UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
12/2005/QĐ-UB
|
Lạng
Sơn, ngày 29 tháng 3 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO ĐẢM AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH LÂN
CẬN KHI THI CÔNG XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Bộ Luật dân sự ngày 28/10/1995;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng Lạng Sơn tại tờ trình số 73/TT-SXD ngày 03/02/2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết
định này bản " Quy chế bảo đảm an toàn các công trình lân cận khi thi công
xây dựng các công trình mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ".
Điều 2. Quyết định có hiệu lực
sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh,
Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố Lạng Sơn, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3.
- Bộ Xây dựng ( BC )
TT Tỉnh uỷ ( BC )
TT HĐND ( BC )
CT, các PCT UBND Tỉnh.
- Toà án, VKS ND tỉnh
- CPVP, các tổ chuyên viên
- Lưu VT
|
TM.UỶ
BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vy Văn Thành
|
QUY CHẾ
VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN KHI THI CÔNG XÂY DỰNG
CÔNG TRÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2005/QĐ-UB ngày 29 tháng 3 năm 2005 của
UBND tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế
này quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, các chủ sở
hữu, chủ quản lý, sử dụng các công trình trong việc đảm bảo an toàn các công
trình lân cận, vệ sinh môi trường trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng
công trình mới hoặc sửa chữa, cải tạo, tháo dỡ các công trình cũ trong các đô
thị, các phố cũ, phố có nhiều nhà ở của dân đã quá niên hạn sử dụng hoặc công
trình đã xuống cấp chất lượng do không thực hiện quy định bảo trì công trình
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Quy chế
này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước
ngoài tham gia đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh
Lạng Sơn.
Điều 2. Giải thích từ ngữ:
Trong quy định
này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1- An toàn
các công trình lân cận:
An toàn các
công trình lân cận khi xây dựng công trình mới là những yêu cầu đảm bảo công
trình hiện đang tồn tại bên cạnh, xung quanh hoặc khu vực gần đó không bị hư hỏng,
không bị ảnh hưởng đến độ bền vững, kiến trúc, kết cấu kỹ, mỹ thuật của công
trình, đảm bảo vệ sinh môi trường và không ảnh hưởng đến quá trình khai thác sử
dụng khi khảo sát, xây dựng công trình mới, sửa chữa, cải tạo hoặc tháo dỡ các
công trình cũ.
Công trình
lân cận bao gồm:
- Công trình
liền kề, bên cạnh, nằm sát công trình mới.
- Công trình
xung quanh hoặc khu vực gần đó: ở đây đề cập công trình nằm trong khu vực ảnh
hưởng có thể bị nghiêng, lún, rạn nứt ... , vật tư, vật liệu, thiết bị thi công
khi xây dựng công trình mới có thể rơi, đổ hoặc gây hư hỏng cho các công trình
hiện đang tồn tại.
2- Bảo trì
công trình: Là công việc của chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình
thực hiện duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn nhằm đảm bảo
cho công trình sử dụng, vận hành an toàn theo quy trình vận hành do nhà thầu
thiết kế, chế tạo thiết bị quy định.
3- Hoạt động
xây dựng: Bao gồm lập quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình,
khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có
liên quan đến xây dựng công trình.
4- Chủ thể
tham gia hoạt động xây dựng: Bao gồm chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, nhà
thầu xây dựng.
5- Khảo
sát xây dựng: Bao gồm khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo
sát địa chất thuỷ văn, khảo sát hiện trạng công trình và các công việc khảo sát
khác phục vụ cho hoạt động xây dựng.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Bảo đảm an toàn công trình lân cận và vệ sinh môi
trường:
1. Đối với
thi công phần ngầm, công trình ngầm:
a) Hành vi
gây mất an toàn trong quá trình thi công phần ngầm, công trình ngầm như: Đào
móng công trình; Xây kè chắn đất, đá, bể nước; Đào hầm, đào tuy nen; Đóng cọc,
ép cọc khi thi công móng; Khoan đất đá, khoan thăm dò địa chất- thuỷ văn; Thi
công phần móng, phần ngầm của các loại công trình.
