BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
194/2014/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 12 năm 2014
|
THÔNG TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 124/2012/TT-BTC NGÀY 30/7/2012 CỦA BỘ
TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 45/2007/NĐ-CP NGÀY
27/3/2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KINH
DOANH BẢO HIỂM VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 123/2011/NĐ-CP NGÀY 28/12/2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY
ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT
KINH DOANH BẢO HIỂM VÀ THÔNG TƯ SỐ 125/2012/TT-BTC NGÀY 30/7/2012 CỦA BỘ TÀI
CHÍNH HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP
TÁI BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM VÀ CHI NHÁNH DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM
PHI NHÂN THỌ NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007
của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh
nghiệp môi giới bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày
28/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 68/2014/NĐ-CP ngày 09/7/2014
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày
27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh
doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày
23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám
sát bảo hiểm,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày
27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh
doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 124/2012/TT-BTC”) và Thông
tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài
chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp
môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài
(sau đây gọi tắt là “Thông tư số 125/2012/TT-BTC”).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 124/2012/TT-BTC
1. Bổ sung tiết đ điểm 1.2 Khoản 1 Điều 5 như sau:
“đ) Quy định tại tiết a, b và c điểm 1.2 Khoản này
không áp dụng đối với công ty cổ phần môi giới bảo hiểm.”
2. Sửa đổi Khoản
7 Điều 7 như sau:
“7. Bằng chứng chứng minh quyền sử dụng địa điểm dự
kiến đặt trụ sở chính và các chi nhánh của doanh nghiệp (nếu có) được thành lập.”
3. Sửa đổi Khoản
3 Điều 11 như sau:
“3. Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của chủ đầu tư, Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập
và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài theo mẫu quy định
tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.”
4. Bổ sung tiết g Khoản 2 Điều 12 như sau:
“g) Thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị,
phần mềm công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp và quản lý
nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.”
5. Sửa đổi Khoản
2 Điều 13 như sau:
“2. Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận
đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều
chỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp
từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do bằng văn bản.”
6. Sửa đổi điểm
c Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 15 như sau:
a) Sửa đổi điểm
c Khoản 1 như sau:
“c) Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ khi nhận
đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính có văn
bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận cấp
phép. Trường hợp từ chối chấp thuận,
Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do. Trường hợp chấp thuận, Bộ Tài chính cấp Giấy
phép điều chỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư
này.”
b) Sửa đổi điểm b Khoản 2 như
sau:
“b) Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a Khoản này, Bộ Tài chính có văn bản chấp
thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải
nêu rõ lý do. Trường hợp chấp thuận, Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều chỉnh theo
mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.”
7. Sửa đổi Khoản
2 Điều 16 như sau:
“2. Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính có văn bản chấp
thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận phải giải
thích lý do.”
8. Sửa đổi Khoản
5 Điều 17 như sau:
“5. Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 3 Điều này (đối với doanh nghiệp bảo hiểm)
và Khoản 4 Điều này (đối với chi nhánh nước ngoài), Bộ Tài chính có văn bản trả
lời về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp, chi
nhánh nước ngoài. Trường hợp từ chối chấp thuận phải nêu rõ lý do. Trường hợp
chấp thuận, Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều chỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục
7 ban hành kèm theo Thông tư này.”
9. Sửa đổi Khoản
3 Điều 21 như sau:
“3. Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính có văn bản chấp
thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải nêu rõ lý
do. Nếu quá thời hạn trên Bộ Tài chính không có văn bản trả lời, việc đề nghị
thay đổi Chủ tịch, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, thay đổi
Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh nước ngoài đương nhiên được chấp thuận.”
10. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 28 như sau:
“4. Có tối thiểu ba (03) năm kinh nghiệm làm việc
trong lĩnh vực bảo hiểm.”
