Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 201-CP thống nhất, tăng cường quản lý ruộng đất cả nước

Số hiệu: 201-CP Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ Người ký: Tố Hữu
Ngày ban hành: 01/07/1980 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1980 

 

QUYẾT ĐỊNH

 SỐ 201-CP NGÀY 01-7-1980 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC

Ruộng đất là tài nguyên vô cùng quý giá, là kết quả của quá trình đấu tranh và lao động hàng nghìn năm nay của nhân dân ta, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, là nền tảng để phân bố và xây dựng các ngành kinh tế quốc dân, các khu dân cư, các công trình phục vụ đời sống và sự nghiệp phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng.

Mấy năm gần đây, việc quản lý và sử dụng ruộng đất đã có nhiều tiến bộ, nhưng những hiện tượng tiêu cực như lấn chiếm ruộng đất, bỏ hoang hóa ruộng đất, sử dụng không đúng mục đích, màu mỡ ruộng đất không được bảo vệ… vẫn còn tiếp tục xảy ra mặc dầu Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản và đã thi hành một số biện pháp về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất.

Để đưa việc quản lý và sử dụng ruộng đấ vào quy chế chặt chẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức và mọi người trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm với hiệu quả cao tất cả các loại ruộng đất, nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ đất đai màu mỡ, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất trong cả nước theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Hội đồng Chính phủ quy định việc thống quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước như sau:

I- THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC:

1) Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

2) Quản lý Nhà nước đối với ruộng đất bao gồm các nội dung sau đây:

- Điều tra, khảo sát và phân bố các loại đất.

- Thống kê, đăng ký đất.

- Quy hoạch sử dụng đất.

- Giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý sử dụng đất.

- Giải quyết các tranh chấp về đất.

- Quy định các chế độ, thể lệ để quản lý việc sử dụng đất và tổ chức việc thực hiện các chế độ, thể lệ ấy.

3) Hội đồng Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong cả nước.

Ủy ban nhân dân các cấp được Hội đồng Chính phủ ủy nhiệm thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong địa phương (kể cả các loại đất đã giao cho các cơ quan Trung ương) theo các chế độ, thể lệ thống nhất của Nhà nước và sự hướng dẫn của cấp trên.

4) Tổng cục Quản lý ruộng đất và các cơ quan chuyên trách quản lý ruộng đất của Nhà nước ở địa phương có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong cả nước và từng địa phương.

5) Các cơ quan, đơn vị sử dụng ruộng đất ở các ngành, các cấp, kể cả các hợp tác xã có trách nhiệm tổ chức việc sử dụng ruộng đất đã được giao đạt hiệu quả kinh tế cao và theo đúng các quy định của Nhà nước.

II- PHÂN LOẠI RUỘNG ĐẤT

Toàn bộ ruộng đất được phân thành bốn loại sau đây:

1. Đất nông nghiệp là đất được xác định dùng cho các lĩnh vực hoạt động của sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hoặc nghiên cứu, thí nghiệm về trồng trọt hoặc chăn nuôi.

2. Đất lâm nghiệp là đất được xác định dùng cho các lĩnh vực hoạt động của sản xuất lâm nghiệp, như khai thác rừng, trồng rừng, khoanh nuôi rừng, tu bổ cải tạo rừng… và dùng để phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường.

3. Đất chuyên dùng khác là đất được xác định dùng vào các mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, bao gồm đất ở, đất xây dựng các công trình thủy lợi, công nghiệp, giao thông vận tải, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, nghỉ mát, du lịch, kể cả các công trình phục vụ cho nông nghiệp và lâm nghiệp, v.v…

4. Đất chưa sử dụng là đất chưa phân bố vào mục đích nào hoặc chỉ mới tạm thời phân phối để sử dụng trong một thời gian ngắn.

Tổ chức phân loại đất, thủ tục phân loại và chuyển từ loại này sang loại khác do Hội đồng Chính phủ quy định căn cứ vào tình hình thực tế ruộng đất và nhu cầu phát triển nền kinh tế quốc dân.

III- QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

1. Mọi tổ chức hay cá nhân sử dụng các loại đất (dưới đây gọi chung là người sử dụng đất) có các quyền sau đây:

a) Tiến hành trên đất mình sử dụng mọi hoạt động hợp pháp có lợi cho việc thực hiện mục đích sử dụng đã được quy định và được hưởng những hoa lợi do lao động của mình làm ra.

b) Được sử dụng các nguồn nước có ở đất đó theo quy định của pháp luật.

c) Được hưởng lợi ích do những công trình công cộng về bảo vệ đất, cải tạo đất mang lại.

d) Được Nhà nước bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp trên diện tích đã được công nhận và được giúp đỡ trong việc bồi dưỡng đất theo khả năng của Nhà nước.

2. Người sử dụng đất có các trách nhiệm chung sau đây:

a) Phải theo đúng mục đích, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, sử dụng đúng diện tích, ranh giới, thời hạn hoặc các điều kiện khác do cơ quan có thẩm quyền quy định khi giao đất.

b) Phải tuân theo các thể lệ, chế độ, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền quy định về việc sử dụng từng loại đất.

c) Nếu đất không sử dụng hoặc không sử dụng hết đất thì người sử dụng đất phải trả lại phần đất không sử dụng cho Nhà nước. Đối với đất trước kia thuộc sở hữu cá thể hợp pháp, khi người chủ đất không sử dụng nữa (hoặc không có người thừa kế hợp pháp sử dụng) thì Ủy ban nhân dân huyện quyết định việc sử dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã.

d) Không được phát canh thu tô, cho thuê, cầm cố hoặc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào; không được dùng đất để thu những khoản lợi không do lao động mà có, trừ trường hợp đặc biệt do chính sách Nhà nước quy định.

đ) Trong khi sử dụng đất phải bảo đảm không gây ra những việc có hại cho lợi ích chung hoặc có hại cho người sử dụng đất lân cận. Trường hợp không tránh được thì phải hết sức hạn chế và được cơ quan có thẩm quyền cho phép sau khi đã trưng cầu ý kiến của các đương sự.

e) Phải thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong việc phân bố lại đất vì lợi ích chung của Nhà nước.

3. Ngoài những trách nhiệm chung nói trên người sử dụng đất còn có những trách nhiệm riêng về việc sử dụng từng loại đất nói dưới đây:

Đối với việc sử dụng đất nông nghiệp:

a) Phải tận dụng từng tấc đất vào sản xuất nông nghiệp, không được bỏ hoang, bỏ hóa, không được dùng ruộng đất nông nghiệp vào các mục đích phi nông nghiệp nếu không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

b) Phải thực hiện các biện pháp chuyên canh, thâm canh, xen canh, luân canh tăng vụ và các biện pháp tổ chức - kỹ thuật khác đã được cơ quan quản lý nông nghiệp quy định để sử dụng đất với hiệu quả kinh tế cao, để bảo vệ cải tạo đất và tăng độ màu mỡ của đất. Nếu còn có đất hoang thì phải có kế hoạch khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác.

c) Phải nộp thuế, giao nộp hoặc bán sản phẩm cho Nhà nước theo chế độ Nhà nước quy định.

Đối với việc sử dụng đất lâm nghiệp:

a) Phải khai thác rừng, trồng rừng, bảo vệ, tu bổ, cải tạo rừng theo đúng quy định và kế hoạch của Nhà nước.

b) Phải thực hiện các biện pháp tổ chức - kỹ thuật, các chế độ quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của cơ quan quản lý lâm nghiệp để bảo vệc rừng và bảo vệ đất lâm nghiệp.

c) Phải giao nộp hoặc bán sản phẩm cho Nhà nước và làm các nghĩa vụ khác theo chế độ Nhà nước quy định.

Đối với việc sử dụng đất chuyên dùng khác:

a) Phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh gây khó khăn, trở ngại cho sản xuất và đời sống của nhân dân chung quanh.

b) Nếu là đất giao để sử dụng có thời hạn thì sau khi sử dụng xong phải trả lại đất cho cơ quan giao đất. Nếu trong khi tạm sử dụng cần đào phá đất thành thùng đấu, hào rãnh… sau khi sử dụng xong phải san lấp lại để có thể sử dụng đất vào việc khác.

Nếu đất giao sử dụng có thời hạn là đất nông nghiệp thì trước khi sử dụng phải hớt lớp đất màu để sau này san lấp trả cho sản xuất nông nghiệp và sau khi sử dụng xong phải làm cho đất trở lại trạng thái canh tác được.

c) Những cơ quan, đơn vị được giao đất nông nghiệp để sử dụng vào một mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trước khi nhận đất phải nộp một khoản tiền vào ngân sách nhà nước do Nhà nước quy định tùy theo chất lượng các hạng đất để mở rộng diện tích đất nông nghiệp bù vào số diện tích đất nông nghiệp bị giảm bớt.

d) Những cơ quan, đơn vị được giao đất nông nghiệp để sử dụng vào một mục đích khác nếu chưa kịp sử dụng cũng không được để hoang hóa quá 6 tháng. Bất cứ khoảnh đất nào quá 100m2 trong diện tích được giao chưa dùng đến ngay và để hoang hóa thì cơ quan, đơn vị được giao đất phải báo cho chính quyền địa phương để giao khoảnh đất đó cho người khác gieo trồng cho đến khi thực sự cần đến diện tích đó.

IV- ĐĂNG KÝ, THỐNG KÊ ĐẤT

1. Để thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất, tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đều phải khai báo chính xác và đăng ký các loại ruộng đất mình sử dụng vào sổ địa chính của Nhà nước, Ủy ban nhân dân xã phải kiểm tra việc khai báo này.

2. Sau khi kê khai và đăng ký, các tổ chức hay cá nhân nào được xác nhận là người quản lý sử dụng hợp pháp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Đối với những đất bị sót chưa giao cho ai sử dụng thì Ủy ban nhân dân xã sở tại có nhiệm vụ phát hiện vào báo ngay cho cơ quan quản lý ruộng đất cấp huyện để thống kê và đăng ký vào sổ địa chính.

4. Tổng cục Quản lý ruộng đất có trách nhiệm nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành những quy định cụ thể về việc đăng ký thống kê ruộng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mẫu bản đồ, sổ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định và dùng thống nhất trong cả nước.

5. Sau khi kê khai, đăng ký, thống kê ruộng đất, tất cả các cơ quan Nhà nước và nhân dân, mỗi khi cần thay đổi về hình thể ruộng đất, về mục đích sử dụng ruộng đất hoặc quyền sử dụng ruộng đất, đều phải làm đúng thủ tục khai báo theo quy định của Nhà nước.

Trước mắt, việc đào ao, vượt thổ để làm nhà, hoặc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng cây lương thực sang làm việc khác, bất cứ đất ấy thuộc quyền sử dụng của ai và với diện tích bao nhiêu, cũng phải được Ủy ban nhân dân huyện căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch đã được xét duyệt và tình hình cụ thể về đất đai của địa phương, cho phép mới được thực hiện.

V- VIỆC GIAO ĐẤT VÀ THU HỒI ĐẤT

1. Nguyên tắc chung về việc giao đất để sử dụng:

Việc giao đất cho các đơn vị để sử dụng phải theo đúng các nguyên tắc sau:

a) Phải căn cứ vào quy hoạch (nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, giao thông, thủy lợi) đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

b) Hết sức tránh việc lấy đất nông nghiệp, nhất là đất trồng cây lương thực thực thẩm, cây công nghiệp, để dùng vào các mục đích không sản xuất nông nghiệp, trường hợp bất đắc dĩ phải lấy thì phải tìm mọi biện pháp triệt để tiết kiệm diện tích sử dụng, đồng thời không được để ảnh hưởng xấu đến màu mỡ của đất chung quanh.

c) Phải làm theo đúng các thế hệ, chế độ quản lý ruộng đất và về giao đất.

