THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
171-TTg
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1992
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ VÀ THẤT THOÁT TRONG XÂY DỰNG
CƠ BẢN
Xây dựng cơ bản là lĩnh vực sản
xuất vật chất sử dụng rất nhiều tiền vốn, vật tư và lao động, có liên quan đến
nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều thành phần kinh tế nên việc ngăn chặn lãng phí,
thất thoát và chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản có ý nghĩa hết sức quan trọng
trong tình hình hiện nay.
Nguyên nhân gây thất thoát, lãng
phí tài sản trong xây dựng cơ bản chủ yếu là do cơ chế quản lý các nguồn vốn đầu
tư xây dựng cơ bản chưa chặt chẽ; trình tự xây dựng cơ bản không được chấp hành
nghiêm túc (nhiều dự án đầu tư làm còn sơ sài đã xét duyệt đưa vào kế hoạch đầu
tư xây dựng, nhiều ngành và địa phương còn buông lỏng khâu thẩm tra xét duyệt
thiết kế tổng dự toán, chất lượng công trình); việc ban hành và quản lý đơn giá
định mức xây dựng còn nhiều sơ hở dễ bị lợi dụng, việc mua bán trái phép đất
xây dựng ở nhiều nơi chưa được lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh trước pháp
luật; một số cán bộ làm việc ở các cơ quan trung ương cũng như địa phương thoái
hoá biến chất, phẩm chất sa sút gây nhiều phiền hà cho chủ đầu tư khi thực hiện
các thủ tục quy định trong các khâu quản lý; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh
thiết kế, xây lắp cạnh tranh thiếu lành mạnh, móc ngoặc với chủ đầu tư để mua
bán thầu; không ít đơn vị xây lắp (bên B) muốn có công ăn việc làm phải tìm cách
thoả thuận ngầm phần trăm "tiêu cực phí" hoặc biếu xén quà cáp cho
bên A để được ký hợp đồng giao nhận thầu.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng
lãng phí, thất thoát và tham nhũng trong xây dựng cơ bản đang diễn ra khá phổ
biến và nghiêm trọng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các
ngành, các cấp phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách say đây:
I- TỔ CHỨC KIỂM
TRA VÀ THANH TRA CHẶT CHẼ VIỆC CHẤP HÀNH TRÌNH TỰ XÂY DỰNG CƠ BẢN THEO ĐIỀU LỆ
QUẢN LÝ XÂY DỰNG CƠ BẢN BAN HÀNH NGÀY 7 THÁNG 11 NĂM 1990 (NGHỊ ĐỊNH SỐ
385-HĐBT).
1- Giao trách nhiệm cho Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước kiểm tra thủ tục xây dựng cơ bản đối với
công trình của các ngành và địa phương xin ghi vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ
bản năm 1993. Chỉ những công trình có luận chứng kinh tế - kỹ thuật (hoặc dự án
khả thi) hay báo cáo kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền xét duyệt chặt chẽ
và có đủ thiết kế kỹ thuật kèm theo tổng dự toán mới được ghi vào kế hoạch
chính thức năm 1993 (trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho
phép).
2- Giao trách nhiệm cho Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì kiểm tra việc
cấp đất, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép đăng ký hành nghề thiết kế và
xây lắp trên lãnh thổ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm xử lý ngay những trường hợp cấp mình hoặc cấp dưới cấp
sai quy định của Nhà nước. Đối với những trường hợp tham ô móc ngoặc và mua bán
đất trái pháp luật phải được truy tố và đưa ra toà án xét xử nghiêm minh. Những
vụ việc sai phạm vượt thẩm quyền quyết định xử lý của tỉnh và thành phố, Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3- Nghiêm cấm việc giao nhận thầu
qua nhiều tổ chức trung gian không đủ năng lực hoặc để hưởng tỷ lệ phần trăm
môi giới làm ảnh hưởng đến chất lượng và tăng chi phí bất hợp lý. Giao Bộ Xây dựng
(đối với các công trình trung ương) và sở xây dựng (đối với các công trình địa
phương) tiến hành kiểm tra việc giao nhận thầu và đấu thầu đối với các công
trình đang xây dựng dở dang và sắp xây dựng trong năm 1993. Nếu phát hiện không
hợp lệ hoặc có những dấu hiệu tiêu cực, có quyền yêu cầu cơ quan chủ quản cho
đình chỉ thực hiện các hợp đồng giao nhận xây lắp đã ký kết và chuyển hồ sơ
sang cơ quan thanh tra để tiến hành thanh tra.
4- Những công trình sử dụng vốn
ngân sách và vốn tín dụng Nhà nước đã hoàn thành đưa vào hoạt động trên 6 tháng
mà vẫn chưa làm xong quyết toán, cần phải được Bộ chủ quản cùng Bộ Tài chính tổ
chức thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý. Kết quả thanh tra xong công trình
nào phải báo cáo ngay công trình đó cho Bộ trưởng Bộ Tài chính biết.
