VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
327/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2009
|
THÔNG BÁO
Ý
KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TRONG CHUYẾN KIỂM TRA VÀ
LÀM VIỆC TẠI TỈNH LAI CHÂU VỀ DỰ ÁN THỦY ĐIỆN LAI CHÂU
Ngày 04 tháng 11 năm 2009, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Lai Châu để
kiểm tra địa điểm xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, nghe báo cáo về kế hoạch
triển khai xây dựng nhà máy và kế hoạch di dân, tái định cư.
Cùng đi và làm việc có các đồng
chí: Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Thái Phụng Nê, Phái viên
của Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Văn
phòng Chính phủ; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu; lãnh đạo Tập đoàn
Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Sông Đà.
Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Điện
lực Việt Nam và tỉnh Lai Châu báo cáo; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến
quy hoạch và khai thác tiềm năng thủy điện của sông Đà, là dòng sông có công
suất thủy điện lớn nhất trong các dòng sông của cả nước. Cùng với các công
trình thủy điện đã và đang xây dựng trên dòng chính là Hòa Bình (1920MW) và Sơn
La (2400 MW); các công trình thủy trên các dòng nhánh gồm: Huội Quảng (560 MW),
Bản Chát (220 MW), Nậm Chiến (200 MW)…; Chính phủ đã báo cáo Quốc hội quyết
định chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu, công suất 1200 MW, là bậc
thang trên cùng của dòng chính sông Đà. Khi xây dựng xong thủy điện Lai Châu,
tiềm năng thủy điện trên sông Đà cơ bản được khai thác hết.
Việc đầu tư xây dựng công trình
thủy điện Lai Châu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan
trọng đối với Quốc gia và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai
Châu nói chung, huyện Mường Tè nói riêng.
Thủy điện Lai Châu là công trình lớn,
phức tạp về địa hình, tiến độ xây dựng công trình cần phải khẩn trương vì liên
quan đến tiến độ tích nước của thủy điện Sơn La; nếu chậm, khi mức nước hồ thủy
điện Sơn La lên cao, việc thi công sẽ khó khăn và làm tăng chi phí xây dựng
công trình, nên có thể xem đây là dự án cấp bách cần có cơ chế thực hiện đặc
biệt.
Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của
các cơ quan chức năng trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, từ Quy hoạch bậc
thang sông Đà đến lập Báo cáo đầu tư trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu
tư, đồng thời tiến hành công tác khảo sát để phục vụ việc lập Dự án đầu tư và
thiết kế kỹ thuật công trình để khi Quốc hội thông qua sẽ triển khai được ngay
các bước tiếp theo.
Thống nhất về nguyên tắc với kế
hoạch khởi công xây dựng thủy điện Lai Châu vào cuối năm 2010, ngăn sông Đà cuối
năm 2011, phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công
trình vào năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần tìm ra các giải
pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả của dự án.
Về công tác di dân tái định cư, cần
thực hiện tốt yêu cầu người dân di chuyển đến nơi cư trú mới có cuộc sống tốt hơn
nơi ở cũ. Tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt công tác di dân tái định cư của các dự
án thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, tỉnh cần nhân rộng để đảm bảo thành
công trong công tác di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu; cần kết hợp tái
định cư với sắp xếp lại dân cư trên địa bàn tỉnh, gắn với xóa nghèo đói, để trẻ
em được đến trường, nâng cao trình độ văn hóa. Xây dựng các dự án tái định cư
chi tiết, trong đó chú ý phát triển các công trình cơ sở hạ tầng: giao thông,
quỹ đất, nguồn nước, trường học, trạm y tế; lập các dự án trồng cây công nghiệp
(cây cao su) để xóa nghèo và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Chính phủ biểu dương tinh thần nỗ lực
của tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung
triển khai các bước chuẩn bị theo đúng tiến độ. Hoan nghênh và biểu dương Đảng
bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã không
quản ngại khó khăn, sẵn sàng thực hiện công tác di dân, tái định cư, nhường đất
cho việc xây dựng công trình, vì dòng điện tương lai của Tổ quốc.
II. CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH TRONG
QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN THỦY ĐIỆN LAI CHÂU
Dự án thủy điện Lai Châu cần được
triển khai thực hiện ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Từ kinh
nghiệm thực hiện Dự án thủy điện Sơn La, các nguyên tắc chính trong quản lý và
thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu như sau:
1. Ngoài thủy điện Sơn La, Ban chỉ đạo
Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La được thành lập theo Quyết định số
09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng thời
chỉ đạo việc thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu.
2. Các cơ chế đặc thù trong quản
lý, thực hiện dự án và công tác di dân tái định cư về nguyên tắc được áp dụng cơ
chế như với dự án thủy điện Sơn La.
