HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 41-HĐBT
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 5 năm 1983
|
CHỈ THỊ
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA CÁC TỈNH THUỘC
VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Vừa qua, Thường vụ Hội đồng Bộ
trưởng đã tổ chức hội nghị các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung (Thanh Hoá,
Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải)
để trao đổi kinh nghiệm về các mặt xác định cơ cấu kinh tế, tổ chức và quản lý
sản xuất, phân công hợp tác liên kết kinh tế giữa các địa phương nhằm phát huy
các tiềm năng sản xuất, các thế mạnh kinh tế, tạo nên sức bật mới, đưa nền kinh
tế của các tỉnh phát triển đồng đều và mạnh mẽ hơn.
Các tỉnh duyên hải miền trung
chiếm 29,3% về diện tích, 25,2% về dân số so với cả nước, có vị trí rất quan trọng
về chính trị, kinh tế, quốc phòng. Tiềm lực kinh tế rất to lớn và phong phú.
Nhân dân và Đảng bộ có truyền thống đấu tranh kiên cường, lao động cần cù và
sáng tạo. Song, hậu quả của chiến tranh nặng nề, thiên tai liên tiếp, cơ sở vật
chất kỹ thuật quá yếu.
Những năm qua, nhất là mấy năm gần
đây, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV và V của Đảng, các
nghị quyết của ban chấp hành Trung ương Đảng, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thuận Hải
đã có nhiều chuyển biến mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều địa phương đã có tốc độ
phát triển sản xuất khá, nhất là sản xuất lương thực và thực phẩm, chăn nuôi; sản
xuất công nghiệp địa phương có những tiến bộ đáng kể. Đời sống nhân dân, nhất
là nông dân, được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và văn hoá. Công cuộc cải tạo
xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành, các hợp tác xã được củng
cố tương cố tương đối vững chắc, phát huy tác dụng tích cực đến các mặt phát
triển kinh tế, văn hoá và xã hội. Từ chỗ phải dựa vào chi viện của Nhà nước mỗi
năm trên 10 vạn tấn lương thực quy gạo, từ năm 1981 đến nay, các tỉnh chẳng những
đã tự túc được lương thực mà còn cung cấp cho trung ương gần 7 vạn tấn.
Tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng đã thu
được những thành tựu nổi bật nhất về trình độ thâm canh nông nghiệp đạt năng xuất
cây trồng cao trên quy mô diện tích tương đối lớn. Tốc độ phát triển sản xuất
lương thực tăng bình quân hàng năm 16,4%, có hai huyện đạt năng suất trên 10 tấn/ha/
năm liền trong mấy năm gần đây, năm 1982 có hợp tác xã đạt 19-20 tấn/ha/năm
trên quy mô diện tích toàn hợp tác xã. Nông nghiệp phát triển đã tạo cơ sở đẩy
mạnh sản xuất công nghiệp và tăng nhanh xuất khẩu. Đây là bài học lớn cho các tỉnh
trong vùng và cho cả nước. Đạt được kết quả trên đây là do Quảng Nam - Đà Nẵng
đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, phát huy được quyền
làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nắm vững đường lối chính sách của Đảng
và Nhà nước, xác định được phương hướng phát triển kinh tế đúng đắn, làm tốt
công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tích cực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật,
làm tốt công tác quản lý kinh tế, xã hội và mạnh dạn ứng dụng các thành tựu
khoa học kỹ thuật mới.
Tuy vậy, sự chuyển biến về kinh tế
- xã hội chưa đều giữa các ngành, các địa phương tiềm năng to lớn chưa được
phát huy mạnh mẽ. Nhìn chung, các tỉnh duyên hải miền Trung vẫn còn là vùng
kinh tế có nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do nhiều nơi chưa quán triệt đầy
đủ các chủ trương chính sách kinh tế Nhà nước, chưa nằm vững thế mạnh kinh tế của
địa phương mình, chưa biết tổ chức sự hợp tác và liên kết trong từng địa phương
cũng như giữa địa phương và ngành để tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Về phía trung ương, Thường vụ Hội
đồng Bộ trưởng, các Bộ, các ngành chưa thấy hết đặc điểm tự nhiên và kinh tế của
vùng này để có sự đầu tư đúng mức và các chủ trương, chính sách phù hợp.
