ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 32/2018/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 05
tháng 3 năm 2018
|
QUYẾT
ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC CƯỠNG CHẾ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
ĐÃ CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm
2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng
5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất
đai;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06
tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi
tiết thi hành Luật Đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường tại Tờ trình số 423/TTr-STNMT ngày 21/12/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo quyết định này “Quy định việc cưỡng chế thực hiện quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2018.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Bộ Tài
nguyên và Môi trường;
- Cục
Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- MTTQ
tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Báo Lạng Sơn, Đài PT-TH tỉnh;
- PCVP UBND tỉnh,
Các
phòng Chuyên viên, TH-CB;
- Lưu:
VT, KTN(NVH).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Ngọc Thưởng
|
QUY ĐỊNH
VIỆC CƯỠNG CHẾ THỰC
HIỆN QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI ĐÃ CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
(Kèm theo Quyết định
số 32/2018/QĐ-UBND ngày 05/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định
việc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của người có
thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh
Lạng Sơn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy
định này áp dụng đối với người có thẩm quyền, cơ quan chịu trách nhiệm
tổ chức thi hành cưỡng chế và tổ chức, cá nhân có liên quan; các bên tranh
chấp đất đai không tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
đã có hiệu lực thi hành.
Điều
3. Giải thích từ ngữ:
1. Quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai là quyết định hành chính do người có thẩm quyền
trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật
quy định để giải quyết các tranh chấp đất đai.
2.
Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trong các
trường hợp sau:
a)
Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được quyết
định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá bốn mươi lăm (45)
ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một
trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải
quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu
có hiệu lực thi hành.
b) Trong
thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được quyết định
giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng
sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
không quá bốn mươi lăm (45) ngày mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp
không có đơn khởi kiện ra Tòa án thì quyết định giải quyết tranh chấp lần hai
có hiệu lực thi hành.
3.
Người bị cưỡng chế là tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng đất không tự nguyện
chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc, điều kiện thực hiện cưỡng
chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
Nguyên
tắc cưỡng chế,
điều kiện thực hiện cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Khoản 59, Điều 2
Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày
06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định
chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Điều 5. Thời gian thực hiện quyết định cưỡng chế
Thời
gian cưỡng chế theo quy định tại Điểm đ, Khoản 3 và Khoản 4, Điều 61 Nghị định
số 43/2014/NĐ-CP ngày
15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Đất đai và được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 40, Điều 2 Nghị
định số
01/2017/NĐ-CP ngày
06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định
quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Thời
gian quy định tại quyết định này là ngày làm việc hành chính.
Điều 6. Thẩm
quyền ban hành quyết định cưỡng chế
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định
cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cấp có thẩm quyền
đã có hiệu lực thi hành thuộc địa bàn quản lý.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Ban hành Quyết định cưỡng chế và
thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
1.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có
hiệu lực pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ
quốc Việt Nam
cấp xã, tùy từng trường hợp cụ thể có thể mời đại diện đoàn thể chính trị - xã
hội cấp
xã nơi có đất tranh chấp làm việc với các bên tranh chấp, người có quyền và
nghĩa vụ liên quan để vận động, thuyết phục chấp hành quyết định. Trường hợp
bên tranh chấp, người có quyền và nghĩa vụ liên quan không chấp hành thì trong
thời hạn 07 ngày, Ủy ban nhân
dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Tài nguyên và Môi
trường) để tham mưu ban hành quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày
nhận được báo cáo
của
Ủy ban nhân dân cấp xã kèm theo biên bản vận động thuyết phục, Phòng Tài nguyên
và Môi trường trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ban hành quyết
định cưỡng chế, quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
Biên
bản vận động, thuyết phục chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
thực hiện theo Mẫu số 01 ban
hành kèm theo Quy định này.
Báo
cáo kết quả vận động thuyết phục chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành
kèm theo Quy định này.
