TỔNG
CỤC HẢI QUAN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
967-TCHQ/PC
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1991
|
THÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 967-TCHQ/PC NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM
1991 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 128/HĐBT NGÀY 19-4-1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ
TRƯỞNG QUY ĐỊNH PHẠM VI ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ VÀ KHU VỰC KIỂM SOÁT CỦA HẢI
QUAN VIỆT NAM
Ngày 19 tháng 4 năm 1991, Hội đồng
Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 128/HĐBT quy định phạm vi địa bàn hoạt động
cụ thể và khu vực kiểm soát của Hải quan Việt Nam.
Thông tư này Tổng cục Hải quan
hướng dẫn thực hiện Nghị định dẫn trên như sau:
I. Nghị định số
128/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng cụ thể hoá các khoản 2 và 3 Điều 5 của Pháp lệnh
Hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990. Đây là cơ sở pháp lý để thiết lập tổ chức,
triển khai các hoạt động hải quan và là điều kiện thuận lợi để Hải quan Việt
Nam thực hiện hai chức năng cơ bản theo quy định của Pháp lệnh Hải quan là:
"Quản lý Nhà nước về Hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất
cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường Việt Nam và đấu tranh chống buôn lậu hoặc
vận chuyển trái phép hàng hoá, ngoại hối, tiền Việt Nam qua biên giới.
II- Điều 1 Nghị
định số 128/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng xác định rõ phạm vi, địa bàn hoạt động
cụ thể của Hải quan Việt Nam tại:
1. Khu vực cửa khẩu đường bộ:
bao gồm các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ nằm trong khu vực kiểm soát hải quan dọc
theo biên giới đất liền trong khu vực biên giới Việt Nam và hải đảo.
2. Cảng biển quốc tế: Theo Bộ Luật
hàng hải Việt Nam ngày 30-6-1990 thì cảng biển bao gồm các khu vực sau đây:
a) Kho, bãi, cầu cảng, nhà xưởng,
khu hành chính và dịch vụ hàng hải (gọi chung là vùng đất cảng).
b) Vùng nước trước cầu cảng,
vùng neo đậu, chuyển tải, luồng ra, vào cảng, vùng tránh bão (gọi chung là vùng
nước cảng).
3. Cảng sông quốc tế bao gồm các
khu vực sau đây:
a) Kho, bãi, cầu cảng, nhà xưởng,
khu hành chính và dịch vụ (gọi chung là vùng đất cảng).
b) Vùng nước trước cầu cảng,
vùng neo đậu, chuyển tải... (gọi chung là vùng nước cảng).
4. Cảng Hàng không dân dụng quốc
tế: là vùng đất thuộc phạm vi hoạt động của cảng, đồng thời là một tổ hợp nhiều
công trình bao gồm sân bay, nhà ga, các thiết bị cần thiết và các công trình mặt
đất khác và mặt bằng làm việc của các ngành có trách nhiệm trực tiếp như Hải
quan, Công an cửa khẩu... để tiếp nhận tàu bay, làm thủ tục xuất, nhập cảnh; xuất,
nhập khẩu cho tàu bay khởi hành và thực hiện các dịch vụ vận chuyển hàng không.
5. Bưu điện quốc tế (còn gọi là
bưu cục ngoại dịch: là vùng đất thuộc phạm vi hoạt động của bưu điện quốc tế
bao gồm kho, bãi, nơi giao nhận bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu...)
6. Các địa điểm khác ở nội địa:
là vùng đất thuộc phạm vi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức kinh tế,
kinh doanh, vận tải, giao nhận xuất, nhập khẩu bao gồm: kho bãi chuyên dụng chứa
hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; địa điểm của các tổ chức được làm dịch vụ xuất,
nhập khẩu hoặc dịch vụ bán hàng thu ngoại tệ; bưu cục kiểm quan; địa điểm của
cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế được Hải quan cấp tỉnh chấp
nhận làm địa điểm kiểm tra hải quan.
7. Các tuyến đường quá cảnh, mượn
đường Việt Nam: là các tuyến đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng
không, đường sắt liên vận quốc tế được Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam quy định cho hoạt động quá cảnh, mượn đường Việt Nam tính từ cửa khẩu nhập
tới cửa khẩu xuất.
8. Các địa điểm ở nội địa mà Hải
quan phát hiện có dấu hiệu hoạt động buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng
hoá, ngoại hối qua biên giới: là những địa bàn tập trung hoạt động buôn lậu xuất
nhập khẩu lớn, có tổ chức, có đường dây liên lạc giữa trong nước với ngoài nước
và ngược lại, hoặc thu gom vật tư chiến lược, hàng hoá quý hiếm, ngoại tệ, đá
quý, vàng, bạc, đồ cổ... để xuất lậu qua biên giới đường bộ, đường biển, đường
sông, đường hàng không, đường sắt liên vận quốc tế.
Trong phạm vi địa bàn hoạt động
cụ thể nói trên Hải quan Việt Nam thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của mình
do Pháp lệnh hải quan quy định.
III - Điều 2 Nghị
định số 128-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể vùng kiểm soát hải
quan.
1. Khu vực này được thiết lập dọc
theo biên giới đất liền, trên sông, suối biên giới, dọc bờ biển và hải đảo,
trên biển là để tạo điều kiện cho Hải quan Việt Nam tập trung lực lượng của
mình tiến hành những biện pháp phát hiện, ngăn ngừa, điều tra và xử lý hành vi
buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, ngoại hối, tiền Việt Nam qua biên
giới, hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về hải quan trong phạm vi thẩm
quyền do pháp luật quy định.
2. Khu vực kiểm soát hải quan dọc
theo biên giới đất liền và trên sông, suối biên giới trùng với khu vực biên giới
Việt Nam. Khu vực kiểm soát hải quan dọc theo bờ biển và hải đảo chỉ bao gồm
các xã và các đơn vị hành chính tương đương ở ven biển và hải đảo.
Khu vực kiểm soát hải quan trên
biển bao gồm nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Theo tuyên bố của
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-5-1977:
a) Lãnh hải của nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm
nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam
tính từ ngấn nước thuỷ triều thấp nhất trở ra.
Vùng biển ở phía trong đường cơ
sở và giáp với bờ biển là nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Vùng tiếp giáp lãnh hải của
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh
hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý, hợp với lãnh hải Việt Nam thành vùng
biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt
Nam.
3. Mọi hoạt động vận chuyển hàng
hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu
trong khu vực kiểm soát của hải quan đều chịu sự kiểm soát của hải quan Việt
Nam.
IV- Để triển
khai thực hiện Nghị định số 128/HĐBT
Hải quan cấp tỉnh cần:
1. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên
các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị định số
128/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này.
2. Trên cơ sở phạm vi địa bàn hoạt
động cụ thể và khu vực kiểm soát của Hải quan Việt Nam, tiến hành khảo sát tình
hình để bố trí, sắp xếp lại tổ chức, kiến nghị tổ chức thêm đơn vị hải quan mới,
bãi bỏ đơn vị hải quan cũ không thích hợp để báo cáo Tổng cục xem xét.
3. Căn cứ địa hình ở địa phương,
Hải quan cấp tỉnh phối hợp với UBND huyện, bộ đội biên phòng tiến hành khảo
sát, quy định cụ thể khu vực kiểm soát hải quan thuộc địa phương mình nói tại
các khoản 1, 2, 3 của Điều 2 Nghị định số 128/HĐBT, báo cáo UBND tỉnh để thống
nhất với Tổng cục Hải quan công bố cho nhân dân biết.
Đối với các tỉnh biên giới đường
bộ và duyên hải chưa có tổ chức hải quan thì do Tổng cục hoặc phân công cho Hải
quan tỉnh gần nhất tiến hành khảo sát.
Cần thể hiện phạm vi địa bàn hoạt
động cụ thể và khu vực kiểm soát hải quan của Hải quan trên bản đồ của tỉnh
mình để gửi về Tổng cục.
Hải quan cấp tỉnh cần thành lập
một tổ công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một đồng chí Phó Giám đốc để tiến
hành những việc này.
Trong quá trình thực hiện Thông
tư này gặp khó khăn trở ngại gì, đề nghị báo cáo kịp thời về Tổng cục để nghiên
cứu giải quyết.