BỘ
CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
03/2010/TT-BCT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI
ĐIỆN CAO ÁP
Căn cứ Nghị định số
189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn
công trình lưới điện cao áp (Nghị định số 106/2005/NĐ-CP); Nghị định số
81/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP (Nghị định số 81/2009/NĐ-CP);
Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực, Nghị định số
106/2005/NĐ-CP , Nghị định số 81/2009/NĐ-CP như sau:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết khoản 2 Điều 51 Luật Điện lực, khoản 3 Điều 3 và
khoản 1, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP; khoản
1, khoản 3, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 81/2009/NĐ-CP.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các
đơn vị điện lực, các hộ dân sống trong và liền kề hành lang an toàn lưới điện
và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Đặt
biển cấm, biển báo
Ngoài việc thực hiện các quy định
chung của pháp luật về biển cấm, biển báo, việc đặt biển cấm và biển báo quy định
tại khoản 1, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP được
thực hiện như sau:
1. Đối với đường dây dẫn điện
trên không, phải đặt biển báo an toàn điện theo TCVN 2572-78 kiểu 2aX bắt cố định
trên cột hoặc dùng khuôn biển kiểu 2K để in biển trực tiếp lên cột ở độ cao
2,0m đến 2,5m so với mặt đất về phía dễ nhìn thấy. Biển báo an toàn điện phải đặt
hoặc in ở tất cả các cột.
2. Đối với đường cáp điện ngầm,
trên mặt đất ở vị trí tim rãnh cáp phải đặt cột mốc hoặc biển báo "CÁP ĐIỆN
LỰC"; cột mốc hoặc biển báo phải được đặt ở những chỗ dễ thấy và có thể
xác định được đường cáp ở mọi vị trí. Tại các vị trí chuyển hướng bắt buộc phải
đặt cột mốc hoặc biển báo; khoảng cách giữa hai cột mốc, biển báo liền kề không
quá 30m.
3. Đối với trạm điện có tường
rào bao quanh, trạm hợp bộ kiểu kín, tủ đóng cắt, phải đặt biển báo an toàn điện
theo TCVN 2572-78 kiểu 1aX bắt trực tiếp lên cửa hoặc cổng ra vào của trạm điện.
4. Đối với trạm điện treo, trên
cột đặt trạm phải đặt biển báo an toàn điện như quy định đối với đường dây trên
không.
Điều 4. Khu
dân cư, nơi công cộng thường xuyên tập trung đông người
Khu dân cư, nơi công cộng thường
xuyên tập trung đông người quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định
số 81/2009/NĐ-CP được quy định như sau:
1. Khu dân cư (bao gồm cả khu
quy hoạch dân cư) là khu vực địa lý hiện có các hộ dân sinh sống hoặc được quy
hoạch để các hộ dân chuyển đến sinh sống, không phân biệt ít hay nhiều hộ dân.
2. Nơi công cộng thường xuyên tập
trung đông người là những khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như chợ,
quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hoá, khu vực trường học, tổ chức hội chợ, triển
lãm, vui chơi giải trí.
Điều 5. Nối
đất phòng, tránh điện cảm ứng
Việc nối đất quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 81/2009/NĐ-CP được thực hiện như
sau:
1. Phạm vi nối đất
a) Cấp điện áp 220 kV: Trong và
ngoài hành lang an toàn lưới điện đến 25m tính từ mép dây dẫn ngoài hoặc dưới
cùng.
b) Cấp điện áp 500kV: Trong và
ngoài hành lang an toàn lưới điện đến 60m tính từ mép dây dẫn ngoài hoặc dưới
cùng.
2. Yêu cầu nối đất
a) Nhà ở, công trình có mái bằng
kim loại cách điện với đất: chỉ nối đất mái, các kết cấu kim loại nằm dưới mái
không phải nối đất.
b) Nhà ở, công trình có mái
không làm bằng kim loại: nối đất tất cả các kết cấu kim loại cách điện với đất
như vách, tường bao, dầm, xà, vì kèo, khung cửa.
c) Nối đất các kết cấu kim loại
cách điện với đất ở bên ngoài nhà ở, công trình như khung sắt, tấm tôn, ăng ten
ti vi, dây phơi.
3. Trang bị nối đất
a) Cọc tiếp đất được làm bằng
thép tròn đường kính không nhỏ hơn 16 mm (hoặc thép vuông có tiết diện tương
đương) hoặc thép góc có kích thước không nhỏ hơn 40 x 40 x 4mm; chiều dài không
nhỏ hơn 1,0m đặt vào đất theo phương thẳng đứng, một đầu nhô lên khỏi mặt đất từ
0,1m đến 0,15m; nơi đặt cọc tiếp đất không được gây trở ngại cho người sử dụng
nhà ở, công trình. Không được sơn phủ các vật liệu cách điện lên bề mặt cọc tiếp
đất. Tại những nơi dễ bị ăn mòn, các cọc tiếp đất phải được mạ đồng hoặc mạ kẽm.
b) Dây nối đất có thể được làm bằng
thép tròn đường kính không nhỏ hơn 6mm; thép dẹt kích thước không nhỏ hơn 24 x
4mm; dây đồng mềm tiết diện không nhỏ hơn 16mm2; nếu dây nối đất làm bằng thép
thì phải được mạ kẽm hoặc sơn chống gỉ; dây nối đất được nối với phần nổi trên
mặt đất của cọc tiếp đất và kết cấu kim loại cần nối đất bằng bu lông bắt chặt
hoặc hàn.
c) Trong trường hợp nhà ở, công
trình đã có nối đất đang được sử dụng thì không cần phải làm thêm cọc tiếp đất
mà chỉ cần liên kết dây nối đất vào nối đất đó bằng bu lông bắt chặt hoặc hàn.
d) Cho phép thay thế cọc tiếp đất
bằng các vật nối đất tự nhiên như kết cấu kim loại nằm trong đất của nhà ở và
công trình.
4. Chi phí nối đất và quản lý hệ
thống nối đất
a) Chi phí nối đất
Đối với nhà ở, công trình có trước
khi xây dựng công trình lưới điện cao áp, chủ đầu tư công trình lưới điện cao
áp chịu mọi chi phí lắp đặt hệ thống nối đất.
Đối với nhà ở, công trình có sau
công trình lưới điện cao áp thì chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp nhà ở, công
trình chịu mọi chi phí lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống nối đất.
b) Quản lý hệ thống nối đất
Chủ sở hữu, người sử dụng hợp
pháp nhà ở, công trình có các kết cấu kim loại nối đất phải quản lý hệ thống nối
đất. Khi phát hiện hệ thống nối đất hư hỏng hoặc có hiện tượng bất thường thì
báo ngay cho đơn vị quản lý lưới điện cao áp để phối hợp giải quyết.
Điều 6. Thoả
thuận khi xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở, công trình (gọi tắt là công trình)
trong hành lang an toàn lưới điện
Việc thỏa thuận các biện pháp đảm
bảo an toàn quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Điện lực được
thực hiện như sau:
1. Trước khi xây dựng mới hoặc cải
tạo công trình, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp công
trình (sau đây gọi tắt là chủ công trình) phải gửi văn bản đề nghị xây dựng mới
hoặc cải tạo công trình đến đơn vị quản lý lưới điện cao áp.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc
kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, đơn vị quản lý lưới điện cao áp có trách
nhiệm khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng, cải tạo công trình và lập văn
bản thoả thuận với chủ công trình.
Trường hợp không đủ điều kiện để
lập văn bản thoả thuận, đơn vị quản lý lưới điện cao áp phải trả lời bằng văn bản
nêu rõ lý do không thoả thuận cho chủ công trình trong thời hạn nêu trên.
2. Nội dung văn bản thoả thuận
bao gồm:
a) Các biện pháp đảm bảo an toàn
được áp dụng;
b) Xác định khoảng cách an toàn
theo quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ;
c) Trách nhiệm của các bên liên
quan;
d) Các thoả thuận khác.
Điều 7. Trạng
thái võng cực đại của dây dẫn điện
Trạng thái võng cực đại quy định
tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP; khoản 1, khoản 3, khoản 4 Nghị định số 81/2009/NĐ-CP được thực
hiện như sau:
Trạng thái võng cực đại của dây
dẫn điện là trạng thái mà tại thời điểm đó, dây dẫn đồng thời chịu tác động khắc
nghiệt nhất của các yếu tố ảnh hưởng như dòng điện chạy qua dây dẫn, nhiệt độ
môi trường xung quanh, cấp độ gió cho phép.
Cơ quan tư vấn thiết kế, cơ quan
phê duyệt thiết kế kỹ thuật đường dây phải căn cứ vào các yếu tố tăng nhiệt độ
do bức xạ nhiệt, nhiệt độ phát nóng do mang đầy tải và quá tải cho phép để tính
toán thiết kế đường dây đảm bảo độ võng cực đại đáp ứng được khoảng cách quy định
tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP và Nghị định số 81/2009/NĐ-CP .
Điều 8. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2010.
2. Bãi bỏ Thông tư số
06/2006/TT-BCN ngày 26 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện
một số nội dung quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm
2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Phạm vi nối đất đối với
đường dây điện quy định tại điểm 2.6 Mục II về Biện pháp an toàn đối với dân
cư, cán bộ nhân viên sống, làm việc, đi lại gần DDK và trạm điện áp cao, ban
hành kèm theo Quyết định số 183NL/KHKT ngày 12 tháng 4 năm 1994 của Bộ Năng lượng
ban hành tiêu chuẩn ngành.
Trong quá trình thực hiện Thông
tư này, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công
Thương để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website: Chính phủ; BCT;
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ;
- Lưu: VT, PC, ATMT.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hữu Hào
|