ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 325/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 02
tháng 3 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THỊ TRẤN LỘC BÌNH,
HUYỆN LỘC BÌNH, TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2035, TỶ LỆ 1/5.000
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị
ngày 17/6/2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày
18/6/2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;
Căn cứ Nghị định số
37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản
lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập,
thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP
ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số
04/2022/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm
vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng
huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông
thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 42/BC-SXD ngày 16/02/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng
Sơn đến năm 2035, tỷ lệ 1/5.000 như sau:
1. Phạm vi
ranh giới, quy mô lập quy hoạch:
a) Phạm vi lập quy hoạch: toàn
bộ ranh giới hành chính thị trấn Lộc Bình và một phần các xã: Hữu Khánh, Tú Đoạn
và Đồng Bục được xác định như sau:
- Phía Đông giáp xã Hữu Khánh
và xã Tú Đoạn;
- Phía Tây giáp xã Như Khuê;
- Phía Nam giáp xã Nhượng Bạn
và xã Quan Bản;
- Phía Bắc giáp xã Đồng Bục.
b) Quy mô quy hoạch:
- Quy mô diện tích lập quy hoạch:
2.948 ha, trong đó: diện tích thị trấn Lộc Bình khoảng 1.777 ha; xã Đồng Bục
khoảng 449 ha, xã Tú Đoạn khoảng 275 ha và xã Hữu Khánh khoảng 447 ha.
- Quy mô dân số: dự báo tổng
quy mô dân số khu vực lập quy hoạch đến năm 2025 khoảng 22.000 người; đến năm
2035 khoảng 40.000 người, trong đó:
+ Dân số thị trấn đến năm 2025
khoảng 15.000 người; đến năm 2035 khoảng 25.000 người.
+ Dân số khu vực mở rộng (bao gồm
03 xã: Đồng Bục, Hữu Khánh, Tú Đoạn) đến năm 2025 khoảng 7.000 người; đến năm
2035 khoảng 15.000 người.
2. Mục tiêu
- Cụ thể hóa chiến lược phát
triển kinh tế xã hội huyện Lộc Bình và định hướng phát triển thị trấn Lộc Bình
theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn.
- Nâng cao vai trò, vị thế của
thị trấn Lộc Bình, phát triển theo hướng lan tỏa mở rộng tạo động lực cho vùng
trung tâm thị xã Lộc Bình trong tương lai, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đô thị
bền vững, xanh, gìn giữ môi trường.
- Phát triển kinh tế thị trấn Lộc
Bình với các yêu cầu gia tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp và xây
dựng; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của Nhân dân.
- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội đô thị từng bước theo xu hướng thông minh, hiện đại đồng
bộ; xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho đô thị loại IV
để từng bước phát triển thành thị xã giai đoạn 2031-2035.
- Xây dựng quy định quản lý
theo quy hoạch chung, làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết, tạo môi trường thu hút
các dự án đầu tư; quản lý theo quy hoạch được duyệt phù hợp quy định của pháp
luật hiện hành.
3. Tính chất
quy hoạch
- Là trung tâm tổng hợp hành
chính, chính trị, kinh tế xã hội cấp huyện và định hướng là khu vực nội thị
trung tâm thị xã Lộc Bình giai đoạn đến 2035.
- Là trung tâm chuyên ngành cấp
tỉnh và cấp vùng về kinh tế, công nghiệp, năng lượng, du lịch và dịch vụ, có
vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Đông Nam tỉnh Lạng
Sơn.
- Là điểm hội tụ của cộng đồng
các dân tộc trên địa bàn phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn, khu vực có kinh tế - xã hội
phát triển, môi trường sinh thái được giữ gìn và có an ninh quốc phòng trên tuyến
biên giới vững mạnh.
- Là đầu mối giao thông quan trọng
cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh, có ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh quốc
phòng.
4. Nội dung điều
chỉnh quy hoạch
a) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật
chủ yếu (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).
b) Định hướng phát triển không
gian:
- Trung tâm thị trấn Lộc Bình, chọn
đất và hướng phát triển không gian sang phần bờ Nam sông Kỳ Cùng về phía xã Lục
Thôn (cũ) và tiếp tục mở rộng các cụm dân cư giáp ranh với trung tâm thị trấn.
- Hướng Bắc: phát triển về phía
đường cao tốc và Quốc lộ 4B, giới hạn bởi hành lang đường cao tốc.
- Hướng Đông Bắc: phát triển về
phía cửa khẩu Chi Ma trên cơ sở đường tỉnh 236 và vùng có dân cư tập trung thuộc
xã Hữu Khánh, xã Tú Đoạn.
- Hướng Nam: phát triển mở rộng
về phía thị trấn Na Dương trên cơ sở đô thị hóa học theo đường Quốc lộ 4B và các
tuyến đường nội thị.
- Hướng Tây và Tây Bắc: phát
triển về phía xã Xuân Mãn theo Quốc lộ 4B và phía xã Như Khuê gắn với đường tỉnh
237C.
- Đảm bảo hành lang an toàn và
lưu thông của tuyến Quốc lộ 4B và cao tốc dự kiến là tuyến đường hướng tâm quan
trọng của đô thị trung tâm.
- Hình thành 2 khu vực phát triển
đô thị gồm đô thị dịch vụ mới phía Nam sông Kỳ Cùng và đô thị công nghiệp ở
phía Bắc sông Kỳ Cùng - thuộc xã Hữu Khánh (phía Đông thị trấn).
c) Quy hoạch sử dụng đất: định
hướng phân khu sử dụng đất đô thị được phân bố thành 7 phân khu và có dân số
tương ứng như sau:
- Phân khu 1: khu trung tâm thị
trấn (khu Minh Khai, khu Phiêng Quan) là khu trung tâm hành chính - chính trị,
kinh tế của thị trấn; quy mô diện tích khoảng 196,0 ha trong đó đất dân dụng:
khoảng 53,78 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 78,31 ha, đất khác khoảng 63,91 ha;
dân số dự báo 5.180 người.
- Phân khu 2: khu dân cư và đô
thị mới phía Nam thị trấn (Khu Cầu Lấm, khu Bản Gia) là trung tâm văn hoá, thể
thao, dịch vụ công cộng, thông tin, tài chính,...; quy mô diện tích khoảng
308,0 ha trong đó đất dân dụng khoảng 85,36 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 60,29
ha, đất khác khoảng 162,35 ha; dân số dự báo 7.760 người.
- Phân khu 3: khu đô thị mới
phía Tây thị trấn (Khu Pò Lèn, khu Pá Ôi) là khu vực chuyển giao công nghệ, dịch
vụ công cộng, thông tin, tài chính; quy mô diện tích khoảng 178 ha trong đó đất
dân dụng khoảng 54,47 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 28,6 ha, đất khác khoảng
94,93 ha; dân số dự báo 11.560 người.
- Phân khu 4: khu vực hỗ trợ
phát triển nông thôn (khu vực còn lại của xã Lục Thôn cũ: Khuổi Thút, Nà Lầm, Bản
Thét... ) là dịch vụ công cộng, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và hạ tầng kỹ
thuật đầu mối; quy mô diện tích khoảng 1.095 ha trong đó đất dân dụng 5,99 ha,
đất ngoài dân dụng khoảng 46,03 ha, đất khác khoảng 1.042,98 ha; dân số dự báo
500 người.
- Phân khu 5: khu đô thị dịch vụ
và công nghiệp phía Đông thị trấn (xã Hữu Khánh) là khu vực đô thị mới, khu vực
công nghiệp và dự trữ phát triển; quy mô diện tích khoảng 447 ha trong đó đất
dân dụng 65,41 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 264,83 ha, đất khác khoảng 116,76
ha; dân số dự báo 8.200 người.
- Phân khu 6: khu dân cư và dự
trữ phát triển phía Bắc thị trấn (xã Đồng Bục) là khu vực dân cư hiện hữu xã Đồng
Bục và dự trữ phát triển cho phát triển đô thị khi hình thành tuyến cao tốc qua
khu vực thị trấn; quy mô diện tích khoảng 449 ha trong đó đất dân dụng 48,01
ha, đất ngoài dân dụng khoảng 96,91 ha, đất khác khoảng 304,08 ha; dân số dự
báo 4.630 người.
- Phân khu 7: khu vực dân cư và
dự trữ phát triển phía Nam thị trấn (xã Tú Đoạn) là khu vực dự trữ phát triển
cho đô thị Lộc Bình trong tương lai; quy mô diện tích khoảng 275 ha trong đó đất
dân dụng 22,72 ha, đất ngoài dân dụng khoản 47,59 ha, đất khác khoảng 204,69
ha; dân số dự báo 2.170 người.
(Bảng
cơ cấu sử dụng đất chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này).
5. Quy hoạch hệ
thống hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Tuyến đường bộ cao tốc (CT.10
đoạn Tiên Yên - Đồng Đăng): cập nhập hướng tuyến, lộ giới theo quy hoạch phát
triển hệ thống giao thông quốc gia.
+ Quốc lộ 4B: xây dựng tuyến quốc
lộ 4B mới tránh thị trấn Lộc Bình. Đoạn hiện trạng đi qua khu vực thị trấn chuyển
thành đường đô thị, nâng cấp, cải tạo mở rộng tối đa lòng đường.
+ Đường tỉnh: nâng cấp, cải tạo
các tuyến đường tỉnh: 237, 250 đạt quy mô đường cấp III. Đường tỉnh 236 đoạn
qua trung tâm thị trấn được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị.
+ Đường sắt: tuyến đường sắt
Mai Pha - Na Dương đi qua khu vực thị trấn tiếp tục duy trì, khai thác theo quy
mô hiện trạng.
- Đường thủy: sông Kỳ Cùng đi
qua trung tâm khu vực, không có chức năng vận tải, chỉ phục vụ tưới tiêu, thoát
nước.
- Giao thông khu vực quy hoạch:
+ Đường chính đô thị: Quốc lộ
4B hiện trạng: nâng cấp, cải tạo với quy mô 12,5-20m, mặt cắt 4-4. Hai trục đường
chính theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam, mặt cắt 1-1, quy mô đường rộng
27-30m.
+ Đường chính khu vực: Mặt cắt
1-1, quy mô đường rộng 27-30m; Mặt cắt 2-2, quy mô đường rộng 32m; Mặt cắt 3-3,
quy mô đường rộng 25-27m.
+ Đường khu vực: Mặt cắt 5-5,
quy mô đường rộng 20,5m; Mặt cắt 6-6, quy mô đường rộng 17,5m.
+ Các tuyến đường kết nối khu vực
xã, thôn, quy mô đường rộng 9-13m, mặt cắt 7-7.
+ Đường hiện trạng cải tạo đảm
bảo bề rộng đường ≥4m phục vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
- Bến, bãi đỗ xe: Bến xe bố trí
1 bến xe trung tâm, tại vị trí gần nút giao giao giữa đường tỉnh 236 và quốc lộ
4B mới, quy mô khoảng 2,5 ha. Bãi đỗ xe bố trí các bãi đỗ xe tập trung, đảm bảo
chỉ tiêu 2,5m2/người phục vụ nhu cầu đỗ xe của khu vực.
- Cầu: cải tạo nâng cấp 3 cầu
hiện trạng, xây dựng 9 cầu mới qua sông đảm bảo quy mô, kết cấu kỹ thuật và khả
năng kết nối giao thông. Ngoài ra còn dự kiến 3 cầu vượt hoặc hầm chui kết nối
2 bên cao tốc Tiên Yên - Đồng Đăng.
- Giao thông công cộng: sử dụng
hệ thống xe buýt, gồm các tuyến xe buýt liên tỉnh qua thị trấn.
b) Cao độ nền xây dựng
- Phương án san nền cho khu vực
xây dựng mới là đào, đắp cục bộ tạo mặt bằng dạng thềm bậc, cụ thể như sau:
+ Khu vực dân cư hiện trạng xây
dựng với mật độ cao tại trung tâm thị trấn (phân khu 1; 2) giữ nguyên cao độ hiện
trạng. Các công trình xây mới thiết kế cao độ tương đương; phù hợp với các công
trình tiếp giáp. Cao độ nền xây dựng dao động từ 270m÷300m.
+ Khu vực đất ở mới tại phân
khu 3 trên nền ruộng trũng gần sông Kỳ Cùng, khi xây dựng cần tôn nền đến cao độ
thiết kế ≥265,5m.
+ Khu vực đất ở mới; công nghiệp
tại phân khu 5; 6; 7 có cao độ nền hiện trạng khá cao, khi xây dựng chỉ cần san
gạt cục bộ tạo độ dốc dạng thềm bậc thuận lợi cho thoát nước mặt. Cao độ nền xây
dựng dao động từ 275m÷350m.
+ Khu vực phân khu 4 xây dựng
công trình mật độ thấp, bám nền, giữ nguyên địa hình tự nhiên hạn chế san gạt.
- Kè bờ dọc sông Kỳ Cùng tạo cảnh
quan, hạn chế lấn chiếm dòng chảy.
c) Thoát nước mưa:
- Hướng thoát: toàn bộ thị trấn
chủ yếu thoát nước 2 bên phía Đông và phía Tây sông Kỳ Cùng:
+ Phía Đông sông Kỳ Cùng (bao gồm
diện tích phân khu 1; 5; 6 và một phần phía Đông phân khu 2): do điều kiện địa
hình, nước mặt thuộc lưu vực phía Đông có các dãy núi đất tập trung, dốc theo hướng
Đông-Tây, nước mưa theo các tuyến cống thu gom thoát trực tiếp ra sông Kỳ Cùng.
+ Phía Tây sông Kỳ Cùng (bao gồm
diện tích phân khu 3; 4; 7 và một phần phía Tây phân khu 2): lưu vực chia dạng
phân tán theo các nhánh suối, hướng Tây Bắc & hướng Tây Nam dốc theo địa
hình thoát vào sông Kỳ Cùng.
- Mạng lưới: phân tán theo địa
hình tự nhiên. Phân khu 1; 2; 3; 5; 6; 7 sử dụng mạng lưới thoát nước riêng hoặc
nửa riêng. Hệ thống nước thải cần được tách, thu gom về trạm xử lý. Phân khu 4
nước mưa tự chảy theo địa hình thoát về các suối tự nhiên.
- Sử dụng hệ thống cống tròn bê
tông cốt thép đi ngầm thoát nước cho các tuyến đường mới; cống xây có nắp đan
hai bên hè tại các trục đường hiện trạng và thoát ra hệ thống sông suối.
d) Cấp nước:
- Nhu cầu cấp nước đến năm 2025
là 5.000m3/ngđ; đến năm 2035 là 10.000 m3/ngđ. Nguồn nước:
giai đoạn 2025-2030 nguồn cấp nước từ nước sông, giếng; giai đoạn sau năm 2030
nguồn cấp nước từ nhà máy nước từ Hồ Bản Lải.
- Công trình đầu mối: xây dựng
trạm cấp nước Lộc Bình 2 công suất 2.000 m3/ngđ nguồn nước sông Kỳ
Cùng. Giữ nguyên công suất trạm cấp nước Lộc Bình với công suất 1.200 m3/ngđ
nguồn nước suối Nà Mìu. Cấp nước từ nhà máy nước Hồ Bản Lải với nhu cầu 10.000
m3/ngđ qua điểm đấu nối cấp nước với tuyến ống cấp nước truyền dẫn
trên quốc lộ 4B mới.
- Mạng lưới cấp nước được thiết
kế mạng vòng với đường kính D100mm - D400mm. Mạng lưới cấp nước được tính toán
đảm bảo cấp nước vào giờ dùng nước max khi có cháy.
- Cấp nước chữa cháy: hệ thống
kết hợp cấp nước sinh hoạt. Chữa cháy áp lực thấp. Trên các tuyến ống ≥ Ø110mm,
dọc theo các đường phố phải bố trí các trụ lấy nước chữa cháy, đảm bảo các quy
định; khoảng cách tối đa giữa các trụ cứu hỏa là 150m; trụ chữa cháy phải được
bố trí ở nơi thuận tiện cho việc lấy nước chữa cháy như: ở ngã ba, ngã tư đường
phố; khoảng cách tối thiểu giữa các trụ với tường các ngôi nhà là 5m và với mép
đường là 2,5m.
đ) Cấp điện:
- Tổng nhu cầu dùng điện đến
năm 2025 khoảng 32MW, đến năm 2035 48MW. Nguồn điện giai đoạn đầu, khu vực
nghiên cứu thiết kế vẫn được cấp điện từ Trạm 110/35/22KV Lạng Sơn có công suất
hiện tại là (25+40)MVA; giai đoạn sau, đề xuất xây dựng mới Trạm 110/35/22KV TT
Lộc Bình công suất 2x40MVA tại thị trấn Lộc Bình, cấp điện cho khu vực nghiên cứu
và vùng lân cận.
- Lưới điện: các tuyến đường
dây 35KV nổi hiện có sẽ vẫn được sử dụng, từng bước cải tạo chuyển về cấp điện
áp chuẩn 22KV khi trạm 110KV Lộc Bình được xây dựng. Các tuyến đường dây xây dựng
mới sẽ sử dụng cấp điện áp 22 KV, kết cấu mạch vòng bình thường vận hành hở với
dự phòng 100%.
Lưới điện trong khu vực trung
tâm du lịch, khu vực đông dân cư khuyến khích đi ngầm, các khu vực khác sử dụng
đường dây nổi. Tiết diện cáp ngầm trục chính không nhỏ hơn 240mm2. Tiết diện đường
dây nối trục chính không nhỏ hơn 120mm2.
- Lưới điện hạ thế 0,4KV: các
khu trung tâm xã, khu dân cư xây dựng mới, khu du lịch sẽ sử dụng cáp ngầm. Các
khu vực khác sử dụng cáp nổi loại cáp vặn xoắn (ABC) đi trên cột bê tông ly tâm
tiết diện dây trục chính không nhỏ hơn 95mm2. Lưới điện hạ thế có kết cấu hình
tia.
- Trạm biến áp: các trạm biến
thế phân phối xây dựng mới trong khu xây dựng mới, trung tâm, sử dụng loại trạm
kín kiểu Kiốt hoặc trạm xây. Vỏ, nhà trạm phải đảm bảo mỹ quan đô thị. Khu vực
trung tâm các thôn, trạm biến thế phân phối vẫn có thể dùng trạm hở kiểu trạm
treo nhưng ưu tiên xây dựng các trạm kiểu kín. Trạm biến thế phân phối được đặt
tại trung tâm các phụ tải và gần đường giao thông để thuận lợi cho việc thi
công. Bán kính cấp điện của trạm biến thế không lớn hơn 300m.
e) Hệ thống thông tin liên lạc:
- Nhu cầu đến năm 2025 khoảng:
30.000 thuê bao; đến năm 2035 khoảng: 51.000 thuê bao.
- Nguồn tín hiệu cấp cho khu vực
được cấp từ nguồn tín hiệu quang của tỉnh Lạng Sơn thông qua tổng đài trạm vệ
tinh Lộc Bình cách khu vực nghiên cứu khoảng 4,5 km.
- Sử dụng tuyến cáp quang chạy
dọc thị trấn với dung lượng 48FO. Đầu tư hệ thống trạm phát sóng BTS để đáp ứng
nhu cầu thông tin liên lạc cho thị trấn.
- Mạng chuyển mạch: bước đầu điều
chuyển, mở rộng, tăng dung lượng thiết bị công nghệ cũ (TDM) để đáp ứng nhu cầu
tăng nhanh thuê bao điện thoại cố định, đặt mới và tăng dung lượng các DSLAM
đáp ứng nhu cầu Internet băng rộng. Phát triển mạng chú trọng ứng dụng công nghệ,
chất lượng, xây dựng mạng theo mô hình mạng thế hệ mới (NGN).
- Mạng NGN: kiến trúc mạng NGN
chia 3 lớp: lớp mạng, lớp ứng dụng và lớp điều khiển dịch vụ.
- Mạng truyền dẫn: giai đoạn đầu
xây dựng các tuyến cáp quang đấu nối từ Host gần khu quy hoạch hiện có tới điểm
chuyển mạch mới dành riêng cho thị trấn Lộc Bình, mỗi điểm chuyển mạch là một
nút truyền dẫn sử dụng công nghệ SDH dung lượng 2,5Gbps. Giai đoạn đi vào hoàn
thiện thực hiện cáp quang hoá toàn khu vực, dung lượng các tuyến nhánh trên
155Mb/s, dung lượng vòng ring trên 2,5Gb/s.
- Mạng ngoại vi: các tuyến cáp
ngoại vi phát triển mới thực hiện ngầm hóa. Độ dài cáp từ nút tập trung thuê
bao đến thiết bị đầu cuối không quá 1.000m. Xây dựng mạng truy nhập quang để giảm
cự ly phục vụ của tổng đài và thay thế cho các tổng đài độc lập.
- Mạng thông tin di động: triển
khai tăng dung lượng các trạm BTS hiện trạng và tăng cường thêm các trạm BTS
cho các khu quy hoạch mới, nâng cấp chất lượng dịch vụ giá trị gia tăng như
cung cấp dịch vụ truy nhập băng rộng GPRS, 4G.
- Hệ thống thông tin liên lạc
được thiết kế đồng bộ với các hệ thống cấp điện, chiếu sáng nhằm đảm bảo tính đồng
bộ của công trình.
g) Thoát nước thải, quản lý chất
thải rắn, nghĩa trang:
- Thoát nước thải: nước thải
sinh hoạt khoảng 3.000 m3/ngđ( năm 2025) và 5.000 m3/ngđ
(năm 2035). Nước thải công nghiệp khoảng 1.000 m3/ngđ (năm 2025) và
2.000 m3/ngđ (năm 2035).
- Quản lý chất thải rắn: tổng
lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 46 tấn/ngđ (năm 2025) và 87 tấn/ngđ (năm
2035). Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại từ nguồn, bố trí các điểm trung
chuyển chất thải rắn phù hợp, chất thải rắn được thu gom và vận chuyển đến khu
xử lý chất thải rắn chung của thị trấn. Chất thải rắn công nghiệp được phân loại,
thu gom và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn chung của thị trấn và xử lý
riêng. Chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý riêng tại các công trình
như bệnh viện.
- Nghĩa trang: xây dựng 01 vị
trí nghĩa trang mới tại khu vực phía Nam hồ Khuổi Quật, phục vụ thị trấn. bố
trí 01 nhà tang lễ , quy mô khoảng 1 ha nằm trong phạm vi ranh giới nghĩa trang
tập trung xây mới.
6. Đánh giá
môi trường chiến lược
- Bảo vệ hệ sinh thái, cảnh
quan thiên nhiên, các thảm thực vật tại khu vực đồi núi, khu vực ven suối, có độ
dốc lớn; trồng cây xanh, phục hồi cảnh quan tại các vực nước lớn như sông Kỳ
Cùng… Bảo vệ rừng, không chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ngoài khu vực đã
được quy hoạch xây dựng.
- Khai thác và sử dụng nguồn nước
hợp lý, đảm bảo các quy định về môi trường trong khu vực bảo vệ nguồn nước, duy
trì và bảo vệ diện tích mặt nước, tạo vùng lưu trữ nước.
- Kiểm soát ô nhiễm các khu vực
phát triển đô thị, du lịch. Khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường
trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Xây dựng
đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hạ tầng thu gom và xử lý chất thải.
- Xây dựng hệ thống quan trắc
và giám sát định kỳ về môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn tại các khu vực
nhạy cảm về môi trường.
7. Quy định quản
lý theo đồ án quy hoạch: kèm theo hồ sơ quy hoạch
8. Các dự án
ưu tiên đầu tư (theo giai đoạn ngắn hạn: giai đoạn 2022 - 2030).
- Dự án phát triển hạ tầng
khung đối ngoại: nâng cấp, mở rộng QL4B đoạn qua thị trấn và toàn huyện; xây dựng
đường tránh Quốc lộ 4B phía Bắc thị trấn.
- Xây dựng 02 Cụm công nghiệp Lộc
Bình 1 và Lộc Bình 2.
- Dự án khu đô thị mới khu vực
Lục Thôn, khu đô thị sinh thái ven sông Kỳ Cùng, khu dân cư bệnh viện…
- Xây dựng trung tâm thương mại,
dịch vụ,…
- Xây mới chợ Lộc Bình;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng nghĩa
trang Lộc Bình.
- Xây dựng mạng lưới đường đô thị
trong các khu vực được hoạch định phát triển trong giai đoạn đầu, đường từ huyện
đến trung tâm xã.
- Các hạng mục phụ trợ: cống,
rãnh thoát nước, an toàn giao thông,... nhằm nâng cấp đồng bộ hệ thống giao
thông liên xã, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, tài nguyên, sinh
thái rừng, đất đai; thu hút đầu tư du lịch, đầu tư phát triển nông nghiệp công
nghệ cao khu vực dọc tuyến.
- Xây dựng mạng lưới đường đô
thị trong các khu vực được hoạch định phát triển trong giai đoạn đầu.
- Nâng cấp, cứng hóa mạng lưới
đường giao thông nông thôn theo đề án xây dựng nông thôn mới: đường trục thôn
và liên thôn, đường ngõ xóm.
- Cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng
tại khu vực, đặc biệt hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, trạm cấp nước sạch,
trạm điện.
- Phát triển các công trình dịch
vụ công cộng.
- Cải tạo môi trường sản xuất,
môi trường sinh hoạt, môi trường sống.
9. Tổng hợp
kinh phí xây dựng: khoảng 10.421 tỷ đồng (Chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo
Quyết định này).
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Xây dựng phối hợp với
UBND huyện Lộc Bình thực hiện bàn giao hồ sơ quy hoạch, công bố rộng rãi nội
dung đồ án quy hoạch theo quy định để Nhân dân được biết, giám sát thực hiện.
2. UBND huyện Lộc Bình tổ chức
thực hiện: công bố công khai quy hoạch, tiếp nhận, quản lý hồ sơ, tài liệu quy
hoạch được giao và tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định; tổ chức cắm mốc
giới ngoài thực địa theo quy hoạch; tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết
theo thẩm quyền; lập chương trình, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các dự án
ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn; đầu tư xây dựng và cải tạo chỉnh trang đô
thị trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư hợp pháp.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục
và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Lạng
Sơn, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc
Bình, Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT(HVTr).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lương Trọng Quỳnh
|