PHỦ
THỦ TƯỚNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
354-TTg
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 08 năm 1957
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC KIẾN THIẾT CƠ BẢN.
Muốn phát triển nhanh chóng sản xuất
công nghiệp và nông nghiệp phải tăng không ngừng tài sản cố định trong các
ngành kinh tế quốc dân, phải mở rộng quy mô công tác kiến thiết cơ bản.
Mấy năm nay, chúng ta đã bỏ số vốn
khá lớn vào kiến thiết cơ bản; trong những năm sắp tới, số vốn ấy còn tăng thêm
nhiều nữa. Công tác kiến thiết cơ bản ngày càng trở thành quan trọng bậc nhất
trong toàn bộ công tác kinh tế. Tất cả những tư tưởng, hành động coi nhẹ công
tác kiến thiết cơ bản phải được sửa chữa kịp thời.
Công tác kiến thiết cơ bản không
phải là vấn đề thuần tuý về kinh tế và kỹ thuật, mà là công tác tổng hợp cả
kinh tế, kỹ thuật và chính trị. Trong kế hoạch kiến thiết cơ bản, Nhà nước quy
định phương châm phát triển, tiến đồ, tốc độ và quy mô phát triển của các ngành
kinh tế quốc dân; do đó mà định việc sử dụng vốn của Nhà nước. Cho nên việc thực
hiện kế hoạch kiến thiết cơ bản là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Những
khuyết điểm, sai lầm trong công tác kiến thiết cơ bản có thể gây nhiều lãng phí
to lớn, trở ngại việc phát triển kinh tế và gây ảnh hưởng không tốt về chính trị,
cho nên tăng cường quản lý công tác kiến thiết cơ bản là một việc hết sức quan
trọng và cấp bách.
Trong thời gian qua, công tác kiến
thiết cơ bản đã thu được một số thành tích như đã khôi phục một số xí nghiệp về
công nghiệp, về đường sắt, đường bộ, đê điều, thủy lợi, đã xây dựng mới một số
xí nghiệp, nông trường quốc doanh, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà ở cho
công nhân viên và một số công trình lợi ích công cộng ở thành phố.
Nhưng chúng ta cũng có nhiều thiếu
sót:
- Nhiều công trình kiến thiết cơ
bản chưa được nghiên cứu kỹ về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta
để quyết định về chủ trương, quy mô, tốc độ xây dựng, đã vội ghi vào kế hoạch.
- Lực lượng khảo sát, thăm dò địa
chất, thiết kế, thi công còn yếu. Những cán bộ công nhân có một trình độ hiểu
biết cần thiết về những mặt trên còn rất ít. Có những công trình cần làm gấp,
nên vừa thiết kế, vừa thi công. Kết quả là: chất lượng kém, giá thành cao và có
công trình không hoàn thành đúng thời hạn.
- Việc cấp phát vốn kiến thiết
cơ bản không chặt chẽ, việc sử dụng vốn còn bừa bãi, lấy tiền việc này làm việc
khác, đến khi việc cần làm thì hụt tiền, hay là lấy tiền nhiều mà việc làm được
ít, vốn bị ứ đọng.
- Các tổ chức về kiến thiết cơ bản
từ trung ương đến địa phương và đơn vị cơ sở còn xộc xệch; nhiệm vụ, quyền hạn
chưa được quy định rõ ràng, do đó việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kế
hoạch chưa chu đáo.
- Việc phối hợp giữa các ngành kinh
tế tài chính với nhau chưa được chặt chẽ, chế độ hợp đồng chưa được thi hành đầy
đủ.
- Nhiều chế độ, điều lệ, định mức
của công tác kiến thiết cơ bản chưa được ban hành.
Để tăng cường quản lý công tác
kiến thiết cơ bản, nay quyết định:
Điều 1.
- Ở các ngành, các cấp, cần thành lập một tổ chức chuyên trách quản lý công tác
kiến thiết cơ bản.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thành lập
Cục Quản lý kiến thiết cơ bản trung ương để quản lý kế hoạch kiến thiết cơ bản
của Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Cục này sẽ do
Thủ tướng chính phủ quy định sau.
Tùy điều kiện cụ thể của mình, mỗi
Bộ, mỗi ngành, lập một tổ chức quản lý kiến thiết cơ bản có nhiệm vụ giúp Bộ,
ngành lập kế hoạch kiến thiết cơ bản hàng năm, phân phối vốn đầu tư cho các ngành
hoặc đơn vị, thẩm tra các bản nhiệm vụ thiết kế và các bản thiết kế, lập dự
toán, cho thầu và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch kiến thiết của Bộ
hay ngành, kiểm nhận công trình khi làm xong, chấp hành và đôn đốc cấp dưới chấp
hành những chế độ, thể lệ về kiến thức cơ bản của Nhà nước.
Tổ chức quản lý kiến thiết cơ bản
của Bộ còn có nhiệm vụ giúp Bộ đặt thêm chế độ, thể lệ cụ thể về công tác kiến
thiết cơ bản cho các ngành thuộc Bộ, và định những biện pháp cụ thể đảm bảo
hoàn thành kế hoạch kiến thiết cơ bản.
Tùy khối lượng công tác kiến thiết
cơ bản từng Bộ, mà lập Vụ, Cục, Phòng hay Tổ kiến thiết cơ bản. Các Bộ có nhiều
công tác kiến thiết cơ bản và tự mình trực tiếp thiết kế và xây dựng như Bộ Thủy
lợi Kiến trúc, Bộ Giao thông và Bưu điện và Bộ Công nghiệp, có thể tổ chức thêm
các Cục hoặc Công ty thiết kế xây dựng, lắp máy… Song trước khi thành lập những
Công ty đó thì phải chú ý việc phối hợp với nhau để tránh tình trạng phát triển
bừa bãi lực lượng xây dựng.
Chế độ công tác giữa các Cục hoặc
Công ty này với các tổ chức quản lý kiến thiết cơ bản là chế độ hợp tác bằng hợp
đồng kinh doanh.
Các Bộ, ngành khác, ít công tác
kiến thiết cơ bản, không trực tiếp thiết kế và xây dựng, thì thuê các Cục Thiết
kế, Xây dựng v.v… của Bộ Thủy lợi Kiến trúc hoặc của Bộ khác hay thuê tư nhân
làm.
Ở các tỉnh, khu, thành phố, cơ
quan chuyên trách giúp Ủy ban Hành chính quản lý công tác kiến thiết cơ bản của
địa phương là các Sở, Ty chuyên môn (Thủy lợi, Kiến trúc, Giao thông…). Trong
các Sở, Ty, cũng cần lập một tổ chức phụ trách về kiến thiết cơ bản.
Ở các xí nghiệp lớn như than Hòn
Gai, dệt Nam Định… vừa sản xuất, vừa mở rộng kiến thiết cơ bản, cần lập một tổ
chức phụ trách quản lý công tác kiến thiết cơ bản.
Trực tiếp quản lý việc kiến thiết
ở mỗi công trường là “đơn vị kiến thiết”; nhiệm vụ và quyền hạn của “đơn vị kiến
thiết” được quy định trong điều 8 sau đây.
Các Bộ sẽ quy định việc phân
công cụ thể giữa tổ chức ở Bộ, ngành, địa phương và đơn vị xí nghiệp về việc
phân cấp quản lý kiến thiết cơ bản.
Điều 2.-
Để hoàn thành kế hoạch kiến thiết cơ bản một cách toàn diện, vừa nhanh, rẻ và tốt,
phải tăng cường lực lượng xây dựng, tăng cường lực lượng thăm dò địa chất và khảo
sát thiết kế. Các Bộ, các ngành nên rút một số cán bộ có kinh nghiệm hoặc thông
thạo về công tác xây dựng, lắp máy để làm công tác này. Cũng có thể điều động một
số cán bộ hiện làm công tác quản lý sản xuất sang các “đơn vị kiến thiết” và
khi xây dựng xong xí nghiệp mới, họ sẽ ở lại quản lý xí nghiệp.
Mặt khác, phải có kế hoạch tổ chức
các lớp huấn luyện chuyên môn để bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiến thiết cơ bản,
và có kế hoạch kèm cặp, bồi dưỡng tại chức cho các cán bộ, nhân viên kỹ thuật
và công nhân chuyên nghiệp về kiến thiết cơ bản.
Điều 3.-
Các Bộ, các địa phương có công tác kiến thiết cơ bản phải căn cứ vào con số kiểm
tra của Nhà nước và số dự toán của các công trình đã được phê chuẩn để lập kế
hoạch kiến thiết cơ bản hàng năm.
Về phương pháp và biểu mẫu
lập kế hoạch cũng như thủ tục thẩm tra, phê chuẩn kế hoạch thì căn cứ vào những
quy định trong chỉ thị số 1022TTg ngày 25/8/1956 về “cách lập kế hoạch kinh tế
quốc dân” để tiến hành.
Điều 4.-
Kế hoạch kiến thiết cơ bản hàng năm làm theo trình tự như sau:
Bất kỳ một công trình nào, trước
khi tiến hành thiết kế phải có công tác điều tra, khảo sát và phải có bản nhiệm
vụ thiết kế. Sau khi bản nhiệm vụ thiết kế đã được phê chuẩn, thì mới bắt tay
vào làm thiết kế. Các Bộ chủ quản, Cục quản lý xí nghiệp hay xí nghiệp căn cứ
vào phương châm nhiệm vụ của kế hoạch dài hạn của Nhà nước mà lập ra bản nhiệm
vụ thiết kế. Các Ủy ban hành chính và các Ty chuyên môn lập bản nhiệm vụ thiết
kế của những công trình xây dựng thuộc phạm vi mình.
Nội dung bản nhiệm vụ thiết kế về
công nghiệp có mấy điểm sau đây:
1) Khu vực và địa điểm xây dựng.
2) Công suất của nhà máy: quy cách các sản
phẩm chính và ước lượng giá thành sản phẩm.
3) Thiết bị và quy mô kiến trúc của nhà
máy.
4) Sự phối hợp giữa các ngành về sản xuất,
và nguồn cung cấp chính về nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực, điện nước
v.v…
5) Số cán bộ, công nhân cần thiết
cho sản xuất; nguồn cung cấp và đào tạo.
6) Điều kiện đảm bảo sức lao động; nhà ở
của công nhân.
7) Thời gian thiết kế và xây dựng; khả
năng sử dụng các công trình vào sản xuất từng đợt.
8) Khả năng mở rộng sau này.
9) Vốn đầu tư (vốn cố định trong nước và
ngoài nước; vốn luân chuyển).
10) Các điều kiện đặc biệt (viện trợ kỹ
thuật, giao thông vận tải…).
Bản nhiệm vụ thiết kế khi đã được
phê chuẩn, không được thay đổi nếu không có sự đồng ý của cơ quan phê chuẩn.
Những công trình không phải công
nghiệp thì do Ủy ban kế hoạch Nhà nước cùng với bộ chủ quản nghiên cứu và quy định
nội dung của bản nhiệm vụ thiết kế.
Điều 5.-
Các công trình xây dựng, trước khi khởi công, phải có văn kiện thiết kế đã được
phê chuẩn. Không có văn kiện thiết kế thì không được khởi công xây dựng công
trình.
Công tác thiết kế chia làm ba bước
sau đây:
1) Thiết kế sơ bộ và khải toán chung;
2) Thiết kế kỹ thuật và dự toán chung;
3) Biểu đồ thi công.
Khi cần thiết kế và đã có thiết
kế mẫu, nếu được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đồng ý, thì có thể tiến hành theo hai
bước thiết kế: bước thứ nhất thiết kế sơ bộ và khải toán chung; bước thứ hai
xây dựng biểu đồ tỉ mỉ về thi công.
Thiết kế sơ bộ phải căn cứ vào bản
nhiệm vụ thiết kế để lập ra. Nếu thiết kế theo hai bước, sau khi đã thiết kế sơ
bộ và được phê chuẩn thì có thể tiến hành công việc xây dựng.
Thiết kế kỹ thuật phải căn cứ
vào thiết kế sở bộ để lập ra, đồng thời cũng có thể điều chỉnh lại một số điểm
phụ trong thiết kế sơ bộ, nếu thấy cần thiết.
Các bản thiết kế kỹ thuật và dự
toán chung, sau khi đã được phê chuẩn (hoặc các bản thiết kế sơ bộ và khải toán
chung, nếu là trường hợp thiết kế theo hai bước) là các văn kiện căn bản làm cơ
sở để cấp phát vốn, để tiến hành xây dựng và để giám đốc công việc.
Phương pháp lập thiết kế
và dự toán do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quy định.
Điều 6.-
Các đơn vị có công trình xây dựng căn cứ vào kế hoạch kiến thiết cơ bản hàng
năm và căn cứ vào các văn kiện thiết kế đã được phê chuẩn để thi công. Nếu những
văn kiện đó chưa được phê chuẩn thì có thể giải quyết như sau:
1) Trường hợp thiết kế theo 3 bước, nếu
thiết kế kỹ thuật chưa được phê chuẩn, thì đơn vị có công trình xây dựng có thể
căn cứ vào thiết kế sơ bộ đã được phê chuẩn để chuẩn bị xây dựng (thí dụ: có thể
làm các công trình tạm của công trình như đắp đường đi, bắt hệ thống điện, nước,
làm nhà ở cho công nhân viên xây dựng…). Khi thiết kế kỹ thuật được phê chuẩn
thì chính thức khởi công.
2) Trường hợp thiết kế theo hai bước, nếu
thiết kế sơ bộ chưa được phê chuẩn, thì chỉ có thể chuẩn bị nguyên vật liệu, mà
chưa được làm các công trình tạm.
3) Trường hợp cần xây dựng gấp, thiết kế
đã được phê chuẩn, mà dự toán hàng năm của công trình chưa được phê chuẩn, thì
đơn vị có công trình xây dựng có thể căn cứ vào dự thảo dự toán công trình đã
được Ủy ban kế hoạch Nhà nước hay Bộ chủ quản đồng ý, để chuẩn bị xây dựng.
- Trường hợp dự thảo dự toán
công trình cũng chưa được xét duyệt, mà công việc cần làm, thì đơn vị có công
trình xây dựng phải báo cáo lên Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Bộ chủ quản để xin
giấy phê chuẩn cho làm công trình.
Tổng số phí tổn của toàn bộ công
trình và các hạng mục công trình đều ghi trong giấy phê chuẩn này. Ủy ban kế hoạch
Nhà nước sẽ có quy định về các hạng mục công trình.
Sau đó, khi dự toán công trình
được phê chuẩn, thì lại căn cứ vào dự toán để chính thức cấp phát và thi công.
Điều 7.-
Trước khi xây dựng, cơ quan có công trình xây dựng cho thầu và cơ quan nhận thầu
xây dựng, căn cứ vào kế hoạch kiến thiết cơ bản hàng năm và dự toán công trình
đã được phê chuẩn, đồng thời căn cứ vào khối lượng công trình nhận thầu hàng
năm để ký hợp đồng thầu khoán. Trường hợp dự toán của công trình chưa được phê
chuẩn toàn bộ, thì có thể căn cứ vào kế hoạch kiến thiết cơ bản hàng năm và dự
toán của từng hạng mục công trình đã được phê chuẩn để ký hợp đồng.
Nếu kế hoạch kiến thiết cơ bản
hàng năm chưa được phê chuẩn, thì có thể căn cứ vào dự thảo kế hoạch đã được Ủy
ban kế hoạch Nhà nước và Bộ chủ quản xét duyệt, đồng thời căn cứ vào dự toán của
từng hạng mục công trình đã được xét duyệt để ký hợp đồng.
Nếu dự thảo kế hoạch chưa được Bộ
chủ quản và Ủy ban kế hoạch Nhà nước xét duyệt mà cần thiết phải khởi công thì
đơn vị có công trình xây dựng, phải báo cáo lên Bộ chủ quản để Bộ chủ quản đề
nghị với Ủy ban kế hoạch Nhà nước cấp giấy phê chuẩn cho làm công trình, đồng
thời căn cứ vào tên của hạng mục công trình và tổng số phí tổn ghi trong giấy
phê chuẩn để lĩnh vốn cấp phát và ký hợp đồng khởi công.
Trường hợp dự toán của hạng mục
công trình chưa được phê chuẩn thì đơn vị có công trình xây dựng có thể căn cứ
vào giấy phê chuẩn làm công trình để ký hợp đồng khởi công.
Khi kế hoạch kiến thiết cơ bản
hàng năm và dự toán hàng năm của công trình đã được phê chuẩn thì giữa hai bên
giao thầu và nhận thầu phải ký hợp đồngthầu khoán hàng năm.
Điều 8.-
“Đơn vị kiến thiết” là một đơn vị tổ chức cơ sở của ngành có công trình xây dựng,
có trách nhiệm:
a) Quản lý số vốn kiến thiết cơ
bản đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ ghi trong dự toán, bảo đảm cho các giấy tờ
cần thiết (như các văn kiện về kế hoạch hàng năm, thiết kế, dự toán, kế hoạch
tài vụ và các giấy tờ cho phép xây dựng…) được phê chuẩn kịp thời.
b) Lập dự thảo hợp đồng và ký những
hợp đồng cho thầu theo ủy nhiệm của Cục hay Phòng kiến thiết cơ bản.
c) Gửi cho Ngân hàng kiến thiết
bản chính thức thứ 2 của hợp đồng thầu khoán và những tài liệu đã quy định
trong điều lệ cấp phát.
d) Giám đốc và kiểm tra về chất
lượng công trình, tiến độ xây dựng công trình và chất lượng của nguyên vật liệu
xây dựng; giám đốc và kiểm tra việc sử dụng hợp lý nguyên vật liệu.
đ) Kiểm nhận công trình khi làm
xong theo đúng quy định và bàn giao cho cơ quan quản lý sản xuất.
e) Kết toán với xí nghiệp nhận
thầu.