2.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình của Phòng Tài nguyên và
Môi trường quy định tại Khoản 1 Điều này và hồ sơ gồm: Biên bản vận động thuyết
phục chấp hành quyết định, báo cáo kết quả vận động thuyết phục chấp hành quyết
định; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật; dự thảo
quyết định cưỡng chế và quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ban hành quyết định cưỡng chế và quyết định
thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
Tờ
trình đề nghị ban hành quyết định cưỡng chế, quyết định thành lập Ban thực hiện
cưỡng chế thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Quy định này.
Quyết
định cưỡng chế thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Quy định này. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện phân công cơ quan chủ trì thực hiện cưỡng chế trên nguyên
tắc tham mưu giải quyết, tính chất, mức độ và điều kiện thi hành quyết định
cưỡng chế.
Quyết
định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện theo Mẫu số 05 ban
hành kèm theo Quy định này. Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Khoản 59,
Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày
06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định
chi tiết thi hành Luật Đất đai, tùy từng trường hợp cụ thể có thể có thành viên khác
như đại diện Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh cấp
xã.
Điều 8. Gửi, niêm yết công khai quyết định
cưỡng chế
1.
Ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế, quyết định thành lập Ban thực hiện
cưỡng chế phải gửi cho Ban thực hiện cưỡng chế, cơ quan tham mưu thực hiện cưỡng
chế, cơ quan, tổ chức có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh
chấp để phối hợp thực hiện.
2. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận
được quyết định cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế giao
quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế (có biên bản giao nhận Quyết định
cưỡng chế), tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định cưỡng chế được giao trực
tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong trường hợp người bị
cưỡng chế cư trú ngoài địa bàn huyện, thành phố nơi quyết định cưỡng chế và
thông báo cho người bị cưỡng chế biết.
Biên
bản giao nhận quyết định cưỡng chế thực hiện theo Mẫu số 06 ban
hành kèm theo Quy định này.
a)
Trường hợp quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp mà người bị cưỡng chế từ chối nhận hoặc vắng mặt
(tại nơi cư trú hoặc không đến làm việc theo giấy mời) thì phải lập biên
bản về việc từ
chối nhận
quyết định hoặc vắng mặt, có 02 người chứng kiến ký tên và lập biên bản niêm
yết quyết định cưỡng chế theo Khoản 3 Điều này thì được coi là quyết định đã
được giao.
Biên
bản từ
chối nhận
quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt thực hiện theo Mẫu số 07 ban hành kèm
theo Quy định này.
Biên
bản niêm yết quyết định cưỡng chế thực hiện theo Mẫu số 08 ban
hành kèm theo Quy định này.
b)
Trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 05 ngày kể từ ngày
quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ hai mà bị trả
lại do người
bị
cưỡng chế từ
chối
nhận thì được coi là quyết định đã được giao.
3.
Niêm yết công khai quyết định cưỡng chế
Quyết
định cưỡng chế sau khi được ban hành phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có
đất tranh chấp niêm yết công khai theo quy định tại Khoản 59, Điều 2 Nghị định
số 01/2017/NĐ-CP ngày
06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ tối thiểu 05 ngày trước khi thực hiện cưỡng
chế. Việc niêm yết được lập thành biên bản theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Quy
định này.
Điều 9. Xây dựng kế hoạch tiến hành cưỡng chế
1.
Trong thời hạn
05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thành lập, Ban thực
hiện cưỡng chế có trách
nhiệm thu thập thông tin, khảo sát hiện trạng nơi tiến hành cưỡng chế, chủ trì
xây dựng kế hoạch tiến hành cưỡng chế và dự toán kinh phí trình người ra quyết
định cưỡng chế phê duyệt.
2.
Kế hoạch tiến hành cưỡng chế thực hiện theo Mẫu số 09 ban
hành kèm theo Quy định này.
3.
Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với cơ quan công an cấp huyện để đảm bảo trật
tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế; phối hợp với các cơ
quan thông tấn báo chí để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến người dân.
