HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 175/NQ-HĐND
|
Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 12 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
THỰC HIỆN CẬP NHẬT, CHỈNH LÝ BẢN ĐỒ VÀ HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2020-2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng
11 năm 2013;
Căn cứ các nghị định của Chính phủ:
Số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Đất đai năm 2013; Số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi,
bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ các Thông tư của Bộ Tài
nguyên và Môi trường: Số 24/2014/TT-BTNMT, ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về
hồ sơ địa chính; số 25/2014/TT-BTNMT, ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về bản
đồ địa chính; số 33/2017/TT-BTNMT, ngày 29 tháng 9 năm 2017 quy định chi tiết
Nghị định số 01/2017/NĐ-CP;
Sau khi xem xét Tờ trình số
417/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện
cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn
2020-2025 và những năm tiếp theo; báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân
dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Thực hiện cập nhật, chỉnh lý bản đồ
và hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025 và những năm
tiếp theo với những nội dung chủ yếu như sau:
Điều 1. Mục tiêu
1. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống
hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai thống nhất ở 3 cấp theo quy định;
tiến tới xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến gắn với xây dựng hệ thống
cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin để cập
nhật thường xuyên, kịp thời biến động thông tin thửa đất trên bản đồ và hồ sơ địa
chính phù hợp với hiện trạng sử dụng trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin
dùng chung, có chia sẻ với các cấp, các ngành nhằm khai thác sử dụng công khai,
minh bạch.
3. Cập nhật, chỉnh lý dữ liệu không
gian, dữ liệu thuộc tính địa chính thửa đất trên nền bản đồ địa chính dạng số,
bản đồ địa chính dạng giấy; cập nhật bổ sung thông tin biến động vào sổ mục kê,
sổ địa chính (dạng giấy và dạng số).
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Năm 2020
a) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hồ sơ
địa chính tại 70 xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành theo Nghị quyết số
54/2013/NQ-HĐND, ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hoàn
thành đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng hồ sơ địa
chính trên địa bàn tỉnh;
b) Đo đạc lập bản đồ và hoàn thiện hồ
sơ địa chính 6 xã, phường thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) với tổng
diện tích dự kiến 7.121ha;
c) Cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ
và hồ sơ địa chính đối với các thửa đất đã có biến động từ khi hoàn thành đo đạc
đưa bản đồ địa chính vào sử dụng đến nay (khoảng 309.240 thửa đất trên 12.158 tờ
bản đồ địa chính thuộc 243 xã, phường, thị trấn);
d) Cập nhật, biên tập lại bản đồ địa
chính các xã mới (34 xã) sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị
quyết số 162/NQ-HĐND, ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa
bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021.
2. Năm 2021
a) Đo đạc lập bản đồ và hoàn thiện hồ
sơ địa chính 13 xã, thị trấn (huyện Thạch Hà 08 xã; huyện Cẩm Xuyên 02 thị trấn;
huyện Kỳ Anh 01 xã và huyện Vũ Quang 02 xã) với tổng diện tích dự kiến 12.684
ha;
b) Cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ
địa chính và hồ sơ địa chính đối với các biến động phát sinh trong 2021 của 216
xã, phường, thị trấn (sau khi sáp nhập).
3. Giai đoạn 2022 - 2025 và những năm
tiếp theo
a) Hàng năm, cập nhật biến động bản đồ
và hồ sơ địa chính đối với các thửa đất biến động phát sinh trong năm của 216
xã, phường, thị trấn;
b) Sao quét hồ sơ biến động đất đai bổ
sung vào cơ sở dữ liệu đất đai.
Điều 3. Nguồn vốn
và cơ cấu nguồn vốn
1. Giai đoạn 2020 - 2022, dự kiến
109,671 tỷ đồng, gồm:
a) Vốn ngân sách cấp tỉnh, huyện khoảng
74,14 tỷ đồng (Trong đó, ngân sách tỉnh khoảng 47,05 tỷ đồng để thực hiện đo đạc
bản đồ và hoàn thiện hồ sơ địa chính 19 xã, phường, thị trấn chưa thực hiện
theo Nghị quyết số 54/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh;
ngân sách cấp huyện khoảng 27,09 tỷ đồng để thực hiện cập nhật biến động bản đồ
và hồ sơ địa chính kể từ khi hoàn thành đo đạc bản đồ đến nay);
b) Nguồn thu dịch vụ công do Văn
phòng đăng ký đất đai thực hiện khoảng 35,531 tỷ đồng.
2. Giai đoạn từ năm 2023-2025: Hàng
năm bố trí khoảng 13,047 tỷ đồng (dự kiến mức tăng 5% mỗi năm về sau) từ nguồn
thu dịch vụ công do Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện.
Điều 4. Giải pháp
thực hiện
1. Giải pháp về tuyên truyền: Chỉ đạo
tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật,
các quy định của tỉnh để người sử dụng đất biết, thực hiện việc đăng ký biến động
đất đai, thu giá dịch vụ công, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực đăng ký biến động đất đai để thực hiện nghiêm túc việc đăng ký biến động,
cập nhật thông tin biến động trên bản đồ và hồ sơ địa chính theo quy định.
2. Giải pháp nhân lực: Văn phòng đăng
ký đất đai chịu trách nhiệm bố trí nhân lực, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã thực hiện.
3. Giải pháp công nghệ:
a) Ứng dụng công nghệ thông tin để chỉnh
lý hồ sơ địa chính. Sử dụng phần mềm đồ họa và kết hợp các chương trình hỗ trợ
để chỉnh lý hình thể, trích xuất và in ấn các loại sổ sách bảng biểu lập các
tài liệu trong hồ sơ địa chính theo quy định;
b) Ứng dụng công nghệ điện toán đám
mây dựa trên môi trường Internet để vận hành cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa
chính dạng số trên nền hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung ở các cấp; đồng
thời có chia sẻ dữ liệu giữa các cấp, các ngành khi khai thác sử dụng.
4. Giải pháp về vốn:
a) Tập trung nguồn lực từ nguồn thu
tiền sử dụng đất hàng năm thuộc ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để hoàn thiện hệ
thống hồ sơ địa chính phục vụ quản lý đất đai tại các cấp;
b) Huy động nguồn vốn xã hội hóa từ
người sử dụng đất thông qua việc thu giá dịch vụ công về đo đạc bản đồ, đăng ký
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai do Văn phòng
đăng ký đất đai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Tổ chức
thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế
hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ban hành đơn giá dịch vụ công về đăng ký, cấp
giấy chứng nhận để Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thu giá dịch vụ kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2020 nhằm bù đắp chi phí cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ
địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định Luật Giá hiện hành và Nghị định
số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các
ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh khóa XVII, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 15 tháng 12 năm 2019 và có hiệu
lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Lao động Thương binh và xã hội;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Thông tin - Công báo - Tin học
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Lê Đình Sơn
|