ĐỀ ÁN
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN
2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2006/QĐ - UBND ngày 15/6/2006 của UBND tỉnh
Bạc Liêu)
I. TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CÁC NĂM QUA.
1. Kết quả đạt được:
Xác định rõ xuất khẩu lao động là
chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập, góp phần giải quyết
việc làm, nâng cao trình độ tay nghề, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm
cho lao động có nhu cầu, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người lao động và cho
địa phương. Ngay từ năm 2002, UBND tỉnh đã chủ trương cho Sở Lao động - TBXH hợp
tác với các Công ty được phép xuất khẩu lao động tại TP. Hồ Chí Minh để thực hiện
việc đưa lao động thiếu việc làm của địa phương sang Malaysia và Đài Loan làm
việc có thời hạn. Đến ngày 21/11/2002, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xuất
khẩu lao động gồm 21 thành viên, trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm
Trưởng Ban chỉ đạo công tác này.
Sau 3 năm thực hiện công tác xuất
khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu: tính từ đầu năm 2003 đến cuối năm
2005 đã có 3.192 lao động đăng ký học ngoại ngữ - Giáo dục định hướng (trong đó
có 936 nữ), có 1.203 lao động đã làm xong hộ chiếu (325 nữ) thì có 768 lao động
(169 nữ) đã làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có 717 lao động làm việc
Malaysia, 34 lao động làm việc tại Đài Loan và 17 lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho lao động gặp khó khăn về vốn, tỉnh đã xuất ngân
sách hỗ trợ 324,2 triệu đồng cho 619 đối tượng, trong đó diện chính sách 192
người và các đối tượng khác 427 người; Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 683
lao động vay với số tiền 12,765 tỷ đồng. Dư nợ hiện nay là 11,466 tỷ với 675
lao động, trong đó vốn TW là 7,282 tỷ, vốn địa phương là 4,184 tỷ, nợ quá hạn
theo phân kỳ 1,33 tỷ với 502 lao động.
Nhìn chung, số lao động của tỉnh
sang nước ngoài làm việc đa số có chỗ ăn, ở, việc làm ổn định, có mức lương
khá, một số lao động đã chuyển tiền về cho gia đình trả nợ vay Ngân hàng CSXH
và giải quyết được cuộc sống khó khăn, thoát được nghèo. Kết quả đạt được nói
trên so với chỉ tiêu kế hoạch còn thấp, nhưng thể hiện sự cố gắng và quyết tâm
của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, các Đoàn
thể trong tỉnh, sự đóng góp tích cực và tạo điều kiện thuận lợi của các Công ty
đối tác về xuất khẩu lao động, đặc biệt là Ngân hàng CSXH, từ đó đã giúp cho
người lao động có việc làm ổn định, từng bước thoát được nghèo và giảm nghèo bền
vững.
2. Nhận xét, đánh giá:
a- Thuận lợi:
- Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh
ủy, UBND tỉnh, đã có chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu cho lao động khi đi làm
việc ở nước ngoài như con thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo, người dân tộc, bộ đội
xuất ngũ được hỗ trợ 800.000 đồng/người, các đối tượng còn lại 400.000 đồng/người.
- Các cấp, các ngành từ tỉnh đến
cơ sở như Mặt trận, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên đã tích cực tham gia,
đã cụ thể hóa nhiệm vụ công tác xuất khẩu lao động; các cơ quan thông tin đại
chúng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động gia đình và người lao động; Sở
Lao động Thương binh & Xã hội là cơ quan thường trực BCĐ xuất khẩu lao động
tỉnh đã tham mưu cho tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác này nhất là
tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; ngành Công an đã tạo
điều kiện thuận lợi cho lao động tham gia xuất khẩu lao động hoàn thành việc cấp
hộ chiếu xuất cảnh; Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho lao động vay vốn,
Trung tâm giới thiệu việc làm đã tích cực làm tốt công tác tư vấn và hướng dẫn
hoàn thành các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ bước đầu
cho đến khi xuất cảnh, với sự đóng góp tích cực của các Công ty XKLĐ, Ngân hàng
CSXH đã cùng các cấp, các ngành, huyện thị và cơ sở trực tiếp tư vấn, hướng
nghiệp, vận dụng các chế độ chính sách có lợi cho người tham gia xuất khẩu lao
động.
