ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 468/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
08 tháng 5 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BẾN
THỦY NỘI ĐỊA VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2022
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đê điều số
79/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Đầu tư số
61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai số
45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số
113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số
43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số
23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát,
sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;
Căn cứ Nghị định số
148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai;
Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP
ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định về quản lý hoạt động đường thủy
nội địa;
Căn cứ Thông tư
50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về
quản lý cảng, bến thủy nội địa;
Quyết định số 2102/QĐ-UBND
ngày 26 tháng 12 năm 2012 phê duyệt quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020;
Quyết định số 1171/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 8 năm 2014; Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2016 của
UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 28/TTr-SKHĐT ngày 20 tháng 4 năm 2021,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Đề án Tăng cường quản lý nhà nước đối với bến thủy
nội địa và hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang giai đoạn 2021-2022.
Điều 2: Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Giám
đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện,
thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TKCT, TH;
+ Các phòng, TT, đơn vị;
+ Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
+ Lưu: VT, ĐT. Long.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ô Pích
|
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BẾN THỦY NỘI ĐỊA VÀ HOẠT ĐỘNG KINH
DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2022
PHẦN MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT
BAN HÀNH ĐỀ ÁN
Trong thời gian qua công tác quản lý
nhà nước đối với bến thủy nội địa và hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven
sông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã ban hành
quy hoạch về các bến bãi ven sông phục vụ việc kinh doanh vật liệu xây dựng;
ban hành quy định để quản lý hoạt động kinh doanh của các bến, bãi ven sông
(Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh ban hành
Quy định quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và sử dụng bãi ven sông
chứa cát, sỏi trên địa bàn tỉnh). Công tác chấp thuận chủ trương đầu tư đối với
các dự án có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông và hoạt động của bến
thủy nội địa cũng đã được các cấp, các ngành chú trọng; nhiều dự án được chấp
thuận đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhân dân địa
phương, phục vụ nhu cầu vật liệu để xây dựng kết cấu hạ tầng và đóng góp vào
ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước
đối với bến thủy nội địa và hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông
trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập như: Công tác kiểm tra, xử lý của các
cấp, các ngành hiệu quả chưa cao; các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, tập
kết tại các bến bãi ven sông chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật;
tình trạng hoạt động kinh doanh trái phép hoặc cố tình không hoàn thiện các thủ
tục có liên quan sau khi được chấp thuận đầu tư gây khó khăn trong công tác quản
lý Nhà nước, gây mất trật tự an ninh khu vực, thất thu ngân sách Nhà nước. Việc
thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng
của các bến bãi ven sông còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, các cấp phối
hợp xử lý kịp thời. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, nhất
là quy hoạch đất đai, xây dựng, bến bãi…; nhiều bãi hoạt động nhưng chưa được
chấp thuận và cấp phép hoạt động. Đa phần hoạt động của các bến không đúng quy
định của pháp luật. Còn nhiều hiện tượng hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng
ven sông làm ảnh hưởng đến môi trường; vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều,
phòng chống bão lụt; vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy và giao thông
đường bộ.
Để lập lại trật tự hoạt động kinh doanh
vật liệu xây dựng ven sông theo đúng các quy định của pháp luật, đồng thời tháo
gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu xây dựng
ổn định trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải xây dựng và ban hành Đề án “Tăng
cường quản lý nhà nước đối với bến thủy nội địa và hoạt động kinh doanh vật liệu
xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2022”.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17
tháng 6 năm 2020;
Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng
11 năm 2013;
Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29
tháng 11 năm 2006;
Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28
tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Đê điều;
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Đất đai;
Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24
tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ
lòng, bờ, bãi sông;
Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18
tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi
tiết thi hành Luật đất đai;
Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28
tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;
Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng
10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa;
Quyết định số 2102/QĐ-UBND ngày 26
tháng 12 năm 2012 phê duyệt quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang đến năm 2020;
Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 08
tháng 8 năm 2014; Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2016 của UBND
tỉnh điều chỉnh quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
đến năm 2020.
III. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Việc ban hành đề
án nhằm đưa ra các giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với
các bến thủy nội địa và hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông; đảm bảo
các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông khi đi vào hoạt động phải chấp
hành đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan; xóa bỏ những bến bãi hoạt động
trái phép; góp phần vào việc bảo vệ môi trường, đê điều, kết cấu hạ tầng giao
thông.
- Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
cho hoạt động của các bến thủy nội địa và kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông
hiện nay trên địa bàn tỉnh; đảm bảo đủ nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trên địa
bàn.
2. Yêu cầu
- Đề án phải đánh
giá rõ thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với bến thủy nội địa và hoạt động
kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông và thực trạng hoạt động của các bãi kinh
doanh vật liệu xây dựng ven sông gắn với hoạt động của các bến thủy nội địa
trên địa bàn tỉnh hiện nay.
- Các giải pháp đề
ra phải cụ thể, có tính khả thi và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện
hành để đảm bảo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh
doanh vật liệu xây dựng ven sông gắn với các bến thủy nội địa, đồng thời tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và hoạt động của các dự
án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh hiện nay.