11. Sửa đổi Khoản
4 Điều 32 như sau:
“4. Trong thời hạn bảy (07) ngày, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm b Khoản 1 hoặc điểm b Khoản 2 Điều này, Bộ Tài
chính có văn bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận việc bổ nhiệm, thay đổi
chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trường hợp từ chối chấp
thuận, Bộ Tài chính phải nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn trên Bộ Tài chính không
có văn bản trả lời, việc bổ nhiệm, thay đổi chuyên gia tính toán của doanh nghiệp
bảo hiểm nhân thọ đương nhiên được chấp thuận.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 34 như sau:
“Điều 34. Tiêu chuẩn và sử dụng chuyên gia tính
toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ,
doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài
1. Tiêu chuẩn chuyên gia tính toán dự phòng và khả
năng thanh toán:
a) Là thành viên (fellow) của Hội các nhà tính toán
bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc
tế; hoặc
b) Có tối thiểu năm (05) năm kinh nghiệm làm việc
trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ,
chi nhánh nước ngoài) hoặc trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe (đối với doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe), và có tối thiểu 02 chứng chỉ tính toán được
cấp bởi một trong các Hội sau: Hội các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội
các nhà tính toán bảo hiểm Scotland, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội
các nhà tính toán bảo hiểm Úc, Hội các nhà tính toán bảo hiểm Ca-na-đa;
c) Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội
danh có liên quan đến nhiệm vụ của mình;
d) Chưa vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán
bảo hiểm (đối với trường hợp chuyên gia tính dự phòng và khả năng thanh toán của
doanh nghiệp, chi nhánh nước ngoài là thành viên của Hội các nhà tính toán bảo
hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế).
2. Hình thức sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng
và khả năng thanh toán:
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài được sử dụng chuyên
gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán theo các hình thức sau:
a) Sử dụng người lao động của doanh nghiệp bảo hiểm
phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước
ngoài;
b) Thuê chuyên gia tính toán của tổ chức cung cấp dịch
vụ tính toán bảo hiểm;
c) Thuê hoặc dùng chuyên gia tính toán của chủ đầu
tư hoặc công ty mẹ hoặc công ty trong cùng tập đoàn của doanh nghiệp bảo hiểm
phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước
ngoài.
3. Kể từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp bảo hiểm phi
nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước
ngoài phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh
toán đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.”
13. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 35 như sau:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài nộp Bộ Tài chính một
(01) bộ hồ sơ đăng ký chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh
toán bao gồm các tài liệu sau:
a) Trường hợp sử dụng người lao động của doanh nghiệp
bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi
nhánh nước ngoài:
- Đơn xin đăng ký chuyên gia tính toán dự phòng
nghiệp vụ và khả năng thanh toán có chữ ký của Chủ tịch hoặc Tổng Giám đốc
(Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh
doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài;
- Văn bằng, chứng chỉ (bản sao công chứng), sơ yếu
lý lịch của người dự kiến được bổ nhiệm làm chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp
vụ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài;
- Lý lịch tư pháp (bản gốc) của người dự kiến được
bổ nhiệm làm chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của
doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức
khỏe, chi nhánh nước ngoài;
- Giấy chứng nhận tư cách thành viên (bản sao chứng
thực) và văn bản xác nhận của Hội các nhà tính toán bảo hiểm về việc chưa vi phạm
quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm (bản gốc) tính đến thời điểm dự kiến
được bổ nhiệm trong trường hợp là thành viên của Hội các nhà tính toán bảo hiểm.
- Hợp đồng lao động (bản sao chứng thực) hoặc hợp đồng
nguyên tắc (bản gốc) ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài với người dự kiến bổ
nhiệm là chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán.
b) Trường hợp thuê chuyên gia tính toán của tổ chức
cung cấp dịch vụ tính toán bảo hiểm:
- Các tài liệu quy định từ gạch đầu dòng thứ nhất đến
gạch đầu dòng thứ tư điểm a Khoản 1 Điều này;
- Hợp đồng nguyên tắc (bản gốc) về cung cấp dịch vụ
ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh
bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài và tổ chức cung cấp dịch vụ tính toán bảo
hiểm;
- Giấy phép thành lập của tổ chức cung cấp dịch vụ
tính toán bảo hiểm (bản sao chứng thực).
c) Trường hợp thuê hoặc dùng chuyên gia tính toán của
chủ đầu tư hoặc công ty mẹ hoặc công ty trong cùng tập đoàn của doanh nghiệp bảo
hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh
nước ngoài:
- Các tài liệu quy định tại điểm a Khoản 1 Điều
này;
- Văn bản thỏa thuận hoặc chấp thuận (bản gốc) về
việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh
doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài thuê hoặc dùng chuyên gia tính
toán của chủ đầu tư hoặc công ty mẹ hoặc công ty trong cùng tập đoàn của doanh
nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe,
chi nhánh nước ngoài.”