2. Thẩm quyền về giao đất để sử dụng:

a) Việc giao đất nông nghiệp, đất thổ cư nông thôn và đô thị trên 2 héc ta hoặc phải di dân trên 20 hộ để lấy đất làm việc khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; từ 2 héc ta trở xuống hoặc phải di dân từ 20 hộ trở xuống do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Đối với nông trường, lâm trường, trạm, trại, công trình xây dựng…đã có nhiệm vụ thiết kết (trong đó nói rõ diện tích và vị trí địa điểm đất được sử dụng, được các cấp có thẩm quyền xét duyệt và các công trình theo tuyến (giao thông, thủy lợi…) đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền xét duyệt thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thực Trung ương căn cứ vào nhiệm vụ thiết kế và quy hoạch đó mà quyết định vào việc giao đất.

b) Trường hợp các xã lấy đất nông nghiệp để xây dựng các công trình của xã, của hợp tác xã (kể cả để khai thác đất làm gạch, ngói) hoặc làm nhà cho dân ở, thì Ủy ban nhân dân xã lập kế hoạch hàng năm, nếu diện tích cần thiết chung cho tất cả các công trình trong một năm từ 2 héc ta trở xuống do Ủy ban nhân dân huyện xét và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn y, trên 2 héc ta do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuẩn y.

c) Việc giao đất đồi núi, đất hầm mỏ để sử dụng vào các mục đích chuyên dùng từ 10 héc ta trở lên do Thủ tướng Chính phủ quyết định, dưới 10 héc ta do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

d) Việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thực hiện theo đúng quyết định số 272/CP ngày 3-10-1977 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thi hành số 20/TT-LB ngày 11-5-1978 của Liên Bộ Nông nghiệp – Lâm nghiệp.

Trường hợp phải phá rừng để lấy đất, dùng vào mục đích nông nghiệp hay chuyên dùng khác thì phải có thiết kế cụ thể do cơ quan có thẩm quyền duyệt đúng như quy định của pháp lệnh bảo vệ rừng, nghị quyết số 155-CP ngày 3-10-1973 của Hội đồng Chính phủ, chỉ thị số 137/TTg ngày 20-4-1979 của Thủ tướng Chính phủ, nếu phá rừng trên 20 héc ta do Hội đồng Chính phủ cho phép; từ 20 héc ta trở xuống do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp cho phép.

đ) Việc giao đất để khai thác nguyên liệu, khoáng sản:

Căn cứ vào nhiệm vụ thiết kế và địa điểm khai thác được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, cơ quan chủ quản công trình sẽ ký kết hợp đồng sử dụng đất có thời hạn với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào hợp đồng nói trên, cơ quan quản lý ruộng đất tỉnh, thành phố sẽ giao đất từng đợt theo kế hoạch khai thác của cơ quan chủ quản công trình. Khai thác xong chỗ nào thì cơ quan chủ quản công trình phải trả lại chỗ đất ấy cho địa phương với trạng thái đất có thể dùng ngay vào sản xuất nông nghiệp hay vào mục đích khác.

e) Những quyết định về giao đất phải ghi rõ tên người hoặc cơ quan, tổ chức được phép sử dụng, diện tích, loại hạng, ranh giới khoảnh đất, mục đích và thời hạn sử dụng đất và những điều kiện đặc biệt khác nếu có.

3. Việc thu hồi đất:

a) Cấp nào có quyền giao đất thì cấp ấy có thẩm quyền thu hồi đất. Trường hợp cần thiết thì có thể trưng dụng đất. Trong trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể ủy nhiệm cho cơ quan quản lý ruộng đất thực hiện việc thu hồi đất sử dụng trái pháp luật.

b) Cơ quan có thẩm quyền quản lý ruộng đất có trách nhiệm thu hồi đất trong những trường hợp sau đây:

- Khi đã hết hạn sử dụng đất ghi trong giấy giao đất.

- Nếu đất bị sử dụng trái phép như tự ý chiếm dụng đất, sử dụng đất quá mức cho phép, hoặc cầm cố, mua bán trái phép v.v…

- Nếu người sử dụng đất vi phạm các quy định ở phần III trên đây.