3. Nhằm phát huy nội lực của các
doanh nghiệp trong nước và nâng cao hiệu quả dự án; về nguyên tắc, các đơn vị
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện dự án thủy điện Sơn
La sẽ tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Lai Châu, bao gồm: đơn vị tư vấn, Tổng
thầu xây dựng và các đơn vị tham gia xây dựng, các nhà thầu chế tạo thiết bị cơ
khí thủy công.
III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH,
ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
1. Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư báo cáo, giải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp
thứ 6 đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội; chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giải
quyết những vấn đề còn tồn tại trong quá trình lập Dự án đầu tư thủy điện Sơn
La.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương có liên quan có ý kiến về cơ chế đặc thù trong quản lý và
thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu, tổ hợp nhà thầu xây dựng dự án do Tập đoàn Điện
lực Việt Nam đề nghị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì thẩm định Dự án đầu tư
thủy điện Lai Châu trên cơ sở duy trì Hội đồng thẩm định Nhà nước được thành lập
tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bố trí đủ vốn cho tuyến đường từ
thị trấn Mường Tè đi Pắc Ma là tuyến đường đã có kế hoạch đầu tư.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân
dân tỉnh Lai Châu, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư
để có thể trình duyệt đồng thời với Dự án đầu tư.
IV. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TẬP
ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM VÀ TỈNH LAI CHÂU
1. Về các đề nghị của Tập đoàn Điện
lực Việt Nam:
Đồng ý về nguyên tắc với các đề nghị
của Tập đoàn:
- Cho phép chỉ định Công ty cổ phần
Tư vấn xây dựng Điện 1 là tư vấn lập Dự án đầu tư công trình thủy điện Lai Châu
được tiếp tục thực hiện tư vấn chính lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi
công Dự án thủy điện Lai Châu. Những phần việc kỹ thuật phức tạp mà tư vấn
trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, cho phép thuê tư vấn nước ngoài làm tư vấn
phụ theo hợp đồng.
- Để đảm bảo mục tiêu tiến độ khởi
công dự án thủy điện Lai Châu cuối năm 2010 và ngăn sông Đà cuối năm 2011, phù
hợp với tiến độ tích nước của hồ chứa thủy điện Sơn La, cho phép triển khai
thiết kế, phê duyệt thiết kế - dự toán và thi công xây dựng trước một số hạng mục
công trình. Danh mục cụ thể, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có ý
kiến sớm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Cho phép phê duyệt riêng thiết kế
kỹ thuật, bản vẽ thi công các hạng mục công trình dẫn dòng thi công trước khi
thiết kế kỹ thuật công trình được duyệt.
- Đồng ý về nguyên tắc giao Hội
đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ định thầu tư vấn thiết kế, phê
duyệt thiết kế - dự toán, chỉ định các nhà thầu có năng lực trong nước thi công
trước các hạng mục công trình nêu trên đảm bảo chất lượng, tiến độ và phù hợp với
thiết kế cơ sở thuộc Dự án thủy điện Lai Châu.
- Về cơ chế thu xếp vốn cho dự án,
Tập đoàn đưa vào cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu, trình
duyệt theo quy định.
2. Về các đề nghị của tỉnh Lai
Châu:
- Đồng ý gắn đầu tư xây dựng nhà
máy thủy điện Lai Châu với việc di dân, tái định cư và phát triển kinh tế - xã
hội huyện Mường Tè, phù hợp với trình độ phát triển của các huyện khác trong tỉnh
và khu vực Tây Bắc.
- Đồng ý về nguyên tắc, sau năm
2012 tách huyện Mường Tè thành hai huyện. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xem xét phân định địa giới hành
chính của các huyện, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Giao Bộ Xây dựng giúp
tỉnh Lai Châu lập quy hoạch thị trấn huyện mới tại Nậm Hàng gắn với công trình
xây dựng thủy điện Lai Châu.
- Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì,
phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và các Bộ, ngành liên quan lập dự án
đầu tư 03 cầu qua sông Đà và hệ thống đường ngang để phát triển kinh tế, sắp
xếp, bố trí dân cư phía tây huyện Mường Tè (tả ngạn Sông Đà); lập dự án nâng cấp
tuyến đường Tỉnh lộ 127 đoạn từ đập thủy điện Lai Châu (thuộc xã Nậm Hàng) đến
Pắc Ma từ quy mô cấp VI miền núi lên quy mô đường cấp V miền núi.
- Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên
cứu, quy hoạch kéo dài đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai về 2 nhánh đến Lai Châu và
Hà Giang.
- Về dự án Sân bay Lai Châu: giao
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn chỉnh, phê duyệt quy hoạch chi tiết, lập dự
án đầu tư, Chính phủ sẽ đầu tư khi có điều kiện về vốn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tổng công ty Sông Đà;
- Đ/c Thái Phụng Nê, Phái viên TTgCP;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TKBT, TH, KTTH, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (5).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Văn Trọng Lý
|