ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 88/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 13
tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN QUỲNH NHAI, TỈNH
SƠN LA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chính phủ
và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014;
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020;
Căn cứ Nghị định
44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính Phủ v/v Quy định chi tiết một số nội
dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính
phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP và Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính Phủ về Sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 664/QĐ-UBND
ngày 10/4/2024 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập
đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Xây dựng tại Tờ trình số 479/TTr-SXD ngày 31/12/2024 và Báo cáo thẩm định số
263//KQTĐ-SXD ngày 30/12/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chính như sau:
1. Phạm
vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch
trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Quỳnh Nhai, với tổng diện tích tự nhiên
khoảng 1.040,0 km2. Ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ,
huyện Tân Uyên - tỉnh Lai Châu;
- Phía Đông giáp huyện Mường
La; huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu;
- Phía Tây giáp huyện Tuần Giáo
- tỉnh Điện Biên;
- Phía Nam giáp huyện Thuận
Châu.
2. Thời hạn
quy hoạch
- Giai đoạn ngắn hạn: Đến năm
2030.
- Giai đoạn dài hạn: Đến năm
2050.
3. Mục tiêu
quy hoạch
- Phù hợp với định hướng Quy hoạch
tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng
liên huyện dọc lòng hồ sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến 2050.
- Phấn đấu trở thành huyện nông
thôn mới vào năm 2025.
- Đến 2030 phát huy được các thế
mạnh lớn, đặc biệt là du lịch; gắn với thương hiệu du lịch mới đại diện cho
vùng Tây Bắc và tỉnh Sơn La - lòng hồ thủy điện Sơn La; xây dựng đô thị Quỳnh
Nhai giàu mạnh, trở thành trung tâm du lịch của vùng. Phát triển ngư nghiệp hiệu
quả, hiện đại và kiểu mẫu trong toàn tỉnh.
- Giai đoạn 2031 - 2050, vùng
lòng hồ Quỳnh Nhai - huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch quốc gia và trung
tâm du lịch lớn của Tây Bắc cũng như của tỉnh. Các thế mạnh về nông, lâm, ngư
nghiệp của huyện được phát huy toàn diện gắn với chế biến và xuất khẩu.
- Là cơ sở để lập quy hoạch đô
thị, nông thôn và dự án đầu tư xây dựng, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện.
4. Tính chất,
chức năng
- Là vùng sản xuất năng lượng
điện, vùng kinh tế nông, lâm, thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ
cao gắn với chế biến sâu; là vùng du lịch khám phá và nghỉ dưỡng mới lạ, sáng tạo
hấp dẫn của miền Bắc.
- Là vùng dự trữ tài nguyên nước
để sản xuất năng lượng điện, để tưới tiêu, sinh hoạt, điều hoà, điều tiết lũ
cho vùng hạ lưu lòng hồ sông Đà.
- Là vùng bảo tồn và phát huy bản
sắc văn hoá của dân tộc Thái trắng, Thái đen, bảo tồn và phát huy giá trị của
các di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh…
- Là vùng bảo tồn và dự trữ đa
dạng sinh học, phòng chống thiên tai quan trọng hàng đầu của Bắc Bộ gắn với thượng
nguồn sông Đà, có vị thế quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng.
5. Dự báo về
phát triển kinh tế, dân số, nhu cầu về đất đai, tỷ lệ đô thị hóa theo các giai
đoạn phát triển
5.1. Dự báo chỉ
tiêu về kinh tế: Dự báo tổng thu ngân sách trên địa bàn vùng huyện Quỳnh Nhai
giai đoạn đến năm 2030 ước đạt khoảng 385,0 tỷ đồng.
5.2. Dự báo về
quy mô dân số: Dự báo dân số toàn vùng giai đoạn đến năm 2030 khoảng 73.700 người;
giai đoạn đến năm 2050 khoảng 95.000 người.
5.3. Dự báo quy
mô đất đai:
- Giai đoạn đến năm 2030: Dự
báo đất xây dựng đô thị khoảng 450,0 ha; đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng
480,0 ha; đất xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch khoảng 250 -
350ha; đất xây dựng các trung tâm văn hóa - dịch vụ - nghiên cứu đào tạo khoảng
80 - 90ha.
- Giai đoạn 2031 - 2050: Dự báo
đất xây dựng đô thị khoảng 700,0 ha; đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng
600,5 ha; đất xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch khoảng 500 -
650ha; đất xây dựng các trung tâm văn hóa - dịch vụ - nghiên cứu đào tạo khoảng
100 - 110ha.
5.4. Dự báo tỷ lệ
đô thị hóa: Dự báo tỷ lệ đô thị hoá vùng huyện Quỳnh Nhai đến năm 2030 khoảng
21,7%.
