ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 133/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 15 tháng 10 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH CÀ MAU NĂM 2020
Thực hiện Công văn số 5678/BKHĐT-HTX ngày 12/8/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch
phát triển kinh tế tập thể năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch
phát triển kinh tế tập thể năm 2020 để thực hiện trên địa
bàn tỉnh Cà Mau với các nội dung như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ NĂM
2019
I. TÌNH HÌNH PHÁT
TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ
1. Đánh giá dựa
trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp
tác xã
a) Về số lượng, doanh thu và
thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LH HTX, THT)
- Hoạt động tổ hợp tác (THT): Tính đến cuối tháng 6 năm 2019, thành lập mới được 45 THT (đạt 56% mục
tiêu kế hoạch năm 2019). Toàn tỉnh có 1.053 THT được UBND cấp xã chứng thực, đạt
87,3% so với mục tiêu kế hoạch năm 2019.
Ước thực hiện cả năm 2019, thành lập
mới 80 THT (đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2019). Toàn tỉnh có 1.088 THT được
UBND cấp xã chứng thực (đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2019).
Doanh thu bình quân của THT ước đạt
330 triệu đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2019; lợi nhuận bình quân của
THT ước đạt 120 triệu đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2019.
- Hoạt động hợp tác xã (HTX): Tính đến cuối tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có 200 HTX (HTX đang hoạt động:
173 HTX, HTX ngưng hoạt động: 27 HTX).
Trong đó tình hình thành lập mới, giải
thể, phá sản như sau:
+ Số lượng HTX thành lập mới: 10 HTX,
so với kế hoạch năm 2019 đạt 50% mục tiêu kế hoạch năm 2019;
+ Số lượng HTX giải thể: 0 HTX;
Ước thực hiện cả năm 2019, thành lập
mới 20 HTX (đạt 100% kế hoạch năm 2019), giải thể 27 HTX đã ngưng hoạt động.
Toàn tỉnh ước có 183 HTX, đạt 102% kế hoạch năm 2019.
- Doanh thu bình quân của 01 HTX ước
đạt 900 triệu đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2019.
- Lãi bình quân của 01 HTX ước đạt
200 triệu đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2019.
b) Về thành viên, lao động của
HTX, LH HTX, THT
- Tổ hợp tác: Tổng số tổ viên tham gia 15.310 người, bình quân 15 tổ viên/tổ hợp
tác; trong đó, số lượng tổ viên mới tham gia vào THT năm 2019: 675 người;
- Hợp tác xã: Tổng số thành viên hiện có 3.457 thành viên, so với kế hoạch năm 2019,
đạt 115%; số lao động thường xuyên trong HTX 4.176 lao động, đạt 99,7% so với kế
hoạch năm 2019.
- Thu nhập bình quân của lao động làm
việc thường xuyên trong HTX ước đạt 42 triệu đồng/năm, so với kế hoạch năm
2019, đạt 100%.
c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX, liên hiệp HTX, THT
Tổng số cán bộ quản lý HTX hiện có
891 người. Trong đó, trình độ cán bộ được đào tạo đại học, cao đẳng có 89 người;
trung cấp, sơ cấp 178 người.
2. Đánh giá theo
lĩnh vực
a) Lĩnh vực nông nghiệp có 131 HTX (thủy sản, nông nghiệp 78 HTX;
trồng trọt 24 HTX; chăn nuôi 04 HTX; lâm nghiệp 03 HTX; tổng hợp 26 HTX).
Chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh
hàng thủy sản, nuôi tôm cua, tập hợp thành viên chủ yếu là nông dân, có vốn điều
lệ không lớn, sản phẩm cung cấp tại địa phương và một số tỉnh lân cận1.
- Đối với loại hình nuôi trồng thủy sản
và sản xuất giống thủy sản cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao2.
- Đối với loại hình dịch vụ nông nghiệp,
có một số HTX hoạt động khá làm ăn có hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm,
nâng cao thu nhập và đảm bảo ổn định đời sống cho thành viên và người lao động,
tăng tích lũy cho HTX3.
b) Lĩnh vực phi nông nghiệp có
69 HTX (Xây dựng 10 HTX; giao thông vận tải 26
HTX; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 08 HTX; thương mại - dịch vụ 20 HTX; quỹ
tín dụng 02 HTX; môi trường 03 HTX).
