BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3899/QĐ-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 10 tháng
11 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐƯỜNG DÂY NÓNG VÀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ
TIN BÁO QUA ĐƯỜNG DÂY NÓNG CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13
ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định 20/2008/NĐ-CP
ngày 14/2/2008 của Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của
cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg
ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-
BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài
chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát Tối cao hướng dẫn
thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
Căn cứ Quyết định số 3333/QĐ-TCHQ ngày 06/10/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế làm
việc của Tổng cục Hải quan;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Tổng
cục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản
lý, sử dụng đường dây nóng và tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng của Tổng
cục Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11
năm 2016. Hủy các số điện thoại đường dây nóng tại Quyết định số 349/QĐ-TCHQ
ngày 01/3/2016, công văn số 3490/TCHQ-TCCB ngày 24/6/2013 và các số điện thoại
đường dây nóng của Tổng cục Hải quan được thiết lập trước khi Quyết định này có
hiệu lực.
Điều 3. Thủ
trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/h);
- Lãnh đạo Tổng cục (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, VP (3b).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Văn Cẩn
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐƯỜNG DÂY NÓNG VÀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ TIN BÁO QUA ĐƯỜNG
DÂY NÓNG CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3899/QĐ-TCHQ ngày 10 tháng 11
năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Nhằm nâng cao kỷ luật kỷ cương khi
thi hành công vụ và phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu; hỗ trợ
có hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân
trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; kịp thời
xử lý các hành vi vi phạm pháp luật... Tổng
cục Hải quan ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đường dây
nóng và tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản lý,
sử dụng đường dây nóng và việc tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng tổng đài của Tổng cục Hải quan 19009299 và các đường dây nóng
nhánh (sau đây gọi tắt là đường dây nóng) được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quy chế này.
2. Quy chế này áp dụng đối với công chức,
đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải
quan (sau đây gọi tắt là Tổng cục).
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Đường dây nóng của Tổng cục Hải
quan là đường dây nóng tổng đài 19009299, được thông báo
công khai trên Cổng thông tin điện tử hải quan, các phương
tiện thông tin đại chúng và hệ thống đường dây nóng nhánh để tiếp nhận, xử lý tin báo liên quan đến lĩnh vực hải quan.
2. Tin báo là tin do cá nhân, tổ chức
cung cấp cho cơ quan Hải quan qua đường dây nóng gồm:
a) Tố giác, tin báo về tội phạm được
quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC
ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị
khởi tố;
b) Tin báo về hành vi buôn lậu, gian
lận thương mại là tin báo về hành vi buôn lậu, gian lận
thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi
phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan;
c) Tin báo về hành vi nhũng nhiễu,
tiêu cực là tin báo về hành vi phiền hà, sách nhiễu, lạm quyền; không thực hiện
hoặc thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ của công
chức Hải quan;
d) Tin báo liên quan đến thủ tục hải
quan là tin báo về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
3. Tiếp nhận và xử lý tin báo là việc
cơ quan Hải quan có thẩm quyền ghi nhận và xử lý tin báo do tổ chức, cá nhân
cung cấp liên quan đến lĩnh vực hải quan theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm
quyền.
4. Công chức tiếp nhận tin báo là
công chức được giao quản lý, sử dụng đường dây nóng tiếp nhận tin báo do tổ chức,
cá nhân cung cấp hoặc do các đơn vị khác chuyển.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử
dụng đường dây nóng và tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng
1. Nguyên tắc quản lý, sử dụng đường
dây nóng.
a) Việc tiếp nhận tin báo phải được
thực hiện qua đường dây nóng tổng đài 19009299 và chuyển đến hệ thống đường dây
nóng nhánh tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này để xử lý theo quy định.
Nội dung cuộc gọi qua số điện thoại đường dây nóng được ghi âm, lưu trữ và quản
lý theo chế độ MẬT.
b) Đảm bảo hoạt động thông suốt, liên
tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần;
c) Chỉ công chức được giao quản lý, sử
dụng đường dây nóng được sử dụng để tiếp nhận và xử lý tin báo theo quy định tại
Quy chế này; nghiêm cấm sử dụng đường dây nóng vào mục đích cá nhân;
d) Công chức được giao quản lý, sử dụng
đường dây nóng vắng mặt phải báo cáo bằng văn bản và được
sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị. Việc giao công chức khác quản
lý, sử dụng đường dây nóng phải được thực hiện bằng văn bản.
2. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý tin
báo:
a) Việc tiếp nhận, xử lý tin báo đảm
bảo nhanh chóng, chính xác, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; tuân thủ quy định
của pháp luật và Quy chế này;
b) Đảm bảo giữ bí mật về danh tính, số
điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh của các tổ chức, cá nhân báo tin và bí mật
thông tin của cơ quan quản lý nhà nước;
c) Việc tiếp nhận, giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm; xử lý tin báo vi phạm pháp luật hải quan; tin báo về
hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực được thực hiện theo chế độ MẬT, KHẨN;
d) Tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo
về tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan được thực hiện theo quy định
tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định
của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
và kiến nghị khởi tố.
Điều 4. Đơn vị quản
lý, sử dụng đường dây nóng và tiếp nhận tin báo qua đường dây nóng
1. Tổng cục Hải quan
a) Đường dây nóng do Cục Điều tra chống
buôn lậu quản lý, sử dụng tiếp nhận tin báo:
a.1) Tố giác,
tin báo về tội phạm;
a. 2) Tin báo về hành vi buôn lậu,
gian lận thương mại;
b) Đường dây
nóng do Vụ Thanh tra - Kiểm tra quản lý, sử dụng tiếp nhận
tin báo về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực;
c) Đường dây nóng do Cục Giám sát quản lý về hải quan quản lý, sử dụng tiếp nhận tin báo liên quan
đến thủ tục hải quan thuộc thẩm quyền xử
lý của Tổng cục.
2. Đường dây nóng do các Cục Hải quan
tỉnh, liên tỉnh, thành phố; các Chi cục và tương đương trực thuộc Cục Hải quan
tỉnh, liên tỉnh, thành phố quản lý, sử dụng tiếp nhận tin báo thuộc thẩm quyền gồm:
a) Tố giác, tin báo về tội phạm;
b) Tin báo về hành vi buôn lậu, gian
lận thương mại;
c) Tin báo về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực;
d) Tin báo liên quan đến thủ tục hải
quan.
Chương II
TIẾP NHẬN VÀ XỬ
LÝ TIN BÁO
Điều 5. Tiếp nhận
tin báo
1. Công chức tiếp nhận tin báo có
trách nhiệm: Tiếp nhận kịp thời, đầy đủ nội dung tin báo và ghi tin báo trên phần
mềm quản lý đường dây nóng của Tổng cục Hải quan tại địa chỉ: https://customs.gov.vn
và chọn chức năng đường dây nóng
hoặc tại địa chỉ: http://duongdaynongtchq.gov.vn (sau đây
gọi tắt là phần mềm quản lý).
2. Đối với tin báo không thuộc thẩm
quyền giải quyết của cơ quan Hải quan: công chức tiếp nhận tin báo tư vấn, hướng
dẫn người báo tin liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Điều 6. Xử lý tin
báo
1. Công chức tiếp nhận tin báo có
trách nhiệm:
a) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm,
tin báo về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tin báo về hành vi nhũng nhiễu,
tiêu cực:
a.1) Ngay sau
khi nhận được tin báo, trực tiếp hoặc sử dụng đường dây nóng báo cáo lãnh đạo
đơn vị để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó hoàn thành việc ghi tin báo trên phần mềm
quản lý trong thời hạn không quá 30 phút;
a.2) Đề xuất, kiến nghị bằng văn bản
biện pháp xử lý với lãnh đạo đơn vị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo
Quy chế này.
a.3) Chuyển tin
báo cho công chức được giao xử lý tin báo của đơn vị hoặc đơn vị được chuyển
giao tin báo ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị.
Trường hợp chuyển tin báo cho đơn vị
được chuyển giao tin báo: chuyển tin báo trên phần mềm quản lý, đồng thời sử dụng đường dây nóng thông báo
đến đường dây nóng của đơn vị được chuyển giao tin báo biết, nếu đơn vị được
chuyển giao tin báo không có đường dây nóng thì thông báo cho thủ trưởng đơn vị
đó biết.
b) Đối với tin báo liên quan đến thủ
tục hải quan:
b.1) Trong thời
hạn không quá 01 giờ kể từ khi nhận được tin báo liên quan đến thủ tục hải
quan:
b.1.1) Hoàn
thành việc ghi tin báo trên phần mềm quản lý;
b.1.2) Đề xuất,
kiến nghị bằng văn bản biện pháp xử lý với lãnh đạo đơn vị theo mẫu tại Phụ lục
II ban hành kèm theo Quy chế này;
b.2) Chuyển tin
báo cho công chức được giao xử lý tin báo
của đơn vị hoặc đơn vị được chuyển giao tin báo ngay sau
khi lãnh đạo đơn vị có ý kiến chỉ đạo.