6. Định hướng
phát triển không gian
6.1. Định hướng
phát triển trục không gian kết nối vùng: Cấu trúc không gian vùng huyện Quỳnh
Nhai với hệ thống giao thông xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây.
Trong đó: Các trục Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện là những nhân tố chính
trong cấu trúc mạng lưới; các trục đường liên xã kết nối các khu, điểm dân cư,
vùng sản xuất với trục Quốc lộ, đường tỉnh.
6.2. Phân vùng
phát triển kinh tế: Vùng huyện Quỳnh Nhai được phân chia thành 03 tiểu vùng như
sau:
- Tiểu vùng phía Bắc (gồm xã
Cà Nàng, xã Mường Chiên, xã Chiềng Khay, xã Pá Ma Pha Khinh và xã Mường Giôn): Là
vùng sinh thái bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, vùng phát triển nông, lâm ngư
nghiệp, hàng hóa gắn với chế biến và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
- Tiểu vùng trung tâm (gồm
thị trấn Mường Giàng, xã Chiềng Bằng và xã Chiềng Ơn): Là tiểu vùng động lực
thúc đẩy phát triển của toàn huyện và cả khu vực. Tập trung phát triển phát triển
đô thị tạo thành động lực kinh tế cho vùng kết hợp các hoạt động kinh tế phụ trợ:
Công nghiệp, dịch vụ và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui
chơi, giải trí trên lòng hồ thủy điện Sơn La và du lịch tâm linh.
- Tiểu vùng phía Nam (gồm
các xã Chiềng Khoang, xã Nậm Ét và xã Mường Sại): Là tiểu vùng phát triển
nông, lâm ngư nghiệp hàng hoá gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
6.3. Định hướng
phát triển đô thị: Dự kiến giai đoạn đến năm 2030, không gian đô thị trên địa
bàn vùng huyện Quỳnh Nhai gồm 01 thị trấn đô thị loại V. Giai đoạn đến năm 2050,
không gian đô thị gồm 01 thị trấn đô thị loại IV.
6.4. Định hướng
phát triển nông thôn:
- Mục tiêu xây dựng các điểm
dân cư nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu
vực nông thôn. Trên cơ sở bảo tồn các làng, bản truyền thống; kế thừa và phát
huy các giá trị truyền thống. Tại các khu vực thuận lợi về giao thông, cần được
cải tạo để hình thành các trung tâm xã, trung tâm cụm xã bảo cung cấp đầy đủ dịch
vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt cho người dân sinh sống
trên địa bàn.
- Dự kiến giai đoạn đến năm
2030 đạt 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 xã đạt chuẩn nông
thôn mới nâng cao và ít nhất 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn đến
năm 2050 đạt 100% xã trên địa bàn vùng huyện đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất,
hạ tầng xã hội, văn hóa theo các chuẩn nông thôn quốc gia, đảm bảo chất lượng đời
sống cho nhân dân các vùng nông thôn.
6.5. Định hướng
phát triển khu du lịch, thương mại, dịch vụ:
- Định hướng phát triển du lịch
Quỳnh Nhai được là trung tâm du lịch lớn thứ 3 sau Mộc Châu và thành phố Sơn
La; trong tương lai sẽ vươn tầm Khu du lịch quốc gia (dự kiến giai đoạn
2031-2050 Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch quốc gia).
- Hệ thống du lịch Quỳnh Nhai tập
trung 5 khâu: Kết nối; thị trường; sản phẩm; cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng;
nhân lực du lịch.
- Khu du lịch lòng hồ thủy điện
Sơn La địa phận huyện Quỳnh Nhai, quy mô diện tích khoảng 490ha.
7. Quy hoạch
sử dụng đất
- Giai đoạn đến năm 2030: Diện
tích đất xây dựng toàn vùng huyện khoảng 13.560,6 ha (trong đó đất ở khoảng
577,2 ha; đất xây dựng công trình công cộng, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật,
… khoảng 12.983,4 ha).
- Giai đoạn 2031 - 2050: Diện
tích đất xây dựng toàn vùng huyện khoảng 14.750,8 ha (trong đó đất ở khoảng
785,8 ha; đất xây dựng công trình công cộng, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật,
… khoảng 113.965 ha).
8. Định hướng
quy hoạch giao thông
8.1. Đường quốc lộ:
Đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 6B (Ngã ba Tông Lạnh - Mường Giàng) và
tuyến Quốc lộ 279 (Cáp Na - Minh Thắng).
8.2. Đường tỉnh:
- Đường tỉnh ĐT.106, ĐT.107,
ĐT.107B, ĐT.107C và ĐT.107D, đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn tuyến đồng bộ đạt
tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp Vmn. Tầm nhìn đến năm 2050, đầu tư nâng cấp đạt
tối thiểu cấp IIImn, 02 làn xe.