14. Bổ sung Khoản 2 Điều 37 như sau:
“2. Trong trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm phi
nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước
ngoài đồng bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải quy định
rõ tên doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo
hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài đứng đầu, tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng
doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức
khỏe, chi nhánh nước ngoài. Các doanh nghiệp, chi nhánh nước ngoài đồng bảo hiểm
phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm với bên mua
bảo hiểm.”
15. Sửa đổi Khoản
5 Điều 39 như sau:
“5. Thời hạn phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ,
bảo hiểm sức khỏe
Trong thời hạn hai mươi mốt (21) ngày, kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 3 Điều này, Bộ Tài chính có văn bản chấp
thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài
chính phải nêu rõ lý do.”
16. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 40 như sau:
“2. Trường hợp kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm
của loại nghiệp vụ bảo hiểm bị lỗ trong hai (02) năm tài chính liên tiếp và ảnh
hưởng tới quyền lợi của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ,
chi nhánh nước ngoài phải báo cáo ngay Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân,
phương án khắc phục của loại nghiệp vụ bảo hiểm đó và thực hiện theo yêu cầu của
Bộ Tài chính.”
17. Bổ sung điểm 3.6 Khoản 3
và Khoản 6 Điều 41 như sau:
a) Bổ sung điểm 3.6 Khoản 3 như sau:
“3.6. Hoa hồng đại lý bảo hiểm tối đa đối với các hợp
đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh là 10%.”
b) Bổ sung Khoản 6 như sau:
“6. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thống nhất mức
chi trả hoa hồng và chi quản lý đại lý bảo hiểm giữa đại lý bảo hiểm đang làm
việc tại doanh nghiệp và đại lý bảo hiểm được tuyển dụng từ doanh nghiệp bảo hiểm
nhân thọ khác.”
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 49 như sau:
“Điều 49. Đào tạo, thi, cấp chứng chỉ đại lý bảo
hiểm
1. Cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm thực hiện đào tạo
đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Nghị định
số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một
số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
2. Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) trực
tiếp hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm tổ chức thi, ra đề thi
phù hợp với quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm hiện hành và phê duyệt kết
quả thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
3. Căn cứ kết quả thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được
Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) phê duyệt, cơ sở đào tạo đại lý bảo
hiểm cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành
kèm theo Thông tư này.
4. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước
ngoài cấp thẻ cho các đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp, chi nhánh nước ngoài.
Thẻ đại lý bảo hiểm phải ghi rõ họ tên, mã số đại lý kèm theo ảnh đại lý. Đại
lý bảo hiểm có trách nhiệm đeo thẻ trong khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.”
19. Sửa đổi Khoản
3 Điều 57 như sau:
“3. Trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày nhận đầy
đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều
chỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong
trường hợp từ chối, Bộ Tài chính có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”
20. Sửa đổi Khoản
4 Điều 59 như sau:
“4. Trong thời hạn mười bốn (14) ngày, kể từ ngày
nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị gia hạn hoạt động, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận
hoặc từ chối chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận phải giải thích lý do.”
21. Bãi bỏ Khoản
6 Điều 4.
22. Bãi bỏ Điều
48.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 125/2012/TT-BTC
1. Sửa đổi, bổ sung tiết a điểm 3.1
và tiết a điểm 3.2 Khoản 3 Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tiết a điểm 3.1
như sau:
“a) Về địa bàn hoạt động: Doanh nghiệp bảo hiểm được
mở chi nhánh trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.”
b) Sửa đổi, bổ sung tiết a điểm 3.2 như sau:
“a) Trường hợp mở chi nhánh ngoài lãnh thổ Việt
Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 12
Thông tư này.”