- Để tổ chức lại sản xuất hoặc để phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng theo kế hoạch của Nhà nước được chính quyền cấp tỉnh trở lên quyết định.

c) Nếu việc thu hồi không phải là do lỗi của người sử dụng đất hoặc bị trưng dụng đất thì giải quyết như sau:

- Trường hợp người có đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng cần phải có đất để sử dụng thì được cấp đất khác.

- Nếu trên khoảnh đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng có nhà cửa, công trình xây dựng khác, hoặc trồng cây lâu năm hoặc trồng cây ngắn ngày chưa kịp thu hoạch đã phải phá bỏ, thì được bồi thường thích đáng. Tổng cục Quản lý ruộng đất cùng Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ quy định khoản tiền bồi thường này. Trong khi chờ văn bản quy định chung, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm thời quy định cho địa phương.

4. Cơ quan quản lý ruộng đất các cấp có trách nhiệm trực tiếp giúp Hội đồng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quyết định giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất.

VI. KIỂM TRA, THANH TRA VIỆC CHẤP HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ VỀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT

1. Cơ quan quản lý ruộng đất ở các cấp có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra tình hình sử dụng ruộng đất trong phạm vi quản lý của mình.

2. Việc kiểm tra, thanh tra nhằm mục đích phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hiện tượng lãng phí ruộng đất (bỏ hoang, bỏ hóa, sử dụng không đầy đủ, không hợp lý đất được giao…), làm hư hại thoái hóa đất, lấn chiếm ruộng đất và mọi vi phạm khác trong việc sử dụng ruộng đất.

3. Cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra sử dụng đất có quyền:

- Yêu cầu người sử dụng ruộng đất cung cấp các tài liệu có liên quan đến sử dụng ruộng đất.

- Làm biên bản và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp cần thiết để khắc phục các vi phạm, xử lý người vi phạm và tăng cường công tác quản lý ruộng đất.

4. Nếu phát hiện có việc lấn chiếm ruộng đất, sử dụng ruộng đất không đúng mục đích được giao, vượt diện tích được giao hoặc những vi phạm nghiêm trọng khác, cơ quan quản lý ruộng đất có quyền ra quyết định tạm thời đình chỉ việc sử dụng ruộng đất (đình chỉ sử dụng toàn bộ hoặc một phần diện tích đất được sử dụng tùy theo mức độ vi phạm nghiêm trọng nhiều hay ít) hoặc quyết định thu hồi đất (nếu được ủy nhiệm).

VII- GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC TRANH CHẤP VỀ RUỘNG ĐẤT

Thẩm quyền giải quyết các việc tranh chấp về ruộng đất được giải quyết như sau:

1) Các việc tranh chấp về ruộng đất giữa các cơ quan Nhà nước, các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã, các đoàn thể nhân dân (gọi tắt là cơ quan, tổ chức) với nhau đều do hệ thống cơ quan chấp hành của Nhà nước từ dưới lên trên giải quyết sau khi lấy ý kiến của cơ quan quản lý ruộng đất và của ngành chủ quản sử dụng ruộng đất đó.

a) Nếu việc tranh chấp xảy ra đối với ruộng đất nằm trong một huyện, thì Ủy ban nhân dân huyện đó xét và giải quyết. Nếu các bên đương sự thấy việc giải quyết chưa thỏa đáng thì có quyền đưa lên Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương xét và giải quyết.

Nếu việc tranh chấp xảy ra đối với ruộng đất nằm trong hai huyện thì Ủy ban nhân dân hai huyện đó cùng họp với nhau để giải quyết, nếu không nhất trí được thì đưa lên Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương xét và giải quyết.

b) Trường hợp là hai tỉnh khác nhau thì thành lập một Ủy ban hỗn hợp với thành phần ngang nhau (gồm 1 phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện cơ quan quản lý ruộng đất và các cơ quan có liên quan) để xét và giải quyết xong, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ biết. Trường hợp không nhất trí thì trình lên Thủ tướng Chính phủ xét giải quyết.

2. Các vụ tranh chấp xảy ra giữa các công dân với nhau hoặc giữa một bên là cơ quan, tổ chức và một bên là công dân sẽ do Tòa án xét xử. Đối với các vụ tranh chấp trong nội bộ nhân dân với nhau, nhất là những việc tranh chấp có tinh thần điều chỉnh ruộng đất giữa các hộ với nhau (căn cứ vào nhân khẩu và diện tích bình quân đầu người) thì Ủy ban nhân dân xã bàn bạc với hợp tác xã hoặc nơi chưa có hợp tác xã thì bàn với nông hội để lãnh đạo nhân dân thương lượng với nhau trên tinh thần đoàn kết nhân nhượng và giúp đỡ lẫn nhau, giải quyết có lý có tình. Nếu Ủy ban nhân dân xã giải quyết không xong thì đưa lên Ủy ban nhân dân huyện, khi cần thiết lắm mới đưa ra Tòa án xét xử.

VIII- Thưởng, phạt

1. Các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ đất, bồi bổ chất đất, mở rộng diện tích đất nông nghiệp (tăng vụ, khai hoang, phục hóa) hoặc sử dụng đất có hiệu quả cao thì được khen thưởng theo chế độ Nhà nước).

2. Người sử dụng ruộng đất vi phạm những điều quy định trong quyết định này, tùy theo mức độ vi phạm, bị xử phạt như sau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đồng đến 200 đồng. Ủy ban nhân dân huyện có quyền cảnh cáo và xử phạt từ 10 đồng đến 50 đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền cảnh cáo và xử phạt từ 50 đồng đến 200 đồng.

- Buộc phải sửa chữa những hậu quả và bồi thường những thiệt hại do việc vi phạm gây ra. Cơ quan quyết định xử phạt có quyền quyết định việc này.

- Bị thu hồi ruộng đất. Thẩm quyền thu hồi ruộng đất thuộc các cơ quan có thẩm quyền nói tại điểm 3 phần V của quyết định này.

Nếu người sử dụng đất là cơ quan, tổ chức, thì ngoài việc cơ quan, tổ chức bị xử phạt, người chịu trách nhiệm chủ yếu trước cơ quan, tổ chức về những vi phạm đó có thể bị thi hành kỷ luật về hành chính hoặc có thể phải chịu một phần số tiền mà cơ quan, tổ chức phải chịu phạt.

3. Thủ tướng và cán bộ, nhân viên các cơ quan có trách nhiệm quản lý ruộng đất nếu vi phạm các nguyên tắc, chế độ đã quy định về việc giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất thì tùy theo mức độ vi phạm và tác hại gây ra có thể bị thi hành kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến hạ tầng công tác, cách chức hoặc buộc thôi việc.

4. Người nào lấn chiếm ruộng đất của người khác đã bị xử phạt hành chính mà cố tình tái phạm hoặc người nào cố ý phá hoại các công trình bảo vệ, cải tạo đất, gây tổn hại nghiêm trọng đến đất đai, lợi dụng chức vụ để giao đất trái phép, nhằm mưu lợi ích riêng, cố ý ngăn cản việc thanh tra, điều tra để xử lý các vụ vi phạm hoặc cố ý bao che người vi phạm, thì bị truy tố trước Tòa án và bị xử phạt theo luật hình sự hiện hành.

IX- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quyết định này có hiệu lực bắt buộc thi hành kể từ ngày ký. Đối với những sai phạm xảy ra trước ngày ban hành quyết định này Ủy ban nhân dân các cấp cũng phải xem xét và có biện pháp giải quyết, Tổng cục Quản lý ruộng đất căn cứ vào quyết định này và các văn bản hiện hành của Nhà nước về Quản lý ruộng đất hướng dẫn cho các Ủy ban nhân dân các cấp cách giải quyết đối với các trường hợp nói trên.

2. Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý ruộng đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các ngành có liên quan ở Trung ương trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

3. Những điều quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

 

 

T/M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K/T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Tố Hữu

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 201-CP ngày 01/07/1980 về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước do Hội Đồng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


49.898

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.120.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!