- Các huyện, thị và cơ sở thường
xuyên tập trung chỉ đạo công tác xuất khẩu lao động, nhiều huyện thị có chính
sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động như thị xã Bạc Liêu hỗ trợ thêm chi
phí ban đầu 300.000 đồng/người; huyện Đông Hải, Giá Rai hỗ trợ khám sức khỏe
ban đầu miễn phí.
b- Những tồn tại, hạn chế:
- Sự chỉ đạo của các cấp, các
ngành chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác này đặt ra như: Công tác tuyên
truyền vận động chưa làm tốt, một bộ phận gia đình và người lao động vùng sâu,
vùng xa chưa thông hiểu mục đích yêu cầu, điều kiện và quyền lợi khi tham gia
xuất khẩu lao động.
- Đa số lao động của tỉnh Bạc Liêu
có sức khỏe, đạo đức phẩm chất tốt, chịu khó nhưng trình độ văn hóa thấp, còn hạn
chế về ngoại ngữ, chưa được đào tạo tay nghề thích hợp với môi trường công nghiệp,
một số ít chưa chuẩn bị tốt về tâm lý, ý thức tổ chức kỷ luật kém, nhất là ý thức
trong lao động công nghiệp, từ đó đã có một số người tự bỏ hợp đồng ra ngoài
làm việc hoặc trở về nước trước thời hạn là 80 lao động, chiếm tỷ lệ 9,83%.
- Việc thu hồi nợ cho vay xuất khẩu
lao động còn chậm, do có tình trạng một số lao động tuy có thu nhập, nhưng
không trả nợ cho Ngân hàng theo đúng thỏa thuận đã ký mà chuyển thẳng về cho
gia đình, làm ảnh hưởng đến việc tăng cường vốn tái đầu tư cho công tác xuất khẩu
lao động.
- Thời gia qua nhiều lao động ở
nông thôn thuộc diện vừa thoát nghèo và hộ cận nghèo có nhu cầu đăng ký đi lao
động có thời hạn ở nước ngoài, đến khi hoàn thành hồ sơ và chuẩn bị xuất cảnh
sang nước ngoài làm việc nhưng không vay được vốn ở Ngân hàng Chính sách để
đóng chi phí đi, buộc số lao động này bỏ hợp đồng, làm ảnh hưởng đến công tác
xuất khẩu lao động của địa phương cũng như phía đối tác.
- Có một số Công ty xuất khẩu lao
động không thực hiện tốt việc quản lý và theo dõi lao động làm việc ở nước
ngoài, không bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, thực hiện
không đúng hợp đồng lao động đã ký kết như chế độ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ
tiền lương, tiền công và không hoàn trả kịp thời phí dịch vụ cho các lao động
khi họ về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng.
Để thực hiện tốt công tác xuất khẩu
lao động trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 chúng ta cần phải khắc phục
ngay những vướng mắc đã nêu, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thiết thực để thực
hiện có hiệu quả công tác này. Đồng thời xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và
có tính chiến lược nhằm góp phần giải quyết việc làm - xóa đói giảm nghèo của tỉnh,
ngoài ra còn tạo được đội ngũ lao động lành nghề phục vụ cho thời kỳ công nghiệp
hóa - hiện đại hóa của tỉnh sau khi họ về nước.
II. KHẢ NĂNG XUẤT
KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.
1- Khả năng thị trường.
Trong giai đoạn tới, nước ta sẽ mở
rộng thêm thị trường lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Châu Phi, một số
nước có đông Việt kiều sinh sống như: Hoa Kỳ, Tây Âu, Úc và Canada. Ngoài ra,
khuyến khích nhiều lao động đi làm việc tại nước ngoài theo các hợp đồng cá
nhân (diện xuất khẩu lao động tự túc) chủ yếu là với các lao động có tay nghề
cao, nghề truyền thống của Việt Nam mà thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu đang cần.
2- Khả năng cung ứng lao động:
Theo số liệu thống kê, nguồn lao động
ở tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010 có khoảng 650.000 người, đây là lực lượng
lao động trẻ (độ tuổi trung bình từ 15 - 35). Đây là tiềm năng lớn cho xuất khẩu
lao động. Để đảm bảo cho những giải pháp về công tác xuất khẩu lao động, thực
hiện tốt việc nâng cao chất lượng nguồn lao động với những chương trình đào tạo,
huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Dự kiến số lao động có thể
trúng tuyển hàng năm để cung ứng cho các Công ty xuất khẩu lao động mỗi năm từ
700 đến 1.000 lao động.