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 và
gạch đầu dòng thứ hai tiết b điểm 4.1 Khoản 4 Điều 8 như
sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 như
sau:
“3. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không được thay
đổi phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trong năm tài
chính. Trong trường hợp thay đổi phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp
vụ bảo hiểm cho năm tài chính kế tiếp, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải đề
nghị và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.
Trong trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán
hoặc khi có biến động lớn về tỷ lệ tử vong, lãi suất kỹ thuật, Bộ Tài chính có
thể yêu cầu hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho phép thay
đổi phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phù hợp.”
b) Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ hai tiết b điểm 4.1 Khoản 4 như sau:
“- Cơ sở trích lập: Bảng tỷ lệ tử vong CSO1980, lãi
suất kỹ thuật tối đa không vượt quá 80% lãi suất bình quân của trái phiếu Chính
phủ kỳ hạn 10 năm được phát hành trong sáu (06) tháng gần nhất trước thời điểm
trích lập dự phòng và các cơ sở kỹ thuật khác phù hợp với các quyền lợi bảo hiểm
mà doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cam kết với khách hàng tại sản phẩm bảo hiểm
đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Trường hợp không có trái phiếu Chính phủ kỳ hạn
10 năm phát hành trong sáu (06) tháng gần nhất thì sử dụng lãi suất trái phiếu
Chính phủ kỳ hạn 10 năm phát hành tại thời điểm gần nhất trước thời điểm trích
lập dự phòng.”
3. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ nhất tiết
b điểm 1.1 Khoản 1 và tiết b điểm 2.4 Khoản 2 Điều 12 như sau:
a) Sửa đổi gạch đầu dòng thứ nhất tiết
b điểm 1.1 Khoản 1 như sau:
“- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước
ngoài thực hiện đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định
46/2007/NĐ-CP;”
b) Sửa đổi tiết b điểm 2.4 Khoản 2
như sau:
“b) Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận
được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc
từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận phải nêu rõ lý do.”
4. Sửa đổi, bổ sung tiết c và bổ sung tiết d, tiết đ điểm 1.1 Khoản 1 Điều 18 như
sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tiết c như
sau:
“c) Khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, doanh nghiệp
bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi
nhánh nước ngoài có thỏa thuận với bên mua bảo hiểm về thời hạn thanh toán phí
bảo hiểm (bao gồm cả thời gian gia hạn). Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm phải
được quy định trong hợp đồng bảo hiểm, cụ thể như sau:
- Trường hợp đóng phí bảo hiểm một lần: Thời hạn
thanh toán phí bảo hiểm không vượt quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có
hiệu lực. Trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 30 ngày, thời hạn thanh toán phí bảo
hiểm không vượt quá thời hạn bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài hạch toán doanh thu
khoản phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải đóng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo
hiểm khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.
- Trường hợp đóng phí bảo hiểm theo kỳ: Thời hạn
thanh toán phí bảo hiểm của kỳ đóng phí bảo hiểm đầu tiên không vượt quá 30
ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Quy định này không áp dụng đối với
các kỳ đóng phí tiếp theo.
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài hạch toán doanh thu
khoản phí bảo hiểm của kỳ đóng phí bảo hiểm đầu tiên khi hợp đồng bảo hiểm có
hiệu lực và chỉ hạch toán doanh thu khoản phí bảo hiểm của các kỳ đóng phí bảo
hiểm tiếp theo khi bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại
hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo
hiểm theo thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu
lực khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
Nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời hạn
thanh toán phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp
chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài được hưởng doanh thu
phí bảo hiểm tương ứng với thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, hạch toán giảm
doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm
bảo hiểm.
Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời hạn thanh
toán phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh
doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm,
trả tiền bảo hiểm và được phép thu toàn bộ số phí bảo hiểm phải đóng theo thỏa
thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp bảo hiểm hàng hóa vận chuyển cho khách
hàng có nhiều chuyến hàng tham gia bảo hiểm trong năm và bảo hiểm du lịch cho
khách hàng có nhiều chuyến du lịch tham gia bảo hiểm trong năm, nếu doanh nghiệp
bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi
nhánh nước ngoài và bên mua bảo hiểm có ký hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc (hay hợp
đồng bảo hiểm bao) về cách thức tham gia bảo hiểm và phương thức thanh toán thì
thời hạn thanh toán phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm ký kết trong tháng
này không được chậm hơn ngày 25 của tháng kế tiếp.”
b) Bổ sung tiết d như sau:
“d) Khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và doanh
nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe,
chi nhánh nước ngoài có thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm. Việc nợ
phí phải được quy định trong hợp đồng bảo hiểm và chỉ được áp dụng khi bên mua
bảo hiểm có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm.
Trường hợp nợ phí có tài sản bảo đảm, doanh nghiệp
bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi
nhánh nước ngoài và bên mua bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về giao
dịch bảo đảm.
Trường hợp nợ phí có bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm,
tổ chức thực hiện bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm phải có chức năng cung cấp dịch
vụ bảo lãnh và phải có hợp đồng bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm.”
c) Bổ sung tiết đ như sau:
“đ) Khi hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và doanh nghiệp
bảo hiểm nhân thọ có thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm
theo kỳ được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hạch
toán doanh thu số phí bảo hiểm tương ứng với kỳ hoặc các kỳ phí bảo hiểm đã
phát sinh, không hạch toán doanh thu số phí bảo hiểm chưa đến kỳ bên mua bảo hiểm
phải đóng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.”
5. Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ hai, điểm h Khoản 1 Điều 19 như sau:
“- Chi khen thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm phi nhân
thọ, bảo hiểm sức khỏe tương ứng với các hợp đồng bảo hiểm đã khai thác được
trong năm tài chính không vượt quá 50% tỷ lệ hoa hồng thuộc từng loại nghiệp vụ
bảo hiểm theo quy định tại các điểm 3.1, 3.3 và 3.4 Khoản 3 Điều
41 Thông tư số 124/2012/TT-BTC.”
6. Bổ sung Mục 7a sau Mục 7 như
sau:
“TÁCH NGUỒN VỐN CHỦ SỞ HỮU VÀ NGUỒN PHÍ BẢO HIỂM
TRONG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ, BẢO HIỂM SỨC KHỎE
Điều 27a. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm
phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước
ngoài
1. Kể từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp bảo hiểm phi
nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước
ngoài phải tách riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của
bên mua bảo hiểm. Cụ thể như sau:
a) Theo dõi riêng doanh thu, chi phí từ hoạt động
kinh doanh bảo hiểm theo từng loại nghiệp vụ bảo hiểm.
b) Ghi nhận, theo dõi riêng tài sản đầu tư từ nguồn
vốn chủ sở hữu và tài sản đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ.
c) Theo dõi riêng doanh thu, chi phí hoạt động tài
chính liên quan đến tài sản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và tài sản đầu tư từ
nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ.
d) Doanh thu, chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt
động nào của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh
bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài được ghi nhận trực tiếp cho hoạt động
đó. Các khoản doanh thu, chi phí chung phải được phân bổ theo nguyên tắc hợp
lý, nhất quán.
2. Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch
Công ty) có trách nhiệm xây dựng quy chế, nguyên tắc phân bổ doanh thu, chi phí
chung theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này và giám sát việc triển khai thực
hiện quy chế, nguyên tắc này.
3. Định kỳ hàng quý, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân
thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài có
trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính việc thực hiện tách nguồn vốn chủ sở hữu và
nguồn phí bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 Điều này.”
7. Bổ sung điểm 1.6 Khoản 1 Điều 29 như sau:
“1.6. Các quy định tại điểm 1.1, 1.2, 1.3 và 1.4
khoản này không áp dụng đối với công ty cổ phần môi giới bảo hiểm.”
8. Bãi bỏ tiết c điểm 3.2 Điều 4.
9. Bãi bỏ Khoản 4 Điều 11.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 02 năm 2015.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề
nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính;
- Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam;
- Các DNBH, DNMGBH, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
- Lưu: VT, QLBH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|