ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2023/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
19 tháng 7 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số
77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14 ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày
18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14
ngày 17/6/2020; Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày
09/02/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số
66/TTr-SXD ngày 20/6/2023; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 105/BCTĐ-STP
ngày 05/5/2023 và ý kiến tham gia của thành viên UBND tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý vật liệu
xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các tổ chức, cá nhân
hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tổ chức triển khai và kiểm tra việc
thực hiện Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2023 và thay thế Quyết
định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND
tỉnh về quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cục KTVBQPPL (Bộ TP);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Q.CT, các PCT UBND tỉnh;
- V0-V3, XD3,5, GT1,2, CN 1,2;
- TT Thông tin (đăng công báo);
- Lưu: VT, XD1.
XD05-QĐ059
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
Q. CHỦ TỊCH
Cao Tường Huy
|
QUY ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2023)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Quy định về quản lý phát triển, sản xuất vật liệu
xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng vào công trình xây dựng bảo đảm an toàn,
hiệu quả, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên trên địa
bàn tỉnh Quảng Ninh.
2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý
nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên
địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Chiến lược, kế hoạch
phát triển vật liệu xây dựng
1. Sở Xây dựng tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành kế hoạch/phương án/chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa
bàn phù hợp với Kế hoạch của Trung ương và Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng
Việt Nam.
2. Kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch/phương
án/chiến lược phát triển vật liệu xây dựng được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 3. Quy hoạch khoáng sản
làm vật liệu xây dựng
1. Sở Xây dựng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập,
thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật
liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh.
2. Sở Xây dựng quản lý việc tổ chức thực hiện quy
hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa
bàn tỉnh. Tổ chức rà soát, đánh giá và tham gia ý kiến về Quy hoạch thăm dò,
khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng Việt Nam do Bộ Xây dựng
chủ trì tổ chức lập, thẩm định.
3. Kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch
thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được
bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 4. Chính sách phát triển
vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân
thiện với môi trường
1. Khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất vật liệu
xây dựng có quy mô từ lớn đến trung bình ở các vùng có tiềm năng về nguyên liệu
và thị trường tiêu thụ. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo
hướng tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Khuyến khích sử dụng, cải tiến, nâng cấp công
nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng gắn với bảo
vệ môi trường. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trữ lượng khoáng sản; tận dụng, tái
sử dụng tối đa chất thải công nghiệp và các chất thải khác để thay thế nguyên
liệu tự nhiên.
3. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng mới,
thông minh, vật liệu không nung, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường vào
công trình xây dựng. Đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng chủ
lực của tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận,
trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm vật liệu xây dựng
đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều 5. Quản lý dự án sản xuất
vật liệu xây dựng không nung
1. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn
ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn
nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu
xây với tỷ lệ tối thiểu bằng tỷ lệ % theo quy định hiện hành của Thủ tướng
Chính phủ về sử dụng vật liệu không nung trong công trình xây dựng.
2. Khuyến khích các công trình xây dựng được đầu tư
bằng nguồn vốn khác (ngoài đối tượng quy định tại khoản 1) sử dụng vật liệu
không nung theo tỷ lệ % (hoặc cao hơn) quy định hiện hành của Thủ tướng Chính
phủ.
3. Các loại nguyên liệu là phụ gia, phế thải của
các ngành công nghiệp khác dùng để sản xuất vật liệu xây dựng không nung phải
được kiểm nghiệm có kết quả phù hợp để sản xuất vật liệu xây dựng, được vận
chuyển, lưu giữ tại các kho, bãi, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các quy định
về môi trường và phù hợp các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Sản phẩm vật liệu xây dựng không nung đưa ra thị
trường phải được công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật;
niêm yết, công bố công khai giá bán theo quy định.
Điều 6. Quản lý sản xuất bê
tông thương phẩm, cấu kiện bê tông đúc sẵn
1. Nguyên liệu đầu vào (cát, đá, xi măng, phụ gia,
nước, bi tum...) để sản xuất bê tông thương phẩm (bê tông xi măng, bê tông nhựa)
và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hợp
pháp; đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
2. Sản phẩm bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông
đúc sẵn đưa ra thị trường phải được công bố chất lượng phù hợp quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật; niêm yết, công bố công khai giá bán theo quy định.
Điều 7. Quản lý sản xuất vật liệu
san nền, san lấp mặt bằng
1. Việc sử dụng vật liệu san nền, san lấp mặt bằng
(đất đồi, đất đá thải mỏ than, tro xỉ nhà máy nhiệt điện, sản phẩm nạo vét và
các loại vật liệu khác) phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hợp pháp; đảm bảo
chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuân thủ thiết kế và chỉ dẫn
kỹ thuật (nếu có).
2. Chủ đầu tư và các đơn liên quan chịu trách nhiệm
trước pháp luật về việc sử dụng vật liệu san nền, san lấp mặt bằng không hợp
pháp, không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.
3. Sở Xây dựng chủ trì công bố đơn giá vật liệu san
nền, san lấp mặt bằng để chủ đầu tư các dự án tham khảo lập và quản lý chi phí.
Chủ đầu tư căn cứ công bố giá, nguồn ứng vật liệu xây dựng, cung đường, cự ly vận
chuyển và quy định tại Điều 4 nêu trên để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội -
môi trường của dự án làm cơ sở quyết định áp dụng.
4. Về nghĩa vụ tài chính: Chủ đầu tư và các đơn vị
có liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động
khai thác khoáng sản theo quy định.
Điều 8. Chế độ báo cáo
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu
xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng,
01 năm (hoặc sớm hơn khi có yêu cầu) về tình hình hoạt động của đơn vị gửi Ủy
ban nhân dân cấp huyện và Sở Xây dựng.
2. Định kỳ hàng quý (trước ngày 10 của tháng thứ 3
của quý), các đơn vị sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng có trách nhiệm gửi
Quyết định hoặc thông báo giá bán các loại sản phẩm vật liệu xây dựng và hồ sơ
chất lượng liên quan về Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Xây dựng tổng hợp, công
bố công khai trên địa bàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng
trên địa bàn quản lý; định kỳ 6 tháng, 01 năm (hoặc sớm hơn khi có yêu cầu) gửi
về Sở Xây dựng tổng hợp theo quy định.
4. Sở Xây dựng chủ trì tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.
Điều 9. Thanh tra, kiểm tra các
hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng
1. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan
liên quan thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động trong lĩnh vực
vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, gồm:
a. Các hoạt động khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu
xây dựng theo thiết kế được thẩm định, phê duyệt; các hoạt động sản xuất vật liệu
xây dựng; an toàn vệ sinh lao động trong quá trình khai thác, sản xuất vật liệu
xây dựng.
b. Nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng nguyên vật liệu đầu
vào để sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông nhựa,
cấu kiện bê tông và vật liệu xây dựng sử dụng công trình xây dựng.
c. Nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của vật liệu xây
dựng trên thị trường; tại các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh vật
liệu xây dựng; việc thực hiện kê khai giá, công bố giá, công bố hợp chuẩn, hợp
quy vật liệu xây dựng.
d. Các nội dung khác liên quan đến quản lý vật liệu
xây dựng theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức
thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu
xây dựng, nguồn gốc, xuất xứ và công tác vận chuyển, tập kết, chế biến khoáng sản
làm vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; chịu trách nhiệm quản
lý nhà nước toàn diện đối với các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và
cấu kiện xây dựng trên địa bàn quản lý.
3. Các Sở, ban, ngành thực hiện theo chức năng nhiệm
vụ được giao tổ chức thanh tra, kiểm tra theo từng lĩnh vực quản lý theo quy định.
4. Kinh phí thực hiện việc tổ chức khảo sát, lấy mẫu,
kiểm định, thí nghiệm, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng vật liệu xây dựng
được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền,
trách nhiệm của chủ đầu tư theo pháp luật về xây dựng quy định).
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu
xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có những hành vi vi phạm Quy định này và
các quy định khác của của pháp luật tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.
2. Cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản
trở các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng
trên địa bàn tỉnh hoặc trục lợi cá nhân tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu
gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật.
3. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện không
nghiệm thu đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình sử dụng vật liệu xây dựng
không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng đầu vào
theo quy định.
Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
1. Điều khoản chuyển tiếp thực hiện theo Điều 15
Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu
xây dựng.
2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu
có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Xây
dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.