BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1795/TB-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 03 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ
TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO VÀ
TỔ CHUYÊN MÔN LIÊN NGÀNH THỰC HIỆN ĐO THỜI GIAN GIẢI PHÓNG HÀNG NĂM 2015 NGÀY
06/02/2015
Triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của
Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng
lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính
phủ về tăng cường quản lý, cải cách hành chính về thuế, hải quan; ngày
21/11/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 9325/VPCP-KTTH giao Bộ Tài chính
là đơn vị chủ trì, phối hợp các Bộ, đơn vị liên quan triển khai đo thời gian
giải phóng hàng năm 2015. Ngày 21/01/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết
định số 91/QĐ-BTC thành lập Ban chỉ đạo liên ngành và Tổ chuyên môn liên ngành
để thực hiện đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu năm 2015
(sau đây gọi tắt là cuộc đo năm 2015);
Ngày 06/02/2015, Đ/c Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng
Bộ Tài chính - Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ
đạo và Tổ chuyên môn liên ngành thực hiện cuộc đo năm 2015, thống nhất và quán
triệt về mục tiêu, phương hướng triển khai cuộc đo; Sau khi nghe các thành viên
tham dự cuộc họp thảo luận, đóng góp ý kiến, Đ/c Trưởng ban chỉ đạo liên ngành
kết luận một số nội dung như sau:
1. Trên cơ sở kết quả cuộc đo thời gian giải
phóng hàng năm 2013 (Bộ Tài chính (TCHQ) đã gửi kèm công văn số 2473/TCHQ-CCHĐH
ngày 11.3.2014), các Bộ, Ngành tiến hành rà soát, đánh giá những giải pháp đã
thực hiện, kết quả đạt được trong năm 2014 nhằm cắt giảm chi phí, giảm thời
gian làm thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo chỉ đạo của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP và chỉ thị 24/CT-TTg. Đây
là các dữ liệu tiền đề của cuộc đo năm 2015; Đề nghị các Bộ, Ngành gửi lại
thông tin nói trên về Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan) trước ngày 25/3/2015.
2. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
tại công văn số 9325/VPCP-KTTH, các Bộ, ngành, đơn vị tham gia thực hiện cuộc
đo cần quán triệt và quyết tâm thực hiện cuộc đo năm 2015 với các nội dung cơ
bản sau:
2.1. Mục tiêu của cuộc đo năm 2015 cần xác
định rõ thực trạng làm thủ tục giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thời
gian xử lý và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức liên quan; xác định các
khâu nghiệp vụ, các nguyên nhân gây chậm trễ, kéo dài thời gian thông quan... để
phát huy những yếu tố tích cực và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc,
các điểm gây “tắc nghẽn” để đề xuất kiến nghị với Chính phủ các giải pháp
tháo gỡ để thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của công tác
quản lý nhà nước.
2.2. Các kết quả cần đạt được của cuộc đo
năm 2015:
a) Thời gian từ khi hàng nhập khẩu đến cảng/cửa
khẩu đích cho đến khi hàng đã có quyết định thông quan/giải phóng hàng ra khỏi
khu vực giám sát Hải quan;
b) Các kết quả thuộc trách nhiệm cơ quan Hải quan:
- Thời gian từ khi tiếp nhận đăng ký tờ khai chính
thức cho đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng;
- Các khoảng thời gian tác nghiệp trung bình từng
bước nghiệp vụ trong quy trình thủ tục của cơ quan Hải quan;
c) Các kết quả thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, đơn
vị liên quan:
- Thời gian tác nghiệp của các cơ quan khác có liên
quan phát sinh trong khoảng thời gian từ khi hàng đến đến khi hàng thông
quan/giải phóng hàng rời khỏi cổng giám sát hải quan, gồm:
+ Thời gian từ khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra
đến khi cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra;
+ Thời gian từ khi cấp giấy chứng nhận kết quả đến
khi trả giấy chứng nhận kết quả cho doanh nghiệp;
+ Thời gian từ khi doanh nghiệp nhận giấy chứng
nhận kết quả kiểm tra đến khi doanh nghiệp nộp giấy chứng nhận kết quả cho cơ
quan hải quan để được thông quan lô hàng.
