VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 155/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 04 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU GẠO
Ngày 15 tháng 4 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo. Tham dự
cuộc họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bộ Tài
chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng công ty Lương thực miền Bắc
(Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Sau khi nghe các
Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và lãnh đạo VFA báo
cáo; ý kiến của các đại biểu dự họp; Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Trong những tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu
gạo gặp khó khăn, số lượng và giá trị xuất khẩu gạo giảm đáng kể so với cùng kỳ
năm 2014. Tuy sự sụt giảm về xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng
giá trị xuất khẩu cả nước nhưng mặt hàng gạo là sản phẩm xuất khẩu chủ lực và
là hàng hóa quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nông dân. Do đó,
việc tiêu thụ tốt lúa, gạo hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm an
sinh xã hội vùng nông thôn.
Nguyên nhân khách quan của tình hình trên do nhiều
yếu tố, trong đó đáng chú ý là do nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào, những
nước xuất khẩu gạo lớn đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu làm cho cạnh tranh
ngày càng gay gắt, trong khi những nước nhập khẩu gạo tiếp tục tăng cường năng
lực sản xuất lúa gạo, bảo hộ sản xuất lúa gạo trong nước, có xu hướng chuyển đổi
phương thức nhập khẩu gạo, đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm giá nhập khẩu gạo.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân chủ quan như chất lượng gạo xuất khẩu của
Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của một số thị trường, nhất là những thị trường
có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chi phí,
giá thành sản xuất một số sản phẩm lúa, gạo còn cao, chưa cạnh tranh...
Trước khó khăn trên, công tác chỉ đạo, điều hành,
tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ hết sức quan tâm. Các Bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều nỗ
lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo được Thủ tướng
Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 10 tháng 02 năm 2015 và
Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo, tiêu thụ tối
đa lượng gạo hàng hóa trong dân, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về cơ bản với những
giải pháp do các Bộ, cơ quan, Hiệp hội đề ra cả trước mắt và dài hạn; yêu cầu
các Bộ, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền được giao tổ chức
triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; trong đó tập trung làm tốt những nội
dung sau:
1. Bộ Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với VFA, cơ quan liên quan tiếp
tục rà soát, phân tích kỹ tình hình xuất khẩu gạo giảm tại từng thị trường
trong những tháng đầu năm 2015; xác định rõ nguyên nhân, điểm yếu, hạn chế cần
khắc phục; từ đó có những giải pháp cụ thể để giải quyết.
b) Xác định hoạt động xúc tiến thương mại là nhiệm
vụ trọng tâm, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của VFA, các thương nhân xuất
khẩu gạo, nhất là vai trò chủ đạo của Vinafood 1 và Vinafood 2; chú trọng các
thị trường lớn, thị trường tập trung truyền thống (Trung Quốc, Philippines,
Malaysia, Indonesia), khôi phục các thị trường Châu Phi, Hồng Kông và mở thêm
các thị trường tiềm năng (Nga, Châu Mỹ La tinh...).
c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban
nhân dân các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có
đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định; trường hợp
vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Rà soát việc thực hiện Quy hoạch thương nhân
kinh doanh xuất khẩu gạo để tiếp tục củng cố, tổ chức lại đội ngũ thương nhân
theo hướng thúc đẩy phát triển những thương nhân có quy mô, năng lực tài chính,
thị trường và thành tích xuất khẩu gạo tốt; bổ sung những thương nhân xuất khẩu
gạo mới có đủ năng lực, điều kiện theo quy định.
đ) Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Lộ trình xây
dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của
thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn năm 2015 - 2020; kịp thời rà
soát, điều chỉnh phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu đề ra.
e) Chủ trì, phối hợp với VFA, các thương nhân kinh
doanh xuất khẩu gạo nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài về số
lượng, chủng loại, yêu cầu chất lượng gạo để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất
cho phù hợp về quy mô, cơ cấu giống, quy trình canh tác, yêu cầu về chất lượng,
vệ sinh an toàn thực phẩm.
g) Đồng ý báo cáo, đề nghị của Bộ Công Thương tại
Công văn số 155/BCT-XNK ngày 02 tháng 4 năm 2015 về xuất khẩu gạo vào các thị
trường tập trung. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, Hiệp hội,
Vinafood 1 và Vinafood 2 triển khai thực hiện, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với sự
thay đổi phương thức nhập khẩu gạo của các nước vì lợi ích chung của đất nước.
h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường công tác
thông tin, tuyên truyền về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, trong đó có
mặt hàng gạo, để bảo đảm thông tin kịp thời, tránh tác động bất lợi đến tiêu thụ
và xuất khẩu nông sản.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Chủ động theo dõi sát tình hình tiêu thụ và giá
thóc gạo trên thị trường để xem xét, trình cấp có thẩm quyền biện pháp điều tiết
thị trường gạo phù hợp, kịp thời, theo đúng quy định pháp luật.
b) Tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu
gạo xuất khẩu của Việt Nam, trong đó lưu ý những giải pháp về xây dựng bộ tiêu
chuẩn, chất lượng gạo xuất khẩu, quy trình sản xuất lúa bảo đảm các yêu cầu chất
lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu
ngành nông nghiệp, trong đó đối với ngành lúa gạo phải căn cứ nhu cầu, yêu cầu
của thị trường trong và ngoài nước để cơ cấu lại sản xuất lúa cho phù hợp, đẩy mạnh
liên kết, đặt hàng với người nông dân; giảm diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp;
có lộ trình và chính sách phù hợp để chuyển sang sản xuất những loại nông sản
có hiệu quả kinh tế cao hơn.
d) Chỉ đạo Vinafood 2 rà soát, làm rõ nguyên nhân của
tình hình kinh doanh, tài chính khó khăn, lỗ lũy kế lớn, kéo dài thời gian vừa
qua, trách nhiệm và các biện pháp khắc phục để ổn định hoạt động sản xuất, kinh
doanh.
đ) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo kiện
toàn tổ chức VFA theo quy định của pháp luật để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả
trong hoạt động, điều hành xuất khẩu gạo.
e) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên
quan nghiên cứu có giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong vận
chuyển, thu mua lúa gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy phát triển hạ
tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (như hệ thống bơm điện tưới, tiêu, giao
thông, thủy lợi…).
3. Bộ Tài chính:
a) Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Công Thương về một số
hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể trong năm 2015 đối với mặt hàng gạo, Bộ
Tài chính khẩn trương xem xét cấp hoặc trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh
phí theo quy định.
b) Xem xét đề nghị về việc bỏ quy định áp thuế giá
trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử
lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước;
báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2015.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp
tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho tiếp cận vốn, tín dụng với
lãi suất ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
5. VFA, các thương nhân kinh doanh
xuất khẩu gạo:
a) VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo,
trong đó chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2, chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp
đồng xuất khẩu, quản lý chặt chẽ chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu gạo có hiệu quả.
b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo;
rà soát các khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền
xem xét, xử lý.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan,
đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, NNPTNT, TC, KHĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- TCT Lương thực: miền Bắc, miền Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTN, QHQT, HC, TKBT, TH; TGĐ Cổng
TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|