Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 08/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Phạm Văn Sinh
Ngày ban hành: 30/06/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2014/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 30 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014.

Quyết định này thay thế Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 03/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Các quy định khác trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh có nội dung trái với quy định ban hành kèm theo Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc Sở; Thủ trưởng ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy,
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh;
- Lưu VT, NN, TH, CBTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể một số điều, khoản của Luật Đất đai và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

2. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai khi Nhà nước thu hồi đất.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Chương II

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT

Điều 3. Bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch (Thực hiện điểm b khoản 2 Điều 90 Luật Đất đai)

1. Đối với vật nuôi là thủy sản nuôi trồng trên đất sử dụng hợp pháp mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm theo mức giá do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng, Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Đối với vật nuôi là thủy sản nuôi trồng trên đất sử dụng hợp pháp mà tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch nhưng có thể di chuyển được thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập phương án di chuyển sau khi xác định với chủ sở hữu tài sản về địa điểm di chuyển đến cho phù hợp thực tế. Chi phí thiệt hại do di chuyển được tính bằng 10% mức chi phí di chuyển.

Tổng mức bồi thường các chi phí di chuyển và chi phí thiệt hại do di chuyển gây ra tối đa bằng mức bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm.

Điều 4. Bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt tài sản và bồi thường thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt trong trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất (Thực hiện khoản 1 Điều 91 Luật Đất đai)

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản (không bao gồm các tài sản đã được bồi thường) thì được bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt tài sản như sau:

a) Trường hợp phải di chuyển chỗ ở đến nơi ở mới sang tỉnh khác thì được bồi thường 15.000.000 đồng/hộ; trường hợp phải di chuyển chỗ ở đến nơi ở mới trong phạm vi tỉnh hoặc không phải di chuyển chỗ ở nhưng nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân phải tháo dỡ toàn bộ (xây dựng lại nhà ở trên diện tích đất còn lại sau thu hồi) thì được bồi thường 10.000.000 đồng/hộ;

b) Trường hợp không phải di chuyển chỗ ở nhưng nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đinh, cá nhân phải tháo dỡ một phần (sửa chữa lại nhà ở trên diện tích đất còn lại sau thu hồi) thì được bồi thường 5.000.000 đồng/hộ;

c) Trường hợp người đang sử dụng đất ở nhưng không ở và sinh sống tại nơi sử dụng đất, chỉ làm nhà ở cho thuê trọ, khi Nhà nước thu hồi đất mà có tài sản phải di chuyển thì được bồi thường 5.000.000 đồng/hộ.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được bồi thường như sau:

a) Nhà, công trình, vật kiến trúc có thể tháo rời; nguyên vật liệu sản xuất; trang thiết bị làm việc; hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất phải di chuyển đến chỗ mới để lắp đặt thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập phương án di chuyển sau khi xác định với chủ sở hữu tài sản về địa điểm di chuyển đến cho phù hợp thực tế.

b) Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất phải di chuyển còn được bồi thường thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt; chi phí thiệt hại được tính bằng 10% mức chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt

c) Chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt tài sản và bồi thường thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt (nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này) tối đa bằng mức bồi thường thiệt hại đối với tài sản phải di chuyển

Trường hợp hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất phức tạp, có quy mô lớn mà cơ quan thẩm định phương án bồi thường chưa thống nhất mức bồi thường do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở hợp pháp kết hợp sản xuất phi nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất thì ngoài việc được bồi thường chi phí di chuyển theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này còn được bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 5. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại trong trường hợp không có hồ sơ, chứng từ chứng minh (Thực hiện điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Trường hợp không có hồ sơ, chứng từ chứng minh chi phí đã đầu tư vào đất thì người sử dụng đất có trách nhiệm kê khai lại các chi phí thực tế đã thực hiện. Trên cơ sở nội dung kê khai, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi và các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, xác minh các khoản chi phí quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP để xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại tại thời điểm thu hồi đất.

Điều 6. Diện tích đất không đủ điều kiện để ở sau thu hồi (Thực hiện điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Diện tích đất được xác định không đủ điều kiện để ở gồm:

a) Thửa đất sau thu hồi chỉ còn đất ở mà không đảm bảo đủ diện tích, kích thước tối thiểu sau khi tách thửa đất ở.

b) Thửa đất sau thu hồi còn cả diện tích đất ở và đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở mà diện tích đất ở còn lại nhỏ hơn diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất ở.

