CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Qua hai năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005,
công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển
biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp và có chiều sâu. Đã cơ bản kiểm soát được
vấn đề ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, qua đó hạn chế bớt tình trạng ô nhiễm môi
trường, giảm thiểu các nguy cơ gây sự cố môi trường, suy thoái môi trường, góp
phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường trên địa bàn
tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, việc phòng ngừa ô nhiễm trong quá trình thẩm định
xem xét dự án đầu tư, thẩm định đánh giá tác động môi trường, xác nhận cam kết
bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Vẫn còn tình trạng các dự án có
nguy cơ ô nhiễm cao được hình thành mới trong các khu dân cư hoặc đan xen trong
các khu vực đông dân cư.
Công tác kiểm tra kiểm soát ô nhiễm chưa được thực
hiện thường xuyên, liên tục, chủ yếu vẫn chạy theo sự vụ, chưa có kế hoạch thanh
kiểm tra ngay khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động để uốn nắn kịp thời, do đó vẫn
còn tình trạng các doanh nghiệp xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, vi
phạm Luật Bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế,
chưa thu gom kịp thời và triệt để rác thải sinh hoạt, chưa quản lý tốt việc thu
gom các loại chất thải công nghiệp nhất là chất thải nguy hại…
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý môi
trường, nhằm đảm bảo kiểm soát tốt tình hình môi trường, đáp ứng được yêu cầu
phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân
dân các huyện, thị xã; các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan
trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trong quá trình xem xét
cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp
giấy chứng nhận đầu tư phải tuân thủ đúng theo Quyết định số 181/2006/QĐ-UBND
ngày 26/7/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về quy định bố trí các ngành nghề sản
xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đối với các dự án đầu tư vào các
cụm công nghiệp, phải xem xét Danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư vào
từng cụm công nghiệp theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi
trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh để cấp
phép cho phù hợp.
2. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban
Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho
các dự án phải xem xét Danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư vào từng
khu công nghiệp theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh để cấp phép cho
các dự án đầu tư vào khu công nghiệp đúng theo đúng Danh mục quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị
Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
b) Chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã tổ chức rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi
vào hoạt động nhưng chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc
cam kết bảo vệ môi trường để xử lý vi phạm và buộc thực hiện đề án bảo vệ môi
trường. Đảm bảo đến 30/6/2009, tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt
động trên địa bàn tỉnh phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường/cam kết bảo
vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường.
c) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý môi
trường cho các Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã theo các nội dung quản
lý môi trường ở cấp huyện như: công tác xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, đề
án bảo vệ môi trường; công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; công
tác sử dụng trang thiết bị lấy mẫu, thử nghiệm về môi trường; công tác thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi
trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn theo phân cấp.
4. Sở Xây dựng:
a) Trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở hoặc
cấp giấy phép xây dựng cho các công trình, dự án phải xem xét đến các hạng mục công
trình về môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường/cam kết
bảo vệ môi trường, đặc biệt phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa và thoát
nước thải kể cả nước thải sinh hoạt của công nhân. Khi thực hiện nghiệm thu
hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công
trình xây dựng phải xem xét việc thực hiện quy định về xác nhận hoàn thành các
công trình về môi trường của chủ dự án.
b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ
quản lý nhà nước về chất thải rắn và quy chế phối hợp giữa các ngành, địa
phương trên địa bàn tỉnh; căn cứ vào Đề án “Kiện toàn hệ thống quản lý chất thải
rắn đô thị tại Bình Dương” được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, xây dựng các
quy định pháp lý và kinh tế kỹ thuật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Nội vụ:
a) Xem xét bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên
chức làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường tại các cơ quan quản lý về
môi trường cho phù hợp để đảm bảo có đủ nhân lực thực hiện tốt công tác quản lý
môi trường trên địa bàn tỉnh.
Xem xét, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
xã phải bố trí từ 02 đến 03 công chức làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường
theo đúng quy định tại Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ
quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước
và doanh nghiệp nhà nước.
b) Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và khoản
2 Điều 8 Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ, Sở Nội vụ
hướng dẫn việc ký thêm hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ
môi trường tại cấp huyện, cấp xã từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Đảm bảo các huyện, thị xã có mức độ phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá cao
có từ 4 – 6 cán bộ chuyên môn về bảo vệ môi trường; các xã, phường, thị trấn có
công nghiệp, đô thị phát triển phải có tối thiểu 01 cán bộ làm công tác chuyên
trách về bảo vệ môi trường.
6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
a) Tăng cường công tác quản lý môi trường tại địa
phương và phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc để các cơ
sở, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã gây
ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
b) Chỉ đạo các phòng chuyên môn khi xem xét, tham
mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có ý kiến về địa điểm các dự án đầu tư
mới nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp phải tuân thủ đúng theo Quyết định số 181/2006/QĐ-UBND
ngày 26/7/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về quy định bố trí các ngành nghề sản
xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
c) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Khi xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho các
dự án đầu tư phải xem xét ngành nghề, quy mô, công suất theo đúng quy định tại Nghị
định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Định kỳ 3 tháng/lần báo cáo kết
quả xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho các cơ sở trên địa bàn huyện, thị xã
kèm Phiếu xác nhận cam kết về Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm tình hình và
tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Có kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên công
tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại các cơ sở,
doanh nghiệp trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Việc thanh, kiểm tra phải tránh
sự chồng chéo giữa các cấp quản lý, chỉ thực hiện thanh, kiểm tra đối với các
cơ sở, doanh nghiệp đã được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã xác nhận bản cam kết
bảo vệ môi trường/đề án bảo vệ môi trường và các cơ sở, doanh nghiệp đã được
cấp Phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường do Sở Tài nguyên và
Môi trường chuyển giao. Kế hoạch thanh, kiểm tra phải thực hiện ngay từ khi dự
án đi vào hoạt động, để chủ động kiểm soát tình hình môi trường và uốn nắn kịp
thời các vi phạm, không để tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp đi vào sản xuất
gây ô nhiễm mới kiểm tra xử lý. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý các trường hợp
vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm về xả chất thải vượt tiêu chuẩn
ra môi trường.
- Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, căn cứ vào tiêu
chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của Thông
tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng
dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử
lý, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã lập danh sách các cơ sở,
doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý báo
cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng
hợp, tổ chức thanh kiểm tra, đánh giá phân loại, lập danh sách và đề xuất biện
pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
trên địa bàn toàn tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân
tỉnh quyết định.
d) Căn cứ đề án kiện toàn hệ thống quản lý chất thải
rắn đô thị tại Bình Dương, các quy định pháp luật và kinh tế kỹ thuật về quản
lý chất thải rắn, tổ chức rà soát, các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải
rắn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, thị xã để kiện toàn lại hệ
thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn. Hướng dẫn các cơ sở, doanh
nghiệp thực hiện công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý và đăng ký chủ
nguồn thải chất thải nguy hại đối với các cơ sở, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền
quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
e) Về kinh phí hoạt động: hàng năm, căn cứ tình hình
thực tế và nhiệm vụ của từng huyện, thị xã, Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng
kế hoạch bảo vệ môi trường và dự toán chi sự nghiệp môi trường theo Thông tư
liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29/12/2006 về hướng dẫn việc quản lý
kinh phí sự nghiệp môi trường, Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC ngày
29/4/2008 về hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh
phí sự nghiệp môi trường của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường và văn bản
hướng dẫn số 1515/LN-STC-TNMT ngày 13/9/2007 của liên ngành Sở Tài chính – Sở
Tài nguyên và Môi trường về quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.
f) Về tổ chức, biên chế làm công tác chuyên môn về
bảo vệ môi trường: Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ nhu cầu cần thiết về nhân
lực làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường, chủ động xây dựng kế hoạch để
bố trí cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cấp
huyện, thị, xã, phường, thị trấn theo đúng quy định tại Nghị định số 81/2007/NĐ-CP
ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi
trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
7. Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương, Báo Bình
Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức đoàn thể và các Sở, ban, ngành
liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị cần tăng cường công tác phối hợp thực
hiện việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho các tầng
lớp nhân dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh để thực hiện tốt Luật
Bảo vệ môi trường.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành đoàn thể và các
đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này./.