Những hành
vi, hoạt động thi công xây dựng trên gây mất an toàn khi gặp các hệ thống kĩ
thuật hạ tầng: tuy nen, đường ống dẫn nước sinh hoạt, cống thoát nước, cáp điện,
cáp thông tin, đường ống khí ga làm hư hỏng, mất khả năng hoạt động các hệ thống
này, hoặc tai nạn, thảm hoạ, các công trình bên cạnh bị sạt lở móng dẫn đến bị
lún, rạn nứt, nghiêng, đổ bộ phận hoặc toàn bộ công trình.
Hệ thống kĩ
thuật của công trình khác bị hư hỏng gây ô nhiễm môi trường như:
- Hệ thống điện
bị chập cháy, hư hỏng, gây nguy hiểm đến tính mạng và vật chất.
- Hệ thống cấp
nước bị vỡ bị ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hoặc gây hư hỏng không hoạt động.
- Đường ống,
cống nước thải bị vỡ chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
- Hệ thống
khí ga, khí lỏng bị hư hỏng.
b) Đảm bảo an
toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm gặp các hệ thống kĩ thuật hạ tầng,
các đường ống dẫn nước sinh hoạt, cống thoát nước, cáp điện, cáp thông tin hiện
có thì phải báo cơ quan chức năng liên quan và phải có biện pháp bảo vệ hoặc di
chuyển. Để bảo vệ móng công trình lân cận, phải có biện pháp gia cố (xây kè, chống
giữ, neo) sao cho công trình lân cận không bị lún, rạn nứt, hư hỏng.
Trước khi thi
công phần ngầm phải có hồ sơ xử lí đảm bảo an toàn cho hệ thống kĩ thuật ngầm hiện
có, bảo đảm an toàn cho móng các công trình lân cận.
Không được
xây đè lên móng nhà bên cạnh, khoảng cách an toàn giữa móng nhà xây mới và móng
nhà cũ phải đảm bảo quy phạm.
c) Hồ sơ biện
pháp xử lí đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường phần chìm, phần ngầm công trình
phải được đề cập trong dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế kỹ thuật
thi công). Trước khi thi công phải có phương án chi tiết, cụ thể trong việc đảm
bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho các công trình lân cận.
2. Đối với
công trình và phần nổi trên mặt đất:
a) Nghiêm cấm
những hành vi, hoạt động thi công xây dựng gây mất an toàn, vệ sinh môi trường:
-Trong quá
trình sản xuất, thi công: Phế thải xây dựng đổ không đúng nơi quy định, đào đắp
đất, đổ vật liệu, đổ bừa bãi ra bờ sông, ao, hồ, khu dân cư, nơi công cộng làm
mất vệ sinh, gây tắc nghẽn dòng chảy, luồng chảy, giao thông; Khói bụi gây ô
nhiễm không khí, ảnh hưởng môi trường sống, tiếng ồn quá mức cho phép ảnh hưởng
đến cuộc sống và làm việc của cộng đồng dân cư.
- Huỷ hoại
cây xanh: Khi thi công các công trình trong đô thị, gần đường giao thông vướng
cây cối tuỳ tiện chặt phá.
- Xe chuyên
chở vật liệu, cần trục, máy xúc, đào và các loại máy khác di chuyển hoặc đang
thi công gây hư hỏng đường dây truyền tải điện, cáp thông tin, công trình giao
thông và các loại công trình khác.
- Các phương
tiện khai thác và chuyên chở vật liệu đường thuỷ, khai thác vật liệu xây dựng tại
ao, hồ, sông, suối gây hư hỏng mố cầu, trụ cầu, bờ, kè sông, các công trình
liên quan khác.
- Khi thi
công công trình mới, hệ thống giàn giáo, lưới chắn không ổn định vững chắc dẫn
đến đổ, sụp sang công trình lân cận gây tai nạn cho người, phương tiện và làm
hư hỏng những công trình này.
- Hệ thống
giá đỡ, neo giữ, neo vào công trình cũ không an toàn gây đổ bộ phận hoặc thậm
chí toàn bộ công trình này.
- Công trình
che lấp hoặc xây chen công trình khác ảnh hưởng tới giao thông, kiến trúc, mỹ
quan, màu sắc, các công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật đã có.
- Khi thi
công các công trình mới như đường dây cáp điện, thông tin, cấp thoát nước mà
đào phá nền đường, nền hè gây hư hỏng những công trình khác.
- Thi công đường
dây điện qua khu đô thị, dân cư vi phạm hành lang an toàn.
- Thi công
hàn, dập, gia công không đảm bảo an toàn, không che chắn, gần vật liệu dễ cháy,
nổ gây hoả hoạn.
- Thi công
công trình mới gây tắc nghẽn giao thông, tắc nghẽn dòng chảy, thay đổi dòng
thoát nước, hướng thoát.
- Xây dựng
công trình mới làm ảnh hưởng thay đổi tính năng sử dụng và hoạt động của các
công trình khác.
- Tập kết vật
tư, vật liệu gây tắc nghẽn giao thông, hư hỏng đường thoát nước, rãnh thoát nước
mặt của đường giao thông, để vật liệu, bán thành phẩm rơi sang công trình lân cận.
b) Hồ sơ biện
pháp xử lí đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường phần nổi công trình phải được đề
cập trong dự án, trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế kỹ thuật thi
công). Trước khi thi công phải có phương án chi tiết, cụ thể trong việc đảm bảo
an toàn, vệ sinh môi trường cho các công trình lân cận.
c) Đối với những
công trình lận cận đang ở trạng thái không an toàn, nếu thi công xây dựng công
trình mới có nhiều khả năng sẽ bị hư hỏng thì chủ công trình xây dựng mới phải
thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, được 2 bên (chủ đầu tư xây dựng công
trình mới và chủ sở hữu công trình cũ) thoả thuận và thống nhất bằng văn bản.
Trường hợp không thống nhất được thì mời các cơ quan có chức năng liên quan làm
trọng tài cùng xem xét giải quyết.
3- Khu vực,
loại công trình bắt buộc phải có hồ sơ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho
các công trình lân cận trong hồ sơ thiết kế và được thẩm định trước khi khởi
công.
a- Khu vực phải
có hồ sơ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường:
Diện tích
công trình và xung quanh công trình tính từ điểm ngoài của chân công trình, (hoặc
chân cần cẩu, vận thăng v.v nếu chiều cao lớn hơn chiều cao công trình) đến
ngoài công trình một khoảng cách bằng 2 lần chiều cao công trình hoặc 2 lần chiều
cao của thiết bị cần cẩu, vận thăng (nếu chiều cao lớn hơn chiều cao công trình
).
Các công
trình có độ sâu chôn móng hoặc độ sâu khoan, nén, ép, đóng cọc lớn hơn chiều
cao công trình thì khoảng cách bằng 2 lần độ sâu chôn móng hoặc độ sâu khoan, độ
sâu chôn cọc (nếu thi công khoan, nén, ép, đóng cọc).
Nếu thi công
bằng biện pháp nổ mìn thì khoảng cách an toàn đối với các công trình lân cận được
quy định theo tiêu chuẩn Nhà nước hiện hành và hồ sơ an toàn trình cơ quan quản
lí Nhà nước về phòng chống cháy nổ.
Các công
trình ngầm khoảng cách phải bằng 2 lần độ sâu của công trình.
b- Loại công
trình phải có hồ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường:
- Các công
trình nằm trong các khu di sản văn hoá, di tích lịch sử-văn hoá,
- Các công
trình cấp I, II, III,
- Các công
trình có xử lí nền móng bằng các biện pháp đặc biệt như khoan, nén, ép, đóng cọc,
thi công có sử dụng thiết bị như cần trục, vận thăng v.v,
- Các công
trình sử dụng biện pháp nổ mìn phải có hồ sơ về an toàn công trình lân cận
trình cơ quan quản lí Nhà nước về phòng chống cháy nổ,
- Và các loại
công trình khác (trừ các công trình ở khoản 4).