2. Trường hợp sau thu hồi, trong thửa đất còn cả đất ở và đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở mà đất ở còn lại theo hồ sơ, giấy tờ hợp pháp không đảm bảo đủ diện tích, kích thước tối thiểu sau tách thửa đất ở nhưng thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất ở thì không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất không đủ điều kiện để ở sau thu hồi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng cho hộ liền kề (để thực hiện ghép lô); trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đề nghị thì thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ phần diện tích sau thu hồi không đủ điều kiện để ở đồng thời với phần diện tích phải thu hồi để thực hiện dự án.

Điều 7. Mức đất ở bồi thường, tái định cư cho từng hộ gia đình cùng chung sống trên một thửa đất ở bị Nhà nước thu hồi (Thực hiện khoản 2 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đề xuất Ủy ban nhân dân huyện, thành phố lập phương án trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định với từng trường hợp cụ thể.

Điều 8. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng (Thực hiện khoản 3 Điều 7 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được bồi thường bằng đất thì tùy vào điều kiện thực tế, quỹ đất tại địa phương mà bố trí diện tích phù hợp, lập quy hoạch chi tiết trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Diện tích đất được bồi thường không vượt quá diện tích đất đã thu hồi, thời hạn được miễn tiền thuê đất bằng thời hạn thuê đất còn lại của đất đã thu hồi.

2. Trường hợp hộ gia đình cá nhân không có nhu cầu sử dụng đất thì được bồi thường bằng tiền, giá trị bồi thường tính bằng (=) đơn giá thuê đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại thời điểm thu hồi đất nhân (x) với diện tích đất bị thu hồi tính cho thời gian thuê đất còn lại của đất đã thu hồi.

Điều 9. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất (Thực hiện khoản 1, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai, ngoài việc được bồi thường bằng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại còn được cộng thêm một khoản tiền là 10% theo giá trị hiện có của nhà, công trình nhưng mức bồi thường tối đa không lớn hơn 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

2. Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành thì Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm thống nhất với cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư dự án và Sở chuyên ngành để xác định cấp tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để bồi thường. Mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật cùng cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

Tổ chức bị thu hồi đất có tài sản được Nhà nước giao quản lý, sử dụng bị thiệt hại và phải di dời đến địa điểm mới thì được sử dụng tiền bồi thường trên để đầu tư tại địa điểm mới theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số tiền bồi thường tài sản này do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chi trả; nếu không sử dụng hết thì Tổ chức bị thu hồi đất nộp số tiền còn lại vào ngân sách nhà nước.

Điều 10. Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ trong trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất (Thực hiện khoản 2 Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Đối với công trình đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 110KV đến 220KV:

a) Đất ở; đất vườn, ao không được công nhận là đất ở trong cùng thửa đất có nhà ở hợp pháp trong hành lang bảo vệ an toàn bị hạn chế khả năng sử dụng thì chủ sử dụng đất được bồi thường một lần do hạn chế khả năng sử dụng đất với mức bằng 80% mức bồi thường khi thu hồi đất. Người được bồi thường không được bố trí tái định cư.

Trường hợp người sử dụng thửa đất nằm dưới hành lang bảo vệ an toàn tự tìm được đất ở mới và có nguyện vọng di chuyển khỏi hành lang thì tự thực hiện việc di chuyển, ngoài việc được bồi thường còn được hỗ trợ chi phí di chuyển theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Quy định này;

b) Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ an toàn bị hạn chế khả năng sử dụng thì chủ sử dụng đất được bồi thường một lần do hạn chế khả năng sử dụng đất với mức bằng 30% mức bồi thường khi thu hồi đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất;

c) Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên đất được bồi thường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được bồi thường một lần do hạn chế khả năng sử dụng, ảnh hưởng trong sinh hoạt, cụ thể như sau:

- Trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn được xây dựng trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình được cấp thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường đối với diện tích trong hành lang an toàn với mức 70% mức bồi thường giá trị nhà, công trình tương đương;

- Trường hợp công trình bị phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn tồn tại, sử dụng được và đáp ứng các điều kiện quy định thì được bồi thường phần giá trị bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại công trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của công trình trước khi bị phá dỡ;

d) Đối với tài sản là cây có trước khi thông báo thực hiện dự án công trình trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất trong hành lang bảo vệ an toàn do hạn chế khả năng sử dụng thì được bồi thường một lần với mức bồi thường như sau:

- Trường hợp cây phải chặt bỏ thì được bồi thường theo quy định hiện hành;

- Trường hợp cây không phải chặt bỏ thì được bồi thường với mức 70% mức bồi thường cây bị chặt bỏ.