IV. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI ĐỀ ÁN
1. Đối tượng của Đề án
Là các công tác quản lý nhà nước liên
quan trực tiếp đến bến thủy nội địa và hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng
ven sông, gồm: Hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng (đường thủy và đường bộ);
hoạt động bốc xếp vật liệu xây dựng tại các bãi ven sông; hoạt động của các kho
chứa, bãi chứa vật liệu xây dựng ven sông; công tác quy hoạch; việc phối hợp giải
quyết các thủ tục hành chính.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt
động liên quan đến bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông.
Các sở, ban ngành, các cơ quan quản
lý nhà nước có liên quan đến hoạt động bến thủy nội địa và kinh doanh vật liệu
xây dựng ven sông.
2. Phạm vi của Đề án:
Đề án tập trung đánh giá hiện trạng
công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của bến thủy nội địa và kinh doanh
vật liệu xây dựng ven sông giai đoạn 2011-2020.
Đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ,
giải pháp công tác quản lý nhà nước đối với bến thủy nội địa và hoạt động kinh doanh
vật liệu xây dựng ven sông giai đoạn 2021-2022.
PHẦN THỨ NHẤT
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA VÀ
KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BẾN
THỦY NỘI ĐỊA VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2020
I. THỰC TRẠNG
HOẠT ĐỘNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA VÀ KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG
1. Công tác chấp thuận đầu tư và hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng
ven sông
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh
Bắc Giang có 85 dự án đã được UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp
Giấy chứng nhận đầu tư (sau đây gọi chung là chấp thuận đầu tư) có liên quan tới
tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông với tổng vốn đầu tư khoảng
732,33 tỷ đồng; diện tích đất đăng ký khoảng 48,36 ha. Trong đó, trên địa bàn
thành phố Bắc Giang có 8 dự án, huyện Hiệp Hòa có 18 dự án, Lục Nam 11 dự án,
Tân Yên 3 dự án, Việt Yên 15 dự án, Yên Dũng 22 dự án, Yên Thế 3 dự án, Lạng
Giang 5 dự án (Chi tiết theo Biểu số 1 kèm theo).
Trong 85 dự án đầu tư được chấp thuận
đến nay đã có 81 dự án đi vào hoạt động; 01 dự án bị chấm dứt hoạt động (có 20
dự án chưa được cho thuê đất nhưng đã hoạt động theo hiện trạng trước khi chấp
thuận đầu tư).
Bên cạnh những dự án đã được chấp thuận
đầu tư thì trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại những bến bãi đang hoạt động
mà chưa được chấp thuận do các bến bãi này đã hoạt động từ nhiều năm trước, các
chủ bến đã ký hợp đồng nhiều năm và trả tiền một lần với UBND cấp xã. Theo thống
kê, toàn tỉnh, hiện có 84 bãi kinh doanh vật liệu xây dựng
chưa được chấp thuận đầu tư. Trong đó, tập trung nhiều nhất
là tại huyện Lục Nam với 21 bến bãi; huyện
Hiệp Hòa với 16 bến bãi; huyện Việt Yên với 14 bến bãi;
huyện Yên Thế với 12 bến bãi; huyện Lạng Giang 07 bến bãi;
huyện Tân Yên với 05 bến bãi; huyện Yên Dũng 04 bến bãi; huyện Sơn Động 03 bến
bãi; thành phố Bắc Giang 02 bến bãi.
(Chi tiết theo Biểu số 2,
Biểu số 3 kèm theo)
2. Về việc cấp
phép hoạt động bến thủy nội địa
Trong tổng số 85 dự án được chấp thuận
đến nay chỉ có 21 dự án được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Tuy nhiên có
17 giấy phép đã hết hạn, còn lại 4 dự án còn hạn Giấy phép hoạt động bến thủy nội
địa trong đó 3 dự án đến 2022 là hết hạn, 01 dự án còn hạn đến năm 2051 (Chi
tiết theo Biểu số 4 kèm theo)
3. Về thuê đất
Trong tổng số 85 dự án đã được chấp
thuận đến nay có:
- Có 61 được cho thuê đất để thực hiện
dự án với tổng diện tích đã cho thuê khoảng 28 ha (trong đó có 58 dự án được
cho thuê toàn bộ diện tích đất đã được chấp thuận; 03 dự án được cho thuê một
phần diện tích đất thực hiện dự án). (Chi tiết theo Biểu số 5, Biểu số 6 kèm
theo)
- Có 23 dự án chưa được thuê đất (Biểu
số 7 kèm theo);
- Có 01 dự án đã bị chấm dứt hoạt động
do Nhà đầu tư do không triển khai thực hiện dự án vi phạm điểm g, khoản 1, Điều
48 Luật Đầu tư năm 2014.
3. Kết quả hoạt
động
- Về khối lượng trung chuyển: Ước
tính, mỗi năm khối lượng vật liệu xây dựng trung chuyển qua các bãi chứa ven
sông khoảng 3.534.000 m3 vật liệu xây dựng (cát, sỏi) (chỉ tính các
bãi được chấp thuận đang hoạt động) (tổng công suất trung chuyển của các bãi chứa
ven sông đã được chấp thuận là 3.709.000 m3/năm).