Căn cứ vào đường lối, mục tiêu
chung về kinh tế - xã hội do Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ V đề ra, những
tiềm năng phát triển phong phú về các mặt tài nguyên, lao động và những kinh
nghiệm quý tích luỹ được trong thời gian vừa qua, các tỉnh duyên hải miền Trung
phải phấn đấu đưa nền kinh tế phát triển toàn diện với tốc độ nhanh và vững chắc,
nhằm cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ
nghĩa xã hội, góp phần phát triển kinh tế chung cả nước, củng cố quốc phòng và
an ninh, làm tốt nhiệm vụ quốc tế với Lào và Cam-pu-chia.
1. Nông nghiệp:
a) Đẩy mạnh sản xuất lương thực
và thực phẩm, nhằm mục tiêu của giải quyết vững chắc vấn đề ăn, có dự trữ đề
phòng thiên tai và tăng mức đóng góp cho Nhà nước, tạo cơ sở vật chất khai thác
các tiềm năng kinh tế phong phú ở vùng đồi núi và Tây Nguyên.
Phương hướng cơ bản phát triển sản
xuất lương thực (lúa và màu) là đẩy mạnh thâm canh tăng năng xuất cây trồng và
tăng vụ. Tập trung khả năng vốn và vật tư kỹ thuật xây dựng các vùng, các cánh
đồng cao sản, đạt năng xuất cao. Cần tổng kết các điển hình sản xuất tiên tiến,
phố biến kinh nghiệm để nâng dần độ đồng đều trong từng vùng.
Mục tiêu phấn đấu năm 1985, bảy
tỉnh duyên hải miền Trung phải đạt khoảng từ 4,1 triệu tấn đến 4,2 triệu tấn
(1983 từ 3,5 triệu tấn đến 3,7 triệu tấn), đưa mức lương thực bình quân đầu người
lên từ 310 đến 320 ki lô gam/ năm.
Để đạt mục tiêu trên, các tỉnh
phải có chương trình phấn đấu đồng bộ về các mặt kỹ thuật và kinh tế.
Về thuỷ lợi phát động phong trào
quần chúng xây dựng đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông nhằm khai thác đến
mức cao nhất những công trình đã có như Bái Thượng, Đô lương, Kẻ Gỗ, Nam Thạch
Hãn, Phú Ninh, Đồng Cam. Sớm đưa vào sử dụng các công trình đang thi công như
Núi Một, sông Một, sông Vệ, Đá Bàn, Liệt Sơn. Đi đôi với việc tiếp tục khảo
sát, thiết kế một số công trình lớn như Thạch Nham, Sông Páo, Sông Rác, hết sức
coi trọng xây dựng các hồ đập vừa và nhỏ, kết hợp ba mặt thuỷ lợi, thuỷ điện,
thuỷ sản theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Những vùng còn có nhiều
khó khăn về thuỷ lợi cần chú ý nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ.
Công tác thuỷ lợi phải kết hợp với
việc trồng rừng, bảo vệ rừng, phủ xanh đồi trọc, giữ ẩm và tạo nguồn nước.
Về giống sắp xếp cơ cấu giống
theo mùa vụ thích hợp cho từng vùng nhỏ. Phổ biến nhanh các loại giống có năng
suất cao, xác định mật độ gieo cấy thích hợp. Củng cố các cơ sở sản xuất gốc,
các đội, tổ sản xuất giống ở hợp tác xã. Có chính sách khuyến khích mạnh lao động
sản xuất giống, công lao động sản xuất giống tốt có thể cao gấp rưỡi công trồng
trọt, trong hợp tác xã.
Về phân bón: Đặc biệt coi trọng
việc tăng nguồn phân bón là chủ yếu quyết định nhất đến năng suất trồng trọt.
Trước hết, phải đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ, nhất là phân chuồng, phân bắc,
phân xanh, tận dụng mọi nguồn phân khoáng như xác mắm, vôi... để bồi dưỡng, cải
tạo đất, tạo cơ sở thâm canh vững chắc. Điều chỉnh lại chính sách mua phân ở hợp
tác xã nhằm khuyến khích mạnh việc sản xuất phân như nâng giá mua phân (kinh
nghiệm ở nhiều điển hình thâm canh giỏi, giá mua phân thích hợp lý là từ 40 đến
50kg thóc/tấn phân chuồng tốt) và trả giá mua phân bằng thóc, không trả bằng
công lao động. Đồng thời, các địa phương cần có kế hoạch xuất khẩu cụ thể, nhập
thêm phân vô cơ bổ sung cho nguồn cung ứng còn hạn chế của trung ương.
Đẩy mạnh việc ứng dụng những tiến
bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy cao độ khả năng của đội ngũ cán bộ
khoa học kỹ thuật và công nhân trong ngành nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp cũng
như trong các viện nghiên cứu, các trường đại học nông nghiệp, thuỷ sản..., các
trạm, trại thí nghiệm, trên cơ sở hợp đồng kinh tế, có sự khuyến khích thích
đáng bằng lợi ích vật chất.
b) Sản xuất cây công nghiệp.
Trên cơ sở sản xuất lương thực
phát triển vững chắc, cần phát huy các thế mạnh về phát triển cây công nghiệp
ngắn ngày và dài ngày thích hợp với các vùng. Xây dựng các vùng chuyên canh từng
loại cây và có phương án kinh tế kỹ thuật cụ thể để lợi dụng ưu thế của tự
nhiên và phát huy hiệu quả kinh tế cao. Cần chú trọng phát triển nhanh các loại
cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, thầu dầu, mía, thuốc lá, dâu tằm, bông, cói
và rau quả như ớt, tỏi, dứa, chuối..., Đồng thời, từng bước mở rộng diện tích dừa,
đào lộn hột, cọ dầu, chè cà -phê, cao-su, quế...
c) Chăn nuôi.
Chăn nuôi cũng là một thế mạnh
kinh tế. Cần phát triển mạnh đàn lợn về số lượng và trọng lượng, trên cơ sở đẩy
mạnh sản xuất màu. Phát triển mạnh đàn trâu bò, kể cả trâu bò thịt, cày kéo và
trâu bò sữa. Chú ý phát triển đàn gia cầm, nhất là vịt thời vụ.
Cần có chính sách khuyến khích mạnh
phát triển chăn nuôi như chính sách mua phân với giá cao, xây dựng chế độ bảo
hiểm chăn nuôi (bảo hiểm về thú y), phố biến nhanh các giống lai tạo và chọn lọc,
thay thế các giống địa phương có trọng lượng thấp, tốc độ tăng trọng kém.
2. Nghề rừng:
Cần đặc biệt coi trọng công tác
lâm nghiệp, coi việc trồng rừng cũng có ý nghĩa kinh tế quan trọng như trồng
cây công nghiệp. Đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, nhằm phủ xanh hết đất
trống đồi trọc, trồng rừng phòng hộ, chống cát bay ở vùng ven biển. Phổ biến
kinh nghiệm trồng cây nguyên liệu để phát triển ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ
như trúc, sặt...
Biện pháp quan trọng nhất là triệt
để thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho các hợp tác xã và nhân dân trồng
và chăm sóc, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc ở miền núi; có chính sách khuyến
khích mạnh mẽ để tạo cơ sở định canh định cư, chấm dứt nạn phá rừng. Mặt khác,
thực hiện nghiêm ngặt pháp lệnh bảo vệ rừng.
3. Nghề cá và
muối:
Tổ chức lại việc đánh bắt nuôi
trồng thuỷ sản. Phát huy thế mạnh về đánh cá biển, tăng thêm năng lực phương tiện,
tổ chức đóng thuyền bằng gỗ hay xi măng lưới thép để tự trang bị được nhanh
chóng. Từng bước trang bị các tàu thuyền lớn để đánh cá ngoài khơi và vươn tới
các ngư trường xa, có mật độ cá cao theo những mùa vụ thích hợp. Đồng thời, coi
trọng đúng mức việc nuôi trồng thuỷ sản, nước mặn, nước lợ và nước ngọt; nhất
là việc nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu như
tôm, rau cau, v.v... Chú ý tận dụng các khả năng các hồ đập, các đầm phá của
Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải v.v... vì tiềm năng sản xuất lớn,
hiệu quả kinh tế cao và không phụ thuộc vào vật tư, nhiên liệu nhập khẩu. Tổ chức
tốt việc liên kết kinh tế với các địa phương có ngư trường tốt và giữa sản xuất
với chế biến.