2. Đối với các công trình không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, tùy mức độ ảnh hưởng và tính chất đặc thù của công trình, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức bồi thường từng trường hợp cụ thể.

Điều 11. Bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trong trường hợp người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ (Thực hiện khoản 1 Điều 14 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Người thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được bồi thường 100% chi phí thực tế đã thực hiện tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà, công trình đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang thuê theo đơn giá xây dựng mới.

Điều 12. Diện tích đất ở tái định cư trong trường hợp giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị sạt lở, sụt lún bất ngờ toàn bộ diện tích thửa đất ở hoặc một phần diện tích thửa đất ở mà phần còn lại không còn khả năng tiếp tục sử dụng (Thực hiện điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Căn cứ quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện việc giao đất ở tái định cư theo lô quy hoạch cho hộ gia đình cá nhân bị sạt lở, sụt lún bất ngờ toàn bộ diện tích thửa đất ở hoặc một phần diện tích thửa đất ở mà phần còn lại không còn khả năng tiếp tục sử dụng nhưng diện tích không được vượt quá 70 m2 đối với đất được giao tại đô thị và 150 m2 đối với đất được giao tại nông thôn.

Điều 13. Bồi thường về di chuyển mồ mả (Thực hiện Điều 18 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Bồi thường đối với mộ đất

Mức bồi thường được tính cho tất cả các công đoạn, thủ tục để di chuyển vào nghĩa trang mới, cụ thể như sau:

- Mộ đại quan có chủ chưa cải tiểu thời gian £ 3 năm: 10.000.000 đồng/ngôi;

- Mộ đại quan có chủ chưa cải tiểu thời gian > 3 năm: 7.000.000 đồng/ngôi;

- Mộ đại quan không có chủ: 2.700.000 đồng/ngôi;

- Mộ đất có chủ đã cải tiểu:

+ Mộ đơn lẻ một ngôi một tiểu: 1.750.000 đồng/ngôi;

+ Mộ một ngôi nhiều tiểu: 1.750.000đ + 900.000đ/một tiểu tăng thêm;

- Mộ đất vô chủ đã cải tiểu: 525.000 đồng/ngôi

- Mộ đã cải tiểu trong quá trình di chuyển tiểu bị vỡ được mua tiểu mới với giá trị 240.000 đồng/một tiểu.

2. Bồi thường đối với mộ xây

Ngoài phần kinh phí di chuyển như mộ đất được quy định tại khoản 1 Điều này còn đo đạc kiểm đếm thực tế, tính bồi thường phần xây dựng, ốp lát theo đơn giá xây dựng mới.

3. Đối với dự án khi thu hồi đất phải di chuyển số lượng mồ mả lớn, khi lập dự án phải xây dựng phương án mở rộng nghĩa trang hoặc xây dựng nghĩa trang mới trước khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng, chi phí cho việc đầu tư mở rộng hoặc xây dựng nghĩa trang được tính vào chi phí đầu tư của dự án.

4. Ngoài mức bồi thường trên, trường hợp phải di chuyển về nghĩa trang mà địa phương có quy định kinh phí đóng góp xây dựng, quản lý nghĩa trang, hố mộ xây sẵn (nếu có) thì hỗ trợ thêm mức thu đó.

Điều 14. Mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất (Thực hiện khoản 7 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được hỗ trợ như sau:

a) Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 24 tháng;

b) Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 36 tháng.

2. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.

3. Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động trong thời gian 06 tháng.

4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập phương án hỗ trợ ổn định sản xuất (bao gồm các nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) và xin ý kiến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thống nhất với từng trường hợp cụ thể trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

5. Các khoản hỗ trợ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này được chi trả bằng tiền ngay sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phê duyệt. Đối với khoản hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này, hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp nhiều lần chỉ được thực hiện hỗ trợ một (01) lần áp dụng theo quy định về mức hỗ trợ tương ứng với tỷ lệ đất thu hồi tại thời điểm nhận hỗ trợ.

Đối với hộ gia đình có tổng diện tích đất thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng mà ở dự án trước mới được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 06 tháng thì cho phép thực hiện hỗ trợ khác theo mức hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 06 tháng. Trường hợp hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp nhiều lần mà các lần thu hồi không đạt tỷ lệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì cho phép cộng dồn diện tích thu hồi của các dự án để xác định tỷ lệ thu hồi trên tổng diện tích đất nông nghiệp được giao và xét hỗ trợ theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 15. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Thực hiện khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/NĐ-CP khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền theo quy định còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với mức hỗ trợ bằng tiền bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp quy định tại địa bàn các xã, phường, thị trấn trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đối với toàn bộ điện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 129 Luật Đất đai.

Điều 16. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở (Thực hiện khoản 3 Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

1. Khi thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở mà địa phương có điều kiện về quỹ đất thì thực hiện bồi thường bằng quỹ đất có vị trí tương đương, có thể ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ. Trường hợp này không phải thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất.

2. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất đáp ứng được điều kiện trên thì Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ quy định hiện hành về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề và điều kiện thực tế tại địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể với từng loại hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.

Điều 17. Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở (Thực hiện khoản 2 Điều 22 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp được bố trí tái định cư nhưng tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư theo quy định dưới đây:

1. Đối với khu vực đô thị:

Suất đầu tư hạ tầng tính cho một (01) hộ gia đình

=

Suất vốn đầu tư xây dựng hạ tầng/m2 xây dựng

x

70 m2

2. Đối với khu vực nông thôn:

Suất đầu tư hạ tầng tính cho một (01) hộ gia đình

=

Suất vốn đầu tư xây dựng hạ tầng/m2 xây dựng

x

150 m2

3. Giá trị suất vốn đầu tư xây dựng hạ tầng/m2 xây dựng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này áp dụng theo mức suất vốn đầu tư xây dựng hạ tầng/m2 đối với công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị quy mô từ 20 ha đến 50 ha do Bộ Xây dựng ban hành (Sở Xây dựng công bố) tại thời điểm lập phương án. Đối với khu vực nông thôn tính bằng 50% khu vực đô thị.

Điều 18. Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở (Thực hiện Điều 23 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Việc hỗ trợ được thực hiện theo quy định sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà chủ sử dụng đất không có tài sản di chuyển thì được hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản như sau:

a) Trường hợp chỉ có một (01) hộ gia đình, cá nhân thuê nhà ở thì kinh phí hỗ trợ di chuyển cho hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở là 3.000.000 đồng;

b) Trường hợp có từ hai (02) hộ gia đình, cá nhân trở lên đang thuê nhà ở thì kinh phí hỗ trợ di chuyển đối với hộ gia đình đang thuê nhà ở là 2.000.000 đồng/hợp đồng, cho cá nhân đang thuê nhà ở là 1.000.000 đồng/hợp đồng.

2. Trường hợp trên đất thu hồi có cả tài sản chủ sử dụng đất và tài sản của người thuê nhà phải di chuyển tài sản thì kinh phí hỗ trợ di chuyển cho hộ gia đình đang thuê nhà ở là 1.000.000 đồng/hợp đồng, cho cá nhân đang thuê nhà ở là 500.000 đồng/hợp đồng.

3. Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở chỉ được xét hỗ trợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này khi hợp đồng thuê nhà ở được ký trước thời điểm thông báo thu hồi đất và tại thời điểm thu hồi đất còn thời hạn thuê nhà, đồng thời người thuê nhà ở thực hiện đăng ký tạm trú trước thời điểm thông báo thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn (Thực hiện Điều 24 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì được hỗ trợ tối đa bằng mức bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân.

Điều 20. Suất tái định cư tối thiểu (Thực hiện khoản 3 Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)

Suất tái định cư tối thiểu được xác định bằng tiền làm cơ sở để thực hiện hỗ trợ tái định cư, giá trị một suất tái định cư tối thiểu được xác định như sau:

1. Đối với khu vực đô thị:

Giá trị một suất tái định cư tối thiểu

=

Giá giao đất tại vị trí tái định cư

x

30 m2

2. Đối với khu vực nông thôn:

Giá trị một suất tái định cư tối thiểu

=

Giá giao đất tại vị trí tái định cư

x

40 m2

Điều 21. Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất còn lại ngoài quy hoạch được phê duyệt.

Khi tiến hành khảo sát, đo đạc lập bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết khu vực thực hiện dự án, Chủ đầu tư phải có phương án xử lý phần diện tích đất còn lại do ảnh hưởng của dự án không thể sử dụng được trong bản vẽ quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở còn lại do ảnh hưởng của dự án không thể sử dụng được nhưng không có trong quy hoạch xây dựng chi tiết khu vực thực hiện dự án mà người sử dụng đất và Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị thu hồi thì xem xét thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và giao cho địa phương quản lý theo quy định của Nhà nước.

Điều 22. Bồi thường đối với đất thu hồi có thời hạn của hộ gia đình, cá nhân và của các tổ chức có đủ điều kiện được bồi thường.

1. Trường hợp sử dụng đất không làm thay đổi mặt bằng.

a) Đối với đất nông nghiệp:

STT

Loại đất

Thời gian thu hồi £ 6 tháng (đồng/m2)

Thời gian thu hồi £ 6 tháng tiếp theo (đồng/m2)

1

Đất trồng cây hàng năm

đơn giá bồi thường xác định bằng 25% đơn giá đất

đơn giá bồi thường xác định bằng 5% đơn giá đất

2

Đất trồng cây lâu năm

3

Đất nuôi trồng thủy sản

4

Đất làm muối

b) Đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì đơn giá bồi thường được xác định bằng (=) giá đất nhân (x) với 0,3%/tháng nhân (x) với số tháng thu hồi.

c) Ngoài tiền bồi thường về đất, chủ đầu tư còn phải có phương án cải tạo, trả lại mặt bằng để hết thời hạn bàn giao lại đất cho người bị thu hồi đất đưa vào sử dụng theo quy định.

2. Trường hợp Chủ đầu tư dự án chỉ sử dụng đất tạm thời nhưng sau khi sử dụng làm thay đổi mặt bằng, làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì Chủ đầu tư phải đề xuất phương án chuyển mục đích sử dụng đất hoặc phương án thu hồi đất giao địa phương quản lý, sử dụng và thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Điều 23. Xử lý bồi thường, hỗ trợ một số trường hợp cụ thể.

1. Người bị thu hồi đất ở phải tạo lập chỗ ở khác; trong thời gian tạo lập lại chỗ ở mới nếu chủ dự án không bố trí được chỗ ở tạm thì được hỗ trợ tiền thuê nhà với mức 1.500.000 đồng/tháng/hộ với thời gian là 06 tháng.

2. Lán trại bảo vệ sản xuất trên đất sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi và được phép xây dựng thì được tính bồi thường đối với diện tích xây dựng tối đa 15 m2.

3. Hệ thống điện nước gắn liền với nhà ở, công trình được tính không quá 3% giá trị tài sản.

4. Hỗ trợ nhà, công trình xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về tài sản.

a) Nhà, công trình xây dựng hợp pháp trên đất được giao, cho thuê có thời hạn, tại thời điểm thu hồi đất đã hết thời gian được giao đất, cho thuê đất mà không được cấp có thẩm quyền gia hạn do vi phạm quy hoạch thì được hỗ trợ tối đa bằng 80% mức bồi thường;

b) Nhà, công trình tự ý xây dựng trên đất không được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê; xây dựng không đúng với mục đích sử dụng đất, với cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật mà tại thời điểm xây dựng chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền công bố hoặc xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ tối đa bằng 80% mức bồi thường.

Trường hợp đã có văn bản đình chỉ xây dựng của cấp có thẩm quyền hoặc xây dựng sau thời điểm thông báo thu hồi đất thì khi Nhà nước thu hồi đất không được hỗ trợ; người có tài sản phải tự phá dỡ và chịu mọi chi phí phá dỡ.

5. Đối với vật nuôi là thủy sản nuôi trồng trên đất sử dụng không hợp pháp mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường quy định tại Điều 3 của Quy định này. Trường hợp nuôi trồng sau khi đã có thông báo thu hồi đất thì không được hỗ trợ, người có tài sản phải tự thu dỡ, di chuyển và chịu mọi chi phí.

6. Đối với cây cối, hoa màu trồng trên đất sử dụng không hợp pháp được hỗ trợ công chặt hạ, thu dọn, di chuyển tính bằng 50% mức bồi thường; trường hợp trồng sau khi đã có thông báo thu hồi đất thì không được hỗ trợ.

7. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ cá thể bị thu hồi đất nông nghiệp thì được thực hiện hỗ trợ khác, mức hỗ trợ tương đương với các khoản hỗ trợ khi thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp theo Quyết định số 652/QĐ-UB ngày 17/11/1993 và Quyết định số 948/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

1. Trách nhiệm của cơ quan Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì lấy ý kiến các ngành có liên quan về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và có văn bản thẩm định theo quy định trình Ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền phê duyệt;

b) Hướng dẫn, thẩm định việc xác định diện tích đất, loại đất (mục đích sử dụng đất) và đối tượng, điều kiện được bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất;

c) Xác định giá đất thu hồi, giá đất ở trong trường hợp giao đất ở để bồi thường hoặc tái định cư trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trách nhiệm của cơ quan Tài chính:

a) Hướng dẫn, thẩm định việc áp giá đất, giá tài sản để tính bồi thường, hỗ trợ;

b) Hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại địa phương;

c) Sở Tài chính thẩm định đơn giá các loại cây trồng, vật nuôi là thủy sản phải thu hoạch sớm do chưa đến kỳ thu hoạch (do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng) trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

3. Trách nhiệm của cơ quan Xây dựng:

a) Hướng dẫn, thẩm định các nội dung bồi thường tài sản là nhà, công trình xây dựng; xác định quy mô, diện tích, tính chất hợp pháp, không hợp pháp của các công trình xây dựng gắn liền với đất bị thu hồi làm cơ sở cho việc tính toán bồi thường và hỗ trợ cho từng đối tượng;

b) Xác định giá nhà và các công trình xây dựng gắn liền với đất để tính bồi thường, hỗ trợ trình cấp thẩm quyền phê duyệt;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xác định tính hợp lý về vị trí, quy mô khu tái định cư cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của địa phương trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Trách nhiệm của cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Hướng dẫn xác định mật độ cây trồng, vật nuôi phù hợp để được bồi thường và các vấn đề khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ ổn định sản xuất;

b) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng đơn giá các loại cây trồng, vật nuôi là thủy sản phải thu hoạch sớm do chưa đến kỳ, thu hoạch chuyển Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

5. Trách nhiệm của cơ quan Kế hoạch và Đầu tư :

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc lập và thực hiện các dự án tái định cư;

b) Giám sát các dự án được sử dụng tiền bồi thường để đầu tư tại địa điểm mới.

6. Trách nhiệm của cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn thực hiện hồ sơ đào tạo nghề, tạo việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp, bị thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ và các nội dung có liên quan đến đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người bị thu hồi đất.

7. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi có đất bị thu hồi:

a) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc thẩm quyền và tổ chức thực hiện phương án theo quy định;

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức và chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư tại địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Chỉ đạo, tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi:

a) Xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, thời điểm xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, tình trạng sử dụng đất (đất có tranh chấp không, khi sử dụng hoặc xây dựng có bị lập biên bản xử lý không); số nhân khẩu của hộ gia đình bị thu hồi đất; tổng diện tích đất nông nghiệp được giao và đã bị thu hồi của từng gia đình, cá nhân; xác định cây trồng chính hàng năm trong phạm vi thu hồi đất đối với trường hợp có nhiều loại cây trồng hàng năm khác nhau tại thời điểm kê khai, kiểm đếm để làm cơ sở tính toán bồi thường, hỗ trợ theo quy định này;

b) Phối hợp với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện đo đạc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, xác nhận tính hợp pháp về đất đai và tài sản của người bị thu hồi đất;

c) Phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở và tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng;

d) Tổ chức tuyên truyền về mục đích thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.

Điều 25. Xử lý một số vấn đề phát sinh khi ban hành Quyết định

1. Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Luật Đất đai và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định này. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thì việc thanh toán, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai.

2. Đối với những dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt trước ngày 01/7/2014 thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP .

3. Trong thời gian chưa ban ban hành quyết định (mới) về đơn giá cây trồng, vật nuôi thì việc bồi thường, hỗ trợ đối với các loại tài sản này tiếp tục thực hiện theo đơn giá quy định tại Quyết định 16/2009/QĐ-UBND ngày 03/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 26. Điều khoản thi hành.

Các Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định này và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 08/2014/QĐ-UBND ngày 30/06/2014 về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


21.173

DMCA.com Protection Status
IP: 13.58.203.255
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!