BỘ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/2016/TT-BXD
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 03 năm 2016
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ CẮM MỐC GIỚI VÀ QUẢN LÝ MỐC GIỚI THEO QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng
số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch
đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP
ngày 25/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP
ngày 06/5/2014 của Chính phủ quy định chi Tiết một số nội dung về quy hoạch xây
dựng;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP
ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch
đô thị;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến
trúc;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định
về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo
quy hoạch xây dựng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi Điều chỉnh: Thông tư này quy định về lập,
thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng bao gồm: quy hoạch
đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù và quy hoạch nông thôn; triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa và quản lý mốc giới.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan tổ chức, cá nhân
có hoạt động liên quan đến công tác cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy
hoạch xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Các loại mốc giới
1. Các mốc giới cắm ngoài thực địa gồm: mốc tim đường,
mốc chỉ giới đường đỏ, mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng theo hồ sơ cắm mốc giới
đã được phê duyệt.
2. Mốc tim đường là mốc xác định tọa độ và cao độ vị
trí các giao Điểm và các Điểm chuyển hướng của tim đường, có ký hiệu TĐ
3. Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh
giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành
cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, có ký hiệu CGĐ.
4. Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng là mốc xác định
đường ranh giới khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn
hóa và các khu vực cần bảo vệ khác, có ký
hiệu RG.
5. Trong trường hợp mốc giới cần cắm nằm bên trong
công trình hiện trạng, gây ảnh hưởng đến công trình hiện trạng thì xác định mốc
tham chiếu để thay thế mốc giới cần cắm, có ký hiệu MTC.
Điều 3. Nguyên tắc chung về lập,
thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa
1. Đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu,
công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa được thực hiện ngay sau khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện ban hành kế hoạch cắm mốc giới.
2. Đối với quy hoạch chi Tiết, công tác lập, thẩm định,
phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa
được thực hiện sau khi đồ án Quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo
di tích lịch sử, văn hóa và các khu cần bảo vệ khác đã cắm mốc ranh giới theo
quy định chuyên ngành thì không phải thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ
cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng.
4. Đối với các tuyến đường giao thông xác định giữ
nguyên quy mô hoặc phạm vi chiếm dụng theo hiện trạng trong quy hoạch xây dựng
đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; các tuyến đường nội bộ phục vụ trong
các khu vực đã được giao cho một đơn vị quản lý và sử dụng hợp pháp, ổn định và
phù hợp với quy hoạch thì không phải thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ
cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng.
5. Trên cơ sở yêu cầu quản lý và hệ thống cơ sở dữ
liệu về quy hoạch xây dựng tại địa phương, Ủy
ban nhân dân các cấp quyết định về tỷ lệ bản đồ lập hồ sơ cắm mốc giới đối
với hồ sơ cắm mốc giới thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 tại Thông tư này.
Điều 4. Lập kế hoạch cắm mốc giới
1. Đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô
thị, khu chức năng đặc thù, căn cứ vào đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp tỉnh,
huyện có trách nhiệm lập Kế hoạch cắm mốc giới, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành, làm cơ sở để các đơn vị liên
quan triển khai thực hiện cắm mốc giới theo các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch
phân khu đô thị, khu chức năng đặc thù được duyệt.
2. Đối với
quy hoạch chung xây dựng xã, căn cứ vào đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban
nhân dân xã có trách nhiệm lập Kế hoạch cắm mốc giới, trình Ủy ban nhân dân huyện ban hành, làm cơ sở để
các đơn vị liên quan triển khai thực hiện cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch
chung xây dựng xã được duyệt.
3. Kế hoạch cắm mốc giới phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng,
kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát
triển đô thị, khu chức năng đặc thù và xã nông thôn.
