Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 05/2003/QĐ-BVHTT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin Người ký: Phạm Quang Nghị
Ngày ban hành: 06/02/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2003/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2003 


 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Căn cứ Điều 34 Luật Di sản văn hoá ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá -Thông tin;
Căn cứ công văn số 2106/BXD-KTQH ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Bộ Xây dựng thoả thuận Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Văn hoá Thông tin và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết dịnh này.

 


Nơi nhận:

-Thủ tướng Chính phủ và
các Phó Thủ tướng Chính phủ
-Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương
-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ
-UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
-Các Sở VHTT
-Các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ,
-Công báo Văn phòng Chính phủ
-Lưu VP, Cục BTBT

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN



 
Phạm Quang Nghị


 QUY CHẾ

BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05 / 2003/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh

1. Bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích) trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.

2. Bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc và các giá trị chân xác của di tích về các mặt: vị trí, cấu trúc, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật truyền thống, chức năng, nội thất, ngoại thất, cảnh quan liên quan và các yếu tố khác của di tích nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích.

3. Bảo đảm sự hài hoà giữa di tích với môi trường cảnh quan xung quanh.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng

1. Quy chế này quy định về các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi có liên quan đến di tích đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định xếp hạng di tích và các di vật thuộc di tích đó.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực có liên quan tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo tồn di tích là những hoạt động nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của di tích để sử dụng và phát huy giá trị của di tích đó;

2. Bảo quản di tích là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những tác nhân hủy hoại di tích mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích;

3. Tu bổ di tích là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích;

4. Gia cố, gia cường di tích là biện pháp xử lý các cấu kiện của di tích nhằm giữ ổn định về mặt cấu trúc và tăng cường khả năng chịu lực của các cấu kiện này;

5. Tôn tạo di tích là những hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng và phát huy giá trị di tích nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn, sự hài hoà của di tích và cảnh quan lịch sử - văn hoá của di tích;

6. Phục hồi di tích là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã bị huỷ hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đó;

7. Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động sửa chữa nhỏ nhằm gia cố, gia cường các bộ phận di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác tu bổ toàn diện.

Điều 4. Phân loại di tích

Căn cứ Điều 4 Luật di sản văn hoá, Điều 14 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá, các di tích được phân loại như sau:

1. Di tích lịch sử - văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học;

2. Di tích kiến trúc nghệ thuật là công trình kiến trúc nghệ thuật, tổng thể kiến trúc đô thị và đô thị có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển nghệ thuật kiến trúc của dân tộc;

3. Di tích khảo cổ là những địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của các văn hoá khảo cổ;

4. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

Điều 5. Nguyên tắc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

1. Chỉ tiến hành bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trong trường hợp cần thiết và phải lập thành dự án (Trường hợp tu sửa cấp thiết di tích thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Quy chế này). Dự án và thiết kế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích hoặc báo cáo tu sửa cấp thiết di tích phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích.

3. Ưu tiên cho các hoạt động bảo quản, gia cố di tích trước khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật tu bổ và phục hồi khác.

4. Việc thay thế kỹ thuật hay chất liệu cũ bằng kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để bảo đảm kết quả chính xác khi áp dụng vào di tích.

5. Chỉ thay thế một bộ phận cũ bằng một bộ phận mới của di tích khi có đủ những chứng cứ khoa học chuẩn xác và phải có sự phân biệt rõ ràng giữa bộ phận mới thay thế với những bộ phận gốc.

6. Bảo đảm an toàn cho bản thân công trình và khách tham quan.

 Chương 2:

LẬP DỰ ÁN BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH

Điều 6. Điều kiện lập dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

1. Dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích (sau đây gọi là dự án) phải do tổ chức có chuyên môn về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích thực hiện theo những quy định trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và quy định tại Điều 20 của Quy chế này.

2. Việc phân loại dự án thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ.

Điều 7. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi

Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải tuân thủ nội dung các bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi được quy định trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và các nội dung sau:

1. Liệt kê, đánh giá, phân tích về lịch sử, khảo cổ, kỹ thuật, mỹ thuật, vật liệu và các tài liệu liên quan khác của di tích:

a) Báo cáo về nội dung lịch sử di tích bao gồm:

- Lịch sử nhân vật, sự kiện liên quan tới di tích (gồm tài liệu viết, ảnh chụp, bản vẽ và những mô tả khác có liên quan đến nhân vật, sự kiện);

- Lịch sử quá trình bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích (tài liệu viết, ảnh chụp, bản vẽ và các loại hồ sơ tư liệu khác). Nội dung các tài liệu trên phải nêu rõ năm xây dựng công trình; nội dung và thời gian những lần công trình đã được bảo quản, tu bổ và phục hồi.

b) Báo cáo về khảo cổ học của di tích bao gồm:

- Trích dẫn tài liệu khảo cổ trước đây của di tích (nếu có);

- Đánh giá dự báo mức độ nghiên cứu khảo cổ học đối với di tích như: điều tra, thám sát hoặc khai quật khảo cổ;

- Kiến nghị về công tác khảo cổ: kiến nghị thực hiện (hoặc không thực hiện) công tác nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ tại từng công trình khi tiến hành tu bổ và phục hồi; đánh giá toàn bộ công tác khảo cổ đã thực hiện; kiến nghị việc bảo vệ di tích khảo cổ.

c) Báo cáo về kết cấu và nền móng công trình của di tích bao gồm: tình trạng kết cấu, khả năng chịu tải, liên kết.

d) Báo cáo về mỹ thuật của di tích bao gồm:

- Tài liệu viết, ảnh mô tả về giá trị lịch sử mỹ thuật của di tích;

- Đánh giá giá trị các trang trí mỹ thuật tại di tích;

- Đánh giá giá trị các thành phần được trang trí sơn thếp về mầu sắc, thể lọai, trang trí, chất liệu, niên đại;

- Báo cáo tình trạng, chất lượng các trang trí mỹ thuật.

đ) Báo cáo về vật liệu của di tích bao gồm:

- Số liệu về các loại vật liệu trong di tích như: chủng loại, chất liệu, kích thước, mầu sắc, trang trí mỹ thuật, niên đại, thành phần, cấu trúc, thành phần hoá lý và những số liệu liên quan khác;

- Đánh giá phân loại sơ bộ về các vật liệu sử dụng tại di tích theo các giai đoạn xây dựng, bảo quản, tu bổ và phục hồi nhằm xác định các vật liệu nguyên gốc và quá trình xây dựng, tu bổ của di tích.

e) Đánh giá tình trạng kỹ thuật và nguyên nhân gây hư hỏng của các cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích qua các thời kỳ, các giai đoạn xây dựng, bảo quản tu bổ, phục hồi và kiến nghị về các giải pháp bảo quản, tái sử dụng, phục chế vật liệu.

a) 2. Lập hồ sơ khảo sát, đánh giá hiện trạng kiến trúc của di tích:

Tài liệu viết về di tích bao gồm:

- Mô tả hiện trạng tổng thể từng công trình ( công trình mất, còn, sụp đổ, hư hại, biến đổi... );

- Đánh giá nguyên nhân gây hư hại của từng công trình;

- Số liệu cơ bản về hiện trạng của di tích.

b) Hồ sơ bản vẽ khảo sát hiện trạng di tích bao gồm:

- Bản vẽ mặt bằng vị trí;

- Bản vẽ mặt bằng tổng thể;

- Bản vẽ mặt bằng các hạng mục di tích;

- Bản vẽ mặt đứng các hạng mục di tích;

- Bản vẽ mặt cắt các hạng mục di tích;

- Bản vẽ đánh giá hiện trạng các bộ phận của các hạng mục di tích;

- Bản vẽ kiến trúc đã có trước đây làm tài liệu tham khảo;

- Thuyết minh hồ sơ bản vẽ.

c) Đánh giá tổng thể kiến trúc của di tích.

3. ảnh chụp và ghi hình hiện trạng của di tích (thời điểm lập dự án):

a) ảnh chụp và ghi hình tổng thể;

b) ảnh chụp và ghi hình công trình;

c) ảnh chụp và ghi hình nội thất, ngoại thất công trình;

d) ảnh chụp các chi tiết đặc trưng.

4. Bản dập các chi tiết quan trọng;

5. Phương án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích:

a) Thuyết minh các phương án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích (phương án chọn, phương án so sánh) bao gồm: phương án bảo quản di tích; phương án tu bổ di tích; phương án phục hồi di tích; phương án tổng hợp;

b) Bản vẽ kiến trúc phương án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích bao gồm:

- Bản vẽ mặt bằng tổng thể;

- Bản vẽ mặt bằng các công trình;

- Bản vẽ các mặt đứng công trình;

- Bản vẽ các mặt cắt công trình;

Bản vẽ phải thể hiện được nội dung, vị trí cần thực hiện công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi và phải phù hợp với hồ sơ bản vẽ khảo sát, ảnh chụp hiện trạng di tích.

6. Phân tích, xác định hạng mục đầu tư:

a) Lựa chọn hạng mục ưu tiên đầu tư;

b) Lựa chọn phương án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phù hợp với hiện trạng của di tích và mục đích của dự án.

7. Kết luận và kiến nghị:

a) Kiến nghị về mức độ thực hiện công tác khảo cổ;

b) Kiến nghị về phương án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích;

c) Kiến nghị chung.

8. Tư liệu tham khảo.

Toàn bộ các tư liệu viết, vẽ, ảnh, lời kể, bản dập và những tư liệu khác có liên quan đến di tích đã được nêu trong dự án sẽ được coi là tư liệu dẫn chứng có giá trị.

Chương 3:

LẬP THIẾT KẾ KỸ THUẬT BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH 

Điều 8. Hồ sơ và điều kiện lập thiết kế kỹ thuật bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

1. Di tích trước khi tiến hành bảo quản, tu bổ và phục hồi phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật bảo quản, tu bổ và phục hồi (sau đây gọi là thiết kế) được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Trừ trường hợp tu sửa cấp thiết di tích được quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Quy chế này).

2. Tất cả các thiết kế đều phải do các tổ chức chuyên môn có tư cách pháp nhân thực hiện theo quy định trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và quy định tại Điều 20 của Quy chế này.

Điều 9. Nội dung hồ sơ thiết kế

Nội dung hồ sơ thiết kế phải tuân thủ nội dung hồ sơ thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình được quy định trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, ngoài ra còn phải thực hiện các nội dung sau đây:

1. ảnh chụp (ảnh mầu hoặc ảnh đen trắng cỡ từ 9x12cm trở lên) và ghi hình hiện trạng di tích sẽ được thực hiện bảo quản, tu bổ và phục hồi:

a) ảnh và ghi hình tổng thể;

b) ảnh và ghi hình mặt đứng công trình ;

c) ảnh và ghi hình nội thất, ngoại thất các công trình;

d) ảnh và ghi hình chi tiết các cấu kiện, bộ phận công trình.

2. Bản thuyết minh giải pháp bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích:

a) Phương án bảo quản;

b) Phương án tu bổ;

c) Phương án phục hồi;

d) Phương án tổng hợp.

3. Bản vẽ kỹ thuật hiện trạng di tích (được ghi chú, ký hiệu, đánh dấu đầy đủ thể hiện hiện trạng của di tích một cách chính xác và dễ hiểu):

a) Mặt bằng tổng thể bao gồm:

- Mặt bằng tổng thể hiện trạng;

- Mặt bằng tổng thể dấu vết các công trình đã mất.

b) Mặt bằng mái;

c) Mặt bằng các công trình bao gồm:

- Mặt bằng toàn bộ các công trình;

- Mặt bằng các công trình sẽ được thực hiện công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi;

d) Mặt đứng toàn bộ các công trình sẽ được thực hiện công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi;

đ) Mặt cắt dọc, cắt ngang các công trình sẽ được thực hiện công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi;

e) Bản vẽ các chi tiết bảo quản, tu bổ và phục hồi.

4. Bản vẽ kỹ thuật phương án bảo quản, tu bổ và phục hồi:

a) Mặt bằng tổng thể;

b) Mặt bằng các công trình;

c) Mặt đứng các công trình;

d) Mặt cắt các công trình;

đ) Mặt bằng mái;

e) Các chi tiết sẽ được bảo quản, tu bổ và phục hồi.

5. Dự toán, tổng dự toán.

áp dụng Định mức dự toán trùng tu, tôn tạo di tích do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành và các quy định khác của Nhà nước có liên quan tại thời điểm trình bản dự toán và tổng dự toán.

Chương 4:

TU SỬA CẤP THIẾT DI TÍCH

Điều 10. Di tích có nhu cầu tu sửa cấp thiết Di tích có nhu cầu tu sửa cấp thiết là di tích đang có nguy cơ bị hủy hoại do tác động của thiên nhiên, của con người cần được sửa chữa nhằm chống đỡ, gia cố, gia cường các bộ phận của di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi.

Điều 11. Quy trình và giới hạn tu sửa cấp thiết di tích

1. Việc tu sửa cấp thiết di tích chỉ được tiến hành sau khi có quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Giới hạn phạm vi tu sửa cấp thiết di tích bao gồm: sửa chữa các bộ phận, cấu kiện hỏng bằng cách nối, vá, chống đỡ hoặc thay thế cấu kiện mới tương tự.

3. Sở Văn hoá - Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh chịu trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý tổ tu sửa cấp thiết di tích. Tổ tu sửa cấp thiết di tích bao gồm 01 cán bộ quản lý di tích ở tỉnh và 01 kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng (được quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Quy chế này) có nhiệm vụ sau đây:

a) Lập báo cáo tu sửa cấp thiết di tích trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

b) Thực hiện giám sát công tác tu sửa cấp thiết di tích sau khi nhận được quyết định phê duyệt báo cáo tu sửa cấp thiết của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích có các nội dung sau đây:

a) Tài liệu viết bao gồm:

- Đánh giá hiện trạng kỹ thuật kiến trúc;

- Đề xuất công việc và biện pháp cần phải tiến hành tu sửa cấp thiết;

- Kiến nghị.

b) ảnh chụp hiện trạng bao gồm:

- ảnh chụp vị trí hiện trạng công trình bị xuống cấp;

- ảnh chụp chi tiết thành phần cần tu sửa cấp thiết.

c) Bản vẽ kiến trúc bao gồm:

- Bản vẽ vị trí;

- Bản vẽ hiện trạng;

- Bản vẽ phương án tu sửa cấp thiết.

Chương 5:

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN VÀ THIẾT KẾ 

Điều 12. Thẩm định dự án và thiết kế

1. Dự án và thiết kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá - thông tin thẩm định.

2. Việc thẩm định dự án và thiết kế được thực hiện theo Điều 35 Luật Di sản văn hoá, Điều 17 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá và Quy chế quản lý đầu tư xây dựng của Chính phủ.

Điều 13. Phê duyệt dự án và thiết kế

Cơ quan chủ quản đầu tư chỉ phê duyệt dự án hoặc thiết kế sau khi hồ sơ dự án hoặc thiết kế có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hoá - thông tin.

Điều 14. Hồ sơ dự án và thiết kế đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt

Hồ sơ dự án và thiết kế gửi cơ quan có thẩm quyền về văn hoá - thông tin đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt bao gồm:

1. Hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế trình cấp có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt:

a) Hồ sơ dự án và thiết kế, dự toán và tổng dự toán;

b) Công văn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của tổ chức, cá nhân đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin thẩm định hoặc phê duyệt (đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt) kèm theo văn bản đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh;

c) Công văn của tổ chức, cá nhân đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc đề nghị Sở Văn hoá - Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh thẩm định (đối với di tích cấp tỉnh);

d) Văn bản thẩm định hồ sơ dự án hoặc thiết kế của các tổ chức có tư cách pháp nhân về thẩm định dự án và thiết kế;

đ) Các tài liệu liên quan khác.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin, Sở Văn hoá - Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản không quá 30 ngày (đối với dự án nhóm B) và không quá 20 ngày (đối với dự án nhóm C) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt.

Chương 6:

THI CÔNG BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH 

Điều 15. Quy định chung

Tổ chức, cá nhân khi thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải thực hiện các quy định tại Luật Di sản văn hoá, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ, các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng và các quy định tại Điều 16, Điều17, Điều 18 và Điều19 của Quy chế này.

Điều 16. Tổ chức giám sát thi công

1. Khi thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích đều phải có tổ giám sát thi công, trừ trường hợp tu sửa cấp thiết di tích quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Quy chế này.

2. Thành phần tổ giám sát thi công phải tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng, ngoài ra phải có 01 kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng (quy định tại khoản 2, Điều 21 của Quy chế này) và 01 cán bộ quản lý di tích thuộc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh.

3. Thời gian hoạt động của tổ giám sát thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được thực hiện theo các quy định của Bộ Xây dựng.

4. Ngoài quyền hạn và nhiệm vụ được quy định trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ, tổ giám sát thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích có nhiệm vụ sau đây:

a) Giám sát việc tháo dỡ, hạ giải và bảo quản hiện vật hoặc cấu kiện của công trình;

b) Tham gia lựa chọn, phân loại các cấu kiện hạ giải theo nội dung hồ sơ thiết kế đã được duyệt và theo thực tế hạ giải, tháo dỡ công trình;

c) Giám sát, xác nhận phát sinh của công trình hoặc đề nghị chủ đầu tư dừng việc thi công khi phát hiện những vấn đề mới và quan trọng về di tích.

Điều 17. Tháo dỡ, hạ giải công trình

1. Việc tháo dỡ, hạ giải công trình hoặc một bộ phận công trình di tích phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Xây dựng nhà bao che công trình và nhà kho bảo vệ cấu kiện kiến trúc trước khi tháo dỡ, hạ giải công trình;

b) Không làm mất, làm hư hại hoặc biến dạng các cấu kiện kiến trúc;

c) Có các phương án bảo vệ và bảo quản các cấu kiện của công trình di tích trước và trong khi tháo dỡ, hạ giải đồng thời phải có khu vực riêng để bảo vệ nhằm chống mất mát, hư hại;

d) Ghi hình, chụp ảnh, đánh dấu đầy đủ quá trình tháo dỡ, hạ giải công trình.

2. Tiến hành lựa chọn, phân loại cấu kiện còn sử dụng được, cấu kiện không còn sử dụng được ngay sau khi tháo dỡ, hạ giải di tích theo nguyên tắc giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc của di tích.

3. Đơn vị thi công công trình bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích chịu trách nhiệm bảo vệ và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước về di tích hoặc chủ sở hữu di tích cấu kiện kiến trúc bị loại bỏ theo hồ sơ thiết kế và theo sự lựa chọn, phân loại của tổ giám sát để lưu giữ phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Điều 18. Nhật ký công trình

Nội dung nhật ký công trình thực hiện theo các quy định do Bộ Xây dựng ban hành và những quy định sau đây:

1. Hồ sơ viết:

a) Ghi chép việc tháo dỡ, hạ giải và bảo quản các cấu kiện và hiện vật gốc ngay tại hiện trường;

b) Ghi chép quá trình gia công thay thế, làm mới;

c) Ghi chép số lượng, kích thước, chất liệu các cấu kiện được thay thế, bảo quản, tu bổ và phục hồi;

d) Ghi chép những phát hiện mới về di tích trong quá trình thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi.

2. Hồ sơ ảnh, ghi hình:

a) Chụp ảnh, ghi hình công trình trước khi tháo dỡ, hạ giải;

b) Chụp ảnh, ghi hình quá trình tháo dỡ, hạ giải;

c) Chụp ảnh, ghi hình quá trình thi công, lắp dựng công trình;

ảnh chụp là ảnh mầu hoặc đen trắng từ cỡ 9x12cm trở lên.

3. Hồ sơ bản vẽ:

a) Bản vẽ chi tiết các phát hiện mới về di tích;

b) Bản vẽ chi tiết các cấu kiện và vị trí các cấu kiện thay thế trong quá trình bảo quản, tu bổ và phục hồi.

Quá trình thực hiện công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được ghi trong sổ nhật ký công trình hàng ngày và được tổ giám sát thi công xác nhận.

Điều 19. Hồ sơ báo cáo quá trình và kết quả thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

Hồ sơ hoàn công thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích theo nội dung hồ sơ hoàn công do Bộ Xây dựng ban hành và những hồ sơ sau đây:

1. Hồ sơ ảnh hiện trạng, thay thế, làm mới;

2. Hồ sơ bản vẽ kỹ thuật khảo sát hiện trạng, hồ sơ bản vẽ kỹ thuật thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi không có trong thiết kế đã được phê duyệt;

3. Biên bản nghiệm thu từng phần và toàn bộ quá trình thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi:

a) Biên bản nghiệm thu kết cấu, mỹ thuật, vật liệu;

b) Biên bản nghiệm thu khối lượng.

Biên bản nghiệm thu phải có ý kiến xác nhận của tổ giám sát thi công công trình.

Chương 7:

ĐIỀU KIỆN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH  QUỐC GIA ĐẶC BIỆT VÀ DI TÍCH QUỐC GIA 

Điều 20. Điều kiện của tổ chức, cá nhân lập dự án và thiết kế

1. Đối với tổ chức có chức năng lập dự án và thiết kế:

a) Có đăng ký hoạt động tư vấn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Nhà nước;

b) Có đội ngũ kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng có năng lực lập dự án và thiết kế được bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích do Cục Bảo tồn Bảo tàng - Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Trường Đại học chuyên ngành về xây dựng tổ chức.

2. Đối với cá nhân có chức năng lập dự án và thiết kế:

a) Là kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng được bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích do Cục Bảo tồn Bảo tàng - Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Trường Đại học chuyên ngành về xây dựng tổ chức;

b) Đã có ít nhất hai lần tham gia lập dự án và thiết kế.

Điều 21. Điều kiện của tổ chức, cá nhân thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

1. Đối với tổ chức:

a) Có chức năng thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích và có đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Có kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng chỉ huy và giám sát thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích do Cục Bảo tồn Bảo tàng - Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Trường Đại học chuyên ngành về xây dựng tổ chức;

c) Có đội ngũ thợ lành nghề tham gia thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

2. Đối với cá nhân:

a) Là kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công việc;

b) Là nghệ nhân có chuyên môn phù hợp với công việc được làm;

c) Thợ lành nghề trong từng lĩnh vực.

Chương 8:

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM 

Điều 22. Thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

1. Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên phạm vi cả nước.

2. Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Điều 23. Xử lý vi phạm

1. Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin khi phát hiện sai phạm trong công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, có quyền tạm đình chỉ việc thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trong thời hạn 15 ngày đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp xử lý.

2. Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố khi phát hiện sai phạm trong công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, có quyền tạm đình chỉ việc thi công bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố trong thời hạn 07 ngày đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Văn hoá - Thông tin để có biện pháp xử lý.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 24. Trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra thực hiện Quy chế

Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu phát hiện vấn đề chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng trình Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét, quyết định.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.764

DMCA.com Protection Status
IP: 5.255.231.60
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!