Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 98/HD-SXD Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Hoàng Văn Minh
Ngày ban hành: 19/03/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UBND TỈNH ĐIỆN BIÊN
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 98/HD-SXD

Điện Biên Phủ, ngày 19 tháng 03 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Chỉ thị 12/2006/CT-BXD ngày 11/9/2006 của Bộ Xây dựng về tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng.
Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức cá nhân trong hoạt động xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sở Xây dựng hướng dẫn các Chủ đầu tư có công trình xây dựng, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trong lĩnh vực khảo sát xây dựng công trình thực hiện và quản lý chất lượng đối với công tác khảo sát xây dựng như sau:

Phần 1.

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT XÂY DỰNG

I. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Công tác khảo sát xây dựng bao gồm khảo sát địa chất, khảo sát địa hình, khảo sát khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác lập quy hoạch xây dựng, lựa chọn địa điểm, lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình.

Công tác khảo sát xây dựng được thực hiện theo trình tự và nội dung sau:

1. Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng.

2. Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.

3. Thực hiện và giám sát quá trình khảo sát xây dựng.

4. Lập báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.

5. Nghiệm thu công tác khảo sát xây dựng.

II. NHIỆM VỤ KHẢO SÁT XÂY DỰNG, PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT KHẢO SÁT XÂY DỰNG

1. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng:

- Nhiệm vụ khảo sát xây dựng do nhà thầu thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập theo yêu cầu của Chủ đầu tư. Nhiệm vụ khảo sát được lập riêng cho lựa chọn địa điểm, quy hoạch xây dựng hoặc cho thiết kế xây dựng công trình.

- Nội dung nhiệm vụ khảo sát xây dựng thực hiện theo Điều 6 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Đối với khảo sát địa chất phục vụ cho các bước thiết kế xây dựng công trình nội dung nhiệm vụ khảo sát cần nêu rõ đặc điểm, quy mô công trình xây dựng, địa điểm và phạm vi khảo sát, tiêu chuẩn áp dụng, thời gian thực hiện; dự kiến phương án thiết kế, dự kiến tải trọng và kích thước các hạng mục công trình.

2. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng

- Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát lập là một trong những cơ sở để xem xét lựa chọn nhà thầu khảo sát. Nhà thầu khảo sát được lựa chọn có trách nhiệm hoàn thiện phương án kỹ thuật trình chủ đầu tư phê duyệt trước khi thực hiện. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát được duyệt, phù hợp với các tiêu chuẩn được áp dụng và phải tính đến quy mô, tính chất công việc, mức độ nghiên cứu, mức độ phức tạp của điều kiện tự nhiên tại vùng, địa điểm khảo sát.

- Nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng:

+ Cơ sở lập phương án khảo sát xây dựng như nhiệm vụ khảo sát, đặc điểm công trình xây dựng, đặc điểm địa chất, địa hình công trình; mức độ nghiên cứu hiện có về điều kiện địa chất địa hình tại khu vực khảo sát;

+ Thành phần, khối lượng công tác khảo sát;

+ Phương pháp, thiết bị khảo sát;

+ Tiêu chuẩn áp dụng;

+ Tổ chức thực hiện;

+ Các biện pháp bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng có liên quan; các biện pháp bảo vệ môi trường, nguồn nước…

+ Tiến độ thực hiện;

+ Dự toán chi phí cho công tác khảo sát.

- Nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải được thể hiện trong hợp đồng khảo sát.

- Trong quá trình khảo sát, nếu phát hiện các yếu tố bất thường, nhà thầu khảo sát được quyền đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung nội dung phương án kỹ thuật khảo sát mà không làm thay đổi nhiệm vụ khảo sát được duyệt. Đề xuất của nhà thầu khảo sát phải được chủ đầu tư chấp thuận. Việc bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.

III. THỰC HIỆN KHẢO SÁT XÂY DỰNG

1. Trước khi thực hiện chủ đầu tư và nhà thầu khảo sát xây dựng phải xác định tọa độ, cao độ tuyệt đối của điểm mốc cần dẫn truyền. Thông tin về điểm mốc phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp bằng văn bản.