Đẩy mạnh sản xuất muối. Tăng nhanh
sản xuất muối để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cải tiến kỹ thuật
để nâng cao năng suất, đồng thời mở rộng thêm diện tích ở những nơi có điều kiện
thuận lợi như Thuận Hải, Phú Kháng, Quảng Nam- Đã Nẵng, Nghĩa Bình...
4. Công nghiệp:
a) Công nghiệp điện: Điện đang
là một khâu có ý nghĩa then chốt và bức thiết đối với sản xuất công nghiệp và
toàn bộ sự phát triển kinh tế, văn hoá ở các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền
Trung. Phải cố gắng bằng mọi cách để tăng thêm nguồn điện. Trước hết, sử dụng tốt
hơn các cơ sở nhiệt điện hiện có, các địa phương huy động một phần quỹ ngoại tệ
để nhập khẩu thêm dầu cùng với trung ương bổ sung thêm nhiên liệu. Bộ Điện lực
xem xét lại khả năng về thiết bị điê-den điều cho miền Trung sau khi nhà máy
nhiệt điện Phả Lại bắt đầu phát điện. Phương hướng cơ bản là phải hết sức coi
trọng thuỷ điện vì có tiềm năng lớn, trước mắt, đặc biệt coi trọng phát triển
thuỷ điện loại vừa và nhỏ kết hợp với thuỷ lợi. Bộ Điện lực cùng Uỷ ban Kế hoạch
Nhà nước sớm trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng về chủ trương xây dựng nhà máy
nhiệt điện Tiệp Khắc để giải quyết điện cho khu vực miền Trung.
b) Công nghiệp cơ khí: Sắp xếp lại
lực lượng Cơ khí trong từng địa phương, tổ chức sự hợp tác và phân công hợp lý
giữa các lực lượng công nghiệp cơ khí của trung ương, của Quốc phòng và của địa
phương để sử dụng hết công suất hiện có nhằm phục vụ yêu cầu về sửa chữa cơ
khí, chế tạo cơ khí chuyên dùng nhỏ như làm giấy, làm đường, ươm tơ... sản xuất
công cụ thường, công cụ cải tiến. Bổ sung thêm máy móc thiết bị cho ngành cơ
khí của Quảng Nam-Đà Nẵng lớn mạnh, đủ sức làm trung tâm công nghiệp cho cả
vùng duyên hải miền Trung và đáp ứng một phần yêu cầu của các tỉnh Tây Nguyên.
c) Công nghiệp chế biến và sản
xuất hàng tiêu dùng: Để phục vụ đắc lực cho sự phát triển của các ngành sản xuất
cây công nghiệp, cây xuất khẩu, thuỷ sản, lâm nghiệp... Cần hết sức chú trọng
phát triển công nghiệp chế biến. Tổ chức tốt sự liên kết giữa công nghiệp chế
biến với sản xuất nguyên liệu từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản để tạo điều
kiện thúc đẩy sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế. Xem xét lại việc phân giao
cơ sở sản xuất và sự phân cấp quản lý cho thích hợp để đạt hiệu quả kinh tế
cao.
Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng
từ nguyên liệu nông, lâm nghiệp, hải sản của địa phương như đồ gỗ, đường mật,
chiếu cói, mây tre, nước mắm, v.v... nhằm tự túc được phần lớn hàng tiêu dùng
trong địa phương và tạo ra khối lượng sản phẩm ngày càng lớn phục vụ cho xuất
khẩu và trao đổi với các địa phương khác trong nước. Chú ý phát triển mạnh tiểu,
thủ công trong các hợp tác xã nông nghiệp cũng như ở các thị xã, thị trấn để tận
dụng khả năng sản xuất sẵn có.
5. Giao thông vận
tải:
Triển khai thực hiện tốt các quyết
định của Hội đồng bộ trưởng về chấn chỉnh ngành giao thông vận tải. Tập trung
nhiệm vụ vận tải và phương tiện vận tải cho Sở Giao thông vận tải các địa
phương. Củng cố và tăng cường quản lý các hệ thống giao thông đường bộ, đường
thuỷ, đường sắt. Chú ý phát huy thuận lợi về giao thông vận tải đường biển. Có
kế hoạch phát triển mạnh giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, đặc biệt đối
với vùng Trung du miền núi. Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý các công trình
giao thông giữa trung ương, địa phương và phân công hợp tác vận tải theo phương
thức liên vận và đại lý vận tải. Hết sức coi trọng việc duy tu nâng cấp công
trình giao thông hiện có theo các điều kiện nguyên vật liệu của địa phương.
Hoàn thiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành vận tải ở các địa phương. Sử
dụng tốt lực lượng vận tải cơ giới hiện có, đẩy mạnh phát triển phương tiện vận
tải bán cơ giới và thô sơ (phát triển thuyền gỗ, thuyền xi măng lưới thép...).
6. Phân phối
lưu thông: Nhà nước đã ban hành chính sách cụ thể về quản lý thị trường, một số
địa phương đã vận dụng tích cực và sáng tạo, thu được kết quả tốt, cần tổng kết
những kinh nghiệm ấy để phổ biến ra mọi nơi. Trong phân phối, lưu thông, phân
phối đang là khâu yếu. Cần củng cố và phát triển lực lượng thương nghiệp xã hội
chủ nghĩa bao gồm cả mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Quản lý chặt chẽ
kinh doanh của tư thương, tiến hành cải tạo theo chủ trương chính sách của Nhà
nước.
Đặc biệt coi trọng việc nắm
hàng. Đối với nông dân, ngoài thuế nông nghiệp, hình thức quản lý sản phẩm chủ
yếu là hợp đồng kinh tế. Đối với các xí nghiệp công nghiệp và nông trường quốc
doanh, cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ giao nộp sản phẩm.
Thực hiện tốt các chính sách thuế
nông nghiệp, công thương nghiệp để tăng thu cho ngân sách. Đồng thời kiên quyết
giảm chi, khắc phục tình trạng bội chi ngân sách.
Đẩy mạnh cuộc vận động gửi tiền
tiết kiệm. Thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý tiền mặt ở các cơ quan, xí nghiệp,
khắc phục tình trạng bội chi tiền mặt.
Đấu tranh để ổn định giá cả, giữ
vững kỷ luật về giá, các địa phương cần bảo đảm tốt nhiệm vụ quản lý giá.
Trên cơ sở nắm hàng và quản lý
thị trường chặt chẽ, thực hiện tốt chế độ cung cấp các nhu yếu phẩm để ổn định
đời sống cán bộ, công nhân, viên chức.
7. Xuất khẩu:
Ra sức đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm xuất khẩu để tạo khả năng nhập khẩu bổ
sung vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, nhiên liệu... tự cân đối cho yêu cầu phát
triển sản xuất nông nghiệp cũng như công nghiệp. Từng tỉnh, từng huyện phải có
kế hoạch xuất khẩu địa phương.
Tập trung khả năng sản xuất để tạo
ra những mặt hàng chủ lực, có giá trị cao như lạc, ớt, đào lộn hột, thầu dầu,
thuốc lá, cà phê, cao su, quế, tôm, rau câu, v.v... Chú ý bảo đảm chất lượng
hàng hoá.
Cố gắng tổ chức chế biến tốt để
từng bước hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu thô và chất lượng thấp.
Kiện toàn các tổ chức chuyên
trách. Từng huyện có thể lập tổ chức quản lý việc kinh doanh xuất nhập khẩu của
huyện mình. Chấp hành nghiêm túc chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước.
8. Lao động:
Trong từng hợp tác xã, từng nông trường cần mở rộng sự phân công lao động xã hội
để tận dụng mọi khả năng phát triển sản xuất, phân bố lao động hợp lý giữa các
ngành nghề nông nghiệp, rừng, cá, muối, công nghiệp và thủ công nghiệp; trong
nông nghiệp, phân bố hợp lý giữa trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời phải rất
coi trọng việc phân bố lại theo vùng lãnh thổ để phát huy các thế mạnh kinh tế ở
vùng đồi núi, đầm phá và biển. Hình thức thực hiện có hiệu quả nhất hiện nay là
các cơ sở sản xuất phân bố lao động theo phương thức một chốn đôi quê, lập các
cơ sở sản xuất mới... Một mặt, phân bố lao động tại chỗ trong phạm vi từng tỉnh,
mặt khác, mỗi tỉnh cần có kế hoạch tích cực phân bố lao động lên các tỉnh Tây
Nguyên xây dựng những vùng kinh tế mới.
Cùng với việc phân bố lại lao động,
cần tích cực thực hiện chủ trương sinh đẻ có kế hoạch, hạ thấp tỷ lệ tăng dân số
tự nhiên.
9. Quan hệ sản
xuất: Chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng của kinh tế quốc doanh như xí
nghiệp công nghiệp, nông trường, lâm trường quốc doanh để phát huy vai trò chủ
đạo về kinh tế cũng như kỹ thuật. Cần đi sâu cải tiến tổ chức sản xuất, cải tiến
công tác quản lý. Củng cố các cơ sở sản xuất tập thể như hợp tác xã, tập đoàn sản
xuất nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã
tín dụng. Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, tăng cường cán bộ, nhất là cán
bộ khoa học kỹ thuật cho hợp tác xã để phát huy mạnh hơn nữa tính ưu việt của
quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Khuyến khích giúp đỡ và hướng dẫn
phát triển kinh tế gia đình, coi đó là một bộ phận của kinh tế xã hội chủ
nghĩa, có tác dụng bổ sung to lớn cho kinh tế quốc doanh và tập thể.
Tổ chức sự liên kết hợp tác và
phân công giữa các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể, gia đình để phát triển
sản xuất và thu hiệu quả kinh tế cao.
Hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm
trong nông nghiệp và công nghiệp nhằm khuyến khích lao động trong mọi khâu sản
xuất, công tác. Trong các hợp tác xã nông nghiệp, cần chú ý khuyến khích lao động
trong các khâu sản xuất tập thể, lao động quản lý. Khuyến khích phát huy quyền
chủ động trong sản xuất, kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về tài chính của xí
nghiệp.
Cùng với việc củng cố quan hệ sản
xuất và cải tiến công tác quản lý, cần thực hiện mạnh mẽ biện pháp tổ chức sản
xuất mới liên kết kinh tế. Trước hết tiến hành sự liên kết giữa các địa phương
trong tỉnh với nhau như giữa đồng bằng với miền núi hay ven biển, giữa cơ sở
công nghiệp chế biến với các vùng sản xuất nguyên liệu. Đồng thời, có kế hoạch
thực hiện từng bước sự liên kết giữa từng địa phương thuộc vùng duyên hải miền
Trung với Tây Nguyên. Liên kết kinh tế là hình thức hiệp tác và phân công thích
hợp với điều kiện thực tế hiện nay, nhưng cần được thực hiện một cách có kế hoạch
và trong khuôn khổ những chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước. Chú ý thực hiện
tốt sự hợp tác với các tỉnh của Lào và Cam-pu-chia, bảo đảm nghĩa vụ quốc tế.
10. Công tác
xây dựng và tăng cường cấp huyện: Đẩy mạnh việc xây dựng huyện và tăng cường cấp
huyện theo 9 nội dung mà hội nghị lần thứ 3 Trung ương đã đề ra. Căn cứ vào đặc
điểm từng vùng, soát lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng ngành của huyện,
giúp huyện hiểu biết đầy đủ khả năng, thế mạnh của mình mà tự xác định cơ cấu,
phương hướng sản xuất đúng đắn.
Nhanh chóng thực hiện chủ trương
phân cấp quản lý cho huyện, giúp huyện xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, tạo
điều kiện cho huyện phát huy quyền chủ động sáng tạo, tổ chức lại sản xuất,
phân công lại lao động, xây dựng cơ cấu kinh tế nông-công nghiệp hoặc
nông-lâm-công nghiệp, hoặc nông-ngư-công nghiệp. Cùng với việc xây dựng huyện,
phải coi trọng việc củng cố cơ sở. Tăng cường cán bộ cho huyện và cơ sở để tăng
năng lực chỉ đạo và quản lý cho tương xứng với nhiệm vụ mới. Tổng kết các huyện
tiên tiến trong từng vùng để có kinh nghiệm chỉ đạo sát hợp.
11. Bổ sung
chính sách:
Để thúc đẩy phát triển sản xuất,
cần bổ sung một số chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế như các chính
sách đầu tư, tài chính và tín dụng, chính sách đối với kinh tế gia đình, với
quân đội làm kinh tế, chính sách thu mua (giá cả, tỷ lệ trao đổi công nghệ phẩm
và nông sản), liên kết kinh tế, v.v...
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong địa
phương, các tỉnh cần chủ động kiến nghị với trung ương những yêu cầu bổ sung
chính sách mới.
12. Vấn đề cán
bộ:
Trong sự nghiệp phát triển kinh
tế to lớn hiện nay, cán bộ đang là yếu tố có tính chất quyết định. Trước hết, từng
tỉnh cần rà soát lại nhằm sử dụng tốt số cán bộ hiện có, nhất là cán bộ khoa học
kỹ thuật và quản lý, vì lực lượng cán bộ hiện có tương đối đông so với nhiều
vùng khác. Đồng thời, có quy hoạch đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm tăng thêm cán bộ
có năng lực thực hành.
Cải tiến công tác tuyển sinh, lấy
người ở từng ngành, từng địa phương để đào tạo phục vụ cho việc phát triển của
ngành và địa phương.
Bộ đại học và trung học chuyên
nghiệp có trách nhiệm giúp đỡ các địa phương, từng tỉnh hoặc liên tỉnh tổ chức
một số trường cao đẳng để đáp ứng yêu cầu này. Tổ chức tốt sự liên kết giữa các
trường với các địa phương, làm cho các trường đại học, cao đẳng trở thành trung
tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong vùng. Mặt khác, chú ý thực hiện
tốt sự kết hợp giữa cán bộ già và trẻ, kỹ thuật và quản lý.
13. Tăng cường
sự chỉ đạo:
Để thực hiện những nhiệm vụ đề
ra trên đây cần có sự chỉ đạo sát của Thường vụ Hội đồng bộ trưởng và của các Bộ
có liên quan.
Các Bộ, các ngành ở trung ương cần
phân công một thứ trưởng chuyên trách các tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung để
theo dõi sát và chỉ đạo cụ thể, kịp thời, đồng thời cùng các địa phương nghiên
cứu đề nghị Hội đồng bộ trưởng ban hành các chủ trương, chính sách cần thiết giải
quyết kịp thời các yêu cầu của địa phương.
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Văn
phòng Hội đồng bộ trưởng có tổ chức chuyên trách theo dõi việc thực hiện chỉ thị
này, giúp Thường vụ Hội đồng bộ trưởng chỉ đạo có hiệu quả.
Thường vụ Hội đồng bộ trưởng
phân công một đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng trực tiếp phụ trách.
Các địa phương thuộc vùng duyên
hải miền Trung cần cụ thể hoá chỉ thị này thành các chương trình kế hoạch cụ thể.
Hội đồng bộ trưởng tin tưởng rằng,
với truyền thống cách mạng kiên cường, với tinh thần lao động cần cù và sáng tạo,
được sự quan tâm chỉ đạo của trung ương Đảng và Hội đồng bộ trưởng, sự tích cực
giúp đỡ của các Bộ, các ngành ở trung ương, nhất định các tỉnh duyên hải miền
Trung sẽ tạo ra bước phát triển mới nhanh, mạnh, vững chắc, hoàn thành xuất sắc
kế hoạch Nhà nước năm 1983 và kế hoạch 3 năm 1983 - 1985.