5- Tổng Thanh tra Nhà nước có
trách nhiệm chủ trì thành tra các vụ việc tham nhũng lớn trong xây dựng cơ bản
đã phát hiện được nêu trên báo chí. Xử lý nghiêm minh những vụ việc vi pham
pháp luật và công bố kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.
II- KIỆN TOÀN
BỘ MÁY QUẢN LÝ XÂY DỰNG CƠ BẢN VÀ SẮP XẾP LẠI LỰC LƯỢNG XÂY DỰNG.
1- Kiện toàn bộ máy quản lý xây
dựng cơ bản.
- Thủ tướng các ngành các cấp cần
đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản
thuộc ngành hoặc địa phương mình phụ trách. Hình thực tổ chức (Vụ, Ban,
Phòng...) và số lượng biên chế tuỳ thuộc vào quy mô đầu tư và đặc điểm cụ thể của
từng ngành và địa phương nhưng phải bố trí đúng cán bộ có trình độ chuyên môn về
kinh tế, kỹ thuật xây dựng và có phẩm chất đạo đức tốt để làm tham mưu cho lãnh
đạo.
- Phải kiên quyết giảm biên chế
và sắp xếp lại các Ban quản lý công trình hiện nay quá nhiều ở các ngành và địa
phương theo các nguyên tắc sau:
+ Các Bộ lập ban quản lý công
trình theo khu vực xây dựng trong phạm vi một tỉnh hoặc liên tỉnh tuỳ theo diện
hoạt động đầu tư của mình. Chỉ những công trình lớn, quan trọng mới được thành
lập Ban quản lý riêng.
+ ở các địa phương, tuỳ thuộc
vào đặc điểm tình hình của từng địa phương mà tổ chức Ban quản lý công trình
khu vực hay Ban quản lý công trình chuyên ngành (giao thông, thuỷ lợi, dân dụng
công nghiệp).
Bộ Xây dựng có trách nhiệm ra
thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các Ban quản lý công trình phù hợp
với các nguyên tắc trên.
2- Sắp xếp lại lực lượng xây dựng.
Các ngành và các địa phương khẩn
trương sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 388-HĐBT của Hội
đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Bộ Xây dựng có trách nhiệm xem
xét việc cấp giấy phép hành nghề, xác định quy mô và phạm vi hành nghề của các
doanh nghiệp phù hợp với năng lực về kỹ thuật, trang thiết bị và tiền vốn trong
các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, xây lắp. Trong năm 1993, Bộ Xây dựng cần xúc
tiến việc thành lập thử nghiệm các công ty tư vấn xây dựng và kiểm tra chất lượng
công trình.
III- KHẨN
TRƯƠNG XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC BỔ SUNG SỬA ĐỔI VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ
XÂY DỰNG CƠ BẢN.
1- Những việc cấp bách trước mắt
phải làm ngay.
a) Đổi mới cơ chế quản lý các
nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn tín dụng Nhà nước,
làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan kế hoạch, tài chính, ngân
hàng và cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư. Phải xác định cụ thể các đối tượng
được sử dụng nguồn vốn này, quy định chặt chẽ và đảm bảo có hiệu lực về trình tự,
thủ tục nhận vốn, vay vốn, quản lý vốn và thanh quyết toán việc sử dụng các nguồn
vốn đó.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài
chính và ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hoàn thành 2 đề án có liên quan đã
được giao trong thông báo của Văn phòng Chính phủ (Thông báo số 4131-PPLT ngày
14 tháng 9 năm 1992 và Thông báo số 3802-PPLT ngày 25 tháng 8 năm 1992) để
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 1 năm 1993.
b) Bộ Xây dựng nghiên cứu trình
Chính phủ sửa đổi quy định về thẩm tra xét duyệt thiết kế và tổng dự toán để khắc
phục tính hình nhiều chủ quản đầu tư xét duyệt nhưng không có các tổ chức
chuyên môn về kinh tế - kỹ thuật như hiện nay. Bộ Tài chính nghiên cưu trình Thủ
tướng Chính phủ quyết định sớm việc triển khai thành lập các công ty kiểm toán
về xây dựng đề thực hiện thẩm tra dự toán, kiểm tra quyết toán các công trình
xây dựng.
c) Bộ Xây dựng khẩn trương soạn
thảo quy chế mới về đấu thầu xây lắp và quy chế quản lý giá xây dựng, lấy ý kiến
đầy đủ của các ngành, các địa phương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
d) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ
trì cùng Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính soạn thảo quyết định chính thức phân loại
công trình để làm cơ sở cho việc phân cấp xét duyệt dự án đầu tư (luận chứng
kinh tế kỹ thuật) phù hợp với cơ chế quản lý mới trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành trong quý I năm 1993.
2- Xúc tiến làm "Luật Xây dựng".
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm
vụ cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo bộ: "Luật Xây dựng" từ
ngày 7 tháng 11 năm 1990. Trong hai năm 1993-1994 Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối
hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật, khoa học và các Bộ có liên quan tập
trung sức nghiên cứu để hoàn thành trình Quốc hội thông qua.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thủ
tướng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân
các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị này
và định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện.