VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 463/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 12 năm 2014
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ
TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI HỌP CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC CỨU HỘ CỨU NẠN SỰ CỐ SẬP
HẦM THỦY ĐIỆN ĐA DÂNG, HUYỆN LẠC DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
Ngày 18 tháng 12 năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng
Trung Hải đã kiểm tra thực tế công tác cứu hộ cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện
Đa Dâng tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tham dự
làm việc có lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Văn
phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
lãnh đạo các đơn vị công binh thuộc Bộ Quốc phòng và Quân khu 7, đơn vị Phòng
cháy chữa cháy thuộc Bộ Công an; lãnh đạo Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Sông Đà;
Về phía tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí: Bí thư tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan liên
quan của tỉnh Lâm Đồng. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các đơn vị báo cáo,
ý kiến phát biểu của các đồng chí tham dự, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý
kiến kết luận như sau:
1. Sự cố sập hầm công trình thủy điện Đa Dâng
(thuộc cụm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo) là tai nạn hết sức nghiêm trọng, hiện
còn 12 công nhân đang mắc kẹt trong hầm, tính mạng đang bị đe dọa, cần phải hết
sức khẩn trương thực hiện các giải pháp cứu nạn, đưa người bị nạn ra ngoài càng
nhanh càng tốt.
2. Ngay khi nhận được tin, Thủ tướng Chính phủ đã có
công điện kịp thời chỉ đạo và yêu cầu địa phương,
các Bộ, ngành Trung ương phối hợp khẩn trương triển khai các biện pháp cứu nạn,
cứu hộ.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ xin biểu dương tinh
thần trách nhiệm, chủ động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện
vai trò chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn rất kiên quyết, kịp thời ngay từ đầu;
sự tham gia công tác chỉ đạo của lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; sự
tham gia phối hợp kịp thời của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn thuộc Bộ Quốc
phòng, Bộ Công an, các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Công an
tỉnh Lâm Đồng, Công an thành phố Hồ Chí Minh, cùng các cơ quan đơn vị và các
doanh nghiệp đang thi công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; sự tham gia hỗ trợ ứng
cứu tích cực của các đơn vị: Tập đoàn
Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các đơn
vị thuộc Tổng công ty Sông Đà...
Các lực lượng đã vào cuộc khẩn trương, không kể
ngày đêm thực hiện các biện pháp với mục tiêu cao nhất là cứu sống những người
đang bị kẹt trong hầm; cụ thể là đã cung cấp ôxy, sữa, nước nhằm bảo đảm sức
khỏe cho người bị nạn mắc kẹt trong hầm. Bước đầu đã triển khai các giải pháp:
khoan thông, đặt 03 đường ống phía thượng lưu để tiếp tế nước uống, nước gừng,
sữa, cháo, thuốc y tế, đèn chiếu sáng và
liên lạc, động viên người bị nạn kẹt trong hầm; đang triển khai khoan từ trên
đỉnh núi xuống để cung cấp đồ ăn, quần áo,... đã triển khai đào hầm ngách bên
phải; khoan từ phía hạ lưu để thoát nước
từ bên trong ra.
3. Những ngày qua, các lực lượng tham gia đã rất
tích cực thực hiện các giải pháp để cứu nạn, nhưng trước yêu cầu cấp bách của việc cứu người, tiến độ cần phải
được đẩy nhanh, khẩn trương hơn nữa. Do vậy, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện
pháp sau:
a) Lực lượng y tế chịu trách nhiệm thường xuyên
theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của 12 công nhân mắc kẹt trong hầm để cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu
cầu thiết yếu bảo đảm sức khỏe, như: ô xy, sữa, nước gừng, thuốc chữa bệnh cho
các nạn nhân. Giao Bệnh viện Chợ Rẫy nghiên cứu cung cấp dinh dưỡng tăng lực
cho các nạn nhân.
b) TKV phối hợp với cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy
tiếp tục triển khai khẩn trương phương án đào ngách hầm bên phải. TKV tăng
cường thêm người, phương tiện cần thiết, đẩy nhanh tiến độ để cứu hộ càng nhanh
càng tốt đồng thời phải đảm bảo an toàn cho người cứu hộ và không để sập thêm
đất đá.
Song song với việc đào hầm ngách bên phải, giao lực
lượng Công binh triển khai mở ngách hầm bên trái, với điều kiện phải gia cố
chắc chắn bảo đảm không làm sụt lở đất, không làm gãy, biến dạng các ống thông
hơi, thoát nước hiện có. Trong quá trình
đào, lực lượng TKV và Công binh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng khẩn trương, bảo
đảm an toàn tuyệt đối cho người cứu hộ trong đó có lưu ý giải pháp về lối thoát sự cố, không để các tác động cộng hưởng ảnh
hưởng xấu đến an toàn khu vực đào.
c) Tiếp tục khoan từ phía hạ lưu để thông thoát nước trong hầm.
d) Tiếp tục khoan từ trên đỉnh núi xuống, để sớm
thông, mở thêm lối đưa quần áo, các loại thuốc men cần thiết cho nạn nhân.
đ) Tổ chức đánh giá đầy đủ tình hình điều kiện địa
chất của công trình, đặc biệt là ở các vị trí đang diễn ra các hoạt động khoan
đào cứu nạn.
4. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị
a) Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng:
Các đồng chí Bí thư tỉnh ủy và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tiếp
tục chủ trì chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Chủ trì phân công, điều hành các
đơn vị tham gia thực hiện phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời và thường xuyên
cập nhật thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cứu nạn và những
vấn đề liên quan.
Chỉ đạo Chủ đầu tư triển khai các
công việc liên quan đến hậu cần cho công tác cứu hộ, bố trí nơi an nghỉ cho cán
bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, cung
cấp các hồ sơ liên quan để các cơ quan đơn vị nghiên cứu phục vụ công tác cứu
hộ, cứu nạn khi cần thiết. Chỉ đạo đảm bảo công tác trật tự, an ninh, an toàn
tại khu vực công trường.
Tập trung chỉ đạo các cơ quan chức
năng của tỉnh cung cấp đầy đủ vật tư, vật liệu phục vụ cho công tác cứu hộ. Chỉ
đạo, bố trí lực lượng y bác sĩ và trang thiết bị cũng như đủ cơ số thuốc cần
thiết để cấp cứu kịp thời người bị nạn; chỉ đạo các lực lượng chức năng phối
hợp chặt chẽ để tham gia công tác cứu hộ.
Phân công người phát ngôn, hàng
ngày cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình, tiến độ cứu nạn và các vấn đề khác
có liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn cho cơ quan thông tin báo chí.
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục chỉ
đạo các đơn vị công binh, Quân khu 7, lực lượng phòng cháy chữa cháy bố trí đủ
lực lượng tham gia thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ lực lượng cho địa
phương và các đơn vị tham gia trong các công việc liên quan.
c) Bộ Công Thương tiếp tục tham
gia, hỗ trợ tỉnh trong việc chỉ đạo công tác cứu nạn, đồng thời chỉ đạo Tập
đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ cho công tác cứu hộ;
phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo cơ quan
chức năng đánh giá điều kiện địa chất công trình, rà soát thiết kế của dự án,
yêu cầu dừng thi công dự án cho đến khi bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật
công trình.
d) Bộ Xây dựng tiếp tục tham gia,
hỗ trợ tỉnh trong việc điều phối các đơn vị thực hiện công tác cứu nạn; phối hợp với công ty nước ngoài, nghiên cứu, đề
xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ ứng cứu.
đ) TKV, Tổng công ty Sông Đà tiếp
tục cử đủ lực lượng, thiết bị cần thiết tham gia công tác cứu nạn tại công
trường.
e) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Ủy ban
nhân dân tỉnh và các cấp có thẩm quyền để đáp ứng các yêu cầu về vật tư, vật
dụng cho công tác hậu cần tại hiện trường.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
để các cơ quan, đơn vị, địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg;
- Các Bộ: CT, XD, QP, CA, YT, LĐTBXH;
- HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- UBQG tìm kiếm cứu nạn;
- Bộ TL Công binh (BQP);
- Tập đoàn Than Khoáng sản VN;
- Tập đoàn Điện lực VN;
- TCT Sông Đà;
- Bệnh viện Chợ Rẫy;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, NC, V.III;
- Lưu: VT,KTN(3). Đg 38
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|