Điều 10. Vận động, thuyết phục và thông báo
cưỡng chế
1.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Ban thực
hiện cưỡng chế phối hợp với chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp xã động viên, thuyết phục người bị cưỡng chế; người có quyền và
nghĩa vụ liên quan.
2.
Trường hợp người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh
chấp đất đai thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện
chấp hành và phải được thành phần tham dự, người bị cưỡng chế ký tên hoặc điểm
chỉ; nội dung tự nguyện phải được thực hiện trong thời hạn không quá 03 ngày,
kể từ ngày lập biên bản.
Trường
hợp quá thời hạn 03 ngày, kể từ ngày lập biên bản người bị cưỡng chế không tự
nguyện chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận việc không
tự nguyện chấp hành và tiến hành Thông báo cưỡng chế theo quy định tại Khoản 3
Điều này (trong trường hợp này người bị cưỡng chế không được áp dụng Điểm b,
Khoản 1, Điều 11 Quy định này).
Biên
bản ghi nhận sự tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
thực hiện theo Mẫu số 10 ban hành
kèm theo Quy định này.
Biên
bản ghi nhận việc không tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp
đất đai thực hiện theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Quy định này.
3.
Trường hợp người bị cưỡng chế không tự nguyện chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng
chế lập biên bản vận động, thuyết phục, đối thoại không thành và thông báo thời
gian cưỡng chế bằng văn bản; thời hạn cưỡng chế sau 03 ngày, kể từ ngày thông
báo. Thông báo cưỡng chế phải có các nội dung cơ bản: Đối tượng được thông báo
cưỡng chế; thời gian, địa điểm cưỡng chế; yêu cầu người bị cưỡng chế, người có
quyền và nghĩa vụ liên quan có tài sản trên đất phải di dời tài sản ra khỏi nơi
thực hiện cưỡng chế.
Biên
bản vận động, thuyết phục, đối thoại không thành thực hiện theo Mẫu số 12 ban hành
kèm theo Quy định này.
Thông
báo cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo
Mẫu số 13 ban hành kèm theo Quy định này.
Điều 11. Thực hiện cưỡng chế
1.
Trên cơ sở quyết định cưỡng chế, kế hoạch tiến hành cưỡng chế đã được phê
duyệt, Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành
cưỡng chế ngoài thực địa:
a)
Trường hợp người bị cưỡng chế, người có nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt thì
vẫn tiến hành cưỡng chế.
b)
Trước khi cưỡng chế, nếu người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành thì Ban thực
hiện cưỡng chế lập thủ tục theo Khoản 2 Điều 10 Quy định này.
c)
Việc cưỡng chế phải được lập thành biên bản và giao cho người bị cưỡng chế một
bản; biên bản phải được thành phần tham dự cưỡng chế ký tên, hoặc điểm chỉ;
trường hợp vắng mặt hoặc từ chối ký biên bản thì phải ghi lý do vào biên bản.
Biên
bản cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo
Mẫu số 14 ban hành kèm theo Quy định này.
2. Ban thực hiện cưỡng chế buộc người bị
cưỡng chế, người có liên quan phải tháo dỡ, di dời tài sản ra khỏi nơi cưỡng
chế. Nếu người bị cưỡng chế, người có liên quan không tự nguyện thực hiện, Ban
thực hiện cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa người bị cưỡng chế, người
có liên quan cùng tài sản ra khỏi nơi cưỡng chế.
3.
