ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 9713/KH-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
30 tháng 8 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ÍT NHẤT 01 TRIỆU
CĂN HỘ NHÀ Ở XÃ HỘI CHO ĐỐI TƯỢNG THU NHẬP THẤP, CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP GIAI
ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Thực hiện Quyết định số
338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng
ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu
công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế
hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Triển khai kịp thời, có
hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất
01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công
nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 (sau đây viết tắt là Đề án).
Xác định cụ thể nội dung
công việc và trách nhiệm của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và
các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ,
mục tiêu, giải pháp của Đề án; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan,
đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối
hợp giữa các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được
giao theo Đề án và huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong
việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân
thực hiện Đề án.
2. Yêu cầu:
Bám sát mục tiêu của Đề
án và Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, các
giải pháp thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong
việc triển khai Đề án; bảo đảm sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị
có liên quan hiệu quả, đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.
II.
QUAN ĐIỂM
1. Phát triển nhà ở xã hội
cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm
vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm, nghĩa
vụ của cơ quan quản lý nhà nước, của các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.
Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết
liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân
khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Đẩy mạnh phát triển nhà
ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp, công
nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Khuyến khích các thành
phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực
đô thị, công nhân khu công nghiệp tỉnh.
4. Phát triển nhà ở xã hội
cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phải được lồng ghép vào
quy hoạch xây dựng, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường
bất động sản, phù hợp với Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở trong từng
giai đoạn của tỉnh đã được phê duyệt và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch,
kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật
và hạ tầng xã hội.
5. Các sở, ngành và Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và
xác định việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
III. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển nhà ở xã hội,
nhà ở công nhân có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của các
đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Khuyến
khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về
nhà ở của người dân; đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng
chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Phấn đấu hoàn thành mục
tiêu theo Đề án về tổng số căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được Bộ Xây dựng
giao chỉ tiêu thực hiện tại Công văn số 3254/BXD-QLN ngày 31/5/2024.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Thực hiện Đề án của Thủ
tướng Chính phủ “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng
thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030”, được Bộ Xây dựng
phân bổ chỉ tiêu cho tỉnh Khánh Hoà tại Công văn số 3254/BXD-QLN ngày
31/5/2024, hoàn thành 7.800 căn (giai đoạn 2021 - 2030); đồng thời, cùng với thực
hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030; theo
đó, phấn đấu:
- Giai đoạn 2021 - 2025:
là 3.400 căn.
- Giai đoạn 2026 - 2030:
là 4.400 căn.
IV. GIẢI
PHÁP
Để thúc đẩy phát triển
nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm đáp ứng theo mục tiêu Đề án của Thủ tướng
Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; UBND tỉnh
yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện:
1. Rà soát quy định pháp luật về nhà ở, đất đai, hoàn thiện
cơ sở pháp lý thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan
đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; trong đó, lưu ý rà soát thực
hiện điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở, quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất (nếu có) cho phù hợp với yêu cầu thực hiện Đề án của
Chính phủ.
2. Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây
dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, làm cơ sở để thực hiện các thủ tục đầu tư dự
án và công bố công khai các dự án thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần
kinh tế tham gia.
V. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành và địa phương rà soát chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở
xã hội trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các dự án phù hợp với
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát,
điều chỉnh tiến độ một số dự án theo từng giai đoạn (nếu có) để tổ chức thực hiện;
công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Xây dựng để cho các doanh nghiệp
nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư theo quy định.
- Đôn đốc các chủ đầu tư
dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên
quỹ đất 20% của dự án theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không
thực hiện thì đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi quỹ đất 20% để tổ chức lựa chọn
chủ đầu tư khác thực hiện theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, làm việc với các
chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với
các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để đẩy nhanh tiến độ
thực hiện đã phê duyệt; quản lý chất lượng công trình theo phân cấp; yêu cầu chủ
đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai phải xây dựng kế
hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể cho từng dự án và có văn bản cam kết thực hiện
cụ thể, trường hợp không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã cam kết mà không có
lý do chính đáng, không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện thì rà soát,
đề xuất xử lý, thu hồi để lựa chọn lại nhà đầu tư có năng lực để triển khai dự
án cho kịp thời.
- Chủ trì phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp
luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công
nhân trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu
tư:
- Nghiên cứu rút ngắn thời
gian thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, kết quả lựa chọn
chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đúng quy định
của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu.
- Chủ trì, tổng hợp xây dựng
danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong đó có các dự án đầu tư
xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh do các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp huyện đề xuất trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng,
quy hoạch đô thị và nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chương trình, kế
hoạch phát triển nhà ở để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở
giới thiệu cho các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia thực hiện
dự án.
- Chủ trì triển khai cơ
chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn tỉnh
theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp trong công tác
thẩm định phương án giá nhà ở xã hội.
- Chủ trì phối hợp cùng
cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn việc thu nộp, quản lý, sử dụng nguồn kinh
phí thu được từ quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội của các dự án nhà ở
thương mại; hướng dẫn chủ đầu tư dự án thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính
liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.
4. Sở Tài nguyên và
Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc
lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện
các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định.
- Phối hợp với Sở Xây dựng,
Sở Kế hoạch và Đầu tư, địa phương và các đơn vị liên quan rà soát quỹ đất đã
giao cho các Chủ đầu tư để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tham
mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai hoặc không thực
hiện để giao cho các Chủ đầu tư khác thực hiện.
- Phối hợp cung cấp thông
tin về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở để cập nhật
vào cơ sở dữ liệu chung về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh theo quy định.
5. Cục Thuế tỉnh:
Hướng dẫn, triển khai
chính sách ưu đãi về thuế; hướng dẫn thủ tục hồ sơ, quyết định miễn tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất cho các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; kịp
thời giải quyết ưu đãi về thuế theo quy định.
6. Ban Quản lý Khu
kinh tế Vân Phong:
Nghiên cứu, rút ngắn thời
gian thực hiện các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải
quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng... để huy động các
doanh nghiệp các sử dụng nhiều lao động tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở
công nhân tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện chỗ ở cho
công nhân.
7. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố:
- Chủ trì lập các quy hoạch
xây dựng theo thẩm quyền phục vụ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở
công nhân, nghiên cứu nhu cầu để bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để
phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
- Chủ trì, phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan thực hiện lập, điều chỉnh quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị (nếu có) để đáp ứng
nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
- Công khai, giới thiệu
quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các doanh nghiệp để nghiên cứu,
đề xuất đầu tư; đầu tư cơ sở hạ tầng bên ngoài dự án đảm bảo theo quy định.
- Chủ trì, thẩm định, phê
duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng thực
hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tích cực hỗ trợ chủ đầu tư, đẩy nhanh
tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
- Đối với các quỹ đất đã
được quy hoạch làm nhà ở xã hội nhưng chưa được giải phóng mặt bằng, yêu cầu chủ
động tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải
phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội, làm cơ sở tổ chức đấu
thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
8. Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa:
Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách
xã hội tỉnh tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với các cá
nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa
nhà để ở theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
9. Các tổ chức chính
trị - xã hội tỉnh, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa:
Tuyên truyền, phổ biến
thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về Nghị định số 100/2024/NĐ-CP
ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về
phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/7/2024 của
Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở để nắm rõ đối tượng,
điều kiện và hồ sơ đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; về các dự án nhà ở
xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh.
10. Các sở, ban, ngành
khác:
Theo chức năng, nhiệm vụ
tích cực phối hợp với các cơ quan chủ trì triển khai kịp thời các nội dung của
Đề án.
11. Chế độ báo cáo:
Theo chức năng, nhiệm vụ
được giao, các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm báo cáo kết quả thực
hiện định kỳ hàng quý (trước ngày 10 tháng cuối quý) gửi Sở Xây dựng để
tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Chính phủ.
Trong quá trình triển
khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ban, ngành
có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở
Xây dựng) để hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hòa Nam
|