận thay đổi thông tin đối với sản
phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam sau đây:
1. Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất
trong nước
TT
|
Tên thương mại
|
Số tiêu chuẩn
công bố áp dụng
|
Mã số sản phẩm
|
Thông tin đã được
xác nhận
|
Thông tin xin
được thay đổi
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
2. Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Hãng, nước sản
xuất
|
Mã số sản phẩm
|
Thông tin đã được
xác nhận
|
Thông tin xin
được thay đổi
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của
pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(*) Số đăng ký nhập khẩu.
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 09
Kính gửi:
……………………………………(2)
Căn cứ Nghị định số..../2017/NĐ-CP ngày....
tháng.... năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và hồ sơ
đề nghị xác nhận thay đổi thông tin của thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép
lưu hành tại Việt Nam của ……………………………(2),
………………………… (1) có ý kiến như sau:
1. Xác nhận việc thay đổi thông tin sản phẩm thức
ăn chăn nuôi, thủy sản đã được phép lưu hành tại Việt Nam tại Văn bản số
............. ngày ... tháng ... năm ........ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, cụ thể như sau:
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Số tiêu chuẩn
công bố áp dụng
|
Mã số sản phẩm
|
Thông tin thay
đổi
|
Đã được công nhận
|
Được điều chỉnh
|
|
|
|
|
|
2. Yêu cầu …………………… (2) thực hiện đúng các quy định
của pháp luật về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- …………..
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1): Tên cơ quan có thẩm quyền
(2): Tên tổ chức, cá nhân
Mẫu số 10
(Tên tổ chức,
cá nhân):……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ NHẬP KHẨU THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
ĐỂ GIỚI THIỆU TẠI HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM
Kính gửi:
…………………………………………………… (1)
Tên đơn vị: …………………………………………………………………………………………
Địa chỉ:...…………………………………………………………………………………………….
Điện thoại: …………………………; Fax: …………………………; Email:
……………………
1. Đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
sau đây để giới thiệu tại các hội chợ triển lãm:
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Khối lượng
|
Bản chất, công
dụng
|
Dạng, màu
|
Quy cách bao
gói
|
Hãng, nước sản
xuất
|
1
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
2. Thời gian nhập: ………………………………………………………………………………
3. Cửa khẩu nhập: ………………………………………………………………………………
4. Thời gian, địa điểm tổ chức hội chợ triển lãm:
5. Phương án xử lý mẫu sau hội chợ triển lãm:
Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định
của pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Họ tên, chữ ký và đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 11
(Tên tổ chức,
cá nhân):……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………
|
……….., ngày ……
tháng …… năm 20 ……..
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ NHẬP KHẨU THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
ĐỂ NGHIÊN CỨU/LÀM MẪU PHÂN TÍCH TẠI PHÒNG
THỬ NGHIỆM
Kính gửi:
…………………………………………………… (1)
Tên đơn vị: ………………………………………………………………………………………….
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………
Điện thoại: …………………………; Fax: …………………………; Email:
…………………….
1. Đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
sau đây để làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm:
TT
|
Tên mẫu thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Khối lượng*
|
Bản chất, công
dụng
|
Dạng, màu
|
Quy cách bao
gói
|
Hãng, nước sản
xuất
|
1
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
(*) Không quá 2,0 kg đối với mỗi sản phẩm để làm mẫu
phân tích tại phòng thử nghiệm. Riêng nhập khẩu về với mục đích nghiên cứu thì
khối lượng phải phù hợp với nội dung nghiên cứu.
2. Thời gian nhập: ………………………………………………………………………………
3. Cửa khẩu nhập: ………………………………………………………………………………
4. Ghi rõ mục đích nghiên cứu/phân tích:
……………………………………………………
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của
pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 12
Kính gửi:
………………………………………………….(2)
………………………… (1) đã nhận được Văn bản số ………………ngày
…. tháng … năm …… của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận thức ăn chăn nuôi, thủy
sản đủ điều kiện nhập khẩu làm mẫu giới thiệu hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/làm
mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm. Sau khi thẩm định hồ sơ, ………………………….(1) có
ý kiến như sau:
1. Đồng ý để tổ chức, cá nhân nhập khẩu các sản phẩm
thức ăn chăn nuôi, thủy sản có tên dưới đây phục vụ trưng bày và giới thiệu sản
phẩm tại hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm
trong thời gian...........:
Số TT
|
Tên thức ăn chăn
nuôi, thủy sản
|
Số lượng
|
Bản chất, công
dụng
|
Hãng, nước sản
xuất
|
1
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
2. Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản nêu
trên chỉ được dùng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển
lãm/nghiên cứu/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm, không được sử dụng vào bất
kỳ mục đích nào khác.
3. Mẫu sản phẩm sau khi trưng bày và giới thiệu sản
phẩm tại hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm
phải được xử lý theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Cơ quan Hải quan;
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Tên tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu.
Mẫu số 13
(Tên tổ chức,
cá nhân)……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: …………….
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ NHẬP KHẨU THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
ĐỂ SẢN XUẤT, GIA CÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH XUẤT
KHẨU
Kính gửi:...
………………………….(1)
Tên đơn vị: ……………………………………………………………………………………………….
Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………….
Điện thoại: …………………………; Fax: …………………………; Email:
…………………………
1. Đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
sau đây để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu:
TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Khối lượng
|
Bản chất, công
dụng
|
Dạng, màu
|
Hãng, nước sản
xuất
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
2. Thời gian nhập: ………………………………………………………………………………
3. Cửa khẩu nhập: ………………………………………………………………………………
4. Thời gian xuất: ………………………………………………………………………………
5. Cửa khẩu xuất: ………………………………………………………………………………
6. Nước nhập khẩu:. ……………………………………………………………………………
Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định
của pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn chăn nuôi, thủy sản./.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Họ tên, chữ ký và đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 14
(Tên tổ chức):......……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm 20……..
|
ĐƠN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, XÁC NHẬN CHẤT
LƯỢNG
THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN XUẤT KHẨU, NHẬP
KHẨU
Kính gửi:
………………………………………(1)
1. Tên tổ chức: ……………………………………………………………………………………
2. Địa chỉ liên lạc: …………………………………………………………………………………
Điện thoại: ……………………………; Fax: ……………………………; E-mail:
……………
3. Quyết định chỉ định là tổ chức chứng nhận hợp
quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản số …………… ngày … tháng … năm ……….do
………………… (tên cơ quan có thẩm quyền) cấp.
4. Hình thức đề nghị chỉ định:
Chỉ định lần đầu
□
Chỉ định lại □
5. Hồ sơ kèm theo gồm:
- ……………………………………………………………………………………………………
- ……………………………………………………………………………………………………
6. Sau khi nghiên cứu các quy định tại Nghị định số
……./2017/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn
nuôi, thủy sản.
Đề nghị Tổng cục Thủy sản/Cục Chăn nuôi xem xét để
chỉ định (tên tổ chức) được tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận chất
lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu.
Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng các quy định của
pháp luật./.
|
Đại diện tổ chức
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 15
………………………….(1)
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………/………..
|
Hà Nội, ngày ……
tháng …… năm 20 ……..
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù
hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
……………………………………………………
(2)
Căn cứ ……………………………………………………………………………………… (3);
Căn cứ Nghị định số ……/2017/NĐ-CP ngày .... tháng
.... năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Căn cứ nhu cầu và năng lực của …….. (tên tổ chức được
chỉ định) về lĩnh vực kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản
xuất khẩu, nhập khẩu;
Xét đề nghị của ……………………………………………………………………………………,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chỉ định ………….. (tên và địa chỉ của
tổ chức được chỉ định) là tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn
nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 2. Thời hạn hiệu lực của Quyết định này
là 03 năm, kể từ ngày ký.
Điều 3. ……… (tên tổ chức được chỉ định) có
trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy
sản xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng ……….(1)……………, (tên
cơ sở đăng ký), thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- …………..
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.
(3) Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ
quan có thẩm quyền.
Mẫu số 16
(Tên tổ chức):...……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, XÁC NHẬN CHẤT
LƯỢNG
THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN XUẤT KHẨU, NHẬP
KHẨU
Kính gửi:
………………………………………………..(1)
1. Tên tổ chức: ……………………………………………………………………………………
2. Địa chỉ liên lạc:
…………………………………………………………………………………
Điện thoại: ………………… Fax: ……………………………… E-mail:
………………………
Báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, xác nhận chất
lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong giai đoạn từ ..….. đến ……. như sau:
- Số lượng đơn vị đã kiểm tra:
……………………………………………………………………
- Số lô hàng, khối lượng hàng hóa đã kiểm tra:
…………………………………………………
- Danh sách các lô hàng vi phạm nếu có (Tên, khối
lượng, giá trị, nguồn gốc xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, lỗi vi phạm).
- Các lỗi vi phạm trong hoạt động kiểm tra, xác nhận
chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức được chỉ
định do các đoàn kiểm tra phát hiện.
- Những kiến nghị của tổ chức về hoạt động kiểm
tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.
|
Đại diện tổ chức
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 17
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
The Socialist Republic of Vietnam
Independent - Freedom - Happiness
--------------
GIẤY ĐĂNG KÝ KIỂM TRA XÁC NHẬN CHẤT LƯỢNG
Registration for Quality Inspection of Feeds
Số/No: …………………………………….
(Dành cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra
ghi)
|
|
Số/No: …………………………………….
(Dành cho cơ quan kiểm tra ghi)
|
Kính gửi/To:
…………………………………….
1. Bên bán hàng/Seller: (hãng, nước)
|
2. Địa chỉ, Điện thoại, Fax/Address, Phone,
Fax:
|
3. Nơi xuất hàng/Port of departure:
|
4. Bên mua hàng/Buyer:
|
5. Địa chỉ, Điện thoại, Fax/Address, Phone,
Fax:
|
6. Nơi nhận hàng/Port of Destination:
|
7. Thời gian nhập khẩu dự kiến/importing date:
|
MÔ TẢ HÀNG HÓA/DESCRIPTION
OF GOODS
|
8. Tên hàng hóa/Name of goods:
|
9. Số lượng, khối lượng Quantity, Volume
|
10. Mã số công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản
được cấp phép lưu hành tại Việt Nam/ Registration number:
|
11. Cơ sở sản xuất/Manufacturer (hãng, nước sản
xuất):
|
12. Địa điểm tập kết hàng/Location of storage:
|
13. Ngày đăng ký lấy mẫu kiểm tra/Date for
sampling:
|
14. Địa điểm đăng ký lấy mẫu kiểm tra/Location
for sampling:
|
15. Thông tin người liên hệ/Contact person
|
16. Hợp đồng mua bán/Contact: Số
……………………..ngày ……………………..
|
17. Hóa đơn mua bán/Invoice: Số
……………………..ngày ……………………..
|
18. Phiếu đóng gói/Packinglist; Số
……………………..ngày ……………………..
|
DÀNH CHO CƠ QUAN
KIỂM TRA
|
19. Yêu cầu kiểm tra chỉ tiêu/Analytical
parameters required:
|
20. Thời gian kiểm tra/Date of testing:
|
21. Đơn vị thực hiện kiểm tra:
|
Đối với hàng nhập khẩu, Giấy này có giá trị để
làm thủ tục hải quan. Sau đó doanh nghiệp phải xuất trình toàn bộ hồ sơ và
hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan cho cơ quan kiểm tra để được kiểm tra
chất lượng theo quy định/This registration is used for customs clearance
in term of imported goods. Consigner is required to submit to the inpection
body, afterward, all related document of the imported goods
|
…………………
ngày/date:
Đại diện tổ chức, cá nhân
(Ký tên, đóng dấu)
|
……………………,
ngày/date:
Đại diện cơ quan kiểm tra
(Ký tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 18
(Tên tổ chức,
cá nhân)……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIÊU THỤ LÔ HÀNG
THỨC ĂN CHĂN NUÔI NHẬP KHẨU CHỨA KHÁNG
SINH
Kính gửi:……………………………………………………………………(1)
Tên đơn vị: …………………………………………………………………………………………
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………
Điện thoại: ………………………; Fax: ………………………; Email:
…………………………
Công ty chúng tôi xin báo cáo tình hình nhập khẩu
và tiêu thụ lô hàng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh như sau:
- Tên thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh:
……………………………………………………
- Tên, hàm lượng kháng sinh trong sản phẩm:
………………………………………………
- Mã số công nhận (số đăng ký nhập khẩu):
………………………………………………….
- Hãng, nước xuất xứ: ………………………………………………………………………….
- Khối lượng lô hàng (kg):
………………………………………………………………………
- Mã số hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng:
………………………………………
- Giấy xác nhận chất lượng số: ………………ngày …………… do
…… (2) cấp.
1. Tình hình tiêu thụ lô hàng:
TT
|
Sử dụng nội bộ
|
Bán ra ngoài
|
Số lượng tồn
kho (kg) (tính đến ngày báo cáo)
|
Để sản xuất
TĂCN (kg)
|
Sử dụng tại trại
chăn nuôi của đơn vị (kg)
|
Tên, địa chỉ của
khách hàng
|
Số lượng (kg)
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
2. Kế hoạch sử dụng hoặc phân phối đối với lượng tồn
kho nêu trên và lô hàng nhập khẩu mới.
|
…………., ngày ...
tháng ... năm ...
Giám đốc
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Tên tổ chức cấp giấy xác nhận chất lượng.
Mẫu số 19
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
The Socialist Republic of Vietnam
Independent - Freedom - Happiness
--------------
Cơ quan cấp xác nhận chất lượng/Department issues
the quality certificate
Địa chỉ/Address: ..................................................................................................................
Điện thoại/Tel:..........................................
Fax: ...................................................................
GIẤY XÁC NHẬN CHẤT LƯỢNG
QUALITY CERTIFICATE
Bên bán hàng/ Seller:
Địa chỉ, Điện thoại, Fax./Address, Phone, Fax:
|
Nơi xuất hàng/Port of departure:
|
Bên mua hàng/Buyer:
Địa chỉ/Address:
Điện thoại, Fax/Phone, Fax:
|
Nơi nhận hàng/Port of Destination:
|
Tên hàng hóa/Name of goods
|
Khối lượng
Quantity, Volume:
|
Mô tả hàng hóa/Description of goods:
|
Căn cứ vào kết quả kiểm tra số...., Giấy đăng ký
kiểm tra xác nhận chất lượng số ...... và kết quả phân tích chất lượng
.......
(Cơ quan cấp xác nhận chất lượng)
Xác nhận lô hàng đạt yêu cầu chất lượng/Hereby
certificates the goods meet the quality requirements
|
|
|
|
|
......................,
ngày/date:
Đại diện cơ quan kiểm tra
Representative of Inspection body
(Ký tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 20
(Tên tổ chức,
cá nhân):
..........……
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………………..
|
……….., ngày ……
tháng …… năm ……..
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ MIỄN/GIẢM KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN NHẬP KHẨU CÓ
THỜI HẠN
Kính gửi:...................................................................(1)
Tên tổ chức, cá nhân:
..........................................................................................................
Địa chỉ: .................................................................................................................................
Điện thoại:.....................................
Fax:.......................................; Email:
............................
Đề nghị miễn/giảm kiểm tra có thời hạn chất lượng sản
phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu sau đây:
TT
|
Tên sản phẩm
|
Mã số công nhận
TĂCN được phép lưu hành tại Việt Nam *
|
Giấy đăng ký kiểm
tra xác nhận chất lượng số
|
Hãng, nước sản
xuất
|
Thời gian nhập
khẩu (ngày, tháng, năm)
|
Giấy xác nhận
chất lượng số
|
I
|
A
|
|
|
|
|
|
|
Lần 1
|
|
|
|
|
|
|
Lần 2
|
|
|
|
|
|
|
Lần 3
|
|
|
|
|
|
|
Lần 4
|
|
|
|
|
|
|
Lần 5
|
|
|
|
|
|
II
|
B
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
* Số đăng ký nhập khẩu
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của
pháp luật hiện hành có liên quan về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
|
Đại diện tổ chức,
cá nhân
(Ký tên, đóng dấu)
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 21
Kính gửi:..................................................(2)
............................................(1) đã
nhận được Văn bản số .........ngày ... tháng ... năm .......... của tổ chức, cá
nhân đề nghị áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng/kiểm tra giảm có thời hạn
đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu. Sau khi thẩm định hồ sơ,
.............................(1) có ý kiến như sau:
1. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được
phép lưu hành tại Việt Nam có tên dưới đây:
Số TT
|
Tên thức ăn
chăn nuôi, thủy sản
|
Mã số công nhận
TĂCN được phép lưu hành tại Việt Nam
|
Hãng, nước sản
xuất
|
Tên đơn vị nhập
khẩu
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng/kiểm
tra giảm có thời hạn theo quy định tại Nghị định số ........./2017/NĐ-CP ngày
... tháng ... năm .... của Chính phủ kể từ ngày ......... đến hết ngày
................
2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy
định hiện hành về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổ chức được chỉ định;
- Lưu: VT,.....
|
LÃNH ĐẠO CƠ
QUAN
CÓ THẨM QUYỀN
|
_______________
(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.
(2) Tên tổ chức, cá nhân đề nghị miễn kiểm tra chất
lượng có thời hạn/áp dụng chế độ kiểm tra.