4- Loại công
trình không yêu cầu lập hồ sơ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho các công
trình lân cận trong hồ sơ thiết kế nhưng các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng
công trình đó vẫn phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường
cho các công trình lân cận (Các công trình không nằm trong các khu di sản văn
hoá, di tích lịch sử-văn hoá); Bao gồm:
Công trình cấp
4 trở xuống; Sửa chữa, hoàn thiện bên trong công trình nhưng không làm thay đổi
kết cấu chịu lực của công trình. UBND tỉnh khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt
động xây dựng công trình lập hồ sơ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho các
công trình lân cận.
Điều 4. Quy định cụ thể đối với các chủ thể tham gia hoạt động
xây dựng trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường các công trình lân cận
trong quá trình thi công xây dựng công trình mới, sửa chữa, cải tạo hoặc tháo dỡ
các công trình cũ:
1. Nhà thầu
tư vấn khảo sát xây dựng:
Nhà thầu thực
hiện khảo sát xây dựng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận
và bảo vệ môi trường trong khu vực khảo sát. Trong quá trình khảo sát phải lập
báo cáo đánh giá được hiện trạng công trình lân cận, các hệ thống kĩ thuật ngầm
của công trình lân cận liên quan với công trình xây dựng mới.
Nhà thầu thực
hiện khảo sát có quyền đề xuất ý kiến về biện pháp đảm bảo an toàn và vệ sinh
môi trường khi thi công xây dựng công trình mới, sửa chữa hoặc tháo dỡ các công
trình cũ.
2. Nhà thầu
tư vấn thiết kế xây dựng công trình:
Thiết kế công
trình ( mới, cải tạo, sửa chữa, tháo dỡ) đảm bảo bền vững và phải lập, đưa ra
được các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình lân cận không bị hư hỏng và đảm
bảo vệ sinh môi trường (Công trình lân cận không bị rạn, nứt, lún, nghiêng;
không bị ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí). Trường hợp cần thiết phải
chỉ rõ các giải pháp xử lý cụ thể trong quá trình thi công để đảm bảo an toàn
cho các công trình lân cận.
Đối với nhà ở
riêng lẻ có diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 250 m2 sàn, dưới 3 tầng không nằm trong
các khu di sản văn hoá, di tích lịch sử-văn hoá thì cá nhân, hộ gia đình được tự
tổ chức thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu
trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến
môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Nhà ở riêng lẻ
có tổng diện tích sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong các
khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hoá thì việc thiết kế phải do tổ chức,
cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hoạt
động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện.
3. Nhà thầu
xây dựng:
Một trong những
điều kiện bắt buộc để khởi công công trình là phải lập hồ sơ biện pháp đảm bảo
an toàn cho các công trình lân cận và vệ sinh môi trường trong quá trình thi
công xây dựng (Hồ sơ gia cố móng, lưới an toàn, che chắn, neo chống...).
Cá nhân tự tổ
chức xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn
250m2 hoặc dưới 3 tầng thì phải có năng lực hành nghề thi công xây dựng công
trình và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, an toàn các công trình, liền
kề, lân cận và vệ sinh môi trường.
Nhà ở riêng lẻ
có tổng diện tích sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên: Nhà thầu thi công xây
dựng phải có đăng kí hoạt động xây dựng công trình, có đủ năng lực hoạt động
thi công xây dựng tương ứng với loại và cấp công trình, có chỉ huy trưởng công
trường, công nhân kỹ thuật đủ năng lực hành nghề thi công xây dựng theo quy định
của nhà nước và phải đảm bảo an toàn theo quy định trong Quy chế này.
Nhà thầu xây
dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người,
máy móc, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các
công trình lân cận; đối với những máy móc, thiết bị phục vụ thi công phải được
kiểm định an toàn và đạt các chỉ tiêu quy định mới được đưa vào sử dụng.
Để đảm bảo an
toàn, vệ sinh môi trường các tổ chức và cá nhân hoạt động thi công các công
trình tại khu vực dân cư, đô thị, khi vận chuyển nguyên vật liệu trong các tuyến
phố chính, các phố cũ, các phố có đông dân phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường
Việt Nam áp dụng từng khu vực, có các biện pháp đảm bảo an toàn như che chắn,
phủ bạt, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu phải được vệ sinh sạch sẽ
trước khi ra khỏi các khu vực thi công. Một số tuyến phố chỉ được vận chuyển
vào một thời gian nhất định. (Danh mục các tuyến phố và thời gian do Sở GTVT
quy định).
4. Chủ đầu
tư:
Từ khi lập dự
án, khảo sát, thiết kế phải đề cập đến công tác an toàn các công trình lân cận
và vệ sinh môi trường trong khu vực thi công. Chủ đầu tư phải đặt ra các yêu cầu
về an toàn cho công trình lân cận với nhà thầu khảo sát thiết kế, thiết kế, xây
lắp công trình trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng kinh tế, nhiệm vụ thực hiện các
công tác của hoạt động xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm trong việc lựa chọn,
hợp đồng thuê tổ chức và cá nhân tư vấn xây dựng lập dự án, khảo sát, thiết kế
có đủ điều kiện và năng lực. Chủ đầu tư tự giám sát hoặc thuê tư vấn giám sát
thi công xây dựng; có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu xây dựng trình biện pháp tổ
chức thi công đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. Chủ đầu tư có nghĩa vụ tổ chức
kiểm tra biện pháp an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu xây dựng công trình
trong suốt quá trình thi công. Chủ đầu tư có quyền dừng thi công xây dựng công
trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi nhà thầu xây dựng công trình vi phạm các
quy định chất lượng, an toàn công trình lân cận và vệ sinh môi trường.
Chủ đầu tư phải
phối hợp với chủ sở hữu các công trình lân cận và chính quyền địa phương nơi đặt
công trình để lập hồ sơ theo dõi hiện trạng công trình lân cận từ trước khi khởi
công xây dựng công trình của mình đến khi hoàn thành công trình để có cơ sở
pháp lý khi đền bù các công trình lân cận trong trường hợp do hoạt động xây dựng
của các chủ thể tham gia xây dựng công trình của mình gây ra.
Trường hợp
các công trình lận cận ở trạng thái không an toàn hoặc công trình thi công xây
dựng mới có nguy cơ đe doạ sự an toàn cho công trình lân cận, thì chủ công
trình xây dựng mới phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại
cho chủ sở hữu công trình liền kề và xung quanh thì phải bồi thường.
Trong hồ sơ
thiết kế bắt buộc phải có văn bản thoả thuận về việc đảm bảo an toàn với các chủ
sở hữu của các công trình lận cận đó.
Điều 5. Trách nhiệm của UBND các cấp, cơ quan quản lý chuyên
môn, các tổ chức và cá nhân có liên quan:
1. UBND tỉnh
UBND Tỉnh thống
nhất quản lý nhà nước về việc thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn các công trình
lân cận khi thi công xây dựng các công trình mới, sửa chữa, cải tạo hoặc tháo dỡ
các công trình cũ, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng của các
chủ thể tham gia đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng
Sơn. Quyết định xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. UBND các
huyện, thành phố
UBND các huyện,
thành phố kiểm tra công tác quản lí của các phòng, ban, cơ quan chức năng trực
thuộc về việc thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn các công trình lân cận khi thi
công xây dựng các công trình mới, vệ sinh môi trường của Chủ đầu tư, Ban quản
lí dự án, nhà thầu xây dựng. UBND huyện, thành phố có trách nhiệm xem xét trả lời,
quyết định các đề nghị của các phòng, ban, cơ quan chức năng trực thuộc hoặc của
nhân dân theo thẩm quyền. Trường hợp nghiêm trọng UBND huyện, thành phố lập Hội
đồng xử lý cấp huyện, thành phố do UBND huyện, thành phố chủ trì có Sở chủ quản,
Sở Xây dựng, Sở có công trình xây dựng chuyên ngành tham gia. Quyết định xử phạt
các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. UBND xã,
phường, thị trấn
UBND xã, phường,
thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo việc bảo đảm an toàn công trình xây dựng mới và
các công trình lân cận, vệ sinh môi trường của Chủ đầu tư, Ban quản lí dự án,
nhà thầu thi công xây lắp công trình xây dựng trên địa bàn quản lí theo thẩm
quyền. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xem xét trả lời, quyết định các
đề nghị của các phòng, ban, bộ phận, của nhân dân theo thẩm quyền hoặc trình cấp
trên xem xét và quyết định. Có trách nhiệm trong việc phối hợp cùng các chủ thể
tham gia hoạt động xây dựng lập hồ sơ theo dõi hiện trạng công trình lân cận từ
trước khi khởi công xây dựng công trình cho đến khi hoàn thành công trình. Quyết
định xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Sở Xây dựng
và các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành
Sở Xây dựng
có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn các
công trình lân cận khi thi công xây dựng các công trình mới, vệ sinh môi trường
của Chủ đầu tư, Ban quản lí dự án, nhà thầu thi công xây dựng các công trình trên
địa bàn tỉnh.