- Về doanh thu: Ước tính mỗi năm đạt
khoảng 1.130 tỷ đồng.
4. Về chấp hành
các quy định của pháp luật
- Môi trường: Các dự án đầu tư khi đi
vào hoạt động còn chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và thực
hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của nhà đầu tư còn chưa được nghiêm chỉnh.
Tình trạng bụi phát sinh từ hoạt động bốc xếp vật liệu xây dựng xảy ra phổ biến
ở hầu hết các bãi kinh doanh mà chưa được khống chế, ảnh hưởng đến đời sống của
nhân dân tại khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, các vật liệu thải loại chưa được
thu gom, tập kết triệt để, còn có hiện tượng xả thải trực tiếp xuống lòng sông
làm cản trở dòng chảy.
- Bảo vệ đê điều, phòng chống lũ lụt:
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều và phòng chống lụt
bão của các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông nhìn chung còn chưa
nghiêm. Còn có hiện tượng tập kết vật liệu xây dựng vào hành lang bảo vệ đê hoặc
tập kết vào phần diện tích đất chưa được cho thuê. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ,
các nhà đầu tư chưa chấp hành nghiêm việc không tập kết vật liệu xây dựng theo
đúng quy định.
- Giao thông: Việc bốc xếp vật liệu
xây dựng từ sông lên các bãi trung chuyển và việc vận chuyển vật liệu từ các
bãi trung chuyển đến nơi tiêu thụ còn nhiều bất cập. Việc vận chuyển đường thủy,
neo đậu để bốc xếp vật liệu xây dựng còn chưa đúng với các điểm được cấp phép
hoạt động bến thủy nội địa. Việc vận chuyển đường bộ chưa đúng quy định; còn có
tình trạng Nhà đầu tư sử dụng xe quá khổ, quá tải; không đảm bảo tải trọng, ảnh
hưởng đến việc bảo vệ đê điều (các tuyến đường xung quanh các bãi kinh doanh vật
liệu xây dựng ven sông xuống cấp rất nhanh, không đảm bảo an toàn cho đi lại của
nhân dân địa phương). Các Nhà đầu tư, chủ phương tiện thường tìm cách trốn
tránh hoặc ngừng hoạt động khi phát hiện việc tuần tra kiểm soát của lực lượng
chức năng khi vận chuyển vật liệu.
II. THỰC TRẠNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BẾN THỦY NỘI ĐỊA VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬT
LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG
1. Công tác quy
hoạch
1.1. Công tác quy
hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi
Để làm căn cứ pháp
lý cho công tác quản lý việc cấp phép hoạt động bến bãi, đáp ứng yêu cầu bến bãi
kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông (trung chuyển cát, sỏi), UBND tỉnh đã chỉ
đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi.
Trên cơ sở tham mưu
của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2102/QĐ-UBND
ngày 26/12/2012 phê duyệt quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang đến năm 2020 với 61 bãi chứa cát sỏi ven sông, tổng diện tích là
841.551 m2, sức chứa khoảng 1.683.102 m3.
Đồng thời, đối với
những khu vực có điều kiện địa hình, địa chất không phù hợp; những khu vực có
lòng sông, bãi bồi hẹp, có hiện tượng sạt lở bờ sông dễ ảnh hưởng tới sự an
toàn của đê điều và khả năng thoát lũ, UBND tỉnh đã khoanh định 60 khu vực cấm
tập kết, kinh doanh cát sỏi.
Trong quá trình thực
hiện quy hoạch, căn cứ nhu cầu thực tế, UBND tỉnh đã 02 lần điều chỉnh để phù hợp
với tình hình thực tế của địa phương:
Lần 1, tại Quyết định
số 1171/QĐ-UBND ngày 08/8/2014. Theo đó, đã bổ sung 30 khu vực quy hoạch
bãi ven sông chứa cát, sỏi với tổng diện tích 333.000 m2, sức chứa
545.650 m3. Đưa ra khỏi quy hoạch 04/61 khu vực bãi chứa có tổng diện
tích 53.560 m2, sức chứa 107.120 m3. Điều chỉnh 14/61 khu
vực quy hoạch bãi ven sông chứa cát, sỏi với tổng diện tích 196.470 m2,
sức chứa 339.955 m3. Điều chỉnh 05/60 khu vực cấm tập kết, kinh
doanh cát sỏi có tổng diện tích 73.400 m2, sức chứa 95.100 m3.
Lần 2, tại Quyết định số
1502/QĐ-UBND ngày 22/9/2016. Theo đó, đã bổ sung vào Quy hoạch bãi ven sông chứa
cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 thêm 31 khu vực, với tổng diện
tích 352.700m2, sức chứa 749.900m3; Đưa ra khỏi quy hoạch
02 khu vực bãi chứa cát, sỏi (đã được phê duyệt theo Quyết định số 2102/QĐ-UBND
ngày 26/12/2012, số 1171/QĐ-UBND ngày 08/8/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh), với tổng
diện tích 31.460m2, sức chứa 63.000m3.
Việc quy hoạch bãi ven sông chứa
cát sỏi chưa được xem xét cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Có đến 25% vị
trí bãi ven sông chứa cát sỏi không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
1.2. Quy hoạch về cảng, bến thủy
nội địa:
1.2.1. Quy hoạch cảng thủy nội địa
Trên địa bàn tỉnh có 03 cảng thủy nội địa đã được Bộ
GTVT công bố, gồm: Cảng Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Tại km40+000 đến km41+000,
bờ trái Sông Thương); Cảng Á Lữ (Tại km34+800 đến km35+250, bờ trái Sông
Thương) và Cảng tổng hợp Mỹ An (Tại km44+550 đến km45+000, bờ trái sông Lục
Nam).
1.2.2. Quy hoạch bến thủy nội địa (bến hàng hóa)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 179 bến thủy
nội địa hoạt động bốc xếp, trung chuyển hàng hóa ven sông (bến hàng hóa), trong
đó có 167 bến gắn với hoạt động tập kết cát, sỏi, vật liệu ven sông; 13 bến
chuyên dùng phục vụ hoạt động của các nhà máy, dự án...
Trước đây, UBND tỉnh chưa ban hành
quy hoạch mạng lưới bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, để đảm bảo thống
nhất trong quản lý hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông, các sở,
ngành đã tham mưu đề xuất quy hoạch cảng thủy nội địa vào Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Riêng quy hoạch bến thủy nội địa được tích hợp cùng quy hoạch sử dụng đất cấp
huyện.
1.3. Quy hoạch sử dụng đất và
các quy hoạch khác.
Trong quá trình xem xét chấp thuận
chủ trương đầu tư có đến 30% số dự án không đồng bộ quy hoạch sử dụng đất với
quy hoạch bãi ven sông chứa cát sỏi, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông
thôn mới. Thiếu quy hoạch sử dụng đất cho bến thủy nội địa.
2. Công tác phối
hợp trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông
Hoạt động của các bãi kinh doanh vật
liệu ven sông là một hoạt động đặc thù, chịu tác động của nhiều quy định liên
quan. Theo quy định hiện hành, hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng của các bến
bãi ven sông ngoài việc chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật về đất đai,
đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, còn chịu sự điều chỉnh của các quy định của
pháp luật về bảo vệ đê điều; phòng chống lụt bão; cảng, bến thủy nội địa và các
quy định liên quan khác.
Để quản lý hoạt động của các dự án
kinh doanh vật liệu ven sông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 5 năm 2013 ban hành Quy định Quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi
lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Quyết định trên đã quy định các điều kiện để sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi;
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt
động trên.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh chấp
thuận các dự án đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông. Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quản lý hoạt động khai thác
cát, sỏi lòng; giải quyết việc cho thuê đất sử dụng làm bãi ven sông chứa cát,
sỏi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối quản lý hoạt động sử dụng
các bãi ven sông chứa cát, sỏi; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi
phạm về sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trái phép. Sở Giao thông vận tải là
cơ quan chủ trì thực hiện việc cấp giấy phép mở bến thủy
nội địa trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hoạt động xây dựng bãi ven
sông chứa cát, sỏi trái phép trên địa bàn địa phương; tổ chức giải tỏa các bãi ven sông chứa cát, sỏi không nằm trong quy
hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh đã bãi bỏ
Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2013 nêu trên (tại Quyết định
số 21/2020/QĐ-UBND ngày 07/7/2020 của UBND tỉnh).
Mặc dù đã có các quy định rõ trách
nhiệm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông
nhưng công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện chức năng quản
lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông còn nhiều bất cập,
chưa thật sự đồng bộ; ảnh hưởng đến triển khai, thực hiện các thủ tục liên quan
khác, như:
- Khi đăng ký thực hiện dự án; nhà đầu
tư chỉ đăng ký mục tiêu của dự án là trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng
ven sông nên trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án không có nội
dung đầu tư xây dựng bến thủy nội địa. Do đó không đủ căn cứ để Sở Giao thông vận
tải cấp phép hoạt động của bến thủy nội địa. Tuy nhiên, khi tham gia ý kiến về
hồ sơ đề nghị thực hiện dự án của các nhà đầu tư, các cơ quan chuyên môn liên
quan không cho ý kiến về nội dung này, dẫn đến dự án của Nhà đầu tư khi triển
khai đã gặp vướng mắc.
- Công tác kiểm tra việc triển khai
thực hiện dự án của các cơ quan chuyên môn và các địa phương tuy đã được thực
hiện nhưng còn riêng lẻ, chưa có sự phối hợp đồng bộ dẫn đến việc vi phạm của
nhà đầu tư nhưng các cơ quan chuyên môn liên quan không giải quyết được triệt để
(như việc các bến bãi hoạt động mà chưa được cấp giấy phép hoạt động của bến thủy
nội địa đã diễn ra trong thời gian dài).
Trong giai đoạn vừa qua, UBND các huyện,
thành phố đã tiến hành kiểm tra xử phạt đối với 19 dự án vi phạm liên quan đến
lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng với tổng số tiền xử phạt trên
382 triệu đồng. Các vi phạm của nhà đầu tư chủ yếu do chấp hành không nghiêm
các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, bảo vệ đê điều và xây dựng.
III. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Kết quả đạt
được
Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt
động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh được các sở,
ngành; UBND các huyện thành phố từng bước quan tâm. Các sở ngành liên quan đã
chủ động xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy hoạch và quy định
để làm cơ sở quản lý hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông.
Các dự án đầu tư xây dựng bến bãi
kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông được chấp thuận góp phần sắp xếp lại hệ thống
các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tự phát trên địa bàn tỉnh để đảm bảo
an toàn cho dòng chảy, đê điều, thoát lũ và môi trường ven sông.
Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần
không nhỏ vào tăng trưởng của ngành xây dựng trong thời gian vừa qua; giúp bình
ổn giá vật liệu xây dựng ở các địa phương và đáp ứng nhu cầu của nhân dân về vật
liệu xây dựng.
2. Những tồn tại,
hạn chế, vướng mắc
2.1. Những tồn tại, hạn chế
2.1.1. Về phía các cơ quan nhà nước.
Công tác xây dựng quy hoạch liên quan
đến hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông còn chưa được đầy đủ (các dự
án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông phải phù hợp với quy hoạch cảng, bến
thủy nội địa; tuy nhiên các cơ quan chuyên môn chưa kịp thời tham mưu cho UBND
tỉnh ban hành quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hoặc một số vị trí
được quy hoạch là bãi chứa cát sỏi ven sông nhưng lại không phù hợp với các quy
hoạch liên quan khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch
đô thị,...).
Công tác thanh tra, kiểm tra đối với
các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông còn chưa được tiến hành thường
xuyên, đặc biệt là các vấn đề về môi trường, hoạt động của bến thủy nội địa
chưa được chú trọng.
Việc giải tỏa các bãi ven sông kinh
doanh vật liệu xây dựng không phù hợp với quy hoạch hoặc chưa được chấp thuận đầu
tư chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt dẫn đến còn nhiều
bến bãi không phù hợp với quy hoạch vẫn đang hoạt động.
Việc phối hợp giải quyết các vướng mắc
cho nhà đầu tư còn chưa kịp thời và chưa hiệu quả, nhất là việc chấp thuận đầu
tư, cấp phép xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa.
2.1.2. Về phía các nhà đầu tư
Việc chấp hành các quy định của pháp
luật trong quá trình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cát sỏi ven
sông chưa được nghiêm. Còn có tình trạng các dự án kinh
doanh vật liệu xây dựng ven sông đi vào hoạt động nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện
đầy đủ các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; cấp phép hoạt động
của bến thủy nội địa.
Các dự án đầu tư xây dựng bãi kinh
doanh vật liệu xây dựng ven sông phần lớn là các dự án nhỏ lẻ, được hình thành
từ tập quán kinh doanh của các hộ gia đình cá nhân; có nhiều chủ hộ hoạt động
kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trái phép, ảnh hưởng lớn đến môi trường,
đê điều, giao thông, an ninh trật tự vv...
2.2. Những vướng mắc trong việc thực
hiện dự án
a) Vướng mắc trong việc cho thuê đất
để thực hiện dự án
Theo quy định tại mục a, điểm 5, khoản
13, Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi,
bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sau đây gọi
là Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) thì đối với dự án được thực hiện trên khu đất
chỉ có đất công ích thì UBND cấp có thẩm quyền Quyết định thu hồi đất để giao đất,
cho thuê đất thực hiện dự án độc lập theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất
theo quy định. Và quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP
thì đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh mà có diện
tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích và có thể tách thành dự án độc
lập đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất
thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy đối với các dự án bến bãi đã
được chấp thuận đầu tư thực hiện trên khu đất chỉ có đất công ích hoặc có phần
diện tích đất công ích đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập, mà trước ngày
8/2/2021 chưa được giao đất, cho thuê đất sẽ phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng
đất theo quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP .
b) Vướng mắc trong việc mở bến thủy
nội địa đối với dự án
Khi đầu tư xây dựng bến thủy nội địa,
Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất để
được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định tại khoản 1 Điều 5
Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 Quy định về quản lý cảng, bến thủy
nội địa. Trong đó điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư và thuê đất là
phải phù hợp với các quy hoạch được duyệt bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất; quy
hoạch xây dựng... Đồng thời, đối với các công trình xây dựng phục vụ hoạt động
của bến thủy nội thì phải tuân theo quy định tại Điều 25 của Luật Đê điều (phải
có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các công trình xây
dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, bờ sông thuộc đê cấp cấp III trở
lên).
Bên cạnh đó, Theo
quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020
của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi
sông thì:
“1. Tổ chức, cá nhân được phép
khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác
tại các bến, bãi phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi
nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường
thủy nội địa”
Như vậy, theo quy định trên thì tất cả
các dự án tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông phải nằm trong phạm vi cảng đường
thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, đối
với hoạt động của các bãi ven sông kinh doanh vật liệu xây dựng chỉ có một số vị
trí phù hợp với quy hoạch Cảng thủy nội địa, do đó, việc xem
xét chấp thuận đầu tư cho các dự án bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ven
sông còn gặp khó khăn, vướng mắc.
3. Nguyên nhân
của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc
3.1. Nguyên nhân khách quan
Những vướng mắc trên đây trước hết đến
từ sự không đồng bộ giữa các quy định của pháp luật liên quan với thực tế hoạt
động của các bãi ven sông kinh doanh vật liệu xây dựng. Một số quy định về sử dụng
đất công (Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020) và quản lý cát, sỏi lòng
sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020) mới
được ban hành đã gây khó khăn cho các dự án đầu tư đã được chấp thuận trước đó.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
Đối với các dự án đang hoạt động
nhưng chưa được cho thuê đất, nguyên nhân là các Nhà đầu tư (chủ yếu là các hộ
gia đình, cá nhân) trước đó thuê lại mặt bằng với thôn, xã để hoạt động sau đó
mới làm thủ tục xin chấp thuận đầu tư. Sau khi được chấp thuận đầu tư, các nhà
đầu tư không chủ động, tích cực hoàn thiện thủ tục thuê đất để thực hiện dự án
theo quy định.
Ý thức chấp hành của một số nhà đầu
tư còn hạn chế dẫn tới tình trạng tự ý có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng
ven sông mà chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan về đất đai, xây dựng,
môi trường sau khi được chấp thuận đầu tư.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt
động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông có giai đoạn còn chưa được quan tâm
đúng mức. Một số cơ quan chuyên môn chưa thực sự tích cực, chủ động xây dựng kế
hoạch kiểm tra, giám sát dẫn tới chậm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Công tác phối hợp trong quản lý của một số cơ quan nhà nước còn chưa tốt; chưa
chủ động trọng việc phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan và tháo gỡ khó khăn
vướng mắc cho nhà đầu tư.
PHẦN THỨ HAI
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BẾN THỦY NỘI ĐỊA VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬT
LIỆU XÂY DỰNG VEN SÔNG
I. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1. Quan điểm
Việc xem xét chấp thuận
chủ trương đầu tư các bãi ven sông kinh doanh vật liệu xây dựng và cấp phép hoạt
động cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch, bảo đảm an toàn đê điều,
thoát lũ và môi trường ven sông; phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Các tổ chức, cá nhân
kinh doanh các bãi vật liệu xây dựng ven sông phải thực hiện đầy đủ các thủ tục
hành chính có liên quan theo quy định của pháp luật.
Việc tháo gỡ khó
khăn cho các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông phải đảm bảo đúng các
quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế, đặc thù của hoạt động kinh doanh
vật liệu xây dựng ven sông.
2. Mục tiêu
- Về quy hoạch: Hoàn thành việc rà
soát, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy hoạch (sử dụng đất; đô thị; xây dựng
nông thôn mới; cảng, bến thủy nội địa,...) trong tháng 7/2021.
- Rà soát, xử lý các dự án đã được chấp
thuận đầu tư có đất công:
+ Rà soát phân loại dự án phải đấu
giá quyền sử dụng đất, hoặc tách thành dự án độc lập: Hoàn thành trong tháng
7/2021.
+ Xử lý các dự án đã được chấp thuận
đầu tư: Hoàn thành trong năm 2021
+ Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất:
Hoàn thành trong năm 2022
- Về cấp giấy phép hoạt động bến thủy
nội địa của các dự án đã được cho thuê đất: Cơ bản hoàn thành trong năm 2022.
- Về thực hiện giải tỏa, xóa bỏ đối với
các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trái phép: Hoàn thành trong năm
2021.
- Về chấp thuận các dự án mới: Đến hết
năm 2022 cơ bản chấp thuận hết các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông
đủ điều kiện. Tổng công suất trung chuyển của tất cả các dự án đến hết năm 2022
đạt khoảng 5 triệu m3/năm.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG
VEN SÔNG
1. Xử lý đối với
các dự án đã được chấp thuận đầu tư
1.1. Đối với các dự án chưa được
thuê đất (Biểu số 7)
UBND các huyện, thành phố rà soát lại
toàn bộ các dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông,
trong đó làm rõ diện tích đất các dự án là toàn bộ đất
công[1] hoặc có phần diện tích đất công đủ điều
kiện để tách thành dự án độc lập; các dự án không có đất
công hoặc phần diện tích đất công không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập.
Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2021. Căn cứ kết quả rà soát, thực hiện xử
lý như sau:
- Đối với các dự án có diện tích đất sử dụng là
toàn bộ đất công hoặc có phần diện tích đất công đủ điều kiện để tách thành dự
án độc lập:
+ UBND các huyện, thành phố làm việc với các Nhà đầu
tư thông báo không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện dự án trên phần diện tích đất
công đó. Đồng thời, lập danh sách gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và
Môi trường và các cơ quan liên quan. Thời gian thực hiện xong trong tháng
7/2021.
+ Căn cứ kết quả rà soát của UBND các huyện, thành
phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý các dự án trên theo quy định của Luật
Đầu tư. Thời gian hoàn thành trong năm 2021.
+ UBND các huyện, thành phố thực hiện thu hồi đất
và tổ chức đấu giá quyền sử đất theo quy định của Luật Đất đai. Thời gian thực
hiện xong trong năm 2022.
- Đối với các dự án không có đất công hoặc phần diện
tích đất công không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập; yêu cầu các Nhà đầu
tư khẩn trương phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện việc giải phóng mặt bằng
và thuê đất theo quy định.
1.2. Đối với các dự án đã được
thuê đất nhưng chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa hoặc giấy phép hoạt
động bến thủy đã hết hạn (Biểu số 8)
- Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các
quy định của pháp luật về đầu tư thông báo và hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện
điều chỉnh dự án đầu tư (bổ sung mục tiêu xây dựng bến thủy nội địa và phần diện
tích đất giáp sông) để đủ điều kiện cấp phép hoạt động bến thủy. Thời hạn hoàn
thành trong năm 2021.
- Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND
các huyện thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ
các quy định của pháp luật về đất đai; bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão và
các quy định liên quan khác để thực hiện cho thuê đất đối với phần diện tích đất
xây dựng bến thủy nội địa theo quy định. Thống nhất, mục đích sử dụng đất của dự
án là đất thương mại dịch vụ, bao gồm cả phần diện tích đất mở bến
thủy nội địa.
- Sở Giao thông vận tải căn cứ chấp
thuận đầu tư, các thủ tục pháp lý liên quan hướng dẫn nhà đầu tư và thực hiện cấp
phép hoạt động bến thủy cho các dự án đủ điều kiện. Thời gian hoàn thành trong
năm 2022.
2. Xử lý đối với
các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng chưa được chấp thuận đầu tư
2.1. Đối với các vị trí đủ điều kiện
tiếp tục hoạt động (Biểu số 9)
- UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát các trường hợp đảm bảo
an toàn đê điều, phòng, chống thiên tai; thực hiện rà soát thực hiện điều chỉnh
hoặc kiến nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch
đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác có liên quan (nếu
có) cho phù hợp làm cơ sở xem xét thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án.
Thời gian hoàn thành trong tháng 7/2021.
- Sau khi thực hiện rà soát và điều
chỉnh các quy hoạch có liên quan phù hợp, UBND cấp huyện có trách nhiệm rà soát
nguồn gốc sử dụng đất của các bãi đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất lựa
chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Các vị trí không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất thì thực hiện đấu thầu
lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Thời gian hoàn
thành lựa chọn chủ đầu tư (đấu giá hoặc đấu thầu) trong năm 2022.
2.1. Đối với các vị trí không đủ
điều kiện tiếp tục hoạt động (Biểu số 10)
UBND cấp huyện có trách nhiệm giải tỏa,
hoàn trả mặt bằng theo quy định. Thời gian hoàn thành trong năm 2021.
3. Tăng cường
quản lý hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trong thời gian tới
3.1. Hoàn thiện quy hoạch tỉnh và
các quy hoạch ngành theo hướng tích hợp để làm cơ sở chấp thuận và quản lý dự
án
Căn cứ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời
kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, thực hiện rà soát quy hoạch
sử dụng đất của các địa phương và các quy hoạch khác để đảm bảo thống nhất, làm
cơ sở chấp thuận đầu tư các dự án có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven
sông.
3.2. Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm và phối hợp giữa các cấp, ngành trong công
tác quản lý
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm
tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận
đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và các dự án đầu tư kinh doanh vật liệu xây
dựng ven sông nói riêng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời kịp
thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, thu hồi các dự án của các nhà đầu
tư chậm triển khai, không đầu tư.
3.3. Tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vật liệu
xây dựng ven sông.
Tổ chức tập huấn cho
cán bộ chuyên môn về tài nguyên, môi trường, giao thông, thủy lợi của cấp huyện,
cấp xã để nắm bắt được nội dung các văn bản pháp luật của nhà nước về quản lý,
kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông. Trên cơ sở đó, các cán bộ có trách nhiệm
phổ biến, tuyên truyền cho các chủ đầu tư dự án.
Tuyên truyền, phổ biến
rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của nhà nước về
hoạt động bến bãi và kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông tới mọi tầng lớp
nhân dân, nhất là các địa phương có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người
dân và doanh nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với
các ngành liên quan trong việc thẩm định, trình UBND chấp thuận chủ trương đầu
tư các dự án kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông. Hướng dẫn các nhà đầu tư
chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa hoặc giấy phép hoạt động bến thủy
đã hết hạn thực hiện điều chỉnh bổ sung mục tiêu dự án để đủ điều kiện cấp phép
hoạt động bến thủy theo quy định.
Thực hiện chức năng
quản lý nhà nước các dự án đầu tư bên ngoài các KCN nói chung và các dự án đầu
tư kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông nói riêng. Thường xuyên theo dõi, giám
sát việc thực hiện của các dự án.
Thực hiện xử lý đối
với các dự án có diện tích đất sử dụng là toàn bộ đất công ích hoặc có phần
diện tích đất công ích đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập đã
được chấp thuận đầu tư sau khi có kết quả rà soát của UBND cấp huyện.
Chủ động giải quyết,
tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động
kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải
quyết, xử lý theo quy định.
2. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Tham mưu UBND tỉnh
giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất để thực hiện việc kinh doanh vật
liệu xây dựng ven sông gắn với hoạt động của bến thủy nội địa.
Phối hợp với UBND cấp
huyện rà soát các dự án đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông đã được chấp
thuận đầu tư nhưng chưa thuê đất và không đủ điều kiện để cho thuê đất theo quy
định của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 thông báo cho Nhà đầu tư
và thực hiện quy trình thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu
tư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện khoanh vùng, cắm biển báo các khu vực
bãi ven sông cấm tập kết, kinh doanh cát sỏi để giao cho địa phương quản lý, bảo
vệ.
3. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan thực hiện cắm biển báo các
khu vực bãi ven sông cấm tập kết, kinh doanh cát sỏi để giao cho địa phương quản
lý, bảo vệ.
Tăng cường công tác
kiểm tra, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xử lý những trường hợp tập
kết cát sỏi vi phạm hành lang an toàn các công trình thủy lợi và hệ thống đê điều.
Tham mưu cho Chủ tịch
UBND tỉnh cấp phép để vật liệu ở bãi ven sông theo quy định Luật Đê điều.
4. Sở Giao
thông vận tải
Hướng dẫn các nhà đầu tư và thực hiện
việc cấp phép hoạt động bến thủy cho các dự án đủ điều kiện theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch các bến
thủy nội địa trên địa bàn tỉnh để thống nhất danh sách các bãi kinh doanh vật
liệu xây dựng đủ điều kiện để mở bến thủy nội địa.
Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
của các bến, bãi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các thủ tục pháp lý liên
quan hướng dẫn nhà đầu tư và thực hiện cấp phép hoạt động bến thủy cho các dự
án đủ điều kiện.
5. Công an tỉnh
Tăng cường công tác
kiểm tra, xử lý các phương tiện, chủ phương tiện hoạt động, vận chuyển vật liệu
xây dựng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; vi phạm các
quy định về an toàn giao thông (cả đường thủy và đường bộ).
Phối hợp với các cơ
quan liên quan trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các bến bãi kinh doanh vật liệu
xây dựng, khoáng sản, bến thủy nội địa không thực hiện đúng các quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường, đê điều; phòng chống lụt bão và gây mất an
ninh, trật tự.
6.
Cục Thuế tỉnh
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật về thuế, phí đối với Người nộp thuế hoạt động
trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế theo
thẩm quyền (nếu có); công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, các trường
hợp vi phạm pháp luật về thuế.
7. UBND cấp huyện
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát các trường hợp đảm bảo an toàn đê điều,
phòng, chống thiên tai; đồng thời rà soát các dự án đầu tư có hoạt động kinh
doanh vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn đã được chấp thuận đầu tư mà chưa
được thuê đất; đối với các dự án có diện tích đất sử dụng là toàn bộ đất
công hoặc có phần diện tích đất công đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập; tổ chức làm việc với các Nhà đầu tư thông báo không đủ điều kiện
tiếp tục thực hiện dự án; thực hiện thu hồi đất và tổ chức
đấu giá quyền sử đất theo quy định của Luật Đất đai.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện xử lý,
giải tỏa, toàn bộ các bến bãi đang hoạt động mà không đủ điều kiện để chấp thuận
đầu tư.
Rà soát nguồn gốc sử dụng đất của các
bến bãi ven sông đang hoạt động và đủ điều kiện để chấp thuận đầu tư. Thực hiện
điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch liên quan để đủ điều kiện chấp
thuận đầu tư. Đối với các vị trí đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất lựa
chọn nhà đầu tư thì tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về
đất đai; các vị trí không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất thì thực hiện
đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tăng cường công tác
kiểm tra; phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xử lý những trường hợp tập
kết cát sỏi vi phạm hành lang an toàn các công trình thủy lợi và hệ thống đê điều;
sử dụng bãi chứa cát sỏi trên địa bàn không đúng mục đích và tập kết loại cát sỏi
không rõ nguồn gốc.
8. UBND cấp xã
Có trách nhiệm quản
lý, bảo vệ, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh
vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại
khu vực.
Thường xuyên theo
dõi, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý hoạt động của
các bến bãi kinh doanh không đúng quy định.
9.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông
Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các
thủ tục hành chính liên quan để triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định
của pháp luật; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng,
đất đai, môi trường, quản lý đê điều, phòng chống lụt bão; các quy định về mở bến
thủy nội địa và các quy định liên quan khác.
Định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng
năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện và hoạt động của dự án về Sở Kế hoạch
và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố (nơi thực hiện dự án).
10. Các sở, ngành,
UBND các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ cụ thể được giao trong đề án, chủ động
xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện của đơn vị mình và trình phê duyệt theo
quy định (hoàn thành trong tháng 5/2021). Định kỳ, 6 tháng, hằng năm tổng hợp kết
quả gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo UBND tỉnh.
[1] Đất công là đất
do Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai, đất nông
nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất mà người đang sử dụng đất không có
quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của
pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất)