CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị
74/CP ngày 18 tháng 3 năm 1998 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ
tướng Chính phủ), dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở 3 tỉnh
Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và các Bộ ngành có liên quan, đóng góp của các
nhà khoa học, việc hưởng ứng của nhân dân; chương trình khai thác và phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Đồng Tháp Mười đã đạt được những kết quả to
lớn, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, tạo
sự biến đổi sâu sắc cho cả vùng Đồng Tháp Mười.
Từ một vùng có điều kiện tự
nhiên khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, sản xuất tự cấp tự túc, lệ thuộc vào tự
nhiên, Đồng Tháp Mười đã trở thành một vùng sản xuất lúa hàng hoá quan trọng,
cơ cấu sản xuất nông nghiệp được hình thành, dân cư bước đầu được phân bổ và bố
trí lại, đời sống văn hoá, xã hội của nhân dân ngày được cải thiện, cơ sở hạ
tầng kỹ thuật như giao thông, thuỷ lợi có bước phát triển.
Tuy nhiên, chương trình khai
thác và phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười cũng đã bộc lộ một số
tồn tại: chưa có một chiến lược khai thác và phát trển tài nguyên một cách toàn
diện, đồng bộ và hợp lý để đảm bảo hệ sinh thái bền vững và ổn định; diện tích
rừng bị suy giảm và thu hẹp nhanh, các nguồn lợi thuỷ sản bị giảm sút; sản xuất
chủ yếu còn độc canh cây lúa; cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém; quy hoạch
phát triển giao thông, thuỷ lợi và xây dựng các khu dân cư, đô thị, cơ sở hạ
tầng văn hoá - xã hội còn thiếu gắn kết, đồng bộ.
Để tiếp tục khai thác và phát
triển toàn diện và bền vững Đồng Tháp Mười để vùng này trở thành một vùng kinh
tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hoá, một vùng nông thôn mới điển
hình của đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Tiếp tục triển khai chương
trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười thời gian tới với
phương châm: phát triển và nâng cao hơn nữa về chất lượng những kết quả đã đạt
được trong mười năm qua, có giải pháp toàn diện, đồng bộ khai thác và phát
triển Đồng Tháp Mười thành vùng kinh tế nông nghiệp đa dạng, cơ khí hoá; kết
hợp chặt chẽ giữa kinh tế - văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh.
2. Bộ Nông nghiệp và phát triển
Nông thôn chủ trì phối hợp cùng các Bộ ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các
tỉnh hoàn thành trong năm 1997 quy hoạch, kế hoạch cụ thể về thoát lũ, giữ ngọt
cho toàn vùng và của từng tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Việc khai thác và phát triển
kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười phải gắn liền với việc tạo lập hệ sinh thái
mới, ổn định và bền vững, phát huy các lợi thế của vùng, sớm hình thành cơ cấu
nông nghiệp đa dạng, bên cạnh cây lương thực, cần phát triển cây ăn trái, cây
công nghiệp, và chăn nuôi gia cầm ở quy mô công nghiệp; gắn liền với việc bảo
vệ, tạo lập hệ sinh thái cân bằng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản:
- Về sản xuất nông nghiệp: Đẩy
mạnh việc đầu tư thâm canh, tăng vụ, nâng cao hiệu quả diện tích đã được khai
thác trồng lúa, chú trọng giống lúa đặc sản, giống lúa có chất lượng cao cho
xuất khẩu, từng bước đa dạng hoá cây trồng, nhất là cây ăn quả, cây công nghiệp
có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng.
- Về phát triển lâm nghiệp:
Trước hết phải giữ cho được diện tích rừng phù hợp với từng tỉnh, khôi phục và
bảo tồn vùng rừng Tràm chim, trồng thêm rừng mới trên đất trống, coi trọng việc
trồng rừng phan tán, trồng cây chắn gió, chắn sóng dọc các trục kênh và lộ giao
thông, khu dân cư hộ gia đình bảo đảm cân bằng hệ sinh thái của vùng.
- Về thuỷ sản: Cần phải bảo vệ
và phát triển nguồn thuỷ sản, mở rộng và phát triển các mô hình nuôi cá kết hợp
với trồng rừng các đìa, bàu, khuyến khích việc xây dựng tổ hợp vườn - ao trong
các khu dân cư kết hợp việc làm mới các hồ chứa nước ngọt vừa để điều hoà thuỷ
lợi, vừa để phát triển các nguồn lợi thuỷ sản.
4. Trong khi chờ duyệt phương án
kiểm soát lũ, thoát lũ Đồng Tháp Mười, trước mắt cần khẩn trương làm tốt các
công trình cấp bách về thuỷ lợi, giao thông, xây dựng tuyến dân cư và cụm dân
cư như Quyết định 159/TTg và Quyết định 99/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây
dựng phối hợp chặt ché với nhau trong việc lập kế hoạch xây dựng cơ bản năm
1998 và từ năm 1998 đến năm 2000 về thuỷ lợi, giao thông, xây dựng cụm dân cư
bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và gắn kết với nhau ngay từ khâu khảo sát, xây
dựng, duyệt dự án và thi công công trình, tránh lãng phí vốn đầu tư.
- Giao Hội đồng thẩm định các
công trình cấp bách đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thẩm định từng công trình
cụ thể để kịp chuẩn bị triển khai ngay sau mùa lũ lụt năm 1997 và trong năm
1998.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn chủ trì phối hợp với cùng các Bộ ngành có liên quan và Uỷ ban nhân
dân các tỉnh Đồng Tháp Mười:
- Xây dựng quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2000 và 2010.
- Nghiên cứu xây dựng các hồ
chứa nước để vừa hạn chế lũ và giải quyết nước cho mùa khô, đồng thời là hồ sinh
thái, giữ gìn môi trường, phát triển thêm nguồn lợi thuỷ sản; giải quyết đủ
nguồn nước sạch cho nhân dân trong vùng.
- Chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể
đưa nhanh cơ khí vào các khâu reo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến trong
sản xuất lúa.
- Khuyến khích các doanh nghiệp,
các hộ nông dân đầu tư sản xuất và sử dụng các loại máy cắt lúa, gặt đập liên
hợp, áp dụng các hình thức như sấy cải tiến, thủ công để giảm chi phí lao động.
Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam sớm có kế hoạch tín dụng trung hạn, dài hạn để cho
các cơ sở trong nước vay vốn để sản xuất và cho hộ nông dân vay vốn để mua máy
chế tạo, cải tiến trong nước.
- Xây dựng đề án tổ chức sắp xếp
lại hệ thống kinh doanh lương thực gắn với việc cung ứng vật tư, phân bón, tổ
chức khuyến nông nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các loại doanh nghiệp Nhà
nước, sử dụng có hiệu quả các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham
gia làm đại lý mua lúa, xay sát và cung ứng vật tư phân bón để trình thủ tướng
Chính phủ trong tháng 9 năm 1997. Chú ý các hình thức Hợp tác xã kiểu mới thành
lập trên cơ sở tham gia, góp vốn tự nguyện của nông dân và của các thành phần
kinh tế trên địa bàn để làm dịch vụ nông nghiệp, vật tư đầu vào và giải quyết
đầu ra cho các thành viên Hợp tác xã.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối
hợp cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực
phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp hoá nông thôn đến năm 2010
của vùng. Trước mắt có chính sách cụ thể về thời gian học và nghỉ hè phù hợp
cho học sinh vùng ngập lũ; chính sách thu hút, sử dụng học sinh vào học đại học
và học nghề các ngành nông - lâm - thuỷ sản; xây dựng thử nghiệm trường nội trú
cho con em ở vùng sâu vùng xa để có điều kiện được học tập.
7. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh cần phải triển khai ngay việc điều tra, đánh gia lại toàn bộ quỹ đất hiện
có và sử dụng đất của địa phương, nhất là quỹ đất tăng thêm do khai hoang, phục
hoá trong 10 năm qua; thống kê, phân loại số hộ nông dân không có đất ở, thiếu
đất sản xuất và những hộ gia đình có từ 1 ha đất canh tác trở lên. Tổng cục Địa
chính có hướng dẫn về chuyên môn để việc thống kê được thực hiện nhanh, chính
xác và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ
quan hữu quan xây dựng phương án điều chỉnh cần thiết để đảm bảo tất cả các hộ
nông dân ở Đồng Tháp Mười và vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có đất ở, đất
vườn, đất canh tác trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 1997.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thuộc
vùng Đồng Tháp Mười có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.