ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2646/KH-UBND
|
Gia Lai, ngày 30
tháng 06 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
ỨNG
PHÓ VỚI SỰ CỐ CHÁY LỚN NHÀ CAO TẦNG, KHU ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, KHU DÂN CƯ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2015 của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án
quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến
năm 2020, UBND tỉnh Gia Lai xây dựng kế
hoạch ứng phó với sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu
dân cư như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục
khẩn trương và có hiệu quả các tình huống cháy lớn ở các khu đô thị, khu công
nghiệp, khu dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy, lực lượng,
phương tiện, hậu cần đều tại chỗ), hạn chế thiệt hại về người và tài sản do
cháy lớn gây ra.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; đảm
bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các cấp; kịp
thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc đáp ứng yêu cầu công tác ứng phó đối
với các sự cố cháy lớn xảy ra.
- Kiện toàn tổ chức,
biên chế; phân công trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng liên quan; xây dựng cơ
chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn
vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời đối với các sự cố cháy lớn xảy
ra tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.
II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP
1. Tổ chức lực
lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các
vụ cháy lớn ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ có sự tham gia của nhiều lực lượng do lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chủ trì.
2. Căn cứ vào đặc điểm tình hình tại địa bàn để xây
dựng kế hoạch, phương án ứng phó với cháy lớn, cứu nạn, cứu hộ ở các khu đô thị,
khu công nghiệp, khu dân cư trên cơ sở coi trọng phương châm “4 tại chỗ”.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn
việc thực hiện các yêu cầu PCCC đối với các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy lớn
trên địa bàn.
4. Tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực sẵn
sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy lớn.
5. Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng trang thiết
bị, phương tiện PCCC và CNCH phục vụ ứng phó với cháy lớn ở các khu đô thị, khu
công nghiệp, khu dân cư để đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị vật tư,
phương tiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công
tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương.
6. Thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng
nhân dân tích cực tham gia phong trào PCCC; phòng ngừa, ứng phó khi có cháy lớn
xảy ra.
III. LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN.
1. Về lực lượng:
- Chủ trì: Cảnh sát PCCC và CNCH và các lực lượng
khác trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC và CNCH của cơ sở (Dân phòng, PCCC cơ sở,
PCCC chuyên ngành).
- Phối hợp:
+ Lực lượng Cảnh sát khác (CSCĐ, CSGT, CSTT...);
Công an các xã, phường, thị trấn.
+ Lực lượng Quân sự, Dân quân tự vệ.
+ Lực lượng Y tế.
+ Các lực lượng khác của các Sở, ban, ngành, UBND
huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố.
+ Các lực lượng thuộc: Công ty Công trình đô thị,
Điện lực, Công ty cấp nước,...
2. Về phương tiện:
- Các loại phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ
công tác PCCC và CNCH của Cảnh sát PCCC và CNCH của tỉnh và của các lực lượng
khác tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Các phương tiện được trưng dụng của các ngành,
đơn vị, cơ sở khi cần thiết để phục vụ công tác ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao
tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.
IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng
tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC, phương án chữa
cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy lớn.
- Chủ trì khảo sát, đánh giá thực trạng các nhà cao
tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; căn cứ vào tình hình thực tế
tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng trang bị, vật
tư, phương tiện phục vụ công tác ứng phó khi có cháy lớn xảy ra, đặc biệt là những
cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy lớn. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, đề xuất trang bị
phương tiện đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, rà
soát, nắm thông tin về phương tiện, dụng cụ của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn
có thể huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND
các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, dự kiến một số tình huống cụ thể và tổ chức thực tập, diễn tập các phương
án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sự phối hợp nhiều lực lượng đối với những cơ sở
có nguy cơ xảy ra cháy lớn.
- Xây dựng chương trình bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp
vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; mở các lớp tập huấn sử dụng phương tiện, trang bị,
kỹ năng tìm kiếm người bị nạn trong đám cháy cho các lực lượng để đảm bảo chủ động
triển khai lực lượng, đáp ứng yêu cầu ứng phó với cháy lớn ở các khu đô thị, khu
công nghiệp, khu dân cư.
- Chủ trì chỉ huy các lực lượng phối hợp, hiệp đồng
công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy lớn ở các khu đô thị, khu
công nghiệp, khu dân cư đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống.
- Tổ chức bảo vệ hiện trường xảy ra sự cố cháy lớn
và phối hợp với
các đơn vị, cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân vụ cháy, giải quyết, khắc phục
hậu quả vụ cháy.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác
ứng phó với cháy lớn ở các nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân
cư, để đề ra các biện pháp, giải pháp khắc phục.
- Phối hợp với
Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác PCCC;
cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nguy cơ gây cháy và hướng
dẫn các biện pháp chữa cháy, tự thoát nạn
và cứu người trong đám cháy.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các lực lượng
quân đội trực thuộc chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó với
các tình huống cháy lớn tại các nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu
dân cư khi có yêu cầu.
- Phối hợp Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh tổ chức huấn
luyện, thực hành xử lý các tình huống cháy, cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy khi
tham gia ứng phó với sự cố cháy lớn cho cán bộ, chiến sỹ và lực lượng Dân quân
tự vệ.
3. Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước
trong công tác đầu tư xây dựng đối với nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp,
khu dân cư.
- Phối hợp với
các cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra
việc thực các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo an toàn PCCC các công
trình xây dựng, các điều kiện cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có
cháy xảy ra.
4. Sở Y tế huy động lực lượng y, bác sỹ và phương
tiện, dụng cụ cấp cứu đảm bảo việc sơ cứu ban đầu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế
để điều trị khi xảy ra sự cố cháy lớn có thiệt hại về người.
5. Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Gia Lai, Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền công tác PCCC, cảnh báo
trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nguy cơ gây cháy, hướng dẫn các
biện pháp chữa cháy, tự thoát nạn và cứu
người trong đám cháy. Thông tin, định hướng dư luận về những sự cố cháy lớn xảy
ra trên địa bàn.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó với các sự
cố cháy lớn tại địa phương.
- Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức
pháp luật về PCCC cho cán bộ, quần chúng nhân dân, tổ chức xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.
- Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trong phạm
vi quản lý chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó với các sự
cố cháy lớn trên địa bàn quản lý; khắc phục hậu quả vụ cháy.
7. Người đứng đầu cơ quan quản lý các nhà cao tầng,
khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, tuyên
truyền việc chấp hành các quy định về PCCC tại cơ sở mình quản lý. Củng cố, kiện
toàn lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở; đảm bảo lực lượng, phương tiện và các
điều kiện cần thiết kịp thời ứng phó với các tình huống cháy lớn tại các cơ sở.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Công an tỉnh giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố,
người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh việc thực hiện
Kế hoạch này.
2. Các Sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách, đảm bảo
nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch.
3. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, người đứng đầu
các cơ sở nhà cao tầng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công chỉ đạo xây dựng
Kế hoạch triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hàng
năm sơ kết và báo cáo UBND tỉnh (qua Công
an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Công an tỉnh
để tổng hợp, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND
tỉnh./.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ; Bộ Công an;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- BQL KKT tỉnh, khu đô thị, nhà cao tầng;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Gia Lai;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, NL, VHXH, NC (P).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Công Lự
|