- Đường tỉnh ĐT.116B và ĐT.119,
tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp với quy mô tối thiểu đạt cấp Vmn hoàn chỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, đầu tư nâng cấp đạt tối thiểu cấp IIImn, 02 làn xe.
- Đường tỉnh ĐT.122 và ĐT.125,
tập trung đầu tư mở mới tuyến đường tạo mạng lưới giao thông khép kín, kết nối
liên hoàn. Tầm nhìn đến năm 2050, đầu tư nâng cấp đạt tối thiểu cấp IIImn, 02
làn xe.
8.3. Đường huyện:
Định hướng phát triển hệ thống giao thông đường huyện trên địa bàn vùng huyện
Quỳnh Nhai đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 gồm 32 tuyến đường huyện, tổng
chiều dài các tuyến khoảng 308,97 km. Giai đoạn đến năm 2030: đầu tư nâng cấp,
xây dựng mới duy trì toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp giao thông nông thôn
loại A.V; Tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp toàn bộ các tuyến lên đường cấp IVmn.
8.4. Đường đô thị:
Tuân thủ theo quy hoạch chung các đô thị được phê duyệt. Giai đoạn đến năm 2030
tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển mới hệ thống giao thông đô thị tại thị trấn
Mường Giàng theo tiêu chí đô thị loại V. Giai đoạn sau năm 2030 đầu tư hệ thống
hạ tầng giao thông đảm bảo tiêu chí đô thị loại IV. Tầm nhìn đến năm 2050, tập
trung đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh thị trấn theo điều chỉnh quy hoạch
chung đô thị được phê duyệt.
8.5. Đường liên
xã, liên bản, trục bản: Các tuyến đường liên xã, liên bản, trục xã có 157 tuyến
với tổng chiều dài khoảng 498,83 km. Giai đoạn đến năm 2030: Nâng cấp cải tạo
100% đường xã, liên xã, liên bản đạt tối thiểu loại A - GTNT, các tuyến đường
trục bản đạt tiêu chuẩn cấp VI và GTNT loại B.
8.6. Định hướng
phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ:
- Cảng Pá Uôn: Cảng hàng hoá cấp
IV, hành khách cấp III, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 50 chỗ ngồi (công suất
50 nghìn HK/năm).
- Bến hàng hóa và hành khách:
Là bến phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách. Vị trí quy hoạch tại các địa điểm
thuận lợi gần giao thông đường bộ, có địa hình, thuỷ văn ổn định để đảm bảo
phương tiện ra vào thuận tiện, trung tâm cụm bản và các chợ ven sông. Cụ thể, đến
năm 2030 tầm nhìn 2050 huyện Quỳnh Nhai có 06 bến hàng hóa và hành khách (tầu
trọng tải < 200T và dưới 50 chỗ ngồi).
- Bến khách ngang sông: Là bến
thuỷ nội địa phục vụ vận tải hành khách ngang sông. Tổng bến khách ngang sông đến
năm 2030 tầm nhìn 2050 huyện Quỳnh Nhai có khoảng 69 bến.
9. Định hướng
quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác
9.1. Cao độ nền
và thoát nước mặt:
- Chọn giải pháp san nền, cân bằng
đào đắp tại chỗ. Đảm bảo an toàn cho các đô thị và các điểm dân cư, tần suất chống
lũ, úng phải phù hợp với cấp đô thị, tính chất khu vực xây dựng.
- Định hướng thoát nước mưa của
vùng chia thành 02 lưu vực chính gồm: Lưu vực phía Bắc thuộc phụ lưu Nậm Giôn
và phụ cận; Lưu vực phía Nam thuộc suối Muội và phụ cận.
9.2. Hệ thống cấp
nước: Tổng nhu cầu sử dụng nước vùng huyện Quỳnh Nhai trong kỳ quy hoạch đến
năm 2030 là khoảng 9.665 m3/ngđ, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 13.702 m3/ngđ.
Nguồn nước nước mặt chịu tác động của lưu vực sông Đà và các phụ lưu sông Đà.
9.3. Hệ thống cấp
điện: Nguồn điện cấp cho huyện Quỳnh Nhai được cấp từ mạng lưới điện quốc gia
trạm 110kv Thuận Châu 110/35/22kV-1x16MVA, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện huyện
Quỳnh Nhai đến năm 2030 dự kiến xây dựng mới trạm 110kV công suất 25MVA tại xã
Mường Giàng và giai đoạn sau năm 2030 định hướng quy hoạch nâng công suất từ
25MVA lên 50MVA đảm bảo nhu cầu cấp cho toàn huyện.
9.4. Hệ thống
thông tin và truyền thông: Tổng nhu cầu thuê bao viễn thông vùng huyện Quỳnh
Nhai đến năm 2030 khoảng 126.245 thuê bao, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 231.660
thuê bao. Mục tiêu chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Ngầm hóa mạng
ngoại vi, hệ thống cáp viễn thông khu vực thị trấn, khu vực phát triển đô thị,
các CCN... Quy hoạch các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục
vụ. Quy hoạch xây dựng, lắp đặt các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
không có người phục vụ tại các khu vực công cộng (khu vui chơi giải trí,
bệnh viện, bến xe...), khu vực du lịch, khu tập trung đông dân cư.
9.5. Hệ thống
thoát nước thải, quản lý chất thải rắn:
Tổng nhu cầu nước thải cần xử
lý huyện Quỳnh Nhai đến năm 2030 khoảng 8.254 m3 /ngđ và đến năm 2050 khoảng
11.907 m3 /ngđ. Nước thải tại đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. 100% nước thải bệnh viện, nước thải
các cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường
trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
Tổng nhu cầu thu gom chất thải
rắn tại khu quy hoạch khoảng 94,8tấn/ngày đêm vào năm 2030 định hướng đến năm
2050 lượng chất thải rắn cần thu gom xử lý khoảng 141,6 tấn/ngày đêm. Chất thải
rắn khu vực phát triển đô thị được thu gom vận chuyển trực tiếp đến khu xử lý tập
trung. Khu xử lý chất thải rắn áp dụng công nghệ: nhà máy chế biến phân vi
sinh, lò đốt, chôn lấp hợp vệ sinh.
9.6. Quản lý
nghĩa trang: Nghĩa trang nhân dân thị trấn Mường Giàng được quy hoạch tại bản
Đán Đanh với quy mô khoảng 16,89 ha, phục vụ nhu cầu mai táng của nhân dân thị
trấn. Các nghĩa địa nhỏ lẻ tại các bản trong khu vực xây dựng đô thị tập trung
sẽ đóng cửa, không chôn cất và được định hướng trồng cây xanh cách ly bảo vệ
môi trường đô thị.
10. Các giải
pháp chính về bảo vệ môi trường
- Phân vùng bảo vệ môi trường
tuân thủ theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
- Khuyến khích phát triển mô
hình kiến trúc xanh; duy trì, mở rộng và bảo vệ diện tích mặt nước; sử dụng
công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt; sử dụng
các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng năng lượng sạch; sử dụng, khai
thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, đảm bảo các quy định về
môi trường.
- Xây dựng đồng bộ hệ thống thu
gom, xử lý nước thải và chất thải rắn; duy trì và phát triển hệ thống cây xanh
cảnh quan, hồ điều hòa trong khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư.
- Các giải pháp thích ứng và giảm
thiểu biến đổi khí hậu: Nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, thích ứng
với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch,kế
hoạch phát triển kinh tế -xã hội, phát triển đô thị của khu vực chịu ảnh hưởng
trong điều kiện biến đổi khí hậu; Hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng
dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; kiên cố hóa nhà ở, công trình chịu gió
bão, ngập lụt.
11. Chương
trình đầu tư
11.1. Khái toán vốn
đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng huyện Quỳnh Nhai khoảng 15.394,41 tỷ
đồng, trong đó:
- Giai đoạn 1 (đến năm
2030): Tổng kinh phí khái toán vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng dự kiến
khoảng 6.054,99 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2 (từ năm 2031 đến
năm 2050): Tổng kinh phí khái toán vốn đầu tư xây dựng phát triển vùng dự
kiến khoảng 9.339,42 tỷ đồng.
11.2. Nguồn vốn đầu
tư: Vốn ngân sách nhà nước (chủ yếu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ
các vùng sản xuất, dân cư nông thôn, đô thị, an ninh quốc phòng...) và nguồn
vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác.
12. Quy định
quản lý theo đồ án quy hoạch: Ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Xây dựng: Hướng dẫn,
đôn đốc UBND huyện Quỳnh Nhai trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu
trình phê duyệt hồ sơ đồ án quy hoạch.
2. UBND huyện Quỳnh
Nhai:
- Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch,
chuyển giao hồ sơ quy hoạch cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh theo quy định. Xây
dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch GIS trên trang điện tử của tỉnh.
- Tổ chức công bố, công khai đồ
án quy hoạch và triển khai cắm mốc giới, biển pa nô quy hoạch theo quy định.
3. Các sở, ngành, các
ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành: Theo chức năng nhiệm vụ tổ chức
thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo quy định của pháp luật.
Điều 3. Chánh
văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Nội vụ,
Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao
thông vận tải, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền
thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND
huyện Quỳnh Nhai; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu thi hành quyết
định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh ( b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như điều 3 (t/h);
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VP, KT Việt15b.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Minh
|