BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
329/2000/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 8 năm 2000
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 329/2000/TT-BGTVT NGÀY 31 THÁNG
8 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH 171/1999/NĐ-CP NGÀY
7-12-1999 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ CÔNG TRÌNH
GIAO THÔNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG SÔNG
Ngày 7 tháng 12 năm 1999 Chính
phủ đã ban hành Nghị định số 171/1999/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh
bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông. Thực hiện
Điều 43 của Nghị định Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể một số điểm như
sau:
I- GIỚI HẠN
HÀNH LANG BẢO VỆ LUỒNG CHẠY TÀU THUYỀN TRÊN ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA:
Hành lang bảo vệ luồng chạy tàu
thuyền trên đường thuỷ nội địa là phạm vi hai bên theo chiều rộng của luồng chạy
tàu thuyền được xác định nhằm đảm bảo sự ổn định của luồng và an toàn cho hoạt
động giao thông vận tải cũng như thuận lợi cho việc nâng cấp và quản lý khai
thác luồng.
1. Hành lang bảo vệ luồng được
xác định theo cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa theo quy hoạch đã được cơ quan có
thẩm quyền quyết định (gọi là cấp quy hoạch). Bề rộng hành lang mỗi bên được
quy định đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Luồng chạy tàu thuyền không
sát bờ: Từ mép luồng trở ra mỗi phía là:
- Luồng trên sông, kênh cấp I,
II và hồ, vịnh: 25m
- Luồng trên sông, kênh cấp III,
IV: 15m
- Luồng trên sông, kênh cấp V,
VI: 10m.
b) Luồng chạy tàu thuyền sát bờ
không có đê hoặc đường giao thông trên bờ: Từ mép bờ cao trở vào (phía bờ) : 5m
Mép bờ cao được xác định là đỉnh
của bờ sông, kênh sát với luồng chạy tàu thuyền.
c) Luồng chạy tàu thuyền sát bờ
có đê mà hành lang bảo vệ luồng trùng với phạm vi bảo vệ đê thì tuân theo quy định
của pháp luật hiện hành về bảo vệ đê.
d) Luồng chạy tàu thuyền sát bờ
có đường bộ, đường sắt thì hành lang bảo vệ luồng chạy tàu thuyền tính từ mép bờ
cao trở ra phía sông.
e) Đối với những đoạn luồng sát
bờ trên sông, kênh chưa có quy hoạch, việc xác định bề rộng hành lang bảo vệ cần
căn cứ vào cấp kỹ thuật đang khai thác và tình hình thực tế khu vực cũng như định
hướng nâng cấp giai đoạn tới để thực hiện.
2. Cấp kỹ thuật của các tuyến luồng
được cơ quan có thẩm quyền công bố và quy định dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ
thuật của tuyến luồng (độ sâu, bề rộng, bán kính cong, tĩnh không các công
trình vượt sông) tương ứng theo TCVN 5664 - 92 ban hành theo Quyết định số
347/QĐ ngày 23-5-1992 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
3. Các dự án đầu tư nâng cấp các
tuyến luồng đang trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn
kỹ thuật của quy hoạch thì hành lang vẫn phải xác định theo cấp kỹ thuật của
quy hoạch được duyệt và chủ đầu tư phải lập phương án, xin bổ sung kinh phí cho
việc giải phóng mặt bằng, cắm mốc chỉ giới trên bờ .Các dự án đầu tư, nâng cấp
các tuyến luồng đã được duyệt nhưng chưa có hạng mục giải phóng mặt bằng, cắm mốc
chỉ giới trên bờ theo đúng cấp quy hoạch thì chủ đầu tư phải bổ sung kinh phí
phần việc trên và trình chủ quản đầu tư duyệt trước khi thi công.
4. Việc xác định, cắm mốc chỉ giới
phạm vi hành lang bảo vệ luồng chạy tàu thuyền được thực hiện theo nhiều bước
và ưu tiên ở những khu vực trọng điểm như qua khu đô thị, dân cư sống ven sông
; khu vực cắm đăng đáy cá,nuôi trồng thuỷ sản... trên sông ; những tuyến sông
đã được quy hoạch chuẩn bị đầu tư cải tạo, nâng cấp. Tại các khu vực này,các cơ
quan quản lý đường thuỷ nội địa có trách nhiệm xác định phạm vi bảo vệ luồng và
bố trí báo hiệu chỉ giới hạn mép luồng phục vụ công tác quản lý,bảo vệ,đảm bảo
giao thông.
5. Trường hợp cần thiết phải xây
dựng công trình trong phạm vi bảo vệ luồng chạy tàu thuyền thì phải được cơ
quan có thẩm quyền cho phép theo quy định hiện hành.
Trường hợp công trình đã xây dựng
trước đây nằm trong hành lang bảo vệ luồng gây nguy hiểm cho hoạt động vận tải
và nguy hại cho luồng thì phải kiên quyết dỡ bỏ ngay. Các công trình đã xây dựng
trước ngày 1 tháng 9 năm 1996 (Nghị định 40/CP có hiệu lực) đã được cơ quan có
thẩm quyền cho phép nay phải di chuyển, giải toả sẽ được xem xét đền bù theo luật
định.
Trường hợp các công trình đó
chưa ảnh hưởng nhiều đến luồng và việc di chuyển, dỡ bỏ với chi phí quá lớn thì
tạm thời cho tồn tại nhưng chủ công trình phải có cam kết với Uỷ ban nhân dân địa
phương và cơ quan quản lý đường thuỷ có thẩm quyền về việc không cơi nới phát
triển thêm và di chuyển ngay khi có yêu cầu.
6. Các tuyến luồng đã được cắm mốc
hành lang bảo vệ theo Chỉ thị 236/CT ngày 21-7-1997 nếu hành lang bảo vệ lớn
hơn so với quy định tại Nghị định 171/1999/NĐ-CP và hiện tại không có khiếu kiện,
tranh chấp thì giữ nguyên mốc giới. Nếu bề rộng hành lang bảo vệ theo Chỉ thị
236/CT nhỏ hơn bề rộng hành lang theo Nghị định 171/1999/NĐ-CP thì phải xác định
và cắm mốc lại theo quy định của Nghị định 171/1999/NĐ-CP.
II.TỔ CHỨC THỰC
HIỆN.
1. Cục Đường sông Việt Nam có
trách nhiệm hướng dẫn các địa phương chỉ đạo ,kiểm tra việc xác định và cắm mốc
chỉ giới hành lang bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa và thường trực theo dõi , tổng
hợp tình hình triển khai trên phạm vi cả nước .Nếu có vướng mắc báo cáo Bộ giải
quyết kịp thời;
Chỉ đạo các Đoạn Quản lý đường
sông trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan địa
chính và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Uỷ ban
nhân dân xã, phường, thị trấn để tiến hành đo đạc, cắm mốc, bố trí báo hiệu để
xác định chỉ giới hành lang bảo vệ luồng chạy tàu trên phạm vi được giao quản
lý.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có
trách nhiệm tổ chức bộ máy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc xác định và
cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ các công trình giao thông đường thuỷ nội địa
trên các tuyến do địa phương quản lý
. Uỷ ban nhân dân cấp huyện chủ
trì phối hợp cùng các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa khu vực trong việc chống
lấn chiếm và tổ chức giải toả các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình giao
thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn.
3. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi
công các tuyến luồng theo các dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa có trách nhiệm
quản lý bảo vệ trong thời gian thi công cho đến khi bàn giao cho đơn vị quản lý
khai thác.
Các chủ đầu tư khi bàn giao tuyến
luồng đã hoàn công cho đơn vị quản lý phải bàn giao đầy đủ hồ sơ giải phóng mặt
bằng, mốc chỉ giới.
4. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng
các công trình của các địa phương, các ngành có ảnh hưởng đến công trình giao
thông đường thuỷ nội địa đều phải được cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm
quyền đồng ý và có ý kiến bằng văn bản theo Điều 23 Nghị định 171/1999/NĐ-CP.
5.Các mốc chỉ giới sẽ được bàn
giao cho chính quyền địa phương (kèm theo sơ đồ) làm cơ sở cho công tác quản
lý, bảo vệ hành lang. Quy cách mốc chỉ giới và cự ly giữa các mốc chỉ giới theo
phụ lục kèm theo Thông tư này.
Để triển khai tốt công tác bảo vệ
công trình giao thông đường thuỷ nội địa, Cục Đường sông Việt Nam, các Sở Giao
thông vận tải, Giao thông công chính, các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa cần
phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành liên quan trong
phạm vi trách nhiệm của mình thực hiện tốt Nghị định 171/1999/NĐ-CP của Chính
phủ.
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày ký.
Phụ lục kèm theo Thông tư số 329/TT-BGTVT ngày 31/8/2000
Kết cấu mốc chỉ giới
(Tỷ
lệ 1/100)
1. Quy cách mốc chỉ giới:
- Cột mốc chỉ giới có hình dáng,
kích thước, kết cấu như hình vẽ; được làm bằng bê tông cốt thép mác 200.
- Trên mốc đề chữ hai mặt:
"Chỉ giới ĐTNĐ số.....".
- Chữ "Chỉ giới" cao 6
cm, nét chữ rộng 0,6 cm.
- Chữ "ĐTNĐ" cao 10
cm, nét chữ rộng 1,0 cm.
- "Số...." cao 6 cm,
nét rộng 0,6 cm.
- Mốc được chôn sâu 50 cm, được
đầm chặt.
2. Cự ly các mốc:
- Khu vực đô thị, dân cư tập
chung: 100-200 m/mốc.
- Khu vực khác: 500-1000 m/mốc.
3. Lưu ý:
- Cột mốc phải đặt ở vị trí an
toàn, ổn định, dễ thấy.
- Mỗi vị trí cột mốc phải được
thể hiện trên bình đồ khu vực.