Trường hợp người bị cưỡng chế, người có liên quan từ chối nhận tài sản, thì Ban
thực hiện cưỡng chế xử lý như sau:
a)
Đối với tài sản không bảo quản được, dễ hư hỏng (thủy sản, hoa màu,...) thì Ban
thực hiện cưỡng chế thông báo cho chủ sở hữu tài sản nhận ngay sau khi tiến
hành cưỡng chế, nếu từ chối nhận tài sản thì chủ sở hữu tài sản chịu trách nhiệm
về mất mát, hư hao, chênh lệch giá về tài sản. Ban thực hiện cưỡng chế chủ trì
phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức bán ngay và phải lập thành biên
bản gồm có các nội dung: Thành phần tham gia bán tài sản, đại diện chính quyền
địa phương, người chứng kiến, tên và địa chỉ đơn vị thu mua tài sản; số lượng
(nếu thống kê được), trọng lượng, giá đối với từng loại tài sản, chủ sở hữu tài
sản (nếu có giấy tờ, chứng cứ xác định được chủ sở hữu), tổng số tiền bán được,
biên bản phải có chữ ký của thành phần bán tài sản, chủ sở hữu tài sản (nếu
có), đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến, người mua tài sản. Số
tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, bảo quản, xử lý tài
sản sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính cấp huyện;
Biên
bản bán tài sản không bảo quản được, dễ hư hỏng trong quá trình cưỡng chế thực
hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo Mẫu số 15 ban
hành kèm theo Quy định này.
b) Đối với tài sản bảo quản được, Ban thực
hiện cưỡng chế lập biên bản tạm giữ tài sản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình
trạng từng loại tài sản, chủ sở hữu tài sản (nếu có giấy tờ, chứng cứ xác định
được chủ sở hữu) và lập biên bản bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực
hiện cưỡng chế bảo quản hoặc cơ quan có trách nhiệm chủ trì thực hiện cưỡng chế
thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản tài sản; biên bản
phải ký tên hoặc điểm chỉ của đại diện bên bàn giao, bên nhận bảo quản tài sản
tạm quản lý, chủ sở hữu tài sản, đại diện chính quyền địa phương hoặc 02 người
chứng kiến.
Biên
bản tạm giữ tài sản cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất
đai thực hiện theo Mẫu số 16 ban
hành kèm theo Quy định này.
Biên
bản bàn giao để trông giữ, bảo quản tài sản cưỡng chế thực hiện Quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo Mẫu số 17 ban hành kèm theo Quy định này.
c)
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế phải niêm
yết thông báo tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế (thông báo
thời gian, địa điểm) để chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp nhận tiền, tài sản;
việc niêm yết phải được lập thành biên bản.
Thông
báo nhận tiền, tài sản cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất
đai thực hiện theo Mẫu số 18 ban
hành kèm theo Quy định này.
Biên
bản niêm yết Thông báo nhận tiền, tài sản cưỡng chế thực hiện Quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo Mẫu số 19 ban hành kèm theo Quy định
này.
4. Ngay sau khi thực hiện xong cưỡng chế
ngoài thực địa, Ban thực hiện cưỡng chế đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền
đo đạc và lập biên bản bàn giao đất cho người sử dụng hợp pháp, biên bản bàn
giao đất phải có chữ ký của đại diện Ban thực hiện cưỡng chế, đối tượng nhận
bàn giao đất và xác nhận của chính quyền địa phương.
Biên
bản bàn giao đất cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
thực hiện theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Quy định này.
5.
Trong thời gian 07 ngày, kể từ ngày kết thúc cưỡng chế ngoài thực
địa, Ban thực hiện cưỡng chế họp đánh giá kết quả thực hiện cưỡng chế và báo
cáo kết quả cưỡng chế đến người ra quyết định cưỡng chế.
Báo
cáo kết quả cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thực
hiện theo Mẫu số 21 ban hành
kèm theo Quy định này.
Điều 12. Xử lý tài sản tạm quản lý thuộc
trường hợp bán đấu giá
1.
Đối với tài sản tạm quản lý quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 11 Quy định
này, sau 03 tháng kể từ ngày niêm yết thông báo nhận tài sản theo quy định tại
Điểm c, Khoản 3, Điều 11
Quy
định này mà chủ sở hữu tài sản không đến nhận tài sản thì cơ quan chủ trì cưỡng
chế trình người ra quyết định cưỡng chế thành lập Hội đồng định giá tài sản để
bán đấu giá
theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
2. Đối với tài
sản tạm quản lý nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán được thì cơ quan
chủ trì cưỡng chế tham mưu người ra quyết định cưỡng chế thành lập hội đồng
tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện là Chủ tịch hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và
đại diện cơ quan có liên quan là thành viên.