4. Kế hoạch cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung,
quy hoạch phân khu phải xác định rõ các nội dung:
a) Các tuyến đường giao thông, khu vực cấm xây dựng
ưu tiên thực hiện cắm mốc; danh Mục các tuyến đường, khu vực thực hiện cắm mốc
giới.
b) Các khu vực đang hoặc có kế hoạch dự kiến lập đồ
án quy hoạch chi Tiết trong giai đoạn ngắn hạn.
c) Các khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo vệ khác đang hoặc có
kế hoạch dự kiến cắm mốc bảo vệ theo quy định của pháp luật.
d) Tiến độ, thời gian, cơ quan tổ chức lập, thẩm định
và phê duyệt hồ sơ cắm mốc; kinh phí lập hồ sơ và triển khai cắm mốc giới ngoài
thực địa.
Điều 5. Yêu cầu về hồ sơ cắm mốc
giới và quy định bản đồ phục vụ lập hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng
1. Hồ sơ cắm mốc giới phải tuân thủ đồ án quy hoạch
xây dựng đã được phê duyệt.
2. Hồ sơ cắm mốc giới phải được lập trên bản đồ địa
hình dạng số do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
3. Ranh giới đo đạc và tỷ lệ bản đồ lập hồ sơ cắm mốc
phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực lập hồ sơ cắm mốc giới:
a) Đối với khu vực nội thành, nội thị, hồ sơ cắm mốc
giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi Tiết được lập
trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500.
b) Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị, hồ sơ cắm
mốc giới đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi Tiết được lập
trên bản đồ tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000 hoặc 1/500.
Điều 6. Khoảng cách các mốc giới
cắm ngoài thực địa
Khoảng cách giữa các mốc giới từ 30 mét trở lên tùy thuộc vào địa hình địa mạo khu vực cắm mốc
và phải đảm bảo yêu cầu quản lý về ranh giới và cao độ. Trường hợp Khoảng cách
giữa các mốc giới nhỏ hơn 30 mét thì phải giải trình trong thuyết minh của hồ
sơ cắm mốc giới.
Điều 7. Kinh phí cho công tác lập
hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng và triển khai cắm mốc giới ngoài thực
địa
1. Kinh phí từ ngân sách nhà nước được sử dụng để lập
hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, bổ sung và khôi
phục mốc giới đối với các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch
chi Tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh
doanh.
2. Kinh phí của các tổ chức, cá nhân được sử dụng để
lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa trong khu vực
dự án đối với các đồ án quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo
hình thức kinh doanh.
Điều 8. Điều kiện, năng lực của
tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới
ngoài thực địa
Tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập hồ sơ cắm mốc
giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch
đô thị phải có đủ Điều kiện, năng lực về hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định
của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH,
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ, HỒ SƠ CẮM MỐC GIỚI VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CẮM MỐC GIỚI NGOÀI
THỰC ĐỊA
Điều 9. Trách nhiệm tổ chức lập,
phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài
thực địa
1. Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ,
hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới các đồ án quy hoạch đô thị,
quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng
Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
2. Ủy ban
nhân dân thành phố thuộc tỉnh và thị xã tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ
cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới các đồ án quy hoạch quy hoạch
đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù trong địa giới hành chính do
mình quản lý, trừ trường hợp quy định tại
Khoản 1 Điều này.
3. Ủy ban
nhân dân quận tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức
triển khai cắm mốc giới các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi Tiết trong
phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý,
trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Ủy ban
nhân dân huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, phê duyệt
nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới các đồ án quy
hoạch chung, quy hoạch chi Tiết thị trấn thuộc huyện; quy hoạch phân khu, quy
hoạch chi Tiết khu chức năng đặc thù trong phạm vi địa giới hành chính do mình
quản lý, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
5. Ủy ban
nhân dân xã tổ chức lập nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm
mốc giới đồ án quy hoạch chung xây dựng xã do mình quản lý, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
6. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc
dự án đầu tư xây dựng công trình theo
hình thức kinh doanh tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và phối hợp với Ủy
ban nhân dân các cấp tổ chức triển khai cắm mốc giới đồ án quy hoạch chi
Tiết trong khu vực dự án. Hồ sơ cắm mốc
giới trước khi phê duyệt phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định đồ án quy hoạch
chi Tiết chấp thuận để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch chi Tiết được duyệt
và phù hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật
ngoài hàng rào.
Điều 10. Cơ quan thẩm định nhiệm
vụ và hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng được duyệt
Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân các cấp thẩm định nhiệm vụ và hồ
sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc
thù, quy hoạch xây dựng nông thôn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Điều 11. Quy định về cắm mốc
giới đối với đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức
năng đặc thù và quy hoạch chung xây dựng xã.
1. Đối với thành phố trực thuộc trung ương, các mốc
giới cắm ngoài thực địa bao gồm:
a) Mốc tim đường các đường phố chính đô thị dự kiến
xây dựng mới hoặc cải tạo trong thành phố;
b) Mốc chỉ giới đường đỏ các đường phố chính đô thị
dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong thành phố;
c) Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng;
khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa
và các khu vực cần bảo vệ khác.
2. Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn,
đô thị mới và khu chức năng đặc thù, các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:
a) Mốc tim đường các đường phố chính và đường khu vực
dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong đô thị, khu chức năng đặc thù;
b) Mốc chỉ giới đường đỏ các đường phố chính và đường
khu vực dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong đô thị, khu chức năng đặc thù;
c) Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng;
khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa
và các khu vực cần bảo vệ khác.
3. Đối với xã, các mốc giới cắm ngoài thực địa bao
gồm:
a) Mốc tim đường các trục đường chính trong xã, đường
liên thôn, đường trục chính thôn và đường chính nội đồng dự kiến xây dựng mới
hoặc cải tạo trong xã;
b) Mốc chỉ giới đường đỏ các trục đường chính trong
xã, đường liên thôn, đường trục chính thôn và đường chính nội đồng gắn với công
trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong xã;
c) Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng;
khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa
và các khu vực cần bảo vệ khác.
Điều 12. Quy định về cắm mốc
giới đối với đồ án quy hoạch phân khu
Các mốc giới cắm ngoài thực địa đối với đồ án quy
hoạch phân khu bao gồm:
1. Mốc tim đường các tuyến đường dự kiến xây dựng mới
hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
2. Mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến đường dự kiến
xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
3. Mốc giới xác định ranh giới khu vực cấm xây dựng,
bao gồm các mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực
quy hoạch.
Điều 13. Quy định về cắm mốc
giới đối với đồ án quy hoạch chi Tiết
Các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:
1. Mốc tim đường các tuyến đường, tuyến ngõ dự kiến
xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
2. Mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến đường, tuyến ngõ
dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch. Trên thân mốc chỉ giới
đường đỏ phải thể hiện rõ các thông số quy định về chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng;
3. Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng, bao gồm các
mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo di tích
lịch sử, văn hóa và khu vực cần bảo vệ
khác trong khu vực quy hoạch.
Điều 14. Hồ sơ nhiệm vụ cắm mốc
giới theo quy hoạch xây dựng
Hồ sơ nhiệm vụ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng
bao gồm:
1. Thuyết minh nhiệm vụ cắm mốc giới:
a) Xác định yêu cầu cắm mốc giới theo quy hoạch xây
dựng;
b) Xác định khối lượng công việc cần thực hiện;
c) Xác định kinh phí thực hiện việc lập hồ sơ cắm mốc
giới;
d) Tổ chức thực hiện và dự kiến thời gian lập hồ sơ
cắm mốc giới.
2. Thành phần bản vẽ:
Sơ đồ vị trí và giới hạn phạm vi cắm mốc giới trích
từ đồ án quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo tỷ lệ
thích hợp.
3. Các văn bản pháp lý có liên quan
4. Tờ trình và dự thảo quyết định phê duyệt nhiệm vụ
hồ sơ cắm mốc giới
5. Hồ sơ pháp nhân và hồ sơ năng lực của tổ chức tư
vấn lập nhiệm vụ cắm mốc giới.
Điều 15. Hồ sơ cắm mốc giới
theo quy hoạch xây dựng
Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng bao gồm:
1. Thuyết minh hồ sơ cắm mốc giới:
a) Căn cứ lập hồ sơ cắm mốc giới;
b) Đánh giá hiện trạng khu vực cắm mốc giới;
c) Nội dung cắm mốc giới bao gồm: Các loại mốc giới
cần cắm; số lượng mốc giới cần cắm; phương án định vị mốc giới; Khoảng cách các
mốc giới; các mốc tham chiếu (nếu có).
d) Khái toán kinh phí triển khai cắm mốc;
e) Tổ chức thực hiện.