III. PHƯƠNG HƯỚNG,
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP
1. Phương hướng:
- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh
phong trào xuất khẩu lao động, phối hợp với các ngành, đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc,
Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...) để tổ chức vận động lao động Bạc Liêu đi làm việc
ở nước ngoài với tinh thần vượt khó lập thân, lập nghiệp. Đồng thời làm tốt
công tác phòng, chống các hành vi phạm pháp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
- Tập trung đưa lao động trong độ
tuổi hiện chưa có việc làm đi làm việc có thời hạn ở Malaysia và Đài Loan. Mở rộng
việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước có thu nhập cao (Hàn Quốc,
Nhật Bản, Canada...); đồng thời tăng tỷ trọng lao động có chuyên môn kỹ thuật,
nghiệp vụ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Tập trung chỉ đạo điểm về công
tác xuất khẩu lao động (tại mỗi huyện, thị chọn 2 xã, phường, thị trấn) đi đôi
với triển khai thực hiện đại trà trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu:
- Tuyên truyền giáo dục cho nhân dân
thấy được xuất khẩu lao động là một giải pháp kinh tế - xã hội quan trọng, góp
phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao tay nghề cho người lao
động cũng như hình thành tác phong công nghiệp, từng bước xây dựng đội ngũ lao
động có tay nghề cao, đặc biệt là góp phần thu hút nguồn ngoại tệ đáng kể cho địa
phương, từng bước nâng cao đời sống người dân.
- Từ năm 2006 đến năm 2010, mỗi
năm phấn đấu đưa khoảng 700 đến 1.000 lao động của tỉnh Bạc Liêu đi làm việc có
thời hạn ở nước ngoài thông qua các Công ty xuất khẩu lao động được Bộ Lao động
- Thương binh & Xã hội cấp phép. Từng bước nâng dần tỷ lệ lao động có tay
nghề sang làm việc ở nước ngoài.
3. Giải pháp:
3.1. Về mặt nhận thức :
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến
cơ sở coi đây là nhân tố quyết định đối với việc xuất khẩu lao động, việc quản
lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương, việc vận động
tuyên truyền của các tổ chức Đoàn thể các cấp.
3.2. Thông tin tư vấn:
- Tổ chức thông tin về xuất khẩu
lao động định kỳ thàng tháng trên Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình
tỉnh để nhân dân và người lao động trong tỉnh hiểu đúng, đầy đủ và kịp thời yêu
cầu tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách của Đảng và Nhà nước
về xuất khẩu lao động, về thực trạng người lao động Bạc Liêu làm việc ở nước
ngoài và sau khi về nước.
- Mời các Công ty xuất khẩu lao động
đến Bạc Liêu để trực tiếp tuyển chọn lao động giao lưu, tiếp xúc bằng nhiều
hình thức, giữa các Công ty này với người lao động, với các trường đào tạo và với
các cơ quan chức năng có liên quan để tạo sự thông hiểu giữa các bên và xúc tiến
quan hệ xuất khẩu lao động.
- Lựa chọn nhiều điển hình lao động
đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế, thực sự có tích lũy,
trả nợ vay đúng thỏa thuận để tuyên truyền rộng rãi trong dân, bên cạnh đó cũng
nêu điển hình những lao động không chí thú làm ăn, vi phạm hợp đồng bị trả về
nước trước thời hạn.
- Tập huấn cho cán bộ phụ trách xuất
khẩu lao động cấp huyện, xã về qui trình và nội dung thông tin, tư vấn và tiếp
nhận đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, định kỳ hàng tháng chuyển gửi
thông tin về xuất khẩu lao động và tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài cho
các địa phương để tổ chức thông tin ra dân bằng nhiều hình thức như đọc tin
trên đài truyền thanh, thông tin báo tại các cuộc họp tổ dân phố, Hội đoàn thể,
dán tin tại nhà, thông tin khu vực các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh...
3.3. Tạo nguồn lao động đủ
trình độ, tay nghề:
- Hàng năm tổ chức điều tra nhu cầu
tìm việc làm, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, giới
tính, lứa tuổi của người lao động và người lao động có nhu cầu đi làm việc có
thời hạn ở nước ngoài.
- Thường xuyên tổ chức các lớp
giáo dục định hướng và đào tạo nghề ngắn hạn cho những người lao động đã qua sơ
tuyển, bảo đảm chất lượng nguồn lao động theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng
lao động trong nước và các Công ty xuất khẩu lao động theo từng hợp đồng cung ứng
lao động cụ thể.
- Song song với việc mở các lớp
giáo dục định hướng và đào tạo nghề cho người lao động đã qua sơ tuyển theo từng
hợp đồng cung ứng lao động cụ thể cần tăng cường năng lực quản lý và đào tạo
nghề cho các Trung tâm dạy nghề cấp huyện, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để
đào tạo nguồn lao động đủ tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài.
- Mở các lớp ngoại ngữ (Anh, Hoa,
Nhật, Hàn...) và các lớp huấn luyện kỹ năng dự phòng phỏng vấn cho người đăng
ký dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài và học sinh năm cuối ở các trường đào tạo
nghề, trường phổ thông trung học có nguyện vọng dự tuyển xuất khẩu lao động.
3.4. Củng cố và mở rộng thị trường:
- Tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với
các Công ty xuất khẩu lao động có những đơn hàng tốt, tuyển chọn lao động có chất
lượng cao khi tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài với điều kiện dễ dàng
hơn.
- Mở rộng quan hệ đối tác với các
đối tác có chức năng xuất khẩu lao động ở Trung ương và TP. Hồ Chí Minh để mở rộng
thị trường lao động, mở thêm ngành nghề mới và tạo thêm nhiều cơ hội dự tuyển cho
lao động tỉnh Bạc Liêu.
- Thông qua các lao động đã làm việc
ở nước ngoài hết hợp đồng về nước hay Việt kiều để giới thiệu thêm các đầu mối
nhận lao động đến làm việc.
3.5. Khuyến khích xuất khẩu lao
động theo Hợp đồng lao động cá nhân:
- Tổ chức vận động các Việt kiều
quê ở Bạc Liêu tạo lập hay mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh ở nước ngoài và nhận
lao động Việt Nam đến làm việc theo qui định hiện hành của nước sở tại và của
Chính phủ Việt Nam.
- Tạo điều kiện bằng cách đơn giản
hóa và làm nhanh các thủ tục hành chính về lao động, xuất nhập cảnh, tư pháp, Y
tế và Bảo hiểm xã hội để người lao động tỉnh Bạc Liêu đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng lao động cá nhân.
3.6. Nâng cao trách nhiệm của
các ngành và Công ty xuất khẩu lao động:
Ngân hàng chính sách - xã hội cho
vay không thế chấp đối với người lao động trúng tuyển thuộc hộ nghèo, hộ chính
sách theo quy định. Đối với lao động trúng tuyển thuộc diện khác, tùy theo tình
hình thị trường lao động nếu chi phí thấp hơn 20 triệu đồng thì Ngân hàng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn có thể giải quyết cho vay không thế chấp (theo
Hướng dẫn số 1163/NHNo - TD, ngày 28/04/2003 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Việt Nam).
- Đối với chi phí ban đầu để dự
tuyển, vận động các đoàn thể ở cơ sở xét trợ vốn cho người lao động từ quỹ
tương trợ của đoàn thể tại cơ sở.
- Đề nghị các Công ty xuất khẩu
lao động thỏa thuận với phía nước ngoài để tổ chức sơ tuyển và tiếp tục tổ chức
các lớp giáo dục định hướng cho lao động trúng tuyển tại Trung tâm giới thiệu
việc làm tỉnh.
- Cơ quan Công an và Tư pháp làm hộ
chiếu và lý lịch tư pháp đúng hạn qui định cho người lao động được trúng tuyển
đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời phối hợp với Trung tâm giới thiệu
việc làm tỉnh để tạo điều kiện dễ dàng cho người lao động về hướng dẫn kê khai
hồ sơ, hộ chiếu và lý lịch tư pháp.
- Đơn vị xuất khẩu lao động chịu
trách nhiệm đào tạo định hướng và đào tạo nghề cho người lao động theo yêu cầu
của bên sử dụng lao động, chịu trách nhiệm đàm phán với bên sử dụng lao động để
bảo vệ quyền lợi của người lao động và giải quyết mọi tranh chấp trong thời
gian thực hiện hợp đồng lao động trên nguyên tắc chấp hành nghiêm chỉnh luật
pháp nước sở tại, luật pháp Việt Nam; mọi tranh chấp về quyền lợi giữa người
lao động với đơn vị sử dụng lao động và đơn vị xuất khẩu lao động phải được giải
quyết thỏa đáng.
- Khi người lao động bị đơn phương
chấm dứt hợp đồng lao động không phải do lỗi của người lao động (không vi phạm
hợp đồng), thì đơn vị xuất khẩu lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi
thiệt hại về vật chất, tinh thần do việc chấm dứt hợp đồng cho người lao động.
- Khi đàm phán ký kết hợp đồng
cung ứng lao động cho các đơn vị xuất khẩu lao động, Trung tâm Giới thiệu việc
làm phải làm rõ nội dung về các điều khoản liên quan đến an toàn vệ sinh lao động,
điều kiện làm việc, tiền lương, chi phí, các điều kiện ràng buộc trách nhiệm của
đơn vị xuất khẩu lao động đối với người lao động trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi
hợp pháp của người lao động.
3.7. Thành lập Quỹ hỗ trợ xuất
khẩu lao động:
Để tạo thuận lợi cho lao động có
hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài, nhưng không
có khả năng chi trả các khoản chi phí, UBND tỉnh sẽ xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ
xuất khẩu lao động để hỗ trợ cho người lao động học nghề, cho vay vốn xuất khẩu
lao động, hỗ trợ cho người lao động bị rủi ro phải về nước trước thời hạn vì
các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, ốm đau,
tai nạn... hoặc các nguyên nhân khác không phải do lỗi của người lao động.
Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động là một
tổ chức tài chính nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản tại Kho
bạc Nhà nước, hoạt động theo điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.8. Quản lý lao động ở nước
ngoài.
- Các công ty xuất khẩu lao động bố
trí bộ phận quản lý lao động ở nước ngoài thường xuyên nắm tình hình lao động
và định kỳ hàng tháng, quí, cung cấp thông tin về việc làm - đời sống của người
lao động với nơi cung ứng.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội có trách nhiệm phối hợp với các Cty xuất khẩu lao động định kỳ hàng tháng,
quý năm phải nắm rõ thông tin về tình hình việc làm, đời sống của lao động để
thấy những thuận lợi khó khăn và có biện pháp uốn nắn, giải quyết kịp thời nhằm
rút kinh nghiệm cho các đợt tiếp sau.
3.9. Tổng nhu cầu nguồn vốn thực
hiện đề án: 42,882 tỷ, trong đó:
- Nguồn vốn ở Ngân hàng Chính sách
tỉnh: 18,282 tỷ.
- Ngân sách địa phương: 8,8 tỷ.
- Nguồn vốn các Ngân hàng Thương mại
trong tỉnh cho vay là: 15,800 tỷ.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1- Kiện toàn Ban chỉ đạo Xuất khẩu
lao động:
- Củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo
XKLĐ ở các cấp bảo đảm đầy đủ các thành phần tham gia theo quyết định số
1054/QĐ - UB của UBND tỉnh, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức
thực hiện.
- Chỉ đạo cho các ngành chức năng
phối hợp với các Công ty xuất khẩu lao động và địa phương tiếp tục tư vấn, cung
cấp thông tin về công tác xuất khẩu lao động, chuẩn bị các thủ tục cần thiết bổ
sung vốn vay, cấp kinh phí hỗ trợ một phần chi phí ban đầu cho các đối tượng
chuẩn bị sang nước ngoài làm việc và tổ chức tốt việc học giáo dục định hướng
cho lao động.
2. Trách nhiệm của các cấp, các
ngành: Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan
căn cứ vào nhiệm vụ của từng đơn vị có kế hoạch phối hợp với các Đoàn thể tổ chức
triển khai thực hiện Đề án, cụ thể:
2.1. Sở Lao động - Thương binh
& xã hội:
- Chủ trì phối hợp với các cơ
quan, ban ngành cấp tỉnh quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh,
phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện có kết quả các mục tiêu theo kế
hoạch đề ra.
- Xây dựng kế hoạch hàng năm về thực
hiện Đề án bao gồm kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, phân bổ chỉ tiêu cho các huyện,
thị và đề xuất các giải pháp thực hiện. Chỉ đạo cho Trung tâm giới thiệu việc
làm và các cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề, tổ chức tốt các lớp ngoại ngữ
- giáo dục định hướng, hướng dẫn các bước thủ tục cho người lao động phục vụ
cho yêu cầu xuất khẩu lao động.
- Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám
sát và định kỳ 6 tháng, năm có đánh giá hoạt động xuất khẩu lao động trên địa
bàn tỉnh báo cáo Tỉnh ủy - UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
- Tổ chức tham quan, học hỏi các
mô hình làm tốt xuất khẩu lao động của tỉnh bạn và nước ngoài; tổ chức giao lưu
với các cấp huyện và cơ sở, mở rộng thông tin tư vấn về xuất khẩu lao động với
người dân vùng sâu, vùng xa; tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường lao động sang
các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... cho các đối tượng có thể tự lực được. Đây không
chỉ tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả làm giàu
chính đáng bằng con đường xuất khẩu lao động. Thường xuyên tập huấn và bồi dưỡng
nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác xuất khẩu lao động
các cấp trong tỉnh.
- Phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo
tham mưu cho UBND tỉnh về việc qui hoạch đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục
định hướng tạo nguồn phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động.
2.2- Các cơ quan thông tin tuyên
truyền: Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, lợi ích, tầm quan
trọng của công tác xuất khẩu lao động; kịp thời phổ biến những mô hình XKLĐ có
hiệu quả, tuyên truyền về kết quả đạt được trong công tác xuất khẩu lao động.
2.3- Sở Kế hoạch - Đầu tư:
Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối
nguồn vốn của Trung ương và cân đối nguồn chi từ ngân sách của địa phương đầu
tư cho công tác xuất khẩu lao động.
2.4- Sở Tài chính - Kho bạc Nhà nước:
Cân đối nguồn kinh phí đảm bảo đầy
đủ vốn đối ứng của địa phương với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Việt Nam và nguồn
kinh phí hỗ trợ ban đầu cho người lao động theo qui định của UBND tỉnh.
2.5- Ngân hàng Nhà nước:
Tham mưu theo hệ thống Ngành để chỉ
đạo cho hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và các Ngân hàng thương mại có chính
sách ưu đãi cho các đối tượng tham gia xuất khẩu lao động được vay vốn (theo Hướng
dẫn số 1163/NHNo - TD, ngày 28/04/2003 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Việt Nam).
2.6- Ngân hàng Chính sách Xã hội:
Cân đối chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn cho
hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, phối hợp Trung tâm giới thiệu việc
làm, các Công ty XKLĐ, Chính quyền cơ sở tích cực thu hồi nợ để hình thành quỹ
quay vòng vốn cùng với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Việt Nam tiếp tục cho vay
xuất khẩu lao động.
2.7- Công an tỉnh:
Căn cứ vào các văn bản pháp luật
hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực hiện tốt thủ tục xuất
cảnh khi sang nước ngoài làm việc. Ngoài ra, phối hợp với Sở Lao động - TBXH thực
hiện tốt Quy chế liên ngành Công an - Lao động - TBXH số 09/QCLN/CA - LĐTBXH
ngày 17/06/2005 về việc phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật trong
lĩnh vực xuất khẩu lao động.
2.8- Đối với huyện, thị và cơ sở:
- Phải xem đây là một trong những
nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các ngành, các cấp,
thường xuyên tuyên truyền, phát động, tư vấn cho người lao động về mục đích yêu
cầu của công tác xuất khẩu lao động.
- Kịp thời giúp đỡ người lao động
trong việc xác nhận hộ nghèo (căn cứ theo Quyết định số 170/2005 QĐ - TTg ngày
08/07/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn
2006 - 2010) để việc vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội được nhanh chóng kịp
thời.
- Kết hợp với Trung tâm Giới thiệu
việc làm và Ngân hàng Chính sách Xã hội có biện pháp giáo dục, động viên các
lao động đã có visa nhập cảnh sang nước ngoài làm việc nhưng tự bỏ hợp đồng
không đi, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng uy tín với phía đối tác.
Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đối với những trường hợp lao động tự ý bỏ về nước
trước thời hạn mà không trả nợ cho ngân hàng. Kiên quyết xử lý nghiêm những cá
nhân cố tình không trả nợ vay và đưa thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng
đến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động.
2.9- Đối với người lao động:
Trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ
- Giáo dục định hướng, Trung tâm Giới thiệu việc làm cần quán triệt tinh thần
Nghị định 81/2003/NĐ - CP ngày 17/07/2003 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn
thi hành Bộ Luật lao động về lĩnh vực xuất khẩu lao động đến từng đối tượng lao
động, để người lao động họ quán triệt và tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật
nước sở tại. Ngoài ra, phải tôn trọng phong tục tập quán và quan hệ tốt với
nhân dân địa phương nơi mình đến làm việc. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định
của Nhà nước về quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài.
2.10- Đề nghị MTTQ và các tổ chức
Đoàn thể, tổ chức xã hội:
Căn cứ vào các mục tiêu, chính
sách, giải pháp đã nêu trong Đề án tích cực phối hợp và tham gia với Ngành Lao
động - TBXH và các cấp chính quyền trong việc triển khai thực hiện có kết quả Đề
án này.
ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU