Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4042/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Mai Xuân Liêm
Ngày ban hành: 14/10/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4042/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 10 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN TRIỆU SƠN, TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2045

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 44/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định của pháp luật có liên quan;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 7509/SXD-QH ngày 13 tháng 10 năm 2021 về việc đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 (kèm theo Tờ trình số 5669/TTr-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2021 của UBND huyện Triệu Sơn).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, với nội dung chính sau:

1. Phạm vi, ranh giới, diện tích lập quy hoạch

- Phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Triệu Sơn gồm 34 đơn vị hành chính cấp xã (02 thị trấn, 32 xã), có ranh giới như sau:

+ Phía Bắc: huyện Thiệu Hóa và huyện Thọ Xuân;

+ Phía Nam: giáp huyện Như Thanh và huyện Nông Cống;

+ Phía Đông: giáp huyện Đông Sơn;

+ Phía Tây: giáp huyện Như Thanh, Thọ Xuân và Thường Xuân.

- Quy mô diện tích tự nhiên huyện Triệu Sơn khoảng 290,04km2.

2. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch

2.1. Quan điểm

- Tuân thủ Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Sơn lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo phương án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

- Phát triển kinh tế - xã hội của huyện Triệu Sơn phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình cấp trên, các quy hoạch ngành; Kế thừa các quy hoạch, đề án đã và đang triển khai trên địa bàn. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với nâng cao chất lượng văn hóa - xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân trong huyện.

- Phát huy hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng; thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện, khai thác có hiệu quả các nguồn lực hiện có. Tận dụng triệt để các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật lớn của quốc gia và của tỉnh đi qua địa bàn huyện, đặc biệt là lợi thế các tuyến giao thông đường bộ: Quốc lộ 47, đường Nghi Sơn - Sao Vàng, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường nối thành phố Thanh Hoá với đường đường Nghi Sơn - Sao Vàng, đường nối 3 quốc lộ (QL47, QL45, QL217) để tạo cơ hội thu hút đầu tư phát triển phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, vận tải..., đáp ứng vai trò là vùng đệm, nằm giữa tam giác tăng trưởng tạo bởi 3 trung tâm kinh tế động lực: thành phố Thanh Hoá - Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng, KKT Nghi Sơn.

2.2. Mục tiêu lập quy hoạch

- Cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung, thống nhất với các định hướng của ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Xây dựng vùng huyện Triệu Sơn thành vùng phát triển năng động với mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và an ninh - quốc phòng.

- Phát huy được các tiềm năng thế mạnh, khai thác mối quan hệ ngoại vùng, thế mạnh về đầu mối giao thông, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, năm 2021 huyện Triệu Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh, xây dựng huyện kiểu mẫu; đến năm 2030 hoàn thành huyện kiểu mẫu với hệ thống HTKT đạt tiêu chí đô thị loại IV, có vai trò là điểm kết nối ba cực tăng trưởng của tỉnh: Thành phố Thanh Hoá - KKT Nghi Sơn - Thọ Xuân; là vùng hỗ trợ quan trọng cho hai cụm động lực thành phố Thanh Hoá - Sầm Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng; Giai đoạn 2030 - 2045, hoàn thiện HTKT và HTXH đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, hướng tới thành lập thị xã.

3. Tính chất

- Là vùng phát triển nông nghiệp năng suất chất lượng cao, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử.

- Là vùng đệm, nằm giữa tam giác tăng trưởng hình thành bởi 3 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh (thành phố Thanh Hoá - Lam Sơn - Sao Vàng - KKT Nghi Sơn); đảm nhận các chức năng phụ trợ, giảm áp lực về đô thị, môi trường cho các trung tâm kinh tế động lực; gìn giữ các không gian xanh, các quỹ đất dự trữ.

4. Các dự báo phát triển

4.1. Quy mô dân số

- Dân số toàn huyện năm 2020 khoảng 204.005 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 12%; đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20%.

- Dự báo đến năm 2030, dân số toàn huyện (bao gồm cả dân số quy đổi) đạt khoảng 250.000 người, dân số đô thị khoảng 100.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%.

- Dự báo đến năm 2045, dân số toàn huyện đạt khoảng 308.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi), dân số đô thị khoảng 169.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55%.

4.2. Quy mô đất đai

- Hiện trạng đất xây dựng năm 2020 khoảng 8.000ha; bình quân 395ha/người.

- Dự báo nhu cầu sử dụng đất xây dựng theo giai đoạn:

+ Giai đoạn 2021- 2030 khoảng 9.000ha - 10.000 ha;

+ Giai đoạn 2031- 2045 khoảng 12.000 ha - 13.000 ha.

5. Định hướng phát triển không gian vùng

5.1. Mô hình cấu trúc phát triển không gian vùng

Phát triển không gian vùng huyện Triệu Sơn theo mô hình “Tựa núi - hướng đồng bằng” với 3 dải phát triển:

- Dải Tây Bắc núi Nưa: Gồm các khu vực hai bên trục Quốc lộ 47 ( trục hành lang kinh tế trung tâm), từ đô thị Đà đến giáp đô thị Lam Sơn - Sao Vàng;

- Dải trung tâm: Gồm các khu vực hai bên trục tỉnh lộ 514, từ khu vực đô thị Thiều - thị trấn Triệu Sơn - đô thị Sim;

- Dải phía Đông Nam: Gồm các khu vực hai bên trục đường từ TP. Thanh Hoá nối với đường CHK Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, từ đô thị Gốm - thị trấn Nưa - núi Nưa;

Mỗi dải phát triển bao gồm các tụ điểm đô thị gắn với các cụm công nghiệp, dịch vụ trên các trục gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp xung quanh.

5.2. Xác định các phân vùng

a) Các phân vùng để kiểm soát quản lý phát triển

- Vùng 1 (vùng phía Tây Bắc): Gắn với Trung tâm kinh tế động lực Lam Sơn - Sao Vàng; Bao gồm đô thị Đà (Thọ Dân, Thọ Ngọc, Thọ Cường) và 08 xã: Thọ Sơn, Thọ Bình, Thọ Tiến, Bình Sơn, Hợp Lý, Xuân Thọ, Xuân Thịnh, Xuân Lộc. Dân số hiện trạng của vùng khoảng 55.937 người, chiếm khoảng 27% dân số toàn huyện. Trong đó lấy đô thị Đà là trung tâm vùng. Định hướng là vùng phát triển chủ yếu về nông nghiệp an sinh, lâm nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái vùng đồi (homstay và farmstay), công nghiệp, làng nghề và đô thị.

- Vùng 2 (vùng trung tâm): Là vùng trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục của huyện; Bao gồm thị trấn Triệu Sơn, đô thị Sim ( Hợp Thắng, Hợp Thành) và 11 xã: Thọ Vực, Thọ Phú, Thọ Thế, Thọ Tân, Hợp Tiến, Triệu Thành, An Nông, Dân Lý, Dân Quyền, Dân Lực, Minh Sơn. Dân số hiện trạng của vùng khoảng 89.501 người, chiếm khoảng 44% dân số toàn huyện. Trong đó lấy thị trấn Triệu Sơn và đô thị Sim là trung tâm vùng.. Định hướng phát triển chủ yếu về đô thị, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

- Vùng 3 (vùng Đông Nam): Gắn với Trung tâm kinh tế động lực thành phố Thanh Hoá - Sầm Sơn; Bao gồm thị trấn Nưa, đô thị Gốm ( Đồng Tiến, Đồng Lợi, Đồng Thắng) và các xã: Tiến Nông, Khuyến Nông, Nông Trường, Vân Sơn, Thái Hoà. Dân số hiện trạng của vùng khoảng 58.060 người, chiếm khoảng 29% dân số toàn huyện. Thị trấn Nưa và đô thị Gốm là trung tâm vùng. Định hướng là vùng phát triển chủ yếu về công nghiệp, đô thị, du lịch văn hóa lịch sử, đầu mối giao thông của tỉnh, dịch vụ logictics, nông nghiệp an sinh, nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và khai thác khoáng sản.

b) Các vùng hạn chế phát triển

Gồm những khu vực:

- Vùng di tích thắng cảnh Ngàn Nưa gắn với rừng tự nhiên núi Nưa;

- Các khu vực bảo vệ di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện;

- Khu vực cảnh quan vùng đồi, vùng hồ đầm, sinh thái nông nghiệp tại các xã Thọ Bình, Thọ Sơn, Bình Sơn, Triệu Thành, Thái Hoà, Vân Sơn;

- Các khu vực đất Quốc phòng an ninh hiện có và các khu đất đã được quy hoạch cho nhiệm vụ Quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm trường bắn của bộ chỉ huy quân sự tỉnh, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ công an, thao trường huấn luyện trung đoàn 3 sư đoàn 324....);

- Khu vực mỏ Cromit (thị trấn Nưa, xã Thái Hòa và xã Vân Sơn): Cần có kế hoạch khai thác có kiểm soát, thận trọng, cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và kiểm soát cảnh quan, giá trị lịch sử khu vực Ngàn Nưa.

5.3. Tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn

a) Hệ thống đô thị

* Giai đoạn 2021 đến năm 2030:

- Dự kiến thành lập thêm 03 đô thị mới, gồm:

+ Đô thị Gốm (gồm các xã: Đồng Thắng, Đồng Tiến, Đồng Lợi): là đô thị loại V, diện tích 1.990,5 ha (~19,9 km2); Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 30.000 người;

+ Đô thị Sim (gồm các xã: Hợp Thành và xã Hợp Thắng): là đô thị loại V, diện tích 1.615,4 ha (~16,2 km2); dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 17.000 người;

+ Đô thị Đà (gồm xã Thọ Dân, Thọ Ngọc, Thọ Cường): là đô thị loại V, diện tích 1.899 ha (~18,9km2); dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 21.000 người;

- Mở rộng thị trấn Triệu Sơn: Gồm diện tích thị trấn Triệu Sơn hiện tại và toàn bộ xã Minh Sơn; dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 27.000 người;

- Lập điều chỉnh mở rộng QHC đô thị Thiều trên phạm vi 02 xã Dân Lý và Dân Quyền, làm cơ sở quản lý, tổ chức đầu tư theo quy hoạch đô thị, hướng tới trở thành khu vực đô thị hoá sau năm 2030.

* Giai đoạn 2031-2045:

- Xây dựng huyện Triệu Sơn đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại IV trên toàn huyện, hướng tới thành lập thị xã Triệu Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Triệu Sơn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại các Nghị quyết số: 1210/2016/UBTVQH13 và 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55%.

b) Hệ thống nông thôn

- Phát triển các xã nông thôn theo mô hình xây dựng các khu trung tâm xã theo hướng tập trung thành cụm công trình, đảm bảo bán kính phục vụ thuận lợi cho người dân. Các khu dân cư mới phát triển theo cụm nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;

- Tại các xã khu vực nông thôn, dành quỹ đất để bố trí các khu dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn với các khu thương mại, liên kết thuận lợi với khu vực sản xuất (Theo Quyết định số 676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020).

5.4. Phân bố và quy mô các không gian phát triển

a) Không gian phát triển nông nghiệp

* Định hướng chung:

- Đối với ngành trồng trọt: đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; đưa các mô hình, áp dụng chuyển giao và áp dụng các tiến bộ khoa học sản xuất vào phát triển nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sản xuất hiệu quả thấp sang hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

- Đối với chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững, phát triển các vùng chăn nuôi trang trại tập trung tại các xã vùng đồi.

* Các không gian phát triển nông nghiệp:

- Vùng 1: Sản xuất lúa và rau an toàn (theo tiêu chuẩn Viet Gap) năng xuất, chất lượng cao tại các xã: Khuyến Nông, An Nông, Tiến Nông, Nông Trường, Dân Lý; diện tích khoảng 1.500ha.

- Vùng 2: Sản xuất lúa và rau màu (ngô) năng suất, chất lượng khá tại các xã: Thọ Vực, Thọ Phú, Xuân Lộc; diện tích khoảng 700ha.

- Vùng 3: Vùng sản xuất cây ăn quả kết hợp trang trại và nuôi trồng thủy sản tại các xã: Thọ Cường, Thọ Tiến, Thọ Thế, Thọ Tân, Triệu Thành, Xuân Thọ; diện tích khoảng 2000ha.

- Vùng 4: Vùng trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu, kết hợp trang trại, nuôi trồng thủy sản, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và trải nghiệm vùng đồi tại các xã: Thọ Sơn, Thọ Bình, Bình Sơn, Triệu Thành. Diện tích khoảng 5000ha; Vùng bảo tồn rừng phòng hộ tại thị trấn Nưa, xã Thái Hoà, Vân Sơn. Diện tích khoảng 1.230ha.

- Vùng 5: Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Thọ Thế, Thọ Phú, Dân Lực, Xuân Thịnh (400ha), Dân Quyền (250ha), Thái Hoà, Vân Sơn, thị trấn Nưa (400ha).

Ngoài ra còn có vùng chè tại xã Bình Sơn (300ha); vùng hoa, cây cảnh, cây đô thị tại các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Vân Sơn, Thọ Tân, Thọ Dân (700ha), trong đó xây dựng làng nghề hoa cây cảnh tại xã Hợp Lý thành điểm nhấn, thành sản phẩm của du lịch, quảng bá thương hiệu, xây dựng cơ sở hạ tầng và cảnh quan để thu hút khách du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

b) Không gian phát triển công nghiệp, làng nghề và khai thác khoáng sản

* Phát triển công nghiệp: Định hướng đến năm 2045, trên địa bàn huyện có 01 khu công nghiệp (KCN), 10 cụm công nghiệp (CCN), 01 cụm làng nghề. Phát triển khoảng 798ha đất công nghiệp; trong đó:

- KCN tại đô thị Gốm: 262,5ha (thuộc một phần KCN phía Tây thành phố Thanh Hóa).

- Giai đoạn 2021-2030: Quy hoạch 06 Cụm công nghiệp với khoảng 300,5ha đất công nghiệp, bao gồm: CCN Liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền (mở rộng từ 50 ha lên 70 ha), CCN Nưa (20 ha), CCN Hợp Thắng (70 ha), CCN Đồng Thắng (5,5ha), CCN Đồng Thắng II (70 ha), CCN Thọ Ngọc (50 ha), CCN làng nghề Xuân Lộc (15 ha);

- Giai đoạn 2031-2045: Bổ sung thêm 04 cụm CN với quy mô khoảng 235ha gồm: CCN Hợp Thắng II (70ha), CCN Hợp Thắng III (70ha), CCN Hợp Lý (25ha), CCN Thọ Ngọc II (70ha).

* Phát triển các cụm làng nghề: Xây dựng cụm làng nghề Xuân Lộc với diện tích 15ha với các ngành nghề nón lá, sản xuất đũa, hàng mây tre đan, miến gạo, thủ công mỹ nghệ, dệt vải, nuôi ong mật…

* Khu vực khai thác khoáng sản: Mỏ Cromit thuộc phạm vi thị trấn Nưa và các xã Thái Hòa, Vân Sơn đang được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lập dự án khai thác; mỏ đá Đồng Thắng; mỏ Sét làm gạch tuynel tại các xã: Dân Lực, Dân Lý, Thọ Bình, Minh Sơn; mỏ đất san lấp ở các xã: Minh Sơn, Hợp Thắng, Hợp Lý, Thọ Tiến, Thọ Sơn, Thọ Bình thực hiện khai thác theo Luật khoáng sản và Quy hoạch sử dụng đất huyện Triệu Sơn giai đoạn 2021- 2030.

c) Không gian phát triển du lịch

* Các vùng phát triển du lịch:

- Vùng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái: Có quy mô khoảng 300ha tại các xã vùng đồi ( Thọ Sơn, Thọ Bình, Bình Sơn). Đây là khu vực đồi núi thoải, có các vùng hồ rất đẹp, phù hợp với việc phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái (homstay) và nghỉ dưỡng sinh thái gắn với phát triển trang trại (farmstay); kết hợp với du lịch làng hoa, cây cảnh Hợp Tiến, Hợp Lý, Thọ Tân và vùng chè Bình Sơn.

- Vùng phát triển dịch vụ du lịch văn hóa - lịch sử: Khu vực núi Nưa với quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ; địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên), gắn với phát triển vùng trồng đào tại xã Vân Sơn.

- Vùng phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại các xã: Xuân Thịnh, Thọ Thế, Dân Lực, Dân Quyền, Vân Sơn, Thái Hoà, gắn với sự hình thành các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

* Các không gian phát triển du lịch:

- Khu du lịch văn hóa - lịch sử: Quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh - Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên).

- Các điểm du lịch nổi bật khác như: Điểm du lịch đảo cò và phủ Vạn xã Tiến Nông; Điểm du lịch đền thờ Nguyễn Hiệu; Điểm du lịch đền thờ Lê Thì Hiến, Lê Thì Hải; Điểm du lịch đền thờ Lê Bật Tứ; Điểm du lịch sinh thái vùng đồi tại các xã Thọ Bình, Thọ Sơn, Bình Sơn.

- Không gian phát triển du lịch làng nghề, lễ hội: Khôi phục, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống như: Làng nghề đan thúng, rổ rá ở Thọ Tiến, Thọ Cường, Thọ Dân; nón lá xã Xuân Lộc; làm nội thất bằng tre tại làng Chúc Chuẩn, xã Đồng Tiến… Khôi phục lại các tích trò cổ, đặc sắc trước đây: Cướp hệch, kéo ngựa, khảo rể,… bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng tại các lễ hội truyền thống đầu năm như Lễ hội đền Nưa (mùng 9/1); Lễ hội Phủ Tía - Vân Sơn (tháng 2); Lễ hội làng Quần Thanh - Khuyến Nông (mùng 10/1); Lễ hội đền Vua Đinh - Thọ Tân (Tháng 1); Lễ hội làng Quần Hậu - An Nông (Tháng1)...

d) Không gian phát triển thương mại dịch vụ

- Hệ thống chợ: Đến năm 2045, Triệu Sơn có 01 chợ hạng 1 (chợ Giắt) tại thị trấn Triệu Sơn; 05 chợ hạng 2 tại các đô thị; các xã còn lại mỗi xã 01 chợ hạng 3.

- Hệ thống trung tâm thương mại: Đến năm 2030 bố trí 04 Trung tâm thương mại hạng 3 tại thị trấn Triệu Sơn, thị trấn Nưa, đô thị Gốm và khu vực Thiều dựa trên các trục giao thông trọng yếu là quốc lộ 47, quốc lộ 47C cải dịch, đường nối thành phố Thanh Hóa với đường CHK Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn; Sau năm 2030 bổ sung thêm 03 trung tâm thương mại dịch vụ tại các vị trí: Thị trấn Triệu Sơn, đô thị Sim, đô thị Đà.

- Trung tâm thương mại đầu mối chính: Bố trí tại 02 đô thị (thị trấn Triệu Sơn và đô thị Gốm), có chức năng là trung tâm phát luồng hàng hoá và đầu mối các hoạt động thương mại, dịch vụ xã hội của vùng huyện.

- Dịch vụ vận tải: Bố trí tại đô thị Gốm gắn với đường CHK Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn nối thành phố Thanh Hoá và nút giao nhập luồng với đường cao tốc Bắc Nam dự kiến tại xã Đồng Thắng.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

6.1. Hệ thống công trình Y tế

- Nâng cấp quy mô Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn lên khoảng 500 giường, quy mô diện tích khoảng 2,5ha - 3ha; xây dựng Bệnh viện Quốc tế Sao Mai tại đô thị Đà quy mô 450 giường; các bệnh viện, phòng khám đa khoa tại thị trấn Triệu Sơn, thị trấn Nưa và các đô thị theo hình thức xã hội hoá, đảm bảo tiêu chuẩn đô thị 40 giường bệnh/1.000 người.

6.2. Hệ thống công trình Giáo dục

- Ổn định vị trí các trường Trung học phổ thông (THPT) đã đảm bảo tiêu chuẩn, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên như hiện nay. Mở rộng, nâng cấp trường THPT đảm bảo đảm bảo tiêu chuẩn 40 hs/1.000 dân, 10 m2/hs. Quy mô trung bình tối thiểu đạt 3,0 ha/trường.

- Hệ thống giáo dục các cấp (THCS, trường tiểu học và trường mầm non): Các công trình hiện trạng được duy trì nâng cấp, cải tạo; xây mới thêm tại các khu dân cư tập trung, khu đô thị mới đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn đô thị loại IV.

- Khuyến kích hình thành thêm các trường liên cấp trong các khu vực đô thị theo hình thức xã hội hóa.

6.3. Hệ thống công trình hành chính, thiết chế văn hóa - thể thao

* Trung tâm hành chính - chính trị huyện: Ổn định tại thị trấn Triệu Sơn.

* Công trình văn hóa:

- Xây dựng mới trung tâm văn hóa của huyện tại thị trấn Triệu Sơn: quy mô khoảng 8,2 ha, gồm các công trình: nhà bảo tàng, nhà truyền thống, nhà văn hóa thanh thiếu nhi huyện.

- Trung tâm văn hóa tiểu vùng: Xây dựng tại thị trấn Nưa, đô thị Gốm, đô thị Đà, đô thị Sim, đô thị Thiều, bao gồm nhà văn hóa 500 chỗ ngồi, cửa hàng sách dịch vụ văn hóa tổng hợp và một số nhà chức năng sinh hoạt cho các câu lạc bộ. Quy mô đạt tối thiểu 4,0 ha/trung tâm.

* Trung tâm thể dục thể thao (TDTT):

- Trung tâm TDTT cấp huyện tại thị trấn Triệu Sơn: Sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu, bể bơi, sân tập bóng chuyền, cầu lông, sới vật…, có đầy đủ các công trình phụ trợ theo quy định, diện tích khoảng 10 ha.

- Trung tâm TDTT cấp đô thị: Tại thị trấn Nưa, đô thị Gốm, đô thị Thiều, đô thị Đà, đô thị Sim, gồm các công trình sân thể thao cơ bản, trung tâm văn hóa thể thao, Cung văn hóa, nhà thiếu nhi, quy mô khoảng 7 ha/trung tâm.

- Trung tâm TDTT cấp khu ở: 100% các xã và thị trấn đã có sân thể thao; Cải tạo và nâng cấp các khu trung tâm TDTT hiện hữu đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi trung tâm TDTT gồm 1 sân thể thao phổ thông 5.000-8.000m2, nhà luyện tập thi đấu kết hợp nhà văn hóa diện tích 200-300m2, 3-5 sân tập thể thao.

7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

7.1. Định hướng phát triển giao thông

a) Đường bộ cao tốc:

- Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Đoạn qua huyện Triệu Sơn khoảng 4,2km; quy mô 6 làn xe.

b) Quốc lộ (QL):

- Quốc lộ 47: Chiều dài khoảng 16km; thuộc nhóm Quốc lộ chính yếu khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; Quy mô quy hoạch cấp III - IV, 2-4 làn xe.

- Quốc lộ 47C: Chiều dài khoảng: 20,21km; thuộc nhóm Quốc lộ thứ yếu khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; Quy mô quy hoạch cấp III - IV, 2-4 làn xe.

c) Đường tỉnh (ĐT):

- Đường từ Trung tâm TP. Thanh Hóa nối với đường từ CHK Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn đoạn qua huyện Triệu Sơn dài khoảng 5,8km; 6 làn xe. Trong tương lai dự kiến xây dựng một tuyến đường bộ cao tốc trên cao trong phạm vi giải phân cách giữa 18m nối từ Trung tâm TP.Thanh Hóa đi CHK Thọ Xuân. Đến năm 2025 đạt quy mô đường cấp I (Chỉ giới xây dựng từ 65-80m); đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đường cao tốc.

- ĐT.514; ĐT.514B; ĐT.515C; ĐT.517, ĐT519, ĐT.520: Nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV trở lên.

- Tuyến đường từ Nam Sầm Sơn đi CHK Thọ Xuân: Điểm đầu từ điểm giao với đường huyện tại xã Tiến Nông; điểm cuối giao với QL 47 (xã Thọ Ngọc) dài 21,5km, quy mô đường cấp III, 04 làn xe cơ giới.

- Tuyến đường nối ĐT 515C đi ĐT 514: từ ĐT 514 (Hợp Thành) đến nút giao với Quốc lộ 47C (Thọ Vực), dài 8,75km, quy mô đường cấp III, 04 làn xe cơ giới.

- Tuyến đường nối 3 QL 45-47-217 kéo dài: Từ xã Thọ Ngọc đến ĐT 506 (xã Thọ Sơn), dài 7,0km quy mô đường cấp III, 04 làn xe cơ giới.

- Tuyến tránh QL47C: Từ ĐT506 (xã Nông Trường) đến nút giao với Quốc lộ 47C (Chợ Hào - Thọ Phú), dài 10,8km quy mô đường cấp III, 04 làn xe cơ giới.

d) Đường huyện (ĐH):

Gồm các tuyến:

- Tuyến ĐH1 (Thọ Dân - Thọ Bình): 6,5km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH2 (Dân Quyền - Đồng Thắng): 12,1km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH3 (Thọ Sơn -Bình Sơn): 7,9km - quy quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH4 ( Thọ Bình-Bình Sơn): 8,6km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH5 ( Thọ Phú- Thọ Tân): 7,1km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH6 ( Cầu Trắng - Đồng Lợi): 8,4km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH7 ( Vân Sơn - Xuân Du): 4,1km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH8 ( Hợp Tiến - Bồng Sa): 3,2km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH9 ( Thọ Ngọc - Dân Lý): 20,0km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH10 ( Thọ Phú - Thọ Ngọc): 7,8km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH11 ( Thọ Tân - Thọ Sơn): 8,3km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH12( Đồng Lợi - Đồng Tiến): 4,3km, quy mô đường cấp V;

- Tuyến ĐH13 ( Thái Hoà - thị trấn Nưa): 4,4km, quy mô đường cấp V.

Nhằm phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế, dân sinh; các tuyến đường huyện tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng.

đ) Về định hướng phát triển hệ thống giao thông nông thôn:

Hoàn thiện cơ bản mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.

e) Về định hướng quy hoạch xây dựng hệ thống đường gom:

Hệ thống đường gom được tổ chức tại các vị trí xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị và các công trình tập trung lưu lượng giao thông vận tải lớn để kết nối với Quốc lộ tại các điểm đấu nối được duyệt. Vị trí kết nối trực tiếp vào hệ thống quốc lộ phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ chấp thuận trước khi triển khai thực hiện.

* Nút giao thông:

- Dự kiến có 1 Nút giao tại xã Đồng Thắng (theo văn bản số 8143/BGTVT- CQLXD ngày 19/8/2020). là nút giao liên thông giữa tuyến đường Trung tâm TP. Thanh Hóa nối với đường từ CHK Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn và tuyến cao tốc.

- Nút giao cùng mức: Tại tất cả các vị trí giao nhau giữa trục giao thông đối ngoại với trục chính đô thị xây dựng các nút có đảo tự điều chỉnh.

f) Giao thông công cộng:

Quy hoạch trên địa bàn huyện có 4 bến xe loại IV; trong đó: Bến xe thị trấn Triệu Sơn - bến trung tâm, diện tích khu vực bến đỗ tối thiểu 5.000m2; các bến còn lại (bến xe Huyên Hồng, bến xe Nưa, bến xe Sim) mỗi bến đỗ tối thiểu 3.000m2.

Hệ thống bãi đỗ xe , điểm dừng, đỗ trên các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh được xây dựng kết hợp với các khu vực chức năng của đô thị như khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, khu thương mại dịch vụ… tùy theo nhu cầu cụ thể.

Về giao thông công cộng, tiếp tục khai thác, nâng cấp các tuyến xe bus hiện có. Nghiên cứu phát triển các tuyến bus mới theo các tuyến đường tỉnh quy hoạch, tăng cường kết nối huyện với các khu vực trọng điểm trong tỉnh như TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn, CHK Thọ Xuân, Nghi Sơn...

7.2. Định hướng quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

a) Quy hoạch cao độ nền

- Quy hoạch cao độ nền vùng huyện Triệu Sơn cơ bản tôn trọng địa hình tự nhiên đảm bảo thoát nước mặt.

- Khu vực thị trấn Triệu Sơn, Thị trấn Nưa và các đô thị mới cần tôn nền tại các vùng trũng thấp, đảm bảo cao độ xây dựng tối thiểu Hxd ≥ +2,5m. Cao độ mặt đê Hxd ≥ +4,6m, đảm bảo tiêu chuẩn chống lũ thiết kế, phòng chống thiên tai.

- Đối với khu vực làng xóm hiện trạng: Khu vực làng xóm cao độ nền đã ổn định, khó khăn trong việc nâng cao thêm nền do đó sẽ giữ nguyên nền xây dựng hiện trạng và cần bổ sung thêm các tuyến cống thoát nước với độ sâu cống phù hợp, tránh hiện tượng úng ngập xảy ra.

b) Quy hoạch thủy lợi.

Việc thoát nước mặt chủ yếu kết hợp hệ thống các kênh, mương tiêu và các trạm bơm thoát nước mưa cho đô thị và các điểm dân cư ra các hệ thống sông hiện có như sông Hoằng và sông Nhơm. Trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị cần giữ tối đa diện tích bề mặt các hệ thống ao, hồ, đập sẵn có trên địa bàn toàn huyện làm hệ thống điều hòa nước mặt một cách tự nhiên kết hợp với nạo vét lòng dẫn các trục tiêu chính và hệ thống kênh tiêu nội đồng, nâng cấp các trạm bơm tiêu động lực với hệ số tiêu mới, đặc biệt là tiêu cho vùng trũng các xã Đồng Thắng, Đồng Tiến, Đồng Lợi.

7.3. Định hướng cấp nước

* Nhu cầu cấp nước toàn huyện đến năm 2045 khoảng 54.800 m3/ngđ.

* Nguồn cấp nước thô:

- Hệ thống Bái Thượng là nguồn nước mặt chính được sử dụng cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cho các đô thị huyện Triệu Sơn.

- Giai đoạn đầu, dùng nguồn nước thô từ kênh Nam cấp cho các nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện Triệu Sơn.

- Giai đoạn sau năm 2025, nguồn nước thô được lấy từ “hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận” theo Quyết định số 261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

* Quy hoạch hệ thống nhà máy cấp nước (NMN):

- Định hướng đến năm 2030: Nâng cấp công suất nhà máy nước thị trấn Triệu Sơn lên 8.000m3/ngđ; máy nước Thọ Ngọc lên: 11.000m3/ngđ; nhà máy nước tại thị trấn Nưa lên: 15.000m3/ngđ.

- Định hướng đến năm 2045: Nâng cấp công suất nhà máy nước thị trấn Triệu Sơn lên: 14.500m3/ngđ; nhà máy nước Thọ Ngọc lên: 19.000m3/ngđ; nhà máy nước tại thị trấn Nưa lên: 21.500m3/ngđ.

Các nhà máy nước và phạm vi cấp nước được quy định cụ thể như sau:

TT

Nhà Máy Nước

Công Suất (m3/ng.đ)

Phạm vi cấp

Hiện Trạng

Năm 2030

Năm 2045

1

NMN thị trấn Triệu Sơn

3.600

8.000

14.500

TT Triệu Sơn, An Nông, Dân Lý, Dân Quyền, Dân Lực, Minh Sơn, Thọ Tân, Thọ Thế, Thọ Phú, Thọ Vực

2

NMN xã Thọ Ngọc

5.000

11.000

19.000

Thọ Ngọc, Thọ Cường, Thọ Sơn, Bình Sơn, Thọ Bình, Thọ Tiến, Xuân Thọ, Thọ Dân, Xuân Lộc, Xuân Thịnh, Hợp Lý, Hợp Tiến, Triệu Thành

3

NMN tại thị trấn Nưa

9.800

15.000

21.500

Thị trấn Nưa, Thái Hòa, Vân Sơn, Hợp Thắng, Hợp Thành, Nông Trường, Tiến Nông, Khuyến Nông, Đồng Lợi, Đồng Tiến, Đồng Thắng

Tổng

18.400

34.000

54.800

7.4. Định hướng cấp điện

* Nhu cầu cấp điện trên địa bàn huyện Triệu Sơn: Đến năm 2030 nhu cầu sử dụng điện khoảng 101 (MVA); Đến năm 2045 nhu cầu sử dụng điện khoảng 152 (MVA).

* Nguồn điện: Được cấp điện từ trạm 110kV Triệu Sơn, trạm 110kV Triệu Sơn 2 thông qua đường dây 35 và 22kV.

* Trạm biến áp 110kV:

- Đến năm 2025 Nâng cấp công suất trạm 110kV Triệu Sơn lên (2x40)MVA.

- Đến năm 2035 xây dựng mới trạm 110kV Triệu Sơn 2 công suất (2x63)MVA.

- Trạm 110kV Cổ Định là trạm chuyên dùng cho Nhà máy Cromit, cần duy tu bảo dưỡng.

* Lưới điện cao áp 500kV, 220kV, 110kV:

- Đường dây 500kV: cập nhật hướng tuyến đường dây 500kV từ Thanh Hóa đi Quỳnh Lập;

- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến 220kV và 110kV hiện có.

* Phân vùng cấp điện:

- Trạm 110kV Triệu Sơn: Cấp điện cho khu vực trung tâm huyện, xã Dân Quyền, Dân Lý, Tiến Nông, Khuyến Nông, An Nông, Nông trường, Đồng Tiến, Đồng Thắng, Đồng Lợi, Thị Trấn Nưa, Thái Hòa, Vân Sơn, Hợp Thành, Hợp Thắng. Riêng khu vực xã Đồng Thắng còn được cấp điện từ khu vực huyện Đông Sơn cấp lên.

- Trạm 110kV Triệu Sơn 2: Cấp điện cho khu vực trung tâm huyện, xã Minh Sơn, Thọ Tân, Dân Lục, Thọ Ngọc, Xuân Lộc, Thọ Vực, Xuân Thịnh, Xuân Thọ, Hợp Tiến, Hợp Lý, Thọ Bình, Bình Sơn, Thọ Sơn, Thọ Cường.

7.5. Định hướng hạ tầng viễn thông thụ động

a) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

Tiếp tục duy trì nâng cấp các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại các Bưu cục cấp II, cấp III, điểm bưu điện - văn hóa xã, đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng phục vụ cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân trên địa bàn.

b) Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động

- Mạng điện thoại cố định, Internet cố định: đầu tư nâng cấp các trạm truy nhập quang hiện có, đầu tư xây dựng mới các trạm truy nhập quang tại các khu đô thị mới, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.

- Mạng thông tin di động: đầu tư xây dựng mới các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động 4G/5 G và thế hệ mới sau 5G tại khu dân cư hiện hữu và các khu dân cư mới khi lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung xã.

- Mạng truyền dẫn:

+ Xây dựng mới tuyến cáp quang ngầm dọc đường Nghi Sơn - Sao Vàng đấu nối trạm Host Thọ Xuân với trạm Host Triệu Sơn và tới trạm viễn thông thị xã Nghi Sơn.

+ Xây dựng mới tuyến cáp quang ngầm dọc tuyến đường thành phố Thanh Hóa

- Thọ Xuân đấu nối trạm Host Thọ Xuân với trạm Host Triệu Sơn và tới trạm viễn thông TP Thanh Hóa.

+ Đối với các hệ thống cáp viễn thông hiện hữu, thực hiện cải tạo, chỉnh trang đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân theo lộ trình: Loại bỏ các đường dây cáp, sợi cáp không còn sử dụng; Thực hiện bó gọn, gia cố hệ thống dây cáp; Hạ ngầm các tuyến cáp treo thuộc các khu vực trung tâm đô thị; Hạ ngầm các tuyến cáp treo tại các ngã tư, nút giao thông và tuyến cáp cắt ngang qua đường giao thông.

c) Quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động

Bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khi quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu khu chức năng, quy hoạch chi tiết đô thị, khu chức năng, điểm dân cư nông thôn đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ viễn thông phục vụ nhu cầu sinh hoạt dân cư và phục vụ sản xuất, kinh doanh.

7.6. Định hướng thoát nước thải

- Hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo xử lý tổng lượng nước thải khoảng 21.300 m3/ngđ (giai đoạn năm 2030) và 35.300 m3/ngđ (giai đoạn năm 2045).

- Các đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; cụm công nghiệp, điểm du lịch quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định;

- Khu vực nông thôn sử dụng hệ thống thoát nước chung; xây dựng các mương xây có tấm đan, thoát nước chung với nước mưa, thu nước thải đưa xa ngoài phạm vi làng xóm, tận dụng hệ thống kênh, mương nội đồng; ao, hồ sẵn có ngoài đồng để xử lý sinh học trong điều kiện tự nhiên (mô hình hồ sinh học, cánh đồng lọc, cánh đồng tưới). Tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ nông nghiệp.

7.7. Định hướng quy hoạch chất thải rắn

* Tổng lượng thải phát sinh đến năm 2030 khoảng 220 tấn/ngđ; đến năm 2045 khoảng 330 tấn/ngđ.

- Bố trí khu xử lý chất thải rắn (CTR) với diện tích khoảng 15ha tại khu vực xã Vân Sơn và Thái Hoà (theo Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 08/5/2020 của UBND tỉnh).

- Các khu xử lý quy mô nhỏ trên địa bàn huyện sẽ chuyển thành các trạm trung chuyển CTR, quy mô mỗi trạm khoảng 500 m2. CTR được thu gom tập trung đưa về xử lý tại khu xử lý CTR Thái Hòa - Vân Sơn.

7.8. Định hướng quy hoạch nghĩa trang

- Bố trí quỹ đất xây dựng 1 khu nghĩa trang tập trung cấp tỉnh (Công viên Vĩnh Hằng 1) tại khu vực Thọ Bình, Thọ Sơn với diện tích khoảng 80ha thay thế cho vị trí tại xã Minh Sơn. Phạm vi phục vụ thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, các nhu cầu liên đô thị. Định hướng tổ chức thành các công viên vĩnh hằng có cảnh quan đẹp và môi trường được đảm bảo.

- Quy hoạch các nghĩa trang nhân dân tập trung cấp xã trên cơ sở đảm bảo bán kính phục vụ cho toàn xã; vị trí và quy mô sẽ được nghiên cứu trong quy hoạch chung xây dựng xã; các nghĩa trang hiện hữu không đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường sẽ khoanh vùng tiến tới đóng cửa.

8. Định hướng bảo vệ môi trường:

- Quá trình mở rộng, phát triển các đô thị trong vùng (thị trấn Triệu Sơn, thị trấn Nưa, đô thị Sim, đô thị Đà, đô thị Gốm) cần chú ý các tác động rủi ro môi trường do quá trình đô thị hóa; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho các khu dân cư đô thị tránh phát sinh chất thải chưa xử lý ra môi trường.

- Kiểm soát môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực khai thác tài nguyên khoáng sản, các điểm du lịch, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khi triển khai phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, tăng cường giám sát kiểm tra định kỳ.

9. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

- Nhóm dự án công nghiệp: tập trung ưu tiên vào các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập

- Nhóm dự án nông nghiệp: Ưu tiên các dự án tập trung vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hàng hoá

- Nhóm dự án đô thị: Ưu tiên các dự án xây dựng tại các thị trấn và các đô thị trên địa bàn huyện.

- Nhóm dự án hạ tầng xã hội: bao gồm các dự án bảo quản, tu bổ di tích; xây dựng khu quần thể trung tâm văn hóa thể thao huyện, các cơ sở giáo dục, Y tế.

- Nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật: bao gồm các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, các nhà máy cấp nước liên xã, các trạm biến áp 110KV.

- Nhóm dự án môi trường: bao gồm các dự án xây dựng khu xử lý CTR cấp huyện, các khu xử lý nước thải cho các đô thị, các hồ điều hòa.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. UBND huyện Triệu Sơn có trách nhiệm:

- Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để xuất bản, đóng dấu, lưu trữ theo quy định.

- Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch được duyệt trong thời gian 15 kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt.

- Tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu quy hoạch cho địa phương, các đơn vị liên quan làm cơ sở để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

- Tổ chức, chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, thực hiện đầu tư quỹ đất theo quy hoạch được duyệt.

- Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bằng các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Sở Xây dựng và các ngành chức năng liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch và các quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn; Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Liêm

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4042/QĐ-UBND ngày 14/10/2021 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


352

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.211.66
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!