Các “đơn vị kiến thiết” cần
thành lập ngay sau khi bản nhiệm vụ thiết kế được phê chuẩn.
Điều 9.-
Nhiệm vụ của đơn vị nhận thầu là phải căn cứ vào các văn kiện thiết kế, dự toán
và biểu đồ thi công đã được phê chuẩn và căn cứ vào những quy định ở trong hợp
đồng mà tiến hành xây dựng công trình.
Điều 10.-
Ngân hàng kiến thiết thuộc Bộ Tài chính căn cứ vào điều lệ cấp phát kiến thiết
cơ bản đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để cấp phát vốn kiến thiết cơ bản
và dựa vào công tác kiến thiết cơ bản đã ghi trong hợp đồng để giám đốc bên nhận
thầu và bên cho thầu chấp hành cho đúng. Bộ Tài chính và Ngân hàng kiến thiết
phải báo cáo thường kỳ về công tác giám đốc và công tác cấp phát vốn kiến thiết
cơ bản cho Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ chủ quản.
Điều 11.-
Các đơn vị kiến thiết cơ bản và các đơn vị nhận thầu xây, lắp phải báo cáo thường
kỳ tình hình thực hiện kế hoạch kiến thiết cơ bản lên cấp trên. Những báo cáo
thường kỳ này là báo cáo thống kê thường kỳ về kiến thiết cơ bản và báo cáo thống
kê thường kỳ về công tác của đơn vị xây lắp. Những bản mẫu báo cáo thống kê này
và phương pháp thi hành do Cục thống kê trung ương quy định, trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành.
Khi hết quý và hết năm, đơn vị
kiến thiết và đơn vị nhận thầu xây, lắp phải tổng kết công tác từng quý và từng
năm để báo cáo lên trên.
Điều 12.-
Trong quá trình xây dựng “đơn vị kiến thiết” phải căn cứ vào thiết kế kỹ thuật
và biểu đồ thi công để kiểm nhận tạm thời từng bộ phận hoặc từng hạng mục công
trình; đặc biệt chú trọng kiểm nhận các bộ phận trước khi bị che kín và cùng với
đơn vị nhận thầu lập biên bản. Khi làm xong toàn bộ một công trình, hai bên tổ
chức kiểm nhận chính thức và lập biên bản. Tùy điều kiện cần thiết, Ngân hàng
kiến thiết sẽ tham gia kiểm nhận.
Nếu khi mới làm xong một giai đoạn
xây dựng của công trình, hay một khu vực của công trình mà cần giao qua cơ quan
quản lý sản xuất thì cũng phải tiến hành kiểm nhận chính thức.
Ủy ban kế hoạch Nhà nước quy định
phương pháp và thủ tục chi tiết về kiểm nhận tạm thời và kiểm nhận chính thức.
Điều 13.-
Khi làm xong toàn bộ công trình hay một khu vực của công trình thì đơn vị kiến
thiết phải làm quyết toán và báo cáo lên Bộ hay Ủy ban Hành chính sở quan. Bộ
hay Ủy ban Hành chính sở quan xét và gửi tới Ngân hàng kiến thiết thuộc Bộ Tài
chính một bản, kèm nhận xét của mình.
Bộ hay Ủy ban Hành chính sở quan
sẽ căn cứ vào quyết toán công trình ấy và căn cứ vào đơn vị tính toán (1 m2,
1 m3, 1 km…) của từng loại công trình để sưu tầm định mức về sử dụng
nguyên vật liệu và năng suất công tác. Một năm một lần, các Bộ và Ủy ban Hành
chính sở quan gửi lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước các báo cáo tổng kết về định mức
để làm tài liệu quy định các tiêu chuẩn định mức mới.
Điều 14.-
Sau khi kế hoạch kiến thiết cơ bản đã được phê chuẩn, trong quá trình thực hiện,
nếu chưa có quyết định của Hội đồng Chính phủ hoặc của Thủ tướng Chính phủ, thì
không được sửa chữa kế hoạch. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch kiến thiết cơ bản,
các Bộ có quyền điều chỉnh, phân phối vốn đầu tư cho đơn vị kiến thiết trực thuộc
mình, giảm bớt hoặc tăng cho mỗi công trình xây dựng không quá 5% số vốn định
trong kế hoạch hàng năm của mỗi công trình, nhưng không được chuyển tiền cấp
phát cho công trình trên hạn ngạch dùng vào công trình dưới hạn ngạch. Chính phủ
sẽ quy định việc phân chia hạn ngạch công trình.
Điều 15.-
Quyết định này sẽ được thi hành kể từ ngày công bố.
|
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|