- Các khoảng thời gian tác nghiệp cụ thể trong quy
trình thực hiện thủ tục của các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến
quá trình làm thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ví dụ: Thời gian
đăng ký; thời gian lấy mẫu; thời gian kiểm tra; thời gian cấp giấy chứng nhận...
2.3. Phương pháp thực hiện:
- Ghi nhận trực tiếp dữ liệu về thời gian thực
tế phát sinh trên cơ sở xây dựng biểu thu thập thông tin cụ thể, chi
tiết cho từng giai đoạn trong quá trình từ khi hàng nhập khẩu được vận chuyển
về đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng đã được thông quan và vận chuyển khỏi cảng/cửa
khẩu để đưa vào nội địa;
- Lựa chọn mẫu để thu thập: theo nguyên tắc mang
tính đại diện, tránh các thời gian cao điểm, nghỉ lễ, thay đổi chính sách pháp
luật ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.
- Cách thức thu thập thông tin: Ghi nhận trực tiếp
theo thực tế công việc phát sinh, kết hợp thực hiện khai thác tự động dữ liệu
trên hệ thống đối với các mốc thời gian lưu trữ trên hệ thống; Các thời điểm
yêu cầu ghi nhận dữ liệu đều được phân tích, giải thích rõ ràng thời điểm và
cách thức thu thập.
2.4. Thời gian thực hiện: Cuộc đo được thực
hiện từ tháng 1/2015 đến tháng 9/2015 theo 03 giai đoạn (giai đoạn chuẩn bị từ
tháng 1/2015 đến hết tháng 3/2015, giai đoạn triển khai từ tháng 4/2015 đến hết
tháng 7/2015, giai đoạn tổng hợp, báo cáo từ tháng 8/2015 đến tháng 9/2015).
2.5. Địa điểm thực hiện: 11 Chi cục Hải quan
thuộc 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa -
Vũng Tàu, Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Trị.
2.6. Kinh phí thực hiện: Từ ngân sách nhà
nước và các nguồn hỗ trợ khác do các Bộ, Ngành chủ động liên hệ tuân thủ quy
định pháp luật hiện hành.
3. Nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, đơn vị tham
gia cuộc đo theo Kế hoạch tổng thể kèm theo công văn số 16221/BTC-TCHQ của Bộ
Tài chính ngày 7/11/2014, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số
9325/VPCP-KHTH ngày 21/11/2015:
- Xác định rõ phần trách nhiệm của từng Bộ, ngành
trong toàn bộ quy trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng;
- Đo thời gian và công bố thời gian tác nghiệp
trung bình của từng Bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
4. Tổ chức thực hiện cuộc đo:
4.1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo và Tổ
chuyên môn liên ngành: Triển khai các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số
91/QĐ-BTC ngày 21/01/2015; Hoàn thiện Kế hoạch chi tiết thực hiện đo thời gian
liên ngành, phối hợp triển khai cuộc đo để làm cơ sở xây dựng Kế hoạch và triển
khai đo thời gian của từng Bộ, ngành, đơn vị liên quan. Thời hạn hoàn thành Kế
hoạch chi tiết liên ngành là cuối tháng 3/2015;
4.2. Trách nhiệm của từng Bộ, ngành, đơn vị
tham gia cuộc đo: chi tiết theo phụ lục kèm theo Thông báo.
Thừa ủy quyền cùa Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục
Hải quan xin thông báo để các đơn vị có liên quan biết, phối hợp và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Đ/c Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Bộ Y tế (Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long - để b/c, Cục Y tế dự phòng, Cục An toàn
thực phẩm);
- Bộ GTVT (Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường - để b/c, Cục đăng kiểm);
- Bộ NN & PTNT (Thứ trưởng Vũ Văn Tám - để b/c, Cục thú y, Cục Bảo vệ thực
vật);
- Bộ Quốc phòng (Thượng tướng, Thứ trưởng Lê Hữu Đức - để b/c, Bộ Tư lệnh bộ đội
biên phòng - Cục cửa khẩu);
- Bộ KHCN (Thứ trưởng Trần Việt Thanh - để b/c, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất
lượng - Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa);
- Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (Phó chủ tịch Đoàn Duy Khương - để b/c,
Ban Pháp chế);
- Lưu: VT, CCHĐH (6b).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Túc
|
PHỤ LỤC
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA
TỪNG BỘ, NGÀNH, ĐƠN VỊ THAM GIA CUỘC ĐO NĂM 2015
(kèm theo Thông báo số 1795/TB-TCHQ ngày 05/3/2015)
Các Bộ, Ngành, đơn vị tham gia cuộc đo thời gian
giải phóng hàng năm 2015 triển khai các công việc sau:
1. Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chuyên môn thực
hiện cuộc đo của từng Bộ, Ngành có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cơ bản là:
- Nghiên cứu Kế hoạch tổng thể thực hiện cuộc đo
kèm theo công văn số 16221/BTC-TCHQ ngày 7/11/2014 của Bộ Tài chính, đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 9325/VPCP-KTTH ngày 21/11/2014
- Xây dựng kế hoạch đo trong phạm vi từng Bộ/Ngành;
- Triển khai thực hiện cuộc đo theo kế hoạch đã xây
dựng;
- Cung cấp dữ liệu, thông tin cho Tổ chuyên môn
liên ngành để tổng hợp kết quả chung;
- Tổng hợp và công bố kết quả đo của từng Bộ, Ngành.
2. Xây dựng kế hoạch đo của từng Bộ, Ngành
- Xác định mục tiêu, phạm vi, các đơn vị cơ sở
triển khai đo: Phạm vi đo có thể nằm trong phạm vi cuộc đo quốc gia (Các đơn vị
cơ sở phụ trách các chi cục hải quan được lựa chọn đo) hoặc mở rộng thêm tùy
nhu cầu quản lý, đánh giá của từng Bộ, Ngành.
- Xác định mẫu đo và cách thức lấy mẫu: Xác định số
lượng mẫu cần thu thập, các tiêu chí cụ thể để xác định mẫu (ví dụ loại hàng,
mức độ kiểm tra,...), cách thức lựa chọn mẫu để thu thập dữ liệu...
- Xác định các khoảng thời gian cần đánh giá, các
thời điểm cần thu thập dữ liệu;
- Xây dựng các mẫu biểu thu thập dữ liệu và các
hướng dẫn điền thông tin vào biểu mẫu;
- Phân công nhiệm vụ cho cán bộ thu thập thông tin,
cán bộ giám sát,
3. Tổ chức triển khai thực hiện cuộc đo trong
phạm vi từng Bộ, Ngành theo kế hoạch đã xây dựng:
a) Nhiệm vụ của Tổ chuyên môn:
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ thu
thập dữ liệu;
- Đôn đốc, giám sát quá trình thu thập dữ liệu;
- Giải đáp các vướng mắc phát sinh trong quá trình
thu thập dữ liệu;
- Kiểm tra, rà soát các dữ liệu thu thập đảm bảo
đầy đủ, khách quan, chính xác;
- Cung cấp dữ liệu, thông tin cho Tổ chuyên môn
liên ngành để tổng hợp kết quả chung;
b) Nhiệm vụ của Tổ triển khai đo thuộc các đơn
vị cơ sở:
- Thực hiện ghi chép thông tin vào biểu mẫu theo
đúng hướng dẫn và nộp cho Tổ chuyên môn để tổng hợp;
- Đảm bảo các thông tin thu thập trên biểu mẫu đầy
đủ và chính xác;
- Đảm bảo các mẫu thu thập đầy đủ theo số lượng mẫu
đã đặt ra trong kế hoạch;
4. Tổng hợp và công bố kết quả đo của từng
Bộ, Ngành.
- Xây dựng biểu tổng hợp thông tin và các công thức
tính toán kết quả;
- Tính toán các kết quả thời gian đã xác định trong
kế hoạch;
- Xây dựng báo cáo kết quả của riêng từng Bộ, Ngành;
- Thực hiện công bố kết quả của từng Bộ, Ngành theo
yêu cầu của Lãnh đạo.