Trường hợp chuyển
tin báo cho đơn vị được chuyển giao tin báo: chuyển tin báo trên phần mềm quản
lý, đồng thời sử dụng đường dây nóng thông báo đến đường dây nóng của đơn vị được
chuyển giao tin báo biết, nếu đơn vị được chuyển giao tin báo không có đường
dây nóng thì thông báo cho thủ trưởng đơn vị đó biết.
c) Trường hợp tin báo phát sinh ngoài
giờ hành chính hoặc ngày nghỉ, lễ:
Báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo
đơn vị bằng đường dây nóng, thực hiện các nội dung quy định
tại điểm a, điểm
b khoản 1 Điều này; riêng quy định đề xuất, kiến nghị bằng văn bản tại điểm a.2, điểm
b.1.2 khoản 1 Điều này thực hiện vào đầu giờ của ngày làm việc tiếp theo hoặc đầu
giờ của ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ, lễ.
2. Lãnh đạo đơn vị được giao quản lý,
sử dụng đường dây nóng có trách nhiệm:
a) Trường
hợp tin báo không rõ ràng, không đủ căn cứ, không có dấu hiệu vi phạm: trong thời hạn không quá 30 phút kể từ khi nhận được
Phiếu đề xuất xử lý tin báo chỉ đạo lưu hồ sơ và ghi không xử lý tin báo trên
phần mềm quản lý;
b) Trường hợp tin báo thuộc thẩm quyền
thì chỉ đạo xử lý theo quy định:
b.1) Đối với tin
báo về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tin báo về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực: chỉ đạo xử lý ngay sau khi công chức tiếp nhận tin
báo xin ý kiến chỉ đạo và ghi kết quả xử lý tin báo trên phần mềm quản lý trong
thời hạn 30 phút kể từ khi có kết quả xử lý tin báo;
b.2) Đối với tin báo liên quan đến thủ
tục hải quan: trong thời hạn không quá 04 giờ làm việc kể từ khi nhận được Phiếu
đề xuất xử lý tin báo hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo xử lý tin báo bằng đường
dây nóng của công chức tiếp nhận tin
báo, chỉ đạo xử lý xong và ghi kết quả xử lý tin báo trên phần mềm quản lý;
b.3) Trường hợp vụ việc nhạy cảm, phức
tạp liên quan đến nhiều đơn vị hoặc vượt thẩm quyền: báo cáo xin ý kiến chỉ đạo
của lãnh đạo cấp trên theo quy định.
c) Trường hợp tin báo không thuộc thẩm
quyền xử lý của đơn vị:
c.1) Đối với tin
báo về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tin báo về hành vi nhũng nhiễu,
tiêu cực:
Ngay sau khi công chức tiếp nhận tin
báo xin ý kiến chỉ đạo: chỉ đạo công chức tiếp nhận tin báo chuyển tin báo trên
phần mềm quản lý cho đơn vị được chuyển giao tin báo, đồng thời sử dụng đường
dây nóng thông báo đến đường dây nóng của đơn vị được chuyển giao tin báo biết,
nếu đơn vị được chuyển giao tin báo không có đường dây nóng thì thông báo cho
thủ trưởng đơn vị đó biết.
c.2) Đối với tin báo liên quan đến thủ
tục hải quan:
Trong thời hạn không quá 30 phút kể từ
khi nhận được Phiếu đề xuất xử lý tin báo chỉ đạo công chức
tiếp nhận tin báo: chuyển tin báo trên phần mềm quản lý, đồng thời sử dụng đường dây nóng thông báo đến đường dây
nóng của đơn vị được chuyển giao tin báo biết, nếu đơn vị được chuyển giao tin
báo không có đường dây nóng thì sử dụng đường dây nóng thông báo cho thủ trưởng
đơn vị đó biết.
c.3) Đối với tin báo liên quan đến
nhiều Cục Hải quan địa phương hoặc không xác định được đơn vị có thẩm quyền xử
lý: căn cứ nội dung tin báo, chuyển tin báo trên phần mềm quản lý cho đơn vị
thuộc Tổng cục có đường dây nóng, đồng thời sử dụng đường dây nóng thông báo đến
đường dây nóng của đơn vị đó.
3. Thủ trưởng đơn vị được chuyển giao
tin báo có trách nhiệm:
a) Đối với tin báo thuộc thẩm quyền:
chỉ đạo xử lý theo quy định tại điểm b khoản
2 Điều này ngay sau khi nhận được tin báo.
b) Đối với tin báo không thuộc thẩm
quyền xử lý: trong thời gian không quá 15 phút kể từ khi
nhận được tin báo, chỉ đạo chuyển lại tin báo trên phần mềm
quản lý cho đơn vị đã chuyển tin báo và thông báo đến đường dây nóng của đơn vị
đó biết.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm
của các đơn vị
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc Tổng cục:
a) Chịu trách nhiệm trước Tổng cục
trưởng và pháp luật về việc tổ chức quản lý, sử dụng đường dây nóng và việc tiếp
nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng do đơn vị quản lý;
b) Chỉ đạo công chức được giao quản
lý, sử dụng đường dây nóng của đơn vị trực và tiếp nhận các cuộc gọi báo tin của
tổ chức, cá nhân được chuyển từ đường dây nóng tổng đài của Tổng cục 19009299;
c) Chỉ đạo xử lý tin báo theo chức
năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao và Quy chế này.
2. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh,
liên tỉnh, thành phố ngoài việc thực hiện
nội dung quy định tại khoản 1 Điều này còn có trách nhiệm: Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đường dây nóng và việc tiếp nhận, xử lý
tin báo qua đường dây nóng của các Chi cục và tương đương trực thuộc Cục được
giao quản lý, sử dụng đường dây nóng.
3. Văn phòng Tổng cục ngoài việc thực hiện nội dung quy định tại khoản 1 Điều
này có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục việc quản lý, sử dụng đường dây nóng;
việc tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng của các đơn vị trong toàn
ngành Hải quan;
b) Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong
việc quản lý, sử dụng đường dây nóng; việc
tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng;
c) Định kỳ 10 ngày tổng hợp, báo cáo
Lãnh đạo Tổng cục kết quả tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng của các
đơn vị trong toàn ngành Hải quan.
Điều 8. Điều khoản
thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc Tổng cục có trách nhiệm triển khai,
tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Kết quả thực hiện Quy chế này là một
trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh
hiệu thi đua hàng năm của đơn vị và công chức, viên chức.
3. Các đơn vị và công chức, viên chức
thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm các quy định của Quy chế này, tùy theo mức
độ sẽ bị xử lý theo quy định.
4. Trong quá trình triển khai nếu có
vướng mắc kịp thời báo cáo Tổng cục (qua Văn phòng Tổng cục) để sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp./.
Tên
đơn vị cấp trên
Tên đơn vị được giao quản lý, sử
dụng đường dây nóng
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Phụ lục II
PHIẾU ĐỀ XUẤT XỬ LÝ TIN BÁO
(kèm
theo Quyết định số 3899/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2016)
1. Thông tin về cán bộ tiếp nhận
tin báo:
- Họ và tên: …………………………………………………………………………………………
- Chức vụ:
…………………………………………………………………………………………
- Số điện thoại đường dây nóng được giao quản lý, sử dụng: ……………………………..
2. Nội dung tin báo qua đường dây nóng:
- Thời gian tiếp nhận:
………………………………………………………………………..
- Thông tin tổ chức, cá nhân cung cấp
tin: (ghi rõ họ tên, số điện thoại, địa
chỉ,… của tổ chức,
cá nhân cung cấp tin nếu có): ………………………………………..
- Nội dung tin báo (tóm tắt nội
dung vụ việc): ………………………………..
3. Ý kiến
đề xuất:
- Phân tích, đánh giá nguồn tin (kèm theo các tài liệu liên quan):
……………….
- Căn cứ, đề xuất:
……………………………………………………………………………….
Ý KIẾN CỦA LÃNH
ĐẠO ĐƠN VỊ
QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Họ và tên
|
CÁN BỘ ĐỀ XUẤT
Họ và tên
|