Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 07/2024/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Lại Văn Hoàn
Ngày ban hành: 17/04/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2024/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 17 tháng 4 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG, BÙN THẢI TỪ BỂ PHỐT, HẦM CẦU VÀ BÙN THẢI TỪ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 416/TTr-STNMT ngày 09/8/2023, Công văn số 3193/STNMT-QLMT ngày 31/10/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 4 năm 2024.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể thuộc tỉnh;
- Như Điều 3;
- Công báo tỉnh;
- Báo Thái Bình;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Văn Hoàn

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG, BÙN THẢI TỪ BỂ PHỐT, HẦM CẦU VÀ BÙN THẢI TỪ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2024/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định cụ thể các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải rắn xây dựng (sau đây viết tắt là CTRXD), bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình, bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình quy định tại khoản 6 Điều 64, khoản 8 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

2. CTRXD, bùn thải từ hệ thống thoát nước là chất thải nguy hại theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

3. Các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý CTRXD, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước không được quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến CTRXD, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CTRXD

Điều 3. Thu gom CTRXD

1. Phân loại CTRXD

a) CTRXD phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh thành các loại sau:

- CTRXD được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất.

- CTRXD đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng.

- CTRXD phải xử lý.

b) CTRXD không được phân loại phải được quản lý theo quy định đối với CTRXD phải xử lý.

c) CTRXD có lẫn chất thải nguy hại không thực hiện việc phân loại hoặc không thể phân loại được thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

2. Lưu giữ CTRXD

a) CTRXD phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn công nghiệp thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ nước thải ra môi trường.

b) Thiết bị, dụng cụ lưu giữ CTRXD phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

c) Địa điểm lưu giữ CTRXD phải bảo đảm không bị ngập lụt, tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lưu giữ và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

d) Thiết bị, khu vực lưu giữ CTRXD phải đảm bảo không gây cản trở giao thông và không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan; phải ghi hoặc dán nhãn thông tin về loại CTRXD.

đ) Thời gian lưu giữ CTRXD phù hợp theo đặc tính của loại chất thải; quy mô, khả năng lưu chứa của thiết bị, địa điểm lưu giữ và quy định của pháp luật.

Điều 4. Vận chuyển CTRXD

1. Việc vận chuyển CTRXD phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 5 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

2. Phương tiện vận chuyển CTRXD phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 5. Xử lý CTRXD

1. Tái sử dụng, tái chế CTRXD.

a) CTRXD còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định của pháp luật.

b) CTRXD đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất.

c) Chủ nguồn thải CTRXD có thể tái sử dụng, tái chế CTRXD ngay tại công trường hoặc chuyển giao CTRXD cho các cơ sở, công trình khác để tái chế, tái sử dụng CTRXD theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý CTRXD.

a) Công nghệ xử lý CTRXD bao gồm:

- Nghiền, sàng.

- Sản xuất vật liệu xây dựng.

- Chôn lấp.

- Các công nghệ khác.

b) Công nghệ xử lý CTRXD phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội.

c) CTRXD từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải, được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý CTRXD, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

d) CTRXD từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý CTRXD phải được tái sử dụng hoặc đổ thải đúng nơi quy định; không được đổ CTRXD ra đường, sông ngòi, kênh mương, ao, hồ, khu đất nông nghiệp, đất công cộng và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Điều 6. Đầu tư vào hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD

1. Trạm trung chuyển CTRXD phải phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thuận lợi về giao thông, đảm bảo hoạt động chuyên chở, không gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan và chất lượng môi trường.

2. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực quản lý CTRXD được ưu đãi và hỗ trợ theo các quy định hiện hành.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ nguồn thải CTRXD

Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 66 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Điều 8. Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển CTRXD

Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 67 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Điều 9. Trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD

Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Mục 2. THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ BÙN THẢI TỪ BỂ PHỐT, HẦM CẦU VÀ BÙN THẢI TỪ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC

Điều 10. Thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu

1. Yêu cầu về thu gom, vận chuyển bùn thải bể phốt, hầm cầu:

a) Bùn thải từ các hộ gia đình, các cơ quan hành chính, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thông hút định kỳ.

b) Các phương tiện, trang thiết bị thông hút, thu gom và vận chuyển bùn thải bể phốt, hầm cầu phải là các phương tiện chuyên dụng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về giao thông và bảo vệ môi trường. Các phương tiện này đảm bảo các yêu cầu an toàn kỹ thuật sau:

Bền vững cơ học và hóa học khi vận hành.

Không gây rò rỉ, phát tán bùn, mùi ra môi trường.

Có các biện pháp xử lý sự cố khi vận hành.

c) Bùn thải bể phốt, hầm cầu phải được vận chuyển đến khu xử lý tập trung đã được quy hoạch hoặc vị trí do cơ quan có thẩm quyền cho phép; khuyến khích xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên cơ sở khả năng tiếp nhận xử lý của nhà máy, các điều kiện về môi trường và chi phí xử lý hợp lý. Nghiêm cấm xả thẳng bùn thải bể phốt, hầm cầu vào hệ thống thoát nước cũng như môi trường xung quanh.

2. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn thải bể phốt, hầm cầu:

a) Đáp ứng các yêu cầu về thu gom, vận chuyển nêu tại khoản 1 Điều này.

b) Lập hồ sơ quản lý khách hàng bao gồm:

Tên chủ hộ/đơn vị/số người.

Địa chỉ.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Kích thước và dung tích bể phốt, hầm cầu.

Lịch thông hút bể phốt, hầm cầu theo định kỳ.

Các thông tin khác nếu cần thiết.

c) Chi phí thông hút, vận chuyển và xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu do các chủ hộ gia đình, cơ quan hành chính và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chi trả theo hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ;

d) Lập nhật ký công tác, hồ sơ quản lý việc thu gom, vận chuyển bùn thải bể phốt, hầm cầu và báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra như làm phát tán, rò rỉ bùn thải bể phốt, hầm cầu gây ô nhiễm môi trường. Hồ sơ quản lý việc thu gom, vận chuyển bùn thải bể phốt, hầm cầu bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

Thông tin chung về đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển.

Số chuyến xe thực hiện dịch vụ thông hút trong ngày/tháng/quý.

Khối lượng bùn bể phốt, hầm cầu đước thông hút và thu gom, vận chuyển.

Loại hình bể phốt, hầm cầu được thông hút, thu gom (từ công trình vệ sinh công cộng, hộ gia đình, cơ quan, ...), lý do thông hút (tắc, phá dỡ để xây dựng công trình, di chuyển sang vị trí khác,...).

Vị trí đổ thải (trạm xử lý, bãi đổ theo quy hoạch,...).

Chi phí vận chuyển, phí thu.

Các thông tin khác nếu cần thiết.

3. Trách nhiệm của đơn vị xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu:

a) Tiếp nhận và xử lý an toàn bùn thải bể phốt, hầm cầu từ các chủ nguồn thải, từ đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn thải bể phốt, hầm cầu trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa các bên.

b) Lập hồ sơ theo dõi định kỳ lượng bùn thải bể phốt, hầm cầu tiếp nhận để xử lý. Nội dung của hồ sơ quản lý bao gồm:

Các thông tin cơ bản về đơn vị xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu.

Khối lượng/dung tích/số xe chở phân bùn được tiếp nhận.

Lượng chế phẩm sinh học/ hóa chất sử dụng (nếu có).

Nhật ký theo dõi chế độ vận hành các công trình trong dây chuyền công nghệ xử lý (bao gồm cả xử lý sự cố...).

Khối lượng phần chất rắn sau xử lý.

c) Xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu phải đảm bảo các quy định về môi trường; các loại khí thải, nước thải, bùn, tro, xỉ phải được phân tích, quan trắc nhằm đánh giá, theo dõi đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.

Điều 11. Thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước

1. Thu gom, vận chuyển bùn thải hệ thống thoát nước:

Bùn thải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến các địa điểm xử lý theo quy hoạch hoặc các địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; không được phép xả thải bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trong trường hợp bùn thải có các thành phần nguy hại thì phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

2. Các phương án xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước:

a) Xử lý bùn thải tại các trạm/nhà máy xử lý nước thải có khu xử lý bùn thải trong phạm vi nhà máy.

b) Xử lý bùn thải tại các khu xử lý bùn thải hoặc tại các cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị thoát nước căn cứ vào khối lượng bùn thải cần phải xử lý, vị trí khu xử lý/cơ sở xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý và các điều kiện kinh tế - kỹ thuật của địa phương để lựa chọn phương án xử lý bùn thải cho phù hợp.

3. Xử lý bùn thải hệ thống thoát nước bao gồm các nội dung như sau:

a) Tách nước sơ bộ, ổn định bùn thải, khử các chất hữu cơ dễ gây thối rữa.

b) Xử lý sơ bộ bùn thải, tăng cường khả năng nhả nước của bùn thải.

c) Làm khô bùn thải.

d) Vận chuyển bùn thải, khử độc bùn thải.

đ) Sử dụng lại bùn thải cho các mục đích khác nhau.

e) Xử lý bùn, nước bùn thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định.

4. Các công nghệ áp dụng xử lý bùn thải:

a) Chôn lấp.

b) Phân hủy kỵ khí thu hồi khí biogas.

c) Ổn định sinh học trong các hồ chứa và các bãi lọc trồng cây.

d) Ủ phân compost.

đ) Sấy bùn trực tiếp hoặc gián tiếp.

e) Đốt bùn, tái sinh năng lượng và sử dụng tro.

g) Các công nghệ khác.

Căn cứ thành phần, tính chất bùn thải, các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, môi trường và điều kiện cụ thể của địa phương, chủ đầu tư lựa chọn công nghệ xử lý bùn thải phù hợp.

5. Tái sử dụng bùn thải sau xử lý phải:

a) Căn cứ vào nhu cầu thực tế của sản phẩm đầu ra từ nguyên liệu bùn thải.

b) Căn cứ vào các mục đích khác nhau, đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm từ nguyên liệu bùn thải.

c) Xác định tỷ lệ sử dụng bùn thải theo mục đích sử dụng, tiêu chuẩn môi trường đất, hàm lượng kim loại nặng có trong đất, tỷ lệ dư lượng kim loại hàng năm và giá trị giới hạn chất ô nhiễm của bùn thải, lượng và thành phần dinh dưỡng cây trồng hấp thụ.

6. Chất lượng bùn thải sau xử lý phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan bao gồm:

a) Quy định về mùi.

b) Quy định về chỉ tiêu lý hóa và dinh dưỡng (pH, hàm lượng nước, tổng thành phần dinh dưỡng và các chất hữu cơ, phốt pho, kali).

c) Quy định về chỉ tiêu an toàn theo giá trị giới hạn ô nhiễm và an toàn vệ sinh phòng dịch.

d) Quy định về giới hạn nồng độ ô nhiễm theo giá trị giới hạn kim loại nặng trong bùn thải (tổng crom, asen, niken, kẽm, đồng, thủy ngân, cadimi, kiềm...) và chất ô nhiễm hữu cơ.

đ) Quy định về an toàn vệ sinh phòng dịch theo giá trị giới hạn các vi khuẩn gây bệnh trong quá trình sử dụng bùn thải.

e) Quy định về lấy mẫu, kiểm tra, giám sát.

7. Các tiêu chí để lựa chọn địa điểm sử dụng bùn thải sau xử lý:

a) Các tiêu chí về địa hình: Thuận lợi về địa hình, hạn chế sử dụng bùn thải ở nơi có độ dốc địa hình cao, khu vực bị xói lở và phải có biện pháp chống xói lở phù hợp, đồng thời tránh tái ô nhiễm xung quanh khi trời mưa.

b) Các tiêu chí đất đai: Loại đất thích hợp sử dụng bùn thải như đất sét, đất có tính thẩm thấu kém hoặc vừa phải, đất trung tính hay có tính kiềm, đất có khả năng thoát nước tốt...

c) Các tiêu chí liên quan đến mực nước ngầm: Các số liệu về mực nước ngầm theo các mùa để tránh sử dụng bùn thải làm ô nhiễm nước ngầm.

d) Đảm bảo khoảng cách ly an toàn về môi trường đối với các công trình dân dụng, nhà ở, công trình thu nước, cấp nước sinh hoạt, công trình công cộng theo các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

8. Trách nhiệm của đơn vị thoát nước đối với quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước:

a) Phải thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước do mình quản lý.

b) Lập hồ sơ quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước. Nội dung cơ bản của hồ sơ bao gồm:

Sơ đồ hệ thống thoát nước và vị trí các công trình đầu mối.

