THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 620/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH KIÊN
GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh về sửa đổi, bổ
sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch ngày 22 tháng 12
năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số
751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải
thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số
37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP
ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch
năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP
ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP
ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch
được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo
quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân
dân tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 41/TTr-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2020 về việc
phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 2240/BC-HĐTĐ ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Hội
đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và Báo cáo số 100/BC-UBND ngày 16
tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tiếp thu, giải
trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời
kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nội dung chủ yếu như sau:
I.
TÊN, PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Tên Quy hoạch:
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi quy
hoạch: Phần lãnh thổ tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích tự nhiên là 6.349 km2,
bao gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên
và các huyện: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng,
Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Phú Quốc và Kiên Hải.
- Phía Tây,
Tây Nam tiếp giáp với vịnh Thái Lan;
- Phía Bắc tiếp
giáp với Vương quốc Campuchia;
- Phía Đông,
Đông Bắc giáp các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang;
- Phía Nam
giáp tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.
Phần lãnh thổ
không gian biển: Xác định trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về biển; Luật Biển
Việt Nam năm 2012; Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của
Chính phủ về giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài
nguyên biển; Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành
chính và xây dựng cơ sở dữ liệu và địa giới hành chính” và các văn bản liên
quan.
Có tọa độ địa
lý: từ 103030’ (tính từ đảo Thổ Chu) đến 105032' kinh độ
Đông và từ 9023' đến 10032' vĩ độ Bắc.
3. Thời kỳ Quy
hoạch
- Thời kỳ Quy
hoạch: 2021 - 2030.
- Tầm nhìn dài
hạn: Đến năm 2050.
II.
QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC LẬP QUY HOẠCH
1. Quy hoạch tỉnh
Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp, thống nhất,
đồng bộ với mục tiêu, định hướng, nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế -
xã hội 10 năm thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và tầm nhìn Việt
Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước; các điều
ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.
2. Đảm bảo tính
nhân dân, tuân thủ, liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc, tương thích trong hệ
thống quy hoạch quốc gia; tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các
địa phương trong tỉnh vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng
phát triển cho các thời kỳ tiếp theo, hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng,
các địa phương và lợi ích của người dân; tính khả thi, khoa học, khách quan,
công khai, minh bạch; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm,
hiệu quả.
3. Đánh giá đầy
đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực,
trong nước tác động đến phát triển của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá
khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết
là kết nối giữa tỉnh Kiên Giang với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long
và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản
lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ
thiết yếu.
4. Xây dựng
quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát
triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc
thù, riêng biệt, độc đáo của Kiên Giang so với các địa phương khu vực bán đảo
Cà Mau và các tỉnh lân cận, chú trọng những mô hình phát triển mới, năng động
như phát triển đô thị, vùng kinh tế trọng điểm ven biển, năng lượng tái tạo,
nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác, nuôi trồng
hải sản xa bờ, công nghiệp chế biến, kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái
nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
5. Đáp ứng cao
nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu
văn hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là quan hệ với Vương quốc Campuchia; yêu cầu
phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng; yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ
tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển
dâng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng giới,
giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng tinh thần của nhân
dân; phát huy, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn
hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm
bảo sinh kế bền vững cho người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an
toàn xã hội; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên.
6. Bảo đảm các
nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4
Luật Quy hoạch năm 2017.
III.
MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH
1. Quy hoạch tỉnh
Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ
đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định
chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất,
kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; phấn đấu đến năm 2030
Kiên Giang trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu, có khả năng tự chủ ngân sách, là
động lực tăng trưởng mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
2. Cụ thể hóa
quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng
bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng,
phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy
hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
IV.
NỘI DUNG LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về
nội dung lập quy hoạch
a) Định hướng
phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế -
xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội
và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
b) Đảm bảo
tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng
hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh;
xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở
cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
c) Xây dựng và
cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an
sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
d) Ứng dụng
công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch;
đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển,
hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
2. Xác định nội
dung Quy hoạch
Nội dung Quy
hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện
theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017
và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm
2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Phân tích,
đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương.
b) Đánh giá thực
trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống
đô thị và nông thôn.
c) Đánh giá về
việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước.
d) Xây dựng
quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án
quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt
động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh:
- Xây dựng
quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh.
- Xác định
phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng và
lựa chọn các phương án:
+ Phương án tổ
chức hoạt động kinh tế - xã hội;
+ Phương án
quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, các khu vực và khu chức
năng; phương án tổ chức lãnh thổ và phân bố dân cư (thực hiện theo đúng quy định
tại điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017);
+ Phương án
phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (thực hiện theo đúng quy định tại
các điểm đ, e, g, h, i, k khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch năm
2017);
+ Phương án
phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn
vị hành chính cấp huyện;
+ Phương án
quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
+ Phương án bảo
vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học trên địa bàn tỉnh;
+ Phương án bảo
vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh;
+ Phương án
khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác
hại do nước gây ra;
+ Phương án phòng,
chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh;
+ Danh mục dự
án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện;
+ Giải pháp,
nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
đ) Các nội
dung đề xuất nghiên cứu:
Các nội dung đề
xuất nghiên cứu đưa vào Quy hoạch tỉnh phải bảo đảm cơ sở khoa học, phù hợp với
thực tiễn, nhu cầu phát triển, yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương; tập
trung vào một số nội dung sau:
- Phương hướng
phát triển các vùng: Vùng kinh tế trọng điểm ven biển Rạch Giá - Hà Tiên, Vùng
U Minh Thượng, Vùng Tây sông Hậu, Vùng Tứ giác Long Xuyên; và các địa phương:
thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và các huyện: Giang Thành, Kiên Lương,
Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận,
U Minh Thượng, Phú Quốc và Kiên Hải.
- Phương hướng
phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại Phú Quốc.
- Phương hướng
phát triển khu kinh tế biển, khu kinh tế biên giới (cửa khẩu quốc tế Hà Tiên).
- Phương hướng
phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi
khí hậu; khai thác, nuôi trồng hải sản xa bờ.
- Phương hướng
phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo.
- Phương án bảo
tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học (khu dự trữ sinh quyển thế giới
Kiên Giang).
V.
PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về
phương pháp lập Quy hoạch
Hệ thống các
phương pháp lập Quy hoạch phải đảm bảo tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp
với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực và ứng dụng công nghệ hiện đại.
2. Các phương
pháp lập Quy hoạch
- Tích hợp quy
hoạch;
- So sánh đối
chiếu, lồng ghép bản đồ với việc áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông
tin địa lý (GIS).
- Dự báo phát
triển và quy hoạch chiến lược.
- Phân tích hệ
thống, đánh giá tổng hợp, so sánh, mô hình tối ưu.
- Chuyên gia, hội nghị, hội thảo.
- Tiếp cận từ
thực địa.
- Nghiên cứu tại
bàn.
- Các phương
pháp khác phù hợp với quy trình kỹ thuật lập Quy hoạch tỉnh.
VI.
THÀNH PHẦN, CHI PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần
hồ sơ
a) Phần văn bản:
- Tờ trình thẩm
định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
- Dự thảo Quyết
định phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
- Báo cáo Quy
hoạch tỉnh gồm Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt và các báo cáo liên quan; các
phụ lục, sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về Quy hoạch.
- Báo cáo Đánh
giá môi trường chiến lược (ĐMC) (thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về
bảo vệ môi trường).
- Các tài liệu,
văn bản pháp lý có liên quan khác.
b) Hệ thống bản
đồ và sơ đồ:
Danh mục và tỷ
lệ bản đồ Quy hoạch tỉnh quy định tại mục IX Phụ lục I Nghị định số
37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, gồm:
- Bản đồ in tỷ
lệ 1:250.000 - 1:1.000.000: Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh Kiên
Giang.
- Bản đồ số và
bản đồ in, tỷ lệ 1:25.000 - 1:100.000:
+ Các bản đồ về
hiện trạng phát triển;
+ Bản đồ đánh
giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng;
+ Bản đồ
phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn;
+ Bản đồ
phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng;
+ Bản đồ
phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;
+ Bản đồ
phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
+ Bản đồ
phương án quy hoạch sử dụng đất;
+ Bản đồ
phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;
+ Bản đồ
phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai
và ứng phó biến đổi khí hậu;
+ Bản đồ
phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
+ Bản đồ vị
trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;
+ Hệ thống bản
đồ chuyên đề khác (nếu có).
- Bản đồ in tỷ
lệ 1:10.000 - 1:25.000: Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển khu vực trọng
điểm của tỉnh (nếu có).
2. Chi phí lập
quy hoạch: Thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Thời hạn lập
quy hoạch: Trong 18 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban
nhân dân tỉnh Kiên Giang căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của
Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định
hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá
trình lập Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp, cập nhật
thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với
yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định
tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017 và quy định
pháp luật liên quan.
2. Giao Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các
bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện
hành hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện
lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Điều 3.
Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Kiên Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục;
- Lưu VT, QHĐP (2b) S.Tùng.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|