Điều 13. Lưu trữ hồ sơ cưỡng chế
1.
Hồ sơ cưỡng chế lưu trữ gồm có:
a)
Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai;
b)
Báo cáo kết quả vận động thuyết phục;
c)
Quyết định cưỡng chế;
d)
Quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;
đ)
Kế hoạch cưỡng chế;
e)
Thông báo cưỡng chế;
f)
Biên bản vận động, thuyết phục; biên bản cưỡng chế; biên bản tạm quản lý tài
sản cưỡng chế; biên bản bàn giao bảo quản tài sản tạm quản lý và các biên bản
khác;
g)
Thông báo nhận tài sản (nếu có);
h)
Hình ảnh, thiết bị lưu trữ ghi hình, ghi âm (nếu có) và các văn bản khác;
i)
Báo cáo kết quả cưỡng chế.
2.
Tài liệu trong hồ sơ phải đánh số thứ tự, lập bảng kê tài liệu và được lưu tại
cơ quan chủ trì thực hiện cưỡng chế theo quy định công tác Văn thư, Lưu trữ
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trưởng Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản bàn
giao tài liệu cho cơ quan được giao chủ trì cưỡng chế.
Biên
bản bàn giao tài liệu cưỡng chế thực hiện Quyết định giải quyết tranh chấp đất
đai thực hiện theo Mẫu số 22 ban hành kèm theo Quy định này.
Điều 14. Giải quyết khiếu nại và xử lý trường
hợp tái chiếm
1.
Người bị cưỡng chế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện việc thực hiện cưỡng chế
theo quy định.
2.
Nếu người bị cưỡng chế, người có nghĩa vụ liên quan tái chiếm thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm
quyền xử lý theo quy định.
Điều 15. Kinh phí thực hiện việc cưỡng chế
Kinh
phí thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Khoản 59, Điều 2 Nghị định
số 01/2017/NĐ-CP ngày
06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định
chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Việc
lập dự toán, chấp hành và quyết toán chi thường xuyên hàng năm của Ủy ban nhân
dân cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng
dẫn thi
hành.
Kinh
phí cưỡng chế được giao nằm
ngoài
dự toán hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm thi hành cưỡng chế
1.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực
hiện quyết định cưỡng chế của mình; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản
ánh, khiếu nại liên quan đến cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
2.
Cơ quan chuyên môn cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cùng cấp và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo phân công của người có thẩm
quyền.
3.
Cơ quan công an có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi
hành quyết định cưỡng chế.
Ban
thực hiện cưỡng chế gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan Công an cùng cấp trước khi
thực hiện cưỡng chế 05 ngày để bố trí lực lượng.
4.
Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm lập kế hoạch cưỡng chế và dự toán kinh
phí phục vụ cưỡng chế trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt; thông báo
cưỡng chế, yêu cầu cơ quan công an cử lực lượng hỗ trợ; thực hiện cưỡng chế
theo kế hoạch đã được phê duyệt; bàn giao đất cho đối tượng sử dụng hợp pháp,
báo cáo kết quả thực hiện cưỡng chế.
5.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm phối
hợp với Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, giải thích đối tượng
cưỡng chế; tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng
chế; tham gia thực hiện cưỡng chế; di chuyển, bảo quản tài sản của người bị cưỡng chế
đối với trường hợp không nhận tài sản do Ban thực hiện cưỡng chế bàn giao.
6.
Tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì thực
hiện cưỡng chế và Ban thực hiện cưỡng chế khi có yêu cầu; tạo điều kiện để cơ quan thực
hiện cưỡng chế hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai
thực hiện Quy định này.
2.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh
theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
3.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan,
tổ chức có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng
hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.