Kế hoạch nạo vét, thu gom bùn thải.

Lịch nạo vét, thu gom bùn thải theo định kỳ.

Khối lượng bùn thải được nạo vét, thu gom, vận chuyển và xử lý trên từng tuyến cống, kênh mương và tại các công trình đầu mối theo các kỳ tương ứng.

Chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải.

c) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải theo quy định và theo hợp đồng quản lý vận hành được ký với chủ sở hữu hệ thống thoát nước.

d) Khảo sát, đánh giá nhu cầu và khả năng sử dụng bùn thải sau xử lý, lập kế hoạch sử dụng bùn thải sau xử lý trình chủ sở hữu phê duyệt.

đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.

9. Trách nhiệm của chủ sở hữu hệ thống thoát nước đối với quản lý bùn thải:

a) Tổ chức chỉ đạo, quản lý và giám sát hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý và tái sử dụng bùn thải đúng quy định.

b) Tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng bùn thải sau xử lý, (mở rộng và tận dụng bùn thải sau xử lý) phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

c) Tổ chức chỉ đạo rà soát, đánh giá ảnh hưởng và tác động môi trường đối với hoạt động sử dụng bùn thải sau xử lý.

d) Tổ chức chỉ đạo, rà soát các tiêu chuẩn sử dụng bùn thải sau xử lý trình cấp thẩm quyền bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.

đ) Đề xuất hoặc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về hỗ trợ trong đầu tư xây dựng công trình, công nghệ xử lý bùn thải trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Mục 3. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG, BÙN THẢI TỪ BỂ PHỐT, HẦM CẦU VÀ BÙN THẢI TỪ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC

Điều 12. Sở Xây dựng

1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch các trạm trung chuyển CTRXD, khu xử lý CTRXD, khu xử lý bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện công tác thẩm định dự án, cấp Giấy phép xây dựng đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng khu xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh theo phân cấp.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.

Điều 13. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất để phát triển các điểm lưu trữ, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

2. Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường các dự án đầu tư xây dựng cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.

4. Phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo quy định của pháp luật về giá.

5. Báo cáo về công tác quản lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu.

Điều 14. Sở Tài chính

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý giá dịch vụ xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 15. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước (thu gom, vận chuyển, xử lý) theo quy định của pháp luật.

2. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo hình thức xã hội hóa.

3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước (ngoài khu công nghiệp, Khu kinh tế Thái Bình) đảm bảo các vấn đề về môi trường, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Điều 16. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu các công nghệ xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước phù hợp với điều kiện của địa phương; các chương trình nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về quản lý, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước.

2. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thẩm định công nghệ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ và các quy định khác của pháp luật.

Điều 17. Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh

1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các sở ngành có liên quan xác định vị trí các điểm lưu giữ, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về an toàn, vệ sinh môi trường trong phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp.

2. Thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trong phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp.

3. Thực hiện công tác thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền đối với các khu xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình khác có liên quan trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

4. Kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong khu kinh tế; phát hiện kịp thời các vi phạm và kiến nghị xử lý theo quy định.

5. Đề xuất các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo hình thức xã hội hóa trong phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định.

Điều 18. Công an tỉnh

1. Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước.

2. Chỉ đạo các lực lượng, Công an huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến quản lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Xác định vị trí các điểm lưu giữ, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về an toàn, vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

2. Thực hiện công tác thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền đối với các khu xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình khác có liên quan trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý. Trong trường hợp phát hiện những vi phạm về quản lý CTRXD, bùn thải thì xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước.

6. Đề xuất các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước theo hình thức xã hội hóa trong trên địa bàn quản lý gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định; kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý.

7. Báo cáo về công tác quản lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu.

Điều 20. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn.

2. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư có trách nhiệm giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý. Trong trường hợp phát hiện những vi phạm về quản lý CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước thì xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức giám sát hoạt động của chủ thu gom, vận chuyển CTRXD, bùn thải bể phốt, hầm cầu, bùn thải từ hệ thống thoát nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định. Trường hợp các Văn bản dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các Văn bản mới được ban hành./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 07/2024/QĐ-UBND ngày 17/04/2024 về Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


155

DMCA.com Protection Status
IP: 18.220.219.33
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!