BỘ
XÂY DỰNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
52-BXD/GĐTKXD
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1988
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 52 BXD/GĐTKXD NGÀY 6-10-1989 HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC GIÁM SÁT CỦA TÁC GIẢ THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Thực hiện Nghị định số 237/HĐBT
ngày 19-9-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành "Điều lệ lập, thẩm
tra, xét duyệt thiết kế công trình xây dựng" (dưới đây gọi tắt là Điều lệ
thiết kế). Bộ Xây dựng hướng dẫn việc thực hiện công tác giám sát của tác giả
thiết kế (dưới đây viết tắt là: "giám sát tác giả - GSTG") đã được
quy định tại Điều 31 của bản Điều lệ này như sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Việc giám sát tác giả công
trình xây dựng là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức thiết kế lập đồ án thiết
kế công trình đó (mà người đại diện là chủ nhiệm đề án thiết kế công trình) nhằm
mục đích giám sát việc xây dựng đúng đồ án thiết kế đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt để bảo đảm năng lực thiết kế, chất lượng, tiến độ xây dựng và giá
thành công trình xây dựng.
2. Công tác giám sát tác giả được
thực hiện trong suốt cả quá trình xây dựng công trình. Kể từ khi khởi công cho
đến khi chính thức bàn giao toàn bộ công trình.
3. Việc thi công đúng bản vẽ thiết
kế là trách nhiệm của tổ chức nhận thầu xây lắp. Công tác giám sát tác giả của
tổ chức thiết kế không thay thế cho công tác giám sát chất lượng thi công của của
tổ chức nhận thầu xây lắp và chủ đầu tư. Mọi hậu quả xấu về chất lượng, tiến độ,
giá thành công trình đó, việc thi công không đúng đồ án thiết kế hoặc thiết kế
kỹ thuật thi công gây ra thì tổ chức nhận thầu xây dựng hoàn toàn chịu trách
nhiệm.
4. Đối với công trình do nước
ngoài thiết kế thì công tác giám sát tác giả do tổ chức thiết kế nước ngoài thực
hiện trên cơ sở hợp đồng ký với phía Việt Nam (cơ quan ngoại thương hoặc cơ
quan chủ quản đầu tư). Trong trường hợp tổ chức thiết kế của phía Việt Nam có
tham gia đảm nhiệm thiết kế một số hạng mục công trình thì tổ chức thiết kế của
phía Việt Nam phải đảm nhiệm việc thực hiện công tác giám sát tác giả những hạng
mục công trình do mình thiết kế theo Thông tư hướng dẫn.
II. NỘI DUNG
CÔNG TÁC GIÁM SÁT TÁC GIẢ
1. Giám sát sự phù hợp của việc
thi công công trình với các giải pháp kỹ thuật, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật
được duyệt trong thiết kế, kỹ thuật và kết cấu công trình được thể hiện trong bản
vẽ thi công.
2. Giám sát sự phù hợp của việc
thi công công trình với các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức
kinh tế kỹ thuật hiện hành và với các chỉ dẫn trong bản vẽ thi công.
3. Giám sát chất lượng thi công
các công tác xây lắp, đặc biệt chú trọng các phần công trình quan trọng có ảnh
hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng và giá thành của toàn bộ công trình, các
phần công trình có kết cầu phức tạp, việc lắp đặt các thiết bị công nghệ chủ yếu,
các phần công trình bị lắp kín, các phần trang trí mỹ thuật nội ngoại thất và
công tác hoàn thiện công trình.
4. Xử lý sửa đổi, bổ sung bản vẽ
thi công và dự toán trong phạm vi quyền hạn của tổ chức thiết kế cho phù hợp với
tình hình và điều kiện cụ thể tại hiện trường và phải giải quyết kịp thời các vấn
đề phát sinh trong quá trình thi công có liên quan đến công tác thiết kế công
trình khi các tổ chức nhận thầu yêu cầu nhằm tiết kiệm vật tư, đẩy mạnh tiến độ,
nâng cao độ bền vững của công trình.
5. Trình bày, giải thích những vấn
đề thuộc nội dung, đề án thiết kế theo yêu cầu của tổ chức thi công xây lắp và
chủ đầu tư.
III. TỔ CHỨC
VÀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT TÁC GIẢ Ở HIỆN TRƯỜNG
1. Tổ chức thiết kế phải có
trách nhiệm tổ chức giám sát tác giả ở hiện trường để thực hiện các nội dụng
nêu ở phần II trên đây sau khi đề án thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ giám sát tác giả có thể thành
lập cho một công trình hoặc một số công trình gần nhau. Số lượng cán bộ và
trình độ chức danh chuyên môn được bố trí phù hợp với yêu cầu công tác giám sát
ở hiện trường mà tổ chức đảm nhận. Tổ giám sát do một tổ trưởng phụ trách và chịu
sự chỉ đạo chuyên môn trực tiếp của chủ nhiệm đề án thiết kế, tổ giám sát tác
giả và chủ nhiệm đề án thiết kế chịu trách nhiệm trước tổ chức thiết kế và công
việc của mình. Việc thành lập tổ giám sát tác giả phải có quyết định bằng văn bản
của thủ trưởng tổ chức thiết kế, trong đó có quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của
tổ và của chủ nhiệm đề án thiết kế kèm theo danh sách chức danh chuyên môn từng
người và phải gửi cho cơ quan chủ đầu tư và tổ chức nhận thầu xây lắp thiết kế
để cộng tác thực hiện.
2. Tổ giám sát tác giả và chủ
nhiệm đề án thiết kế phải thường xuyên hoặc định kỳ có mặt ở công trình trong
suốt quá trình thi công để kịp giải quyết, xử lý những vấn đề có liên quan đến
đề án thiết kế, chủ nhiệm đề án thiết kế trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổ chức
thiết kế về việc giám sát thiết kế tổng hợp toàn bộ công trình, kiểm tra công
việc của tổ giám sát tác giả và giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm,
quyền hạn của mình. Định kỳ giám sát của tổ giám sát tác giả và của chủ nhiệm đề
án thiết kế do tổ chức thiết kế quy định trong văn bản quyết định thành lập tổ
giám sát tác giả hiện trường cho từng công trình cụ thể. Ngoài ra trong trường
hợp cần thiết chủ đầu tư có thể yêu cầu tổ chức thêm các đợt giám sát tác giả bổ
sung trên cơ sở thoả thuận giữa chủ đầu tư và tổ chức thiết kế.
Trong những trường hợp đặc biệt,
tổ chức thiết kế có thể mời các chuyên gia hoặc các tổ chức chuyên ngành ngoài
tổ chức thiết kế của mình để thực hiện công tác giám sát tác giả cho từng phần
thiết kế từng dạng công việc chuyên ngành.
3. Trong quá trình thi công, khi
có những đề xuất về việc sửa chữa thiết kế nhỏ (sửa đổi kết cấu của cấu kiện,
thay thế vật liệu xây dựng, chuyển dịch vị trí, cao độ...) mà không ảnh hưởng đến
kết cấu tổng thể, chất lượng hoặc thông số kỹ thuật của công trình và thuộc phạm
vi trách nhiệm quyền hạn giải quyết của mình thì tổ chức giám sát tác giả cần
nghiên cứu, tính toán kiểm tra để quyết định việc chấp thuận sửa đổi. Việc chấp
nhận sửa đổi thiết kế phải thực hiện bằng văn bản và có chữ ký của tổ trưởng tổ
giám sát tác giả trên bản vẽ thi công đã được sửa chữa. Trường hợp sửa chữa
toàn bộ bản vẽ thi công mà cần vẽ lại bản vẽ khác để thay thế bản vẽ cũ thì phải
có đầy đủ chữ ký và đóng dấu như bản vẽ thi công chính.
Khi có những thay đổi thiết kế lớn
làm thay đổi kết cấu tổng thể, chất lượng hoặc thông số kỹ thuật công trình thì
tổ chức thiết kế phải thông báo cho chủ đầu tư biết để chủ đầu tư trình cấp xét
duyệt thiết kế và cấp thoả thuật thiết kế quyết định, Trường hợp những thay đổi
đó không phù hợp với luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt thì phải được cấp
xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật quyết định.
4. Các nhận xét, chỉ dẫn, thoả
thuận, kiến nghị của tổ giám sát tác giả về tài liệu thiết kế đều phải ghi vào
sổ "Nhật ký giám sát tác giả" đặc biệt phải ghi rõ những điều mà tổ
chức thầu xây lắp làm trái với tài liệu thiết kế và vi phạm các tiêu chuẩn, quy
phạm kỹ thuật xây dựng.
Sổ nhật ký giám sát tác giả do tổ
chức thiết kế lập hai quyển như nhau cho từng công trình, có đánh số trang, có
chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu của cả tổ chức thiết kế và do tổ giám sát tác giả
quản lý để thực hiện từ khi khởi công xây dựng cho đến khi nghiệm thu bàn giao
xong công trình. Các ý kiến của tổ giám sát tác giả, tổ chức nhận thầu xây lắp,
chủ đầu tư ghi trong sổ nhật ký giám sát tác giả, phải rõ ràng, có chữ ký, họ
tên, chức vụ của người ghi ý kiến và phải ghi vào cả 2 quyển như nhau. Khi bàn
giao xong công trình, sổ nhật ký giám sát tác giả được lưu tại tổ chức thiết kế
1 quyển và chuyển cho chủ đầu tư 1 quyển để lưu trữ cùng với hồ sơ thiết kế và
thi công công trình đó.
5. Tổ trưởng tổ giám sát tác giả
là thành viên hội đồng nghiệm thu cơ sở của công trình, có quyền hạn và có
trách nhiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng thi công công trình đặc biệt là đối với
những phần công trình bị lấp kín. Khi nghiệm thu các hạng mục công trình lớn hoặc
quan trọng và nghiệm thu toàn bộ công trình thì chủ nhiệm đề án thiết kế là
thành viên hội đồng nghiệm thu của cấp có thẩm quyền cao nhất.
6. Tổ chức nhận thầu xây lắp
phát hiện sự sai sót hoặc không hợp lý trong bản vẽ thiết kế hoặc có đề xuất sửa
đổi thiết kế có lợi (có kèm theo bản vẽ thiêt kế sửa đổi của phía đề xuất lập)
thì tổ giám sát tác giả cần nghiên cứu giải quyết kịp thời. Đối với những vấn đề
không thuộc phạm vi quyền hạn giải quyết của mình thì tổ giám sát tác giả cần
báo cáo ngay với chủ nhiệm đề án thiết kế hoặc thủ trưởng tổ chức thiết kế để
quyết định. Trường hợp tổ chức nhận thầu xây lắp tự ý thay đổi thiết kế mà tổ
giám sát tác giả phát hiện được và đã góp ý kiến ngăn chặn trong sổ nhật ký
nhưng tổ chức nhận thầu xây lắp vẫn cố tình thay đổi thì tổ giám sát tác giả cần
thông báo ngay cho chủ đầu tư và tổ chức thiết kế biết để có biện pháp ngăn chặn.
Trường hợp nghiêm trọng thì chủ đầu tư và tổ chức thiết kế cần báo cáo ngay đến
cấp xét duyệt thiết kế để quyết định việc đình chỉ thi công.
7. Đối với những công trình có
quy mô nhỏ và đơn giản tổ chức thiết kế có thể không thành lập tổ giám sát tác
giả mà có thể cử 1 cán bộ theo dõi để thực hiện chức năng giám sát tác giả của
mình và có thể thay sổ nhật ký giám sát tác giả bằng cách ghi ý kiến nhận xét,
yêu cầu của mình dưới hình thức biên bản hoặc công văn của tổ chức thiết kế.
8. Cơ quan chủ đầu tư và tổ chức
nhận thầu xây lắp có trách nhiệm giúp đỡ và tạo điều kiện vật chất cho tổ giám
sát tác giả ở hiện trường thực hiện tốt công tác giám sát tác giả theo quy định
tại Thông tư này.
IV. KINH PHÍ
SỬA CHỮA THIẾT KẾ VÀ DỰ TOÁN.
Nếu việc thay đổi thiết kế và dự
toán do sai số của tổ chức thiết kế thì kinh phí để sửa chữa hoặc lập lại bản vẽ
và dự toán do tổ chức thiết kế chịu, nếu là đề xuất có lợi của cá nhân hoặc tổ
chức khác thì do phía có đề xuất sử dụng tiền tiết kiệm được trả cho tổ chức
thiết kế, nếu do yêu cầu của cấp xét duyệt thiết kế và được cấp xét duyệt luận
chứng kinh tế kỹ thuật chấp nhận thì được tính bổ sung vào tổng dự toán công
trình.
Điều khoản cuối cùng: Các chủ đầu
tư xây dựng công trình, các tổ chức thiết kế, các tổ chức xây lắp và các tổ chức
khác có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư hướng dẫn công tác
giám sát của tác giả thiết kế công trình xây dựng này kể từ ngày ký ban hành.