- Khảo sát xây dựng tại vùng đã có quy hoạch xây dựng thì tọa độ, cao độ tuyệt đối của điểm mốc phải được Phòng Hạ tầng kinh tế hoặc Phòng Quản lý đô thị nơi thực hiện khảo sát cung cấp. Khảo sát xây dựng tại vùng chưa có quy hoạch xây dựng thì tọa độ, cao độ tuyệt đối của điểm mốc phải được Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp.

2. Trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng Nhà thầu khảo sát và Chủ đầu tư hoặc Tư vấn giám sát (trường hợp Chủ đầu tư thuê Tư vấn giám sát) phải mở sổ nhật ký giám sát xây dựng công trình. Sổ nhật ký giám sát phải ghi đầy đủ tên Chủ đầu tư, Nhà thầu thực hiện khảo sát và Tư vấn giám sát (nếu có), Chủ nhiệm khảo sát, cán bộ giám sát kỹ thuật của Chủ đầu tư. Nhà thầu tư vấn giám sát. Sổ nhật ký phải được đóng dấu xác nhận của Chủ đầu tư và được ghi đầy đủ nội dung, khối lượng công việc thực hiện theo từng ngày. Giám sát kỹ thuật của Chủ đầu tư hoặc Tư vấn giám sát và người thực hiện khảo sát xác nhận khối lượng, chất lượng công việc từng ngày theo nội dung Nhiệm vụ khảo sát, Phương án kỹ thuật khảo sát đã được Chủ đầu tư phê duyệt đồng thời phải tuân thủ tiêu chuẩn khảo sát hiện hành theo từng loại công tác khảo sát.

3. Nội dung của công tác khảo sát:

a) Nội dung công tác khảo sát trắc địa:

- Thu thập và phân tích những tài liệu về địa hình, địa vật đã có ở khu vực khảo sát.

- Khảo sát khái quát ở hiện trường.

- Xây dựng hoặc phát triển lưới trắc địa hạng 3 và hạng 4, lưới khống chế đo vẽ, lưới thủy chuẩn hạng II, III và IV;

- Lập lưới trắc địa đo vẽ mặt bằng và độ cao;

- Đo vẽ địa hình;

- Chỉnh biên bản đồ địa hình;

- Đo vẽ hệ thống công trình kỹ thuật ngầm (nếu có);

- Lập lưới khống chế trắc địa các công trình đi theo tuyến;

- Thực hiện công tác khảo sát trắc địa phục vụ cho khảo sát địa chất công trình, khảo sát khí tượng thủy văn và các dạng khảo sát khác.

- Thực hiện các công tác vẽ bản đồ.

b) Nội dung công tác khảo sát địa chất công trình:

- Khảo sát địa chất phục vụ lựa chọn địa điểm: Thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 1, phần II của Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình.

- Khảo sát địa chất phục vụ các bước thiết kế xây dựng công trình: Thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 2, phần II của Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình.

c) Nội dung của công tác khảo sát khí tượng thủy văn:

- Thu thập, phân tích và tổng hợp những số liệu đã có về điều kiện thủy văn và khí tượng của khu vực xây dựng;

- Khảo sát khái quát ngoài hiện trường;

- Quan trắc thủy văn và khí tượng của khu vực xây dựng;

- Thực hiện các công tác về đo đạc thủy văn;

- Xác định các thông số tính toán cần thiết cho công tác thiết kế.

IV. GIÁM SÁT CÔNG TÁC KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Chủ đầu tư cử người có chuyên môn phù hợp để giám sát công tác khảo sát xây dựng. Thực hiện công tác giám sát khảo sát xây dựng thường xuyên, liên tục có hệ thống từ khi bắt đầu khảo sát đến khi kết thúc công việc. Trường hợp Chủ đầu tư không có người có chuyên môn phù hợp để thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng thì thuê tư vấn có chuyên môn phù hợp để thực hiện việc giám sát.

Nhà thầu khảo sát xây dựng phải có bộ phận chuyên trách tự giám sát công tác khảo sát xây dựng.

Nội dung giám sát thực hiện theo khoản 2 Điều 11 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, cụ thể là:

a) Nội dung tự giám sát công tác khảo sát xây dựng của nhà thầu khảo sát xây dựng:

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện theo phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng đã được chủ đầu tư phê duyệt;

- Ghi chép kết quả theo dõi, kiểm tra vào nhật ký khảo sát xây dựng.

b) Nội dung giám sát công tác khảo sát xây dựng của chủ đầu tư:

- Kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu khảo sát xây dựng so với hồ sơ dự thầu về nhân lực, thiết bị máy móc phục vụ khảo sát, phòng thí nghiệm được nhà thầu khảo sát xây dựng sử dụng.

- Theo dõi, kiểm tra vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát và việc thực hiện quy trình khảo sát theo phương án kỹ thuật đã được phê duyệt. Kết quả theo dõi, kiểm tra phải được ghi chép vào nhật ký khảo sát xây dựng;

- Theo dõi và yêu cầu nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện bảo vệ môi trường và các công trình xây dựng trong khu vực khảo sát theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.

V. BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT XÂY DỰNG

- Sau khi kết thúc công tác khảo sát tại hiện trường Nhà thầu khảo sát phải lập Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng. Báo cáo khảo sát xây dựng phải được Chủ đầu tư nghiệm thu và ký xác nhận để làm cơ sở thực hiện thiết kế xây dựng công trình hoặc thực hiện quy hoạch xây dựng.

- Đối với Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình, ngoài các yêu cầu theo quy định thì trên bình đồ địa hình vị trí các hố khoan, đào thăm dò địa chất phải được thể hiện rõ như tọa độ, cao độ miệng và đáy hố khoan, đồng thời các vị trí này phải phù hợp với vị trí dự kiến đặt công trình. Trên thực địa các vị trí nói trên phải được đánh dấu cụ thể và lập hồ sơ gửi mốc có xác nhận của Chủ đầu tư và Nhà thầu khảo sát.

- Đối với Báo cáo kết quả khảo sát địa hình công trình, ngoài các yêu cầu theo quy định thì trên bản vẽ bình đồ địa hình phải thể hiện rõ các yếu tố như ranh giới đo vẽ địa hình, vị trí các điểm khống chế; cao độ, tọa độ các điểm của lưới đường chuyền. Trên thực địa các vị trí nói trên phải được đánh dấu cụ thể và lập hồ sơ gửi mốc có xác nhận của Chủ đầu tư và Nhà thầu khảo sát.

- Toàn bộ tọa độ, cao độ được thể hiện trong Báo cáo kết quả khảo sát địa chất, địa hình phải được dẫn từ hệ tọa độ, cao độ chuẩn quốc gia và được cơ quan có thẩm quyền cung cấp trước khi tiến hành khảo sát (như quy định tại phần trên).

- Nội dung Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:

1. Nêu các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ khảo sát đã được Chủ đầu tư phê duyệt gồm: Mục đích khảo sát, phạm vi khảo sát, phương pháp khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát.

2. Vị trí giới hạn và điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát xây dựng: Thuyết minh vị trí địa lý của khu vực khảo sát, đặc điểm của địa hình, phân cấp địa hình, tài nguyên thiên nhiên trong khu vực (nếu có).

3. Đặc điểm quy mô tính chất công trình.

4. Nêu các tiêu chuẩn về khảo sát được áp dụng cho từng loại công tác khảo sát xây dựng.

5. Khối lượng khảo sát:

- Khối lượng khảo sát được thuyết minh phải phù hợp với kết quả đo vẽ khảo sát địa hình, địa chất… kèm theo các bản vẽ theo quy định…

- Trên bản vẽ theo quy định của từng loại khảo sát thể hiện được vị trí, tọa độ cao độ các điểm hố khoan địa chất, các điểm khống chế, các điểm của lưới đường chuyền…

6. Quy trình khảo sát, phương pháp khảo sát và các thiết bị khảo sát.

- Quy trình khảo sát: Thuyết minh đầy đủ theo thứ tự thực hiện công tác khảo sát từ khi bắt đầu khảo sát đến khi kết thúc khảo sát.

- Phương pháp khảo sát: Thuyết minh rõ phương pháp thực hiện từng hạng mục công việc của quá trình khảo sát.

- Thiết bị khảo sát: Thống kê và nêu rõ công dụng của máy móc thiết bị để thực hiện công tác khảo sát.

7. Phân tích số liệu, đánh giá kết quả khảo sát: Tất cả các phiếu thí nghiệm và kết quả thí nghiệm phải được đóng dấu LAS - XD và dấu của cơ quan thí nghiệm theo quy định.

8. Đề xuất giải pháp kỹ thuật phục vụ cho thiết kế, thi công xây dựng công trình.

9. Kết luận và kiến nghị.

10. Các tài liệu tham khảo để áp dụng trong khảo sát xây dựng. Thống kê từng loại tài liệu tham khảo cho từng công việc trong công tác khảo sát.

11. Các phụ lục kèm theo.

VI. NGHIỆM THU KHẢO SÁT XÂY DỰNG.

- Khi hoàn thành từng phần việc khảo sát và toàn bộ khối lượng khảo sát thì Chủ đầu tư và Nhà thầu tư vấn giám sát (nếu có) phải tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát với Nhà thầu khảo sát theo từng phần việc, từng giai đoạn và toàn bộ khối lượng khảo sát. Việc nghiệm thu phải được căn cứ vào hợp đồng khảo sát xây dựng giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu khảo sát, nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát đã được Chủ đầu tư phê duyệt, tiêu chuẩn khảo sát được áp dụng và Báo cáo kết quả khảo sát của nhà thầu. Kết quả nghiệm thu từng phần việc khảo sát, toàn bộ khối lượng khảo sát và Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định.

- Nội dung nghiệm thu:

1. Đánh giá chất lượng công tác khảo sát so với nhiệm vụ khảo sát xây dựng và các tiêu chuẩn khảo sát được áp dụng.

2. Kiểm tra hình thức, nội dung và số lượng của Báo cáo khảo sát xây dựng.

3. Nghiệm thu khối lượng từng công việc khảo sát xây dựng theo hợp đồng đã ký.

VII. ĐIỀU KIỆN THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ THANH QUYẾT TOÁN HỒ SƠ KHẢO SÁT XÂY DỰNG.

Các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định, phê duyệt và thanh quyết toán công tác khảo sát xây dựng chỉ chấp thuận giải quyết hồ sơ khảo sát xây dựng có đầy đủ các nội dung sau:

1. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng và Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng kèm theo Quyết định phê duyệt của Chủ đầu tư.

2. Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng kèm theo thuyết minh tính toán khảo sát, phiếu thí nghiệm, và kết quả thí nghiệm theo quy định.

3. Nhật ký khảo sát xây dựng kèm và các biên bản nghiệm thu khảo sát.

4. Hồ sơ năng lực của Nhà thầu khảo sát xây dựng.

5. Bản sao công chứng giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề khảo sát của Chủ trì khảo sát và chủ nhiệm khảo sát. Quyết định công nhận khả năng thực hiện các phép thử của phòng thí nghiệm LAS - XD của Bộ Xây dựng và giấy chứng nhận, chứng chỉ của trưởng phòng LAS, chứng chỉ của thí nghiệm viên thực hiện công tác thí nghiệm.

Phần 2.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT XÂY DỰNG

I. ĐỐI VỚI CHỦ ĐẦU TƯ 

1. Thực hiện quản lý chất lượng khảo sát bao gồm: Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát, tổ chức giám sát khảo sát và nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát theo các quy định tại Chương III Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ. Trường hợp chủ đầu tư không có chuyên môn để thực hiện các công việc trên thì thuê tổ chức hoặc cá nhân có chuyên môn phù hợp để thực hiện (có đăng ký kinh doanh hoạt động hành nghề giám sát khảo sát xây dựng, có chứng chỉ hành nghề giám sát khảo sát xây dựng).

2. Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 57, 58 Nghị định 16/2005/NĐ-CP và quy định tại Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức cá nhân trong hoạt động xây dựng để thực hiện khảo sát; tổ chức. Bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp để kiểm tra năng lực của nhà thầu và của chủ nhiệm khảo sát. 