2. Thành phần bản vẽ:
a) Sơ đồ vị trí và giới hạn phạm vi cắm mốc giới trích
từ đồ án quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo tỷ lệ
thích hợp.
b) Bản vẽ cắm mốc giới phải thể hiện vị trí, tọa độ,
cao độ của các mốc giới cần cắm, trên nền bản đồ địa hình và tỷ lệ được quy định
tại Điều 5 của Thông tư này.
3. Các văn bản pháp lý có liên quan.
4. Tờ trình và dự thảo quyết định phê duyệt hồ sơ cắm
mốc giới
5. Hồ sơ pháp nhân và hồ sơ năng lực của tổ chức tư
vấn lập hồ sơ cắm mốc giới.
6. Đĩa CD lưu giữ toàn bộ thuyết minh và bản vẽ.
Điều 16. Quy định về lập Điều chỉnh
nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới
1. Sau khi đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, việc lập, thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh nhiệm
vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa được
thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10, 11,
12, 13, 14, 15 của Thông tư này.
2. Trên cơ sở nội dung đồ án Điều chỉnh quy hoạch,
kế hoạch thực hiện quy hoạch, cơ quan tổ chức lập Điều chỉnh nhiệm vụ, hồ sơ cắm
mốc giới phải rà soát, làm rõ các yêu cầu và nội dung cần Điều chỉnh, bổ sung
trong nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc giới.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN CẮM
MỐC GIỚI, NGHIỆM THU VÀ BÀN GIAO MỐC GIỚI NGOÀI THỰC ĐỊA
Điều 17. Thực hiện cắm mốc giới
ngoài thực địa
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ cắm
mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa được quy định tại Điều 9 của Thông tư này được thuê tổ chức tư vấn, cá nhân có đủ
Điều kiện năng lực theo quy định tham gia thực hiện.
2. Cơ quan tổ chức triển khai cắm mốc giới có trách
nhiệm bổ sung các mốc giới tham chiếu phát sinh trong quá trình triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa vào hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt.
Điều 18. Trách nhiệm phối hợp
cắm mốc giới ngoài thực địa
1. Kế hoạch thực hiện, bản vẽ cắm mốc giới phải được
cơ quan, đơn vị triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa gửi đến UBND cấp xã có liên quan trước khi triển khai
thực hiện các công tác khảo sát, đo đạc, triển khai mốc giới ngoài thực địa.
2. Ủy ban
nhân dân cấp xã căn cứ vào kế hoạch khảo sát, đo đạc, triển khai cắm mốc giới
ngoài thực địa, có trách nhiệm phối hợp với đơn vị thực hiện cắm mốc giới.
Điều 19. Nghiệm thu, bàn giao
mốc giới ngoài thực địa
Sau khi hoàn thành cắm mốc ngoài thực địa theo hồ
sơ cắm mốc giới và hoàn công hồ sơ cắm mốc giới theo thực tế triển khai ngoài
thực địa, cơ quan có trách nhiệm tổ chức triển khai cắm mốc giới tổ chức nghiệm
thu và bàn giao cho chính quyền cấp xã có liên quan để tổ chức bảo vệ cột mốc.
Điều 20. Quy định về cột mốc
1. Cột mốc bao gồm phần móng chôn mốc, đế mốc và
thân mốc, được sản xuất bằng bê tông cốt thép mác 200, đảm bảo độ bền vững, dễ
nhận biết.
2. Đế mốc có kích thước 40x40x50 cm.
3. Thân mốc có chiều dài 90 cm. Mặt cắt ngang các loại thân mốc được quy định như sau:
a) Mốc tim đường có mặt cắt ngang hình tròn, đường kính
15 cm;
b) Mốc chỉ giới đường đỏ có mặt cắt ngang hình
vuông, chiều dài cạnh 15 cm;
c) Mốc ranh giới các khu vực có mặt cắt ngang hình
tam giác đều, chiều dài cạnh 15 cm;
d) Mốc tham chiếu có mặt cắt ngang giống mặt cắt
ngang của mốc giới cần cắm; trên mốc tham chiếu thể hiện đầy đủ các thông số để
dẫn chiếu đến mốc giới cần cắm.
4. Mặt mốc được gắn tim sứ hoặc tim sắt có khắc
chìm ký hiệu và số hiệu mốc.
5. Độ sâu phần móng chôn mốc tối thiểu là 100 cm.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ MỐC
GIỚI, LƯU GIỮ HỒ SƠ VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ MỐC GIỚI
Điều 21. Trách nhiệm quản lý
và bảo vệ mốc giới
1. Ủy ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm quản lý các mốc giới quy hoạch nằm
trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Hàng năm tổ chức kiểm tra, bổ
sung, khôi phục các mốc giới bị mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc giới được
phê duyệt.
2. Ủy ban
nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo vệ mốc giới ngoài thực địa, tổ chức tuyên
truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, quản lý mốc giới tại địa phương; trường
hợp mốc giới bị xê dịch, hư hỏng phải kịp thời báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp các trường hợp
thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản về cơ quan quản lý chuyên ngành để có kế hoạch
khôi phục lại.
Điều 22. Lưu giữ hồ sơ cắm mốc
giới theo quy hoạch
1. Cơ quan quản lý quy hoạch, cơ quan quản lý đất
đai các cấp có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ cắm mốc giới thuộc thẩm quyền phê duyệt
của UBND cùng cấp và cung cấp tài liệu, số
liệu liên quan tới mốc giới cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo
quy định của pháp luật.
2. Các cơ quan, đơn vị tổ chức lập nhiệm vụ, hồ sơ
cắm mốc và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa giới có trách nhiệm
bàn giao hồ sơ cắm mốc giới được duyệt cho cơ quan quản lý quy hoạch, cơ quan
quản lý đất đai các cấp có liên quan để lưu giữ, phối hợp quản lý, triển khai cắm
mốc ngoài thực địa, phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý theo quy
hoạch xây dựng. Hồ sơ gồm: Quyết định phê duyệt kèm theo thuyết minh; các bản vẽ
đã ký, đóng dấu phê duyệt, tệp tin lưu giữ toàn bộ thuyết minh, bản vẽ và biên
bản nghiệm thu, bàn giao mốc giới ngoài thực địa.
3. Ủy ban
nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sao lục hồ sơ cắm mốc giới, bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan để quản lý
mốc giới trên thực địa.
4. Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng là
tài liệu để chính quyền các cấp sử dụng trong công tác công khai quy hoạch, quản
lý quy hoạch; triển khai dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, giao (thuê) đất theo quy định.
Điều 23. Cung cấp thông tin về
hồ sơ cắm mốc giới cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
1. Các cơ quan được giao quản lý và lưu giữ hồ sơ cắm
mốc giới có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận và cung cấp hồ sơ cắm mốc giới
đã được phê duyệt theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan cung cấp thông tin về mốc giới có thể
cung cấp dưới các hình thức: trả lời bằng văn bản; cung cấp bản sao bản vẽ hồ
sơ cắm mốc giới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Điều Khoản chuyển tiếp
Các hồ sơ cắm mốc giới đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt nhưng chưa tổ chức triển khai thực hiện; các nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc
giới đã lập, thẩm định nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời
Điểm Thông tư này có hiệu lực thì việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, hồ
sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc ngoài thực địa thực hiện theo Thông
tư số 15/2010/TT-BXD ngày 27 tháng 8 năm 2010
của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô
thị.
Điều 25. Tổ chức thực hiện
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên
quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới, triển khai cắm
mốc giới và quản lý mốc giới ngoài thực địa có trách nhiệm thực hiện các quy định
của Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị
phản ánh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/4/2016 và thay
thế Thông tư số 15/2010/TT-BXD ngày
27/8/2010 của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy
hoạch đô thị./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các PTTg CP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư
pháp;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Website Chính phủ; Website Bộ Xây dựng;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ QHKT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đình Toàn
|