- Lĩnh vực thương mại - dịch vụ: chủ yếu cung cấp vật tư nông nghiệp, tuy duy trì được hoạt động, nhưng
rất hạn chế trong cải tiến, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh, mở rộng hợp
tác, liên kết trong kinh doanh, phát triển
thị trường.
- Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ
công nghiệp: các HTX hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về máy móc, thiết bị kỹ
thuật (HTX Anh Đào, xã Nguyễn Phích), sản phẩm cung cấp trong và ngoài tỉnh; đội
ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm, chất lượng
sản phẩm tốt.
- Lĩnh vực vận tải: chủ yếu dịch vụ vận tải hành khách đường bộ bằng phương tiện xe buýt,
taxi có chiều hướng phát triển tốt. Các HTX được vay vốn đầu tư phương tiện hoạt
động cùng với nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, nên hoạt động tương
đối ổn định, góp phần phát triển mạng lưới giao thông công cộng, tạo được nhiều
việc làm cho thành viên.
- Quỹ tín dụng nhân dân: hoạt động ổn định và
hiệu quả; phục vụ và giữ uy tín tốt với khách hàng; cơ sở vật chất tốt, đội ngũ
cán bộ có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, góp phần
tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân phát triển
kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn gặp những khó khăn nhất định,
môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt với các tổ chức tín dụng và giới hạn về
địa bàn hoạt động.
II. KẾT QUẢ THỰC
HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ (KTTT)
1. Kết quả triển
khai Luật và các văn bản hướng dẫn
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách
của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo4. Các sở, ban, ngành, đoàn
thể cấp tỉnh thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng đào tạo
tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về lĩnh
vực kinh tế hợp tác, HTX. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người
dân trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi tích cực về vai
trò, lợi ích của KTTT, HTX mang lại; các cấp ủy chính quyền đã quan tâm đổi mới
công tác phát triển KTTT, chú trọng đến chất lượng THT,
HTX; chỉ đạo khảo sát, đánh giá, phân loại đúng thực trạng của HTX để có giải
pháp phù hợp trong củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.
Thực hiện Quyết định số 121/QĐ/TTg
ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Tổng kết 15 năm thực
hiện Nghị quyết Trung ương số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng
cao hiệu quả kinh tế tập thể; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số
45/KH-UBND ngày 05/4/2019 và tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổng kết Nghị quyết số
13-NQ/TW, nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể thời gian qua trên địa bàn tỉnh về kết quả đạt được, những hạn chế, rút ra những nguyên
nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung
và biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo (Tỉnh ủy đã ban hành Báo cáo số
461-BC/TW ngày 19/6/2019 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương số 13-NQ/TW)
2. Công tác quản
lý nhà nước về KTTT
Công tác quản lý nhà nước về KTTT được
quan tâm, tăng cường hơn trước; cụ thể: đối với cấp xã giao 01 Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã phụ trách kinh tế chung và 01 công chức tham mưu, giúp việc lĩnh vực KTTT, HTX; đối với cấp huyện giao Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện,
thành phố; cấp tỉnh giao Phòng Doanh
nghiệp, Kinh tế tập thể và Tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư); đối với các cơ quan
chuyên môn như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Phát triển
nông thôn. Ngoài ra, các sở, ngành như: Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội,
Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đều cử công chức,
viên chức kiêm nhiệm theo dõi về lĩnh vực KTTT, HTX.
Bên cạnh đó, để kịp thời tham mưu
UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện các đề án phát triển, nâng cao hiệu
quả KTTT, HTX, các chương trình, kế hoạch phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh
Cà Mau theo đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số
1788/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 thành lập Ban Chỉ đạo, đổi mới, phát triển KTTT,
HTX tỉnh Cà Mau.
3. Kết quả triển
khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX
a) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng
nguồn nhân lực
- Thực hiện công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức về KTTT cho đối tượng cán bộ chủ chốt ở cơ sở với 06 lớp với
kinh phí 400 triệu đồng; 32 lớp tuyên truyền và 12 lớp truyền nghề về kiến thức
kinh tế tập thể, với kinh phí 420 triệu đồng; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho
cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; 01 lớp kiểm soát HTX, 01 lớp
bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán HTX, 01 lớp nhãn hiệu hàng hóa, với tổng kinh phí
670 triệu đồng...
- Thực hiện Quyết định số
1231/BNN-KTHT ngày 09/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt
nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp giai đoạn
2018 - 2020, đã đưa 08 cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại 08 HTX.
b) Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Năm 2019, với nguồn kinh phí được
ngân sách cấp 225 triệu đồng, đã hỗ trợ 12 HTX có sản phẩm tiêu biểu của tỉnh
tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ do Liên minh HTX Việt Nam tổ
chức. Hội chợ đã giới thiệu trưng bày sản phẩm của tỉnh tại 05 gian hàng gồm 42
sản phẩm. Thông qua Hội chợ để tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất
lượng, năng lực cạnh tranh của HTX. Các HTX tham gia Hội chợ tìm kiếm đối tác hợp
tác tiêu thụ sản phẩm; số HTX và số sản phẩm nông nghiệp
tham gia gấp 2 lần so với năm 2018 và chất lượng, bao bì, đóng gói sản phẩm tốt
hơn5.
c) Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX
Trong 6 tháng đầu năm, Quỹ hỗ trợ
phát triển HTX tỉnh đã giải ngân 05 dự án mới với số tiền 950 triệu đồng. Đến
nay tổng số dư nợ 87 dự án (HTX), với tổng số tiền 13,727 tỷ đồng/14,5 tỷ đồng
tổng vốn Điều lệ của Quỹ được ngân sách tỉnh cấp. Cơ bản, các HTX được tiếp cận
nguồn vốn vay đều phát triển mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo được việc
làm cho thành viên HTX.
d) Chính sách thành lập mới HTX
Công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX được tập trung chỉ đạo thường xuyên;
tỉnh hỗ trợ kinh phí thành lập mới bình quân 07 triệu đồng/01 HTX từ nguồn ngân
sách tỉnh.
đ) Chính sách hỗ trợ đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng
Đầu năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã
phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX, cụ thể trong năm tập
trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 07 HTX6 với kinh phí được cấp là 4 tỷ đồng.
e) Chính sách ưu đãi về tín dụng
Về tín dụng thương mại, HTX khó tiếp
cận được nguồn vốn vay tín chấp từ các Ngân hàng thương mại theo Nghị định số
55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, do không đáp ứng điều kiện để vay vốn
(điều kiện bảo đảm tiền vay theo quy định của các ngân hàng thương mại).
III. CÁC VẤN ĐỀ TỒN
TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN
Nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX
năm 2012 của một số ít cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư tại các xã, phường,
thị trấn chưa đầy đủ về vai trò của KTTT trong liên kết sản xuất, phát triển
kinh tế, tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng
hóa quy mô lớn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Một số cấp
ủy đảng, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo phát triển
KTTT, một số nơi còn buông lỏng chức năng quản lý về KTTT.
Chính sách tín dụng
còn nhiều hạn chế, đa phần các HTX khó tiếp cận được nguồn tín dụng tại các
ngân hàng thương mại. Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX đã có nhưng chưa thật
sự đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để triển khai hỗ trợ các HTX; công tác triển khai
các chính sách hỗ trợ chưa thật sự quyết liệt.
Một số cán bộ phụ trách KTTT chưa thực
sự tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ, còn yếu; số lượng cán bộ chưa đảm bảo,
nên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Chưa thường xuyên sơ, tổng kết mô
hình sản xuất, mô hình HTX hoạt động có hiệu quả để nhân rộng.
Chất lượng cán bộ quản lý tại các
HTX, THT còn nhiều hạn chế, nhất là trong công tác quản lý, điều hành hoạt động,
chế độ tài chính, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết hợp tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, việc áp dụng Thông tư số
07/2019/TT-BKHĐT ngày 04/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư về đăng ký HTX và chế độ báo cáo định kỳ tình hình hoạt động của HTX
vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo Thông tư quy định, hồ sơ đăng ký HTX và tình
trạng pháp lý của HTX được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã, nhưng thực tế tại địa phương, các HTX vẫn còn khó khăn
về việc đầu tư để mua sắm các trang thiết bị cần thiết để phục vụ
hoạt động nêu trên.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN
NGHỊ
- Trung ương sớm nghiên cứu, sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật HTX năm 2012 để tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển
kinh tế hợp tác, HTX, đồng thời ban
hành các chính sách đồng bộ, thông thoáng đi đôi với bố trí nguồn lực để thực
hiện.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành
Thông tư hướng dẫn đánh giá, phân loại chung các HTX (cả HTX Nông nghiệp và phi
nông nghiệp).
- Liên minh HTX Việt Nam tăng cường
công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thành viên, hội viên tham gia xây dựng
phát triển HTX kiểu mới; tập trung nguồn lực, tăng cường công tác đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX và hệ
thống Liên minh HTX cả nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT NĂM 2020
I. NỘI DUNG KẾ
HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT NĂM 2020
1. Dự báo những
thuận lợi, khó khăn
a) Thuận lợi
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao
hiệu quả KTTT, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm hơn về
lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Nhiều địa phương đã chú trọng và có biện pháp đẩy mạnh phát triển HTX, tạo điều
kiện cho KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển; nền kinh tế của
tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá qua nhiều năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực
theo hướng tăng khả năng cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh của từng ngành,
tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng. Cơ cấu sản xuất nông
nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng hiệu quả kinh tế, chú trọng cả
trồng trọt, chăn nuôi; cơ cấu trong nội bộ từng ngành có
bước chuyển dịch gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu
là lợi thế cho việc phát triển KTTT.
b) Khó khăn
- Tình hình khí hậu, môi trường, dịch
bệnh diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất lợi cho hoạt động sản xuất,
kinh doanh. Khu vực KTTT vốn còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa đủ điều kiện để tiếp
cận được các thiết bị máy móc tiên tiến và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của
nhà nước.
- Việc nhận thức và thực hiện các
quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về KTTT của
một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa toàn diện cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của
khu vực KTTT.
2. Định hướng
chung về phát triển KTTT, HTX
- Rà soát, đánh giá toàn diện, đồng bộ
số THT hiện có trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn cụ thể để
các THT thực hiện việc đăng ký thành lập, tổ chức hoạt động đúng Nghị định
151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ.
- Củng cố các HTX hiện có, phát triển
HTX mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đời sống
theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành; làm tốt công tác tuyên
truyền, vận động kết nạp thành viên để mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất,
kinh doanh dịch vụ. Phát triển HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành nghề, hướng
dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Thúc đẩy và tạo điều
kiện cho việc hình thành HTX kiểu mới gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh, liên kết
hình thành chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
3. Mục tiêu tổng
quát
Đẩy mạnh việc củng cố và phát triển
các loại hình kinh tế hợp tác trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở đảm
bảo nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật. Khuyến khích xây dựng
mối liên kết giữa các HTX, THT với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất,
mở rộng quy mô, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nâng cao tinh thần hợp tác trong cộng đồng dân cư, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống
vật chất và tinh thần của các thành viên, góp phần giảm nghèo, đẩy nhanh tiến
trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
4. Một số mục
tiêu cụ thể
- Phát triển mới 90 THT, đạt bình
quân 01 THT/xã.
- Phát triển mới 45 HTX, với khoảng
900 thành viên. Chú trọng phát triển HTX trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản
địa bàn các xã được chọn chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trong năm.
- Thành lập mới 01 Liên hiệp HTX.
- Thu nhập bình quân của người lao động
và thành viên trong các HTX trên 50 triệu đồng. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1.000 triệu đồng trở lên.
- Tỷ lệ cán bộ chủ chốt HTX đã qua
đào tạo khoảng 20%; trên 90% cán bộ chủ chốt HTX được bồi dưỡng bổ sung các kiến
thức về HTX và các chính sách pháp luật có liên quan KTTT.
- Số HTX hoạt động hiệu quả thuộc loại
khá, tốt chiếm 20% trở lên; không còn HTX ngưng, nghỉ hoạt động.
- Hỗ trợ kinh phí
đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ Hợp tác xã.
- Mở 09 lớp bồi
dưỡng kiến thức KTTT cho cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn.
- Hỗ trợ 01 bộ máy vi tính cho HTX được
chọn thực hiện tiêu chí 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới của 30 xã
đã được công nhận xã nông thôn mới.
- Hỗ trợ các HTX
tham gia hội chợ xúc tiến thương mại thường niên do Liên minh HTX Việt Nam tổ
chức.
- Hỗ trợ về chế
biến tiêu thụ sản phẩm cho các HTX có sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia Đề
án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
- Xây dựng thí điểm 09 mô hình “Hội
quán” về tuyên truyền, vận động tạo nguồn để thành lập mới HTX tại 09 huyện,
thành phố.
- Hỗ trợ kinh phí hoạt động của “Tổ
tư vấn thành lập Hợp tác xã” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
- Tổ chức 02 cuộc Hội thảo, tọa đàm về
pháp luật về HTX.
- Bổ sung vốn Điều lệ hoạt động của
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
- Thí điểm hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, bình quân 01 cán bộ/01 HTX/huyện,
thành phố.
- Hỗ trợ mở 01 cửa hàng trưng bày sản
phẩm tiêu biểu, có thương hiệu hàng hóa của các HTX trên địa bàn tỉnh.
5. Các nhiệm vụ
và giải pháp phát triển KTTT năm 2020
a) Tiếp tục thực hiện và hoàn
thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012
- Tiếp tục cụ thể hóa một số chính
sách của Trung ương vào địa phương để khuyến khích, động viên các HTX, khắc phục
khó khăn, vươn lên trong sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn.
- Đề xuất Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau kiến nghị sửa đổi một số Điều của Luật HTX 2012.
b) Tuyên truyền, tập huấn Luật
HTX 2012 và nâng cao nguồn nhân lực HTX
- Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên
truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về
KTTT đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức sâu rộng,
tạo tiền đề cho KTTT phát triển.
- Nâng cao chất lượng tin bài, thông
tin về phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên Báo, Đài địa phương.
- Tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ đối
thoại chính sách HTX về xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh
tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
c) Tổ chức triển khai thực hiện
chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX
theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt
- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,
dự kiến kinh phí đào tạo tập trung nguồn nhân lực cho hợp tác xã 1.387.000.000
đồng, với khoảng 60 người được hỗ trợ.
- Công tác tư vấn hỗ trợ thành lập mới
THT, HTX được tập trung chỉ đạo, thường xuyên tuyên truyền vận động nâng cao nhận
thức về KTTT. Dự kiến hỗ trợ bình quân thành lập mới khoảng 7 triệu đồng/01
HTX, với tổng kinh phí 315.000.000 đồng và hỗ trợ thành lập mới 01 Liên hiệp
HTX, với kinh phí 28.000.000 đồng.
- Hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ xúc
tiến thương mại thường niên do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, với kinh phí khoảng
250.000.000 đồng.
- Hỗ trợ xây dựng thí điểm 09 mô hình
“Hội quán” về tuyên truyền, vận động tạo nguồn để thành lập mới Hợp tác xã trên
địa bàn 09 huyện, thành phố.
- Hỗ trợ kinh phí hoạt động của “Tổ
tư vấn thành lập Hợp tác xã” trên địa bàn tỉnh, với kinh phí khoảng 100.000.000
đồng.
- Hỗ trợ xây dựng mở 01 cửa hàng
trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã trên địa
bàn tỉnh, với kinh phí khoảng 300.000.000 đồng.
- Thí điểm hỗ trợ 09 cán bộ trẻ tốt
nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp
tác xã thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, bình quân 01 cán bộ/01 HTX/huyện, thành
phố, với kinh phí khoảng 429.000.000 đồng.
- Bổ sung vốn Điều lệ hoạt động Quỹ hỗ
trợ phát triển hợp tác xã, với số tiền 5,5 tỷ đồng.
d) Nâng cao hiệu quả hoạt động
của khu vực KTTT, HTX
- Rà soát toàn diện, đánh giá, phân
loại HTX để tổ chức kiện toàn, củng cố hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012,
xử lý dứt điểm các HTX yếu kém hoặc ngừng hoạt động.
- Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức
và hoạt động của các HTX, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ HTX hoạt động đúng Luật và
hiệu quả. Vận động các thành viên của HTX nâng mức vốn góp, các HTX có điều kiện
thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập các HTX cùng
ngành nghề và hoạt động trên cùng địa bàn để tăng tiềm lực tài chính và quy mô
hoạt động của HTX.
đ) Tăng cường công tác quản lý
nhà nước về KTTT
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát triển HTX.
- Hoàn thiện hệ thống bộ máy các cấp
để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về HTX từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thực
hiện hiệu quả nội dung quản lý Nhà nước về KTTT. Xác định rõ chức năng và nhiệm
vụ, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan các cấp (cấp tỉnh, cấp cơ sở),
cũng như cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý Nhà
nước trong phát triển KTTT.
- Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm
công tác quản lý Nhà nước về HTX, ưu tiên hàng đầu là bồi dưỡng, nâng cao trình
độ, năng lực quản lý và tư duy kinh tế, thương mại cho những người phụ trách
KTTT, HTX. Khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước vừa yếu, vừa
thiếu.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban
Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể để chỉ đạo theo chức năng, nhiệm
vụ được giao. Kiểm tra, sơ kết để tập trung tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực
HTX (nguồn vốn, cơ chế, chính sách...).
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức
và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên minh HTX, thực hiện có hiệu quả các
chức năng, nhiệm vụ, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát triển HTX, tư
vấn, hỗ trợ thành viên, tham gia xây dựng và phối hợp hướng
dẫn thực hiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực
kinh tế HTX.
- Chấn chỉnh tổ chức và đổi mới nội
dung và phương thức hoạt động trong từng HTX để đảm bảo đúng tính chất là một tổ
chức KTTT theo nguyên tắc tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm; phát huy dân
chủ, phục vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng của thành viên, giải quyết được nhiều việc
làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
- Phát triển HTX gắn với nhiệm vụ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển
dịch cơ cấu kinh tế và lồng ghép với các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội theo vùng, ngành và lĩnh vực; tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi
trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Quan tâm, tạo điều kiện để các HTX xúc
tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tham quan học tập kinh nghiệm trong và
ngoài nước.
- Tập hợp và huy
động đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX có năng lực, phẩm chất, tận tâm, nhiệt tình,
tâm huyết với công việc của HTX; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát
triển nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức cho HTX, nhất là cán bộ quản lý HTX.
- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước
đối với khu vực HTX theo quy định tại Luật HTX năm 2012 và các quy định khác;
tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả
thực hiện Nghị quyết, Luật HTX, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
đối với KTTT.
e) Huy động các lực lượng xã hội,
các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT
- Huy động mọi nguồn lực cho phát triển
HTX; khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu
tư vào HTX đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến
bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh
tranh.
- Lồng ghép, kết hợp các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh
tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình
thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.
- Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng
của các hộ nông dân khi tham gia HTX, THT và các hình thức tổ chức liên kết hợp
tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
- Đẩy mạnh sự liên kết trong khu vực
HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm huy động
mọi nguồn lực tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Có chính sách khuyến khích, thu hút
cán bộ, sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, từng bước
tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở một số lĩnh vực,
ngành nghề (Giám đốc, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát) nhằm nâng cao năng
lực quản lý, điều hành và ổn định cán bộ. Có chế độ ưu đãi để giữ lại những cán
bộ HTX giỏi, có năng lực quản lý và tâm huyết đối với HTX.
Trên đây là Kế hoạch phát triển KTTT
năm 2020 của tỉnh Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo đề cương yêu cầu của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Kèm theo các Biểu số liệu có liên quan)./.
Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Phát triển HTX - Bộ KH&ĐT;
- Các Sở: KH&ĐT, NN&PTNT, CT, GTVT, XD, TN&MT,
KH&CN, LĐ-TB&XH;
- Văn phòng Điều phối các CTMT QG tỉnh;
- Liên minh HTX tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Cà Mau;
- PVP UBND tỉnh Kiều Trung Tính;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Phòng: KT (D10), NN-TN;
- Lưu: VT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Sử
|