BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
10/2010/TT-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày
13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, bảo trì đường bộ như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Thông tư này quy định nội dung
công tác quản lý, bảo trì đường bộ; áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức về quản
lý, bảo trì đường bộ và trách nhiệm về quản lý, bảo trì đường bộ.
2. Thông tư này không áp dụng đối với
đường cao tốc.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Cơ quan quản lý đường bộ là
cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận
tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn.
2. Công trình đường bộ gồm
đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ
đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường,
kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công
trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
3. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao
gồm các loại đường dây, đường ống, tuynen và hào kỹ thuật đặt cọc, ngang qua đường.
4. Quy trình bảo trì công trình
đường bộ là tài liệu quy định về nội dung, phương pháp, trình tự để thực hiện
bảo trì công trình đường bộ. Quy trình bảo trì công trình đường bộ bao gồm quy
trình bảo trì các bộ phận, kết cấu công trình và quy trình bảo trì thiết bị lắp
đặt, vận hành thiết bị.
5. Bảo dưỡng thường xuyên là
các thao tác kỹ thuật được tiến hành thường xuyên nhằm phòng ngừa và khắc phục
kịp thời những hư hỏng nhỏ của các bộ phận công trình và thiết bị.
Bảo dưỡng thường xuyên để hạn chế tối
đa sự phát triển từ hư hỏng nhỏ trở thành hư hỏng lớn. Các công việc này được
thực hiện thường xuyên liên tục hàng ngày, trong suốt cả năm trên toàn bộ tuyến
đường, để đảm bảo giao thông vận tải đường bộ được an toàn, thông suốt và êm
thuận.
6. Bảo trì công trình là tập
hợp các hoạt động nhằm duy trì hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn sử dụng
công trình.
Công tác bảo trì đường bộ bao gồm
công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
Công tác sửa chữa định kỳ bao gồm
công tác sửa chữa vừa và công tác sửa chữa lớn.
7. Sửa chữa vừa là sửa chữa
những hư hỏng, khắc phục những biểu hiện xuống cấp của bộ phận, kết cấu công
trình có thể ảnh hưởng đến chất lượng khai thác đường bộ và gây mất an toàn
khai thác.
8. Sửa chữa lớn là công việc
sửa chữa tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm
khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.
9. Sửa chữa đột suất là công
việc sửa chữa công trình đường bộ chịu các tác động đột xuất như gió bão, lũ lụt,
động đất, va đập, cháy hoặc những tác động đột xuất khác đã dẫn tới những hư hỏng,
xuống cấp cần được sửa chữa kịp thời để đảm bảo giao thông liên tục.
Điều 4. Yêu cầu
công tác quản lý và bảo trì đường bộ
1. Đường bộ sau khi hoàn thành đầu
tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa phải được nghiệm
thu, bàn giao, tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý, bảo trì
được tính từ ngày chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác ký biên bản nghiệm thu bàn
giao đưa công trình vào khai thác.
2. Công tác quản lý, bảo trì đường
bộ thực hiện theo quy định của quy trình bảo trì, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức
quản lý, bảo trì được cơ quan có thẩm quyền công bố.
3. Quy trình bảo trì đường bộ
a) Đối với những dự án đường bộ xây
dựng mới, nâng cấp, cải tạo áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; dự án có chuyển
giao công nghệ mới, đường bộ từ cấp II trở lên thì việc lập quy trình bảo trì
do nhà thầu thiết kế hoặc nhà thầu cung cấp thiết bị kỹ thuật lập, bàn giao cho
cơ quan quản lý đường bộ hoặc tổ chức, cá nhân bảo trì, khai thác đường bộ cùng
với hồ sơ hoàn công. Chi phí cho việc lập quy trình bảo trì được tính vào tổng
mức đầu tư của dự án.
Đối với dự án có chuyển giao công
nghệ về quản lý khai thác, phải hoàn thành tổ chức đào tạo trước khi bàn giao dự
án.
Các dự án có thiết bị, nhà cung cấp
thiết bị phải bàn giao quy trình công nghệ vận hành, bảo quản, quy định an toàn
lao động và phòng ngừa cháy nổ.
b) Đối với các công trình đường bộ
không thuộc điểm a, khoản 3 của Điều này các tổ chức, cá nhân thực hiện công
tác quản lý, bảo trì đường bộ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện
hành.
c) Đối với công trình đầu tư theo
hình thức: BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), BTO (Xây dựng – Chuyển
giao - Kinh doanh), BT (Xây dựng - Chuyển giao); Nhà đầu tư phải căn cứ quy mô
công trình nêu tại điểm a khoản 3 của Điều này để lập quy trình bảo trì, gửi tới
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án BOT, BTO, BT.
4. Nhà thầu thực hiện công tác bảo
trì đường bộ phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về an toàn, vệ sinh và môi trường
theo quy định sau:
a) Khi thực hiện công tác bảo trì
phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp phép thi công, chấp thuận
phương án đảm bảo giao thông. Nhà thầu phải có biện pháp, tiến độ, bố trí thời
gian và tổ chức thi công hợp lý, đủ biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông,
phân luồng, phân làn và có người gác hướng dẫn giao thông đảm bảo cho người,
phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn, thông suốt;
b) Trong thời gian thi công thực hiện
các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
5. Công tác bảo trì sau khi nghiệm
thu, bàn giao cho chủ quản lý khai thác (cơ quan quản lý đường bộ) phải được bảo
hành trong thời gian 12 tháng (mười hai tháng) đối với sửa chữa định kỳ hoặc bước
2 quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 6 của Thông tư này. Đối với công tác bảo
dưỡng thường xuyên, phải đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn đúng tiêu chuẩn kỹ
thuật.
Chương 2.
QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ
Điều 5. Nội
dung công tác quản lý đường bộ
1. Lưu trữ và quản lý khai thác hồ sơ
hoàn công công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ,
sửa chữa đột xuất.
2. Lập hồ sơ quản lý công trình đường
bộ
a) Đối với cầu đường bộ: Gồm các
tài liệu trích từ hồ sơ hoàn công như trạng thái không của cầu, hồ sơ hệ mốc cao
độ, bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang cầu, mặt cắt địa chất, hồ sơ đền bù giải
phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hành lang an toàn cầu, hồ sơ kiểm định, hồ
sơ cấp phép thi công; lập sổ lý lịch cầu, cập nhật kết quả các đợt kiểm tra, kiểm
định, các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất; sổ tuần tra, kiểm tra cầu;
b) Đối với đường bộ: Gồm các tài liệu
trích từ hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, mặt cắt địa
chất, hệ thống thoát nước, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới,
hồ sơ cấp phép thi công; lập bình đồ duỗi thẳng và cập nhật các biến động về tổ
chức giao thông, sử dụng đất dành cho đường bộ; số tuần đường; cập nhật số liệu
về đếm xe (lưu lượng, tải trọng xe); cập nhật kết quả các đợt kiểm tra, các dự
án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất;
c) Đối với bến phà đường bộ: Gồm
các tài liệu trích từ hồ sơ hoàn công như bình đồ, kể cả bình đồ bố trí phao
tiêu, đèn tín hiệu hướng dẫn giao thông đường thủy khu vực bến phà, tổ chức
giao thông, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang bến, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ
sơ mốc lộ giới, hành lang an toàn bến phà, hồ sơ cấp phép thi công; cập nhật
các thay đổi về luồng, về lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông; các
thay đổi về tổ chức giao thông, kết quả kiểm tra và dự án sửa chữa định kỳ, đột
xuất;
d) Đối với hầm đường bộ: Lập hồ sơ
quản lý như quy định đối với đường bộ, ngoài ra còn phải theo dõi cập nhật tình
trạng quạt thông gió, hầm thông gió, các sự cố về cháy nổ, về hoạt động của hầm
hút bụi tĩnh điện; hệ thống chiếu sáng, hệ thống bơm nước, hệ thống thoát nước,
hệ thống xử lý nước thải hệ thống PCCC và các thiết bị phụ trợ khác;
đ) Công trình kè, cống và các công
trình nhân tạo tương tự, ngoài việc quản lý bảo dưỡng thường xuyên, phải lập kế
hoạch kiểm tra, theo dõi riêng.
3. Lập hồ sơ quản lý hành lang an
toàn đường bộ
a) Hồ sơ quản lý hành lang an toàn
đường bộ bao gồm tình trạng sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ, các công
trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ, an toàn giao thông; vi phạm, thời điểm vi
phạm và quá trình xử lý vi phạm;
b) Hồ sơ đấu nối đường nhánh phải lập
riêng để theo dõi và cập nhật bổ sung các vi phạm liên quan đến đấu nối đường
nhánh để làm việc với các cấp có thẩm quyền và chính quyền địa phương nhằm đảm
bảo an toàn giao thông đường bộ;
c) Lập hồ sơ quản lý hệ thống hạ tầng
kỹ thuật bao gồm hồ sơ hoàn công các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong hành
lang an toàn đường bộ, giấy phép thi công và các văn bản liên quan khác.
4. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ
công trình đường bộ; phối hợp với công an, Ủy ban nhân dân các cấp quản lý, bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
5. Theo dõi tình hình hư hại công
trình đường bộ; tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời hư
hỏng và các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tiến hành xử
lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp xử lý theo quy định.
6. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật định
kỳ tháng, quý, năm; kiểm tra đột xuất sau mỗi đợt lụt, bão hoặc các tác động bất
thường khác.
7. Thực hiện đếm xe, phân tích số
liệu và đánh giá sự tăng trưởng của lưu lượng, kiểu loại phương tiện cơ giới đường
bộ.
8. Thực hiện quản lý tải trọng, khổ
giới hạn xe; tổ chức cấp giấy lưu hành cho xe bánh xích, xe quá khổ giới hạn,
quá tải trọng công trình đường bộ; kiểm tra tải trọng xe ở các trạm kiểm tra tải
trọng xe cố định hoặc tạm thời và xử lý theo quy định, phân tích đánh giá tác động
do hoạt động của xe quá khổ, quá tải đến sự bền vững công trình đường bộ.
9. Lập biểu mẫu theo dõi số vụ tai
nạn, xác định nguyên nhân ban đầu từng vụ tai nạn, thiệt hại do tai nạn. Phối hợp
với cơ quan công an, chính quyền địa phương để giải quyết tai nạn giao thông
theo thẩm quyền.
10. Phân làn, phân luồng, tổ chức
giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ cho phù
hợp; lập hồ sơ điểm đen, xử lý và theo dõi kết quả các điểm đen đã được xử lý.
11. Trực đảm bảo giao thông; theo
dõi tình hình thời tiết, ngập lụt, các sự cố công trình, xử lý và báo cáo theo
quy định;
12. Báo cáo định kỳ, đột xuất theo
quy định.
Điều 6. Nội
dung bảo trì đường bộ
1. Công tác bảo trì đường bộ bao gồm:
Bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
2. Bảo dưỡng thường xuyên là công
việc hàng ngày hoặc theo định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng hoặc hàng quý, nhằm
theo dõi tình trạng đường bộ, đưa ra giải pháp ngăn chặn hư hỏng, sửa chữa kịp
thời những hư hỏng nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng đường bộ, duy trì tình trạng
làm việc bình thường của đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
3. Công tác sửa chữa định kỳ là công
tác sửa chữa hư hỏng đường bộ theo thời hạn quy định, kết hợp khắc phục một số
khuyết tật của đường bộ xuất hiện trong quá trình khai thác, nhằm khôi phục
tình trạng kỹ thuật ban đầu và cải thiện điều kiện khai thác của đường bộ (nếu
cần thiết).
Công tác sửa chữa định kỳ bao gồm sửa
chữa vừa và sửa chữa lớn; giữa hai kỳ sửa chữa lớn có ít nhất một lần sửa chữa
vừa.
a) Đối với đường bộ
Thời hạn sửa chữa vừa và sửa chữa lớn
đường bộ được quy định theo loại kết cấu mặt đường và lưu lượng xe tính toán
thiết kế mặt đường theo bảng dưới đây.
TT
|
Loại
kết cấu mặt đường
|
Thời
hạn sửa chữa vừa (năm)
|
Thời
hạn sửa chữa lớn (năm)
|
1
|
Bê tông nhựa
|
4
|
12
|
2
|
Bê tông xi măng
|
8
|
24
|
3
|
Đá dăm trộn nhựa, đá dăm đen
|
3
|
9
|
4
|
Thấm nhập nhựa; láng nhựa 2, 3 lớp
|
3
|
6
|
5
|
Đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá
dăm
|
2
|
4
|
6
|
Cấp phối thiên nhiên
|
1
|
3
|
Thời hạn quy định sửa chữa vừa và sửa
chữa lớn đường bộ được điều chỉnh bằng hệ số triết giảm phù hợp với điều kiện về
thời gian sử dụng đường bộ và tăng trưởng lưu lượng phương tiện giao thông cơ
giới đường bộ. Các hệ số này được vận dụng theo quy định tương tự hệ số (Kt),
(Kl) tại các Phụ lục của Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.
b) Đối với cầu đường bộ:
- Cầu tạm: Công tác sửa chữa định kỳ
phải căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ.
- Các cầu khác: Công tác sửa chữa định
kỳ phải căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ, kết quả kiểm định.
c) Đối với hầm đường bộ, bến phà:
Ngoài sửa chữa theo quy trình vận hành khai thác phù hợp với quy định, phải sửa
chữa định kỳ căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ.
4. Công tác sửa chữa đột xuất là sửa
chữa các sự cố hư hỏng đường bộ do thiên tai lụt, bão hoặc các sự cố bất thường
khác gây ra. Đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp phải chủ động lập phương án, khẩn
trương huy động mọi lực lượng về nhân lực, thiết bị, vật tư để tổ chức phân luồng,
khắc phục đảm bảo giao thông và báo cáo nhanh về cơ quan quản lý đường bộ để được
hỗ trợ.
Sửa chữa đột xuất được chia làm hai
bước như sau:
a) Bước 1: Thực hiện sửa chữa khôi
phục đường bộ khẩn cấp, đảm bảo thông xe nhanh nhất và hạn chế thiệt hại công
trình đường bộ. Bước 1 được thực hiện đồng thời vừa xử lý, vừa lập hồ sơ để
hoàn thiện thủ tục làm cơ sở thanh quyết toán.
b) Bước 2: Xử lý tiếp theo Bước 1,
nhằm khôi phục đường bộ theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật như trước khi xảy ra sự
cố hoặc bền vững hóa, kiên cố hóa công trình. Bước 2 được thực hiện theo trình
tự, thủ tục quy định như đối với công trình xây dựng cơ bản.
Điều 7. Áp dụng
tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức công tác quản lý, bảo trì đường bộ
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức
xây dựng, thẩm định và công bố các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở về bảo dưỡng thường
xuyên đường bộ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn,
giám sát, kiểm tra thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức bảo dưỡng
thường xuyên đường bộ trên phạm vi toàn quốc, Theo dõi, đánh giá việc áp dụng
quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ;
chuyển đổi tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về bảo dưỡng
thường xuyên đường bộ (kể cả đường giao thông nông thôn). Xây dựng định mức bảo
dưỡng thường xuyên đường bộ trình cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định.
2. Tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức
sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đường bộ
Áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật và định mức như quy định đối với công trình xây dựng cơ bản.
3. Tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức
bảo dưỡng thường xuyên đường bộ
a) Áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật về bảo dưỡng thường xuyên đường bộ hiện hành
b) Áp dụng theo Định mức bảo dưỡng
thường xuyên đường bộ
c) Các định mức duy tu, bảo dưỡng
thảm cỏ, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, cọc cừ và định mức tương tự khác
không có ở các tập định mức nêu tại điểm b khoản 3 Điều này, áp dụng các định mức
tương ứng của ngành khác hoặc của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền ban
hành.
Điều 8. Trách
nhiệm về quản lý, bảo trì đường bộ
1. Trách nhiệm của các tổ chức và
cá nhân trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ:
a) Tổ chức thực hiện công tác quản
lý, bảo trì công trình đường bộ theo các yêu cầu quy định tại Điều 4 của Thông
tư này;
b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp
thời các hành vi vi phạm công trình đường bộ, sử dụng trái phép đất dành cho đường
bộ;
c) Chịu trách nhiệm về việc chất lượng
công trình đường bộ bị xuống cấp do không thực hiện quy trình bảo trì theo quy
định.
2. Hệ thống quốc lộ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức
thực hiện quản lý, bảo trì; lưu trữ và quản lý khai thác hồ sơ hoàn công công
trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo; tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông
vận tải về công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ định kỳ trước ngày 15
tháng 01 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
3. Hệ thống đường địa phương
a) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị
do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì thông qua cơ
quan chuyên môn là Sở Giao thông vận tải;
b) Hệ thống đường huyện, đường xã
do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về quản lý, bảo trì phù hợp điều kiện
của địa phương; Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quản
lý, bảo trì các hệ thống đường địa phương.
c) Sở Giao thông vận tải có trách
nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác quản lý, bảo trì hệ thống
đường địa phương và đường quốc lộ được ủy thác quản lý về Tổng cục Đường bộ Việt
Nam và Bộ Giao thông vận tải.
4. Hệ thống đường chuyên dùng, đường
không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn
vốn từ ngân sách nhà nước do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì phải tuân thủ
theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia được công bố.
5. Khi cải tạo, nâng cấp đường đang
khai thác, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện
các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
6. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có
trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
các địa phương, các chủ đầu tư về công tác chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo
trì đường bộ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ
yêu cầu về quản lý, cung cấp thông tin, có trách nhiệm xây dựng ngân hàng dữ liệu
đường bộ và quy định các biểu mẫu thống kê, báo cáo công tác quản lý bảo trì đường
bộ.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực
thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành
sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Điều 10. Tổ chức
thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng
cục Đường bộ Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
phát sinh các vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh về Tổng cục
Đường bộ Việt Nam để tổng hợp, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải
quyết.
Nơi nhận:
- Như Điều 10;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Tổng cục Đường bộ VN;
- Các Khu quản lý đường bộ;
- Các Sở Giao thông vận tải;
- Website Chính phủ; Website Bộ GTVT;
- Lưu VT, KCHT (10 bản).
|
BỘ
TRƯỞNG
Hồ Nghĩa Dũng
|