Sở có công
trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
Quy chế bảo đảm an toàn các công trình lân cận khi thi công xây dựng các công
trình mới, vệ sinh môi trường của Chủ đầu tư, Ban quản lí dự án, nhà thầu thi
công xây dựng các công trình chuyên ngành.
Quyết định xử
phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Các tổ chức
và cá nhân có liên quan
Các tổ chức
và cá nhân có liên quan, cơ quan chủ quản (của Chủ đầu tư, Ban quản lí dự án,
nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, nhà thầu xây dựng) có trách nhiệm thực hiện
và kiểm tra việc thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn các công trình lân cận, vệ
sinh môi trường khi thi công xây dựng công trình mới, sửa chữa, cải tạo hoặc
tháo dỡ các công trình cũ.
Các tổ chức,
cá nhân có công trình liền kề và lân cận có quyền đề nghị biện pháp hợp lí đảm
bảo an toàn cho công trình của mình, bảo vệ môi trường nhưng phải đảm bảo không
gây ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình và quá trình thi công xây dựng
công trình mới, có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do mình gây ra cho chủ
đầu tư, nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế và thi công xây lắp công trình.
Điều 6. Sửa chữa, phá dỡ công trình:
Trong quá
trình sửa chữa, cải tạo, phá dỡ công trình không được làm hư hỏng các công
trình lân cận về kết cấu, khoảng cách đến các công trình xung quanh, cấp thoát
nước, thông gió, ánh sáng, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, phải có biện
pháp ngăn ngừa chất thải rắn, chất lỏng, bụi, khí v.v gây ô nhiễm môi trường, đồng
thời phải có hồ sơ đảm bảo an toàn cho các công trình lận cận, bảo đảm vệ sinh
môi trường và được cơ quan cấp giấy phép xây dựng theo phân cấp phê duyệt(Trừ
các trường hợp ở khoản 4, Điều 3 nêu trên).
Trong trường
hợp công trình xây dựng, cây cối có nguy cơ đổ sập xuống công trình liền kề và
lân cận hoặc nơi sinh hoạt công cộng thì chủ công trình phải chặt cây, sửa chữa
hoặc phá dỡ công trình đó. Việc chặt cây, sửa chữa hoặc phá dỡ phải được thực
hiện đúng quy định.
Chủ sở hữu
công trình liền kề và lân cận có quyền yêu cầu chủ công trình xây dựng mới có
nguy cơ sập đổ phải phá dỡ nếu không phá dỡ thì có quyền yêu cầu các cơ quan
nhà nước cho phá dỡ. Chi phí phá dỡ do chủ công trình xây dựng mới chịu.
Điều 7. Giấy phép xây dựng:
Nội dung, điều
kiện, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình và các vấn đề khác liên quan
đến giấy phép công trình thực hiện theo quy định của Luật xây dựng.
Việc cấp phép
xây dựng công trình trong đô thị, các điểm dân cư tập trung phải phù hợp với
quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt, bảo đảm các quy định về lộ giới, chỉ giới
đường đỏ, chỉ giới xây dựng; thiết kế đô thị, các yêu cầu về an toàn đối với
công trình xưng quanh; bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm hành lang bảo vệ các
công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, khu di sản văn hoá, di
tích lịch sử - văn hoá và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của
pháp luật.
Chương III
KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ
LÍ VI PHẠM VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Điều 8. Kiểm tra, thanh tra
Sở Xây dựng,
Sở có công trình xây dựng chuyên ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các
cơ quan quản lí nhà nước có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lí vi
phạm theo quy định của pháp luật.
Đội quy tắc
thành phố, huyện, thị trấn, xã, phường có trách nhiệm kiểm tra trên địa bàn, phát
hiện, xử phạt hoặc trình cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật
những hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng gây mất an
toàn công trình đang xây dựng, an toàn các công trình lân cận khi thi công xây
dựng công trình mới, sửa chữa, cải tạo hoặc tháo dỡ các công trình cũ và gây ô
nhiễm môi trường xung quanh khu vực xây dựng.
Điều 9. Xử lý vi phạm
1. Chủ đầu
tư, nhà thầu thi công xây lắp công trình, nhà thầu tư vấn xây dựng, các tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động xây dựng vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo
an toàn các công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong quá trình khảo sát,
thi công xây dựng công trình mới hoặc sửa chữa, cải tạo, tháo dỡ các công trình
cũ, xây dựng công trình trên đất không được xây dựng, vi phạm các quy định về
giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn
nhà thầu, an toàn xây dựng, quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh quyết toán,
thực hiện không đúng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn xây dựng, vi phạm các quy
định về điều kiện năng lực, đầu thầu, cung cấp và sử dụng số liệu, tài liệu
không hợp lệ, chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp...trong hoạt động xây dựng
thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 126/2004/NĐ-CP
ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây
dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà; Thông tư
01/2005/TT-BXD ngày 21/01/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết thi hành một số
điều Nghị định 126/2004/NĐ-CP.
2. Các tổ chức,
cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng ngoài việc phải chịu
hình thức xử phạt vi phạm hành chính như trên còn buộc phải thực hiện các biện
pháp khác theo quy định trong Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính
phủ, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường trong quá
trình tham gia hoạt động xây dựng, tịch thu thiết bị, phương tiện, bồi thường
những thiệt hại về vật chất do lỗi của mình gây ra hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm, đồng thời còn bị xử phạt các hành vi vi phạm
hành chính về quản lý các công trình hạ tầng đô thị, quản lý sử dụng nhà theo
Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ; Thông tư 01/2005/TT-BXD
ngày 21/01/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Nghị định
126/2004/NĐ-CP.
3. Thẩm quyền,
mức phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý
các công trình hạ tầng đô thị, quản lý sử dụng nhà, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng,
xử lý vi phạm thực hiện theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính
phủ; Thông tư 01/2005/TT-BXD ngày 21/01/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết
thi hành một số điều Nghị định 126/2004/NĐ-CP.
Điều 10. Chế độ báo cáo
UBND các cấp,
các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng trên địa
bàn tỉnh Lạng Sơn, các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm
báo cáo cấp trên trực tiếp và cơ quan quản lý chất lượng công trình xây dựng của
địa phương việc thực hiện Quy chế kết hợp với báo cáo định kì về quản lí chất
lượng công trình (6 tháng, năm ) theo Quy định về việc phân cấp quản lý chất lượng
công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ban hành theo quyết định số
35/2004/QĐ-UB ngày 11/6/2004 của UBND tỉnh Lạng Sơn để cơ quan quản lý chất lượng
công trình xây dựng của địa phương tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh và Bộ Xây dựng
theo quy định hiện hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Ngoài việc thực hiện các vấn đề có liên quan đến hoạt
động xây dựng được quy định trong Bộ Luật dân sự, Các ngành, các cấp, các đơn vị
và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện Quy chế
này.
Sở Xây dựng,
Sở có công trình xây dựng chuyên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối
hợp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Quy chế này.
Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh bằng văn bản tới UBND tỉnh hoặc
Sở Xây dựng để kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.