3. Ký kết hợp đồng với nhà thầu khảo sát, giao nhiệm vụ khảo sát cho nhà thầu khảo sát, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu khảo sát và tạo điều kiện để nhà thầu khảo sát thực hiện công việc; thanh toán đầy đủ kinh phí cho nhà thầu khảo sát trên cơ sở khối lượng khảo sát thực hiện đã được nghiệm thu.

4. Chịu trách nhiệm về chất lượng các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác khảo sát cung cấp cho nhà thầu khảo sát và nhà thầu thiết kế. Trong quá trình thực hiện công tác khảo sát xây dựng công trình phải thực hiện các tiêu chuẩn áp dụng trong công tác khảo sát xây dựng công trình (danh mục các tiêu chuẩn theo phụ lục đính kèm).

5. Tổ chức lưu trữ hồ sơ khảo sát.

6. Khi nhận được kiến nghị khảo sát bổ sung, nếu chấp thuận, chủ đầu tư phải bổ sung nhiệm vụ khảo sát và ký hợp đồng khảo sát bổ sung với nhà thầu khảo sát. Chủ đầu tư có thể tham khảo ý kiến của nhà thầu thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát khác trước khi chấp thuận.

II. ĐỐI VỚI NHÀ THẦU KHẢO SÁT XÂY DỰNG

1. Lập Nhiệm vụ khảo sát xây dựng khi có yêu cầu của Chủ đầu tư; lập Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; lập Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng phù hợp với yêu cầu của các bước thiết kế. Lập Nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo các nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; lập Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng theo các nội dung quy định tại Điều 7 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; lập Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo các nội dung quy định tại Điều 8 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.

2. Chỉ được thực hiện công tác khảo sát trong phạm vi đăng ký kinh doanh và điều kiện năng lực quy định tại Điều 58 Nghị định 16/2005/NĐ-CP, trên cơ sở phương án kỹ thuật khảo sát đã được Chủ đầu tư phê duyệt và hợp đồng đã ký kết. Không đủ điều kiện năng lực theo quy định không được ký hợp đồng thực hiện khảo sát xây dựng; không mượn danh nghĩa của nhà thầu khác để ký hợp đồng khảo sát; không được giao toàn bộ khối lượng công việc khảo sát theo hợp đồng với chủ đầu tư cho nhà thầu khác.

Đối với công tác khảo sát cần thí nghiệm ngoài trời hay thí nghiệm trong phòng Nhà thầu khảo sát phải xuất trình cho Chủ đầu tư Quyết định công nhận khả năng thực hiện các phép thử của phòng thí nghiệm LAS - XD của Bộ Xây dựng và giấy chứng nhận, chứng chỉ của trưởng phòng LAS, chứng chỉ của thí nghiệm viên thực hiện công tác thí nghiệm.

Đối với công tác khảo sát địa chất công trình trường hợp Nhà thầu khảo sát địa chất đã có phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hợp chuẩn (được Bộ Xây dựng công nhận) thì được sử dụng để thí nghiệm đối với các công tác khảo sát xây dựng do mình thực hiện. Trường hợp Nhà thầu khảo sát địa chất không có phòng thí nghiệm thì các yêu cầu thí nghiệm phải đưa về Phòng thí nghiệm (LAS-XD-235) thuộc Trung tâm kiểm định chất lượng Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên để thí nghiệm.

3. Cử người có đủ điều kiện năng lực phù hợp làm chủ nhiệm khảo sát theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Bố trí đủ cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện khảo sát. Thực hiện các công tác khảo sát tại hiện trường phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát (danh mục các tiêu chuẩn theo phụ lục đính kèm). Các mẫu thí nghiệm cơ - lý đất đá, thí nghiệm mẫu nước phải được thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm được công nhận hợp chuẩn (như đã nêu ở phần trên).

4. Kiểm tra nội bộ Phương án kỹ thuật khảo sát, Báo cáo kết quả khảo sát trước khi trình Chủ đầu tư; chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và trước pháp luật về kết quả khảo sát do mình thực hiện.

5. Theo dõi, tổ chức giám sát nội bộ việc thực hiện quy trình khảo sát theo phương án kỹ thuật được duyệt; ghi chép đầy đủ kết quả theo dõi, giám sát trong nhật ký khảo sát.

6. Khi thực hiện khảo sát, nếu có phát sinh khối lượng so với phương án kỹ thuật khảo sát được duyệt, phải đề xuất bổ sung nhiệm vụ khảo sát với Chủ đầu tư và chỉ được tiếp tục khảo sát khi Chủ đầu tư chấp thuận.

7. Bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong vùng, địa điểm khảo sát; bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát; phục hồi hiện trường sau khi kết thúc khảo sát theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.

8. Các máy móc, thiết bị sử dụng cho công tác khảo sát phải hợp chuẩn và an toàn theo tính năng thiết kế. Không sử dụng các thiết bị và dụng cụ đo lường chưa được kiểm định, sai tính năng, vượt quá công suất thiết kế của thiết bị hoặc đã quá niên hạn sử dụng theo quy định.

9. Tổ chức lưu trữ hồ sơ khảo sát.

10. Thực hiện bảo mật theo quy định những tài liệu có yêu cầu bảo mật liên quan đến công tác khảo sát (nếu có).

11. Bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, không đúng phương án kỹ thuật khảo sát được duyệt hoặc sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp dẫn đến làm sai lệch kết quả khảo sát, phát sinh khối lượng khảo sát và các hành vi gây thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra.

III. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GIÁM SÁT KHẢO SÁT XÂY DỰNG VÀ NHÀ THẦU THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

1. Đối với tổ chức, cá nhân giám sát khảo sát xây dựng:

a) Thực hiện giám sát khảo sát theo yêu cầu của chủ đầu tư được thể hiện trong hợp đồng kinh tế.

b) Cử người có chuyên môn phù hợp để thực hiện giám sát khảo sát.

c) Kiểm tra sự phù hợp về điều kiện năng lực của Nhà thầu khảo sát và chủ nhiệm khảo sát, về thiết bị khảo sát mà Nhà thầu khảo sát đã cam kết với Chủ đầu tư trong hồ sơ dự thầu hoặc trong hợp đồng đã ký kết.

d) Giám sát quy trình thực hiện khảo sát ngoài hiện trường và trong phòng thí nghiệm theo phương án kỹ thuật được duyệt.

e) Nghiệm thu khối lượng khảo sát để làm cơ sở cho Chủ đầu tư quyết toán công tác khảo sát.

g) Chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và trước pháp luật về khối lượng khảo sát đã nghiệm thu. Bồi thường thiệt hại nếu không phát hiện được nhà thầu khảo sát thực hiện không đúng phương án kỹ thuật khảo sát được duyệt dẫn đến kết quả khảo sát không đáp ứng yêu cầu thiết kế phải khảo sát lại, khảo sát bổ sung hoặc các hành vi gây thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra.

2. Đối với Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình:

a) Lập Nhiệm vụ khảo sát phục vụ cho công tác thiết kế phù hợp với yêu cầu từng loại công việc khảo sát, từng bước thiết kế bao gồm các nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.

Bố trí người có chuyên môn phù hợp để lập Nhiệm vụ khảo sát xây dựng, giám sát công tác khảo sát xây dựng, tư vấn nghiệm thu Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng khi thực hiện hợp đồng với Chủ đầu tư.

b) Đề xuất khảo sát bổ sung và lập nhiệm vụ khảo sát bổ sung khi phát hiện không đủ số liệu khảo sát để thiết kế.

c) Chỉ thực hiện thiết kế xây dựng công trình trên cơ sở Báo cáo kết quả khảo sát, tài liệu khảo sát xây dựng khi kết quả khảo sát đáp ứng yêu cầu của các bước thiết kế, phù hợp với điều kiện địa chất, địa lý tự nhiên tại khu vực xây dựng và đã được Chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định. Không sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng tại địa điểm khác hoặc của công trình khác để thiết kế. Trường hợp cần thiết chỉ sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng tại địa điểm lân cận hoặc của công trình lân cận để tham khảo.

d) Bồi thường thiệt hại khi xác định sai nhiệm vụ khảo sát dẫn đến kết quả khảo sát không đáp ứng yêu cầu thiết kế phải khảo sát lại, khảo sát bổ sung hoặc các hành vi gây thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra.

Để thực hiện tốt các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng đề nghị các Chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trong lĩnh vực khảo sát xây dựng công trình, các cơ quan quản lý có liên quan phải thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn trên. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị gửi văn bản để Sở Xây dựng nghiên cứu hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc đề xuất lên cấp trên có hướng giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh (báo cáo);
- Các Sở, Ban, Ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh;
- Các phòng Hạ tầng kinh tế huyện;
- Các phòng Quản lý đô thị thị xã, thành phố;
- Các Ban QLDA trên địa bàn tỉnh;
- Các đơn vị tư vấn thiết kế trên địa bàn tỉnh;
- Lãnh đạo Sở;
- Lưu VP.

GIÁM ĐỐC




Hoàng Văn Minh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TIÊU CHUẨN VỀ KHẢO SÁT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
(Kèm theo Hướng dẫn số 98/HD-SXD ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên)

- TCVN 4419 - 1997 Khảo sát xây dựng - Nguyên tắc cơ bản.

- TCXD 205 - 1987 Yêu cầu đối với khảo sát.

- 22 TCN 259 - 2000 Quy định khoan thăm dò địa chất công trình.

- 22 TCN 262 - 2000 Quy trình khảo sát thiết kế nền đường ô tô trên nền đất yếu.

- 22 TCN 263 - 2000 Quy trình khảo sát đường ô tô.

- 22 TCN 171 - 87 Quy trình khảo sát địa chất công trình và thiết kế biện pháp ổn định nền đường vùng có hoạt động trượt, sụt lở.

- 22 TCN 160 - 87 Khảo sát địa kỹ thuật phục vụ cho thiết kế và thi công móng cọc.

- TCXD 112 - 1984 Công tác khảo sát địa kỹ thuật về giai đoạn khảo sát; về vị trí, mật độ và độ sâu thăm dò.

- TCXD 161 - 1987 Công tác thăm dò điện trong khảo sát xây dựng.

- TCXD 194 - 1997 Nhà cao tầng - Công tác khảo sát địa kỹ thuật.

- TCXDVN 309 - 2004 Công tác trắc địa trong xây dựng công trình - Yêu cầu chung.

- TCXDVN 364 - 2006 Tiêu chuẩn kỹ thuật đo và xử lý kỹ thuật GPS trong trắc địa công trình.

- TCVN 4119 - 85 Địa chất thủy văn - Thuật ngữ, định nghĩa.

- TCVN 2683 - 91 Đất cho xây dựng, lấy mẫu, bao gói vận chuyển và bảo quản mẫu.

- TCXDVN 301 - 2003 Đất xây dựng, Phương pháp phóng xạ xác định độ ẩm và độ chặt của đất tại hiện trường.

- TCVN 4195 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định khối lượng riêng trong phòng thí nghiệm.  

- TCVN 4196 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định độ ẩm và độ hút ẩm trong phòng thí nghiệm.

- TCVN 4197 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định giới hạn dẻo và giới hạn chảy trong phòng thí nghiệm.

- TCVN 4198 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định thành phần hạt trong phòng thí nghiệm.

- TCVN 4199 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định sức chống cắt trên máy cắt phẳng trong phòng thí nghiệm.

- TCVN 4200 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định tính nén lún trong điều kiện không nở hông trong phòng thí nghiệm.

- TCVN 4201 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định độ chặt tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm.

- TCVN 4202 - 1995 Đất xây dựng, phương pháp xác định khối lượng thể tích trong phòng thí nghiệm.

- TCXD 226 - 1999 Đất xây dựng, phương pháp thí nghiệm hiện trường thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 98/HD-SXD ngày 19/03/2007 quản lý chất lượng khảo sát xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


28.271

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.237.140
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!